四大天王Virūpākṣa 西方广目天王
后学谨致无尽谢意
随喜马芥龙居士造像无量功德
多闻天王
持国天王
广目天王
增长天王
顶礼四大天王
Thích Tâm Mãn - 釋 心 滿
- Tứ Đại Thiên vương là bốn vị Thiên thần thuộc bộ Nhị Thập Thiên ở tầng thứ nhất của dục giới Ta Bà, có nơi gọi là Tứ Đại Kim Cang, nhưng đó là sai lầm, phải gọi là Tứ Đại Thiên Vương, còn xưng là Hộ Thế Thiên Vương, trong thế giới quan của Phật Giáo, Tu Di sơn, giữa núi Tu di có bốn ngọn núi là nơi cư trú của Tứ Thiên Vương. Vị trí nằm ở lưng của núi Tu di. Trong hệ thống thờ tự Thiên Vương của Phật Giáo, thường thì kiến trúc thờ tượng Thiên Vương được gọi là Thiên Vương Điện và vị trí thường được đặt ở cổng chính khi vào chùa.
- Xưng là Tứ Thiên Vương bởi vì bốn vị Thiên Vương này ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc.
- Tứ Đại Thiên Vương là thần tướng của vua trời Đế Thích, ở núi Kiền Đà La, núi này có bốn đỉnh, mỗi đỉnh có một vị Thiên Vương trấn giữ, hộ trì cho tứ thiên hạ, bốn cõi thiên hạ còn gọi là Tứ Đại Bộ Châu, gồm có :
- Đông Thắng Thần Châu ở phương Đông,
- Nam Thiệm Bộ Châu (địa cầu) ở phương Nam,
- Tây Ngưu Hạ Châu ở phương Tây,
- Bắc Cu Lư (Lô) Châu ở phương Bắc.
- Tứ Đại Bộ Châu thuộc tầng thứ nhất của trời dục giới.
- Quan niệm thế giới quan của Phật Giáo, chia thế giới ra thành ba; Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, Phật Giáo cho rằng hết thảy hữu tình chúng sanh đều luân hồi sanh tử trong Tam giới, chỉ cho đến khi nào tu hành đạt đến cảnh giới Niết Bàn thì mới có thể vượt ra ngoài Tam giới thành Phật, không còn thọ luân hồi khổ nữa. Dục giới lại có lục thiên, sáu tầng trời là nơi cư trú của Thiên thần, Tứ Đại Thiên Vương ở trong tầng thứ nhất trong sáu tầng trời.
- Đông phương Trì Quốc Thiên Vương:
- Tên là Đa La Tra, ở vùng đất làm bằng vàng, phía Đông của núi Tu di.
- Đông Trì Quốc Thiên Vương, đại ý cho ý niệm trách nhiệm hộ trì quốc gia, là một người sống trong một cộng đồng một quốc gia, phải có tinh thần trách nhiệm gìn giữ sự ổn định an lạc cho đất nước và cộng đồng của mình, tận tâm tận lực bảo vệ đất nước, tận tâm tận ý gìn giữ hòa bình và ổn định của quốc gia, làm cho dân giàu nước mạnh, và đây cũng là đạo lý làm người lãnh đạo đất nước hộ trì nhân dân.
Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương - (hình ảnh do Đại Đức Thích Tâm Mãn họa)
- Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương:
- Tên là Tỳ Lưu Ly, ở vùng đất làm bằng lưu ly, phía Nam của núi Tu di. Nam Tăng Trưởng Thiên Vương là vị Thiên Vương hộ trì của thế giới Ta Bà, ứng với sự luân chuyển của thế giới Ta bà, là luôn luôn tiến đến không khi nào dừng lại nên gọi là Tăng trưởng, vì vậy Tăng Trưởng Thiên Vương luôn luôn có tâm niệm nhắc nhở người trong cảnh giới Ta bà, muốn được an lạc giải thoát điều quan trọng nhất là phải luôn tu hành để tăng trưởng đạo hạnh, tăng trưởng đức hạnh, cho đến tăng trưởng học vấn, trí tuệ, năng lực, hết thảy các pháp lành đều được tăng trưởng, vĩnh viễn không dừng, như vậy thế giới luôn luôn tăng trưởng theo hướng tốt đẹp, tạo thành một thế giới tốt đẹp an lạc trong tương lai.
Nam Phương Tăng TrưởngThiên Vương - (hình ảnh do Đại Đức Thích Tâm Mãn họa)
- Tây Phương Quảng Mục Thiên Vương:
- Tên là Tỳ Lưu Bác Xoa, ở vùng đất làm bằng bạc trắng phía Tây núi Tu di. Tây Quảng Mục Thiên Vương; Quảng Mục có nghĩa là có thể dùng ánh mắt thanh tịnh để quán sát thế giới, hộ trì mọi người, nên gọi là Quảng Mục Thiên Vương, trên tay của Quảng Mục Thiên Vương cầm một con xích long, có tượng thì cầm sợi dây màu đỏ, đây là thiện ý thuần phục ngoại đạo, chúng ma, làm cho họ quy kính Tam bảo, trở thành người tốt trong ba cỏi.
Tây Phương Quảng Mục Thiên Vương - (hình ảnh do Đại Đức Thích Tâm Mãn họa)
- Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương:
- Tên là Tỳ Sa Môn ở vùng đất làm bằng thủy tinh phía Bắc của núi Tu Di. Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương, có nghĩa là phải nghe nhiều, biết nhiều, làm cho đạo đức vang xa đến khắp bốn phương thiên hạ cho mọi người được nghe được thấy, học tập được điều hay tốt, làm cho thiên hạ ngày thêm an lạc thái bình, mọi người thương yêu hiểu biết nhau, tôn trọng nhau, trong tinh thần từ bi của Đạo Phật. Cổ đức có dạy: “đọc hàng vạn cuốn sách, đi hàng vạn dặm đường” đọc sách để hiểu để biết, đi khắp nơi để nghe để thấy, có như vậy thì tất cả vấn đề đều được sáng tỏ. Giác ngộ giải thoát sẽ không còn xa.
Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương - (hình ảnh do Đại Đức Thích Tâm Mãn họa)
- Tứ Đại Thiên Vương hộ trì thế giới Ta Bà trên tâm niệm, hộ trì gìn giữ sự an ổn cho xã hội, luôn luôn nghe nhiều học hỏi, để tăng trưởng trí tuệ, tịnh tâm xem xét quán chiếu mọi vấn đề, học hỏi hết thảy những điều tốt đẹp, đây là những nguyên tố chính để tạo thành cảnh giới Cực Lạc trong hiện tiền, và là tâm nguyện của chư Phật, Thánh chúng thiện thần của Đạo Phật.
Thiên vương (zh. 四大天王, ko. 사왕천/사천왕, ja. 四天王) được xem như là người canh giữ thế giới, thường được thờ trong các chùa. Truyền thuyết cho rằng các Thiên vương sống trên núi Tu-di , canh giữ thế giới và Phật pháp. Các vị đó chiến đấu chống cái ác và bảo vệ những nơi Phật pháp được truyền bá. Thân thể các vị được áo giáp che chở, đầu mang giáp sắt.
Có bốn vị Thiên vương (Tứ Thiên vương, sa. catur-mahārāja) ở bốn hướng:
- Bắc Thiên vương với tên là Đa văn thiên (多聞天, sa. vaiśravaṇa) có thân màu lục, tay trái cầm cờ chiến thắng, tay phải mang tượng chùa hoặc một bảo tháp (mà trong đó – theo truyền thuyết – Long Thụ đã tìm được những bộ kinh dưới Long cung), hoặc một con chuột màu bạc phun ngọc. Vị Bắc Thiên vương là vị quan trọng nhất trong bốn vị Thiên vương;
- Nam Thiên vương là Tăng trưởng thiên (增長天, sa. virūḍhaka) có thân màu xanh, cầm gươm chém Vô minh. Vị này chuyên giữ gìn những chủng tử tốt đẹp trong con người;
- Đông Thiên vương là Trì quốc thiên (持國天, sa. dhṛtarāṣṭra) có thân trắng, tay cầm đàn, tiếng đàn sẽ làm tâm thức con người trở nên thanh tịnh;
- Tây Thiên vương tên Quảng mục thiên (廣目天, sa. virūpākṣa) có thân màu đỏ, tay phải cầm rắn, nhưng không cho nó chiếm giữ Như ý châu (ngọc như ý). Ngọc như ý chỉ chuyên dành cho những bậc giác ngộ và rắn chỉ là người canh giữ viên ngọc đó.
Tứ Đại Thiên Vương còn được gọi là Hộ Thế Tứ Thiên Vương, là bốn vị Thiên tướng thủ hộ Phật Pháp, thuộc chư Thiên Bộ trong Nhị Thập Thiên hoặc Thập Nhị Thiên của Phật Giáo. Tứ Đại Thiên Vương cư trụ trên núi Do Kiền Đà La bên hông của núi Tu Di, mỗi vị cùng với quyến thuộc của mình trấn giữ bốn phương Đông Nam Tây Bắc, cai quản hộ trì tứ châu là: Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hạ Châu, Bắc Cu Lô Châu. Ở Trung Quốc, do ảnh hưởng của “Phong thần Diễn Nghĩa” và truyền thuyết dân gian còn gọi Tứ Đại Thiên Vương là “Tứ Đại Kim Cang”, lại nói chức phận của bốn vị này là: Phong, Điều, Vũ, Thuận.
Theo hệ thống tùng lâm Phật Giáo Trung Quốc thì Tứ Thiên Vương được thờ trong Thiên Vương Điện cùng với Hộ Pháp Vi Đà Thiên và Di Lặc Bồ Tát để bảo hộ Phật Pháp và chúng sanh, là những vị thần canh giữ chùa. Vì vậy Thiên Vương Điện được đặt sau Sơn Môn. Hình tướng và quốc độ của Tứ Đại Thiên Vương được phối như sau:
1. Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương: tiếng Phạm gọi là Dhrta-rastra, dịch là Đề Đầu Lại Sa, Đề Đa La Sa, Đa La Sa, còn gọi là Trì Quốc Thiên, An Dân Thiên, Thuận Oán Thiên. Vì Ngài có thể hộ trì đất nước, bảo hộ chúng sanh nên gọi là Trì Quốc Thiên. Cư trụ phía đông núi Tu Di, mặc giáp trụ, nét mặt phẫn nộ, tay cầm đàn Tỳ bà. Trì Quốc Thiên Vương biểu thị lòng từ bi, dùng âm nhạc để cảm hóa chúng sanh quy y Phật Pháp. Chủ quản Đông phương Phất Đề Bà Châu.
2. Nam Phương Tăng Trưởng Thiên: tiếng Phạm gọi là Virudhaka, dịch là Tỳ Lưu Đa Thiên, Tỳ Lưu Ly Thiên, Tỵ Lưu Trà Già Thiên, Tỳ Lâu Lặc Thiên, Tỳ Lâu Lặc Xoa Thiên…Vì Ngài có năng lực hộ trì chúng sanh tăng trưởng thiện căn nên gọi là Tăng Trưởng Thiên. Cư trụ ở phía Nam núi Tu Di, nét mặt giận dữ, mặc giáp trụ, tay cầm bảo kiếm bảo hộ Phật Pháp không cho tà ác xâm phạm. Chủ quản Nam phương Diêm Phù Đề Châu.
3. Tây Phương Quảng Mục Thiên: tiếng Phạm gọi là Virupaska, dịch là Tỳ Lưu Bác Xoa, Tỳ Lưu La Xoa, Tỳ Lưu Bà Xoa, Tỵ Lâu Bác Xoa, Tỵ Lưu Ba A Xoa…Vì Ngài có thể dùng Thiên nhãn thanh tịnh quán sát thế giới hộ trì chúng sanh nên gọi là Quảng Mục Thiên. Cư trụ phía Tây núi Tu Di, hiện tướng giận dữ, mặc giáp trụ, tay quấn con rắn (hoặc rồng). Chủ quản Tây phương Anh Da Ni Châu.
4. Bắc Phương Đa Văn Thiên: tiếng Phạm gọi là Vaisravana, dịch là Tỳ Xá la Bà Nã, Tỳ Thất La Muộn Nẵng, Phệ Thất La Mạt Nã, Tỳ Xá La Môn, Tỳ Sa Môn…Vì Ngài từng bảo hộ đạo tràng của Như Lai, do đó được nghe Như Lai thuyết pháp nhiều, nên có tên là Đa Văn Thiên. Cư trụ ở phía Bắc núi Tu Di, hiện tướng phẫn nộ, tay cầm bảo tán (hoặc bảo tháp), biểu thị phước đức đa văn, chế phục chúng ma, bảo hộ tài bảo của chúng sanh. Chủ quản Bắc phương Úc Đơn Việt Châu.
Tứ Đại Thiên Vương cùng Phạm Thiên và Thiên chúng thuộc cõi trời dục giới, là những vị thần bảo hộ Phật Pháp, cũng như hộ trì chúng sanh tu tập thiện pháp, tồi phá trừng phạt những kẻ tà ác bất thiện xâm hại Phật Pháp.
Đông Phương – Trì Quốc Thiên Vương
Nam Phương – Tăng Trưởng Thiên Vương
Tây Phương – Quảng Mục Thiên Vương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét