Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017
Ý Trinh đọc kinh kệ về Phật Mẫu
Từ ngàn xưa Phật Mẫu được nhơn loại biết đến và tôn xưng bằng nhiều danh hiệu khác nhau, tuỳ theo tín ngưỡng tôn giáo, tuỳ theo Quốc gia, dân tộc: Ở Tây phương gọi là Đức Mẹ, Đông phương Mẹ Sanh, Mẹ Độ, Mẹ Thiêng Liêng, Địa Mẫu, Thiên Hậu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Tây Vương Mẫu, Kim Bàn Phật Mẫu hay Diêu Trì Kim Mẫu ..v..v..
Đa số phụ nữ, nhứt là ở Việt Nam, theo tín ngưỡng nhân gian, tin rằng ngoài hai đấng cha mẹ sinh thành ra hình hài thể xác, còn một người mẹ thiêng liêng nữa, đó là người mẹ sinh ra linh hồn, được gọi bằng Mẹ Sanh hay Mẹ Độ.
Cho đến khi Đạo Cao Đài xuất hiện tại miền Nam Việt Nam, ngoài việc thờ phụng Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, còn tôn thờ Đấng thứ hai là Diêu Trì Kim Mẫu hay Kim Bàn Phật Mẫu, đó là Đấng sinh thành dưỡng dục ra vạn linh. Phật Mẫu được thờ phụng tại Báo Ân Từ, hằng năm vào ngày rằm tháng tám đều có tổ chức lễ Hội Yến Diêu Trì Cung để kỷ niệm ngày Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương giáng cơ dìu dắt các vị Thiên sứ khai mở nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Theo Kinh sách Cao Đài, Đức Phật Mẫu ở tầng Tạo Hoá Thiên, là Đấng huyền vi Thiên Hậu, chưởng quản Kim Bàn, dưới quyền có các vị Phật: Quảng Sanh, Dưỡng Dục, Chưởng Hậu, Thủ Luân cùng Cửu Vị Nữ Phật và hằng hà sa số Phật tùng lịnh theo Ngài thường du Ta bà thế giới dưỡng dục quần sanh quy nguyên Phật vị.
Tạo Hoá Thiên huyền vi Thiên Hậu,
Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.
(Phật Mẫu Chơn Kinh).
Đức Hộ Pháp cho biết: Cả cơ quan tạo đoan hữu tướng thảy đều do Phật Mẫu tạo thành. Khi ta đến cõi trần mang mảnh hình hài, cái chơn linh khi đến, khi về cũng do tay Phật Mẫu mà sản xuất.
Phật Mẫu là mẹ Linh hồn, nếu chúng ta biết ơn nặng ấy thì càng cảm mến cái công đức hoá dục sản xuất của Ngài vô cùng.
Thật vậy, Đức Chí Tôn ban cho con người điểm Linh quang, tức là phần hồn, Đức Phật Mẫu mới đem phối hợp với Chơn Thần do ngài tạo ra nơi Kim Bàn để làm thành một Thánh hình hay một thể thiêng liêng, rồi Ngài lại ban cho một loại khí có khả năng nuôi sống muôn loài vạn vật, đó là khí sanh quang do ngài phân tánh mà có, còn gọi là khí Thái cực hay Nguyên khí.
Sanh quang dưỡng dục quần nhi
Chơn linh phối nhứt thân vi Thánh hình
(Phật Mẫu Chơn Kinh).
Tình thương yêu cúa Đức Phật Mẫu đối với nhân loại thật là vô lượng vô biên, không điều kiện, y như bà mẹ hiền từ luôn luôn lo lắng vì con cái, không phân biệt sang hèn thiện ác, nhứt là đối với đứa con yếu đuối lạc lầm lại được người mẹ thiêng liêng thương xót che chỡ nhiều hơn:
Riêng thương Kim Mẫu khóc thầm,
Biển trần thấy trẻ lạc lầm bấy lâu.
Đòi phen mẹ luống u sầu,
Cũng vì tà mị dẫn đường con thương.
(Xưng Tụng Công Đức Phật Mẫu).
Bởi thương con cái bị mê luyến cõi trần tục, ham mùi chung đỉnh mà quên đi ngôi xưa vị cũ của mình, nên Đức Phật Mẫu mới thọ lịnh nơi Chí Tôn khai sáng nền Đại Đạo để diệt tà pháp của thế gian, tạo cảnh Đại đồng an lạc cho nhơn loại:
Chiếu nhũ lịnh Từ Huyên thọ sắc,
Độ anh nhi nam bắc đông tây.
Kỳ khai tạo nhứt Linh Đài,
Diệt hình tà pháp cường khai Đại đồng.
(Phật Mẫu Chơn Kinh).
Toàn cả nhơn loại, nhứt là 92 ức nguyên nhân còn đang chìm đắm nơi cõi trần, tất cả đều là con cái thương yêu của người. Đức Phật Mẫu mở Đạo là mong muốn giáo hoá để cứu độ tất cả con cái của Người, đem trở về cõi thiêng liêng để Chí Tôn phán định về ngôi vị:
Nghiệp hồng vận tử hồi môn,
Chí Công định vị vĩnh tồn Thiên Cung.
(Phật Mẫu Chơn Kinh).
Biết được Đức Phật Mẫu vì thương yêu chúng sanh mà tạo dựng nên loài người và đã cưu mang vô số kiếp. Con cái chúng ta phải trau dồi tâm hạnh, tạo lập công đức để được trở về cõi Hằng sống như Ngài hằng mong đợi:
Ngồi trông con đặng phi thường,
Mẹ đem con đến tận đường Hằng sanh.
(Xưng Tụng Công Đức Phật Mẫu).
Tóm lại, quyền năng của Đức Phật Mẫu được Đức Hộ Pháp giải thích như sau: “Khi mở đạo Cao Đài, Chí Tôn định cho Phật Mẫu đến giáo đạo cho chúng ta, bảo trọng nuôi nấng dạy dỗ chúng ta thì không ơn đức nào bằng, vì không ai biết thương con, muốn con nên người, bảo trọng binh vực con hơn mẹ…”.
Như vậy, chúng ta thấy rằng Đức Phật Mẫu lúc nào cũng ưu ái đến con cái của Người từng giây, từng phút, từng tấc hơi của cuộc sống. ngày nay chúng ta thật là hạnh phúc được hội hiệp cùng bà mẹ thiêng liêng của chúng ta và mang cái lòng thương yêu vô bờ bến của Người mà rải khắp toàn thể con cái của Người đều được hưởng.
Đường thi có câu:
因 過 竹 院 逢 僧 話,
Nhân qua trúc viện phùng tăng thoại
又 得 浮 生 半 日 閒.
Hựu đắc phù sinh bán nhật nhàn.
Nghĩa là:
Nhân qua nơi viện trúc cùng nhà sư đàm đạo,
Cũng hưởng được nửa ngày nhàn trong kiếp phù sinh.
Xin cám ơn Quý vị.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét