Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Kinh Đại Bảo Tích




KINH ĐẠI BẢO TÍCH :


(Mahā-Ratnakūta-Sūtra hay Bảo Tích) gồm có 49 hội, 120 quyển.Thật ra là bộ tổng tập các kinh liên quan đến những phương pháp tu hành, thọ ký, thành Phật của các Bồ Tát. Về nội dung, kinh Đại Bảo Tích chứa đựng đủ các pháp môn chủ yếu của giáo pháp đại thừa, phạm vi thật là rộng rãi. Kinh gồm 49 hội, mà mỗi hội là một bộ kinh, với một chủ đề riêng.


Bộ kinh này đã được hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch ra Việt văn với tên “Kinh Đại Bảo Tích”, gồm có 9 tập, in lần đầu tiên từ năm 1987, đến năm 1989 thì xong; và in lần thứ nhì từ năm 1993, đến năm 1999 thì xong. Đặc biệt, bản dịch Việt ngữ này, ngoài 49 hội của bộ kinh Đại Bảo Tích Hán văn, hòa thượng dịch giả còn sưu tầm trong Đại Tạng để dịch thêm 13 hội nữa, thành ra, bộ kinh Đại Bảo Tích, bản Việt dịch của hòa thượng Thích Trí Tịnh có đến 62 hội.


ĐẠI Ý KINH ĐẠI BẢO TÍCH :


Tổng quan tất cả Kinh điển Đại thừa, khái quát thì phân thành hai loại lớn:


- Chuyên vì hàng Bồ-tát, giảng dạy rõ đại hạnh của Bồ-tát và Phật quả như “Kinh Hoa Nghiêm” v.v…


- Vì Bồ-tát và Thanh văn thừa cùng hoằng dương Đại thừa và Tiểu thừa để cuối cùng đều quay về Đại thừa, trong đó: Có một số từ quán huệ tu chứng để nói thì thấy được ba thừa cùng thể nhập một pháp tánh, Đại thừa với Tiểu thừa đều từ không có gì đạt được mà nhập vào đạo, song cũng nói đến phương tiện thiện xảo về Bát-nhã của Bồ-tát khác với Nhị thừa; có một số từ quảng hành để nói, chú trọng sự thù thắng của Bồ-tát vì từ bi và nguyện lực thù thắng nên trí chứng cũng thù thắng, từ đó chê trách nhắc nhở hàng Nhị thừa; có một số từ quả đức Bồ-đề và nhân duyên của tâm để nói, chiết phục tiếp nhận hàng Nhị thừa, hướng dẫn họ quay về với Phật thừa. Các loại trên tuy là phương tiện khác, có nét đặc thù riêng, song đối với mục đích chính của Đại thừa về phát tâm Bồ-đề tu Bồ-tát hạnh, hướng về quả vị vô thượng Bồ-đề là giống nhau. Kinh này đại để tương cận với “Kinh Bát Nhã” nói ba thừa đều có thể từ không có gì đạt được mà nhập vào đạo, đây là giáo điển dạy rõ Bồ-tát đạo kiêm thuyết Thanh văn đạo.


Và tất cả Kinh điển Đại thừa có thể phân biệt từ ba ý nghĩa cảnh, hành và quả.


1. Thuyết minh rõ về cảnh, có sự cảnh và lý cảnh. Trong sự cảnh hoặc làm rõ tâm cảnh chung của ba thừa; hoặc làm rõ tâm cảnh của Bồ-tát khác với Nhị thừa, như nói về A-lại-da v.v… Từ lý cảnh thì tất cả pháp không có tự tánh nên không, vì không nên là thắng nghĩa đế không có sanh diệt.


2. Thuyết minh rõ về hành. Hoặc chú trọng ở tư lương hành: Bồ-tát phát tâm Bồ-đề quảng tập vô biên phước trí tư lương, như thực hiện thập thiện v.v…, giống với thế gian chánh hành, mà thật là yếu hành của Bồ-tát; hoặc chú trọng ở huệ ngộ hành (từ Gia hành vị đến Kiến đạo vị): Làm rõ hành không có gì để đạt được của Bát-nhã, như phần như thật trung đạo chánh quán của Kinh này. Từ ngộ nhập vào không có gì đạt được mà nói thì giống với Nhị thừa, do đó khẳng định “Bát-nhã là mẹ” của chư Phật, cũng chính là mẹ của Thánh giả Nhị thừa; hoặc chú trọng ở như thật hành: Đây là đại hành sau khi khai ngộ như trong “Kinh Thập Địa” nói đến, giống với quả đức của đức Phật.


3. Thuyết minh rõ về quả, đặc biệt nói rõ y chánh trang nghiêm của Như Lai, đức hạnh tự lợi lợi tha viên mãn.


Phân biệt từ ba nghĩa trên mà Kinh này là thuyết minh rõ về hành chú trọng ở tư lương hành và huệ ngộ hành.


Bồ-tát tu hành lục độ, tứ nhiếp pháp v.v… từ sự phổ biến thông suốt sự tu hành của ba thừa thì chính yếu là giới, định và huệ - ba loại tăng thượng học. Ở trong ba loại học đó Kinh này đặc biệt chú trọng giới và huệ học, đây có lẽ là tiếp tục kế thừa phong cách giảng dạy căn bản của đức Phật! Như trong “Kinh Tạp A Hàm” (Đại Chánh tập 2, quyển 24, Kinh số 624, trang 175a) đức Phật dạy:


“Trước hết thầy phải giữ giới thanh tịnh, tri kiến chánh trực, ba nghiệp phải đầy đủ, sau đó tu tập bốn Niệm xứ”. Vì Phật pháp không tách ly thế gian, ở trong thế gian được tự mình và tha nhân hòa lạc thì không có giới sẽ không thể; giới là xây dựng trong sự đồng tình của lòng từ bi. Phật pháp ở trong thế gian mà lại xuất thế giải thoát, đây chẳng phải trí huệ để lìa vọng khế hợp với chơn thì không thể, hai điều này giới giống như đôi chân, huệ như cặp mắt. Từ sự tự chứng thì đây mới có khả năng tiền tiến mà thâm nhập; từ sự lợi tha thì đây mới có khả năng bi trí tương thành, quảng độ chúng sanh. Giả sử ai không chú trọng giới huệ mà thiên về thiền định, thì không chỉ rơi vào tà định, vị định; cho dù chánh định, cũng có khuynh hướng ẩn dật độc thiện. Đương nhiên Đại thừa quảng nhiếp tất cả căn cơ cũng có phong cách độc thiện của “Thanh văn Bồ-tát hành”, song trong pháp Đại thừa lấy lợi tha làm đầu, như Kinh này chú trọng ở giới huệ, mới càng khế hợp với tinh thần của Bồ-tát đạo.


Giới luật vốn là sự đồng tình từ bi không nhẫn tâm tổn hại cái khác, trong Biệt giải thoát luật nghi giới chú trọng không làm điều ác của thân ngữ, song mỗi khi trì giới có thể bị vi phạm, nếu vậy nhất định phải: “Nếu có phạm tội, tâm không che giấu, hướng họ phát lồ, tâm không còn triền cái”, tùy theo phạm giới mà sám hối mới có khả năng giữ gìn lòng mình không có ưu phiền hối hận, đạt được giới hành thanh tịnh. Song không làm các điều của thân ngữ thì chưa đủ, vì giới (sīla) nghĩa là thanh lương, cũng chú trọng ở sự tịnh trừ phiền não của tâm mình, nên khi Đức Thế Tôn lược dạy về giới: “Chớ làm các điều ác, nên làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch là lời chư Phật dạy”, có nghĩa là các loại phiền não, hý luận phân biệt, như chưa viễn ly thì không thể cho là chơn chánh trì giới thanh tịnh. Kinh này trong phần kiêm thuyết Thanh văn hành cho các hàng sa môn: Hình phục sa môn, oai nghi khi dối sa môn và tham cầu danh văn sa môn trong bốn loại sa môn thì họ chưa đạt được thanh tịnh; và trong bốn hàng Tỳ-kheo trì giới nếu còn chủ trương có ngã luận, không dứt trừ ngã kiến, sợ sệt tất cả pháp không và thấy có sự đạt được; tóm lại ai chỉ cần có chấp ngã chấp pháp, vô luận là trì giới như thế nào, đều không phù hợp với ý nghĩa luật hành của Như Lai, bởi vì người trì giới như thế tuy gần giống người trì giới thanh tịnh mà trong lâu dài - đời này hoặc đời sau sẽ phá hoại giới pháp. Do đó trong Kinh này giảng dạy từ luật nghi giới thông thường nhưng trong đó bao hàm ý nghĩa thâm sâu về đạo cộng giới: “Đây gọi là giới hạnh được chư Thánh thọ trì, vô lậu vô hệ phược, chẳng thọ tam giới, xa rời tất cả các pháp y chỉ”, điều này tương ưng với vô lậu, giới hành tương ưng với Thánh trí, Kinh trong phần chánh minh Bồ-tát đạo cũng dạy thâm sâu cụ thể: “Trong ấy không có trì giới, cũng không có phá giới. Nếu không trì giới phá giới thì vô hành cũng vô phi hành. Nếu vô hành vô phi hành thì không có tâm không có tâm số pháp. Nếu không có tâm tâm số pháp thì không có nghiệp, không có nghiệp báo. Nếu không có nghiệp không có nghiệp báo thì không có khổ vui. Nếu không có khổ vui tức là Thánh tánh”. Không chỉ Thánh giả lấy điều đó làm thể tánh, cũng là Thánh giả lấy điều đó làm nhân tánh (chung của ba thừa thì nói là Thánh tánh, nếu chuyên chỉ Đại thừa nói thì là Phật tánh). Từ sự từ bi không nhẫn tâm tổn hại đối tượng khác đến viễn ly ức tưởng phân biệt, giới hành thâm nhập vào chơn không là một trong những ý nghĩa quan trọng của Kinh này.


Hiện chứng huệ - Thánh trí và tịnh trí là y vào định tu quán mà thành tựu, trong Kinh nói: “Chẳng cho giới tối thượng, cũng chẳng quý tam-muội, vượt qua hai chuyện này, tu tập trong trí huệ” và “Y giới được tam-muội, do tam-muội tu huệ, nhân y nơi tu huệ, sớm được thanh tịnh trí”. Giới, định và huệ thứ tự tu phát hỗ trợ với nhau; trong Kinh này nói rất rõ ràng về tu định khác với tu huệ. Trí huệ (bát-nhã) chẳng phải trí thức thông thường, mà là thông đạt ngã không pháp không - Thánh trí của sự không tịch pháp tánh, điều này không chỉ y giới, y định mà tu học đạt được; mà còn trong tự thân của huệ học, cũng có thứ tự của tu học, đây chính là y vào văn huệ mà khởi tư huệ, y vào tư huệ mà tiến khởi tu huệ (quán huệ tương ưng với định thì gọi là tu huệ), y vào tu huệ mới có khả năng đạt được Thánh trí hiện chứng. Do đó bản Kinh chú trọng trí huệ cũng chính là chú trọng ở sự đa văn tu hành, nên dạy: “Bồ-tát có bốn pháp, được đại trí huệ, điều gì là bốn? Thường tôn trọng pháp, cung kính pháp sư (đây là do cá nhân thích đa văn). Tùy theo pháp được nghe, dùng tâm thanh tịnh giảng rõ cho mọi người, chẳng cầu tất cả danh vọng lợi dưỡng (tự vui lòng chỉ dạy cho người khác đa văn). Biết được do đa văn mà sanh trí huệ, nên siêng cầu chẳng lười biếng, như cứu lửa cháy đầu (biết công đức của đa văn nên mong cầu). Nghe Kinh tụng trì, thích thực hành như lời dạy, chẳng theo ngôn thuyết (do văn rồi tư và tu, không bị sự che lấp của ngôn ngữ)”. Bản Kinh nói Bồ-tát hành lấy “đạt được đại trí huệ” là đệ nhất yếu hành; và dạy trí huệ từ đa văn sanh, chỉ bày rõ ràng thứ đệ của tiến tu huệ học.


“Nhân vì tu huệ mới đạt được tịnh trí”: điều này cho thấy tu tập quán huệ rất là quan trọng. Nên Kinh này phần dạy rõ về như thật Trung đạo chánh quán, tức quán tất cả (ngã) pháp là tánh không. Không (vô tướng vô nguyện vô sanh diệt) là bản tánh không, là trung đạo, do đó tăng diệt không thể có. Có một số người chấp trước về không, chủ trương có cái không để đạt được, đây đã làm “tăng thêm”, điều đó không chỉ cô phụ bổn ý của đức Phật nói về không quán, ngược lại chấp trước không thành bệnh, giống như lấy thuốc để điều trị “Thuốc không bài tiết ra ngoài, thì người bệnh càng nặng hơn”. Và ngài Long Thọ căn cứ vào ý nghĩa của Kinh nên trong tác phẩm “Trung Quán Luận” viết: “Như Lai nói pháp không, là để lìa các kiến; nếu còn thấy có không, chư Phật khó giáo hóa”, tất cả là bản tánh không; chúng sanh chấp trước có, khởi lên rất nhiều kiến chấp mà lưu chuyển trong sanh tử, mà tất cả pháp không vẫn là như vậy. Do vì “Tất cả các kiến, chỉ có không mới diệt được” do đó nói không; diệt các hí luận vọng chấp tức hiển hiện tất cả pháp bổn tánh không tịch và chẳng có cái nghĩa lý gì riêng của không có thể chấp trước có thể đạt được. Lại có một số người chấp trước về có mà thành mê muội, lo sợ pháp tánh không tịch không sanh không diệt. Đức Phật nói các người này giống như người lo sợ hư không mà muốn chạy trốn khỏi hư không, đây là làm “tổn giảm”. Kỳ thật không là tất cả pháp tánh giống như hư không ở khắp mọi nơi thì có gì mà lo sợ, có gì mà phải xả ly nó? Muốn lìa không mà lại thành lập có thật là “cuồng loạn mất tâm”! Vì vậy ngài Long Thọ nói: “Năm trăm bộ phái nghe đến rốt ráo không lòng đau như cắt” chính là chỉ cho hạng người này. Nếu có khả năng đối với tất cả pháp không tánh, như thật quán sát không “tăng thêm và “tổn giảm” là phương tiện dẫn phát chơn thật Thánh trí. Tất cả pháp bản tánh không: Đem tâm quán như huyễn tánh không để quán cảnh như huyễn tánh không; tâm và cảnh cùng diệt, như phần Kinh nói về ví dụ như huyễn ăn mất huyễn rất là rõ ràng. Quán tâm là phân biệt quán sát, Thánh trí là vô phân biệt trí, thế thì y vào quán phân biệt làm sao sanh khởi được trí vô phân biệt? Điều này như trong Kinh giải thích: “Do Chơn thật quán nên sanh Thánh trí huệ, Thánh trí sanh rồi, trở lại đốt tiêu Thật quán”, nên biết như thật quán huệ là quán tất cả pháp tự tánh là không, đây tuy là thế tục phân biệt quán sát, song đó là thuận với thắng nghĩa, tự tánh của quán là không thể có, do đó quán huệ như vậy có khả năng dẫn phát Thánh trí vô phân biệt, đến khi Thánh trí hiện tiền thì như thật không quán cũng không còn khởi nữa. Chỉ có hiểu được đạo lý này, mới biết được sự quan trọng của quán huệ, sẽ không rơi vào sào huyệt sai lầm của không biệt sai.


Kinh này giảng dạy từ Luật nghi giới dần thâm nhập vào Đạo cộng giới; từ văn huệ và tu huệ thâm nhập vào hiện chứng huệ. Trong sự hiện chứng của pháp không tánh, giới và trí không hai; đầy đủ giới, định và huệ vô lậu. Đó là ý nghĩa chính yếu của Kinh này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét