Diêu Trì Kim Mẫu - Phật Mẫu Diêu Trì - Diêu Trì Địa Mẫu
Nhớ Xưa Mười Tám Tháng Mười
Là Ngày Phân Định Đất Trời Hai Ngôi
Nhân ngày 18 tháng Mười âm lịch, ngày tạo Thiên lập Địa, chúng ta cùng tìm hiểu về sự tích Đức Diêu Trì Địa Mẫu (Phật Mẫu Diêu Trì). Ngài từ đâu đến, xuất xứ các danh hiệu, và quyền năng của ngài. Vì sao nơi thờ phụng Ngài lại gọi là Điện mà không gọi là Đền, cùng nhiều sự tích lý thú khác.
Diêu Trì Kim Mẫu - Phật Mẫu Diêu Trì (Diêu Trì Địa Mẫu).
Kim Mẫu: là từ nói tắt của danh hiệu: Kim Bàn Phật Mẫu, nghĩa là Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung. Kim Bàn hay Kim Bồn là nơi Đức Phật Mẫu chứa các nguyên chất để tạo ra chơn thần cho vạn linh.
* Diêu Trì Kim Mẫu là Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung.
* Phật Mẫu Diêu Trì là Đức Phật Mẫu ở Diêu Trì Cung.
Đây là hai danh hiệu của Đức Phật Mẫu.
I. Đức Phật Mẫu là ai?
Theo Vũ Trụ quan khi chưa có Trời Đất, còn trong thời kỳ Hỗn Mang, trong vũ trụ chỉ có một chất khí hỗn độn, mờ mờ mịt mịt, lặng lẽ vô vi, thanh trược hỗn hợp, nhưng vô cùng huyền diệu, gọi là khí Hư Vô (còn gọi là Tiên Thiên Hư Vô Chi Khí).
Khí Hư Vô ấy lần lần ngưng kết rồi nổ ra một tiếng thật lớn, sanh ra một khối Đại Linh Quang, cũng gọi là Thái Cực, trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hóa, vô tận vô cùng.
Vũ trụ từ đây bắt đầu có một ngôi Thái Cực duy nhứt, là Đại Hồn của một Đấng duy nhứt được gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế mà chúng ta thường gọi là Đức Chí Tôn.
Đức Chí Tôn phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi: Dương Quang và Âm Quang. Đức Chí Tôn chưởng quản Khí Dương Quang, còn Khí Âm Quang chưa có ai chưởng quản, vì Càn khôn Vũ trụ lúc bấy giờ chỉ có một mình Đức Chí Tôn mà thôi. Đức Chí Tôn mới hóa thân ra Đức Phật Mẫu để chưởng quản Khí Âm Quang.
Vậy, nguồn gốc của Đức Phật Mẫu là một hóa thân đầu tiên của Đức Chí Tôn để làm chủ Khí Âm Quang, cầm phân nửa quyền lực của Đức Chí Tôn và luôn luôn tùng theo mạng lịnh của Đức Chí Tôn. (Khi Đức Chí Tôn tạo dựng ra Càn khôn Vũ trụ tới đâu thì Đức Chí Tôn tiếp tục hóa thân ra các Đấng khác để chưởng quản tới đó).
Vũ trụ tới đây đã có 2 khối chất khí vĩ đại là Dương Quang và Âm Quang, và có 2 Đấng đầu tiên cầm quyền Càn khôn
Vũ trụ là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.
Sau đó, Đức Phật Mẫu vâng lịnh Đức Chí Tôn, thâu lằn sanh quang của ngôi Thái Cực, rồi đem Âm Quang phối hợp với Dương Quang để tạo hóa ra các tầng Trời, các quả Tinh Cầu và các Địa Cầu, tạo thành Càn khôn Vũ trụ.
Tiếp theo, Đức Phật Mẫu tạo hóa ra Vạn Linh nơi cõi Thiêng Liêng vô hình. (Vạn Linh gồm đủ Bát Hồn: Kim Thạch Hồn, Thảo Mộc Hồn, Thú Cầm Hồn, Nhơn Hồn, Thần Hồn, Thánh Hồn, Tiên Hồn, Phật Hồn).
Rồi Đức Phật Mẫu lại cho Vạn Linh đầu kiếp xuống các Địa Cầu tạo thành Vạn Vật, tức là Chúng Sanh. (Chúng sanh gồm: Kim Thạch, Thảo Mộc, Thú Cầm, Nhơn Loại).
Phật Mẫu Chơn Kinh:
Bát Hồn vận chuyển hóa thành Chúng Sanh.
* Mỗi một người nơi cõi thiêng liêng đều có 2 thể:
Một Chơn Linh, tức là Linh Hồn, do Đức Chí Tôn ban cho. Chơn Linh nầy chỉ là một điểm Linh Quang do Đức Chí Tôn chiết ra từ khối Đại Linh Quang của Ngài, ban cho mỗi người để con người có được Tánh Linh, có được sự sống và biết gìn giữ sự sống ấy.
Một Chơn Thần, tức là một Xác Thân thiêng liêng hay Hình Hài thiêng liêng, do Đức Phật Mẫu tạo ra và ban cho để làm hình thể vô vi, bao bọc Chơn Linh.
- Do đó, con người nơi cõi thiêng liêng gọi Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ, gọi Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu. Ấy là 2 Đấng CHA MẸ chung thiêng liêng vĩ đại nơi cõi Hư Linh.
- Khi con người ấy đầu kiếp xuống cõi Phàm Trần thì Chơn Linh và Chơn Thần của người ấy liền nhập vào thai nhi ngay lúc được sanh ra từ trong bụng bà mẹ phàm trần. Vậy:
* Một con người nơi cõi phàm trần có 3 thể:
- Chơn Linh (đã giải nghĩa ở trên) do Đức Chí Tôn ban cho.
- Chơn Thần (đã giải nghĩa ở trên) do Đức Phật Mẫu tạo ra.
- Xác Thân phàm trần do cha mẹ phàm trần tạo ra.
Như thế, một con người nơi cõi Phàm Trần, ngoài hai Đấng CHA MẸ Chung Thiêng Liêng, còn có thêm Hai Vị Cha Mẹ Phàm Trần nữa.
- Tóm lại, toàn cả chúng sanh trong Càn Khôn Vũ Trụ hay toàn cả Vạn Linh, đều là con cái của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, dầu cho đó là những vị Phật cao siêu như Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Di-Lạc, Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử, Đức Chúa Jésus, v.v. TẤT CẢ ĐỀU LÀ CON CÁI CỦA ĐỨC CHÍ TÔN VÀ PHẬT MẪU.
- Hiện nay, Đức Phật Mẫu ngự tại Cung Diêu Trì, ở tầng Trời Tạo Hóa Thiên, là tầng Trời thứ 9 trong Cửu Trùng Thiên.
- Theo Di Lặc Chân Kinh, Đức Phật Mẫu cùng các vị Phật: Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chưởng Hậu Phật, Thủ Luân Phật, với Cửu Vị Nữ Phật, và hằng hà sa số chư Phật khác, thường đi đến các cõi trần để dưỡng dục chúng sanh qui nguyên Phật Vị.
- Đức Phật Mẫu được nhơn loại tôn xưng bằng nhiều danh hiệu khác nhau, tùy theo tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc và địa phương, kể ra như sau đây:
- Phật Mẫu, vì là MẸ thiêng liêng của toàn Vạn Linh và Chúng Sanh.
- Diêu Trì Kim Mẫu, vì Đức Phật Mẫu ngự tại Diêu Trì Cung.
- Kim Bàn Phật Mẫu, vì Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung.
- Cửu Thiên Huyền Nữ, vì Đức Phật Mẫu rất huyền diệu, ngự tại tầng Trời Tạo Hóa Thiên là tầng thứ 9 trong Cửu Trùng Thiên.
- Đức MẸ thiêng liêng,
- Đại Từ Mẫu,
- Thiên Hậu,
- Địa Mẫu,
- MẸ sanh.
Đức Phật Mẫu là tôn thờ NGÔI ÂM, tức là Ngôi Thứ Nhì; còn NGÔI DƯƠNG là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, tức Ngôi Thứ Nhất.
Đây là một Triết lý hết sức mới mẻ và đúng đắn mà từ trước tới nay các Tôn Giáo chưa từng có. Họ chỉ biết thờ Ngôi Dương mà thôi.
II. Quyền năng của Đức Phật Mẫu:
Quyền năng to lớn của Đức Phật Mẫu được cho biết trong hai bài kinh: Phật Mẫu Chơn Kinh và Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu, và trong các bài Thánh Ngôn của Đức Phật Mẫu giáng cơ ban cho (Thánh Ngôn của Đức Diêu Trì Kim Mẫu có chép trong phần sau).
Một số quyền năng của Đức Phật Mẫu được biết kể ra như sau:
■ 1. Chủ Âm Quang:
Đức Chí Tôn làm chủ Dương Quang, Đức Phật Mẫu làm chủ Âm Quang, nghĩa là Đức Chí Tôn giao cho Đức Phật Mẫu làm chủ phần Âm trong toàn cả Càn Khôn Vũ Trụ.
Phật Mẫu Chân Kinh:
Chủ Âm Quang thường tùng Thiên Mạng.
■ 2. Chưởng quản Kim Bàn:
Kim Bàn hay Kim Bồn là nơi Đức Phật Mẫu dùng chứa các nguyên chất để tạo Chơn Thần (Xác thân thiêng liêng) cho con người nơi cõi Thiêng Liêng.
Kinh đệ cửu cửu:
Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,
Tạo hình hài các bậc nguyên nhân.
■ 3. Chưởng quản Vườn Đào Tiên:
Đức Phật Mẫu lập ra Vườn Đào Tiên và dùng các quả Đào Tiên ban thưởng cho các Chơn linh tu hành đắc đạo khi trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Phật Mẫu Chân Kinh:
Chưởng Đào Tiên thủ giải trường tồn.
Kinh Đệ nhị cửu:
Tây Vương Mẫu vườn Đào ươm chín,
Chén Trường Sanh có lịnh ngự ban.
Tiệc Hồng đã dọn sẵn sàng,
Chơn Thần khá đến hội hàng Chư Linh.
Hằng năm, đến kỳ Đào Tiên chín, Đức Phật Mẫu mở Hội Yến Bàn Đào nơi Diêu Trì Cung, dùng các quả Đào Tiên và Tiên Tửu, đãi các Đấng Tiên Phật nơi cõi Thiêng Liêng.
■ 4. Tận độ nhơn sanh:
Toàn cả nhơn loại, nhất là 92 ức nguyên nhân đang còn trầm luân nơi Cõi Trần, đều là con cái thương yêu của Đức Phật Mẫu. Đức Phật Mẫu tận dụng các hình thức giáo hóa để cứu độ tất cả con cái của Ngài, đem trở về cõi Thiêng Liêng, giao cho Đức Chí Tôn phán định phẩm tước và ngôi vị.
Phật Mẫu Chân Kinh:
Nghiệp hồng vận tử hồi môn,
Chí Công định vị vĩnh tồn Thiên Cung.
■ 5. Chưởng quản Tạo Hóa Thiên:
Tạo Hóa Thiên là tầng Trời rất huyền diệu, cao nhất trong Cửu Trùng Thiên.
Theo Di Lặc Chân Kinh: "Tạo Hóa Huyền Thiên Hữu: Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chưởng Hậu Phật, Thủ Luân Phật, Dữ Cửu vị Nữ Phật, như thị đẳng hằng hà sa số Chư Phật, tùng lịnh Kim Bàn Phật Mẫu, năng tạo năng hóa Vạn Linh, năng du Ta-bà Thế giới, dưỡng dục quần sanh, qui nguyên Phật Vị.
Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, Thính Ngã Dục Tu phát nguyện: Nam mô Kim Bàn Phật Mẫu dưỡng dục quần linh; nhược hữu sanh, nhược vị sanh, nhược hữu kiếp, nhược vô kiếp, nhược hữu tội, nhược vô tội, nhược hữu niệm, nhược vô niệm, huờn hư thi hình đắc A-Nậu Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề xá lợi tử qui nguyên Phật Vị, tất đắc giải thoát."
Nghĩa là: Tầng Trời Tạo Hóa Thiên huyền diệu có: Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chưởng Hậu Phật, Thủ Luân Phật, cùng với Chín vị Nữ Phật, như các cấp vô số Phật, tuân theo mạng lịnh của Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn, có khả năng tạo hóa tất cả Chơn Linh, có khả năng đi đây đi đó đến các cõi trần, nuôi nấng chăm sóc chúng sanh, trở về nguồn cội là ngôi vị Phật.
Nếu như có người nam lành, người nữ lành, nghe theo lời Ta, muốn tu hành thì phát ra lời nguyện:Nam mô Kim Bàn
Phật Mẫu nuôi nấng chăm sóc tất cả các Chơn linh ; nếu như có sanh ra, nếu như chưa sanh ra, nếu như có kiếp sống, nếu như không có kiếp sống, nếu như có tội, nếu như không tội, nếu như có lòng tưởng niệm, nếu như không có lòng tưởng niệm, trở lại cõi Hư Vô, thi hành đúng theo khuôn phép, được phẩm vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Chơn Thần trở về nguồn cội là ngôi vị Phật, ắt được giải thoát.
Sự tích: Vua Hớn Võ Đế rước Đức Phật Mẫu Diêu Trì:
- Vua Hớn Võ Đế hay Hán Vũ Đế (141-87 trước Tây lịch) là vị vua thứ 5 của nhà Hớn (Hán) bên Tàu, có hùng tài đại lược, nhưng cũng rất tín ngưỡng Trời Phật.
- Khi Hớn Võ Đế mới lên ngôi, Ngài có phát nguyện lập một cảnh chùa thật tráng lệ gọi là HOA ĐIỆN để sùng bái Trời Phật. Gọi là Hoa Điện, vì chùa nầy được chạm khắc hình các thứ hoa trên các vật liệu xây dựng, nên mới trông vào thấy như là một Cung Điện toàn bằng hoa.
- Ngôi chùa lớn lao cực kỳ xinh đẹp như thế, nhưng nhà vua chưa quyết định thờ Đấng nào, chỉ để trống, chủ tâm là chờ đợi đến chừng nào nhà vua thấy được sự huyền diệu hiện ra thì nhà vua mới sùng bái.
- Đến năm Hớn Võ Đế được 61 tuổi, nhà vua tổ chức một Lễ Khánh Thọ Đáo Tuế long trọng, Ngài có sở vọng cầu khẩn thế nào cho có Đức Phật Mẫu giáng xuống chứng lễ, nên nhà vua lập bàn hương án trước sân chùa cầu khẩn ngày đêm, mà không biết Đức Phật Mẫu ngự ở nơi nào và có thấu biết chăng?
- Lúc bấy giờ có Ông Đông Phương Sóc, tu đắc đạo thành Tiên, mà trước kia Ông có làm quan trong triều đình của Hớn Võ Đế, sau về núi tu luyện, đang ngồi tịnh, chợt động tâm, liền đoán biết hiểu rõ mọi việc của Võ Đế nơi triều đình. Ông liền xuống núi, đi đến kinh đô, vào triều đình yết kiến Võ Đế.
- Vua Hớn Võ Đế gặp Đông Phương Sóc thì rất mừng rỡ, thuật hết mọi việc cho Đông Phương Sóc nghe và nói rõ ước vọng của nhà vua nhân cuộc Lễ Khánh Thọ Đáo Tuế là sở cầu Đức Phật Mẫu đến chứng lễ, mà không biết Đức Phật Mẫu ở nơi nào, và nhờ ai đi thỉnh, may mắn có Đông Phương Sóc tới, vậy nhờ khanh giúp trẫm đi thỉnh Đức Phật Mẫu được chăng?
- Ông Đông Phương Sóc tâu rằng: - Bệ Hạ đã định thì hạ thần phục mạng, dầu khổ nhọc thế nào, hạ thần cũng đến Diêu Trì Cung thỉnh Đức Phật Mẫu, nhưng kết quả được cùng chăng là do lòng thành cầu nguyện của Bệ Hạ. Vậy xin Bệ Hạ ban chiếu chỉ cho Thần đi thỉnh.
- Đoạn Đông Phương Sóc lãnh chiếu chỉ ra đi.
- Ông dùng huyền diệu Tiên Gia, chỉ trong chốc lát, Đông Phương Sóc đã đến được Diêu Trì Cung nơi cõi Tạo Hóa Thiên.
- Đông Phương Sóc xin vào yết kiến Đức Phật Mẫu và tâu bày hết các việc của vua Hớn Võ Đế khẩn cầu.
- Đức Phật Mẫu cảm động và phán:
- Phật Mẫu sẽ giáng phàm vào đêm Trung Thu chứng lễ Khánh Thọ của Hớn Võ Đế theo sự khẩn cầu, sẽ đem theo 4 Tiên Đồng Nữ Nhạc đờn ngâm bài chúc thọ, và tặng 4 quả Đào Tiên. Khi Phật Mẫu đến có Thanh Loan báo tin trước.
- Phương Sóc rất vui mừng, bái tạ Đức Phật Mẫu, rồi cấp tốc trở lại trần gian, tâu bày các việc cho Vua Võ Đế biết.
- Nhà Vua rất vui mừng và hỏi: - Thanh loan là gì?
- Đông Phương Sóc đáp:
- Đêm rằm Trung Thu năm đó, trăng sáng vằng vặc, đầu giờ Tý, Hớn Võ Đế quì trước Hoa Điện, thành tâm cầu khẩn.
- Xảy thấy một con chim Thanh Loan đáp xuống sân Hoa Điện. Liền khi đó, Đức Phật Mẫu cùng Cửu Vị Tiên Nương và bốn Tiên Đồng Nữ Nhạc giáng lâm trước Hoa Điện.
- Hớn Võ Đế cung nghinh Đức Phật Mẫu vào ngự nơi Chánh Điện của Hoa Điện.
- Đức Phật Mẫu dạy bốn Tiên Đồng Nữ Nhạc trao tặng cho Hớn Võ Đế 4 quả Đào Tiên và ca ngâm bài chúc thọ. Ông Đông Phương Sóc quì, hai tay nâng cái dĩa lên để rước lộc (rước 4 quả Đào Tiên).
- Bốn vị Tiên Đồng Nữ Nhạc ấy có tên là: Hứa Phi Yến, An Phát Trinh, Đổng Song Thành và Vương Tử Phá.
- Sau khi chứng lễ Đáo Tuế của Vua Hớn Võ Đế xong, Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương và 4 Tiên Đồng Nữ Nhạc cỡi chim Thanh Loan trở về Diêu Trì Cung nơi cõi Thiêng liêng.
- Vua Hớn Võ Đế ghi nhớ hình ảnh của Đức Phật Mẫu và Chín vị Nữ Tiên, cho thợ khéo, tạc hình Đức Phật Mẫu và Chín vị Nữ Tiên nơi Hoa Điện để ghi nhớ sự tích và phụng thờ Đức Phật Mẫu.
Sự tích nầy được truyền tụng đến ngày nay.
Do đó, nơi thờ Đức Phật Mẫu được gọi là ĐIỆN chớ không gọi là ĐỀN.
- Nguyên căn của Hớn Võ Đế là chơn linh Hớn Chung Ly trong Bát Tiên giáng phàm. Nay là thời Hạ Nguơn Tam Chuyển, bước qua Thượng Nguơn Tứ Chuyển, Bát Tiên lãnh lịnh giáng phàm làm tướng soái cho Đức Chí Tôn mở Đạo.
Sau đây là 1 bài thơ được giáng cơ về Đức Phật Diêu Trì Kim Mẫu để đời sau ghi nhớ và phụng thờ:
Nhớ ghi công đức siêu quần,
Xưa kia Kim Mẫu chính cung toàn quyền;
Mười phương phân định trung kiên,
Tám hướng Mẹ dẫn chơn truyềndiệu thâm;
Tháng năm ngày luận giờ lần,
Mười phần Mẹ đất ân cần bồi tô.
Là con là cháu nghĩ sao?
Ngày mà Địa Mẫu phân trao Đất Trời,
Phân ra bốn hướng tám nơi,
Định căn định kiếp, định thời âm dương;
Đất chao, khí quyển phi thường,
Trời thanh yên tịnh khí dương nhẹ nhàng.
Hai bên Thiên Địa vẻ vang,
Ngôi Vua Vị chúa hoàn toàn kỷ cương,
Diêu Cung Mẹ đã lo lường,
Trì Tâm ương chủng lối đường hóa sanh.
Kim Chi ngọc bích trâm anh,
Mẫu Thân Chơn Pháp cội cành huyền linh;
Phân ra tứ hướng phân trình,
Rồi đem nhị khí, rồi sinh hiệp hòa.
Lưỡng toàn Niên Luật Tiên Gia,
Nghi sanh hỏa lộc thượng tòa quang minh,
Nhị Cung tiếp dẫn công trình,
Khí Quang rạng rỡ hóa sinh nhân loài.
Tô Bằng Bửu Pháp cung soi,
Bồi Bằng báu vật trong ngoài vĩnh an;
Địa sanh thảo mộc kiện toàn,
Thiên Nhơn hiệp ý, Thánh Hoàng hiệp dân.
Đến ngày qui pháp đẩu vân,
Nay ta tri nghiệm đức ân điệp trùng.
Huynh Đệ một thịt tín trung,
Đệ là cốt nhục, hiệp tùng ý nhau ;
Tự nhiên tươi thắm muôn màu,
Điền viên sản nghiệp cùng nhau bảo toàn.
Nhớ khi cầu khẩn Mẫu Hoàng,
Ngày giờ tâm niệm, ý thoàn tâm tu,
Kỷ cương quảng pháp Văn Thù,
Niệm tình Mẫu Tử thiên thu ai hoài.
Pháp cao cơ tạo đổi thay,
Quyền uy Trời Đất thâm dày biết bao,
Tâm tuồng minh mẫn thanh cao,
Phong quan phong sắc hoàng trào chiếu phê.
Cổ ai rồi cũng trở về,
Kim thời tu luyện, hậu về Phật Tiên;
Nung là ý chí trung kiên,
Nấu toàn thánh dược trị yên bệnh loàn.
Tận tình tu sữa chỉnh trang,
Lòng yên trí vững khai hoang trí tài,
Đức cao sắc phẩm Như Lai,
Ân sâu sẽ được Cửu Đài chứng tri.
Kim thân nhẹ sắc Diêu Trì,
Mẫu ban chánh pháp hiệp quy đạo đời,
Sắc son ghi tạc muôn nơi,
Phong hòa võ thuận Đất Trời trợ ân,
Tinh quang nhựt nguyệt thánh thần,
Tường tri nhân vật đức âm Diêu Trì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét