Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

THẦN HỘ PHÁP

Khi đến với bất cứ ngôi chùa nào, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy bên phải luôn có tượng một vị rất hiền hòa, đó là hình tượng của Ngài Vi Đà. Ngược lại, bên trái là tượng một vị rất dữ dằn – Ngài Tiêu Diện đại sĩ (hoá thân của Bồ tát Quan Thế Âm).





VI ĐÀ BỒ TÁT
  • VI ĐÀ BỒ TÁT Nguyên là thiên thần Thất Kiện Đà của đạo Bà La Môn, là con trai của thần Hộ pháp Phật giáo Đại Tự Tại Thiên, sau đó trở thành thần Hộ pháp của Phật giáo. 
  • Trong hàng ngũ những vị thiên thần Hộ pháp thì Vi Đà nổi danh bởi tài năng chạy nhanh như bay. Tương truyền sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt, chư Thiên thần và chúng Vương bàn về việc hỏa thiêu di thể, nhặt Xá lợi thờ trong tháp. Lúc này Đế Thích Thiên cầm bình thất bảo đến chỗ thiêu để lấy Xá lợi vì trước kia Ngài đã được Đức Phật chấp thuận cho một chiếc răng đem về để dựng tháp thờ. Nhưng khi ấy có quỷ La Sát nấp bên người Đế Thích Thiên, thừa lúc Ngài không chú ý bèn trộm răng Phật. Vi Đà Tôn Thiên trông thấy bèn đuổi theo, nhanh như tia chớp, trong nháy mắt đã bắt được quỷ La Sát tống vào ngục, trả lại răng Phật cho Đế Thích Thiên, được chư Thiên khen ngợi. 
  • Từ đó về sau, Vi Đà được cho là có thể xua đuổi tà ma, bảo hộ Phật pháp, gánh vác trọng trách bảo vệ linh tháp (stupa) của Phật Tổ (chứa xá lợi Phật). 
  • Kể từ đó hình tượng Vi Đà được song hành cùng linh tháp chứa Xá lợi, mang ý nghĩa bảo vệ an toàn cho Đức Phật. 



NAM MÔ HỘ PHÁP VI ĐÀ TÔN THIÊN BỒ TÁT
TIÊU DIỆN ĐẠI SĨ :


  • Tiêu Diện Đại Sĩ (còn được gọi là Ông Ác, hay Ông Tiêu) thường được thờ trong nhiều ngôi chùa ở Trung Quốc, Việt Nam,... 
  • Tiêu Diện Đại Sĩ là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sanh. Hóa thân của ngài Bồ Tát Quan Thế Âm, mặt trước là hình tượng mang sắc tướng nữ, rất mực từ bi với dương chi ngọc liễu và bình cam lồ sẵn sàng độ sanh giải nạn. Mặt sau của hóa thân là hình tướng nam, là một vị thần dáng điệu oai nghiêm, trang phục võ tướng nhiều màu sắc sặc sỡ, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị hung dữ với 3 cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược dữ tợn, sáng hoắc, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, khạc ra lửa khói, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực. Chiếc lưỡi là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của ông Tiêu. Trong cái thế giới bóng tối dày đặc của ma quỷ, ông Tiêu xuất hiện với gương mặt hung dữ, dễ sợ để xua đuổi ma quỷ, ma quỷ tránh né ông bằng cách chạy về phía có ánh sáng, nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo. 
  • Thật ra, bản ý của chư Tổ qua hai hình tượng trên mang một ý nghĩa thâm trầm. Bởi vì lòng từ bi trong nhà Phật lúc nào cũng muốn đem lại sự an vui, lợi lạc cho tất cả chúng sanh, nhưng do trình độ chúng sanh không giống nhau, nên các phương tiện hóa độ của chư Phật, Bồ-tát cũng khác nhau. Có người dùng lời hiền hòa, cử chỉ thương yêu chỉ dạy họ liền cảm mến nghe theo. Có người ngang bướng dùng lời hiền hòa nói họ không chịu nghe, buộc lòng phải có thái độ dường như ác dữ mới chuyển họ được. Như trên đã nói, Bồ Tát Quan Thế Âm vì phương tiện cứu độ loài quỷ đói, không để họ tiếp tục gây tạo ác nghiệp ăn thịt người nữa; nên vì lòng đại từ bi, Bồ Tát Quan Thế Âm đã phải hiện thân vào loài quỷ đói, đóng vai ác, để rồi cuối cùng cảm hóa được loài chúng sanh này. 


Hộ Pháp Già Lam

Quan Công buông đao quy y cửa Phật

  • Nơi thờ cúng Phật trong Phật Giáo là chùa, vị thần bảo hộ chùa có 18 vị, trong đó bao gồm cả Già Lam Bồ Tát. Già Lam là vị Bồ Tát lấy từ hình tượng của Quan Vân Trường, hay còn gọi là Quan Công – vị mãnh tướng của Trung Quốc thời Tam Quốc. 
  • Có thể thấy, Phật giáo khi du nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam thông qua hai con đường chính, một đường từ Trung Quốc sang do tiếp biến văn hóa và giao thoa văn hóa Hán Việt, một đường do tăng sư và người buôn Ấn Độ đưa sang nhờ giao lưu văn hóa kinh tế. Con đường từ Trung Quốc sang là Phật giáo Bắc tông, con đường từ Ấn Độ sang truyền Phật giáo Nam Tông. 
  • Phật giáo Bắc Tông vì ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên có sự xuất hiện của Già Lam Bồ Tát – Quan Công. Tương truyền, Quan Công từng hiển thánh tại núi Ngọc Tuyền và quy y nhà Phật nên được phong xưng Hộ Pháp, bảo vệ nơi chùa chiền. 
  • Phật giáo quý đức trung nghĩa, dũng cảm của bậc mãnh tướng như Quan Công. Cùng với đó là sự giao lưu giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, trong đó có tín ngưỡng thờ Quan Công (được thờ như Thần Tài) nên mới có sự ra đời của Già Lam Bồ Tát. 
  • Già Lam Hộ Pháp cùng với Vi Đà Tôn Thiên Hộ Pháp tạo thành cặp tượng đứng trấn giữ, phát tâm nguyện bảo vệ Phật pháp, ngăn cản cái ác, cái xấu không thể tiến vào làm ô uế nơi thờ tự tâm linh linh thiêng, ảnh hưởng tới sự hướng Phật, chân tu của chúng Phật tử. 
  • Chúng sinh noi theo gương ngài, hiểu rõ nhân lễ nghĩa trí tín và hướng về cửa Phật. Ngài là hiện thân của tinh thần quả cảm, sức mạnh phi thường cùng tấm lòng hào sảng của bậc anh hùng, khi tiếp nhận Phật giáo đã hướng thiện, chấp niệm Phật học, quy y tam bảo, nguyện bên Phật đàn cản ác bảo hộ. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét