Kinh Hoa Nghiêm – Mở Đề
Kinh Hoa Nghiêm
Đại Phương Quảng Phật
giảng giải
Hòa Thượng TUYÊN HÓA
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh
Giới thiệu sơ lược về bảy nơi, chín hội, ba mươi chín phẩm. Bộ Kinh nầy gồm có 45 phẩm Kinh văn, nhưng chỉ dịch ra được 39 phẩm, gồm 80 quyển.
Hội thứ nhất thì nói về “tin nhân quả”.
Từ hội thứ hai đến hội thứ sáu thì nói về “sai biệt nhân quả”.
Hội thứ bảy thì nói “bình đẳng nhân quả”.
Hội thứ tám thì nói “thành hạnh nhân quả”.
Hội thứ chín thì nói “chứng nhập nhân quả”.
Hội thứ nhất có 11 quyển là: Cử quả hoan lạc sinh tín phần. Từ hội thứ hai đến hội thứ bảy cộng lại có 41 quyển là: Tu nhân khế quả sinh giải phần. Hội thứ tám có 7 quyển là: Thác pháp tiến tu thành hạnh phần. Hội thứ chín có 21 quyển là: Y nhân chứng nhập thành đức phần.
Hội thứ nhất tại Bồ Ðề Ðạo Tràng. Hội nầy nói sáu phẩm:
1. Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm.
2. Phẩm Như Lai Hiện Tướng.
3. Phẩm Phổ Hiền Tam Muội.
4. Phẩm Thế Giới Thành Tựu.
5. Phẩm Thế Giới Hoa Tạng.
6. PhẩmTỳ Lô Giá Na.
Hội thứ nhì ở tại Ðiện Phổ Quang Minh. Hội nầy nói sáu phẩm:
7. Phẩm Danh Hiệu Như Lai.
8. Phẩm Bốn Thánh Ðế.
9. Phẩm Quang Minh Giác.
10. Phẩm Bồ Tát Vấn Minh.
11. Phẩm Tịnh Hạnh.
12. Phẩm Hiền Thủ.
Trên đây là mười hai phẩm diệu pháp nói ở tại nhân gian.
Hội thứ ba ở tại Ðiện Diệu Thắng trên cung trời Ðao Lợi. Hội nầy cũng nói sáu phẩm.
13. Phẩm Thăng Lên Ðỉnh Tu Di.
14. Phẩm Kệ Tán Tu Di.
15. Phẩm Thập Trụ.
16. Phẩm Phạm Hạnh.
17. Phẩm Công Ðức Ban Ðầu Phát Tâm.
18. Phẩm Minh Pháp.
Hội thứ tư ở tại Ðiện Bảo Trang Nghiêm, cung trời Dạ Ma. Hội nầy nói bốn phẩm.
19. Phẩm Thăng Lên Trời Dạ Ma.
20. Phẩm Kệ Tán Dạ Ma.
21. Phẩm Thập Hạnh.
22. PhẩmThập Vô Tận Tạng.
Hội thứ năm ở tại Ðiện Nhất Thiết Diệu Bảo Trang Nghiêm, cung trời Ðâu Suất. Hội nầy nói ba phẩm.
23. Phẩm Thăng Lên Trời Ðâu Suất.
24. Phẩm Kệ Tán Ðâu Suất.
25. Phẩm Thập Hồi Hướng.
Hội thứ sáu ở tại Ðiện Ma Ni Bảo Tạng, cung trời Tha Hoá Tự Tại. Hội nầy chỉ nói một phẩm.
26. Phẩm Thập Ðịa.
Trên đây là mười bốn phẩm diệu pháp nói ở trên Thiên cung.
Hội thứ bảy ở tại Ðiện Phổ Quang Minh. Hội nầy nói mười một phẩm:
27. Phẩm Thập Ðịnh.
28. Phẩm Thập Thông.
29. Phẩm Thập Nhẫn.
30. Phẩm A Tăng Kỳ.
31. Phẩm Thọ Lượng.
32. Phẩm Bồ Tát Trụ Xứ.
33. Phẩm Phật Bất Tư Nghị Pháp
34. Phẩm Thập Thân Tướng Hải.
35. Phẩm Tuỳ Hảo Quang Minh.
36. Phẩm Hạnh Phổ Hiền.
37. Phẩm Như Lai Xuất Hiện.
Hội thứ tám tại Ðiện Phổ Quang Minh. Hội nầy chỉ nói một phẩm
38. Phẩm Lìa Thế Gian.
Hội thứ chín ở tại Rừng Thệ Ða. Hội nầy chỉ nói một phẩm:
39. Phẩm Vào Pháp Giới.
Mở Đề
Bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy còn gọi là Kinh Pháp Giới, cũng gọi là Kinh Hư Không, tận hư không khắp pháp giới, chẳng có một nơi nào mà chẳng có Kinh Hoa Nghiêm ở đó. Chỗ ở của Kinh Hoa Nghiêm tức cũng là chỗ ở của Phật, cũng là chỗ ở của Pháp, cũng là chỗ ở của Hiền Thánh Tăng. Cho nên khi Phật vừa mới thành chánh giác, thì nói bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy, để giáo hoá tất cả pháp thân Ðại Sĩ . Vì bộ Kinh nầy là Kinh vi diệu không thể nghĩ bàn, do đó bộ Kinh nầy được bảo tồn ở dưới Long cung, do Long Vương bảo hộ giữ gìn. Về sau do Ngài Bồ Tát Long Thọ, xuống dưới Long cung đọc thuộc lòng và ghi nhớ bộ Kinh nầy, sau đó lưu truyền trên thế gian.
Bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy, cũng như vầng mây cát tường ở trong hư không, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, như mưa pháp cam lồ, thấm nhuần hết thảy tất cả chúng sinh. Bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy, cũng như ánh sáng mặt trời, chiếu khắp đại thiên thế giới, khiến cho tất cả chúng sinh đều được ấm áp. Kinh Hoa Nghiêm nầy cũng như đại địa, làm sinh trưởng tất cả vạn vật. Cho nên, có Kinh Hoa Nghiêm tồn tại, thì có thể nói là thời kỳ chánh pháp trụ lâu dài. Mỗi ngày chúng ta giảng giải Kinh Hoa Nghiêm, nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm, quan trọng là phải y chiếu nghĩa lý Kinh điển mà tu hành, phải dùng Kinh để đối trị bệnh tật của thân tâm chúng ta. Tự thân chúng ta có tâm tham, khi nghe được Kinh Hoa Nghiêm, thì nên trừ khử tâm tham; có tâm sân, khi nghe được Kinh Hoa Nghiêm, thì nên trừ khử tâm sân; có tâm ngu si, khi nghe được Kinh Hoa Nghiêm, thì nên trừ khử tâm ngu si.
Ðạo lý của bộ Kinh nầy, là đối trị tập khí mao bệnh của chúng ta. Ðừng cho rằng những gì nói trong Kinh, chỉ vì Bồ Tát mà nói, đối với chúng ta chẳng có quan hệ gì, hoặc là pháp nói cho các bậc A La Hán, đối với chúng ta chẳng có quan hệ gì, chúng ta phàm phu nghe bộ Kinh nầy chỉ là nghe thôi, tự biết làm không được cảnh giới của các bậc Thánh nhân. Nếu bạn nghĩ như thế thì, đó là tự hại mình, tự vứt đi, tự dứt tuyệt nơi Thánh nhân.
Mỗi câu Kinh Hoa Nghiêm đều là Pháp Bảo vô thượng, nếu chúng ta cung hành thực tiễn, y chiếu nghĩa lý Kinh văn tu hành, thì nhất định sẽ thành Phật. Cho nên, Kinh Hoa Nghiêm cũng có thể nói là mẹ của chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm là pháp thân của chư Phật. Ðức Phật tán thán Kinh Kim Cang rằng: “Phàm là chỗ nào có Kinh điển thì chỗ đó có Phật”. Chỗ nào có bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy thì có Phật tại chỗ đó, bất quá nghiệp chướng của bạn quá sâu nặng, đối diện mà cũng chẳng thấy Phật, do đó có câu:”Ðối diện bất thức Quán Thế Âm” (Ðối diện chẳng nhận ra Bồ Tát Quán Thế Âm). Các bạn thấy vị Bồ Tát Quán Thế Âm nầy, ngàn tay ngàn mắt, luôn luôn phóng ra quang minh vô ngại, chiếu khắp tất cả chúng sinh có duyên trong ba ngàn đại thiên thế giới. Thế mà chúng ta hằng ngày lễ Phật tại đây, niệm Phật, lạy Bồ Tát Quán Âm, niệm Bồ Tát Quán Âm, cũng chẳng thấy Bồ Tát Quán Âm, mà thành ra bắt chước, tức là họ lạy, ta cũng lạy theo, họ niệm ta cũng niệm theo, đó là cảnh giới chuyển theo người, mà chẳng chân chánh trở về trong thâm tâm của mình.
Hằng ngày ta lạy Bồ Tát Quán Thế Âm, niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, ta nên làm như thế nào? Phải chăng ta có nhiều sân hận? Phải chăng chứng tật cũ ta không sửa đổi? Như thế thì bạn lạy đến hết thuở vị lai, bạn cũng chẳng thấy được Bồ Tát Quán Thế Âm. Nếu bạn cải ác hướng thiện, chân chánh trừ khử tập khí mao bệnh, sửa lỗi làm con người mới, thì nhất định Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ gia bị cho bạn. Cho nên có người tu rất nhiều năm, một chút trí huệ cũng không khai mở, có người tu hành chẳng bao lâu thì khai mở trí huệ, đắc được biện tài vô ngại. Do đó, chúng ta là người xuất gia, phải siêng tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si, cử chi hành động đều phải hồi quang phản chiếu, tu hành như thế mới có tiến bộ.
Chúng ta giảng Kinh Hoa Nghiêm, nghe Kinh Hoa Nghiêm, lạy Kinh Hoa Nghiêm, tụng Kinh Hoa Nghiêm, nhưng không y chiếu đạo lý Kinh Hoa Nghiêm mà thực hành thì Kinh là Kinh, bạn là bạn, ta là ta, chẳng có chút nào hợp mà làm một. Chúng ta phải hợp với Kinh điển mà làm một, chiếu theo đạo lý trong Kinh điển mà thực hành, tức là hợp mà làm một; bạn không chiếu theo Kinh điển mà thực hành thì tâm từ bi cũng chẳng đủ, tâm hỷ xả cũng không nhiều, chỉ có vô minh phiền não theo mình, đó là chẳng hiểu được Kinh, cũng chẳng nghe được Kinh. Nghe được Kinh câu nào thì nghĩ xem: ta làm thế nào để thực hành? Phải chăng ta chạy theo thói hư tật xấu? Hay là chiếu theo Kinh điển mà tu hành? Thường thường tự hỏi mình thì chắc chắn sẽ đắc được lợi ích. Tại sao chẳng đắc được lợi ích lớn? Vì bạn xem Kinh là Kinh, đối với ta chẳng có quan hệ gì. Thật ra, lúc ban đầu đức Phật nói Kinh Hoa Nghiêm cũng vì bạn, tôi và tất cả chúng sinh mà nói, đó là Phật đối với chúng ta mà nói. Chúng ta nghe Kinh văn nầy, cũng như chính tai chúng ta nghe đức Phật nói đạo lý nầy, dạy chúng ta y chiếu theo pháp môn nầy mà tu hành.
Bất cứ pháp gì, cũng đều không ra khỏi tự tánh của mỗi chúng ta. Tự tánh của chúng ta, cũng là tận hư không khắp pháp giới. Cho nên, nếu bạn phóng tâm lượng rộng lớn, thì bạn sẽ hợp với Kinh Hoa Nghiêm mà làm một, song, hai mà chẳng phải hai. Ai ai cũng đều y theo cảnh giới Hoa Nghiêm làm cảnh giới của mình, lấy đạo lý vô lượng vô biên, trí huệ vô lượng vô biên của Kinh Hoa Nghiêm, thu nhiếp làm trí huệ của mình. Bạn xem ! Như vậy rộng lớn biết dường nào !
Dẫn Nhập
Bộ Kinh Hoa Nghiêm Ðại Phương Quảng Phật nầy, khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cội bồ đề, vừa mới thành chánh giác, không rời khỏi toà ngồi mà ở trong định đến bảy nơi (ba nơi tại nhân gian, bốn nơi ở tại Thiên cung), vì các bậc đại thiện căn viên đốn, mà nói tự thân chứng được pháp môn viên đốn, đi thẳng vào đạo lý pháp giới, trải qua chín hội trong vòng hai mươi mốt ngày, thì nói xong bộ Kinh không thể nghĩ bàn nầy. Bộ Kinh nầy gồm có 45 phẩm Kinh văn, nhưng chỉ dịch ra được 39 phẩm, gồm 80 quyển. Trong mỗi hội Ðức Phật đều phóng quang, đại biểu nói Hoa Nghiêm pháp lớn. Quang minh là biểu thị cho trí huệ, gia bị cho tất cả chúng sinh, đều đắc được lợi ích Phật Pháp.
Bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy từ đầu cho đến cuối, đều nói đạo lý năm vòng nhân quả.
Hội thứ nhất thì nói về “tin nhân quả”.
Từ hội thứ hai đến hội thứ sáu thì nói về “sai biệt nhân quả”.
Hội thứ bảy thì nói “bình đẳng nhân quả”.
Hội thứ tám thì nói “thành hạnh nhân quả”.
Hội thứ chín thì nói “chứng nhập nhân quả”.
Ngài Thanh Lương Quốc Sư đem hết toàn bộ Kinh 80 quyển phân làm bốn phần. Hội thứ nhất có 11 quyển là: Cử quả hoan lạc sinh tín phần. Từ hội thứ hai đến hội thứ bảy cộng lại có 41 quyển là: Tu nhân khế quả sinh giải phần. Hội thứ tám có 7 quyển là: Thác pháp tiến tu thành hạnh phần. Hội thứ chín có 21 quyển là: Y nhân chứng nhập thành đức phần.
Hội thứ nhất tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, vị trí ở hướng tây cách thành Vương Xá nước Ma Kiệt Ðà khoảng hai trăm dặm, nay tức là Bodh Gaya. Hội nầy Ðức Phật phóng quang minh giữa lông mày, biểu thị quang minh của Phật chiếu khắp hết thảy mọi nơi, khiến cho tất cả chúng sinh đến nghe pháp lớn. Lại phóng quang minh ở răng, biểu thị khiến cho chúng sinh nếm được pháp vị. Bộ Kinh nầy là mười phương chư Phật đều nói, cho nên trong các hội, phần nhiều là mười phương chư Phật gia bị cho Bồ Tát nói. Hội nầy là mười phương chư Phật gia trì cho Bồ Tát Phổ Hiền nói, Bồ Tát Phổ Hiền làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Ðức Phật mà nói: y, chánh hai báo trang nghiêm Phật quả, phát triệt tâm tín ngưỡng của chúng sinh.
Hội nầy nói sáu phẩm:
1. Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm.
2. Phẩm Như Lai Hiện Tướng.
3. Phẩm Phổ Hiền Tam Muội.
4. Phẩm Thế Giới Thành Tựu.
5. Phẩm Thế Giới Hoa Tạng.
6. PhẩmTỳ Lô Giá Na.
Sáu phẩm nầy là vòng tin nhân quả, là “quả cử hoan lạc sinh tín phần”.
Hội thứ nhì ở tại Ðiện Phổ Quang Minh. Hội nầy ở phía đông nam cây bồ đề, khoảng ba dặm trong khúc eo sông Ni Liên Thiền, là do các Long Vương vì Ðức Phật mà tạo nên. Ðức Phật phóng quang chiếu khắp mười phương vô biên thế giới, nên tên là Ðiện Phổ Quang Minh. Trong hội nầy Ðức Phật phóng quang dưới hai bàn chân, biểu thị khiến cho chúng sinh y pháp tu hành. Hội nầy Bồ Tát Văn Thù làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Ðức Phật, mà nói đạo lý pháp môn Thập Tín mỹ đức,
Hội nầy nói sáu phẩm:
7. Phẩm Danh Hiệu Như Lai.
8. Phẩm Bốn Thánh Ðế.
9. Phẩm Quang Minh Giác.
10. Phẩm Bồ Tát Vấn Minh.
11. Phẩm Tịnh Hạnh.
12. Phẩm Hiền Thủ.
Sáu phẩm nầy là vòng sai biệt nhân quả, là “tu nhân khế quả sinh giải phần”. Trên đây là mười hai phẩm diệu pháp nói ở tại nhân gian.
Hội thứ ba ở tại Ðiện Diệu Thắng trên cung trời Ðao Lợi. Hội nầy ở đỉnh núi Tu Di, là “địa cư thiên”, tức cũng là tầng trời thứ hai của dục giới. Ðức Phật nói Kinh Hoa Nghiêm là pháp thân nói, pháp thân thì tận hư không khắp pháp giới, vô tại vô bất tại, vô sở bất tại (không có chỗ nào mà không có). Cho nên, có thể đến bất cứ nơi nào giảng Kinh thuyết pháp. Trong hội nầy Ðức Phật phóng quang ở ngón chân, biểu thị pháp là từ chỗ thấp mà sinh ra, khiến cho chúng sinh từ cơ bản mà học lên. Hội nầy Bồ Tát Pháp Huệ làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Phật mà nói đạo lý Thập Trụ.
Hội nầy cũng nói sáu phẩm.
13. Phẩm Thăng Lên Ðỉnh Tu Di.
14. Phẩm Kệ Tán Tu Di.
15. Phẩm Thập Trụ.
16. Phẩm Phạm Hạnh.
17. Phẩm Công Ðức Ban Ðầu Phát Tâm.
18. Phẩm Minh Pháp.
Sáu Phẩm nầy cũng là vòng sai biệt nhân quả, là “tu nhân khế quả sinh giải phần”.
Hội thứ tư ở tại Ðiện Bảo Trang Nghiêm, cung trời Dạ Ma. Hội nầy ở trên không đỉnh núi Tu Di, là “không cư thiên” (cõi trời ở trên không), tức cũng là tầng trời thứ ba của dục giới. Trong hội nầy Ðức Phật phóng quang ở mu hai bàn chân, biểu thị pháp là từ dưới mà lên, khiến cho chúng sinh y theo thứ lớp mà học lên. Hội nầy Bồ Tát Công Ðức Lâm làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Phật mà nói đạo lý pháp môn Thập Hạnh.
Hội nầy nói bốn phẩm.
19. Phẩm Thăng Lên Trời Dạ Ma.
20. Phẩm Kệ Tán Dạ Ma.
21. Phẩm Thập Hạnh.
22. PhẩmThập Vô Tận Tạng.
Bốn phẩm nầy cũng là vòng sai biệt nhân quả, là “tu nhân khế quả sinh giải phần”.
Hội thứ năm ở tại Ðiện Nhất Thiết Diệu Bảo Trang Nghiêm, cung trời Ðâu Suất. Hội nầy ở phía trên trời Dạ Ma, tức cũng là tầng trời thứ tư của dục giới. Trong hội nầy Ðức Phật phóng quang hai đầu gối, biểu thị hồi hướng, khiến cho chúng sinh: hồi sự hướng lý, hồi nhân hướng quả, hồi tự hướng tha. Hội nầy Bồ Tát Kim Cang Tràng làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Ðức Phật mà nói đạo lý pháp môn Thập Hồi Hướng.
Hội nầy nói ba phẩm.
23. Phẩm Thăng Lên Trời Ðâu Suất.
24. Phẩm Kệ Tán Ðâu Suất.
25. Phẩm Thập Hồi Hướng.
Ba phẩm nầy cũng là vòng sai biệt nhân quả, là “tu nhân khế quả sinh giải phần”.
Hội thứ sáu ở tại Ðiện Ma Ni Bảo Tạng, cung trời Tha Hoá Tự Tại. Hội nầy là tầng trời thứ sáu của dục giới, cũng là trời cao nhất của dục giới. Hội nầy Ðức Phật phóng quang minh ở giữa lông mày, hội nầy Bồ Tát Kim Cang Tạng làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Phật mà nói đạo lý pháp môn Thập Ðịa. Hội nầy chỉ nói một phẩm.Phẩm Thập Ðịa.
Phẩm nầy cũng là vòng sai biệt nhân quả, là “tu nhân khế quả sinh giải phần”. Trên đây là mười bốn phẩm diệu pháp nói ở trên Thiên cung.
Hội thứ bảy ở tại Ðiện Phổ Quang Minh. Ðức Phật lại từ trên trời trở về nhân gian. Hội nầy Ðức Phật phóng quang minh giữa lông mày và quang minh ở miệng, quang minh ở miệng là biểu thị, tất cả Phật tử từ trong miệng của Phật hoá sinh. Hội nầy Bồ Tát Phổ Hiền làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Phật mà nói pháp Ðẳng giác và Diệu giác, tức cũng là pháp môn nhân tròn quả đầy, sáu phẩm trước nói nhân tròn, năm phẩm sau nói quả đầy.
Hội nầy nói mười một phẩm:
27. Phẩm Thập Ðịnh.
28. Phẩm Thập Thông.
29. Phẩm Thập Nhẫn.
30. Phẩm A Tăng Kỳ.
31. Phẩm Thọ Lượng.
32. Phẩm Bồ Tát Trụ Xứ.
33. Phẩm Thập Thân Tướng Hải.
34. Phẩm Tuỳ Hảo Quang Minh.
35. Phẩm Hạnh Phổ Hiền.
36. Phẩm Như Lai Xuất Hiện.
Mười một phẩm nầy là vòng nhân quả bình đẳng, là “tu nhân khế quả sinh giải phần”.
Hội thứ tám tại Ðiện Phổ Quang Minh. Trong hội nầy Ðức Phật không phóng quang minh, vì tại trọng xứ. Hội nầy cũng là Bồ Tát Phổ Hiền làm chủ đại hội, vì Bồ Tát Phổ Hiền là chủ Hoa Nghiêm Hải Hội, Ngài nương thần lực của Ðức Phật, mà nói pháp hai ngàn hạnh môn. Có vị Bồ Tát Phổ Huệ hỏi Bồ Tát Phổ Hiền: Những gì là pháp nương tựa của Bồ Tát? Những gì là pháp thực hành của Bồ Tát? .v.v., có hai trăm câu hỏi. Bồ Tát Phổ Hiền giải đáp thành hai nghìn câu trả lời.
Hội nầy chỉ nói một phẩmPhẩm Lìa Thế Gian.
Phẩm nầy là vòng thành hạnh nhân quả, là “thác pháp tiến tu thành hạnh phần”.
Hội thứ chín ở tại Rừng Thệ Ða. Ðịa điểm ở trong thành Xá Vệ, tức cũng là vườn ông Cấp Cô Ðộc, cây của thái tử Kỳ Ðà, còn gọi là Tinh Xá Kỳ Hoàn, còn gọi là Trọng Các Giảng Ðường. Khi Ðức Phật thành chánh giác thì chưa có giảng đường nầy, sau này mới thành lập. Song, không có Trọng Các Giảng Ðường, vậy Ðức Phật làm thế nào thuyết pháp tại đây? Ðó là cảnh giới diệu không thể nghĩ bàn. Ðức Phật có thể đem vô lượng kiếp quá khứ dời đến hiện tại, cũng có thể đem vô lượng kiếp vị lai dời đến hiện tại. Cho nên chẳng có phân biệt quá khứ, hiện tại và vị lai, là viên dung vô ngại. Giống như trong Kinh Kim Cang có nói:”Tam tâm bất khả đắc” (ba tâm không thể đắc được), cùng đạo lý ấy, nghĩa là: tâm quá khứ không thể nắm bắt, tâm hiện tại không thể nắm bắt, tâm vị lai cũng không thể nắm bắt.
Tại sao? Bạn nói có quá khứ tức là chấp trước, có hiện tại là chấp trước, có vị lai cũng là chấp trước. Vì quá khứ đã qua rồi, hiện lại không dừng lại, còn vị lai thì chưa đến, đó là phá chấp. Tại hội nầy Ðức Phật phóng luồng hào quang trắng, biểu thị chiếu khắp ba ngàn đại thiên, khiến cho tất cả chúng sinh được thấm nhuần mưa pháp, sinh ra căn lành. Hội nầy phân làm hội chính và hội phụ. Hội chính là Phật Thích Ca Mâu Ni làm hội chủ, nhập vào Tam muội Sư Tử Tần Thân, thị hiện mà nói diệu pháp, khiến cho đại chúng “đốn chứng pháp giới”. Hội phụ là các Bồ Tát làm hội chủ, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù và các vị thiện tri thức vì Thiện Tài Ðồng Tử mà nói rõ “tiệm chứng pháp giới”. Hội nầy chỉ nói một phẩm:
39. Phẩm Vào Pháp Giới.
Nhưng có hai mươi mốt quyển. Hội nầy là vòng chứng nhập nhân quả, là “y nhân chứng nhập thành đức phần”. Phần trên là mười ba phẩm diệu pháp nói ở tại nhân gian.
Nay giới thiệu sơ lược về bảy nơi, chín hội, ba mươi chín phẩm, hy vọng mọi người ghi nhớ, đợi khi giảng đến phẩm nào thì biết được phẩm đó nói tại đâu, vị Bồ Tát nào nói, có khái niệm như thế thì mới thấu hiểu được.
Bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy là pháp đại thừa, vì pháp thân Bồ Tát mà nói, hoàn toàn là tu bồ đề tâm, hành bồ đề đạo, do đó người tiểu thừa, tuy nhiên đồng ở trong pháp hội, nhưng như điếc như mù, “có mắt chẳng thấy được Lô Xá Na, có tai chẳng nghe được pháp viên đốn”. Vì khi họ ở tại nhân gian thì không tu pháp đại thừa, cho nên không có duyên đắc được lợi ích lớn. Vậy tức nhiên chúng ta chẳng phải là Bồ Tát, lại chẳng phải là A La Hán, tại sao lại nghe được tên Kinh Hoa Nghiêm Ðại Phương Quảng Phật, mà còn được nghe diệu pháp Kinh Hoa Nghiêm? Ðó là vì trong quá khứ chúng ta đã gieo căn lành với pháp đại thừa, cho nên hôm nay có duyên được đến nghe pháp, bằng không cũng giống như người tiểu thừa, như điết như mù. Ðây là cơ hội ngàn kiếp khó gặp. Hy vọng mọi người tinh tấn càng tinh tấn, nỗ lực càng nỗ lực, đến nghiên cứu diệu lý của bộ Kinh nầy. Tuy nhiên chỉ dịch ra được bốn vạn năm nghìn bài kệ, nhưng nếu nhớ được một bài kệ thì có diệu dụng vô lượng.
Vào đời đường có vị xuất gia tên là Vương Minh Cán. Vị đó tuy xuất gia làm hoà thượng, nhưng không tu hành. Một ngày nọ, bị quỷ vô thường bắt đi, vị đó gặp Bồ Tát Ðịa Tạng, dạy vị đó một bài kệ Kinh Hoa Nghiêm:
“Nhược nhân dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo”.
Nghĩa là:
“Nếu ai muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Hãy quán tánh pháp giới
Hết thảy do tâm tạo”.
Vị đó thấy vua Diêm Vương thì đọc ra bài kệ nầy, do đó được phóng thích. Bài kệ nầy không những cứu được sinh mạng của vị đó, mà cũng cứu được chúng sinh thọ khổ dưới địa ngục. Các bạn thấy đó ! Bài kệ nầy có diệu dụng như thế, cho nên phải tụng Kinh Hoa Nghiêm, phải lạy Kinh Hoa Nghiêm, phải ấn tống Kinh Hoa Nghiêm, thì nhất định có công đức vô lượng.
LỜI NÓI ĐẦU
Tôi tin đây là lần đầu tiên bộ Kinh Hoa Nghiêm này được giảng tại nước Mỹ và các vị cũng là lần đầu tiên được nghe giảng. Hiện tại do thời gian có hạn nên không thể giảng giải chi tiết. Vì sao? Vì nếu giảng quá chi li thì e rằng trong sáu tuần lễ chỉ giảng cái tựa thôi cũng còn chưa xong, vì thế mà nay chỉ có thể giảng một cách sơ lược. Đầu tiên tôi sẽ giảng về xuất xứ của bộ kinh này.
Trong kinh điển nhà Phật thì Kinh Hoa Nghiêm này là vua của các kinh, cũng là vua trong các vua. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cũng là vua trong các kinh nhưng không thể xưng là vua trong các vua được. Bộ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm này được tôn là vua của các vua, là bộ kinh thuộc hệ Đại thừa dài nhất mà Đức Phật đã thuyết, nhưng thời gian Phật thuyết kinh lại không dài lắm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói bộ đại Hoa Nghiêm này chỉ vỏn vẹn trong vòng hai mươi mốt ngày.
Bộ Kinh này có tám mươi mốt quyển, cũng có chỗ chỉ có bốn mươi quyển hay sáu mươi quyển, nhưng tất cả đều không đầy đủ lắm. Ngay cả bộ tám mươi mốt quyển này cũng vậy, chẳng qua là có đủ cả ba phần Tựa, Chính tông và Lưu thông.
Sau khi Đức Phật Thích-ca-mâu-ni nói xong Kinh Hoa Nghiêm thì bộ kinh này không hề được lưu truyền trên thế gian, ngay cả Ấn Độ cũng không có bộ kinh này. Vậy thì bộ kinh này đã bị ai thỉnh đi? Bị Long Vương thỉnh về Long cung để ngày ngày cúng dường lễ bái.
Sau khi Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni diệt độ sáu trăm năm, có một vị Bồ-tát tên Long Thọ, thông minh tuyệt đỉnh, không ai sánh kịp. Ngài đã đọc hết tất cả những áng văn chương, luận nghị, kinh điển có trên thế gian, do đó Bồ tát khởi tâm muốn đến Long cung xem tạng Kinh và Ngài đã tìm được bộ Kinh Hoa Nghiêm này trong cung rồng. Kinh Hoa Nghiêm có ba bản: thượng, trung và hạ. Bản thượng có mười tam thiên đại thiên thế giới vi trần số bài kệ. Quý vị xem là bao nhiêu? Số vi trần của một thế giới đã là vô lượng vô biên rồi, số vi trần của đại thiên thế giới lại càng nhiều hơn.
Sao gọi là đại thiên thế giới? Một núi Tu-di, một mặt trời, một mặt trăng là một thế giới; một nghìn núi Tu-di, một nghìn mặt trời, một nghìn mặt trăng hợp lại làm thành một tiểu thiên thế giới; hợp một nghìn tiểu thiên thế giới lại gọi là một trung thiên thế giới; hợp một nghìn trung thiên thế giới lại gọi là một đại thiên thế giới. Số vi trần trong một đại thiên thế giới là một con số vô cực không thể tính kể. Nay số kệ tụng lại nhiều như số vi trần trong mười tam thiên đại thiên thế giới thì càng không thể đếm xuể.
Bản thượng Kinh Hoa Nghiêm có bao nhiêu phẩm? Bản thượng có số phẩm bằng số vi trần của một tứ thiên hạ. “Một tứ thiên hạ” nghĩa là: “một” tức một ngọn núi Tu-di, “tứ” là bốn châu lớn (Đông Thắng Thần châu, Nam Thiệm Bộ châu, Tây Ngưu Hóa châu, Bắc Câu-lô châu), hợp lại gọi là một tứ thiên hạ. Số phẩm của bản thượng Kinh Hoa Nghiêm nhiều bằng số vi trần của một tứ thiên hạ, quý vị nói xem là bao nhiêu? Tôi cũng không tính được. Bản trung Kinh Hoa Nghiêm có bốn trăm mười chín vạn tám nghìn tám trăm bài kệ, phân làm một nghìn hai trăm phẩm. Bản hạ Kinh Hoa Nghiêm có tám vạn bài kệ, chia làm bốn mươi tám phẩm. Khả năng ghi nhớ của Bồ-tát Long Thọ rất phi thường, Ngài đọc thuộc lòng bản hạ Kinh Hoa Nghiêm và sau khi trở về Ấn Độ đã sao chép ra toàn bộ, sau lại từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa. Bản kinh truyền sang Trung Hoa chỉ có tám mươi quyển, ba mươi chín phẩm, còn lại chín phẩm vẫn chưa được truyền sang.
Đức Thích-ca-mâu-ni Phật giảng Kinh Hoa Nghiêm tại bảy chỗ khác nhau, tổng cộng có chín pháp hội. Nếu quý vị có thể hiểu rõ được nghĩa lý trong bộ Kinh Hoa Nghiêm này thì xem như thấy được toàn thân Phật; nếu quý vị thông suốt được Kinh Lăng Nghiêm là thấy được đỉnh nhục kế của Phật; nếu quý vị thông suốt được Kinh Pháp Hoa thì thấy được thân Phật, nhưng chưa trọn vẹn; nếu quý vị có thể thông suốt được đạo lý trong Kinh Hoa Nghiêm thì sẽ thấy rõ được toàn thân và tuệ mạng của Ngài.
Bộ Kinh Hoa Nghiêm này ví như biển lớn, còn những kinh khác giống như những dòng sông nhỏ. Những dòng sông nhỏ không thể sánh với biển lớn. Hiện tại trên thế giới, người có thể giảng được Kinh Hoa Nghiêm không phải không có, nhưng số đó đã ít lại càng ít. Nếu nói không có thì nay chẳng phải chúng ta đang giảng đó sao? Thế sao lại có thể nói là không có người! Thậm chí có người học Phật Pháp, học cả một đời mà ngay đến tên Kinh Hoa Nghiêm cũng chưa hề nghe qua, quý vị nói xem người đó đáng thương biết nhường nào! Bộ Kinh Hoa Nghiêm này đừng nói là giảng mà chỉ đọc qua thôi cũng rất ít người đọc qua được một lần. Đọc qua một lần nhanh nhất cũng phải mất hai mươi mốt ngày. Vì thế, bộ kinh này rất khó gặp.
Nói về “thất xứ cửu hội” của bộ kinh này, có một bài kệ như vầy:
Rời cội bồ-đề cửu-Thệ-đa
Ba, bốn Đao-lợi cùng Dạ-ma
Điện Phổ Quang Minh hai, bảy, tám
Tha Hóa, Đâu Suất năm, sáu qua.
Phật thành đạo ở Bồ-đề đạo tràng, tức là ở cội bồ-đề mà nói Kinh Hoa Nghiêm lần đầu tiên, gồm sáu phẩm, mười một quyển; hội thứ hai ở điện Phổ Quang Minh nói được sáu phẩm, bốn quyển; hội thứ ba tại cung trời Đao-lợi nói được sáu phẩm, ba quyển; hội thứ tư ở cõi trời Dạ-ma nói được bốn phẩm, ba quyển; hội thứ năm ở cõi trời Đâu Suất nói được ba phẩm, mười hai quyển; hội thứ sáu ở cõi trời Tha Hóa nói được một phẩm, sáu quyển; hội thứ bảy lại trở về điện Phổ Quang Minh nói được mười một phẩm, mười ba quyển; hội thứ tám cũng ở tại điện Phổ Quang Minh nói được một phẩm, bảy quyển; hội thứ chín ở rừng Thệ-đa nói được một phẩm hai mươi mốt quyển. Rừng Thệ-đa, hiện nay có thể gọi là khu mộ phần, nơi an trí xương cốt người chết. Đó là nói về “thất xứ cửu hội” của bản hạ.
Bản hạ Kinh này ban đầu có ba mươi chín phẩm, bốn mươi bốn vạn năm nghìn bài kệ, về sau truyền vào Trung Hoa, nhưng có chín phẩm, năm vạn năm nghìn bài kệ vẫn chưa được truyền vào. Bộ Kinh này tuy chưa đầy đủ nhưng cũng hoàn bị các phần Tựa, Chính tông và Lưu thông, do vậy mà Quốc sư Thanh Lương đời Đường khi hoằng dương Kinh Hoa Nghiêm đã cho rằng bộ kinh này có thể nói là tạm hoàn bị.
Quốc sư Thanh Lương chính là hóa thân của Bồ-tát Hoa Nghiêm, vì sao nói Ngài là hóa thân của Bồ-tát Hoa Nghiêm? Vì Ngài chuyên giảng Kinh Hoa Nghiêm, không giảng những kinh khác. Quốc sư Thanh Lương tên Trừng Quán, tự Đại Hưu, người Cối Kê, họ Hạ Hầu. Sinh vào thời vua Đường Huyền Tông, niên hiệu Khai Nguyên (713-741) năm Mậu Dần (738). Thân ngài cao chín thước bốn tấc, hai tay dài quá đầu gối và có bốn mươi cái răng. Thông thường răng của chúng ta có ba mươi mấy cái thôi, còn răng có bốn mươi cái là bậc quý nhân, người được như thế rất ít. Răng của Đức Phật có bốn mươi hai cái, còn Quốc sư Thanh Lương thì có bốn mươi cái; trong bóng tối nhìn mắt của Ngài như có luồn sáng, mắt phát ra ánh sáng, còn ban ngày thì giống như những người bình thường, chỉ khác là tròng mắt của Ngài luôn đứng yên không động. Năm thứ tư, niên hiệu Kiến Trung, Ngài đã viết xong bộ Hoa Nghiêm Sớ Sao; bộ sớ sao này là bản chú giải cho Kinh Hoa Nghiêm nổi tiếng nhất.
Trước khi viết bộ Sớ Sao, ngài cầu nguyện chư Bồ-tát trong Hoa Nghiêm Hải Hội gia bị. “Gia bị” chính là giúp đỡ ngài. Có một tối, ngài nằm mộng thấy trên đỉnh núi đều biến thành màu vàng kim. Khi tỉnh mộng, Ngài biết đó là quang minh biến chiếu. Từ đó về sau, ngài viết Hoa Nghiêm Sớ Sao vô cùng thuận lợi, chẳng cần phải nỗ lực suy tư gì cả. Thông thường khi viết văn, phần nhiều chúng ta phải suy nghĩ để viết từng câu từng lời. Còn Ngài không cần phải suy nghĩ, viết nhanh tựa như chép bài vậy. Trải qua bốn năm, Ngài đã chú giải hoàn toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm. Sau khi viết xong ngài lại nằm mộng, cũng không quyết chắc có phải là mộng hay không, nhưng Ngài đã thấy một cảnh giới như vầy nên có thể tạm gọi là mộng. Ngài mộng thấy mình biến thành một con rồng, rồi từ con rồng ấy lại biến thành nghìn nghìn, vạn vạn, vô lượng vô biên con rồng như thế, bay đến những thế giới khác. Đó là Ngài đã thấy được cảnh giới Hoa Nghiêm. Mọi người đều cho rằng đó là biểu trưng cho ý nghĩa của sự lưu thông.
Quốc sư Thanh Lương sống qua hai đời nhà Tùy và Đường với chín triều đại, làm thầy của bảy vị hoàng đế. Sau khi Quốc sư viên tịch, có một vị Tăng Ấn Độ đến Trung Hoa, giữa đường vị ấy gặp hai đồng tử áo xanh, vị Tăng này là người đã chứng quả A-la-hán, Ngài bèn chặn hai đồng tử ở trên hư không lại hỏi:
– Hai vị đi đâu vậy?
Đồng tử đáp:
– Chúng tôi đến Trung Hoa thỉnh răng cấm của Bồ-tát Hoa Nghiêm về điện Văn Thù ở Ấn Độ cúng dường.
Vị La-hán sau khi đến Trung Hoa đã kể cho vua về chuyện hai đồng tử đến thỉnh răng cấm của Bồ-tát Hoa Nghiêm, hình như là chỉ cho Quốc sư Thanh Lương. Thế là vua cho khai tháp của Quốc sư thì quả nhiên phát hiện Quốc sư bị mất một chiếc răng cấm. Những hiện tượng trên thật mầu nhiệm không thể nghĩ bàn. Quý vị xem! Bồ-tát Hoa Nghiêm đã đến Trung Hoa, cho nên Quốc sư Thanh Lương mới có tướng mạo đặc thù như thế.
Căn cứ vào sự phân chia của Quốc sư Thanh Lương về Kinh Hoa Nghiêm thì năm quyển đầu là phần Tựa, năm mươi lăm quyển rưỡi ở giữa là phần Chính tông, mười chín quyển rưỡi sau là phần Lưu thông. Bộ kinh này tuy không được phiên dịch trọn vẹn ra Hán văn, nhưng phần Tựa, phần Lưu thông, phần Chính tông đều có đầy đủ. Những người hoằng truyền Kinh Hoa Nghiêm ở Trung Hoa đều là những vị Đại Bồ-tát, nếu như chẳng phải là cảnh giới của Bồ-tát thì các vị ấy chẳng thể giảng được Kinh Hoa Nghiêm. Cảnh giới Hoa Nghiêm vi diệu mầu nhiệm vô cùng, là sự vi diệu trong vi diệu, là sự nhiệm mầu trong nhiệm mầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét