Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Kim Hoa Thánh Mẫu và Thập Nhị Tiên Nương














Kim Hoa Thánh Mẫu và Thập Nhị Tiên Nương



Trong quan niệm của người phương Đông, do ảnh hưởng của thuyết luân hồi trong Phật giáo cho nên sau khi mãn một báo thân con người ta sẽ đầu thai sang kiếp khác dưới 6 dạng: Trời, Người, A-tu-la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh. Những ai khi sống không gây tạo điều ác, có gieo trồng một ít thiện thì sau khi uống canh Mạnh Bà (hoặc ăn cháo lú) sẽ qua cửa đầu thai tiếp tục làm người. Những sinh linh này lúc thác thai vào bụng mẹ sẽ do mười hai bà mụ nắn ra hình hài dáng vóc rồi cho thụ thai, từ lúc người mẹ trở dạ sinh con cho đến khi bé nằm nôi, đi, đứng, tập ăn, tập nói đều có các mụ bà kề cận phù hộ. Nói cách khác, ở phương Tây những đứa trẻ có tiên mẹ đỡ đầu thì ở châu Á sẽ có mười hai bà mụ.

Tín ngưỡng mười hai bà mụ vốn có nguồn gốc từ dân gian Trung Hoa. Có tích nói rằng mười hai bà mụ là mười hai vị nữ thần kề cận bên Ngọc Hoàng từ lúc ông sáng tạo ra loài người nhưng cũng có một số ghi chép cho rằng họ được Ngọc Hoàng giao phó kể từ khi ông tạo ra đủ số lượng người ở hạ giới. Về con số 12, người ta cho rằng 12 bà mỗi người chịu trách nhiệm nặn ra một bộ phận trên cơ thể con người hoặc dạy cho trẻ một thứ. Thế nhưng ở văn hóa miền Nam lại quan niệm rằng 12 bà mụ chịu trách nhiệm bảo hộ về sinh nở và trẻ nhỏ trong 12 tháng của năm tính theo thập nhị Chi (12 con giáp).

Danh từ Bà Mụ thực ra là chỉ chung cho 13 vị Thánh gồm Kim Hoa Thánh Mẫu_vị thần đứng đầu hệ thống bảo sanh mà người Quảng Đông gọi là Huệ Phước Phu Nhân, người Hoa Minh Hương gọi bà là Chúa Sanh Nương Nương còn người Việt quen gọi là Bà Chúa Thai Sanh. Phụ giúp cho Kim Hoa Thánh Mẫu có Thập Nhị Hoa Bà lo phụ trách việc chú sanh và phù hộ cho thai nhi, thai phụ cho đến ngày đứa trẻ tròn 1 tuổi, chính vì vậy mà vào ngày đứa trẻ đầy cử (3 ngày), đầy tháng (1 tháng) và thôi nôi (1 năm) gia đình đều phải bày cúng 12 phần lễ vật để tạ ơn các bà đã chăm sóc cho bé. Thập Nhị Hoa Bà có nơi còn gọi là Thập Nhị Tiên Nương sau khi du nhập vào Việt Nam đã được người Việt gọi với cái tên gần gũi là Mười Hai Bà Mụ.

Thập Nhị Tiên Nương bao gồm:

Mụ bà Trần Tứ Nương coi việc sanh đẻ (chú sanh)
Mụ bà Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén (chú thai)
Mụ bà Lâm Cửu Nương coi việc thụ thai (thủ thai)
Mụ bà Lưu Thất Nương coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé (chú nam nữ).
Mụ bà Lâm Nhất Nương coi việc chăm sóc bào thai (an thai)
Mụ bà Lý Đại Nương coi việc chuyển dạ (chuyển sanh)
Mụ bà Hứa Đại Nương coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)
Mụ bà Cao Tứ Nương coi việc ở cữ (dưỡng sanh)
Mụ bà Tăng Ngũ Nương coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)
Mụ bà Mã Ngũ Nương coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)
Mụ bà Trúc Ngũ Nương coi việc giữ trẻ (bảo tử)
Mụ bà Nguyễn Tam Nương coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ (giám sanh)

Chính vì quan niệm này mà đứa trẻ nào xinh đẹp, đáng yêu người ta bảo rằng bà mụ khéo nặn. Ngược lại, đứa bé nào hình dáng có phần xấu xí hoặc đôi chút dị tật, người ta lại cho là trong lúc nặng bé, bà mụ đã ngủ gật khiến cho hình hài không đẹp đẽ. Lúc bé tập đi, nếu bị ngã mà không bị thương hoặc xém ngã nhưng lại không ngã thì đó là bà mụ đỡ. Một số nơi cho rằng, bà mụ sẽ đi theo đứa trẻ cho đến tận lúc nó 12 tuổi và nếu trong khoảng thời gian đó trẻ làm ra điều gì có tội như bất hiếu, sát sinh, trộm cắp… thì bà mụ sẽ gánh tội cho, đến khi 12 tuổi thì bà mụ sẽ không đi theo nữa, tất cả tội lỗi từ đó tự gánh chịu nghiệp quả. Trong lúc sinh nở mà được toàn vẹn mẹ tròn con vuông thì chính là Chúa Sinh Nương Nương đã phù hộ, nếu đứa trẻ không thể chào đời mà chết trong bụng mẹ hay vừa sinh ra đã chết thì do nghiệp báo từ đời trước quá nặng, bà không thể đỡ nổi. Chính vì vậy mà trong thai kì, các bà mẹ thường đến điện thờ của Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 mụ bà cầu mong sinh nở thành công, người nào bị hiếm muộn thì cũng đến tìm bà để cầu tự.


CHÙA NGỌC HOÀNG :

Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là chùa Phước Hải Tự toạ lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa linh thiêng nằm an lành và yên tĩnh ngay giữa trung tâm thành phố. Như những ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Ngọc Hoàng khoác lên mình một vẻ đẹp về sự linh thiêng thu hút nhiều khách du lịch và người dân bản địa đến hành hương


Chùa Ngọc Hoàng vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người tên Lưu Minh (người Quảng Đông, Trung Quốc) xây dựng vào khoảng đầu thế kỉ 20 theo kiểu kiến trúc Trung Hoa. Năm 1984, chùa Ngọc Hoàng được đổi tên thành Phước Hải. Tuy nhiên, người dân vẫn quen gọi là Ngọc Hoàng bởi khu chánh điện là nơi thờ Ngọc Hoàng theo tín ngưỡng người Hoa.

Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa cổ, làm theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô típ trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án… bằng các chất liệu: gỗ, gốm, giấy bồi.

Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.300 m2. Phía trước có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ pháp. Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế “tranh châu”. Giữa sân chùa rộng là một bể cá đủ loại, bên phải là bể rùa. Bể nào cũng đầy ắp cá, rùa nhiều con to quá cỡ. Chúng do những người đến khấn nguyện thả vào

Bên trong ngôi chùa gồm 3 tòa: Tiền điện, Trung điện và Chánh điện.Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng.

Ngôi chùa còn thờ Kim Hoa Thánh Mẫu (thần coi việc sinh nở) cùng 12 bà mụ, mỗi bên 6 bà với tư thế khác nhau, mỗi bà lo một việc: nắn tay, nắn chân, nắn đầu, dạy trẻ tập đi, tập nói,… Người dân đến đây cầu “mẹ tròn con vuông” khi có người thân đang mang thai. Mong muốn đứa bé chào đời được may mắn, bình an, hạnh phúc là tâm nguyện của nhiều người khi đến đây cầu nguyện.

Chùa Ngọc Hoàng có phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và một số thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa như: Thiên Lôi, thần Môn Quan (thần giữ cửa), thần Thổ Địa (thần đất đai), thần Táo Quân(thần lò bếp), thần Hà Bá (thần sông nước), Văn Xương và thần Lã Tổ (thần văn chương), Thái Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), 13 đức thầy, v.v… Ngoài ra, chùa còn thờ thần Thành hoàng…Nhìn chung, các pho tượng thờ trong điện thờ đều là những tác phẩm điêu khắc gỗ đẹp

Chùa cầu con: Chùa Ngọc Hoàng cũng là một trong những ngôi chùa cầu con nổi tiếng ở Việt Nam. Những cặp vợ chồng hiếm muộn thường thành tâm cầu con ở đền thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ. Kim Hoa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian là vị thần coi sóc việc sinh nở ở chốn nhân gian.

Du khách đến chùa Ngọc Hoàng cầu con được đeo vào cổ tay một sợi chỉ màu đỏ. Nếu cầu con trai thì khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, cầu con gái thì treo bên trái. Sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng tượng trẻ con dưới chân bà mụ 3 cái, rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa. Nếu ai đó khấn vái đạt được thành tựu viên mãn thì sau đó mua trái cây, nhang đèn, hoa tươi đến cúng tạ lễ Mẹ. Khi con đầy tháng thì mang xôi chè đến cúng lần nữa. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không cúng bái, tạ lễ gì phức tạp cả

Chùa cầu tình duyên: Ngoài cầu con thì khách hành hương có thể cầu tình duyên tại đây. Tiếng đồn về sự linh thiêng trong việc cầu tình duyên tại nơi đây cũng không hề kém gì so với việc cầu con. Người dân quan niệm, chỉ cần thành tâm thắp hương, khấn tên mình, sau đó đến tên “người trong mộng” và sờ vào tượng ông Tơ, bà Nguyệt, Thánh mẫu để ông Tơ, bà Nguyệt se duyên.

Ngoài ra, trong chùa Ngọc Hoàng còn có điện thờ Phật Dược Sư để khách cầu sức khỏe, điện Thần Tài để cầu tài, lộc và đặc biệt là điện thờ Đức Quan Thế Âm được đặt trên lầu.

Điện Ngọc Hoàng :


Điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu, các vị Tiên Sư, Tổ Sư, Thánh Sư, và Thập Nhị Nương Nương.


Phía bên dãy nhà Đông Sương của Điện Ngọc Hoàng có một điện thờ, ở giữa là Kim Hoa Thánh Mẫu, Tiên Sư, Tổ Sư, Thánh Sư, cùng Thập Nhị Nương Nương. Bộ tượng gốm rất độc đáo này do lò Bửu Nguyên ở Chợ Lớn sản xuất (gốm Cây Mai, Saigon), đây là những tác phẩm mỹ thuật đặc biệt.


Kim Hoa Thánh Mẫu là nữ thần của người Hoa chủ quản việc sinh đẻ, người Quảng Đông gọi là Huệ Phúc Phu Nhân. Cùng với Kim Hoa Thánh Mẫu còn có Thập Nhị Nương Nương còn gọi là Thập Nhị Hoa Bà, hay gọi theo như cách gọi dân gian của người Việt là Mười Hai Bà Mụ, Bà Mụ, Mẹ Sanh. Đối với người Hoa là các Bà: Vạn Tứ Nương: Bà chú thai; Lâm Cửu Nương: Bà thử thai; Lâm Thất Nương: Bà an thai; Trần Tứ Nương: Bà chú sinh; Lý Đại Nương: Bà chuyển sinh; Nguyễn Tam Nương: Bà giám sinh; Tăng Ngũ Nương: Bà bảo tống; Hứa Đại Nương: Bà hộ sản; Lưu Thất Nương: Bà chú nam nữ; Cao Tứ Nương: Bà dưỡng sinh; Trúc Ngũ Nương: Bà bảo tử. Mã Ngũ Nương: Bà tống tử.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét