Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

Ngũ Phật Bồ Tát theo Kinh Bi Hoa




Bộ Tranh vẽ sơn dầu diễn hoạ hình tượng Ngũ Phật Bồ Tát dựa theo Kinh Bi Hoa kể về nguồn gốc của Phật A Di Đà và các vị Bồ Tát
  • Qua kinh sách thuộc truyền thống Đại thừa ta được biết mỗi vị Phật thường có hai vị Bồ tát làm thị giả. Nếu như Đức Phật A Di Đà có Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí làm thị giả thì một trong hai vị thị giả chính của Đức Phật Thích Ca là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, đại biểu cho trí tuệ siêu việt và Phổ Hiền Bồ Tát ,đại biểu cho lý, định, hạnh, nắm giữ lý đức, định đức và hạnh đức của chư Phật.
Danh Nghĩa đức Phật A-Di-Đà:
  • Đức Phật A-Di-Đà là đức Phật làm giáo chủ cõi Tây-phương Cực-Lạc. 

  • Tên Ngài có 3 nghĩa:
- Vô-lượng-quang: nghĩa là hào quang trí-tuệ của Ngài chiếu khắp các thế-giới.

- Vô-lượng-thọ: nghĩa là thọ mạng của Ngài sống lâu không lường kể.

- Vô-lượng công đức: Đức Phật A-Di-Đà làm những công đức không ai kể xiết.

Sự tích đức Phật A-Di-Đà:


  • Theo kinh Đại A-Di-Đà, về thời Đức Phật Thế-Tự Tại Vương ra đời, có một vị quốc vương tên Kiều-Thi-Ca. Vua Kiều-Thi-Ca nghe đức Phật thuyết Pháp liền bỏ ngôi vua xuất-gia làm vị tỳ-kheo hiệu là Pháp-Tạng. Một hôm Ngài đảnh lễ Phật, cầu Phật chứng minh và phát 48 lời nguyện, và do nguyện lực ấy sau nầy thành đức Phật A-Di-Đà.

  • Lại theo kinh Bi-Hoa, về đời vua Chuyển-Luân Thánh Vương tên Vô-Tránh-Niệm . Vua ấy có nhiều người con (có 4 người con trai là 4 vị thái tử Bất Huyến Thái Tử , Ni Ma Thái Tử, Vương Chúng Thái Tử, Năng Đà Nô Thái Tử ), 
  • Vua Vô Tránh Niệm có vị đại thần tên là Bảo-Hải, tức là thân phụ của Phật-Bảo-Tạng. Một hôm vua Vô-Tránh-Niệm nghe Phật thuyết Pháp liền phát tâm cúng dường đầy đủ các lễ vật cho đức Phật và Đại chúng trong ba tháng. Vị Đại thần Bảo-Hải khuyên vua nên phát tâm Bồ-đề cầu đạo vô-thượng. Vua liền nguyện nếu sau này thành Phật sẽ làm giáo chủ cảnh giới trang nghiêm thanh-tịnh để giáo hóa chúng sanh. Vua Vô-Tránh-Niệm vừa phát nguyện xong, đức Bảo-Tạng Như-Lai liền thọ ký cho vua sau này thành Phật sẽ lấy hiệu là A-Di-Đà và ở cõi Tây-Phương-Cực-Lạc. Vị Đại Thần Bảo-Hải sau này cũng thành Phật hiệu là Thích-Ca Mâu-Ni.

Đức Phật A Di Đà - Tiền thân là Vua Vô Tránh Niệm,ngài có 4 vị thái tử là :
  • Bất Huyến Thái Tử - Tiền Thân Đức Quán Thế Âm
  • Ni Ma Thái Tử - Tiền Thân Đại Thế Chí
  • Vương Chúng Thái Tử - Tiền Thân Văn Thù Sư Lợi
  • Năng Đà Nô Thái Tử - Tiền Thân Phổ Hiền



Sự tích đức Quán Thế Âm Bồ Tát:

  • Đức Quan Thế âm Bồ Tát, khi chưa xuất gia tu hành, có một kiếp Ngài làm con đầu lòng của vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến Thái Tử.

  • Kinh Bi Hoa chép rằng: về thời quá khứ, Ngài Quán Thế Âm làm thái tử con vua Vô Tránh Niệm, đồng thời có Ðức Bảo Tạng Như Lai ra đời giáo hóa chúng sanh. Vua nghe Ðức Phật thuyết pháp hiểu đặng Ðạo lý, phát tâm Bồ Ðề quyết chí tu hành các hạnh Bồ Tát, mong sau thành Phật đặng cứu độ chúng sanh. Vua cúng dường đức Phật và Tăng chúng luôn trong 3 tháng. Thái tử cũng cúng dường và cũng tu như vậy. Vua Vô Tránh Niệm tu hành tinh tấn, đến khi công hạnh vẹn toàn thì thành Phật ở cõi Cực Lạc phương tây hiệu là A-Di-Ðà, Thái tử cũng công hạnh trọn đủ, cũng sanh về cõi ấy thành Bồ Tát hiệu là Quán Thế Âm, đặng cùng với đức Phật A-Di-Ðà tiếp dẫn chúng sanh về cõi Phật. 
  • Bất Huyến Thái Tử - Tiền Thân Đức Quán Thế Âm



Sự tích đức Đại Thế Chí Bồ Tát:

  • Đức Đại Thế Chí Bồ Tát khi chưa xuất gia học đạo, thì Ngài chính là con thứ hai của vua Vô Tránh Niệm tên là Ni Ma Thái Tử.
  • Ngài vâng lời phụ vương khuyên bảo, phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng Như Lai và đại chúng trọn trong ba tháng và phát những lời nguyện hóa độ chúng sanh. 
  • Phật Bảo Tạng nghe mấy lời của Ni Ma Thái Tử nguyện, liền thọ ký rằng: “ Theo như lòng của ngươi muốn thành tựu một thế giới rộng lớn trang nghiêm, thì qua đời vị lai, trải hằng hà sa kiếp, người sẽ được hoàn mãn các sự cầu nguyện ấy. 
  • Vì người có lòng mong cầu một thế giới rất đẹp rất lớn như thế, nên ta đặt hiệu cho ngươi là “Đắc Đại Thế”, tức là Đại Thế Chí Bồ Tát.
  • Sau khi Phật Biến Xuất Nhứt Thiết công Đức Quang Minh Sang Vương Như Lai nhập Niết Bàn rồi, người bổ xứ làm Phật, hiệu là: Thiện Trụ Trân Bảo Như Lai, kế tiếp ra đời mà hóa độ mọi loài hàm thức”.
  • Từ đó về sau, Ni Ma Thái Tử mạng chung rồi đầu thai ra thân khác đời khác, kiếp nào cũng hằng giữ bổn nguyện, quyết chí tu hành, học đạo Đại Thừa, làm hạnh Bồ Tát, mở mang trí huệ cho chúng sanh và làm những sự nhiễu ích, đặng dìu dắt các loài ra khỏi sông mê mà bước lên đường giác.
  • Hiện nay, Ngài Đại Thế Chí (tức là Ni Ma Thái Tử) đương làm một vị Đẳng Giác Bồ Tát, hầu gần Đức Phật A Di Đà , ở cõi Cực Lạc, trợ đương Phật hóa, tiếp dẫn chúng sanh, chờ đến thời kỳ quả mãn công viên mới bổ xứ làm Phật.

  • Ni Ma Thái Tử - Tiền Thân Đại Thế Chí


Sự tích đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát:


  • Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, khi chưa thành đạo thì Ngài là con thứ ba của vua Vô Tránh Niệm (tiền thân của Đức Phật A Di Đà), tên là Vương Chúng Thái Tử. Ngài theo hầu Đức Phật Bổn Sư Thích Ca
  • Nhờ phụ vương khuyên bảo, nên Ngài phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và Tăng chúng trọn ba tháng. Thái tử cầu đặng các món trí huệ, và đem công đức ấy hồi hướng về đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
  • Đức Bảo Tạng Như Lai nghe mấy lời nguyện rồi, liền thọ ký cho Vương Chúng Thái Tử rằng : “Hay thay! Hay thay! Ngươi là người Đại Trượng phu, trí huệ sáng suốt, tỏ biết mọi lẻ, phát nguyện rất lớn và rất khó khăn, làm những việc công đức rất rộng sâu, không thể nghĩ bàn đặng. Chính ngươi là bậc trí huệ nhiệm mầu, mới làm đặng mọi sự như vậy. 
  • Bởi ngươi vì hết thảy chúng sanh mà phát thệ nguyện rất nặng lớn và cầu đặng cõi Phật rất trang nghiêm như thế, nên ta đặt hiệu ngươi là: Văn Thù Sư Lợi. Trải vô lượng hằng sa số kiếp về sau, ngươi sẽ thành Phật hiệu là: Phổ Hiền như Lai ở thế giới rất đẹp đẽ, tên là Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Chi, thuộc về bên phương Nam.
  • Tất cả mọi sự trang nghiêm của ngươi ước ao thảy đều thỏa mãn ".
  • Từ đó về sau, Thái Tử mạng chung, bào thai ra các thân khác và đời khác, kiếp nào cũng giữ gìn bản thệ, quyết chí tu hành, học đạo Đại thừa, làm hạnh Bồ tát, hóa độ chúng sanh đều thành Phật đạo, mà cầu cho thỏa mãn những sự cầu nguyện của mình. Bồ Tát Văn Thù là thị giả theo hầu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với danh xưng là Hoa Nghiêm Tam Thánh.

  • Vương Chúng Thái Tử - Tiền Thân Văn Thù Sư Lợi


Sự tích đức Phổ Hiền Bồ Tát:


  • Khi Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưa xuất gia học đạo,ngài là con thứ tư của vua Vô Tránh Niệm, tên là Năng Đà Nô Thái Tử . 
  • Nhờ Phụ Vương khuyên bảo, nên Thái Tử mới phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và chúng sanh trong ba tháng. Ngài xin hồi hướng về đạo vô thượng Chánh Giác, nguyện phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát mà giáo hóa mọi loài chúng sanh, đặng thành Phật đạo.
  • Đức Bảo Tạng Như Lai nghe Năng Đà Nô Thái Tử phát nguyện như thế, liền thọ ký rằng: Hay thay! hay thay! Ngươi phát thệ nguyện rộng lớn, muốn độ hết thảy chúng sanh đều thành Phật Đạo. Trong khi tu Bồ tát đạo, dùng trí kim cang mà phá nát các núi phiền não của mọi loài chúng sanh, vì vậy nên ta đặt hiệu ngươi là: Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức, trãi hằng sa kiếp làm nhiều công việc Phật sự rất lớn, rồi đến thế giới Bất Huyến ở phương Đông mà thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai, chừng đó những sự tốt đẹp trang nghiêm của ngươi đã cầu nguyện thảy đều thỏa mãn”.
  • Năng Đà Nô Thái Tử nhờ công đức đó, nên sau khi mạng chung, sanh ra các thân khác và các đời khác, kiếp nào cũng nhờ lời thệ nguyện mà chăm làm các việc Phật sự và hóa độ chúng sanh, đặng cầu cho mau viên mãn những sự của mình đã ao ước.
  • Bởi Ngài có lòng tu hành tinh tấn như vậy, nên nay đã thành Phật, ở cõi Bất Huyến, và hóa thân vô số ở trong các thế giới mà giáo hóa chúng sanh.
  • Hình tượng Phổ Hiền là Đài Hạnh 
  • Hình tượng Văn Thù là Đại Trí.  
  • Bồ Tát Phổ Hiển tượng trưng cho chân lý - Tam Muội – Hạnh . 
  • Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ - Bát Nhã – Giải. 
  • Vì vậy, 2 Ngài đứng 2 bên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với vị trí tay phải là Phổ Hiền còn tay trái là Văn Thù.

  • Năng Đà Nô Thái Tử - Tiền Thân Phổ Hiền







  • Phổ Hiền và Văn Thù là hai đại Bồ tát được nói đến nhiều trong kinh Hoa Nghiêm. Nếu như Quán Thế Âm và Đại Thế Chí là hai bậc Đại Bi, Đại Dũng. Thì Phổ Hiền là Đại Hạnh và Văn Thù là Đại Trí. 

  • Ngài Phổ Hiền tượng trưng cho CHÂN LÝ, còn Văn thù tượng trưng cho CHÂN TRÍ. Lý trí dung thông. Phổ Hiền tượng trưng cho tam muội, còn Văn Thù tượng trưng cho Bát Nhã. Phổ Hiền tượng trưng cho hạnh, còn Văn Thù tượng trưng cho giải. Phổ Hiền tượng trưng cho từ bi, còn Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ. Do đó, đức Phật dùng chân trí thâm đạt chân lý hoặc dùng Bi, Trí viên mãn. Cho nên hai Ngài thường có mặt bên phải và bên trái đức Phật Thích Ca. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét