Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

THIÊN TÂM ĐẠO - THIENTAMISM




🔔 Giới thiệu





Bố Cáo Đại Chúng Khai Đạo Thiên Tâm

Kính Thưa Quí Vị

  • Không phải Một hay vài vũ trụ Vận hành mà có vô số thế giới đang chuyển động.
  • Các sinh vật trong hằng sa cõi đang sanh sanh – diệt diệt.
  • Hoa lá – cỏ cây đang khoe muôn sắc muôn màu rồi cùng tàn héo.
  • Văn minh – văn hóa của nhân loại cũng theo thời gian mà hưng thịnh – tàn phai.
  • Tôn giáo – tín ngưỡng – phong tục – tập quán trong cuộc sống của loài người không bao giờ ngừng nghỉ.
  • Đức Phật Thích Ca đã thấy–đã hiểu–đã chứng như vậy nên Ngài ứng hiện – hóa thân vô số vào muôn cõi độ sanh.
  • Ngọc Hoàng – Những quốc gia trên thế giới gọi danh hiệu Ngài là Thượng Đế, Chúa Trời hay là Allah, Brahman.
  • Mẫu mẹ–là Mẹ của Nhân loại, Phật Bà Quan Âm hay Mẹ Maria cũng đều hóa thân của Đại Thánh Mẫu. 
  • Là tín ngưỡng nhân gian lâu đời ở Châu Á, mặc dù chưa phải là Tôn Giáo nhưng có rất nhiều người tin theo. Và quan trọng đã mang lại bình an và hạnh phúc trong gia đình – trong xã hội.

Hôm nay ngày lành tháng tốt – năm bình an – (Ngày 19 tháng 02 năm Đinh Dậu ) nhằm 11:00 AM 16-03-2017 được phép của “Cha Mẹ”, Thiên Tâm Đạo ra đời. Trước khi ra đời “Cha Mẹ” đã dạy 5 việc như sau:

🌼 1. Thiên Tâm Đạo là gì?

a. Hợp Lòng người–hợp sơn Hà –đại địa–hợp với Trời.
b. Lấy Tâm Từ Bi thương xót – giúp đỡ muôn loài.

🌼 2. Biểu tượng và chú giải

a. Biểu tượng

  • Dấu Thập – chữ Thập (Đấng Tạo Hoá) – Tâm Bình Đẳng Hướng Thượng
  • Dấu ngang ( – ): Dạy rằng mọi người phải bình đẳng với nhau, và biết tôn trọng sự sống khác.
  • Dấu sổ xuống ( I ): Dạy rằng mọi người cần phải tu tâm dưỡng tánh – hướng thượng để có đời sống cao thượng – có đời sống lợi ích cho mình và cho người khác.
  • Dấu trái tim – Là Tâm,Tâm nghĩa là Phật hay lòng người. Cho dù Đông hay Tây – Nam hay Bắc. Đời nay – Đời xưa, hay tương lai vẫn có điểm chung – Ấy là Đạo.

b. Triết lý :

Bốn hướng: Cho dù sống hay làm việc bốn hướng (Đông – Tây – Nam – Bắc – hay Trên – Dưới – Trái – Phải ) đều xem anh em một nhà, cùng Cha Mẹ sanh ra. Lấy tình thương làm đầu. Không tranh chấp, không chém giết lẫn nhau. Hãy nhường nhịn cho nhau.

c. Lý Thuyết :
  • Lấy Kinh Hoa Nghiêm làm nền tảng:
  • Mọi hiện tượng đều do duyên mà thành tựu
  • Mọi hiện tượng đều do duyên mà hủy hoại
  • Vì vậy không nên nhờ vị Trời hay Thần Linh nào ban phước hay giáng họa.
  • Trùng trùng duyên khởi
  • Vì vậy không có bất cứ pháp nào tồn tại độc lập.
  • Quán như thế: Nhân – Ngã – Bỉ Thử lần lần tiêu diệt.

d. Tin sâu Nhân Quả :

  • Hễ Tạo Nhân Tốt Chắc Chắn Gặp Qủa Tốt – Hể Tạo Nhân Xấu Thì Cũng Sẽ Gặp Qủa tương xứng. Không có bất cứ ai có quyền cho Thêm và Bớt đi.
  • Không có bất cứ Nhân nào mà không có Quả
  • Không có bất cứ Quả nào mà thiếu Nhân.


🌼 3. Phương Pháp Tu Tập :

  • Dùng 37 phẩm trợ đạo trong bài thuyết pháp đầu tiên cho nhóm Kiều Trần Như tại Vườn Lộc Uyển làm cơ bản.
  • Tu Tập không phải chạy nước rút để cho mau đến đích – giải thoát. Phải tận hưởng từng hơi thở, từng bước chân an lạc – giải thoát.
  • Tự mình thắp đuốc lên mà đi. Không nương tựa bất cứ ai khác mình.
  • Tự mình thanh tịnh mình, không có bất cứ ai làm mình thanh tịnh hay ô uế.
  • Lấy Lăng Nghiêm là cột trụ chính của Thiên Tâm Đạo.
  • Cần sám hối nghiệp chướng sâu dày nhiều đời nhiều kiếp của mình cho sạch sẽ. Sau đó mới tiếp nhận pháp lạc do tu tập mà có.
  • Sáng suốt nhận định đâu là Tà? Đâu là Chánh. Tâm hẹp hòi – Tâm lợi tha. Tâm từ bi – Tâm ích kỷ. Tâm bao la – Tâm nhỏ bé v.v….
  • Nhận thức rằng vọng tâm dìu dắt chúng sanh ra vào sanh tử khổ đau triền miên.
  • Nhận thức rằng chơn tâm hướng dẫn chúng sanh được an vui giải thoát – niết bàn.

🌼 4. Cách thức thờ cúng và sinh hoạt

  • Tùy theo hoàn cảnh- gia đình mà thờ cúng. Không nhất thiết phải thờ đầy đủ, tuy nhiên thờ ở chốn sạch sẽ – tôn nghiêm.
  • thờ cúng tượng/tranh Tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tượng Hoàng Thiên Đại Thánh Mẫu.
  • Nên trì tụng chú Đại Bi – Thần Chú Lăng Nghiêm.
  • Ngồi thiền để tâm lắng đọng định tĩnh.
  • Không cần rườm rà hình thức nghi lễ – đơn giản nhưng trang nghiêm – hết lòng.
  • Hết lòng khấn nguyện và phát tâm vào đạo,
  • Đặt tên cho mình thì lấy Thiên Tâm làm đầu.Ví dụ: Thiên Tâm Chánh – Thiên Tâm Hạnh-Thiên Tuấn Kiệt .v.v…v

🌼 5. Nhập Môn :

  • Cần thành tâm quay về hướng Đông Bắc cổng Thiên Đình khấn lạy 12 lạy xin nguyện thề (Bàn nhỏ hay lớn tùy, cùng 12 đèn cầy, 12 ly bông, 12 ly nước), ngũ quả trái cây
  • Chủ trương trường chay, nếu không được thì ăn mười ngày hoặc 4 ngày mỗi tháng và giử tam tịnh nhục
  • Không chủ trương hộ niệm, đốt vàng mã và ăn mặc gọn gàng không cần rườm rà hình thức bề ngoài để thích hợp toàn sắc dân trên thế giới gia nhập Thiên Tâm tu theo Pháp Phật.

Ghi chú : 
Làm tại Điện Mẫu Núi Thiên Long Sơn lúc 11h sáng ngày 16 tháng 3 năm 2017 (Nhằm ngày 19 tháng 2 Âm Lịch năm Đinh Dậu (ngày vía Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát).


Đạo Thiên Tâm thờ Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu




Lời Đức Chí Tôn

Thầy là các con

Các con tức là thầy






TIỂU-DẪN

Trước khi đi vào đề tài này chúng ta cần có một tín-niệm tiên-quyết rằng “Thượng-Đế là Đấng tự-hữu và hằng-hữu”. Vì Thượng-Đế đã khải-thị rằng :

“Khi chưa có chi trong Càn-khôn Thế-giới thì khí Hư-vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-cực… Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi, Lưỡng-nghi sanh Tứ-tượng. Tứ-tượng biến Bát-quái, Bát-quái biến-hoá vô cùng mới lập ra Càn-khôn Thế-giới”.

Câu nầy có nghĩa là Thượng-Đế từ Hư-vô chi khí mà có. Ngôi của Ngài là một khối Thái-cực, Ngài mới phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi (Âm Dương), Âm Dương sinh Tứ-tượng (Thái-dương, Thiếu-âm, Thái âm Thiếu dương), Tứ-tương sinh Bát-quái, tức là Tám hiện-tượng đó là: Càn: Trời, Khôn: Đất, Chấn: Sấm chớp, Tốn: Gió, Khảm: Nước, Ly: Lửa, Cấn: núi, Đoài: ao-đầm. Từ Tám hiện-tượng nầy vận-chuyển mà biến-hoá vô-cùng mới tạo-lập ra vũ-trụ và vạn-hữu chũng-sinh.

Đây là một vấn-đề vô-cùng lớn-lao, nằm trong phạm-trù Vũ-trụ-quan của triết-học Đông-phương … Từ xưa đến nay nhiều Giáo-chủ nhiều Triết-gia đã bàn-luận giải-đáp, nhưng vẫn còn là vấn-đề bí-ẩn bất-tận. Nên nếu chúng ta chấp-nhận những tín-niệm tiên-quyết nêu trên đây, thì mới có thể cùng nhau tìm hiểu đề-tài nầy.

Còn có nhiều trường-phái căn-cứ vào giác-quan, hễ cái gì mắt thấy tai nghe mới cho là có thật, nên họ cho rằng không có Thượng-Đế, mà Thượng-Đế chỉ là một sản-phẩm tưởng-tượng. Ngay con người họ cũng chẳng biết mình là ai, và cũng cho con người là một sản-phẩm tình-cờ ngẫu-nhiên của vật-chất, đời sống con người chỉ ngắn-ngủi từ chiếc nôi đến nấm mồ là hết. Vì đã không tin có Thượng-Đế, thì mọi sự vật đối với họ làm gì có ý-nghĩa vĩnh-cửu và trường tồn.

Trong thực-tế khi gạt bỏ Thượng Đế, thì cũng chính là lúc con người tự phủ-nhận chính mình. Còn với niềm tin có Thượng-Đế, con người có thể sống trong chân hạnh-phúc và sự sống sẽ trở nên có mục-đích, và có ý-nghĩa cao-cả hơn.

Đối với niềm tin Thượng-Đế thì tuỳ theo thời-đại và địa-phương mà nhân-loại tôn-xưng Ngài bằng nhiều ngôn từ khác nhau đó là: Jéhova, Brhama, Chúa Trời, Thượng-Đế, Tạo-hoá, Hoá-công. . .
Các tài-liệu sưu-tập sau đây, cốt cho chúng ta suy-lý cảm-nhận sự hiện-hữu của Thượng-Đế, và lắng nghe được những huyền-âm vi-diệu của Ngài đang phát-xuất trong lương-tâm của mỗi con người.

QUAN NIỆM CỦA THIENTAMISM VỀ THƯỢNG ĐẾ

Trong thời kỳ ba, tín đồ Thientamism cũng có một niềm-tin về Thượng-Đế, giống như của tín-đồ các tôn-giáo nêu trên… Vì đây là một niềm-tin phổ-quát lưu-truyền qua lâu đời, nó đã trở thành một niềm tin vĩ-đại … Nhưng ngày nay Đức Chí-Tôn đã khải-thị cho chúng ta một học-thuyết nhất-nguyên đó là:

“Thầy tức là các Con, Các Con tức là Thầy,”

Theo khải-thị nầy thì chúng ta phải hiểu rằng: Thượng-Đế và Vũ-trụ cùng Vạn-hữu chúng-sanh là “Một”, nghĩa là Thượng-Đế và Chúng-sanh không phải là hai thực-tại riêng-biệt. Học-thuyết nầy đã được Thượng-Đế khải-thị trong triết-học Vedanta tối cổ của Ấn-độ vào Nhứt-kỳ Phổ-độ, nhưng đã thất chơn-truyền, nay chỉ còn những bậc có tuệ-giác trong một số tôn-giáo hiểu được mà thôi. Đây là một học-thuyết thượng-thừa, đối với giáo-chúng trình-độ trung-bình rất khó lãnh-hội.

THIENTAMISM CHỈ THỜ NHỊ THẦN: ĐỨC NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ và PHẬT MẪU DIÊU TRÌ

Chân Dung Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và Đức Diêu Trì Địa Mẫu – Họa lại từ Thiền Định

Thiên Chúa giáo: thờ Thiên Chúa đấng tối cao – Độc thần giáo

Đạo Hindu ( Còn gọi là “đạo Bà La Môn” ): thờ: nhiều linh thần : Shiva, Vishnu, Brahma v.v. – Đa thần giáo.

Phật giáo: không thờ thần nào cả. Đức Phật không muốn con người tôn thờ ngài như một vị thần – Vô thần.

Thientamism – Thiên Tâm Đạo: Thờ đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và Đức Phật Mẫu Diêu Trì – Nhị thần giáo.

Như vậy trong kỳ ba ngày nay, chúng ta có thể hiểu rằng Đấng Thượng-Đế của cõi Trời, cũng là Thượng-Đế trong thiên-nhiên, và Đấng Thượng-Đế trong Thiên-nhiên cũng chính là Thượng-Đế trong con người. Theo học-thuyết nầy thì vũ-trụ thiên-nhiên và chúng-sanh đều là “Hiện thân của Thượng-Đế”. Nói tóm lại ngay cả côn-trùng thảo-mộc hễ cái gì có “Sự Sống” là có Thượng-Đế trong đó. Điều nầy Đức Chí-Tôn cũng đã dạy rằng:

“Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn-linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống … Cái sống của chúng-sanh, Thầy phân-phát khắp càn-khôn thế-giới… ” .

Ngay khoa-học cũng đã chứng-minh rằng những giọt nguyên-sinh-chất (Protoplasma) trong suốt, gần như vô-hình, mắt ta không thể nhìn thấy, mà nó di-động nhờ hấp-thu sinh-khí thái-dương. Chính cái tế-bào đơn-độc nầy chứa mầm sống của muôn loài, là cội-nguồn của sự sống theo khoa-học thực-nghiệm. Tự nó không có thể tạo ra sự sống được, vậy thì sự sống từ đâu mà đến ? Như vậy “Sự sống” nầy chắc-chắn là do bởi Thượng-Đế, và chắc-chắn là có Ngài ẩn-tàng trong đó.

Điều nầy trong những kinh Upanisads tối cổ của Ấn-độ cũng đã đề cập đến:

“Tất cả những gì tồn-tại trong vũ-trụ nầy đều được Thượng-Đế bảo-bọc”.

Đây chính là tư-tưởng đại-đồng thật-sự và rốt-ráo nhất, mà Thượng-Đế đã khải-thị cho loài người. Nên vì thế chúng ta phải bảo-tồn vạn-linh cùng với Thượng-Đế, bằng con mắt nhìn thấy Thượng-Đế một cách thật-sự trong mọi sự sống, hễ cái gì có sự sống là có Ngài. Chính Thượng-Đế ở trong từng cánh hoa, trong từng đứa trẻ sơ sinh, trong người vợ, trong người chồng, chính Ngài hiện-hữu trong người thiện và trong kẻ ác, Ngài ở trong người tội-lỗi và trong kẻ phạm tội, trong sự sống và sự chết… đó là sự tồn-tại của “chân-ngã” .

Toàn thể vũ-trụ nầy là một “Tồn-tại” thuần-nhứt về mọi phương-diện vật-chất, tinh-thần, đạo-đức và tâm-linh, chúng ta đang nhìn thấy cái Tồn-tại nầy trong nhiều hình-thức khác nhau, đó là một Linh-hồn đôc-nhứt vô-nhị trong vũ-trụ, đó chính là Thượng-Đế đang tồn-tại thường-xuyên trong vạn-hữu. Nếu Thượng-Đế không tồn-tại trong vạn-hữu ngay trong hiện-tại, thì không bao-giờ Ngài tồn-tại trên trời cao, trong quá-khứ và cũng sẽ không bao-giờ Ngài tồn-tại trong tương-lai.



Lời khải-thị của Đức Chí-Tôn, đã cho chúng ta thấy rằng từ lâu con người ngay cả những bậc triết-nhân, sau khi luống công tìm kiếm Thượng-Đế bên ngoài bản-thân, đã hoàn-tất vòng tròn và trở lại ngay điểm khởi-hành của mình – linh-hồn con người, và đã nhận rằng Đấng Thượng-Đế mà con người đã đi tìm khắp các núi-đồi thung-lũng, tìm kiếm trong mỗi giòng nước, trong mỗi đền-thờ, và trên tận trời xanh… Đấng Thượng-Đế mà con người tưởng-tượng như là Đấng đang ngồi trên thiên-đường mà ngự trị thế-gian, chính là “Chân-ngã” nên con người bấy giờ có thể nói tôi là“Ngài” và Ngài là “Tôi”. Đúng như lời Đức Chí-Tôn khải-thị:

“ Thầy tức là các con, Các con tức là Thầy”.

Khi quan-niệm trong mỗi con người có một Đấng Thượng-Đế hoàn-hảo như vậy, thì làm sao con người có thể lầm-lạc như cái tôi “phàm ngã” được. Khi con người đã thấy họ là một với Đấng Thượng-Đế của vũ-trụ, thì mọi thứ ngăn-cách sẽ không còn nữa, khi mà tất-cả nam nữ, thần thánh, cây cỏ, muôn thú và toàn thể vũ-trụ đã dung-hoà trong “thuần nhất”. Thì làm gì còn có sợ-hải, ganh ghét, vì con người có bao giờ phải sợ chính mình không ? Chừng đó mọi khổ-đau, mọi tư-tưởng xấu-xa sẽ tan-biến, và con người không có thể có những tư-tưởng xấu-xa với người khác, bởi vì chính “Tôi” là tồn-tại duy-nhưt của vũ-trụ. Cái gì tôi làm cho người khác cũng là làm cho chính tôi.

Học-thuyết nhất-nguyên mà Thượng-Đế đã khải-thị cho loài người rằng “Thầy tức là các con, các Con tức là Thầy” đã rao giảng cho mọi người những nội-dung sau đây:

– Khi hiểu rằng Con người là một với Thượng-Đế, và với tư-cách đó thì mọi linh-hồn hiện-hữu là linh-hồn của bạn, và mọi thể-xác hiện-hữu là thể xác của bạn, và nếu khi bạn làm tổn-thương bất cứ người nào khác, là bạn tự làm tổn-thương lấy mình; khi thương-yêu bất cứ người nào, tức là mình tự thương-yêu chính mình vậy. Khi mà luồng thù-hận được tung ra ngoài, dù nó làm tổn-thương ai đi nữa, thì nó cũng vẫn làm tổn-thương người trước nhất chính là bạn.

– Khi anh đã nhìn thấy Thượng-Đế tính trong vợ anh, con anh, bạn-hửu của anh, và những người sống trong cộâng-đồng với anh, và khi anh đã nhìn nhận họ là Thượng-Đế, thì làm sao anh có thể bỏ-bê, tệ-bạc, phân-biệt đối-xử với họ được. Vì con người là Đấng Vô-biên, nhưng sở-dĩ có như vậy tại vì con người chưa ý-thức được điều đó, nhưng con người đang trên đường phấn-đấu đạt đến ý-thức đó, và khi họ ý-thức trọn vẹn về Đấng Vô-biên nầy hiện-hữu ngay trong họ, con người cũng sẽ đi đến sự hoàn-mỹ và hoàn toàn tự-do.

– Một người có đức-tin sơ-cơ, mới bắt đầu tin vào Thường-Đế, người đó tin rằng mỗi một lần nguyện-cầu đã được một Đấng nào đó đáp-ứng, nhưng chính ra con người đã tự đáp-ứng sự nguyện-cầu của mình, mà mình không biết, những người nầy có thể nói “Lạy Chúa, con là một kẻ tội-lỗi khốn-nạn” nhưng ai sẽ giúp họ, mà chính con người là sự trợ-giúp của chính mình. Vì Con người với Thượng-Đế của vũ-tru là Mộtï, thì sự trợ-giúp trước nhất phải chính từ bản-thân con người. Cũng như con tằm đã xây cái kén quanh mình nó, thì ai sẽ cứu nó? Mà chính nó phải tự bức-phá cái kén, mà bay ra ngoài làm một con bướm tốt đẹp, như một linh-hồn tự-do, chỉ lúc đó con người mới thấy được chân-lý.

Khi con người hiểu và phấn-đấu đạt được như vậy, họ sẽ luôn luôn tự nhủ với bản-thân: “Tôi là Ngài” đó là những từ-ngữ sẽ xua tan những bạc-nhược còn trong tinh-thần của mình, những từ-ngữ nầy hiển-lộ một nghị-lực khủng-khiếp đã có sẵn trong con người, cái năng-lực vô-biên đó đang ngủ trong tâm-linh mỗi con người. Theo Yoga thượng-thừa, thì đây là lúc luồng Hoả-xà (Kundalini) nằm cuộn khúc trong đốt sống vùng eo lưng, gần huyệt mạng-môn-hoả của khoa châm-cứu học, chính là điểm linh-quang của Thượng-Đế ban cho con người, hay nói một cách khác là Thượng-Đế đang ẩn tàng trong con người, đã được sự giác-ngộ lay tỉnh và trường lên đến tận đỉnh đầu, nên khi đó con người sẽ đạt được những quyền năng siêu-phàm.

– Khi một con người đạt đến trình-độ cao nhứt là nhận chân được Thượng-Đế tính ngay trong chính mình, thì khi đó họ không còn phân-biệt chủng-tộc, màu da sắc tóc, giai-cấp, tín-ngưỡng tôn-giáo, không còn phân-biệt giới-tính, trọng nam khinh nữ, không còn kỳ-thị thân-sơ, không còn thị-phi ân-oán, hoặc bất-cứ một phân-biệt nào giữa ta và ngươi … vượt qua tất-cả để đoàn-kết tương-thân, là lúc họ đã nhận thấy con người thật nằm ngay bên trong con người.

Nói chung đối với vấn-đề tín-ngưỡng Thượng-Đế, bất kỳ dưới hình-thức nào, từ đơn-giản như trong nhân-gian, hay có một hệ-thống triết-học phong-phú như trong các tôn-giáo. Dù tin Thượng-Đế là một Đấng tối cao ở một thế giới xa-xăm nào đó, hay tin rằng Thượng-Đế luôn hiện-hữu trong tâm-khảm mỗi người. Cho đến những người không tin có Thượng-Đế nhưng vẫn còn tin-tưởng vào lương-tâm của mình. Dù không tôn-thờ Thượng-Đế, mà biết sùng-bái tổ-tiên, hiếu-kính cha mẹ, thương-yêu mọi người. Đối với tất-cả niềm-tin nầy cũng đều chánh-tín và hữu-ích cả, vì theo chơn-truyền của Tam-kỳ Phổ-độ thì họ cũng đã tin vào Thượng-Đế, bởi Thượng-Đế hiện-hữu trong tất cả. Khi con người có tin-tưởng thì mới biết thành-kính và thương-yêu, mà khi đã thành-kính thương-yêu, thì mới biết giữ mọi hành-tàng của mình trong sạch, để khỏi bị lương-tâm cắn-rứt tức là bị Thượng-Đế trừng-phạt, và từ đó chúng ta sẽ có một mẫu-số chung, đó là sự thanh-bình an-lạc cho mọi người. Nói cho cùng thì tất-cả mọi cố gắng của các tôn-giáo, cũng chỉ nhắm mục-đích hướng-thiện để con người có được sự an-lạc cho bản-thân, an-lạc cho gia-đình, bình-an cho xã-hội, thanh-bình cho thế-gian mà thôi.

Chúng ta chỉ sợ cho những hạng người không tin-tưởng gì cả, đã không tin-tưởng ở Thượng-Đế mà cũng không kể đến sự hiện-hữu của lương-tâm, thì đó mới chính là những kẻ không những gây tai-họa cho bản- thân, mà còn gây tai-hoạ cho gia-đình, cho đất nước và cho cả xã-hội loài người nữa.

Vì những lý-do nêu trên, nên tất-cả niềm-tin vào Thượng-Đế đang tồn-tại, có từng thứ bậc là điều cần-thiết, chúng ta hãy để cho mỗi người được tự-do theo đuổi quan-điểm của mình, đừng làm tổn-thương, đừng phủ-nhận niềm tin của ai hết, bạn hãy chấp-nhận quan-điểm của mỗi người từ vị-trí của họ, đừng đả-kích, phá-hoại hay làm thương-tổn đến niềm-tin về “Đấng Đã Tạo-Lập Nên Vũ-trụ” của họ, và nếu có thể bạn hãy giúp họ một tay để nâng quan-điểm của họ lên một vị-trí cao hơn. Tất-cả lâu ngày chầy tháng, sau cùng họ cũng sẽ đi đến chân-lý nhất-nguyên tuyệt-đối là “Thượng-Đế Vũ-trụ và Vạn-hữu chúng sanh là Một”. Tức là Thượng-Đế cũng là Tạo-vât, và Tạo-vật cũng là Thượng-Đế.

Vì những lý-do nêu trên mà người tín-đồ Thientamism tuân-thủ quy-giới, vâng theo lời dạy của các vị giáo-chủ. Vì tất-cả đều phát-xuất từ một chân-lý tối-thượng, đó là Thượng-Đế, một Đấng hiện-hữu ở khắp mọi nơi.



QUAN-NIỆM KHÁC NHAU VỀ THƯỢNG-ĐẾ TRONG CÁC TÔN-GIÁO

Đối với bản-thể và quyền-năng của Thượng-Đế thì bàng-bạc vô cùng, mỗi tôn-giáo đều dựa trên những cơ-sở khác nhau, để diễn-tả một phần nào đó, hầu đáp-ứng cho những nhu-cầu tâm-linh của một bộ-phận nhân-loại, tùy theo đối-tượng, tùy theo địa-phương và trình-độ tiến-hoá của con người ở từng thời-đại.

Ngay Phật-giáo, Lão-giáo và Nho-giáo không gọi đích-xác rằng Thượng-Đế là Người tạo-dựng ra vũ-trụ vạn-hữu, nhưng Đức Thích-Ca đã gọi cái sinh ra pháp-giới chúng-sanh là Chân-như, Đức Lão-tử gọi là Đạo, Đức Khổng-tử gọi là Lý Thái-cực, không phải các Ngài phủ nhận Thượng-Đế, mà các Ngài muốn thức-tỉnh chúng sanh ở thời-điểm đó, không nên tôn thờ đa-thần và ỷ lại vào thần-quyền. Vì theo tín-niệm chung nhân-loại trong thời-đại của các Ngài, thường tin vào đa-thần, hoặc nếu có tin-tưởng vào Thượng-Đế thì cũng có một định-kiến rằng Thượng-Đế là một người có quyền-lực vạn-năng, quyết-định mọi sự một cách độc-đoán, nên các Ngài muốn giáo-hóa cho con người thời đó đừng ỷ-lại vào thần-quyền hay tin tưởng vào đa-thần một cách mê-tín dị-đoan, mà khuyên con người phải ăn ở đúng với Thiên-lý, Chân-tâm, Phật-tánh, đúng với lương-tâm và lòng trắc-ẩn sẵn có nơi chính mình, thì mới hưởng được phước-lành, chứ không phải chỉ cầu-khẩn suông nơi Thượng-Đế hay tin-tưởngvào nhiều thần-linh từ bên ngoài mà có được hạnh-phúc chân-thật.



Đối với bản-nguyên và quyền-năng của Thượng-Đế, trên thế-gian chưa có Đấng Giáo-chủ nào giảng-giải rõ-ràng được căn-nguyên của Ngài, cũng như diễn-tả được hình-thể của Ngài, vì Ngài là nguồn sống của vũ-trụ vạn-hữu, nên hình-thể của Ngài cũng có thể nói là hình-thể của cả vũ-trụ và vạn-hữu chúng-sanh, nên không thể lấy một con người hay một vật-thể nào để tượng-trưng cho Ngài được. Vì nếu đem ra so-sánh thì con người chỉ là hột cát trong bãi sa-mạc, chỉ là một phần-tử cực kỳ nhỏ bé so với nguồn sống bao-la của đất trời, đời sống lại vô-cùng ngắn-ngủi so với sự vĩnh-hằng của Tạo-hóa. Chính các vì Giáo-chủ là bậc Đại-giác-ngộ, nhưng cũng không thể nào dùng văn-tự và ngôn-ngữ hữu-hạn của con người để giảng-giải rõ-ràng.



Ngay như Đức Phật khi giảng-giải về Chân-như, là cái tạo ra pháp-giới chúng-sanh, nhưng Ngài cũng dùng những ngôn-từ lơ-lửng như : cũng có, cũng không, không phải có, không phải không, cũng đồng, cũng khác, không phải đồng, không phải khác… hoặc là những điều ta biết như lá trong rừng, và cái ta nói ra như nắm lá trong tay này… (Theo Thủ Lăng Nghiêm).



Theo Đức Lão Tử thì Đạo tạo-dựng ra vũ-trụ, nhưngï Ngài không biết gọi tên cái đó bằng gì, nên gượng gọi là “Đạo” (Cưởng chi viết Đạo), và khi Ngài nói về Đạo, cũng nói rất là thận-trọng và khiêm-tốn, thường dùng cách nói lơ-lửng như : có lẽ (tượng), giống như (tự), hình như (nhược), hoặc là (hoặc)… Ngài cũng xác-nhận rằng Đạo cũng như vũ-trụ vô-cùng huyền-bí, không thể hiểu được và giảng-giải được, nên trong Đạo-đức-kinh Ngài đã nói rằng :

“Đạo khả đạo phi thường đạo” (Đạo đức kinh / Thiên thượng).

Có nghĩa là cái Đạo mà đã diễn-tả ra được bằng lời nói, thì không phải là cái Đạo đã tạo-lập vũ-tru,ï thường-hằng bất-biến.



Còn đối với Nho-giáo, các vấn-đề huyền-bí về vũ-trụ và nhân-sinh, Đức Khổng-tử chỉ đề-cập đến trong khi sang-định kinh Dịch (Thiên-đạo) và kinh Xuân-thu (Thế-đạo). Phần này chỉ dành cho những đệ-tử có kiến-thức đặc-biệt tự lãnh-hội lấy mà thôi, chứ Ngài không đem dạy rộng-rãi cho mọi người. (Theo Nho-giáo của Trần Trọng Kim).



Đối với các vị Giáo-chủ là những bậc nhận thiên-mệnh của Thượng-Đế xuống thế-gian để độ-rỗi chúng-sanh, mà các Ngài không thể dùng ngôn-ngữ của con người để giảng-giải rõ-ràng các vấn-đề huyền-bí của Tạo-hóa. Nên các Ngài đành giữ im-lặng, xa lìa văn-tự, nhưng nếu không nói gì, thì làm sao cứu-độ chúng-sanh, nên các Ngài phải tuỳ thời, tuỳ trình-độ hiểu biết của nhân-loại mỗi nơi, mỗi thời-kỳ mà nói, nhưng nói một cách lơ-lửng như Đức Phật, hay rất khiêm-tốn như Đức Lão-tử hoặc chỉ nói đến phần thể-dụng thiết-thực như Đức Khổng-tử; cốt để gợi ý cho con người lắng nghe cho được tiếng gọi của Thượng-Đế từ nơi tâm-linh của mình mà thôi.



Quan-niệm về Thượng-Đế trong các tôn-giáo, cũng như ngoài nhân-gian, tuy có khác nhau, nhưng xét cho cùng, thì đều có một mục-đích là đả-phá những mê-tín của chúng-sanh trong một thời-điểm, và ở một địa-phương nào đó; nên những quan-niệm đó cũng có giá-trị giới-hạn nhứt-định, thích-hợp với từng địa-phương và từng thời-đại, nếu ta nhắm vào những giáo-lý cổ xưa của một thời-đại nào đó tại một địa-phương này, để kích-bát và đả-phá những giáo-lý đã được phổ-cập ở một địa phương khác, ở một một thời-đại khác, đó là điều không thức-thời. Cũng như dùng một quyền-lực nào đó, để bắt buộc mọi người ở mọi nơi phải nghe theo những giáo-lý đã lỗi-thời, không còn phù-hợp với sự tiến-hóa của con người, thì đó là một sự cuồng-tín nguy-hiểm, cũng như vì tham-quyền cố-vị cố duy-trì lại những giáo-lý cũ-kỹ để củng-cố quyền-lực, ngăn-cản không cho các giáo-lý mới-mẻ tiến-bộ lưu-hành, thì cũng là một điều tai-hại, trái với quan-niệm của Nho gia là :

“Muôn vật cùng sinh trưởng mà không xâm hại lẫn nhau, các đạo cùng lưu-hành mà không phản-bội lẫn nhau (Vạn-vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo lý tịnh hành nhi bất tương bội/Trung dung).



Như vậy cũng như xã-hội hiện đang tồn-tại, thì tất-cả niềm-tin vào Thượng-Đế cũng đang tồn-tại, nhưng có từng thứ bậc là điều cần-thiết, người tin vào Thượng-Đế hiện-hữu khắp mọi nơi, không nên cho người tin Thượng-Đế ngự trên Trời cao, cách biệt với con người là sai, vì đó cũng là một quan-điểm đúng, nhưng đúng với những người mới bắt đầu tin-tưởng vào Thượng-Đế, và niềm-tin nầy đang trên con đường đi đến chân-lý tuyệt-đối. Cũng như các tôn-giáo không dùng danh xưng Thượng-Đế để chỉ Đấng tạo-lập nên vủ-trụ, mà họ đã tin rằng có “Một Cái Gì Đó” đã vận-hành bằng “Một Cách Nào Đó” để tạo ra vạn-hữu chúng sanh như Phật-giáo, Lão-giáo và Nho-giáo, cũng không phải là một quan-niệm vô-thần, phi Thượng-Đế, mà họ cũng thừa-nhận Thượng-Đế dưới một danh xưng khác mà thôi. Nghĩa là niềm-tin nầy không phủ-nhận niềm-tin khác, mà niềm-tin nầy chỉ là sự hoàn-mãn của niềm-tin khác.



QUAN-NIỆM VỀ SỰ HIỆN-HỮU CỦA THƯỢNG-ĐẾ TRONG GIÁO-LÝ CÁC TÔN GIÁO

Tất-cả các tôn-giáo đều tin-tưởng đã có một Đấng Thượng-Đế tự-hữu và hằng-hữu, nhưng Ngài đang ở đâu ? Ngự-trị nơi nào ? thì mỗi tôn-giáo tuỳ theo thời-điểm khai-sáng và trình-độ giáo-chúng mỗi nơi mà lại có những lý-giải khác nhau.



Đa số những tôn-giáo theo học-phái nhị-nguyên, tin-tưởng rằng Thượng-Đế là Đấng tạo-lâïp ra vũ-trụ và vạn-hữu chúng sanh, theo học-thuyết nầy thì tuy Thượng-Đế không có thể-xác nhưng cũng có nhân-cách đức-hạnh như con người, Ngài vô-cùng từ-bi, bác-ái và công-bình… Ngài toàn-năng và đầy quyềân-lực, con người có thể cầu-nguyện với Ngài, thương-yêu Ngài, và được Ngài đáp lại… Theo quan-niệm này thì Thượng-Đế có tính-cách con người, nhưng Ngài vô-cùng cao cả, không có những tật xấu như con người. Ngài đang ngự-trị trên Trời cao, đang cách-biệt với thiên-nhiên và con người, đa số giáo-chúng của các tôn-giáo nầy đã tin-tưởng nơi một Thượng-Đế cao-cả luôn yêu-thương họ,ï nhưng lại ở quá xa cách với họ, vì một con người bình-thường không thể suy-nghĩ đến việc gì không cụ-thể, mà tự-nhiên họ thích bám lấy cái gì mà trí-năng họ có thể hiểu được. Nên trong lúc giảng dạy về một môn-đồ chân-chính Đức Chúa Jésus đã phán với giáo-chúng trong thời-đại của Ngài rằng:

“Chẳng phải nói Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! mà vào được nước Đức Chúa Trời , nhưng chỉ ai làm theo ý muốn của Cha Ta trên Trời thì mới vào được nước Người (Thánh-kinh Tân-ước/ Mat 7: 21).



Phần đông giáo-chúng của các tôn-giáo trên thế-giới, nhất là ở Âu châu, Tây Á đều tin-tưởng rằng Thượng-Đế ngự trên Trời, nên tuỳ theo trình-độ của giáo-chúng thời bấy giờ mà Chúa đã phán dạy như vậy.



Còn một số tôn-giáo khác nhất là phương Đông thuộc học-phái phi nhị-nguyên cũng đã tin-tưởng bản-thể và quyền-năng của Thượng-Đế đại-khái như vậy, nhưng lại dung-hoà hơn, giáo-thuyết nầy cho rằng Thượng-Đế là Đấng Tạo-hoá, nhưng chất-liệu tạo-vật cũng chính là Ngài, nói một cách khác chính Ngài cũng là nguyên-nhân của cội-nguồn vật-chất tạo ra vạn-hữu, cho nên học-thuyết này cho rằng Thượng-Đế hiện-hữu khắp mọi nơi, thấm-nhuần trong vạn hữu … từ những đại tinh-cầu trong không-gian cho đến những vầng đá nằm sâu dưới mấy tằng địa-chất đều có mặt của Ngài … Ngài hiện-hữu trong tâm-hồn của chúng-sanh, từ hạng thượng-lưu trí-thức cho đến hạng khốn-khổ cùng đinh, nên Nho gia mới có câu:

“Nhân-tâm sanh nhứt niệm thiên-địa tất giai tri (tâm con người suy-nghĩ điều gì thì trời đất đều biết).

Theo học thuyết nầy thì con người do Thượng-Đế tạo-dựng cả linh-hồn lẫn thể-chất, con người luôn luôn tiến lên theo hướng tấn-hoá, nhanh hay chậm tuỳ theo sự tinh-tấn của mỗi cá-thể, và cuối cùng mỗi linh-hồn cũng hưởng được sự cứu-rỗi của Thượng-Đế, dù là côn-trùng thảo-mộc thấp kém nhất, cho đến những thần thánh cao-cả nhất, sớm muộn gì tất-cả cũng sẽ đạt đến một thế-giới nơi đó hạnh-phúc sẽ vô-biên, và họ sẽ không còn luân-hồi sinh tử, mãi mãi sống bên cạnh Thượng-Đế.



KẾT-LUẬN

Tóm lại theo Thientamism , Thượng-Đế là Đấng chủ-tể tột phẩm của vũ-trụ vạn-vật, nên gọi là Đấng Chí-Tôn, và cũng là Đấng Cha Lành chung của muôn loài, nên còn gọi là Đại Từ-phụ, bởi vì đó là Đấng trên tất cả, của tất-cả, và trong tất-cả. Vì thế Thientamism tin-tưởng Thượng-Đế là Đấng luôn luôn hiện-hữu trong mọi sự sống, vì mặc dù Ngài vô-hình nhưng thống-suất cả hiện-tượng-giới lẫn siêu-linh-giới, mặc dù bàng-bạc vô-sở-trú, vô-định-xứ, nhưng biến-hóa vô cùng, ngự-trị cả không-gian và thời-gian, làm chủ cả tinh-thần lẫn vật-chất. Soi-dẫn, chỉ-đạo, hàm-dưỡng, phán-xét và chủ-trì mọi quy-luật, mọi sự. . .

Từ đức-tin nầy, chúng ta tin rằng mọi người trong thế-giới trước sau gì cũng sẽ tin-tưởng vào học-thuyết nhất-nguyên: “Thượng-Đế vũ-trụ và con người là Một”. Khi con người đã thấm-nhuần được đạo-lý nầy, thì từ đó sự hoạt-động của một ảnh-hưởng Thượng-Đế đồng-nhứt, và sự khai-triển của một Thương-Đế tính đồng-nhứt trong tâm-hồn mỗi người sẽ được biểu-hiện, cỏi lòng họ sẽ trong sạch và rộng mở, và chỉ có như vậy con người mới giải-thích rõ-ràng được mọi nguyên-nhân và cứu-cánh của tất-cả luân-lý, tất-cả đạo-đức và tất-cả tâm-linh trong vũ-trụ.

Trong kỳ Ba, Đức Chí-Tôn đã khải-thị cho chúng ta biết rằng, tất cả nhân-loại trên thế-giới trước sau gì cũng phải đi đến đại-đồng trong tình huynh đệ, đó là trọng-tâm của sự Cứu-rỗi lần thứ ba, kéo dài đến thất ức niên (bảy trăm ngàn năm), và kỳ-vọng nầy Thượng-Đế đã đặt-để nơi chúng ta :

“Trong kỳ Ba nầy, các Con phải độ-rỗi nhân-loại khắp cả năm châu, thì trách-nhiệm ấy lớn-lao là bực nào ?” .

Tức là kỳ-vọng của Đức Chí-Tôn đã gởi-gắm nơi chúng ta cái thiên-trách, về Thiên-đạo là tạo cho mọi linh-hồn được giải-thoát khỏi vòng luân-hồi sanh tử, về Thế-đạo là đưa nhân-loại đến đại-đồng trong tình huynh-đệ. Như vậy Thientamism phải đạt đến mục-đích tối-cao tối-trọng là thực-hiện một “Thiên-đạo công-bình giải-thoát” một “Thế-đạo nhơn-nghĩa đại-đồng”.



Nguồn: http://www.thientamism.com/thientamism-tho-duc-chi-ton-va-duc-phat-mau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét