Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

HỒNG QUÂN LÃO TỔ


Đức Hồng Quân Lão Tổ – Thái Thượng Lão Quân

* Nguồn gốc

– Khởi nguyên vũ trụ từ Khí Hư Vô phát xuất một khối ánh sáng vĩ đại mang năng lượng vô cùng vô tận gọi là Đại Linh Quang hay Thái Cực Quang hay tạm gọi là Cội Đạo. Lúc bấy giờ, khối ánh sáng ấy phân tánh hóa sinh, biến hiện nên thân ảnh ba vị tận thiện tận mỹ đầu tiên là Đức Hồng Quân Lão Tổ, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và Đức Dao Trì Kim Mẫu.

– Đức Hồng Quân Lão Tổ xuất hiện chính là việc Đạo quang đại phát, chiếu diệu mạnh mẽ, lưu truyền từ cội Đạo vi diệu đến những nơi vô minh tối tăm, chưa có ánh sáng trong vũ trụ bao la vô cùng tận.

…………….
* Các tôn danh của Ngài– Đức Hồng Quân Lão Tổ Cửu Thiên Cảm Ứng Từ Tôn.

– Đức Thái Thượng Đạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.
– Đức Thái Thượng Nguyên Thủy Tam Bảo Hư Hoàng Đạo Quân.
– Đức Thái Thượng Đại Đạo Tam Bảo Hư Hoàng Đạo Quân.
– Đức Thái Thượng Đạo Quân.
– Đức Thái Thượng Lão Quân.
– Đức Hồng Quân Từ Tôn.
– Đức Hồng Quân Lão Tổ.
– Đức Hư Hoàng Đạo Quân.
– Đức Hư Hoàng Đạo Nhân.
– Đức Thái Cực Chân Nhân.
– Đức Hoàng Cực Lão Nhân.
– Đức Hoàng Cực Chân Nhân.
– Đức Lão Tổ.
– Đức Từ Tôn.

…………..
* Hình dáng tôn nghiêm và các tính chất đặc trưng của Ngài

– Đức Lão Tổ thường thị hiện thân ảnh lão nhân râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào tươi sáng, ánh mắt từ bi hiền hòa, luôn nhẹ nhàng mỉm cười với muôn sinh.

– Toàn thân Ngài khoác Đạo bào bạch y tỏa ánh bạch quang tinh khôi thuần khiết. Vầng minh khí ấy vừa dịu mát thân thiện lại làm ấm áp lòng người với những ai hữu duyên được biết đến Ngài, được nhìn thấy ánh sáng từ bi ấy. Ở giữa vầng hào quang ấy luôn biến hiện muôn đóa hoa sen ngũ sắc chớm nở từ hư vô, nhanh chóng đại phát mãn khai, rồi lại tiêu biến trong vầng sáng ấy để những nụ hoa mới lại xuất hiện, sinh động vô cùng.

– Ngài thường mang theo bên mình một chiếc gậy gỗ mộc mạc đơn sơ và một bầu hồ lô chứa linh đơn bên trong.




– Đức Lão Tổ khi xuất hiện trong vũ trụ truyền Đạo, để thuận duyên hóa độ muôn sinh khắp Tam Giới nên tự mình phân tánh hóa sinh, biến hiện nên Tam Thanh. Ba vị Tam Thanh này gọi bổn tôn của mình là Tôn Sư.— Đức Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn
— Đức Thượng Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn
— Đức Ngọc Thanh Linh Bảo Thiên Tôn
* Đức Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn

– Ngài được biết đến với tôn danh là Đức Lão Tử khi có một kiếp giáng trần nơi cõi Hạ Giới này để truyền Đạo Đức Kinh.

Đạo Đức Kinh dạy người tu tâm dưỡng tánh, sống hòa mình vào thiên nhiên, hòa mình với Đạo tự nhiên của Thiên Địa.

– Toàn thân Ngài tỏa ánh Đạo quang là màu vàng rực rỡ. Kim quang ấy là biểu hiện của các yếu tố— Tinh trong Tam Bảo của Thiên.Tinh tú soi sáng khắp cả vũ trụ.
— Phong trong Tam Bảo của Địa.Gió hay không khí chính là nguồn sống của muôn loài, nếu không có không khí thì sự sống không tồn tại được vậy.
— Thần trong Tam Bảo của Nhân.Thần này là linh hồn, lương tâm, là đức từ bi yêu thương, hòa nhã và trường tồn vĩnh cửu.
— Phật trong Tam Bảo của Đạo Pháp.Phật là sự giác ngộ viên mãn, đoạn trừ mọi phiền não, dứt sạch vô minh, tự tại vô nhiễm.

…………..
* Đức Thượng Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn

– Ngài được biết đến là Giáo Chủ của Xiển Giáo từ thuở hỗn độn sơ khai.

– Xiển Giáo truyền bá cho loài người phương thức tu tâm dưỡng tánh, rèn luyện thân thể dưỡng sinh hòa vào thiên nhiên, trở thành Thần Tiên, Tiên Nhân thoát tục, cứu khổ muôn sinh.

– Toàn thân Ngài tỏa ánh Đạo quang màu xanh da trời dịu mát. Thanh quang ấy là biểu hiện tượng trưng cho các yếu tố— Nhật trong tam Bảo của Thiên.Là mặt trời rạng rỡ ấm áp giúp muôn loài sinh trưởng.
— Thủy trong Tam Bảo của Địa.Là nước nguồn tươi mát giúp nuôi dưỡng, duy trì sự sống
— Khí trong Tam Bảo của Nhân.Là trí tuệ minh triết, tư niệm, lòng vị tha, tính cần mẫn và an lạc hỉ xả. Khí cũng là năng lượng gìn giữ thân mạng của chúng sinh hữu hình.
— Pháp trong Tam Bảo của Đạo Pháp.Pháp này là sự vận hành của lý sự trong Tam Giới, giới luật, phương pháp tu luyện để một cá thể trở nên hoàn thiện mình, Chân Thiện Mỹ.

……………
* Đức Ngọc Thanh Linh Bảo Thiên Tôn

– Ngài được biết đến với tôn danh là Thông Thiên Giáo Chủ của Triệt Giáo từ thuở hỗn độn sơ khai.

– Triệt Giáo truyền bá phương thức tu luyện thân tâm, hấp thụ tinh hoa Thiên Địa cho muôn loài bao gồm cỏ cây, sắt đá, cầm thú và con người. Hành giả đạt được trường sinh, hiển hóa thần thông trở thành Thần Tiên cứu độ muôn sinh.

– Toàn thân Ngài tỏa ánh Đạo quang màu đỏ hồng rực rỡ. Xích quang ấy tượng trưng cho các yếu tố— Nguyệt trong Tam Bảo của Thiên.Là mặt trăng tĩnh lặng, phản chiếu ánh sáng từ mặt trời và muôn sao lấp lánh soi sáng giữa màn đêm vô tận.
— Hỏa trong Tam Bảo của Địa.Là lửa ấm áp, hơi nóng sưởi ấm cho muôn loài, giúp thanh tẩy ám khí, tà khí, khử trược.
— Tinh trong Tam Bảo của Nhân.Tinh này là phần thân xác hữu hình hữu hoại, được nuôi dưỡng bằng vật thực với tình thương. Người nhờ có thân làm phương tiện để thực hành Pháp tu tập trở nên trọn lành, trợ duyên cho muôn sinh được thuận lợi.
— Tăng trong Tam Bảo của Đạo Pháp.Tăng là cá thể thực hành Pháp với lòng dũng cảm, sự nghiêm minh gìn giữ giới luật để đạt sự giác ngộ dứt tuyệt vô minh, đoạn trừ phiền não, vô nhiễm. Tăng này hiểu rõ ràng đầy đủ chính là mọi sự tồn tại có ý hướng tu tập để dứt sạch phiền não, vô minh chứ không chỉ riêng hành giả là con người.

Đối với Tam Thể Xác Thân của Người thì ba vị ấy tượng trưng:* Đức Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn – Tượng trưng cho Thần – tức linh hồn trọn lành, Tánh thiên lương, do ánh sáng Thái Cực chiết linh ra, Tâm
* Đức Thượng Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn – Tượng trưng cho Khí – tức trí não tinh thần, trí tuệ, lý trí, do 2 khí Âm Dương trong Thiên Địa hợp thành, Tư Niệm.
* Đức Ngọc Thanh Linh Bảo Thiên Tôn – Tượng trưng cho Tinh – tức thân xác tứ đại, ngũ khí và ngũ hành hợp thành, Cảm Xúc Giác Quan.



Nhiều nơi ghi chú Đức Ngọc Thanh là Nguyên Thủy Thiên Tôn và Đức Thượng Thanh là Linh Bảo Thiên Tôn.
Thực ra 3 chữ Thái-Thượng-Ngọc đã có thể diễn giải được danh từ tôn danh chư vị đi chung.Thái: rất to lớn vĩ đại, chỉ ngôi Thái Cực, Hồn, tâm con người.
Thượng: là bay lên, hướng lên của Khí, ý chỉ sự tinh tấn, học hỏi của Trí. Và Khí năng lượng thì hiển nhiên có trước khi xuất hiện vật chất hữu hình.
Ngọc: quý báu, trân quý, ý chỉ sự sâu lắng, lắng đọng của Khí hiện nên Hình, vật chất hữu hình. Thân người là châu ngọc quý báu vì nhờ có nó mà chúng ta mới có cơ hội học hỏi, trải nghiệm và tinh tấn qua tương tác cụ thể với các lý sự vận hành trong Thiên Địa, nên Ngọc chỉ về Thân..

…………..

* Vạn Giáo Đồng Nguyên

Khắp các cõi giới trong Tam Giới có môn nhân của Xiển Giáo và Triệt Giáo hàng hà sa số. Hành giả, tín giả ngưỡng vọng tâm đức, học hỏi noi theo thiện hành của bậc tôn sư cao trọng đáng kính là ba vị Tam Thanh.

Ba vị Tam Thanh lại có các đại đệ tử ưu tú, là bậc Thượng Tiên, Thiên Tiên đạt thành chánh quả viên mãn cũng không ít, các vị ấy lại mở nên các giáo phái, pháp môn tu tập với phương thức và thiện hành theo con đường thệ nguyện của họ.

Thế nên mới nói, chúng sinh tuy có nhiều tín ngưỡng tôn giáo, pháp môn tu tập nhưng rốt cuộc chung quy lại vẫn là người một nhà, được học Đạo từ Đức Lão Tổ Từ Tôn với một phương thức cốt lõi là tu tâm dưỡng tánh, sống hòa đồng nhân ái với muôn vạn loại sinh linh trong khắp Tam Giới.

……………
* Đức Hồng Quân Lão Tổ, vị thầy từ ái nơi Cửu Thiên

Cửu Thiên Môn là một dòng pháp tu luyện xuất hiện từ khởi nguyên Tam Giới, được Đức Lão Tổ truyền Đạo thiết lập cho muôn vạn loại sinh linh khắp Tam Giới tu tâm dưỡng tánh để về với cội Đạo, nguồn gốc phát sinh nên Tam Giới.

Cửu Thiên Môn lấy sự vận hành của Bát Quái Cửu Cung tương quan với nhau hóa sinh nên vạn loại làm nền tảng thiết lập Cửu Thiên Cung.

Cửu Thiên Cung tọa lạc ở Phi Tưởng Diệu Thiên, liên kết cảm ứng với các Cung, các Động và cõi giới khác chặt chẽ để trợ duyên, độ dẫn muôn sinh linh hữu tình hữu duyên tu tâm dưỡng tánh hồi hướng về cội Đạo.

Chư tín giả, hành giả của Cửu Thiên Môn đều lấy tôn chỉ hòa đồng nhân ái, phụng sự muôn sinh linh làm đề mục trong quá trình tu tâm dưỡng tánh trở nên Chân Thiện Mỹ.

………….
* Câu tâm chú của Đức Lão Tổ


Nam mô Hồng Quân Lão Tổ Cửu Thiên Cảm Ứng Từ Tôn.

Người tín giả, hành giả nào hữu duyên, có tín tâm với việc tu tập khi trì niệm câu này đều sẽ có thể mở lòng mình tăng thêm hòa ái, từ bi, trí tuệ để đối nhân xử thế sao cho hợp lẽ Đạo.

………………….
* Đức Lão Tổ Tán Ca – Cửu Thiên Tâm Kinh

Cao thượng Cửu Trùng Thiên
Bồ đoàn liễu Đạo chân
Thiên Địa huyền hoàng ngoại
Lão đương chưởng giáo tôn
Hư Vô sinh Thái Cực
Lưỡng Nghi Tứ Tượng tuần
Nhất Đạo truyền Tam Hữu
Nhị Giáo Xiển Triệt Phân
Huyền môn đô lãnh tụ
Nhất Khí hóa Hồng Quân.

………………….
* Kinh văn do Đức Lão Tổ truyền dạy:

Hào quang chiếu chín từng mây bạc
Thần, Thánh, Tiên thừa hạc cỡi rồng
Phép linh thiệt rất chí công
Hóa sanh muôn vật, ngưỡng trông phước Trời.

Trên Điện Ngọc Vua Trời ngự giáng
Trước Đền Vàng phán đoán phân minh
Cõi trần, Trung Giới thinh thinh
Phàm gian lao khổ đao binh tai nạn.

Lòng Trời cảm cứu an lê thứ
Độ chúng sanh muôn xứ gội ân
Đạo Nho truyền dạy Nghĩa Nhân
Văn Tuyên Khổng Thánh khuyến dân răn đời.

Ghi các sách ngàn lời để lại
Chép nhiều thơ vạn đại truyền ra
Tây Phương cõi Phật chói lòa
Từ bi Phật Tổ hải hà độ dân.

Lòng cảm xót dương trần lận đận
Ra oai linh tiếp dẫn nhân cầm
Phổ Đà có Phật Quan Âm
Ra công cứu thế, ân thâm đức dày.

Nhiều kiếp đã đầu thai biết mấy
Xuống hồng trần khuyến dạy thương sanh
Lão Quân ứng hóa Tam Thanh
Khuyến răn nhân vật lòng lành chớ xao.

Cơ huyền diệu Đạo Cao minh chánh
Hiển phép mầu ma lánh quỷ kiêng
Trừ yêu có Thánh, Thần, Tiên
Độ duyên sanh chúng về miền Tây Phương.

Oai bốn hướng Thần nhường quỷ sợ
Đức ba giềng tế trợ thương sanh
Hán triều Quan Thánh bia danh
Trung can, nghĩa khí, hiếu sanh giúp đời.

Tuần ba cửa, cõi Trời đều dụng
Xét bốn phương, dân chúng dữ lành
Linh Tiêu Thái Bạch Trường Canh
Vận hành Thiên Luật, dữ lành nhân gian.

Chí từ huệ giúp an lê thứ
Thông rõ đời nhân sự kiết hung
Đại Tiên ở chốn Thiên Cung
Lòng lành thi phú thung dung độ đời.

Ánh xá lợi sáng ngời Cực Lạc
Hiển Kim Thân Bồ Tát hóa duyên
Thiên Cung: Tinh Tú, Thánh, Tiên
Địa Kỳ: Thần Tướng đàn tiền giáng lâm.

Lòng sở vọng lâm râm tụng niệm
Xin giải nạn Nam Thiệm Bộ Châu
Chúng sanh cảm đức cao sâu
Rèn lòng, sửa nết, lo âu làm lành.

Nam mô Hồng Quân Lão Tổ Cửu Thiên Cảm Ứng Từ Tôn (Mật niệm 12 lần).
Nguồn gốc

Phật Tiên Thánh Thần Tán Ca do Đức Thái Thượng Lão Quân giáng cơ vào đầu năm Ất Sửu, 1925, tại đàn cơ Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu). Sau đó Đức Nhiên Đăng Cổ Phật tiếp ban cho tám câu cuối của bài kinh. Như vậy, bốn mươi câu đầu do Đức Thái Thượng giáng cơ, tám câu cuối cùng do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật tiếp ban cho trọn bài. Khi xưa bên Tam Tông Miếu gọi là bài Xưng Tụng Công Đức.

Đến khi mới khai sáng nền Cao Đài Đại Đạo, Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh cử một phái đoàn gồm bốn người:

Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, Giáo Sư phái Thượng Vương Quang Kỳ, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư đến chi Minh Lý để thỉnh sáu bài kinh, trong đó có bài kinh này về làm kinh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Sáu bài kinh đó là:– Niệm Hương.
– Khai Kinh.
– Kinh Sám Hối.
– Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối.
– Kinh Cầu Siêu.
– Phật Tiên Thánh Thần Tán Ca.

Ý nghĩa như tựa bài kinh, mục đích để chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ tụng niệm hầu xưng tụng công đức Chí Tôn và các Đấng Phật Tiên Thánh Thần.Chỉnh biên: Tuyết Liên Tử
Sưu tầm phần nguồn gốc: Thiên Vân – Hiền tài Quách Văn Hòa

Ngoài ra, Bản Cảm Ứng Thiên do Đức Thái Cực Chân Nhân truyền dạy, hay còn gọi là Kinh Nhân Quả cũng được nhiều nơi trì tụng thường xuyên.

……………………………………….

* Đôi điều nhầm lẫn

– Truyền thuyết và tài liệu thường nhầm lẫn Đức Hồng Quân Lão Tổ và Đức Lão Tử là một vị. Do hình ảnh và tôn danh của cả hai vị đều thị hiện là Lão Nhân râu tóc bạc phơ, mang bên mình gậy và hồ lô, khoác đạo bào trắng, là vị truyền Đạo với Pháp khuyên muôn sinh hòa thuận giữa đời, với Thiên Địa. Một vị được gọi là Đức Lão Tử, một vị được gọi là Đức Lão Tổ, thế nên chúng sinh rất dễ nhầm lẫn. Mối quan hệ của hai vị vừa là chiết linh hóa thân, lại mang danh sư đồ.

– Nhân gian thường chỉ biết Đức Lão Tổ có ba vị đệ tử duy nhất là Đức Lão Tử, Đức Nguyên Thủy và Đức Thông Thiên. Hành giả Đạo Gia đều gọi ba vị ấy là tôn sư, lão sư và gọi đức Lão Tổ là tổ sư.
* Ngày lễ vía kỷ niệm Đức Từ Tôn

Ngày mùng 9 tháng 9 Nguyệt Lịch được chọn làm ngày vía kỷ niệm sự truyền bá Đạo Pháp của Đức Từ Tôn trong Tam Giới.

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2023

NGƯỜI PHẬT TỬ HỌC TU TẠI GIA

 


PHPT1 K.I - BÀI THỨ 8: TỤNG KINH, TRÌ CHÚ, NIỆM PHẬT

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 1

Sa môn THÍCH THIỆN HOA

Khóa I: NHÂN THỪA PHẬT GIÁO

Bài thứ 8: TỤNG KINH, TRÌ CHÚ,NIỆM PHẬT 

A. MỞ ĐỀ  

Người Phật tử, nếu chỉ thờ, lạy và cúng Phật, thì cũng chưa có thể được gọi là thuần thành. Người Phật tử thuần thành còn phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Vả lại nếu bỏ qua ba phần sau này, thì ba phần trước là thờ, lạy và cúng khó có thể viên dung cả Sự và Lý được. Vì phần Lý là phần cao siêu khó thực hành, mà nếu chúng ta không tụng kinh, niệm Phật để cho tâm hồn được sáng suốt, tỏ ngộ các lý lẽ sâu xa huyền diệu trong kinh điển, thì chúng ta không làm thế nào để đạt được 4 phép lạy thuộc về Lý là: Phát trí thanh tịnh lễ, biến nhập pháp giới lễ, chánh quán lễ, thật tướng bình đẳng lễ và 5 món diệu hương để cúng Phật là: Giới hương, Ðịnh hương, Huệ hương, Giải thoát hương, Giải thoát tri kiến hương. Và nếu không thực hành được 4 phép lạy về Lý và cúng dường được 5 món diệu hương, thì sự lạy và cúng chỉ là phần "Sự" là phần hình thức, và vì thế, kẻ tín đồ khó có thể tiến được trên đường đạo. Bởi vậy, cùng một lần với thờ, lạy và cúng Phật, chúng ta phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Ðó là những điểm căn bản tối thiểu mà một Phật tử thuần thành không thể bỏ qua được. 

B. CHÁNH ÐỀ 

I. ÐỊNH NGHĨA 

1. Tụng kinh: Tụng là đọc thành tiếng một cách có âm điệu và thành kính. Tụng kinh là đọc một cách thành kính những lời đức Phật đã dạy trong kinh điển, hợp với chân lý và căn cơ của chúng sinh. 

2. Trì chú: Trì là nắm giữ một cách chắc chắn. Chú là lời bí mật của chư Phật mà chỉ có chư Phật mới hiểu được, chứ các hàng Bồ tát cũng không hiểu thấu. Các bài chú đều có oai thần và công đức không thể nghĩ bàn, dứt trừ được nghiệp chướng, tiêu tai giải nạn và tăng trưởng phước huệ, nên cũng gọi là thần chú. 

3. Niệm Phật: Niệm là tưởng nhớ. Niệm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, hình dung Phật và đức hạnh của Phật, để luôn luôn cố gắng noi theo bước chân Ngài. 

II. LÝ DO PHẢI TỤNG KINH - TRÌ CHÚ - NIỆM PHẬT 

1. Vì sao phải tụng kinh? 

Chúng ta sống trong cõi dục, cho nên lòng dục vọng của chúng ta không bao giờ ngừng nghỉ, cho đến trong giấc ngủ, cũng còn chiêm bao cãi lẫy, cười khóc, vui buồn như lúc thức. Trong cảnh mê mờ đầy dục vọng ấy, may thay, đức Phật vì đã thương xót chúng sinh mà truyền dạy những lời vàng ngọc, có thể phá tan màng mây u ám của vô minh và tội lỗi. Nhưng những lời lẽ cao siêu ấy, chúng ta nghe qua một lần , hai lần cũng không thể hiểu thấu và nhớ hết được. Cho nên chúng ta cần phải đọc đi đọc lại mãi, để cho lý nghĩa thâm huyền được tỏa ra, và ghi khắc trong thâm tâm chúng ta, không bao giờ quên được. Ðó là lý do khiến chúng ta phải tụng kinh. 

2. Vì sao phải trì chú? 

Chú có công năng phi thường, nếu người thành tâm trì chú, thì được nhiều hiệu lực không thể tưởng tượng. Chẳng hạn thần chú "Bạt nhứt thế nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh độ đà-la-ni" có hiệu lực tiêu trừ được hết gốc rễ nghiệp chướng, làm cho người được vãng sinh về Tịnh độ. Thần chú "Tiêu tai kiết tường" có hiệu lực làm cho tiêu trừ các hoạn nạn, tai chướng, được gặp những điều lành. Thần chú "Lăng Nghiêm" thì phá trừ được những ma chướng và nghiệp báo nặng nề v.v... Thần chú "Chuẩn Ðề" trừ tà, diệt quỷ. Thần chú "Thất Phật diệt tội" có công năng tiêu trừ tội chướng của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp v.v... Vì thế nên chúng ta phải trì chú. 

3. Vì sao phải niệm Phật? 

Tâm chúng ta bị vô minh làm mờ đục, chẳng khác gì nước bị bùn nhơ làm ngầu đục. Muốn cho nước đục kia hóa ra trong, không có phương pháp nào hay hơn là gia một chút phèn vào, thì các chất dơ bẩn ngầu đục kia dần dần lắng xuống, bấy giờ nước đục trở nên trong sạch. 

Phương pháp niệm Phật cũng vậy, có công năng trừ phá các vọng niệm đen tối ở nơi tâm của chúng ta, làm cho tâm mê muội, mờ ám trở nên sáng suốt, chẳng khác gì chất phèn làm cho nước trở nên trong vậy. 

Vì sao niệm Phật lại làm cho tâm mê muội trở nên trong sáng? 

Vì lý do rất dễ hiểu sau đây: 

Tâm chúng ta rất điên đảo, không bao giờ dừng nghỉ. Kinh thường nói: "Tâm viên, ý mã", nghĩa là "tâm" lăng xăng như con vượn nhảy từ cành nầy qua cành khác, và "ý" như con ngựa chạy lung tung luôn ngày suốt buổi. Làm sao cho tâm ý chúng ta đừng nghĩ xằng bậy? Chỉ có một cách là bắt nó nghĩ những điều tốt lành, hay đẹp. Niệm Phật chính là nhớ nghĩ đến những vị hoàn toàn tốt đẹp, những hành động trong sáng, những đức tánh thuần lương. Càng niệm Phật nhiều chừng nào, thì ít niệm ma chừng ấy. Ma ở đây là tất cả những gì xấu xa đen tối, làm hại mình hại người. Vì thế chúng ta nên luôn luôn niệm Phật. 

III. PHẢI THƯỜNG TỤNG NHỮNG BỘ KINH NÀO, TRÌ CHÚ GÌ VÀ NIỆM DANH HIỆU PHẬT NÀO? 

1. Các kinh thường tụng. 

Phàm là kinh Phật thì bộ nào tụng cũng được cả, vì kinh nào cũng có công năng thù thắng là phá trừ mê mờ, khai mở tâm trí sáng suốt cho chúng sinh, nếu chúng ta chí thành đọc tụng. 

Nhưng vì căn cơ của chúng ta không đến, nên chúng ta phải lựa những bộ kinh nào thích hợp với căn cơ và sở nguyện của chúng ta mà đọc tụng. 

Thông thường, các Phật tử Việt Nam, từ xuất gia cho đến tại gia đều trì tụng những kinh như: Di Ðà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Dược Sư, Ðịa Tạng, Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa v.v... 

Nhiều người có quan niệm, chọn bộ kinh cho thích hợp với mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp để tụng, như lúc: 

a) Cầu siêu thì tụng kinh Di Ðà, Ðịa Tạng, Vu Lan v.v...; 

b) Cầu an thì tụng kinh Phổ Môn, Dược Sư v.v...; 

c) Cầu tiêu tai và giải bịnh thì tụng kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm v.v...; 

d) Cầu sám hối thì tụng Hồng Danh. 

Cái quan niệm lựa chọn như thế cũng có phần hay là làm cho tâm chuyên nhất sẽ được hiệu nghiệm hơn. Nhưng chúng ta không nên quên rằng về mặt giáo lý cũng như về mặt công đức, bất luận một bộ kinh nào, nếu chí tâm trì tụng, thì kết quả cũng đều mỹ mãn như nhau cả. 

2. Các chú thường trì. 

Ở chùa, chư Tăng hằng ngày, trong thời khóa tụng khuya, trì chú Lăng Nghiêm, Ðại Bi, Thập chú hay Ngũ bộ chú v.v... Còn ở nhà, phần nhiều cư sĩ trì chú Ðại Bi và Thập chú, bởi hai lẽ: một là thời giờ ít ỏi, vì còn phải lo sinh sống cho gia đình; hai là chú Lăng Nghiêm đã dài, lại thêm chữ âm vận, trắc trở khó đọc, khó thuộc. Nhưng nếu cư sĩ nào có thể học hết các thần chú, trì tụng được như chư Tăng thì càng tốt. 

3. Các hiệu Phật thường niệm. 

Ðức Phật nào cũng đủ cả 10 hiệu, đồng một tâm toàn giác, từ bi vô lượng, phước trí vô biên, thương chúng sinh vô cùng vô tận, nên chỉ niệm danh hiệu một đức Phật nào cũng đều được cảm ứng đến tất cả chư Phật, công đức cũng đều vô lượng vô biên. 

Nhưng đứng về phương diện trình độ và hoàn cảnh mà luận, thì hiện nay, chúng ta là người ở thế giới Ta-bà, nhằm quốc độ của đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni giáo hóa, lẽ cố nhiên chúng ta phải niệm danh hiệu của Ngài. Dụ như dân chúng ở trong nước nào, phải nhớ nghĩ đến ơn nhà cầm quyền chính trị sáng suốt ở trong nước đó. 

Nếu tín đồ nào tu theo pháp môn Tịnh độ, thì thường ngày phải niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Ðà. Pháp môn này được thành lập do lời dạy sau đây của đức Phật Thích-Ca: "Ở cõi thế giới Ta-bà này, đến thời kỳ mạt pháp, cách Phật lâu xa, chỉ có pháp "Trì danh niệm Phật", cầu vãng sinh về Tây phương cực lạc là quốc độ của đức Phật A Di Ðà, thì dễ tu dễ chứng hơn hết". 

Ngoài ra, cũng có người niệm danh hiệu đức Phật Di Lặc, để cầu sinh về cõi trời Ðâu-Suất; hoặc niệm danh hiệu đức Phật Dược Sư, để cầu cho khỏi tật bịnh. 

Tóm lại, tín đồ phải niệm đủ Tam thế Phật: 

a) Niệm đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, là niệm đức Phật hiện tại, mà cũng là đức Phật giáo chủ của chúng ta. 

b) Niệm đức Phật A Di Ðà, là niệm đức Phật đã thành từ quá khứ xa xưa, mà cũng là đức Phật tiếp dẫn chúng ta về Cực lạc. 

c) Niệm đức Phật Di Lặc, là niệm đức Phật vị lai. 

IV. LỢI ÍCH CỦA SỰ TỤNG KINH - TRÌ CHÚ - NIỆM PHẬT 

1. Lợi ích của sự tụng kinh. 

Những lời giáo hóa trong ba tạng kinh điển của Phật, đều toàn là những lời hiền lành, sáng suốt do lòng từ bi và trí tuệ siêu phàm của Phật nói ra. Kinh Phật, vì thế, có phần siêu việt hơn tất cả những lời lẽ của thế gian. Nếu chúng ta chí tâm trì tụng, chắc chắn sẽ được nhiều lợi ích cho mình, cho gia đình và những người chung quanh: 

a) Cho mình: Lúc tụng niệm, hành giả đem hết tâm trí chí thành đặt vào văn kinh để khỏi sơ suất, nên sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều thâu nhiếp lại một chỗ. Chăm lo tụng kinh, nên ba nghiệp của thân, khẩu, ý không còn móng khởi lên mười điều ác nữa, mà chỉ ghi nhớ những lời hay, lẽ phải. 

b) Cho gia đình: Trước khi sắp sửa tụng kinh, những người trong nhà đều dứt các câu chuyện ngoài đời và khách hàng xóm đến ngồi lê đôi mách cũng tự giải tán. Trong gia đình nhờ thế được thanh tịnh, trang nghiêm, hòa thuận. 

c) Cho người chung quanh: Trong những lúc đêm thanh canh vắng, lời tụng kinh trầm bổng theo với tiếng mõ nhịp đều, tiếng chuông ngân nga, có thể đánh thức người đời ra khỏi giấc mê, đưa lọt vào tai kẻ lạc lối những ý nghĩa thâm huyền, những lời khuyên dạy bổ ích, chứa đựng trong kinh điển mà hành giả đang tụng. 

Như vậy rõ ràng tụng kinh chẳng những có lợi ích cho mình, cho gia đình, mà còn cho những người chung quanh nữa. Ðó là mới nói những điều ích lợi thông thường có thể thấy được, ngoài ra tụng kinh còn có những điều lợi ích, linh nghiệm lạ thường, không thể giải thích được, ai tụng sẽ tự chứng nghiệm mà thôi. 

2. Lợi ích của sự trì chú. 

Các thần chú tuy không thể giải nghĩa ra được, nhưng người chí tâm thọ trì, sẽ được công hiệu thật là kỳ diệu, khó có thể nghĩ bàn, như người uống nước ấm, lạnh thì tự biết lấy. 

Có thể nói: Một câu thần chú, thâu gồm hết một bộ kinh, vì vậy, hiệu lực của các thần chú rất phi thường. Khi gặp tai nạn, nếu thực tâm trì chú, thì mau được giải nguy. Như thuở xưa, Ngài A-Nan mắc nạn, Ðức Phật liền nói thần chú Lăng Nghiêm, sai ngài Văn-Thù Sư-Lợi đến cứu, thì Ngài A-Nan liền được thoát nguy. 

Ngày nay có nhiều trường hợp mà người thành tâm niệm chú thấy được hiệu nghiệm rõ ràng. Theo lời bác sĩ Thiện Thành nói lại, thì vào năm 1946, giữa lúc loạn ly, bác sĩ ở trong một vùng rừng sâu, núi hiểm tại Trung Việt. Một lần bác sĩ bị một chứng bịnh nan y, mặc dù lương dược Ðông, Tây sẵn có trong tay, cũng không làm sao trị được. Bác sĩ tưởng sẽ bỏ mình trong xóm người sơn cước, không ngờ lúc còn ở dưới mái nhà cha mẹ, thường đêm nghe thân phụ trì chú "Công Ðức Bảo Sơn", bác sĩ liền đem thần chú ấy ra áp dụng. Trong lúc ấy, các người nuôi bịnh cũng xúm lại hộ niệm cho bác sĩ suốt đêm. Sáng hôm sau, quả thật bác sĩ lành mạnh trở lại một cách dễ dàng, làm cho tất cả các bạn đồng nghiệp đều ngạc nhiên. 

3. Lợi ích của sự niệm Phật. 

Niệm Phật công đức lại còn to lớn hơn nữa, vì một câu niệm Phật có thể gồm thâu cả 3 tạng kinh điển, hết thảy thần chú, cùng là các pháp viên đốn, như tham thiền, quán tưởng v.v... 

Ðức Phật Thích-Ca Mâu-Ni có dạy rằng: "Sau khi Phật nhập diệt, về thời kỳ mạt pháp, đến kiếp hoại, các kinh sẽ bị tiêu diệt hết, chỉ còn kinh Di Ðà lưu truyền lại độ trăm năm rồi cũng diệt luôn. Lúc bấy giờ chỉ còn một câu niệm Phật gồm 6 chữ "Nam mô A Di Ðà Phật", mà đủ năng lực đưa chúng sinh về cõi Cực lạc". 

Lời Phật nói không sai, bằng chứng là có nhiều nhân vật chuyên trì một câu niệm Phật, mà biết được ngày giờ và thấy được điềm lành trước khi vãng sinh. Như ngài Tổ Huệ Viễn, trong mười năm niệm Phật, ba lần thấy đức A-Di Ðà rờ đầu; trong hội Liên xã, có 123 người chuyên tu phép "Trì danh niệm Phật", đều lần lượt được Phật rước về cõi Tịnh độ. Gần đây ở Nam phần Việt Nam, vào năm 1940, có 3 vị sĩ quan Pháp là đại úy Touffan, trung úy Retourna, thiếu úy Brillant đồng lái một chiếc thủy phi cơ bay từ đảo Côn Lôn về Sài Gòn. Giữa đường, chiếc phi cơ hư, rơi xuống biển. Thiếu úy Brillant (người Pháp lai Việt) niệm Phật cầu cứu. Chiếc thủy phi cơ lững đững trên mặt biển suốt ba giờ đồng hồ, mới gặp một chiếc tàu đánh cá của người Nhật đến cứu. Khi ba vị sĩ quan vừa bước sang tàu, thì chiếc thủy phi cơ chìm ngay xuống biển. Ai nấy đều lấy làm lạ, hỏi nhau: Tại sao khi nãy có 3 người ngồi nặng, phi cơ lại nổi, mà bây giờ không có người nó lại chìm ngấm? Chỉ có thiếu úy Brillant mới giải thích được sự lạ lùng ấy. Ông kể lại cho mọi người nghe sự linh ứng của pháp niệm Phật mà ông thường áp dụng, và lần nầy là lần thứ hai ông được thoát nạn nhờ phép niệm Phật ấy. Ðại úy Touffan và trung úy Retourna hết lòng tin tưởng, nên khi về đến Sài Gòn, hai vị sĩ quan ấy chung nhau một số tiền, cất một cái am đẹp đẽ ở Cát Lái, làng Thạnh Mỹ Lợi, tỉnh Gia Ðịnh để thờ Phật gọi là tỏ lòng tri ân. Ðây chỉ là một câu chuyện trong muôn ngàn câu chuyện về sự lợi ích của phép niệm Phật. 

C. KẾT LUẬN 

Khuyên Phật tử tụng kinh, niệm Phật và trì chú cả Sự lẫn Lý cho được viên dung. 

Tụng kinh, trì chú, niệm Phật là 3 phương pháp tu hành gồm đủ cả Sự và Lý. Dù tại gia hay xuất gia, dù Tiểu thừa hay Ðại thừa, tiêu cực hay tích cực, không ai có thể rời ba phương pháp nầy được. Bởi thế, Phật tử cần phải học tụng kinh, niệm Phật và trì chú cho Sự, Lý đi đôi, lời nói và việc làm phù hợp, mới có được kết quả tốt đẹp. 

Ba pháp môn tụng kinh, trì chú và niệm Phật, tuy không đồng mà kết quả đều thù thắng. Phật tử có thể tùy theo trình độ, hoàn cảnh của mình mà tu một, hai hay cả ba pháp ấy. Thí dụ như người biết chữ và mạnh khoẻ, công ăn việc làm hằng ngày không bận rộn lắm, thì nên tụng kinh, trì chú, niệm Phật đủ cả ba pháp môn. Còn người tuổi già, sức yếu, mắt lờ, răng rụng, miệng lưỡi phều phào, thân thể mỏi mệt, nếu tụng kinh, trì chú không nổi, thì phải chuyên tâm niệm Phật, đi đứng nằm ngồi, lúc nào cũng phải niệm Phật. 

Nhưng các Phật tử nên nhớ, khi miệng tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tay gõ mõ, đánh chuông, lần chuỗi, thì tâm trí phải gội rửa hết bao ý nghĩ bất chính, những ham muốn đê hèn, và đặt vào đấy hình ảnh của đấng từ bi. Rồi phải noi gương Ngài, mở lòng thương rộng lớn, nghĩ đến nỗi thống khổ của muôn loài và phát nguyện đem sức mình ra, ban vui cứu khổ cho tất cả. Ðến khi thôi tụng niệm, trở lại tiếp xúc việc đời, thì phải làm thế nào cho những hành động của mình cũng được từ bi như tư tưởng và lời nói của mình vậy. 

Người tụng kinh trì chú và niệm Phật, làm đúng như thế, thì chắc chắn sẽ được chứng quả thánh không sai.

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

THIÊN TÂM ĐẠO CHÚ LĂNG NGHIÊM niệm tại nhà

THIÊN TÂM ĐẠO CHÚ LĂNG NGHIÊM các đồng đạo học

THIÊN TÂM ĐẠO MIỀN TRUNG CHÚ LĂNG NGHIÊM

THIÊN TÂM ĐẠO MIỀN BẮC CHÚ LĂNG NGHIÊM

THIÊN TÂM ĐẠO MIỀN NAM CHÚ LĂNG NGHIÊM

THIÊN TÂM ĐẠO CHÚ LĂNG NGHIÊM do đạo tràng tụng

THIÊN TÂM CHÚ LĂNG NGHIÊM

Chú Lăng Nghiêm mang đến cuộc sống thịnh vượng

Chú Lăng Nghiêm mang đến hạnh phúc bình an

Chú Lăng Nghiêm mang đến sức khoẻ an lành

Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Chú Lăng Nghiêm - Miền Nam Sài Gòn tụng trì

Chú Lăng Nghiêm - Miền Trung Huế tụng trì

Chú Lăng Nghiêm - Miền Bắc Hà Nội tụng trì

Thần Chú của Đức Quán Âm Đại Bi Tâm Đà Ra Ni

Mười Thần Chú Niệm được Phước báu

Thần Chú Thiên Thiên Nữ

Thần Chú Vãng Sanh Tịnh Độ

Thần Chú Thất Phật Diệt Tội

Thần Chú Quán Âm Linh Cảm

Thần Chú Dược Sư Quán Đảnh

Thần Chú Vô Lượng Thọ Quang Minh Vương

Thần Chú Phật Mẫu Chuẩn Đề

Thần Chú Công Đức Bảo Sơn

Thần Chú Tiêu Tai Cát Tường

Thần Chú Như Ý Bảo Luân Vương

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2023

Chú Đại Bi (phiên âm việt)

Thập Chú (10 chú niệm hàng ngày)

Thiện Nữ Thiên Chú (Thập Chú)

Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú (Thập Chú)

Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn (Thập Chú)

Quán Âm Linh Cảm Chơn Ngôn (Thập Chú)

Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn (Thập Chú)

Thánh Vô Lượng Thọ Quang Minh Vương Đà La Ni (Thập Chú)

Phật Mẫu Chuẩn Đề Thần Chú (Thập Chú)

Công Đức Bảo Sơn Thần Chú (Thập Chú)

Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú (Thập Chú)

Như Ý Bảo Luân Vương Đà Ra Ni (Thập Chú)

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

Chú Lăng Nghiêm - Thiên Tâm Đạo

Chú Lăng Nghiêm - Thiên Tâm Đạo

Chú Lăng Nghiêm - Thiên Tâm Đạo

Chú Lăng Nghiêm - Thiên Tâm Đạo

KHẮP MỌI NƠI ĐỀU TRÌ TỤNG CHÚ LĂNG NGHIÊM - Shurangama Mantra

KHẮP MỌI NƠI ĐỀU TRÌ TỤNG CHÚ LĂNG NGHIÊM - Shurangama Mantra

KHẮP MỌI NƠI ĐỀU TRÌ TỤNG CHÚ LĂNG NGHIÊM - Shurangama Mantra

Chú Lăng Nghiêm

Phật Mẫu - Chú Lăng Nghiêm

Chú Lăng Nghiêm

Cô cô Chính

Lạy Cha Ngọc Hoàng

Thờ Cha Kính Mẹ

Mẹ vũ trụ

Lạy Phật Mẫu

Đức Cha Ngọc Hoàng

Ngọc Hoàng Thượng Đế

Đức Chí Tôn

PÊĐÊ niệm Chú Đại Bi được Phật Gia Hộ cuộc sống may mắn

PÊĐÊ niệm Thập Chú (10 chú niệm hàng ngày)

PÊĐÊ niệm chú Thiên Thiên Thiện Nữ (Thập Chú)

PÊĐÊ niệm chú Vãng Sanh Tịnh Độ (Thập Chú)

PÊĐÊ niệm chú Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn (Thập Chú)

PÊĐÊ niệm chú Quán Âm Linh Cảm Chơn Ngôn (Thập Chú)

PÊĐÊ niệm chú Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn (Thập Chú)

PÊ ĐÊ niệm chú Thánh Vô Lượng Thọ Quang Minh Vương (Thập Chú)

PÊ ĐÊ niệm chú Phật Mẫu Chuẩn Đề (Thập Chú)

PÊĐÊ niệm chú Công Đức Bảo Sơn (Thập Chú)

PÊĐÊ niệm chú Tiêu Tai Cát Tường (Thập Chú)

PÊĐÊ niệm chú Như Ý Bảo Luân Vương Đà Ra Ni (Thập Chú)