Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

CHÍN PHƯƠNG TRỜI, MƯỜI PHƯƠNG PHẬT



TẠI SAO GỌI LÀ CHÍN PHƯƠNG TRỜI, MƯỜI PHƯƠNG PHẬT


Đối với mỗi người Việt chúng ta, khi đi vào Chùa, Đền, Phủ, Miếu để lễ bái. Câu đầu tiên chúng ta thường kêu là con lạy:” Chín phương Trời, mười phương Phật”. Là một câu kêu khấn rất thông dụng nhưng cũng ít người hiểu về nó một cách cặn kẽ. Trong bài viết này, chúng ta cùng đi tìm hiểu về câu khấn đó.

Để giải thích về vấn đề trên có rất nhiều quan điểm khác nhau, mỗi một tôn giáo có một cách giải thích khác nhau. Khi các tôn giáo đi mỗi quốc gia dân tộc, nó hòa chung vào dòng chảy của quốc gia dân tộc lại có những cách hiểu và quan niệm khác nhau.


Chín phương Trời:

Theo quan niệm của dân gian Việt Nam thì Chín phương trời ứng với 9 hướng đó là: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc và Trung ương. Nghĩa là khi nói đến Chín phương Trời nghĩa là một không gian bao la rộng lớn, bao trùm cả vũ trụ

Theo cuốn Lã Thị Xuân Thu (còn gọi là Lã Lãm) – đây là một bộ sách do Lã Bất Vi – một thừa tướng nhà Tần cùng các môn khách soạn ra. Bộ sách được đánh giá là một bộ sách quí gồm có 12 kỷ, 8 lãm, 6 luận và hơn 20 vạn chữ. Nội dung phong phú, cho là đủ hết những việc trời – đất, muôn vật, xưa – nay. Tại chương Hữu thủy lãm đã chia Trời thành 9 phương như sau:
Ở trung ương gọi là Quân Thiên
Phương Đông là Thương Thiên
Phương Đông Bắc là Biến Thiên
Phương Bắc là Huyền Thiên
Phương Tây Bắc là U Thiên
Phương Tây là Hạo Thiên
Phương Tây Nam là Chu Thiên
Phương Nam là Viêm Thiên
Phương Đông Nam là Dương Thiên

Theo sách Thái Huyền Kinh của tác giả Dương Hùng – là người Thành Đô, Thục quận thời Tây Hán, Đây là một cuốn sách nói về Kinh Dịch. Thì tác giả liệt kê ra Chín phương trời ứng với Cửu thiên đó là:
Trung Thiên (Trung: ở giữa);
Tiện Thiên (tiện: dư thừa);
Đồ Thiên (đồ: không có);
Phạt Canh Thiên (phạt: hình phạt; canh: thay đổi);
Tối Thiên (tối: trọn một năm);
Quách Thiên (quách: tường thành bọc phía ngoài);
Hàm Thiên (hàm: bao gồm tất cả);
Trị Thiên (trị: sửa sang, cai trị);
Thành Thiên (thành: thành tựu, làm xong).

Cũng có một số quan điểm cho rằng Chín phương Trời ứng với chin tầng Trời (Cửu Thiên). Rồi cũng có học thuyết liệt kê ra Cửu thiên cụ thể như sau:
Uất Thiền Vô Lượng Thiên
Thượng Thượng Thiền Thiện Vô Lượng Thọ Thiên
Phạn Giám Tu Diên Thiên
Tịch Nhiên Đâu Suất Thiên
Ba La Ni Mật Bất Kiêu Lạc Thiên
Động Huyền Hóa Ứng Thinh Thiên
Linh Hóa Phạn Phụ Thiên
Cao Hư Thanh Minh Thiên
Vô Tưởng Vô Kết Vô Ái Thiên .



Mười phương Phật

Cũng có rất nhiều cách hiểu và cách giải thích khác nhau.

Trong 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà (kinh A Di Đà) có nhắc đến ở đại nguyện thứ 17 của Ngài:

“Giả sử khi tôi thành Phật, mười phương vô lượng chư Phật chẳng đều ngợi khen xưng tụng danh hiệu của tôi thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác “. Như vậy cũng xuất hiện mười phương chư Phật nhưng cũng không được giải thích cụ thể là những phương nào

Còn theo cách hiểu của dân gian thì cho rằng thập phương không phải là mười phương mà hàm nghĩa tất cả mọi nơi. Nói mười phương Phật hay thập phương chư Phật tức là chỗ nào cũng có Phật; Phật có ở khắp nơi.

Một câu kêu khấn thông dụng như vậy nhưng rõ rang có rất nhiều cách hiểu và diễn giải khác nhau. Quan điểm của tôi cho rằng dù hiểu theo cách nào di chăng nữa thì nó nội hàm rằng các vị Phật, Thánh, Thần hiện hữu ở khắp mọi nơi bao trùm lên cả không gian vũ trụ. Do đó nó không thể có khái niệm về không gian. Và Phật, Thánh, Thần luôn luôn ở trong Tâm của ta thì các vị sẽ phù hộ độ trì cho chúng ta mỗi khi cầu khấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét