Giác Ngộ - Tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng, đạo Phật có những tinh thần rất riêng mà một người đồng tính có thể nương tựa vào đó, quán chiếu và vượt qua những mặc cảm trong cuộc sống để tìm được những niềm vui an lạc.
Tinh thần bình đẳng là một tinh thần nổi bật của đạo Phật. Phật dạy rằng, “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật”. Điều đó nghĩa là, giáo pháp của Như Lai mở rộng cửa với tất cả mọi người, không phân biệt địa vị, tầng lớp, giai cấp trong xã hội, không từ chối bất kì một ai.
Nơi Kinh Pháp Cú, Đức Phật có nói: “Không gì có thể phân biệt đẳng cấp giữa chúng ta, khi máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Câu nói này đánh bật tất cả những xiềng xích định kiến trên thế giới về địa vị, tầng lớp và giai cấp trong xã hội. Tất cả mọi người đều như nhau, đều biết yêu cuộc sống và đều cảm nhận được sự khổ.
Câu nói này không dành riêng cho người đồng tính, nhưng tất cả những người đồng tính, ở một khía cạnh nào đó cũng bị “phân biệt giai cấp” như những con người ở dưới đáy xã hội kia, có thể nương vào đó để xây dựng một tinh thần bình đẳng ngay chính trong tâm hồn mình. Hiểu được tinh thần bình đẳng của Phật giáo, cũng như xây dựng cho mình một “tâm hồn bình đẳng” sẽ giúp cho người đồng tính không mặc cảm, tự ti về giới tính của mình trước những người khác.
Tinh thần trí tuệ cũng là một tinh thần mà người đồng tính cần xây dựng trên tinh thần đạo Phật. Dưới cái nhìn của đạo Phật, nghiệp quyết định và chi phối tất cả những sự việc trên thế gian này. Chư Phật, chư Bồ tát thành Phật, hóa độ chúng sinh ở thế gian này cũng không nằm ngoài luật Nhân quả. Một người khổ đau hay vui sướng cũng không nằm ngoài luật Nhân quả.
Người đồng tính, cũng như tất cả những người con Phật, cần có một niềm tin xác thực vào lời Phật dạy: “Nhân - Duyên - Nghiệp - Báo tơ hào không sai”. Nhân quả luôn công bằng. Người chủ ghi nợ có thể nhầm chứ Nhân quả thì không bao giờ nhầm. Đạo Phật có nhắc đến hay không nhắc đến luật Nhân quả thì điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự công bằng của nó. Vậy nên, anh là Phật tử hay không phải Phật tử, anh cũng vẫn chịu sự chi phối của luật Nhân quả.
Hiểu được tinh thần trí tuệ này của đạo Phật, người đồng tính sẽ không còn mê mờ khi nghĩ rằng, đồng tính là một sự sắp đắt của ông trời hay một bậc thánh thần nào đó “giáng họa” xuống đầu họ.
Đồng tính là một biệt nghiệp. Tất cả đều có thể xảy ra với luật Nhân quả. Bằng lăng kính Nhân quả của Phật giáo, bạn - một người đồng tính - có thể xây dựng cho mình một tinh thần trí tuệ đủ vững vàng để “kết bạn” với biệt nghiệp đồng tính, thì những lời chê bai, dị nghị, xem thường kia có khác gì gió thoảng qua tai, đâu có đáng để bận tâm?
Tinh thần lạc quan trong đạo Phật cũng là điều mà người đồng tính cần phải noi theo. Thật sai lầm khi nói rằng, đạo Phật nhìn cuộc đời chỉ toàn thấy khổ đau và bi ai. Lăng kính của Phật giáo không hề bi quan như vậy. Bài Pháp đầu tiên Phật nói cho năm anh em ngài Kiều Trần Như, đó là “Khổ và cách thoát Khổ” (Tứ Diệu Đế).
Trong suốt cuộc đời thuyết Pháp, những gì Ngài nói cũng không nằm ngoài vấn đề này. Khổ là thực tế, cách thoát Khổ chính là sự lạc quan. Vì cái khổ trong đạo Phật không phải là cái khổ của một thượng đế tối cao thưởng phạt chúng ta, không phải là cái khổ cam chịu, không phải là cái khổ không thể thay đổi được. Phật giáo nói đến cái khổ do chính ta tạo ra từ nghiệp quả trong quá khứ, cái khổ có thể thay đổi được và cái khổ “biết đủ thường vui”.
Người đồng tính khi đã hiểu được tinh thần trí tuệ với giáo lý Nhân duyên - Quả báo của đạo Phật, sẽ dễ dàng xây dựng được một tinh thần lạc quan trong cuộc sống hàng ngày để vượt qua những mặc cảm, tự ti vốn có.
Muốn được xã hội chấp nhận, người đồng tính phải biết chấp nhận chính mình. Chấp nhận, không phải mang ý nghĩa của một sự cam chịu mà chấp nhận bằng tinh thần bình đẳng, trí tuệ và lạc quan của đạo Phật. Chấp nhận để thay đổi cái nhìn của người khác, để sống tốt, sống đẹp và sống ý nghĩa.
Mạnh Đức (Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét