Thứ Năm, 6 tháng 7, 2023

BÀ CHÚA XỨ CHÂU ĐỐC




BÀ CHÚA XỨ


Bà Chúa Xứ (婆主處), Chúa Xứ Thánh Mẫu (主處聖母), hoặc Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung (婆主處原絨) là một nữ thần phồn thịnh được thờ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bà tượng trưng cho nghề nghiệp, sức khỏe, và là người bảo vệ biên cương nước Việt. Bà được thờ tại làng Vĩnh Tế dưới chân núi Sam, tỉnh An Giang.



Thần tích :

🔔Thần tích 1

Xưa kia lúc cõi phương Nam còn hoang vu, vùng Thuỷ Chân Lạp thường có quân Xiêm sang quấy nhiễu. Họ bắt gặp một pho tượng thần trên đỉnh núi Sam rồi định bụng sẽ mang về mẫu quốc nhưng nào ngờ bức tượng quá nặng, họ đành bỏ lại đó.

Có một giai thoại kể lại rằng, có khoảng mấy chục tên giặc Xiêm rượt đuổi người dân theo lên núi thấy pho tượng của bà to, đẹp, bọn chúng muốn mang tượng bà về nước. Khi họ dùng dây thừng và cây đòn xỏ qua pho tượng để khiêng về, dù là mấy chục binh lính tráng sĩ khiêng nhưng chỉ đi được vài bước thì pho tượng nặng trịch, không thể đi được nữa. Tên tướng cầm đầu tức giận quá lấy binh khí ra đập bể một cánh tay của bà. Và lập tức, bà trừng phạt tên này chết ngay tại chỗ, những tên còn lại hoảng loạn bỏ chạy. Từ đó quân Xiêm kính sợ, không dám sách nhiễu dân làng ở vùng đó nữa. Dân làng cũng từ đấy tôn kính gọi Bà là Bà Chúa Xứ. Bởi vậy mà ngày nay, chính điện của miếu Bà chúng ta sẽ thấy câu đối:

  • 求必應,施必靈,夢中指示,Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị,

  • 暹可輕,清可慕,意外難量。Xiêm khả kinh, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lượng.

Dịch:

Cầu bà tất được, ban thì tất linh, báo điềm trong mộng,

Người Xiêm khiếp sợ, người Thanh kính nể, không thể tưởng tượng được.

Lần khác, một tên trộm ăn gan hùm đã lên Vô Miếu ăn cắp sợi dây chuyền đeo trên cổ Bà, Bà hiển linh vật cho lọi tay, hành tội trồng cây chuối mà đi. Người dân xứ Châu Đốc kể rằng tượng Bà ngày một lớn dần. Trước kia tượng quay mặt nhìn thẳng ra cổng, do nhiều chúng dân vô ý đi ngang mà không thèm xá chào Bà, Bà về ngự đồng cho lệnh quay tượng nhìn vào trong , từ đó mà tượng Bà mới quay lưng về phía cổng như ngày nay.

Người miền Nam ai cũng biết Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung vô cùng linh thiêng, thường cứu người bệnh khổ, ban bố tài lộc. Ngày nay Vía Bà chính là ngày lành năm xưa mà Châu Thị Tế làm lễ tạ Bà. Vào ngày này người ta cho chín cô gái rước kiệu từ nơi bà ngự trên núi Sam về tới Miếu, thỉnh bài vị của Thoại Ngọc Hầu cùng phu nhân về bên Bà, các nghệ sĩ dâng tuồng cải lương hát bội, dân chúng các nơi đổ về cúng Bà.

🔔Thần tích 2

Sau khi nhà Nguyễn thành lập, người Việt di cư về phía Nam sinh sống. Đất Bảy Núi rất ư linh thiêng, những người lên non khai phá gặp được pho tượng thần. Dân ta biết đây là điềm lành, quyết định làm lễ rước thần về bản làng để phụng thờ. Nào ngờ ngày làm lễ rước tượng thì bức tượng nặng như cả một ngọn núi, bao nhiêu thanh niên trai tráng cũng không khiêng nổi.

Bà chứng tri nhập đồng vào một cô bóng:

"Ta đây là Bà chúa xứ này, bổn hiệu là Nguyên Nhung, các ngươi có lòng tín tâm muốn cung thỉnh ta thì phải có chín thiếu nữ đồng trinh khiêng tượng."

Y theo lời Lệnh Bà phong cho, ngày lành tháng tốt chọn ra chín cô gái thân còn trinh bạch lên núi rước Bà. Quả thực linh liêng, chính cô gái khiêng được tượng Bà mang về chân núi Sam thì tương trì xuống không khiêng lên được nữa.

Các lão làng biết đây là ý Lệnh Bà muốn ngự tại nơi này nên y theo hướng Bà nhìn mà xây cửa điện, đúng theo chỗ Bà ngồi mà dựng cùng thờ.

Tượng bà trong tư thế ngồi, chân trái của tượng xếp bằng tròn, mũi bàn chân giáp với chân phải; chân phải để gập, co gối, chống thằng bàn chân xuống mặt bệ đá. Tay trái của tượng ở tư thế chống nạnh, bàn tay xoải xuống mặt bệ đá, phía sau đùi trái. Tay phải tượng thả tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối phải. Đến thời vua Minh Mạng, lúc này Thoại Ngọc Hầu làm thủ trấn Vĩnh Thanh, quân Miên ở biên giới quấy rối liên miên, đích thân ông phải cầm quân dẹp loạn. Thoại Ngọc Hầu phu nhân Châu Thị Tể tới xin Bà ban ơn phù hộ cho phu quân được qua khỏi nạn tai, sớm ngày trở về. Trong cuộc chiến lần đó, Bà nhiều lần che chở cho quân nhà Nguyễn, Thoại Ngọc Hầu toàn thắng.

Để tạ ơn Chúa Xứ Thánh Mẫu, bà Châu Thị Tế đã cho xây dựng miếu bà rộng lớn khang trang, mở đại lễ cúng kính linh đình suốt mấy ngày tháng tư âm lịch. Cũng chính nhờ Lệnh Bà phù hộ mà Thoại Ngọc Hầu đã cho đào con kênh Vĩnh Tế thành công, dân Lục Tỉnh nhờ mà ăn nên làm ra, an cư lạc nghiệp.


Ly kỳ việc di chuyển tượng Bà xuống núi

Miếu Bà Chúa Xứ hiện tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang nhưng tượng bà Chúa Xứ trước đây nằm trên đỉnh núi. Sau này, người dân mới cung thỉnh bà xuống chân núi tiện việc nhang khói, chăm sóc tượng bà. Việc di chuyển tượng bà xuống núi cũng có những câu chuyện ly kỳ không thể lý giải được.

Trước đây, khi chưa được xây miếu thì người Việt mình lên núi vô tình nhìn thấy pho tượng bỏ quên từ lâu. Người dân ta không biết đó là vị thần, vị thánh hay tín ngưỡng nào hết chỉ là theo phong tục có thờ có thiêng nên đã đặt lư hương để nhang khói tín ngưỡng tâm linh. Nhưng điều đặc biệt là bà chúa Xứ lúc đó rất linh hiển, khiến cho người dân đặc biệt tin tưởng, sùng bái bà.

Với mong muốn được thờ cúng Bà được thuận tiện và trang nghiêm hơn, các bậc cao niên trong làng thời đó đã hội họp bàn bạc đưa tượng Bà xuống núi dựng miếu thờ Bà. Chín thanh niên trai tráng, lực lưỡng được giao nhiệm vụ khiêng tượng bà xuống núi. Nhưng kỳ lạ là dù làm thế nào thì tượng bà cũng không hề nhúc nhíc. Đúng lúc đó, có một cô gái được Bà nhập xác báo mộng phải cử chín cô gái đồng trinh, tắm gội sạch sẽ lên làm lễ rước Bà xuống. Điều kỳ tích xảy ra sau khi làm theo thì chín cô gái đã khiêng tượng Bà xuống một cách nhẹ nhàng.

Khi rước tượng Bà đến chỗ lập miếu thờ bà bây giờ, bỗng nhiên tượng Bà nặng trĩu không thể đi tiếp được nữa. Các bậc trưởng lão mới khẳng định rằng, bà đã chọn nơi này nên đã đặt tượng bà xuống tựa lưng vào vách núi, nhìn ra ngoài cánh đồng, nơi dân làng sinh sống để lập miếu.


NGHI THỨC LỄ CÚNG

  • Lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, trong đó ngày vía chính là ngày 25. Các lễ chính gồm:
  • Lễ "tắm Bà" được cử hành vào lúc 0 giờ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch.
  • Lễ "thỉnh sắc" tức rước sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ Sơn lăng về miếu bà, được cử hành lúc 15 giờ chiều ngày 24.
  • Lễ túc yết và Lễ xây chầu: Lễ "túc yết" là lễ dâng lễ vật (lễ vật chính là con heo trắng) và tiến hành nghi thức cúng Bà, lúc 0 giờ khuya đêm 25 rạng 26. Ngay sau đó, là "Lễ xây chầu" mở đầu cho việc hát bộ (còn gọi là hát bội hay hát tuồng).
  • Lễ chánh tế được cử hành vào 4 giờ sáng ngày 27.
  • Lễ hồi sắc được cử hành lúc 16 giờ chiều cùng ngày, ngay sau khi Lễ chánh tế kết thúc. Đây là lễ đem sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân về lại Sơn lăng.

Theo tín ngưỡng của người dân, nơi đây vẫn còn có những tục như xin xăm Bà, vay tiền Bà, thỉnh lộc Bà...


Ý nghĩa việc thờ cúng


Bà Chúa Xứ, dạng đạo Lão dân gian, thu hút bá tánh nhiều nhất Nam Bộ. Cất bên chùa Tây An đời Tự Đức và đến cuối thế kỷ 19, miễu hãy còn khiêm tốn, khách hành hương chỉ là người phụ cận mà thôi. Miễu phát triển về sau, qua thời gian Lăng Thoại Ngọc Hầu được trùng tu, rồi lập miếu thờ trang nghiêm như đình làng, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của con người khi quá đau khổ, bế tắc. Miễu bà Chúa Xứ được nâng cấp, thay cho miễu sơ sài... Đây là dạng tu tiên, một dạng như: Tây Vương Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, hoặc Liễu Hạnh công chúa... nên việc thờ phượng, cúng vái để "tự nhiên", khách có thể ăn mặc lòe loẹt, trai gái đùa giỡn, cúng rượu thịt... Vị trí miễu Bà bên núi Sam hội đủ: Sông rộng, đồi núi trập trùng, vùng biên giới... Người hành hương cảm thấy được thỏa mãn về tâm thần, hòa mình vào"sơn hà xã tắc", "khí thiêng sông núi".

Theo bước đường Nam tiến của dân tộc Việt, chúa Liễu đã từ Phủ Giầy (Nam Định), Đền Sòng (Thanh Hóa) đi về phương Nam, tạm dừng ở điện Hòn Chén (Huế) và gặp bà Pô Nưgar tại Nha Trang, gặp bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu) ở Tây Ninh và bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc... Tất cả các bà đều là một Mẹ duy nhất trong tâm thức của tín ngưỡng và tập tục thờ mẫu của người Việt...

Do ảnh hưởng Phật giáo, Lão giáo cùng với các tín ngưỡng đồng bóng của dân gian mà các vị thần được thờ chủ yếu là nữ, như: Thánh mẫu Liễu Hạnh, Thượng Ngàn, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, Bà Cố Hỷ, Bà Thủy, Bà Hỏa...Và Bà Chúa Xứ trở thành một dạng như "Phật Bà Quan Âm" (đối với người Việt), "Bà Mã Hậu" hay "Thiên Hậu Nương Nương" (đối với người Hoa). Bà được tin tưởng đến độ có rất nhiều huyền thoại về "quyền lực linh thiêng" của Bà trong việc "ban phúc, giáng họa" cho con người. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét