Tục thờ cá voi là một tín tục khá phổ biến và nổi trội trong các cộng đồng ngư dân ở các tỉnh vùng biển, hải đảo.
Ở các vùng biển tại các địa phương trong tỉnh đến nay vẫn lưu truyền những câu chuyện về loài cá Thần. Người ta cho rằng có những con cá do Thần thánh hiện thân hoặc cứu giúp thuyền bè ngoài khơi phải hy sinh để bảo vệ tính mạng cho con người, hoặc do Ngọc Hoàng hay Long Vương sai phái để cứu giúp người dân lao động biển. Ai nhìn thấy cá Ông bị lụy (chết) phải chịu tang chế, vạn chài nào được cá Thần ghé đến phải làm lễ an táng. Cá Thần thuộc loại lớn thì gọi cá Ông, còn nhỏ hơn thì gọi cá Cô, cá Cậu.
Dù rằng, có nhiều truyền thuyết khác nhau về cá Voi, nhưng trong tâm thức của cư dân vùng biển đều coi cá Ông (cá Voi) là Thần. Bởi vậy người dân vùng biển không bao giờ ăn thịt cá Voi. Người ta gọi cá Ông bằng nhiều tên gọi khác nhau như: ông Khơi, ông Lộng, ông Sứa...
Trong sự chuyển hóa từ một loài vật nơi biển cả thành một vị Thần của cư dân sống bằng nghề biển, có vai trò của vương triều nhà Nguyễn. Nhiều đời vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong tặng cá Voi là “Nam Hải cự tộc Ngọc lân tôn Thần”. Cũng như ngư dân các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ, ngư dân ở Bình Thuận có một niềm tin tưởng mãnh liệt vào sự linh hiển của cá Ông và coi đây là vị Thần cứu trợ luôn ở bên cạnh họ trong những chuyến biển đầy hiểm nguy.
Tục thờ cúng cá Ông có cội nguồn từ xa xưa, một đặc trưng dễ nhận thấy ở Bình Thuận là các làng chài làm nghề đánh bắt và chế biến hải sản thường xây các lăng, vạn hoặc dinh để thờ Ông Nam Hải (cá Voi) và thực hiện các nghi lễ liên quan đến tập tục, tín ngưỡng thờ cúng cá Ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét