Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Đức Hồng Quân Lão Tổ






Đức Hồng Quân Lão Tổ

ĐỨC HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ theo quan niệm của ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ




Để tìm hiểu Đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ có tự bao giờ, Ngài là ai, và có sứ nhiệm gì với Mối Đạo Trời, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua Kinh sách, Thánh giáo, Điển tích, Đạo ngôn truyền khẩu, v.v… , mà các Tài liệu Đạo sử đó cũng chính là vị Chơn sư dẫn dắt, giáo dục mọi tín hữu đạo Cao-Đài chúng ta trên bước đường hành đạo tìm về cội nguồn vũ trụ, tìm về đấng Tạo-Hóa Hư-Linh tịnh diệu.

Muốn tìm hiểu về Đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ, theo Nho-giáo, chúng ta hãy bắt đầu từ câu : ĐẠO là “VÔ-CỰC NHI THÁI-CỰC”. Vậy quá trình từ Vô-Cực đến Thái-Cực như thế nào ? Với tri thức còn kém cõi, kiến thức lại nhiều hạn chế, nhưng ngu đệ cố gắng viết theo sự hiểu biết non nớt của mình, kính xin các bậc cao minh, trưởng bối chỉ giáo cho ngu đệ ngày càng tiến bộ hơn. Đó thật là một điều hồng phúc vậy.

Trước khi có Trời Đất, thì trong khoảng không gian vô cùng to lớn, không có gì to lớn cho bằng, và cũng không biết có từ lúc nào, có lẽ hằng triệu tỷ năm. Khoảng không gian vĩ đại ấy không thể đo đạc được và khoảng thời gian bao lâu ấy cũng không thể đo lường được, bên trong đã sẵn có một chất khí Hồng-Mông hỗn độn, mờ mịt ảm đạm, lặng lẽ im lìm, thanh trược hổn hợp, ở giữa là một chất khí Huyền-Thạch; đặc biệt bao quanh vòng chu vi không mối ấy là một đường viền Kim-Quang Hư-Linh-Khí, nên gọi là VÔ-CỰC (O) hay VÔ-CỰC-ĐỒ, còn có tên gọi khác là : HƯ-VÔ CHI KHÍ, … mà chúng ta không thể nào thấy biết được.

Như vậy, chúng ta hãy cùng nhau tâm nguyện để có được linh cảm mà tạm phân HƯ-VÔ CHI KHÍ hay VÔ-CỰC đó tàng chứa các loại khí, như sau :

- KIM-QUANG HƯ-LINH KHÍ : tức là KHÍ THÁI-HƯ, hay khí Thái-Diệt là cái hơi rất thay đổi.

- HỒNG-MÔNG CHI KHÍ: là KHÍ HẠO-NHIÊN, khí Hồn-Lộn, hay khí Thái-Sơ là cái hơi rất mới sơ khởi ban đầu.

- HUYỀN-THẠCH CHI KHÍ: tức là KHÍ TIÊN-THIÊN, hay khí Thái-Thỉ là cái hơi bóng rất mới có đầu tiên hết.

Và sau đó tiến trình ấy vẫn tiếp tục thay đổi, khí Thái-Thỉ này bắt đầu có được khí chất và tánh chất (có mùi và có màu) thì gọi là khí Thái-Tố (nghĩa là cái hơi rất trắng), còn gọi là khí HOÀNG-CỰC.

VÔ-CỰC hay HƯ-VÔ CHI KHÍ đã trải qua bốn lớp thay đổi : từ THÁI-DIỆT (Kim-Quang Hư-Linh khí), THÁI-SƠ (Hồng-Mông chi khí), THÁI-THỈ (Huyền-Thạch chi khí) đến THÁI-TỐ (Hoàng-Cực chi khí) thì đã đủ LÝ (Nguyên-lý Thiên-Nhiên chính là Vô-Cực), KHÍ (Nguyên khí Tự-Nhiên là 3 loại khí ban đầu = hồng, huyền, kim (thái) sẵn có trong Vô-Cực) và HÌNH (có : thể và chất nhưng còn hỗn độn chưa xác định loại hình cụ thể, tức Hoàng-Cực chi khí vậy).

Nhờ hội đủ ba chất Khí : Kim-Quang, Hồng-Mông, Huyền-Thạch và cũng đã đến lúc VÔ-CỰC ĐỊNH PHÂN. Chừng đúng ngày giờ, Khối ấy có sức phản động liên tiếp đun đẩy mảnh liệt do bởi khí Dương (khí Huyền) ẩn trú trong VÔ-CỰC quá nóng nên tương khắc với khí Âm (khí Hồng) lại quá lạnh nên nổ tung ra một tiếng vang dữ dội (big-pang) tạo thành một khối tổng hợp quang minh lăn lộn quay quần giữa không trung, bắn tủa hào quang chiếu diệu sáng ngời trùng trùng điệp điệp, rực rỡ chói lòa khắp mọi nơi. Khi hết khắc xuất thì phải đến lúc sinh nhập, nhanh chóng ổn định và tạo nên : “THIÊN-ĐỊA ĐỊNH VỊ”, tức là lúc bấy giờ lằn Kim-Quang Hư-Linh khí (hay LÃO-MẪU xuất Kim-Quang-Điển, hay Khối Điện Nguyên Sinh) đã xẹt băng qua Vòng VÔ-CỰC hình giống như chữ S hay “Con rắn điển” chun vào giữa chánh trung phân Âm Dương riêng biệt ngay từ thuở ban đầu. Khí Huyền thăng lên trên, khí Hồng trầm xuống dưới, và lằn khí Kim trung dung (Kim-Quang Hư-Iinh khí) hườn lại thành một khối ĐẠI-LINH-QUANG tự trấn giữa là ngôi THÁI-CỰC, và đã phân đôi Vòng VÔ-CỰC ( O ), hai mà là ba ngôi :

1. Khí thanh của Ngôi trên là TRỜI, động, sắc đen, bay bổng lên làm ngôi CÀN, Càn vi THIÊN (khí khinh thanh thượng phù giả vi Thiên), tức là NHỨT DƯƠNG CHI KHÍ, chính là : đức “HUYỀN-THIÊN THƯỢNG-ĐẾ”.

2. Khí trược của Ngôi dưới là ĐẤT, tịnh, sắc đỏ, nặng nề lắng xuống làm ngôi KHÔN, Khôn vi ĐỊA (khí trọng trược ngưng giáng giả vi Địa), tức là NHỨT ÂM CHI KHÍ chính là : đức “HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ”

3. Còn lằn Kim-Quang Hư-Linh khí ở trung gian bị hai khí sắc của đen và đỏ lam qua biến thành sắc vàng (Thái) thống hợp Cơ Động-Tịnh chuyển hóa ra ánh sáng đại quang minh, gọi là : “THÁI-CỰC THÁNH-HOÀNG” hay HOÀNG-CỰC CHỦ-NHƠN-ÔNG đứng ra làm Chủ Tể Càn-Khôn Thế Giới, còn gọi là đấng SÁNG-LẬP TẠO-HÓA, là ĐẠI-LINH-QUANG hay ĐẠI-HỒN của Vũ-Trụ, chính là đức NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ĐẾ, mà trong ĐẠO xưng tụng là THÁI-NHỨT ĐẠI-THIÊN-TÔN.

* Như vậy, THÁI-CỰC-ĐỒ (Khai-Thiên Tịch-Địa Đồ) gồm có ba đấng : HUYỀN-THIÊN THƯỢNG-ĐẾ, HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ và THÁI-CỰC THÁNH-HOÀNG : chính là THƯỢNG-ĐẾ BA NGÔI. Ba mà lại là một. Sách có câu : “ Hồng-Quân đào vạn loại, Địa khối bẩm quần sanh”, nghĩa là Trời nhào nặn ra muôn vật, Đất nuôi sống chúng sanh. Thật vậy, ĐỨC HỒNG-QUÂN THƯỢNG-TỔ cũng là ĐẤNG HUYỀN-THIÊN THƯỢNG-ĐẾ, mà cũng chính là ĐẤNG THÁI-CỰC THÁNH-HOÀNG, là NGÔI TUYỆT-ĐỐI.

Xin trích một đoạn Thánh giáo chứng minh đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ có trước khi khai Thiên lập Địa, và quản quyền trên cả TAM GIÁO TỔ SƯ, TAM-TRẤN OAI NGHIÊM được thể hiện, như sau:

Thi
“THẦN TIÊN hội lại, luận chương trình (thăng),
VIỄN-TRẤN THẦN-OAI đến chứng minh (thăng),
NAM-HẢI QUAN-ÂM tùng thính lịnh (thăng);
GIÁO-TÔNG THÁI-BẠCH, ngã KIM TINH.
TAM TRẤN mừng chung Thiên mạng, khá thành tâm cung nghinh TAM GIÁO lâm cơ chứng đàn. (thăng) !
Thi
THÍCH-CA PHẬT-TỔ giáng trần gian (thăng),
THÁI-THƯỢNG LÃO QUÂN đến chứng đàn (thăng),
KHỔNG-THÁNH NHO TÔNG ra chuyển thế (thăng);
Ban ân đồ đệ tiếp THIÊN-HOÀNG (thăng).
Thi
HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ hóa phân Trời (thăng),
KIM-MẪU DIÊU-TRÌ chứng kiến nơi (thăng),
CHA CẢ linh hồn, Thầy NGỌC ĐẾ;
Ban ân lớn, nhỏ khá nghe lời. v.v… (thăng).
* * * Để hiểu biết ĐẠO là gì, và do ai làm chủ ? Chúng ta hãy nghe lời dạy của đức NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ĐẾ, như sau :

ĐẠO là gì ? ĐẠO LÀ HƯ-VÔ CHI KHÍ, Đạo rất nhiệm mầu sâu kín cao siêu. Trước khi có Trời Đất đã có Đạo. Vậy Đạo đã tạo dựng nên Càn Khôn Võ Trụ, hóa sanh vạn vật muôn loài. Muôn loài vạn vật phải thọ bẩm khí Hư-Vô mà sanh hóa mãi mãi.

Đạo ấy do ai làm chủ ? HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ làm chủ nó, vì đã chuyển pháp luân mà sản tạo muôn loài. Đạo sanh Trời Đất, Trời Đất cũng phải dưới quyền lẽ Đạo. Đạo bền vững hoài, không bao giờ hư hoại được. Các con không nên giờ khắc nào xa nó; còn nó thì sống, xa nó thì chết. Các con nghe : …

Kinh Dịch có câu : “Âm-Dương diệt vận giả, Khí dả. Kỳ Lý tắc sở vị Đạo”. Nghĩa là : Âm-Dương luân chuyển với nhau thì gọi là KHÍ. Còn LÝ hay NGUYÊN NHÂN của nó thì gọi là ĐẠO.

Như vậy, quá trình từ THÁI-CỰC trở về trước thì gọi là LÝ; còn Khí Thái-Cực khởi động tịnh sanh Âm-Dương về sau thì gọi là KHÍ. Cho nên người xưa gọi LÝ Thái-Cực là chỉ thời trước; còn KHÍ Thái-Cực thì chỉ thời sau.

Đến lúc có KHÍ rồi, LÝ Thái-Cực vẫn ở trong KHÍ mà không biến đổi, tức là LÝ * KHÍ hỗn hiệp cùng nhau. Từ đó mà LÝ luôn ở trong KHÍ, còn KHÍ không bao giờ rời xa LÝ.

ĐẠO ở trong chỗ không không (VÔ-CỰC), mà phát sanh ra một khí (THÁI-CỰC), tức là Khí sanh ra Âm Dương; Âm Dương hiệp lại nhau thành một thể thứ ba cũng từ một Khí; rồi cái thể thứ ba này cứ sanh hiệp như vậy mãi mà thành ra muôn vật. Trong Đạo-Đức kinh có câu : “Đạo sanh nhứt, nhứt sanh nhị, nhị sanh tam, tam sanh vạn vật”.

Và Nho-giáo cũng dạy : Đạo là chơn không mà diệu hữu, có nghĩa là Đạo ở chỗ không không (Vô-Cực) mà phát sanh chỗ có (Thái-Cực). Một khí sanh ra Âm Dương, Âm dương hiệp lại cùng nhau thành một cái thể thứ ba cũng từ một KHÍ. Rồi cái thể thứ ba này cứ sanh hiệp như vậy mãi, mà hóa thành muôn loài vạn vật, có bài thơ rằng :

“ĐẠO tự HƯ-VÔ sanh NHỨT KHÍ,
Tiện tùng Nhứt Khí sản Âm Dương,
Âm Dương tái hiệp thành Tam Thể;
Tam Thể trùng sanh, vạn vật trương.”
Tóm lại, “ĐẠO là cơ chuyển động đầu tiên trong khoảng thời gian từ VÔ-CỰC đến THÁI-CỰC, mà ĐẠO ấy do chính đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ làm chủ”.

Như vậy, chúng ta cùng tìm hiểu sứ nhiệm của đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ của ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ như thế nào ?

Theo Kinh sử, khi Trời Đất đã khai lập xong, tức là vào thời đại Thượng cổ (Nhứt Kỳ Phổ-Độ) có ba đấng TAM-GIÁO ĐẠO-TỔ giáng trần là : đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ khai Tiên-giáo, đức NHIÊN-ĐĂNG CỔ PHẬT khai Phật-giáo và đức VĂN-TUYÊN ĐẾ-QUÂN khai Nho-giáo.

Và theo truyện Phong-Thần, đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ là do trong khí Hồng-Mông sinh ra, từ thuở có trước Trời Đất, Ngài có ba vị học trò Tiên lớn nhứt là :

* THÁI-THƯỢNG ĐẠO-QUÂN (Quảng-Thành-Tử, … Lão-Tử của Nhị-kỳ Phổ Độ),

* NGƯƠN-THỦY THIÊN-TÔN (Thanh-Vi Ngươn-Thỉ Vạn Pháp Thiên-Tôn),

* và THÔNG-THIÊN GIÁO CHỦ (Hồng-Mông Giáo Chủ, Linh-Bửu Thiên-Tôn).

THÁI-THƯỢNG ĐẠO-TỔ là Tôn sư của CHƠN-GIÁO (Doctrine Mediume), và NGƯƠN-THỦY THIÊN-TÔN là Tôn sư của XIỂN-GIÁO (Doctrine Radical).

Chơn-giáo và Xiển-giáo là đạo Nhơn-Tiên và đạo Thiên-Tiên, Đạo chánh gốc, dạy con người trước phải giữ gìn luân thường đạo lý, sau là tu hành đạt đến quả vị Phật-Tiên.

Còn THÔNG-THIÊN GIÁO CHỦ là Tổ sư TRIỆT-GIÁO (Doctrine Secondaire), cũng là Đạo chánh, nhưng dạy loài thú cầm tu cho đến khi hóa ra người, rồi mới hóa Phật-Tiên nên Triệt-giáo gọi là đạo Địa-Tiên. Mặc dù một vài loài thú cầm thành Tiên, nhưng còn sót giữ lục căn lục trần nên hay sanh lòng tà, tự cao ngã mạn.

Vì vậy mà Triệt-giáo ít nhiều bị mang tiếng là Bàn-Môn Tả-Đạo, thật là rất oan ưng. Riêng trong đạo Cao-Đài, có một lần khi lập đàn cơ, Pháp đàn Hiệp-Thiên-Đài họa Phù Tam-Thiên, thay vì họa trấn Ngũ phương nhưng chỉ có Tứ phương, lợi dụng sự thiếu sót ấy, đệ tử Triệt giáo đã nhập cơ về cho biết :

“Cửu phẩm Thần Tiên nễ mặt ta,
Thích-Ca dù trọng chẳng giao hòa,
Cửa cung Bạch-Ngọc thường lui tới;
Biết đặng minh ra lẽ chánh tà”.
Thông-Thiên Giáo Chủ vì bị học trò khiêu khích, đâm ra bực tức muốn bênh vực học trò của mình, nên mới ra giúp Trụ đánh Châu, tức là sai lỗi với cơ Trời.

Nói về KHƯƠNG-THƯỢNG TỬ-NHA, học trò của NGƯƠN-THỦY THIÊN-TÔN, mong phò Châu diệt Trụ, ấy là ứng với Thiên cơ chuyển hóa. Ngài phá trận Tru-Tiên không nỗi, vì Thông-Thiên có vô số Địa-Tiên, phép tắc mầu nhiệm vô cùng. Khương-Thượng mới cất đàn, thắp hương thỉnh Thái-Thượng Đạo-Tổ xuống phá trận ấy, trước cứu Khương-Thượng, sau cứu vạn linh.

Thái-Thượng đằng vân xuống phía Tây. Đơn kinh gọi là :

TÂY-PHƯƠNG BẠCH-ĐẾ TRIỀU NGƯƠN xuất Tam-hoa trên đầu, lại còn hóa Linh-lung-tháp, hào quang tỏa ra muôn trượng, đánh vô số Địa-Tiên bên Triệt-Giáo. Thấy thế trận chưa thể thắng nhanh được, đức Thái-Thượng dùng Ngươn khí huyền diệu của mình hóa ra TAM-THANH, tức là biến thành 3 người nữa để xông vào đánh 3 cửa trận (Nam, Bắc, Đông) còn lại.

Thông-Thiên đang cơn kinh hãi, xảy nghe phía Nam :

NAM-PHƯƠNG XÍCH-ĐẾ TRIỀU-NGƯƠN tức là có một vị Tiên đội mão Đạo, mặc áo hồng bào, xưng là NGỌC-THANH ĐẠO-NHƠN, vừa đánh vừa đọc bài kệ :

“Trời Đất sanh thành đã có Ta,
Theo Thầy học Đạo kể hằng hà,
Thấy điều nghịch lý ra tay giúp;
Cho rõ hai bên lẽ Chánh Tà”.
Bỗng nghe thấy bên phía Đông có một vị Tiên:

ĐÔNG-PHƯƠNG THANH-ĐẾ TRIỀU-NGƯƠN đội mão vàng, mặc áo có hình Bát-Quái, xưng là THƯỢNG-THANH ĐẠO-NHƠN, ngâm bài thơ sau:

“Hồng-Quân Lão-Tổ dạy vuông tròn,
Bố hóa Côn Lôn rõ mực son,
Trời Đất tuy già, Ta chẳng thác;
Nước non dầu đổi, tánh hằng còn”.
Thông-Thiên Giáo Chủ đang cơn bối rối, xảy thấy từ hướng phía Bắc một vị Tiên:

BẮC-PHƯƠNG HẮC-ĐẾ TRIỀU-NGƯƠN xông đến, xưng THÁI-THANH ĐẠO-NHƠN miệng ca vang :

“Từ thuở sanh Ta lúc Hổn mang,
Tính năm kể tháng biết muôn ngàn,
Một bầu Tạo-Hóa dầu ngang dọc;
Những kẻ Bàn-Môn khó tỏ tàng”.
Như thế, đức Thái-Thượng Đạo-Tổ dùng huyền diệu ngươn khí của mình mà biến hóa ra ba vị Đại-Tiên gọi là TAM-THANH (Ngọc-Thanh, Thượng-Thanh, Thái-Thanh nằm trong Ngũ-Khí hiệp thành, Tam-Thanh qui Nhứt. Đó là ĐẠO) và với Ngài là bốn, cùng xông vào phá trận Tru-Tiên, vây quanh đánh Thông-Thiên Giáo Chủ. Thông-Thiên và các Địa-Tiên đánh không lại, chỉ lo gỡ gạt mà thôi. Thừa thế thắng trận và phép Tiên cũng gần mãn, nên Ngài vui say ngâm bài kệ sau:

“HỒNG-QUÂN truyền phép, Đạo đa thành,
Làm chủ Thần-Tiên độ chúng sanh,
Biến thử ba hình ai dễ biết ?;
Cho hay Ngươn khí hóa Tam Thanh”.
Thái-Thượng ngâm vừa dứt lời, bỗng nghe tiếng chuông vang inh ỏi, ba vị Tam-Thanh biến mất, chỉ còn một mình Thái-Thượng. Thông-Thiên Giáo Chủ sửng sốt nhìn Thái-Thượng Đạo Quân mà khiếp sợ, bị Thái-Thượng đập cho ba gậy hào quang hoảng hồn đằng vân bay lên thì … bổng từ hướng Nam có một vừng mây ngũ sắc hiện ra, hào quang chiếu diệu, gió quyện mùi hương thơm nực, rồi có một Ông Lão đi đến ngêu ngao bài thơ sau:

“Từ đời BÀN-CỔ ẩn trong rừng (a),
Dạy được ba trò (b), dạ rất ưng,
Xiển-giáo chia ra cùng Triệt-giáo;
Cho hay cũng một gốc HỒNG-QUÂN”.
Thông-Thiên Giáo Chủ giựt mình, biết Thầy mình là HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ đến, liền quì mọp xuống đất nghinh đón và thưa rằng : “Đệ tử không hay Sư phụ đến nên nghinh tiếp trễ. Xin Sư phụ tha tội”.

Đức Hồng-Quân Lão-Tổ nói : “Sao ngươi dám lập trận Tru-Tiên hại Môn đồ ngươi nhiều như vậy?”

Thông-Thiên thưa : “Bởi hai vị Sư huynh (Thái-Thượng và Ngươn Thủy) khi dể Triệt-giáo để học trò mắng nhiếc đệ tử quá lời, chẳng nghĩ tình Thầy, khinh khi bạn hữu”.

Đức Hồng-Quân Lão-Tổ nói : “Sao ngươi không tự trách mình, mà tìm lời trách bạn ? Ngươi không nhớ lời giao ước khi Lập Bảng Phong-Thần sao ? Việc danh lợi là chí của kẻ phàm, nếu không dằn tánh ấy, sao gọi là Tiên ? Vả lại, ba anh em ngươi tu luyện từ thuở Hỗn-độn đến nay, không phải một kiếp, chẳng lẽ vì việc nhỏ nhen mà dứt nghĩa đồng song ? Ta biết Thái-Thượng, Ngươn-Thủy cũng có ít nhiều trái lẽ, làm môn đồ Triệt-giáo ngậm hờn, song hai người thuận theo mà khuấy động theo lý của đạo Trời. Đã biết mỗi phái hệ có một đường tu, song đường tu nào kết cuộc cũng phải về lẽ chánh. Nếu như ngươi hiềm thù mãi, cố lập trận Địa-Thủy-Hỏa-Phong, làm khó dễ cho hai Sư huynh ngươi thì phần ngươi cũng không yên được. Ta lấy tình Thầy trò xuống đây giải hòa, Đạo nào lo Đạo nấy.

Đức Hồng-Quân Lão-Tổ dắt Thông-Thiên đến lư bồng. Na-Tra đứng ngoài đang bàn luận với các vị Tiên gia, chợt thấy Thông-Thiên với một Ông Lão chống gậy cùng đi tới, hào quang chói mắt vội chạy vào nói lớn:

“Có Thông-Thiên và một Ông Lão đến đây”.

Thái-Thượng và Ngươn-Thủy biết Sư phụ mình đến, liền xuống lư bồng, quì mọp nghinh tiếp. Các đệ tử Tiên gia thấy vậy thất kinh, ai nấy đều quì xuống thành một hàng dài sau lưng hai vị Tôn sư của mình. Thái-Thượng và Ngươn-Thủy đồng thưa rằng:

“Chúng con không hay Sư phụ đến nên nghinh tiếp trễ, cúi xin Sư phụ từ bi hỷ xả”.

Đức Hồng-Quân Lão-Tổ nói :

“Bởi các ngươi dạy đệ tử không nghiêm, nên sinh ra sát kiếp. Xiển giáo và Triệt giáo tranh nhau. Nay Ta xuống đây để giải quyết cho đặng thuận hòa. Tai Ta không muốn nghe cãi lý, mắt Ta không muốn thấy tranh nhau. Hai bên đều có lỗi, từ nay phải ăn năn chừa lỗi”.

Nói rồi bảo ba đệ tử quì xuống trước mặt, Đức Hồng-Quân Lão-Tổ phán :

“Bởi khí số nhà Thương đã dứt, nhà Châu ra đời, nên hội chư Tiên phải thuận theo luật Trời mà vạch Bảng Phong-Thần. Trên bước đường hành đạo, vì giáo lý của hai bên khiếm khuyết nên mới có cuộc xung đột tranh hơn thua, nhưng cũng do mệnh Trời đã định, gấp rút cho đủ số Phong Thần. Song về lỗi lầm thì Ta xét Thông-Thiên lỗi nhiều hơn, không phải ta thiên vị. Tuy vậy ta đến đây không phải để luận phân phải quấy, mà chỉ muốn giảng hòa, vì xét phải quấy cái đã qua không ích gì, chỉ có thuận hòa mới quí. Mỗi bên nhịn nhau một ít, bỏ những khí tánh tư kỷ của mình, trở về núi tu hành, đừng sanh sự lôi thôi nữa”.

Ba đệ tử (Thái-Thượng, Ngươn-Thủy, Thông-Thiên) cúi đầu vâng lịnh. Đức Hồng-Quân Lão-Tổ lấy bầu thuốc linh đơn, trút ra lấy ba viên chia cho ba đệ tử và nói:

“Chúng bây mỗi đứa uống một viên, rồi Ta nói cho nghe”.

Ba đệ tử đồng nuốt mỗi người một viên. Đức Hồng-Quân Lão-Tổ nói tiếp : “Thuốc này không phải là thuốc bổ, mà là thuốc bịnh, bịnh ấy là bịnh nóng giận”. Hãy nghe bài kệ này :

“Bởi vì ba gã khiến đua tranh,
Lỗi đạo làm em, lỗi phận anh,
Từ ấy mà lòng còn cự địch;
Thuốc linh khắc phạt, mạng tan tành”.
Ba vị đại đệ tử đồng tạ ơn Thầy. Đức Hồng-Quân Lão-Tổ dẫn Thông-Thiên Giáo Chủ về cung Tử-Tiêu, từ đó không cho Thông-Thiên dạy học trò nữa.

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau trở lại vấn đề đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ có sứ nhiệm với Mối Đạo Trời như thế nào ?

Như phần trên đã nêu, đức Hồng-Quân Lão-Tổ có trước khi khai Thiên lập Địa, vào thời đại Thượng cổ hay Nhất Kỳ Phổ-Độ Ngài đã xuống trần khai sáng Tiên-giáo, được chứng minh qua câu (a) = Từ đời Bàn-Cổ ẩn trong rừng, và là một vị Đại-Tôn-Sư đã dạy Đạo cho Tam-giáo (Xiển giáo, Triệt giáo và Chơn giáo) là ba vị : Thái-Thượng Lão-Quân, Ngươn-Thủy Thiên-Tôn, Thông-Thiên Giáo Chủ) thể hiện qua câu : (b) = Dạy được ba trò dạ rất ưng.

Theo lời truyền khẩu của đức LINH-CHÂU-TỬ (thế danh Trần-Công-Sanh, tức Na-Tra thời Phong-Thần) lúc còn sanh tiền : “Đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ chuyên về việc dạy Đạo (Nội giáo tâm truyền Vô-vi Bí pháp); đức NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ĐẾ Chưởng quản Quần Phật-Tiên-Thánh-Thần-Hội, tức cai trị và điều hành Vũ-Trụ gồm có : Tam thập lục Thiên, Thất thập nhị Địa, Tam thiên Đại Thiên thế giới, với Thiên đình và Thiên luật; còn đức DIÊU-TRÌ KIM-MẪU thường hằng khuyên nhủ, chia sẻ, an ủi, đùm bọc và chan rưới Tình mẫu tử Thiêng-liêng cho tất cả chư Phật-Tiên-Thánh-Thần và Vạn linh sanh chúng hầu không vi phạm luật Trời, để được quay trở về quê xưa vị cũ, hầu cạnh mẹ hiền, vui chốn non bồng nước nhược”.

Để kết luận bài viết (nói chuyện) này, chúng ta hãy cùng chứng minh việc đức Hồng-Quân Lão-Tổ chuyên trách về giáo dục và phê duyệt Pháp môn tu học của các đấng Tam-Giáo, Tam-Trấn và chư Phật-Thánh-Tiên, chúng ta hãy xem một số Kinh điển được ấn chứng như: Đại-Thừa Chơn Giáo, Huyền-Pháp Bảo-Ngươn Kinh, Tam-Hoàng-Thiên Kinh, Ngọc-Kinh Huỳnh-Đạo, Tối Thượng Châu Quang, v.v …

Và sau mỗi buổi đọc kinh cúng Tứ thời hàng tháng, vào ngày Sóc Vọng hoặc vào những ngày lễ, mọi tín hữu đạo Cao-Đài chúng ta đều được nghe (hoặc) đọc Sớ văn dâng lên Chí-Tôn * Phật-Mẫu cùng chư Thiên, trong đó có câu niệm:

- NAM MÔ HUYỀN-KHUNG-CAO THƯỢNG-ĐẾ NGỌC-HOÀNG TỨ PHƯỚC HỰU TỘI ĐẠI-THIÊN-TÔN.

- NAM MÔ DIÊU-TRÌ KIM-MẪU VÔ-CỰC ĐẠI-TỪ-TÔN.

- NAMMÔ HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ CHƯỞNG GIÁO TAM NGƯƠN ĐẠI-TÔN-SƯ.

Rồi mới niệm tiếp TAM-GIÁO, TAM-TRẤN và các đấng THIÊNG-LIÊNG đã chứng minh rằng : “Đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ là một trong ba ngôi Thượng-Đế sáng lập Càn-Khôn Vũ-trụ, và Ngài luôn là vị chuyên trách về giáo dục (Chưởng giáo), là một Ông Thầy Lớn của Ngũ-Chi đẳng cấp Thiêng-Liêng (Phật-Tiên-Thánh-Thần-Nhân) và cả Vạn linh sanh chúng đều luôn tôn kính (vị Đại-Tôn-Sư), và đặc biệt là ngươn hội nào (thời : Nhất, Nhị-Kỳ) Ngài đều giáng trần để dạy Đạo cho các Đại-Đệ-Tử (Thái-Thượng, Ngươn-Thủy, Thông-Thiên) từ thời Bàn-Cổ và Phong-Thần) và đến Tam-Kỳ Phổ-Độ (đủ cả Tam Ngươn) là thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp hay lần ba đại-ân-xá, vì thương Vạn linh sanh chúng nên Ngài dùng Siêu-điển-quang đêm hôm giáng trần để giảng dạy Bí-Pháp Tam-Thiên cho hàng Nguyên-căn Linh-vị trong VÔ-VI ĐẠI-ĐẠO tức THIÊN KHAI HUỲNH-ĐẠO, và chấp thuận cho đức NGÔ-MINH-CHIÊU (PHÁP-BỬU ĐẠI-TIÊN) bổ sung vào Bí-pháp Tam-Thanh những điều mà khi sanh tiền đức Ngô chưa kịp giảng dạy. Nghĩa là đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ đã cho mở rộng và tuyển độ những nguyên nhân có sứ mạng tối trọng với ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ, để dọn mình trong sạch trở thành người dân mới có đầy đủ trí thông minh và lòng đạo đức (Minh-Đức Tân-Dân), bên cạnh việc luyện pháp cao nhiên để đón mừng thời kỳ Thượng-Ngươn Thánh-Đức, tức là thời thái bình an cư lạc nghiệp, đại đồng thế giới trên khắp cả Năm châu Bốn bễ, trong đó về hữu hình sắc tướng cùng nhìn nhận CHA TRỜI là Cha chung của nhân loại toàn cầu, chính là đức CHÍ-TÔN THƯỢNG-ĐẾ vậy”./.

Kính bạch đức Đại-Tôn-Sư,

Đệ tử phàm phu tục tử, nhưng với tâm thành con xin cảm ơn đức CHÍ-TÔN * PHẬT-MẪU và các đấng Thiêng-Liêng đã ban bố cho con có đầy đủ sức khỏe để viết xong đề tài về đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ, và kính mong các vị Trưởng bối cao niên, các bậc Thiện trí thức dành chút thời gian chấm bài, và xin quý Huynh-Tỷ-Đệ-Muội cùng chư Đạo tâm thương tình hướng dẫn cho ngu đệ trên bước đường tu học và hành đạo.

Kính cẩn,

Nhân kỷ niệm ngày vía đức HỒNG-QUÂN LÃO-TỔ

Mùng 7 tháng 7 Quý-Mùi, nhằm ngày 4 tháng 8-2003

NGƯỜI HỌC TRÒ NHỎ





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét