BÀI THUYẾT ĐẠO ĐÊM 14 THÁNG 8 NĂM GIÁP THÌN
TẠI TAM GIÁO ĐIỆN (MINH TÂN)
Ngày Vía Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có hai ngày lễ quan trọng nhứt:
- Một là ngày Vía Trời hay Vía Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ vào ngày Mồng 9 tháng Giêng âm lịch.
- Hai là ngày Vía Đất hay Vía Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU nhằm ngày tiết Trung Thu Rằm tháng 8 âm lịch.
Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ thuộc tượng CÀN (Càn vi Thiên) và trong Bát Quái Tiên Thiên (1) tượng Càn đứng số 1 cho nên ngày vía NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ cũng cử hành vào tháng thứ nhứt hay tháng Giêng của mỗi năm âm lịch.
Còn Đức KIM TRÌ KIM MẪU thuộc tượng KHÔN (Khôn vi Địa) đứng số 8 cho nên vì lẽ đó ngày viá Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU được cử hành vào tháng 8 âm lịch.
Kinh cúng trong dịp ngày lễ Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU có câu:
“ Trung Thu tháng Tám đêm rằm,
Là ngày Đức Mẹ giáng lâm cõi trần”.
Thiết tưởng chúng ta cũng cần hiểu rõ tại sao lại gọi DIÊU TRÌ KIM MẪU là “Đức Mẹ” và ngày lễ vía của Ngài có ý nghĩa gì ?
I. DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC TỪ TÔN là ai ?
Theo Vũ Trụ Quan của Đạo CAO ĐÀI thì trước khi tạo sanh Trời Đất trong cõi không gian còn ở trong tình trạng hỗn độn: chỉ có đám bụi Hồng Mông mịt mịt mờ mờ bao phủ với hai năng lực tiềm tàng, một cái nguyên lý tuyệt diệu, tuyệt huyền gọi là Thái Hư và một cái là nguyên khí tự nhiên gọi là Vô Cực.
Thái Hư và Vô Cực được gọi chung là Khí Hư Vô, và Hư Vô chi khí là Đạo.
Hữu vật hỗn thành (nghĩa là) : ....... Có vật hỗn độn mà nên
Tiên Thiên Địa sanh “ ................ Sanh trước Trời Đất
Tịch hề liêu hề “ ....................... Yên lặng trống không
Độc lập bất cải “ ........................ Đứng riêng mà không đổi
Châu hành nhi bất đãi “ .............. Đi khắp mà không mỏi
Khả dĩ vị thiên hạ mẫu “............... Khả dĩ là Mẹ thiên hạ
Ngô bất tri kỳ danh “............... Ta không biết tên cái đó
Tự chi viết Đạo “ .................... Gọi đó là Đạo
Cưỡng vi chi danh viết Đại “ .......... Gương cho là lớn.
Cái vật hỗn độn có trước Trời Đất là Khí Hư Vô (gồm hai năng lực Thái Hư và Vô Cực như nói ở trên). Sở dĩ khí Hư Vô là Mẹ thiên hạ vì theo Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, cái Hư và cái Vô tức Lý, Khí lâu đời nhiều kiếp ngưng kết với nhau thành một Thánh Thai gồm tụ tất cả các tinh hoa trong Vũ Trụ rồi Thánh Thai ấy nổ tung làm xuất hiện Đấng Hoàng Thiên tức là Ngôi Thái Cực. Rồi Thái Cực mới tạo dựng nên Trời Đất muôn vật.
Có nhiều người tưởng lầm Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn là Hư Vô chi khí đã sanh ra ngôi Thái Cực, nhưng thật ra trong buổi hỗn độn sơ khai chưa có một Đấng Thiêng Liêng nào cả mà chỉ có LÝ và KHÍ,
nghĩa là những năng lực để tạo ra Linh Thần và Sự sống.
Trong kinh Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Đức Chí Tôn có cho biết:
“Khí Hư Vô sanh có một Thầy. Nếu không Thầy thì không có chi trong Càn Khôn Thế Giới này, mà nếu không có Hư Vô chi khí thì không có Thầy”.
Do đó, Đấng Thiêng Liêng đầu tiên xuất hiện trong không gian là Thái Cực Thánh Hoàng. Ngôi Thái Cực tập trung tất cả các tinh hoa của Vũ Trụ có đủ âm dương, thủy hỏa phát hiện dưới ba bản thể khác nhau là:
1.HUYỀN KHUNG CAO THƯỢNG ĐẾ làm chủ chơn Tánh thuộc Lý và tạo ra Chơn Như.
2.DIÊU TRÌ KIM MẪU làm chủ chơn Tình (thuộc Khí).
3.HỒNG QUÂN LÃO TỔ do chơn Tánh, chơn Tình hiệp thành làm chủ Trí Huệ và cái Đạo sinh hóa. (Hòang Cực)
Sở dĩ phát hiện ra ba cái bản thể của ngôi Độc Nhứt vì Thái Cực vận chuyển sanh Lưỡng Nghi rồi hiệp Lưỡng Nghi biến thành Tứ Tượng. Thành ra Diêu Trì Kim Mẫu là Lưỡng Nghi (âm dương).
Điểm này được nói rõ như sau trong Diêu Minh Kinh:
“Vận Thái Cực Lưỡng Nghi sanh hóa,
Tứ Tượng phân mối cả Đất Trời;
Cân phân có Đạo có đời,
Diêu Trì Kim Mẫu tức thời âm dương.”
Giải nghĩa danh từ từng chữ thì DIÊU là vi diệu, TỪ là ao, KIM MẪU là bà Mẹ ở Tây Phương. VÔ CỰC ám chỉ các bản thể nguyên khí, TỪ TÔN là bực Tổ đầy lòng hiền ái. Thành ra danh từ Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn ngụ ý cái nguồn gốc linh khí vi diệu ở cõi Tây Phương Cực Lạc đã tạo ra sự sống tình cảm của chúng sanh và do đó, là Mẹ linh hồn luôn luôn thương xót và dẫn dắt chúng sanh về con đường tình cảm cao thượng chơn chính để thoát khổ nạn.
Bởi thế cho nên trong Ngọc Minh Kinh có câu:
“Ác vàng xế cơ Trời tương khắc,
Vẫn Đông Tây Nam Bắc ly kỳ;
Tây Cung Kim Mẫu Diêu Trì,
Độ siêu linh dục, thoát ly khổ nàn.”
Nghĩa là đến buổi đời Mạt Kiếp như trời chiều ác xế, ngũ hành tương khắc gây ra các tai họa dữ dằn thì Đức Diêu Trì Kim Mẫu bố điển linh độ cho nhơn loại biết cải tà qui chánh hướng thượng mà tránh khỏi cuộc thương hải tang điền.
Người tu hành thường nói Trời Cha, Đất Mẹ, để ám chỉ Thượng Đế và Diêu Trì Kim Mẫu. Đức Thượng Đế ban chơn như để gây sự sống, và tạo ra linh hồn chúng sanh, còn Đức Diêu Trì Kim Mẫu ban linh khí để nuôi dưỡng sự sống của mọi vật, từ thể chất đến linh hồn. Sự kiện này có thể chứng minh bằng toán pháp là một khoa học có ý nghĩa huyền bí vì tượng trưng muôn vật trong Càn Khôn Vũ Trụ bằng những con số.
Đầu các con là số dê-rô (số không 0) tượng trưng cho cái Hư Vô trong buổi hỗn độn sơ khai. Sau số không đến số 1 là Hư Vô sanh ra Lý đơn nhứt hay Ngôi Thái Cực. Rồi do sự vận chuyển, số 1 mới biến ra 2,3 và tạo sanh ra muôn muôn vạn vạn số.
Tất cả các con số đều chứa 1 và 2, tức là mỗi chúng sanh đều thọ bẩm cái Chơn Như của Thượng Đế (số 1) và cái Chơn Khí của Diêu Trì Kim Mẫu (số 2).
Do đó tất cả chúng sanh tượng trưng bằng số đều là con của Thượng Đế và Diêu Trì Kim Mẫu và cũng vì lẽ đó mà ta gọi Kim Mẫu là Đức Mẹ.
Số chẵn tượng trưng cho Nữ Phái chia được với số 2, ám chỉ nữ phái thọ bẩm phần chơn khí tình cảm của đức Diêu Trì Kim Mẫu rất nhiều. Còn những số lẽ tượng trưng cho Nam Phái chính là số chẵn gia thêm 1 (2 + 1), nghĩa là có trội hơn nữ phái phần lý trí của Thượng Đế ban cấp (1), nhưng thiếu tình cảm hơn phái nữ.
Vì thế cho nên Đức Diêu Trì Kim Mẫu khi giáng cơ chú ý dạy nữ phái hơn là nam phái cũng như thể là Mẹ hiền thường lưu luyến với các ái nữ hơn là với các con trai.
II._ Ý NGHĨA NGÀY VÍA DIÊU TRÌ KIM MẪU:
Một khi chúng ta đã nhìn nhận được có Bà Mẹ linh hồn ở trong cõi vô hình xuống cõi trần để bố điện cho tâm linh ta bớt sôi nổi trên trường danh lợi đấu tranh và biết tô bồi thâm hạnh đức cao siêu, thì ta cũng cần phải tìm hiểu ý nghĩa của ngày Vía Đức Mẹ trong dịp Trung Thu.
Tiết Trung Thu thuộc quẻ Phong Địa Quan vì chuỗi thời tiết trong 12 tháng âm lịch thì đi theo sự luân chuyển của lục âm lục dương. Quẻ Phong Địa Quan ám chỉ thời gian cả thịnh của khí âm đang lấn át khí dương để dẹp hết những cái nóng nảy oi bức và đem lại cảnh mát mẻ êm dịu trong Trời Đất. Chữ QUAN (đúng ra đấy là QUÁN) có nghĩa là ngắm, ở dưới ngắm nhìn lên trên khi cái dương còn có hai hào đã hết gắt gao thành trong sáng dịu dàng. Cho nên đêm thu trời trong trăng sáng khiến cho con người ưa ngẩn nhìn lên cõi bao la để thưởng thức cảnh đẹp đẽ của Trung Thu trăng tỏ. Lúc đó cũng là lúc có một nguồn chơn khí diệu huyền đem sự mát mẻ êm dịu chan rưới xuống thế gian, để làm cho tâm tình con người tươi mát lạc quan.
Nguồn chơn khí diệu huyền đó là Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn, Đức Mẹ linh hồn của chúng sanh.
Thành ra ngày Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu mà khắp nơi trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cử hành rất trọng thể là một ngày lễ bao hàm ý nghĩa đón tiếp một lực lượng thiêng liêng huyền bí đến trong tâm hồn mỗi người để làm cho tiêu tan những mối sầu bi uất hận và đem lại một tâm tình êm dịu hòa ái, hàn gắn lại những hố chia rẽ giữa người và người.
Vậy đối với các anh chị em trong Cao Đài Giáo đã cùng nhau làm lễ tiếp rước Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu trong dịp lễ Trung thu này, trước cảnh đời đang biến chuyển đến chỗ Liên Tôn, chúng ta hãy nhứt định hưởng ứng luồng điển thiêng liêng mà Đức Mẹ chan rưới cho các con để mở thêm tình thương yêu và mạnh tiến đến chỗ đoàn kết qui nguyên thực sự hầu Đạo Cao Đài có thể đứng ra làm gạch nối giữa chư giáo phái và sớm đem lại sự liên hiệp giữa đồng bào.
Ngày 14 tháng 8 năm Giáp Thìn (1964)
CHƠN TÂM
Theo Bát Quái Tiên Thiên thì Càn 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, và Khôn 8.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét