Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Tượng Hư Không Tạng Bồ Tát













Pháp Hội 55 : Hư Không Tạng Bồ Tát



Mở đầu, Đức Phật ngự ở Diệu Bửu Trang Nghiêm đường là giảng đường để thuyết pháp cho đạo tràng. Trong Phật giáo có nhiều cấp bậc đạo tràng khác nhau, như đạo tràng của Phật, Bồ tát, Nhị thừa, chư Thiên, ma vương, v.v... Mỗi chúng hội được hình thành từ tư cách của người tham dự.

Riêng về đạo tràng của chúng ta, thông thường trang nghiêm đạo tràng bằng cơ sở vật chất là chính, dẫn đến kết quả dồn công sức để xây dựng tự viện, làm cho tinh thần trống rỗng. Đó là điều nguy hiểm đối với người tu. Và tiến thêm bước nữa, lo cơm ăn cho đại chúng; chúng ta lại kẹt vô vật chất nữa. Cuối cùng, quản lý tự viện như vậy, chỉ toàn là kẹt vật chất; tinh thần không thể tốt đẹp. Phật tử đến chùa cảm thấy thiếu vắng sức sống tâm linh, dần dần họ cũng từ bỏ chùa. Rõ ràng là xây dựng được vật chất, thì vật chất này cũng bị tiêu tan theo sự đánh mất tinh thần. Vì vậy, chưa xây xong chùa, Trụ trì đã chết, hay xây xong thì không ai đến chùa để tu hành. Vì ở đó họ không tìm được cái quý giá; họ cần được an dưỡng tinh thần hơn.

Người ta thường nghĩ đến vật chất và phát triển nó mà coi nhẹ tinh thần. Họ không hiểu vật chất sanh ra từ tinh thần. Phật dạy rằng tâm sanh ra vạn pháp, vạn pháp đều từ tâm, hay từ không mà thành có và có rồi cũng quy về không. Vật chất và tâm linh giống như xác và hồn, nhưng hồn quan trọng hơn. Phật muốn dạy chúng ta Trung đạo đệ nhất, không kẹt vật chất để tránh phiền não phát sanh và cũng không phải bỏ vật chất để rơi vào trống không, không dính líu gì đến muôn sự muôn vật.

Phật dạy ý này bằng cách chỉ bày việc của Ngài là chỉ lo trang nghiêm tinh thần. Ở đây, kinh diễn tả rằng Phật ngự ở Diệu Trang Nghiêm đường. Diệu Trang Nghiêm bên trong bằng công đức, mới tạo thành những việc thậm thâm vi diệu cho pháp hội; nó cần thiết hơn phần trang nghiêm bên ngoài. Vì thế, Đức Phật không bận tâm đến vật chất, dù có người cúng dường tinh xá. Ngài chỉ chú tâm đến sự thăng hoa đời sống tâm linh của Ngài và đại chúng, tạo thành công đức trang nghiêm. Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, muốn cho Phật giáo tồn tại và phát triển, chúng ta phải nỗ lực phát huy tinh thần của chính mình và người.

Đức Phật sử dụng tinh thần phong phú, tốt đẹp để trang nghiêm thân tâm. Bên ngoài, người ta thấy đời sống của Ngài bình dị, nhưng nhìn sâu sắc mới thấy Phật và Thánh chúng trang nghiêm. Tôi kinh nghiệm điềunày. Trong thời niên thiếu, tôi đã đến các tổ đình Giác Lâm, Giác Nguyên, nhưng không cảm nhận được sự an ổn. Đến khi về Phật học đường Nam Việt, đời sống vật chất của đại chúng ở đó rất hẩm hiu. Trong bữa ăn hàng ngày chỉ có toàn rau cải hư mà người ta đã bỏ ở chợ và không có cả nước tương; nhưng lúc đó chúng tôi dùng thức ăn nào cũng thấy ngon. Vì vậy, tôi nhận ra diệu trang nghiêm là đời sống tinh thần phong phú.

Hòa thượng Thiện Hòa là Giám đốc Phật học đường Nam Việt. Ngài không lo ăn mặc, chỉ lo tu cho đắc đạo, khiến người thấy ngài cao thượng. Mặc dù lúc đó, chưa xây dựng chùa và cuộc sống kham khổ, mà người thấy cuộc sống cao quý hiện hữu nơi đó. Ông Trưởng ty vệ sinh định dẹp chùa, sau cùng cũng không dám. Có một cái gì đó làm cho người ta sợ. Hòa thượng Thiện Hòa cầm quyết định giải tỏa chùa trong tay, ngài không nói gì. Vậy mà người đưa quyết định này tự sợ và nói để thưa lại với ông Trưởng ty. Điều đó cho thấy Hòa thượng có đức để trang nghiêm, nên người không dám phá chùa. Sau cùng, ông Cầm và ông Lộc cùng đến gặp Hòa thượng Thiện Hòa, nhưng lại nói khác. Họ nói rằng Hòa thượng nên làm lại chùa cho hợp vệ sinh. Từ ý định bắt phá bỏ chùa, họ đổi thành làm cho chùa đẹp hơn; đó là điều lạ. Và lạ nữa là về sau, ông Cầm lại trở thành Trưởng ban Bảo trợ Phật học đường Nam Việt. Ông là người đạo Thiên Chúa, học ở Pháp về. Ông tự thay đổi ý định, giúp cho việc xây dựng chùa được tốt đẹp. Điều này cho chúng ta thấy ý nghĩa của diệu trang nghiêm. Nhìn bên ngoài thấy chùa ở khu mộ địa, không vệ sinh, nhưng nhìn sâu bề trong thì đó là Thánh địa.

Phật không dùng vật chất mà quan tâm đến tinh thần, là Ngài dùng công đức hay đại uy đức để trang nghiêm đạo tràng. Các Thầy cô làm đạo nên rút kinh nghiệm này, thấy rõ người có uy đức làm việc khó thành dễ, người khác thấy họ tự kính nể. Không có uy đức thì người trở ngại việc của chúng ta, không thể thành công.

Trong kinh Pháp Hoa, Bồ tát Phổ Hiền tiêu biểu cho bậc có uy đức vô song. Chúng ta hành đạo, cần có Phổ Hiền giúp sức. Ngài sẽ dùng đại uy đức, đổi hoàn cảnh khó thành dễ. Ngài nguyện dùng uy đức để giúp cho ngườigặp ma chướng, chuyển ma thành hộ pháp.

Người không có uy đức, phải mượn uy đức của Bồ tát. Không ai sợ chúng ta, nhưng chúng ta đứng trước tượng Phật, lấy uy đức của Phật tự trang nghiêm. Nếu sử dụng được tâm ta kết hợp với uy đức của Phật, thì việc thành tựu dễ dàng, người có ý trở ngại cũng bỏ ý định chống phá. Nhưng không kết hợp được uy đức của Phật với niềm tin của chúng ta, thì tan rã mọi thứ.

Đức Phật tạo được thành quả vĩ đại là nhờ có uy đức vô cùng. Ngài Niết bàn đã hàng ngàn năm mà uy đức vẫn còn tỏa sáng cho hàng đệ tử khắp năm châu nương nhờ.

Trên bước đường tu, chúng ta nỗ lực tạo đức hạnh và tiến lên đại uy đức. Người giống người, nhưng người có đức hạnh làm khác người không có đức hạnh. Đức Phật, Bồ tát và các vị Tổ sư thành công nhờ đại uy đức. Điển hình ngày nay là Hòa thượng Thiện Hòa hiền lành, ít nói, nhưng không ai dám nặng lời với ngài. Tôi ra miền Bắc để mở khóa Hoằng pháp, gặp một vị Hòa thượng đã từng làm bạn với Hòa thượng Thiện Hòa. Ngài nghe nói tôi là đệ tử của Hòa thượng Thiện Hòa, nên bảo đệ tử dìu ra để gặp tôi. Ngài kể lại hạnh đức của Hòa thượng Thiện Hòa, khiến cho ngài không bao giờ quên được. Hòa thượng Thiện Hòa hiền lành và có uy đức đến độ ai thấy ngài cũng hiền theo, không gây được. Đức của Hòa thượng Thiện Hòa thể hiện trong cuộc sống chân thật. Ngày xưa, Giáo hội Phật giáo Thống nhất quy định thẻ Tăng tịch của các Thầy đồng chơn nhập đạo được đóng dấu tròn, đối với người bán thế xuất gia thì đóng dấu vuông. Hòa thượng Trí Tịnh bảo đóng dấu tròn vào thẻ của Hòa thượng Thiện Hòa vì ít ai có đức hạnh bằng ngài. Hòa thượng Thiện Hòa bảo tôi mang thẻ xuống văn phòng để đóng dấu vuông, vì đóng dấu tròn sẽ làm cho người hiểu lầm Hòa thượng là tu sĩ đồng chơn nhập đạo thì có tội.

Về phần chúng ta, sự thật mình vuông, nhưng người ta tưởng là tròn, thì mình mừng; hoặc người không thấy lỗi của ta, ta cũng mừng. Hòa thượng tự biết ngài và sống đúng với cái của ngài. Vậy mà người không dám xem thường, còn kính trọng ngài hơn.

Một điểm khác cũng làm tôi thực sự kính trọng Hòa thượng là từ lúc xuất gia cho đến viên tịch, ngài không bao giờ về thăm nhà. Vì vậy, tuy là bán thế xuất gia, ngài là một trong những người được kính trọng nhất trong Giáo hội Tăng già Nam Việt. Ngài làm Trị sự trưởng bằng đức hạnh trang nghiêm và toát ra một lực vô hình khiến người phải kính nể, dù ngài không rầy la. Nhiều Hòa thượng khó tánh, thường phê phán, nhưng tôi không nghe ai chỉ trích Hòa thượng Thiện Hòa.

Trong pháp hội này diễn tả Đức Phật Thích Ca trang nghiêm đạo tràng bằng đại uy đức hay đức hạnh. Là đệ tử Phật, muốn làm được Phật sự, chúng ta phải có đức hạnh để trang nghiêm; dù ở am cốc nơi xa xôi, người cũng tìm đến. Không có đức hạnh, ở chùa càng lớn càng phiền, vì đại chúng không kính nể, đàn việt không ủng hộ.

Nhiều chùa không có Trụ trì; trái lại, cũng nhiều Thầy không có chùa để ở, vì không có đức hạnh. Phật tử phải cầu thỉnh các Thầy về chùa, nhưng tại sao chúng ta lang thang mà họ không mời về.

Đức Phật là bậc đức hạnh lớn nhất và đức của Ngài chuyển thành uy, khiến người phải tôn kính. Người không kính, chúng ta nên nỗ lực tu hành; đừng giận rằng tại sao dám xem thường mình.

Điểm thứ hai là Phật dùng tri kiến hay huệ Như Lai, nhìn thấy chính xác để trang bị đạo tràng. Theo Phật, tất yếu chúng ta phải dùng tri kiến Phật trang nghiêm cho tri kiến của chúng ta. Đừng trang nghiêm bằng tri kiến phàm phu, đừng dùng khôn dại của con người để nói với nhau. Chỉ có tri kiến Phật và chúng ta cầu tri kiến này với Ngài mới thành tựu Phật sự.

Tri kiến thế gian không thể trang nghiêm đạo tràng cho pháp hội tu hành. Không thể tự hào với học vị Tiến sĩ; người đời có bằng cấp nhiều hơn chúng ta. Đến với Phật, chúng ta coi nhẹ phần này, chỉ sử dụng Phật tri kiến hay Phật huệ, thấy biết điều người không thấy biết.

Giảng sư giảng từ chương thì người nghe ít lần. Giảng bằng Phật huệ, người nghe cùng kiếp không chán, vì biết cái người không biết. Thể hiện tinh thần này, chúng ta thấy Đức Phật ở trong rừng, người cũng theo; vì đến đó họ mới nhận được tri kiến, ở nơi khác không thể có.

Đức Phật cũng dùng hảo tướng trang nghiêm, kinh gọi là ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Thực tế cho thấy vị tu sĩ nào có ngoại hình dễ coi, lời nói dễ thương, thì dễ thành công. Xấu xí, bệnh hoạn thì khó thuyết phục được người. Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt mà người kháckhông có. Họ chỉ có tài sản, nhưng không có hảo tướng. Phải trải qua vô lượng kiếp tu hành mới có được hảo tướng của Như Lai.

Chúng ta thấy có Thầy mặc áo tu, tự nghĩ là không giống ai, nhưng nhiều người lại thích nhìn; vì lúc đó họ dùng uy đức của Phật để trang nghiêm thân tâm, tham dự được vào hàng Thánh chúng. Đến khi họ hoàn tục, thiên hạ lại không dám nhìn nữa; vì họ đã rớt vào kiếp nghèo đói, dùng tâm ngạ quỷ để trang nghiêm. Tuy cùng ăn xin, nhưng Tỳ kheo khất thực khác với ăn mày khất thực là vậy. Điều này cho thấy rằng trang nghiêm thân tâm bằng pháp Như Lai tất nhiên khác xa với việc trang nghiêm bằng phiền não, tham sân. Thực tu, từng bước phát triển được hảo tướng.

Ngoài ra, Đức Phật trang nghiêm đạo tràng bằng Tứ Vô ngại biện tài. Điều này cũng hoàn toàn vô hình. Trước tiên là Pháp vô ngại của Phật. Người hỏi gì, Ngài cũng trả lời thông suốt. Muốn được như vậy, học rộng nghe nhiều là điều căn bản. Chúng ta phải trải qua nhiều đời siêng tu học, hiểu biết sâu rộng, đạt được Pháp vô ngại biện tài, ai hỏi gì chúng ta cũng giải đáp được. Chỉ biết tụng kinh, thì ra đời không làm được gì.

Trong kinh ghi rằng có một Bà la môn muốn hạ Phật, nghĩ rằng Ngài thuộc dòng Sát đế lợi chỉ thông kinh điển, việc lao động bên ngoài chắc là Phật không biết được. Ông mới hỏi Phật cách chăn nuôi bò sữa. Không ngờ, Phật chỉ dạy ông phương cách nuôi bò tốt nhất, khiến ông hết sức khâm phục. Từ việc thế gian đến xuất thế gian, không điều gì mà Đức Phật không giải thích được, gọi là cứu tận chư pháp thật tướng. Chúng ta chỉ biết một phần. Bồ tát biết nhiều hơn, nhưng chưa hoàn toàn như Phật. Đức Phật thông suốt mọi việc một cách chính xác, nên không bao giờ Ngài sai lầm.

Vô ngại biện tài thứ hai của Đức Phật là Từ vô ngại. Chúng ta biết, nhưng không đủ từ ngữ để diễn tả, nên còn trở ngại. Đức Phật biết rõ vấn đề và diễn tả lưu loát, nhờ Ngài đạt được Từ vô ngại. Lịch sử ghi rằng mới 12 tuổi, Đức Phật đã biết ba mươi sáu ngôn ngữ Ấn Độ thời cổ. Ngài trang nghiêm đạo tràng bằng Pháp và Từ vô ngại.

Vô ngại biện tài thứ ba là Nghĩa vô ngại, tức cách giải thích sâu sắc của Đức Phật. Có một Bà la môn lễ bái sáu phương. Phật hiểu nghĩa lý sâu xa của việc lễ bái ấy; trong khi họ lễ lạy mỗi ngày mà không biết ý nghĩa, khiến họ phải kính phục Phật.

Phật nói gì người cũng thấy hay là Nhạo thuyết vô ngại biện tài thứ tư. Nói chung, Đức Phật dùng hảo tướng, bốn thứ vô ngại biện tài, uy đức, quán pháp, tức là trí và tổng trì là định, v.v... để trang nghiêm đạo tràng. Vì vậy, Ngài vừa ngự ở đâu, nơi đó cũng liền trở thành đạo tràng trang nghiêm, thể hiện những điều thậm thâm vi diệu. Còn chúng ta thì phải mở đạo tràng trước, rồi mới tu sau.

Từ vô hình là tri kiến, uy đức, v.v... được cụ thể hóa thành cuộc sống của Đức Phật rất đơn sơ. Tuy nhiên, tinh xá, lầu các tự động được hình thành theo bước chân giáo hóa độ sanh của Ngài. Các vị Tổ sư cũng vậy, chỉ ở hang đá, gốc cây, mà chẳng bao lâu nơi đó trở thành tự viện. Các đại tự viện ở Nhật Bản, Trung Quốc đều ở trong vùng núi non hiểm trở. Những danh lam Thánh tích đều ở thâm sâu cùng cốc, nhưng sau trở thành thị trấn lớn của Phật giáo. Các ngài đến đây với một y một bát, uống nước suối, ăn quả rừng, chỉ chuyên tu hành, trang nghiêm thân tâm bằng đạo đức. Và một thời gian sau, có người tìm đến để tu học thì nhà cửa được xây dựng lên. Vua đến thì lầu các thành hình. Nghĩa là từ diệu trang nghiêm trở thành đại trang nghiêm. Khác với cung vàng điện ngọc là nơi tranh giành, chết chóc. Các vua chúa, cung phi sống ở đó không chút an ổn với sự cấu xé quyền lợi nhân gian. Trong khi những gì của Phật, Thánh Tăng dùng công đức trang nghiêm, không cần tính toán tranh giành, nên mọi thứ đều thậm thâm vi diệu. Công đức của các ngài lớn đến đâu, lầu các theo đến đó.

Lần đầu chúng ta có tâm thanh tịnh, xuất thế thì có người cầu giải thoát tìm đến. Và chúng ta phát tâm độ chúng sanh thì các tầng lớp xã hội tự tìm đến. Ta tu được pháp nào, sẽ có quả đó. Chúng ta không rèn luyện được tâm Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, sẽ không có bạn tốt đến. Chúng ta phải trang nghiêm thân tâm mình trước và trang nghiêm quốc độ, trang nghiêm chúng sanh sau.

Đức Phật tự trang nghiêm pháp hội này như vậy và tuần tự có tám ngàn Thanh văn và tám ngàn Bồ tát đến. Đây là quá trình tu. Thanh văn đến, là người thuộc Tam Hiền Tứ quả, cầu giải thoát. Nương Phật, họ đều giải thoát, không thể khác. Ngày nay hành đạo, người đến với ta không được an lạc là vì ta không an. Và Phật phát tâm độ sanh mới có tám ngàn Bồ tát đến. Đừng lầm Bồ tát với người thế gian. Người thế gian phải trái hơn thua, đầy tham sân si. Hàng Nhị thừa từ bỏ phải trái hơn thua, xa lánh thế tục để giải thoát. Bồ tát thì giải thoát như Nhị thừa, hết tham sân si hay mười triền cái, không còn bị phiền não sanh tử; nhưng họ vào đời để giáo hóa độ sinh.

Tại sao Bồ tát không ham muốn mà lại làm, không bực tức mà chống phá; đó là điều khó hiểu. Hàng Nhị thừa hết ham muốn thì không làm. Người thường làm thì bực. Chân đế và tục đế phân ra rõ ràng như vậy, dễ hiểu. Nhưng đối với Bồ tát, dứt si mê rồi mới thấy thật tướng và họ hành đạo trên thật tướng.

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói với Thanh văn rằng người chứng A la hán mà không phát tâm Bồ đề là không phải A la hán thật. Nghĩa là người đoạn dứt tham sân si, thấy chân lý thì phải phát tâm độ sanh. Vì có người nói rằng theo Phật, xả hết, chứng Tam pháp ấn, được Niết bàn, họ không muốn làm gì nữa. Đức Phật mới dạy rằng nếu đắc La hán mà không muốn cứu nhân độ thế là điều không thể có.

Hàng độn căn La hán chưa đắc đạo, chưa phá được vô minh hoặc và trần sa hoặc. Họ chỉ được giải thoát trong Hóa thành của Phật mà thôi. Họ không muốn cứu giúp, độ người.

Bồ tát hành sáu pháp Ba la mật trên lập trường của quả vị A la hán, là người có trí tuệ rồi. Họ không hành bố thí theo kiểu nhân gian; vì muốn độ sanh đòi hỏi phải có trí tuệ, thấy việc đáng làm, người đáng độ, nơi cần giáo hóa.

Ở đây giới thiệu một vị đại trang nghiêm là Phật Nhứt Bảo Trang Nghiêm. Một mình Ngài thanh tịnh và sự thanh tịnh này không thấy được vì ở trong tâm Phật. Nhưng tâm này ảnh hưởng đến toàn thể chúng hội đều được thanh tịnh, tạo thành một cảnh giới gọi là Đại Trang Nghiêm. Thực sự không có người tốt, nhưng đến với Phật, ai cũng tốt là thực chất của đạo lý như vậy.

Nhận ra ý sâu sắc này, vua Tống Nhân Tôn thốt lên rằng dù là hạng trộm cướp đến với Phật, họ đều trở thành người tốt. Uy đức của Phật đã chuyển đổi chúng hội đạo tràng thành hàng Tam thừa Tứ quả, tùy theo thân phận mà sống trong chánh pháp. Nói cách khác, từ Diệu trang nghiêm trở thành Đại trang nghiêm. Họ theo Phật từ bỏ tất cả, nhưng cuối cùng được tất cả là ý này.

Khi đại chúng tập hợp rồi, có hiện tượng lạ xảy ra. Trong Diệu Bửu Trang Nghiêm đường tự nhiên hiện ra tòa sư tử bằng chơn kim tịnh diệu cao mười ngàn do tuần phát ra quang minh tịnh diệu soi khắp cõi Đại Thiên thế giới. Ánh sáng ấy làm biến mất ánh sáng của chư Bồ tát.

Thấy hiện tượng kiết tường này, Xá Lợi Phất đại diện chúng hội thỉnh Phật nói lý do. Đức Phật cho biết có thế giới Đại Trang Nghiêm của Đức Phật Nhứt Bảo Trang Nghiêm và Bồ tát Hư Không Tạng cùng hai mươi ức đại Bồ tát phát tâm đến Ta bà để lễ lạy cúng dường Đức Phật Thích Ca. Vì thế mây lành xuất hiện, phong cảnh trở thành đẹp lạ thường.

Điều này có thể tạm hiểu trong cuộc sống có lúc ta cảm thấy ảm đạm, vì tâm hồn chúng ta ảm đạm và nghiệp thức của chúng ta trỗi dậy. Nếu lúc đó, chúng ta làm việc thì trùng trùng duyên khởi phiền não theo đó bao vây ta; càng làm càng gặp khó khăn. Theo kinh nghiệm của tôi, cũng khung cảnh đó, nhưng tôi thấy sáng đẹp lạ thường. Đó là điềm lành và nó tác động tâm tôi an vui. Vì thế, không cảm thấy an vui thì tôi không làm; tự biết ráng làm, phiền não sẽ sanh ra.

Thế giới Đại Trang Nghiêm của Phật Nhứt Bảo Trang Nghiêm đồng với thế giới của Phật Thích Ca, ta thường gọi là "đồng thanh tương ứng”. Tâm chúng ta tốt, người tốt tự đến, dù không cầu xin. Đức Phật Thích Ca chuyển thế giới này thành đại trang nghiêm giống như đại trang nghiêm của Nhứt Bảo Trang Nghiêm Như Lai. Cả hai đồng nhau, thông với nhau thành một cõi, là thông trong tâm hay những tâm hồn lớn gặp nhau, người tốt hợp tác với nhau. Điều này cũng có thể hiểu là chúng ta tự tịnh kỳ ý bản thân xong, sẽ thông được với thế giới Phật Di Đà.

Nhứt bảo trang nghiêm của Đức Phật ở thế giới Đại Trang Nghiêm và Năng nhơn của Phật Thích Ca ở Ta bà chắc chắn phải có một điểm chung. Thật vậy, Phật Thích Ca khởi đầu tu xuất thế. Ngài bỏ đền đài, đi tu làm Sa môn ốm yếu bệnh hoạn. Lúc đó, không có Phật nào phóng quang gia bị Ngài, vì Ngài hoàn toàn khác với chư Phật.

Nhưng Đức Thích Ca thành đạo, đắc quả Vô thượng Bồ đề, hào quang của Ngài phóng đi mười phương. Hay nói khác, sự nhận thức của Phật Thích Ca đồng với sự nhận thức của chư Phật mười phương và năng lực giáo hóa của Ngài cũng vô cùng tận, làm được vô số việc khó làm. Đó là điểm chung của Phật Thích Ca với Phật Nhứt Bảo Trang Nghiêm.

Ngoài ra, nếu Phật Thích Ca chỉ giáo hóa phàm phu, Nhị thừa, Thanh văn, Duyên giác, thì cũng không có Phật nào hợp tác với Ngài. Phật Thích Ca không được Phật nào gia bị lúc Ngài nói các thời pháp ở Lộc Uyển. Đến khi Ngài giảng dạy kinh Đại thừa cho Bồ tát là pháp độ sanh vì lợi ích của nhiều người, lúc đó mới có chư Phật phóng quang gia bị Ngài.

Tùy theo yêu cầu của chúng hội mà Đức Phật trang nghiêm mỗi chúng hội khác nhau. Thực sự Đức Phật có vô số phương tiện phước đức và phương tiện huệ. Nếu chấp pháp thì cái gì cũng gây trở ngại. Không kể chấp vô thế gian, nhưng chấp Niết bàn cũng vẫn sai; vì thực tế không có pháp nào nắm được. Như vậy, Đức Phật thuyết pháp căn cứ vào đâu.

Có thể nói trên bước đường giáo hóa độ sanh, Đức Phật đã mở ra vô số cánh cửa phương tiện cho chúng ta. Ngày nay, chúng ta xây chùa, bố thí, cúng dường, cũng đều là phương tiện của Phật để hướng chúng ta đến cứu cánh toàn thiện, toàn trí, toàn giác.

Phương tiện huệ của Phật do đối tác mà có. Không có đối tác thì cũng chẳng cần đặt vấn đề. Các anh em hành đạo phải thấy rõ ý này, kinh thường nói là có có không không. Nếu chúng ta không có phương tiện huệ thì pháp hội nào cũng nói giống nhau khiến người nghe cảm thấy chán, không muốn nghe nữa. Mỗi lần thuyết pháp, Đức Phật nói khác để ứng với hoàn cảnh của đối tác. Đó chỉ là phương tiện huệ của Phật, nói xong rồi bỏ.

Có người thắc mắc rằng nói rồi bỏ thì nói làm chi. Cần hiểu rằng nếu Phật không nói thì người vẫn ù lì, làm thế nào họ hiểu và tu được. Nhưng nói xong rồi không nhắc đến nữa. Tuy nhiên, người nghe phải có thay đổi. Lời Phật nói tác động làm cho tâm người nghe sáng tỏ và họ thay đổi cách sống. Phương tiện huệ là như vậy, giúp cho trí tuệ của đại chúng tăng trưởng và nhận thức theo đó sáng ra, việc làm đúng hơn.

Đạo tràng cũng là phương tiện của Phật. Đạo tràng ở đây do Hư Không Tạng Bồ tát thiết lập. Mỗi đạo tràng đều có một Bồ tát thượng thủ làm duyên khởi và Đức Phật ứng vô căn tánh của Bồ tát này mà triển khai.

Hai thế giới của Phật Thích Ca và Phật Nhứt Bảo Trang Nghiêm đồng nhau, mới có Bồ tát Hư Không Tạng và hai mươi ức đại Bồ tát sang Ta bà học với Đức Thích Ca.

Tâm của Bồ tát Hư Không Tạng như hư không và việc làm nào của Ngài cũng là hư không; nhưng trống không này phải có tác dụng. Kinh Đại thừa gọi đó là vô tác diệu lực.

Tâm trống không của Như Lai tác động đến muôn người. Trong khi tâm Không của A la hán không tác động được ai. Cũng cùng ý nghĩa này, Bồ tát làm việc như hư không, nhưng không phải không làm. Nói cách khác, đó là hành vô hành tướng, tức không có tướng làm, nhưng sự tác động của Bồ tát vào cuộc đời rất lớn. Về phần chúng ta thì có làm, lại tác động xấu, hoặc không tác động. Các bậc cao đức có làm mà tác động tốt, hay không làm nhưng tác động tốt hơn, nên được kính trọng. Không có tướng làm mà thật họ đã làm; nghĩa là từ trong tâm thanh tịnh, họ tác động cho người thanh tịnh theo.

Ở đây mượn Bồ tát Hư Không Tạng để Phật thuyết sáu pháp Ba la mật, vì không có người thể hiện được cuộc sống đặc thù, không thể chứng minh được pháp thậm thâm vi diệu của Phật. Phải mượn Bồ tát đã đạt đến Ba la mật, không làm mà vẫn ảnh hưởng đến cuộc đời và đại chúng rất lớn. Điều này quan trọng để chúng ta hiểu nghĩa Ba la mật.

Trước đó, Đức Phật cũng đã dạy sáu pháp Ba la mật, nhưng ở tầng sơ phát tâm, đo lường được. Nay Ngài nói sáu pháp Ba la mật ở cứu cánh quả. Người không có tư chất Bồ tát không thể hiểu được.

Người sơ phát tâm tu và làm có giới hạn; tiến lên một nấc, làm vô giới hạn, nhưng có giới hạn. Và sau cùng làm vô giới hạn và cũng đạt đến kết quả vô cùng, đưa tới hư không.

Làm vô giới hạn, nhưng có giới hạn để chỉ cho Bồ tát hành sáu pháp Ba la mật giống như tiền thân của Đức Phật tu đạt được một pháp là cắt xương thịt mình bố thí. Chúng ta nghĩ rằng đó là việc làm không giới hạn, vì đã hy sinh cả mạng sống, hoàn thiện được sáu pháp Ba la mật. Tuy nhiên, còn phải làm việc bố thí như vậy để giáo hóa chúng sanh, làm cho người phát tâm, thì vẫn còn nằm trong phương tiện, có giới hạn.

Cao hơn nữa là pháp quán để giúp chúng ta nâng cao trí tuệ, thấy đúng như thật. Theo pháp quán thì người chịu nhẫn có thật hay không. Có thể khẳng định rằng người này không thật, hay ngũ uẩn giai Không, không có người bị hành hạ và cũng không có người hành hạ. Nếu có sự hành hạ và ta chịu đựng được, nghĩa là tự chấp có cái gì là ta; chấp sắc uẩn cho đến thức uẩn thì không đúng. Thật vậy, chơn tánh của ta và người hành hạ ta đồng một thể, làm sao hành hạ được. Khi ngũ uẩn bị hành hạ mà ngũ uẩn giai Không, không phải ta, thì ta đâu có bị hành hạ. Trên bước đường tu, quán được sắc thân không thật có, thì người xâm hại đến sắc thân, ta coi như không có.

Và sắc thân cảm thấy khổ, tức thọ uẩn cảm nhận. Bao giờ thân có thọ khổ, nhưng tâm không khổ là đã phá được thọ uẩn. Lúc ấy, tuy còn sống trên cuộc đời, sắc thân còn, nhưng sắc thân trở thành trong sáng hơn, không còn bị quấy nhiễu bởi cảm thọ vui buồn, vinh nhục. Phàm phu nặng nghiệp thì sắc thân họ chưa thọ khổ, tâm đã khổ. Thí dụ người bị án tử hình, tuy chưa bị giết, họ đã cảm nhận sự đau khổ của người bị giết.

Đối với Bồ tát, thân vật chất có bị tai nạn, tâm của các ngài vẫn an nhiên, không bị tác hại. Vì các ngài đã đạt được giải thoát Không, thấy ngũ uẩn không phải là họ. Còn kẹt ngũ uẩn, thì còn bị nó sai khiến, dù có tu pháp gì cũng vậy.

Bồ tát Hư Không Tạng đã quán các pháp như hư không là đã phá được ngũ ấm ma, sống với Pháp thân hay thân Kim cang. Tuy nhiên, đừng hiểu lầm thân Kim cang nằm ngoài ngũ uẩn. Đối với Bồ tát, thân ngũ uẩn là thân Kim cang. Ngài Huyền Giác ngộ đạo dạy rằng huyễn hóa thân tức Pháp thân. Bỏ ngũ uẩn thân cũng không có Kim cang thân. Nhưng tu hành, chúng ta sửa đổi bằng cách từng bước phá ngũ ấm ma, không thể đồng một lần mà phá hết được.

Phân chia con người thành năm nhóm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Và trong năm nhóm này, sắc uẩn dễ phá nhất bằng cách quán tứ đại trả về cho tứ đại, nên thân này không phải là ta.

Ta biết được toàn thân mình là nhờ hệ thần kinh và trong phần thần kinh tạo nên sự kiểm soát thì đệ lục ý thức là chủ. Ngày nay chúng ta hiểu được điều này khi thấy bác sĩ giải phẫu tay, chỉ cần gây tê dây thần kinh dẫn đến tay thôi. Nhờ vậy, người bệnh sẽ không biết đau, vì thần kinh tay ngưng báo về bộ não cái cảm giác đau.

Từ đó, chúng ta dễ hiểu rằng có hai phần sắc và tâm trong con người. Thần kinh là vi tế sắc. Trên bước đường tu, khi tách rời được sự tác động của thần kinh như các vị Tỳ kheo nhập diệt tận định, tập trung tư tưởng, sống với nội tâm, lìa sắc. Vì vậy, sự tác động đến thân không có, thì tai họ không nghe, mắt không thấy, thậm chí chết cũng không biết.

Họ đã phá được sắc uẩn hay vượt được sự chi phối của vật chất, thì phần còn lại là thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Duy Thức học gọi là căn, phân ra phù trần căn và tịnh sắc căn là vi tế vật chất. Phù trần căn, như mắt thấy vật. Khi mắt không còn nhìn thấy là phù trần căn không có, mà tánh thấy vẫn còn, đó là tịnh sắc căn.

Đức Phật dạy trước nhất phải phá ấm ma, phải thấy sắc uẩn cho đến thức uẩn là Không, chỉ là mộng tưởng. Thật vậy, khi con người bằng xương thịt của ta chết, nghĩa là sắc uẩn chết. Bốn uẩn còn lại là thọ, tưởng, hành, thức, không chết. Hay nói cách khác, phần sắc thô mất, nhưng phần sắc vi tế còn. Chúng ta tu, vượt được phần vật chất thô, vẫn tiếp xúc được với người chết là vì còn vật chất vi tế. Thí dụ như người mẹ chết ở nơi xa, người con vẫn thấy được việc ấy trong giấc mơ, vì người sống và người chết đã quan hệ với nhau qua thọ uẩn. Bốn uẩn còn lại thường được gọi là trung ấm thân.

Hoặc người ta tìm người chết dưới dạng lên đồng. Người lên đồng bị tác động vô hình, nên không còn biết thực tế; nghĩa là phần vật chất thô không còn tác động trở lại phần vật chất vi tế của họ. Điều này giúp họ thông được với người chết. Hai người tiếp xúc với nhau vì cả hai ở cùng một tần số. Tuy nhiên, phần vật chất vi tế này vẫn phá được, tà ma ngoại đạo chỉ tới được điểm đó. Tuy nó là siêu tự nhiên, nhưng chưa phải là cứu cánh của Phật giáo.

Và phá được sắc chất thô, chúng ta tu nâng lên, phá sắc chất vi tế là thọ, tưởng, hành, thức. Ở trong thế giới chư Thiên là vô sắc giới, chỉ có cảm thọ vui. Con người còn cảm thọ là ở Dục giới, có đủ vui buồn.

Khi thọ uẩn cũng bị tiêu diệt, chúng ta mất cảm thọ, chỉ còn tưởng, hành, thức. Và nếu phát huy về phần tưởng uẩn, chúng ta sẽ rớt qua Tứ Không Thiên. Lúc ấy, không có thân, nhưng trở thành có, là chúng ta sống với tưởng, hành, thức. Bấy giờ, đổi thân thành hư không, vì đã phá được thọ uẩn, nên thân chúng ta cũng bao la như hư không và hư không là ta. Hư không bao hàm vạn vật, nên sự hiểu biết của ta không còn hạn hẹp. Hư không sanh vạn vật, thì vạn vật cũng là ta. Đến đây chúng ta đã qua Không Vô Biên Xứ.

Hư Không Tạng Bồ tát cũng từ trong Không Vô Biên Xứ mà khởi tu, nên nhận biết hư không là ngài. Vì vậy, sở hữu của ngài trở thành Pháp giới thân, không còn hạn hẹp trong một thân vật chất cố định hữu hạn. Hư Không Tạng Bồ tát tu pháp quán này, đạt được quả vị chuyển hư không thành thân, mọi vật từ đó đều là thân của ngài. Từ sở đắc này, ngài giáo hóa chúng sanh, ban bố cho người ở nhiều phương diện. Ai có yêu cầu gì đều được ngài đáp ứng đầy đủ.

Với hư không thân, ngài quan sát vạn vật chuyển biến trong Pháp giới có mặt xấu và tốt. Đối với ngài, tất cả pháp hoàn toàn tự tại. Ngài muốn tốt thì nó tốt, muốn xấu nó xấu. Việc chuyển đổi theo ý Bồ tát, vì ngài đắc đạo, hay đạt được Như Lai thân.

Trong ngũ uẩn quan trọng nhất là Thức uẩn, nghĩa là sự hiểu biết, sự nhận thức phán đoán của chúng ta. Theo Duy Thức học, tu hành để chuyển thức thành trí. Thức và trí là một, nhưng thời gian chuyển đổi này có khoảng giữa mà các Thiền sư thường đạt được, gọi là trực giác. Từ "giác” là sự hiểu biết bằng suy nghĩ, đưa đến "giác” không cần suy nghĩ. "Thức” thì do suy nghiệm biết. Trực giác không suy nghiệm vẫn biết.

Hòa thượng Trí Tịnh cho biết những lúc ngài nói không suy nghĩ thường đúng nhiều hơn. Đó là trực giác do hạ thủ công phu, sống trong tĩnh lặng mà có. Có thể nói thiếu Thiền định thì thiếu trực giác. Học rộng nghe nhiều là do kinh nghiệm, không được giải thoát. Phật cũng học rộng biết nhiều, nhưng chỉ sử dụng nó như một phương tiện.

Phải phá được ngũ ấm ma, là phá được chấp thân uẩn. Không chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ta, thì thân chúng ta như hư không. Muốn nghe pháp này của Phật, phải sử dụng được hư không thân và từ hư không thân huân tu các pháp lành để có hư không tạng. Còn chúng ta sống với ngũ uẩn, chấp nó là ta, nên thân ta bị hạn cuộc trong ngũ uẩn. Kết quả là những gì huân tu đều đưa vô ngũ uẩn để cho chúng ta sự hiểu biết trong giới hạn của con người là sự hiểu biết bằng ý thức; chưa phải sự hiểu biết đúng như thật của Bạch tịnh thức, Bát Nhã trí.

Người tệ thì "Thức” cũng không có; họ phải nghe thấy, mới biết. Khá hơn, biết bằng suy niệm, nhưng cũng còn trong vòng thức uẩn. Tu hành phá "Thức” để chuyển ta thành hư không. Thấy ta là hư không, thì vẫn chấp ngã; nhưng chấp ngã này cũng còn rộng hơn.

Khi chấp thân là hư không, thì cả thân này là hư không, hay tất cả gì ở trong hư không đều là ta; nên ta có cảm giác đầy đủ về những thứ đó. Hành đạo Bồ tát, khi mở rộng thân bằng cách mở rộng tâm thức, thì các anh em có quyến thuộc, sẽ gặp những người đồng hạnh nguyện; họ suy nghĩ và làm giống ta. Ta coi họ là ta và họ ở trong Pháp giới, nên ta cũng theo đó hiện được Pháp thân.

Nếu thu hẹp tâm mình lại, là tự cô lập, chỉ còn một mình. Mở thân trùm khắp hư không, trực giác sanh ra cũng từ đây, thì mọi người và muôn sự muôn vật trong Pháp giới đều là ta. Vì vậy, những gì biến động trong hư không, chúng ta đều kiểm soát, biết được; đó là trực giác sanh ra. Tự mở rộng tri thức thì mới có được như vậy.

Hư Không Tạng Bồ tát hỏi pháp này. Phật trả lời rằng ông có thể nghiệm rồi, nên ông nói được; Phật không cần nói. Tuy nhiên, Bồ tát hỏi thì Phật giải thích về sáu pháp Ba la mật của Bồ tát.

Hành sáu pháp Ba la mật vô hành tướng mới thực là rốt ráo. Không thấy cứu chúng sanh, nhưng thực sự cứu tất cả và người cũng thấy mình cứu họ, là tu Bồ tát đạo. Các Thầy phải suy nghĩ ý này. Bồ tát chưa giúp, nhưng người nghĩ Bồ tát đã giúp, là biết Bồ tát đã từng cứu độ họ và đạt được Ba la mật.

Ở pháp hội này, Đức Phật giới thiệu Hư Không Tạng Bồ tát để chứng minh rằng Ngài đã giáo hóa vô số chúng sanh, nhưng không có người nào bị lệ thuộc. Vì Ngài không bắt buộc, sai bảo ai mà mọi người đều mang ơn giáo hóa của Ngài.

Đức Phật dạy trên bước đường tu, việc chính chúng ta phải làm là phá oán trừ ma, hay oán địch, làm sao cho người thân thiệnvới chúng ta. Tu Bồ tát đạo khác Thanh văn ở điểm đó. Ở giai đoạn tu Thanh văn đạo, chúng ta cách ly với cuộc đời, không bận tâm đến mọi người, mọi việc. Nhưng nay hành Bồ tát đạo phải thân thiện được với tất cả người. Muốn vậy, phải phá ma. Ma căn bản mà Phật dạy là ngũ ấm ma chỉ cho thân ngũ ấm củachúng ta. Tuy nhiên, cần hiểu rằng phá được sự chấp chặt vào ngũ ấm là phá được ma, không phải phá thân ngũ ấm; vì không có thân, lấy gì để tu hành đắc đạo. Phá tâm chấp trước vào thân này là ta và thân ngũ ấm chuyển thành thân phước đức trí tuệ của Như Lai.

Muốn phá ngũ ấm, các Thầy phải quán ngũ uẩn giai Không. Kế đến, phá phiền não ma, thiên ma, tử ma. Bồ tát tu hành phải phá trừ được tất cả ma này. Để phá phiền não ma, chúng ta phải quán phiền não tức Bồ đề hay sanh tử tức Niết bàn. Trên sanh diệt, nó là phiền não; nhưng trên chơn tánh, nó là Niết bàn. Người tu quán pháp, nhìn về mặt thanh tịnh tánh, thanh tịnh tâm thì phiền não mất hết; nên kinh thường ví bản tâm thanh tịnh là nước và phiền não là sóng. Tâm yên tĩnh như nước, không có phiền não; nhưng vì bị những thứ khác cám dỗ, kéo chúng ta vào sanh tử. Phiền não trần lao nhân đây nổi dậy. Tuy nhiên, chúng ta trở về sống với tánh thanh tịnh, phiền não trần lao không thể bộc khởi được. Thí dụ dễ hiểu là khi thấy người có tiền, mình nghĩ cách lấy tiền của người khác và đối phương cũng nghĩ như vậy; nên phiền não nổi dậy. Phật khuyên chúng ta trở về sống với bản tánh thanh tịnh, đừng cho phiền não khởi là phá được phiền não ma. Không động tâm, phiền não không thể có.

Hư Không Tạng Bồ tát hành đạo không chướng ngại vì phá được ngũ ấm ma cho đến thiên ma. Chuyển thân thành hư không thân, thì những huân tu vào thân tâm đều trở thành hư không tạng và dùng tạng này giáo hóa chúng sanh. Theo tinh thần này, Phật cho biết mỗi chân lông của Ngài phát xuất giáo hóa vô lượng chúng sanh, được vô lượng công đức.

Chúng ta đảnh lễ Đại Thế Chí Bồ tát với bài kệ:

Đảnh thượng bảo bình phóng hào quang,

Nhứt mao khổng nội hiện thập phang,

Cử túc chấn kinh chư quốc độ,

Phổ nhiếp tịnh nhân quy Lạc bang.

Nghĩa là Bồ tát Đại Thế Chí đứng yên ở Tây phương, nhưng chúng sanh trong Pháp giới đều quy y với ngài. Vì hào quang từ đỉnh đầu và từ mỗi sợi lông của ngài phóng ra mười phương, tiếp độ được những người có hạt nhân thanh tịnh trở về thế giới Cực lạc. Đó là một dạng khác của hư không.

Chúng ta trở lại với Hư Không Tạng Bồ tát. Sở dĩ ngài có tên này vì trong kiếp quá khứ xa xưa có Đức Phật Phổ Quang Minh Vương xuất thế. Trong nước ấy có Chuyển luân Thánh vương tên Công Đức Trang Nghiêm hóa sanh được hai vương tử là Sư Tử và Sư Tử Tiến. Hóa sanh chẳng bao lâu, hai vương tử này đã tìm đến Phật Phổ Quang Minh Vương để cúng dường và nghe pháp. Sau đó, hai vương tử này xin xuất gia làm Tỳ kheo.

Hai vương tử không tiếc của cải thế gian và bỏ cung vàng điện ngọc để đi tu, khiến cho vua cha phát nguyện suốt đời cúng dường Phật và Tăng. Từ đó về sau, chư Tăng nhận sự cúng dường của vua, không cần khất thực. Thánh vương này cúng Phật và Tăng đầy đủ các thứ cần dùng đến tám mươi bốn ngàn năm. Ông liền nghĩ rằng làm vua như ông mới tu được pháp bố thí. Nếu ông để hai người con làm Sa môn không có của cúng dường mà chỉ nhận sự cúng dường của người khác, thì làm sao hai con của ông có phước được. Và họ thọ hưởng của cúng dường hoài, hết phước thì sao. Vì thế, ông xin Phật cho hai con trở về để ông giao đền đài của báu cho họ làm việc bố thí thì họ mới có phước.

Đức Phật liền biết tâm niệm của vua như vậy, mới dạy rằng hai con của ông đã trải qua tám mươi bốn ngàn năm tu. Sư Tử Tiến đã đạt được tâm như hư không, nên phước đức của ông cũng như hư không. Phước đức ấy lớn gấp trăm ngàn lần phước đức của vua có. Chẳng lẽ bỏ cái lớn để cầu cái nhỏ hay sao.

Những của cải mà vua cúng dường tạo phước đức không bằng một phần triệu công đức của Sư Tử Tiến. Đối với người không tu, điều này khó hiểu hơn điều của vua nói. Làm việc và tích lũy của cải thì giàu có là điều dễ hiểu. Đi tu, không làm mà có công đức lớn hơn là điều khó tin.

Sự thật Đức Phật dạy rằng cúng dường suốt đời, nhưng phước có giới hạn và nợ cũng không thể tưởng. Chỉ đắc đạo là trang trải được mọi thứ. Thí dụ vay tiền để học, thi đỗ làm quan thì trả nợ được; còn mượn không trả được thì nợ vẫn còn đó.

Xuất gia tu đắc đạo, nợ gì cũng trả được. Không đắc đạo thì phải hoàn tục trả nợ, khổ vô cùng. Tôi đã thấy điều này, quay trở lại để trả nợ tất nhiên phải khổ, không thể khác. Đắc đạo thì công đức gấp trăm ngàn lần so với việc vua đã cúng dường tám mươi bốn ngàn năm. Điều này khó tin, phải nhờ Hư Không Tạng Bồ tát chứng minh điều Đức Phật Thích Ca nói là sự thật.

Hư Không Tạng Bồ tát bay lên hưkhông nhập Định thì ai cầu gì cũng được. Từ ý thức này mà trong đạo chúng ta có cầu nguyện. Cầu nguyện Phật, Ngài có công đức lớn lao như vậy, nên xin gì cũng được. Nhưng có người nói ngược lại là cầu gì cũng không được. Điều này cần xét lại việc tu hành của ta có đúng chánh pháp hay không.

Hư Không Tạng Bồ tát trở về với thân hư không, tạo thành lực dụng thần thông biến hóa, ai muốn gì ngài cũng cho. Hay nói cách khác, Phật dạy rằng tu đắc đạo thì trở thành vô giới hạn; không đắc đạo thì mọi việc đều có giới hạn.

Trở lại thực tế, chúng ta thấy các Hòa thượng, Ni trưởng thực tu có sở đắc, công đức của họ trở thành vô lượng. Người đời thường nói là của vua thua của Phật. Trong việc cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, Thành hội Phật giáo cứu trợ nhiều nhất. Tăng Ni đóng vai trò chủ yếu của việc này, họ là sức tập trung các Phật tử lại. Tăng Ni không có tài sản nhưng lại làm được việc lớn nhất mà người thế gian không làm được. Không thể dùng tâm hay con số tính toán được. Từ thực tế này, chúng ta nghiệm ra rằng lực của các vị Bồ tát, Như Lai thật vô cùng tận.

Và Đức Phật cho biết thêm là những người ở thời quá khứ xa xưa cũng chính là người thời nay, không ai xa lạ. Thật vậy, trong kiếp luân hồi, chúng ta đã từng gặp nhau. Sư Tử Tiến thuở xưa chính là Hư Không Tạng Bồ tát trong hiện tại. Thánh vương Công Đức Trang Nghiêm trong hiện tại đã từng cúng dường Phật và Tăng suốt tám mươi bốn ngàn năm sẽ chuyển thân đời sau thành Phật Câu Lưu Tôn.

Vua Công Đức Trang Nghiêm nhường ngôi cho con là Cát Tường vương. Ông này vẫn tiếp tục sự nghiệp của vua, cúng dường, bố thí, nay là Di Lặc Bồ tát. Và Sư Tử vương tử hiện thân là Thích Ca Như Lai.

Ý này để chỉ những việc làm quá khứ kết hợp thành quả báo hiện tại và hiện tại kết thành quả báo trong tương lai. Hành Bồ tát đạo phải trải qua nhiều đời như vậy. Chúng ta phải tạo điều kiện làm hạt nhân cho nhau phát triển để những kiếp kế tiếp luôn được tốt đẹp. Đó cũng là điều mà Đức Phật Thích Ca mượn Hư Không Tạng Bồ tát nói lên sự liên hệ mật thiết giữa mọi người đã có từ quá khứ và sự chuyên tâm tu hành sẽ tạo thành công đức lớn gấp trăm ngàn lần phước báu thế gian.

Ngoài ra, Phật dạy muốn hành Bồ tát đạo, phải phá bốn ma. Còn kẹt bốn ma, tất cả việc của chúng ta trở thành ma sự, hay ngũ ấm ma chỉ là phước báu nhơn thiên. Nghĩa là chúng ta cúng dường, bố thí được phước thật, lúc đó ta được người ca ngợi. Nhưng khi chúng ta nghèo đói, người sẽ xem thường và chúng ta đọa địa ngục.

Trước kia tôi nghĩ rằng hưởng hết phước Trời thì phải xuống làm người, sao lại đọa địa ngục. Về sau tôi nghiệm ra điều này đúng; vì họ chỉ tu phước nhân gian, nên phải lọt qua đường ma.

Ta bố thí, thường đối tượng là người nghèo đói, nên ta dễ động lòng thương họ. Nhưng thực tế cho thấy người cứu trợ dễ sân hận và khinh người. Vì ta cho một lúc thì cũng dễ khởi tâm ngã mạn, khi dể họ. Mới thì thương, nhưng lần lần hết thương. Tôi thấy rõ điều này. Có người xin hoài, đến lúc tôi nổi cáu là khởi sân si và xem thường họ. Làm như vậy thì hết phước, phải trả quả báo làm người ăn xin để nhận lại sự khi dể mà ta đã phát ra.

Hoặc họ bố thí dễ dàng lúc kiếm được tiền. Nhưng hết phước, tiền trở thành quan trọng đối với họ, lúc ấy họ lại quá tham lam, bỏn xẻn, là đã đọa kiếp sống ngạ quỷ. Họ hết phước, không cúng dường được và đến chùa không được nể trọng, các hội đoàn cũng xem thường họ; tất nhiên họ dễ bực tức.

Chúng ta còn kẹt sắc ấm hay vật chất, có bố thí cũng thường lọt qua thế giới ma là vậy. Hoặc khởi tâm tốt, thương giúp người là cũng còn kẹt vào thọ, tưởng, hành, thức, là tâm phân biệt.

Vì vậy, Phật dạy Bồ tát phá ngũ ấm mới hành bố thí, sẽ không còn khởi ý niệm ác xấu như trên. Mọi việc đều phải quán là ngũ uẩn giai Không, là giả tưởng, nên không buồn phiền. Bố thí chẳng qua là chúng ta nhận tay này, rồi trao tay kia. Ta không có gì, thậm chí không có cái ta; đó là bố thí theo Phật.

Phá được ngũ uẩn, chứng hư không thân mà bố thí, thì người được của bố thí, họ là ta. Ta nuôi họ là nuôi ta, vì họ là một phần của ta, vì hư không sanh ta. Đối với việc tu hành của ta, việc làm nhỏ nhặt này chỉ là làm cho Pháp giới, không phải làm cho ta. Toàn Pháp giới là ta. Làm đẹp cuộc đời là đẹp ta. Bồ tát siêng năng làm và quán niệm như vậy, vì đã phá được ngũ ấm ma.

Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhưng lòng chúng ta không yên, đau khổ, buồn bực, mọi thứ ràng buộc mình và phiền não nhân đây phát sanh. Muốn phá phiền não ma hay những buồn phiền trong lòng, những gì không thích hợp với thật tướng, ta điều chỉnh nó. Càng điều chỉnh, tâm hồn ta càng thăng hoa hơn thì mới thông được Pháp giới.

Tuy cùng hành Bồ tát đạo, nhưng khác nhau ở chỗ có người đi lên được, vì điều chỉnh được những tâm niệm và việc làm không tốt. Người không biết cách điều chỉnh, không đi lên được, tất nhiên phải đi xuống, không thể khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét