Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

KINH ĐẠI BẢO TÍCH




KINH ĐẠI BẢO TÍCH : BỘ 9 TẬP




LỜI NÓI ĐẦU CỦA DỊCH GIẢ

Trong khế kinh, Đức Phật nói: "Chỉ vì đại sự nhơn duyên duy nhất mà Đức Phật xuất hiện thế gian, đó là muốn mọi người, mọi chúng sanh đều thành Phật đồng như Đức Phật".

Lời Đức Phật thật đơn giản, mà ý nghĩa lại tột cùng sâu rộng. Trong lời đó có nghĩa cứu cánh bình đẳng. Phật và chúng sanh không có sai khác. Còn có nghĩa là hiện tại mỗi chúng sanh đều có đủ tánh đức đồng như Phật. Cũng có nghĩa là nếu chúng sanh có lòng tin thanh tịnh, y giáo phụng hành thì quyết sẽ thành Phật, như trong đại thừa, kinh thường có câu, chính Đức Phật dạy: "Các người là Phật sẽ thành, còn chư Phật là Phật đã thành."

Vì thấy rõ tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật nên Đức Phật ra đời, dùng thân khẩu truyền cho đời những phương cách, nhập pháp môn làm điều kiện cụ thể để bước lên đường Phật, để rồi đến quả Phật. Những phương pháp cụ thể đó gọi là Phật pháp.

Vì các chúng sanh căn không đồng nhau, tánh không đồng nhau, ý thích cùng sự mong muốn, vân vân... cũng không đồng nhau, nên Đức Phật phải theo cơ mà dạy rất nhiều pháp môn, nhiều nên phải dùng từ "Vô lượng pháp môn”. Dầu là vô lượng nhưng nếu mỗi chúng sanh y theo một pháp môn, đúng với căn tánh thích muốn của chính mình rồi, quyết tâm hiểu rõ hành trì thật đúng, thật bền, thật sâu, thì nhất định đạt thành đạo quả.

Như trên nói mọi chúng sanh đều có đủ đức tính đồng như Phật chỉ vì điên đảo vọng tưởng hư vọng phân biệt, dục tham phiền não che chướng nên những tánh đức trong sáng sẵn có ấy không hiện thật. Tất cả pháp môn của Đức Phật dạy, những phương pháp mà Đức Phật, lúc hành đạo, đã thật hành, đã hiểu rõ, đã kinh nghiệm và do đó đã đạt kết quả cứu cánh, nay đem truyền dạy lại cho mọi người, đều nhằm vào việc phải trừ những đảo tưởng phân biệt, dục tham phiền não, để cho tánh đức sẵn có phát hiện tác dụng. Vì đó là sẵn có nên Đức Phật tự nói. "Ta không có một chút pháp gì để thành vô thượng bồ đề cả”. Phật pháp là phương tiện đưa người vào đạo, liều thuốc chữa trị bịnh hư vọng phiền não, là cách thức rửa lau những đảo tưởng như lau bụi trên mặt gương, mà tuyệt đối không có chút gì là có, là được, vì đạo là tánh đức sẵn đủ vậy.

Phật pháp vô lượng môn cô đọng lại trong ba môn vô lậu: Giới, Định và Huệ. Vô lậu giới để phòng ngừa, để ngăn đảo vọng. Vô lậu định để chận đứng, để đối trị "đảo vọng". Vô lậu huệ dứt sạch đảo vọng. Và tùy theo giai đoạn mà đảo vọng từng phần được dứt trừ, thì tánh đức sẵn có của hành giả cũng từng phần thể hiện, đó là các bực Hiền, các bực Thánh, các bực Bồ Tát. Cho đến lúc tất cả đảo vọng sạch trọn vẹn, thì tánh đức thể hiện trọn vẹn, đó là quả Phật, là thành Phật.

Trong bộ Kinh Đại Bảo Tích nầy, nội dung không ngoài những điều đã nêu ở trên, dầu là rất nhiều, rất rộng.

Trong thập niên năm mươi, tôi được đọc tụng bộ Kinh nầy từ bản phương sách của Bắc bộ Việt Nam ta, bản Hán văn, tôi đã có hoài bão phiên dịch ra Việt văn để được thông dụng theo thời đại. Mãi đến năm 1979 mới hoàn thành bộ Việt văn, và đến nay ngót mười năm mới có đủ duyên để được đem ra ấn hành lần đầu tiên. Mong rằng sự ấn loát và lưu hành đều tốt đẹp như ý muốn.

Cầu nguyện tất cả mọi người, mọi thí chủ, hoặc thiện chí hoặc công sức hoặc tịnh tài, đều tròn đầy phước lạc.

Viết tại chùa Vạn Đức, Thủ Đức
Mùa An Cư, ngày 12-7-1987
Phật Lịch 2531

Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh



KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Nhiều tác giả
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

Mục Lục Chi Tiết

Lời nói đầu của dịch giả

Tập 1

01 Pháp Hội Tam Tự Luật Nghi
02 Pháp Hội Vô Biên Trang Nghiêm
03 Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ
04 Pháp Hội Tịnh Cư Thiên Tử
05 Pháp Hội Vô Lượng Thọ Như Lai

Tập 2

06 Pháp Hội Bất Động Như Lai
07 Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm
08 Pháp Hội Pháp Giới Thể Tánh Vô Phân Biệt
09 Pháp Hội Đại Thừa Thập Pháp
10 Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Phổ Môn
11 Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh

Tập 3

12. Pháp Hội Bồ Tát Tạng

12.01 Phẩm Khai Hóa Trưởng Giả
12.02 Phẩm Kim Tỳ La Thiên Thọ Ký
12.03 Phẩm Thí Nghiệm Bồ Tát
12.04 Phẩm Như Lai Bất Nghị Tánh
12.05 Phẩm Tứ Vô Lượng
12.06 Phẩm Đàn Na Ba La Mật
12.07 Phẩm Thi La Ba La Mật
12.08 Phẩm Sằn Đề Ba La Mật
12.09 Phẩm Tỳ Lê Gia Ba La Mật
12.10 Phẩm Tỉnh Lự Ba La Mật
12.11 Phẩm Bát Nhã Ba La Mật
12.12 Phẩm Đại Tự Tại Thiên Thọ Ký

Tập 4

13 Pháp Hội Phật Thuyết Nhơn Xử Thai
14 Pháp Hội Phật Thuyết Nhập Thai Tạng
15 Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký

16. Pháp Hội Bồ Tát Kiến Thiệt

16.01 Phẩm Tự
16.02 Phẩm Tịnh Phạn Vương Đến Phật
16.03 Phẩm A Tu La Vương Thọ Ký
16.04 Phẩm Bổn Sự
16.05 Phẩm Ca Lâu La Vương Thọ Ký
16.06 Phẩm Long Nữ Thọ Ký
16.07 Phẩm Long Vương Thọ Ký
16.08 Phẩm Cưu Bàn Trà Thọ Ký
16.09 Phẩm Càn Thát Bà Thọ Ký
16.10 Phẩm Dạ Xoa Thọ Ký
16.11 Phẩm Khẩn Na La Vương Thọ Ký
16.12 Phẩm Hư Không Hành Thiên Thọ Ký
16.13 Phẩm Tứ Thiên Vương Thọ Ký
16.14 Phẩm Tam Thập Tam Thiên Thọ Ký
16.15 Phẩm Dạ Ma Thiên Thọ Ký
16.16 Phẩm Đâu Suất Đà Thiên Thọ Ký
16.17 Phẩm Hóa Lạc Thiên Thọ Ký
16.18 Phẩm Tha Hoá Tự Tại Thiên Thọ Ký
16.19 Phẩm Chư Phạm Thiên Thọ Ký
16.20 Phẩm Quang Âm Thiên Thọ Ký
16.21 Phẩm Biến Tịnh Thiên Thọ Ký
16.22 Phẩm Quảng Quả Thiên Thọ Ký
16.23 Phẩm Tịnh Cư Thiên Tử Tán Kệ
16.24 Phẩm Giá-La-Ca-Ba-Lợi-Bà-La-Xà-Ca Ngoại Đạo
16.25 Phẩm Lục Giới Sai Biệt
16.26 Phẩm Tứ Chuyển Luân Vương

Tập 5

17 Pháp Hội Phú Lâu Na
18 Pháp Hội Hộ Quốc Bồ Tát
19 Pháp Hội Úc Già Trưởng Lão
20 Pháp Hội Vô Tận Phục Tạng
21 Pháp Hội Thọ Ký Ảo Sư Bạt Đà La
22 Pháp Hội Đại Thần Biến
23 Pháp Hội Ma Ha Ca Diếp
24 Pháp Hội Ưu Ba Ly
25 Pháp Hội Phát Thắng Chí Nguyện

Tập 6

26 Pháp Hội Thiện Tý Bồ Tát
27 Pháp Hội Thiện Thuận Bồ Tát
28 Pháp Hội Dũng Mãnh Thọ Trưởng Giả
29 Pháp Hội Ưu Đà Diên Vương
30 Pháp Hội Diệu Huệ Đồng Nữ
31 Pháp Hội Hằng Hà Thượng Ưu Bà Di
32 Pháp Hội Vô Úy Đức Bồ Tát
33 Pháp Hội Vô Cấu Thí Bồ Tát Ứng Biện
34 Pháp Hội Công Đức Bữu Hoa Phu Bồ Tát
35 Pháp Hội Thiện Đức Thiên Tử

36. Pháp Hội Thiện Trụ Ý Thiên Tử

36.01 Phẩm Duyên Khởi
36.02 Phẩm Khai Thiệt Nghĩa
36.03 Phẩm Văn Thù Thần Biến
36.04 Phẩm Phá Ma
36.05 Phẩm Bồ Tát Thân Hành
36.06 Phẩm Phá Bồ Tát Tướng
36.07 Phẩm Phá Nhị Thừa Tướng
36.08 Phẩm Phá Phàm Phu Tướng
36.09 Phẩm Thần Thông Chứng Thuyết
36.10 Phẩm Xưng Tán Phó Pháp

37 Pháp Hội A Xà Thế Vương Tử
38 Pháp Hội Đại Thừa Phương Tiện
39 Pháp Hội Hiền Hộ Trưởng Giả
40 Pháp Hội Tịnh Tính Đồng Nữ

Tập 7

41 Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Vấn Bát Pháp
42 Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn
43 Pháp Hội Phổ Minh Bồ Tát
44. Pháp Hội Bửu Lương Tụ

44.01 Phẩm Sa Môn
44.02 Phẩm Tỳ Kheo
44.03 Phẩm Chiên Đà La Sa Môn
44.04 Phẩm Doanh Sự Tỳ Kheo
44.05 Phẩm A Lan Nhã Tỳ Kheo
44.06 Phẩm Tỳ Kheo Khất Thực
44.07 Phẩm Phất Tảo Y Tỳ Kheo

45 Pháp Hội Vô Tận Huệ Bồ Tát
46 Pháp Hội Văn Thù Thuyết Bát Nhã
47 Pháp Hội Bửu Kế Bồ Tát
48 Pháp Hội Thăng Man Phu Nhân
49 Pháp Hội Quảng Bác Tiên Nhân
50 Pháp Hội Nhập Phật Cảnh Giới Trí Quang Minh Trang Nghiêm
51 Pháp Hội Tự Tại Vương Bồ Tát

Tập 8

52 Pháp Hội Bửu Nữ
53 Pháp Hội Bất Thuấn Bồ Tát
54 Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát
55 Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát
56 Pháp Hội Vô Ngôn Bồ Tát

Tập 9

57 Pháp Hội Bất Khả Thuyết Bồ Tát
58 Pháp Hội Bửu Tràng
59 Pháp Hội Hư Không Mục
60 Pháp Hội Nhựt Mật Bồ Tát
61 Pháp Hội Vô Tận Ý Bồ Tát
62 Pháp Hội Quán Vô Lượng Thọ Phật

Lời nói sau cùng của dịch giả








Kinh Đại Bảo Tích

Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội

● (Mahā-Ratnakūta-Sūtra hay Bảo Tích) gồm có 49 hội, 120 quyển.Thật ra là bộ tổng tập các kinh liên quan đến những phương pháp tu hành, thọ ký, thành Phật của các Bồ Tát, do ngài Bồ Đề Lưu Chí đời Đường và nhiều vị khác dịch. Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, bộ kinh Đại Bảo Tích gồm có hai phần, một phần gọi là “tân dịch” (gồm 26 hội, 39 quyển) là do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch vào đời Đường; còn phần kia gọi là “cựu dịch” (gồm 23 hội, 81 quyển), do nhiều vị dịch sư khác đã dịch từ trước trong các đời Ngụy, Tấn, Nam-Bắc-triều v.v… Như vậy, bộ kinh này là một tập hợp của 49 kinh; tuy nhiên, về hình thức, hai phần tân và cựu dịch ấy không phải đã được sắp xếp riêng biệt, mà các hội ấy xen kẽ nhau. Cũng theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, nguyên bản Phạn văn của toàn bộ kinh Đại Bảo Tích gồm 49 hội (tức 49 kinh) đã được pháp sư Huyền Trang mang về từ Ấn-độ. Tháng Giêng năm Trinh-quán thứ 19 (năm 645 TL), ngài đã từ Ấn-độ về đến Trường-an, được vua Đường Thái-tông mời cư trú tại chùa Hoằng-phúc. Tại đây ngài đã lập đạo tràng phiên dịch đầu tiên. Tháng Năm năm ấy thì công việc dịch kinh bắt đầu, và bộ kinh đầu tiên đã được ngài Huyền Trang dịch chính là kinh Đại Bồ Tát Tạng (tức hội 12 của bộ kinh Đại Bảo Tích này), gồm có 20 quyển. Rồi 19 năm sau (năm 663), ở chùa Ngọc-hoa (vốn là cung Ngọchoa), sau khi phiên dịch hoàn tất bộ kinh Đại Bát Nhã, chư tăng đã thành khẩn xin ngài dịch tiếp bộ kinh Đại Bảo Tích; vì thương xót tâm thành của đại chúng, ngài đã mở bộ kinh nguyên bản Phạn văn ra, nhưng lúc đó đã sức cùng lực kiệt, ngài chỉ gắng gượng dịch được một ít, rồi thì buông bút, không thể tiếp tục công việc được nữa. Ngài đành cho đem bộ kinh cất lại vào kho, từ đó dứt tuyệt việc cầm bút, chỉ chuyên việc tu trì, cho đến ngày viên tịch.

Năm 706, ngài Bồ Đề Lưu Chí (người Nam Ấn-độ, đến Trung-quốc từ năm 693 đời nữ hoàng Võ Tắc Thiên, được mời ở chùa Phật-thọ-kí tại Đông đô Lạc-dương để tùng sự dịch kinh) theo vua Đường Trungtông (705-710) từ Đông-đô (Lạc-dương) trở về Tây-đô (Trường-an), cư trú tại chùa Sùng-phúc. Tại đây, nhà vua đã thỉnh cầu ngài tiếp tục công việc bỏ dở của pháp sư Huyền Trang, phiên dịch bộ kinh Đại Bảo Tích. Vâng mệnh vua, ngài Bồ Đề Lưu Chí cho đem bộ kinh nguyên bản Phạn văn từ chùa Ngọc-hoa sang chùa Sùng-phúc. Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, trước khi ngài Huyền Trang mang toàn bộ nguyên bản Phạn văn của bộ kinh Đại Bảo Tích từ Ấn-độ đem về, thì ở Trung-quốc đã có các bản kinh lẻ tẻ (thuộc bộ kinh ấy) được truyền nhập và đã được dịch rải rác qua các thời đại Hậu-Hán, Tam-quốc, Tấn, Nam-Bắc-triều v.v… Bởi vậy, công việc đầu tiên là ngài cho sưu tập các bản kinh đã dịch ấy (cựu dịch), lựa riêng ra các bản “đơn dịch” (chỉ có một bản dịch cho một nguyên bản) rồi xem xét, đánh giá, sau đó chọn lấy các bản dịch hoàn hảo để làm thành một phần của bộ kinh Đại Bửu Tích, ví dụ: Hội 4, Tịnh Cư Thiên Tử, ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn dịch; Hội 8, Pháp Giới Thể Tánh Vô Phân Biệt, ngài Mạn Đà La Tiên đời Lương dịch; Hội 17, Phú Lâu Na, ngài Cưu Ma La Thập đời Hậu-Tần dịch; v.v…, loại này gồm có 8 hội (tức các hội 4, 8, 14, 17, 23, 26, 41, và 44).

Thứ đến ngài xem xét, đánh giá các bản “trùng dịch” (nhiều bản dịch khác nhau của cùng một nguyên bản) trong nhóm cựu dịch, chọn lấy bản hoàn hảo nhất của mỗi hội để làm thành một phần khác của bộ kinh Đại Bảo Tích, ví dụ: Hội 3, Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ, do ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn dịch, được chọn (sau đó, ngài Pháp Hộ đời Bắc-Tống cũng dịch kinh này với tên “Như Lai Bất Tư Nghị Bí Mật Đại Thừa Kinh”, nhưng không được chọn); Hội 9, Đại Thừa Thập Pháp, do ngài Phật Đà Phiến Đa đời Bắc-Ngụy dịch, được chọn (sau đó, ngài Tăng Già Bà La đời Lương cũng dịch kinh này với tên “Đại Thừa Thập Pháp Kinh”, nhưng không được chọn); Hội 38, Đại Thừa Phương Tiện, do ngài Trúc Nan Đề đời Đông-Tấn dịch, được chọn (trước đó, ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn đã dịch kinh này với tên “Tuệ Thượng ồ Tát Vấn Đại Thiện Quyền Kinh”, và sau đó, ngài Thi Hộ đời Bắc-Tống cũng dịch kinh này với tên “Đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện Kinh”, đều không được chọn); v.v…, loại này gồm có 15 hội (tức các hội 3, 9, 12, 15, 16, 18, 19, 32, 33, 36, 38, 39, 43, 46, và 47). Cả hai loại trên gồm có 23 hội, làm thành phần “cựu dịch” của bộ kinh Đại Bảo Tích.

Kế tiếp, cũng từ trong số các bản kinh đã dịch cũ ấy, bản nào thấy không hài lòng thì chính ngài dịch mới lại, ví dụ: Hội 1, Tam Luật Nghi, trước đây ngài Đàm Vô Sấm đời Bắc-Lương đã dịch với tên “Đại Phương Quảng Tam Giới Kinh”, nay ngài dịch mới lại; Hội 5, Vô Lượng Thọ Như Lai, trước đây ngài Chi Lâu Ca Sấm đời Hậu-Hán đã dịch với tên “Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”, rồi ngài Khương Tăng Khải đời Tào- Ngụy cũng đã dịch với tên “Vô Lượng Thọ Kinh”, đồng thời ngài Chi Khiêm ở đời Ngô cũng dịch với tên “A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh”, tiếp đó ngài Pháp Hiền đời Bắc-Tống cũng lại dịch với tên “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh”, nay ngài dịch mới lại; Hội 42, Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn, trước kia ngài An Thế Cao đời Hậu-Hán đã dịch với tên “Đại Thừa Phương Quảng Yếu Tuệ Kinh”, tiếp đó ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn cũng đã dịch với tên “Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Bản Nguyện Kinh”, nay ngài dịch mới lại; v.v…. loại này gồm có 18 hội (tức các Hội 1, 5, 6, 10, 13, 21, 24, 25, 27, 28, 29, 30, 35, 37, 42, 45, 48, và 49). Thực ra, 18 hội này cũng thuộc về loại “trùng dịch”, nhưng vì do chính ngài dịch lại, hơn nữa, để phân biệt với nhóm “cựu dịch” trên kia, những hội này đã được xếp chung vào nhóm “tân dịch” (tức là do chính ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch).

Sau hết, 8 hội còn lại (tức các hội 2, 7, 11, 20, 22, 31, 34, và 40) là do ngài mới dịch lần đầu tiên. Cả hai loại sau (do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch lại và mới dịch lần đầu) gồm có 23 hội, làm thành phần “tân dịch” của bộ kinh Đại Bảo Tích.

Công việc này đã được khởi sự từ năm 706 (đời vua Trung-tông), đến năm 713 (đời vua Huyền-tông) thì hoàn mãn. Từ sau khi dịch xong bộ kinh Đại Bảo Tích này, ngài Bồ Đề Lưu Chí cũng chấm dứt sự nghiệp phiên dịch của mình, chuyên tập thiền quán, sớm tối trì tụng, kinh hành, trưởng dưỡng bồ đề tâm; cho đến năm 727 thì ngài viên tịch, thế thọ 156 tuổi.

Bộ kinh Đại Bảo Tích được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 11, mang số 310; có ghi rõ tên vị dịch sư của từng kinh (hội), như: Hội 1, Tam Luật Nghi (quyển 1-3), Bồ Đề Lưu Chí đời Đường dịch; Hội 4, Tịnh Cư Thiên Tử (tức Bồ Tát Thuyết Mộng Kinh, 2 quyển, 15-16), Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn dịch; Hội 12, Bồ Tát Tạng (tức Đại Bồ Tát Tạng Kinh, 20 quyển, 35-54), Huyền Trang đời Đường dịch; Hội 19, Úc Già Trưởng Giả (tức Úc Già Trưởng Giả Sở Vấn Kinh, quyển 82), Khương Tăng Khải đời Tào-Ngụy dịch; v.v…

Về nội dung, kinh Đại Bảo Tích chứa đựng đủ các pháp môn chủ yếu của giáo pháp đại thừa, phạm vi thật là rộng rãi. Kinh gồm 49 hội, mà mỗi hội là một bộ kinh, với một chủ đề riêng. Ví dụ: Hội 3, Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ (tức Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ Kinh, ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây-Tấn dịch), xiển dương giáo nghĩa Mật giáo; Hội 5, Vô Lượng Thọ Như Lai (ngài Bồ Đề Lưu Chí đời Đường dịch), tuyên thuyết về tín ngưỡng Di Đà Tịnh Độ; Hội 46, Văn Thù Thuyết Bát Nhã (tức Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, ngài Mạn Đà La Tiên đời Lương dịch), nêu lên tư tưởng bát nhã tánh không; v.v… Mặt khác, cả 49 hội đó cũng thuộc nhiều bộ loại khác nhau, như: Hội 1 (Tam Luật Nghi) và Hội 23 (Ma Ha Ca Diếp) thuộc về Luật bộ; Hội 14 (Phật Thuyết Nhập Thai Tạng) thuộc Tiểu Thừa bộ; Hội 46 (Văn Thù Thuyết Bát Nhã) thuộc Bát Nhã bộ; Hội 47 (Bảo Kết Bồ Tát) thuộc Đại Tập bộ; v.v… Bởi vậy, nếu xét về toàn thể thì kinh Đại Bảo Tích không có một nội dung nhất quán.

Bộ kinh này đã được hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch ra Việt văn với tên “Kinh Đại Bảo Tích”, gồm có 9 tập, in lần đầu tiên từ năm 1987, đến năm 1989 thì xong; và in lần thứ nhì từ năm 1993, đến năm 1999 thì xong. Đặc biệt, bản dịch Việt ngữ này, ngoài 49 hội của bộ kinh Đại Bảo Tích Hán văn, hòa thượng dịch giả còn sưu tầm trong Đại Tạng để dịch thêm 13 hội nữa, thành ra, bộ kinh Đại Bảo Tích, bản Việt dịch của hòa thượng Thích Trí Tịnh có đến 62 hội. Về điều này, chính hòa thượng dịch giả đã cho biết: “Nội dung bộ Đại Bửu Tích Hán văn đến pháp hội Quảng Bác Tiên Nhơn là hết, nhưng hết với nửa chừng. Trong bộ Việt văn nầy, tôi sưu tầm trong Đại tạng, bổ sung phần cuối trọn vẹn cho pháp hội nầy. Và cũng từ Đại tạng tôi dịch thêm pháp hội Diệu Cát Tường Bồ Tát. Tiếp theo đó, nếu các pháp hữu thấy pháp hội nào có câu đức Phật ngự tại giữa khoảng cõi Dục và cõi Sắc trong Đại Bửu Phường Đình thì đó chính là kinh Đại Tập. Cũng từ trong Đại Tạng, tôi phiên dịch thêm pháp hội Vô Tận Ý Bồ Tát nối sau bộ kinh Đại Tập Hán văn đã lưu hành và để kết thúc toàn bộ kinh Đại Bửu Tích Việt văn, tôi đặt pháp hội Quán Vô Lượng Thọ Phật.” (Kinh Đại Bảo Tích, tập 9, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, bản in năm 1999, trang 809.)

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Kim Hoa Thánh Mẫu và Thập Nhị Tiên Nương














Kim Hoa Thánh Mẫu và Thập Nhị Tiên Nương



Trong quan niệm của người phương Đông, do ảnh hưởng của thuyết luân hồi trong Phật giáo cho nên sau khi mãn một báo thân con người ta sẽ đầu thai sang kiếp khác dưới 6 dạng: Trời, Người, A-tu-la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh. Những ai khi sống không gây tạo điều ác, có gieo trồng một ít thiện thì sau khi uống canh Mạnh Bà (hoặc ăn cháo lú) sẽ qua cửa đầu thai tiếp tục làm người. Những sinh linh này lúc thác thai vào bụng mẹ sẽ do mười hai bà mụ nắn ra hình hài dáng vóc rồi cho thụ thai, từ lúc người mẹ trở dạ sinh con cho đến khi bé nằm nôi, đi, đứng, tập ăn, tập nói đều có các mụ bà kề cận phù hộ. Nói cách khác, ở phương Tây những đứa trẻ có tiên mẹ đỡ đầu thì ở châu Á sẽ có mười hai bà mụ.

Tín ngưỡng mười hai bà mụ vốn có nguồn gốc từ dân gian Trung Hoa. Có tích nói rằng mười hai bà mụ là mười hai vị nữ thần kề cận bên Ngọc Hoàng từ lúc ông sáng tạo ra loài người nhưng cũng có một số ghi chép cho rằng họ được Ngọc Hoàng giao phó kể từ khi ông tạo ra đủ số lượng người ở hạ giới. Về con số 12, người ta cho rằng 12 bà mỗi người chịu trách nhiệm nặn ra một bộ phận trên cơ thể con người hoặc dạy cho trẻ một thứ. Thế nhưng ở văn hóa miền Nam lại quan niệm rằng 12 bà mụ chịu trách nhiệm bảo hộ về sinh nở và trẻ nhỏ trong 12 tháng của năm tính theo thập nhị Chi (12 con giáp).

Danh từ Bà Mụ thực ra là chỉ chung cho 13 vị Thánh gồm Kim Hoa Thánh Mẫu_vị thần đứng đầu hệ thống bảo sanh mà người Quảng Đông gọi là Huệ Phước Phu Nhân, người Hoa Minh Hương gọi bà là Chúa Sanh Nương Nương còn người Việt quen gọi là Bà Chúa Thai Sanh. Phụ giúp cho Kim Hoa Thánh Mẫu có Thập Nhị Hoa Bà lo phụ trách việc chú sanh và phù hộ cho thai nhi, thai phụ cho đến ngày đứa trẻ tròn 1 tuổi, chính vì vậy mà vào ngày đứa trẻ đầy cử (3 ngày), đầy tháng (1 tháng) và thôi nôi (1 năm) gia đình đều phải bày cúng 12 phần lễ vật để tạ ơn các bà đã chăm sóc cho bé. Thập Nhị Hoa Bà có nơi còn gọi là Thập Nhị Tiên Nương sau khi du nhập vào Việt Nam đã được người Việt gọi với cái tên gần gũi là Mười Hai Bà Mụ.

Thập Nhị Tiên Nương bao gồm:

Mụ bà Trần Tứ Nương coi việc sanh đẻ (chú sanh)
Mụ bà Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén (chú thai)
Mụ bà Lâm Cửu Nương coi việc thụ thai (thủ thai)
Mụ bà Lưu Thất Nương coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé (chú nam nữ).
Mụ bà Lâm Nhất Nương coi việc chăm sóc bào thai (an thai)
Mụ bà Lý Đại Nương coi việc chuyển dạ (chuyển sanh)
Mụ bà Hứa Đại Nương coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)
Mụ bà Cao Tứ Nương coi việc ở cữ (dưỡng sanh)
Mụ bà Tăng Ngũ Nương coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)
Mụ bà Mã Ngũ Nương coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)
Mụ bà Trúc Ngũ Nương coi việc giữ trẻ (bảo tử)
Mụ bà Nguyễn Tam Nương coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ (giám sanh)

Chính vì quan niệm này mà đứa trẻ nào xinh đẹp, đáng yêu người ta bảo rằng bà mụ khéo nặn. Ngược lại, đứa bé nào hình dáng có phần xấu xí hoặc đôi chút dị tật, người ta lại cho là trong lúc nặng bé, bà mụ đã ngủ gật khiến cho hình hài không đẹp đẽ. Lúc bé tập đi, nếu bị ngã mà không bị thương hoặc xém ngã nhưng lại không ngã thì đó là bà mụ đỡ. Một số nơi cho rằng, bà mụ sẽ đi theo đứa trẻ cho đến tận lúc nó 12 tuổi và nếu trong khoảng thời gian đó trẻ làm ra điều gì có tội như bất hiếu, sát sinh, trộm cắp… thì bà mụ sẽ gánh tội cho, đến khi 12 tuổi thì bà mụ sẽ không đi theo nữa, tất cả tội lỗi từ đó tự gánh chịu nghiệp quả. Trong lúc sinh nở mà được toàn vẹn mẹ tròn con vuông thì chính là Chúa Sinh Nương Nương đã phù hộ, nếu đứa trẻ không thể chào đời mà chết trong bụng mẹ hay vừa sinh ra đã chết thì do nghiệp báo từ đời trước quá nặng, bà không thể đỡ nổi. Chính vì vậy mà trong thai kì, các bà mẹ thường đến điện thờ của Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 mụ bà cầu mong sinh nở thành công, người nào bị hiếm muộn thì cũng đến tìm bà để cầu tự.


CHÙA NGỌC HOÀNG :

Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là chùa Phước Hải Tự toạ lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa linh thiêng nằm an lành và yên tĩnh ngay giữa trung tâm thành phố. Như những ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Ngọc Hoàng khoác lên mình một vẻ đẹp về sự linh thiêng thu hút nhiều khách du lịch và người dân bản địa đến hành hương


Chùa Ngọc Hoàng vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người tên Lưu Minh (người Quảng Đông, Trung Quốc) xây dựng vào khoảng đầu thế kỉ 20 theo kiểu kiến trúc Trung Hoa. Năm 1984, chùa Ngọc Hoàng được đổi tên thành Phước Hải. Tuy nhiên, người dân vẫn quen gọi là Ngọc Hoàng bởi khu chánh điện là nơi thờ Ngọc Hoàng theo tín ngưỡng người Hoa.

Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa cổ, làm theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô típ trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án… bằng các chất liệu: gỗ, gốm, giấy bồi.

Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.300 m2. Phía trước có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ pháp. Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế “tranh châu”. Giữa sân chùa rộng là một bể cá đủ loại, bên phải là bể rùa. Bể nào cũng đầy ắp cá, rùa nhiều con to quá cỡ. Chúng do những người đến khấn nguyện thả vào

Bên trong ngôi chùa gồm 3 tòa: Tiền điện, Trung điện và Chánh điện.Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng.

Ngôi chùa còn thờ Kim Hoa Thánh Mẫu (thần coi việc sinh nở) cùng 12 bà mụ, mỗi bên 6 bà với tư thế khác nhau, mỗi bà lo một việc: nắn tay, nắn chân, nắn đầu, dạy trẻ tập đi, tập nói,… Người dân đến đây cầu “mẹ tròn con vuông” khi có người thân đang mang thai. Mong muốn đứa bé chào đời được may mắn, bình an, hạnh phúc là tâm nguyện của nhiều người khi đến đây cầu nguyện.

Chùa Ngọc Hoàng có phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và một số thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa như: Thiên Lôi, thần Môn Quan (thần giữ cửa), thần Thổ Địa (thần đất đai), thần Táo Quân(thần lò bếp), thần Hà Bá (thần sông nước), Văn Xương và thần Lã Tổ (thần văn chương), Thái Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), 13 đức thầy, v.v… Ngoài ra, chùa còn thờ thần Thành hoàng…Nhìn chung, các pho tượng thờ trong điện thờ đều là những tác phẩm điêu khắc gỗ đẹp

Chùa cầu con: Chùa Ngọc Hoàng cũng là một trong những ngôi chùa cầu con nổi tiếng ở Việt Nam. Những cặp vợ chồng hiếm muộn thường thành tâm cầu con ở đền thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ. Kim Hoa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian là vị thần coi sóc việc sinh nở ở chốn nhân gian.

Du khách đến chùa Ngọc Hoàng cầu con được đeo vào cổ tay một sợi chỉ màu đỏ. Nếu cầu con trai thì khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, cầu con gái thì treo bên trái. Sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng tượng trẻ con dưới chân bà mụ 3 cái, rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa. Nếu ai đó khấn vái đạt được thành tựu viên mãn thì sau đó mua trái cây, nhang đèn, hoa tươi đến cúng tạ lễ Mẹ. Khi con đầy tháng thì mang xôi chè đến cúng lần nữa. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không cúng bái, tạ lễ gì phức tạp cả

Chùa cầu tình duyên: Ngoài cầu con thì khách hành hương có thể cầu tình duyên tại đây. Tiếng đồn về sự linh thiêng trong việc cầu tình duyên tại nơi đây cũng không hề kém gì so với việc cầu con. Người dân quan niệm, chỉ cần thành tâm thắp hương, khấn tên mình, sau đó đến tên “người trong mộng” và sờ vào tượng ông Tơ, bà Nguyệt, Thánh mẫu để ông Tơ, bà Nguyệt se duyên.

Ngoài ra, trong chùa Ngọc Hoàng còn có điện thờ Phật Dược Sư để khách cầu sức khỏe, điện Thần Tài để cầu tài, lộc và đặc biệt là điện thờ Đức Quan Thế Âm được đặt trên lầu.

Điện Ngọc Hoàng :


Điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu, các vị Tiên Sư, Tổ Sư, Thánh Sư, và Thập Nhị Nương Nương.


Phía bên dãy nhà Đông Sương của Điện Ngọc Hoàng có một điện thờ, ở giữa là Kim Hoa Thánh Mẫu, Tiên Sư, Tổ Sư, Thánh Sư, cùng Thập Nhị Nương Nương. Bộ tượng gốm rất độc đáo này do lò Bửu Nguyên ở Chợ Lớn sản xuất (gốm Cây Mai, Saigon), đây là những tác phẩm mỹ thuật đặc biệt.


Kim Hoa Thánh Mẫu là nữ thần của người Hoa chủ quản việc sinh đẻ, người Quảng Đông gọi là Huệ Phúc Phu Nhân. Cùng với Kim Hoa Thánh Mẫu còn có Thập Nhị Nương Nương còn gọi là Thập Nhị Hoa Bà, hay gọi theo như cách gọi dân gian của người Việt là Mười Hai Bà Mụ, Bà Mụ, Mẹ Sanh. Đối với người Hoa là các Bà: Vạn Tứ Nương: Bà chú thai; Lâm Cửu Nương: Bà thử thai; Lâm Thất Nương: Bà an thai; Trần Tứ Nương: Bà chú sinh; Lý Đại Nương: Bà chuyển sinh; Nguyễn Tam Nương: Bà giám sinh; Tăng Ngũ Nương: Bà bảo tống; Hứa Đại Nương: Bà hộ sản; Lưu Thất Nương: Bà chú nam nữ; Cao Tứ Nương: Bà dưỡng sinh; Trúc Ngũ Nương: Bà bảo tử. Mã Ngũ Nương: Bà tống tử.