Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Ý Trinh lạy Mẹ Diêu Trì Địa Mẫu



Đức Phật Mẫu - Hội Yến Bàn Đào - Cửu Vị Tiên Nương
Bài giảng ngày Thánh đản Đức Diêu- Trì Kim- Mẫu
(Ngày 17 tháng 7 năm Nhâm Tý, 25-8-1972)
Của Ngài Cố Nguyễn Minh Thiện, Tổng Lý Minh Lý Thánh Hội
Hôm nay là ngày Thánh đản vủa Đức Diêu Trì Kim Mẫu, hiệu là Vô Cực Thiên Tôn.
Chánh ngày vía là 18 tháng 7, ghi trong lịch Tàu và lịch Tam Tông Miếu,
nhưng theo lệ đây cúng trước một ngày, là ngày 17, tức là đêm hôm nay.
Ngài làm chủ cái chùa Tam Tông Miếu mà cũng là chủ đạo Minh Lý. Cái hiệu chùa Tam Tông Miếu là do Ngài ban xuống. Thế thì người Minh Lý môn sanh có cái bổn phận tìm biết đến Ngài.
Trước hết, tôi xin giải nghĩa tám chữ “ Diêu Trì Kim Mẫu, Vô Cực Từ Tôn” cho mp6n sanh Minh Lý ai nấy đặng rõ biết Đấng Tối Cao, mà chúng ta thớ chính giữa và trên từng thứ nhứt tại Bửu điện chùa Tam Tông Miếu.

I. NGHĨA “ DIÊU-TRÌ KIM-MẪU "

Chữ Diêu, hoặc chữ Dao cũng được, có nghĩa là ngọc diêu, một thứ đá quí báu
( pierre précieuse ).
Chữ Trì nghĩa là ao nước, hay là hồ nước.
Hai chữ Diêu Trì hiệp lại có nghĩa là : Ao hay hồ nước, trong đó có nhiều ngọc quí báu. Đây có nghĩa là một cảnh trí, một cung điện, ở trên một chót núi Hi-mã-lạp-nhã (Himalaya),
làm ranh giới giữa nước An Độ và nước Trung Hoa, gọi tên núi là Côn Lôn.
Ai có coi truyện thần tiên thì biết đó là chỗ Ngọc Đế ngự và nhiều vị Đại Tiên tu luyện.
Chữ Kim là vàng, cũng có nghĩa là các loại kim, như bạc, đồng, chì, sắt . . .thuộc về Tây phương. Theo Bát quái hậu thiên (Lạc thơ), Kim nầy ở ngôi Đoài, mà Đoài là Âm kim.
Chữ Mẫu là mẹ, là chủ tể, thuộc về hữu hình. Như cuốn Đạo Đức kinh nói: “Hữu danh, vạn vật chi mẫu.”, nghĩa là chừng Đạo có hình, có tên, Nó là mẹ sanh muôn vật.
Người ta thường hiểu chữ “mẫu” theo nghĩa thông thường, là người đàn bà sanh con,
nên gọi Đức Diêu Trì Kim Mẫu là Bà Tây Vương Mẫu.
Theo sách vở của người Trung Hoa, Ngài là một vị Thần Tiên từ đời xưa, xa xăm
Tây Vương Mẫu cũng là một vị ban thuốc trường sanh. Ngài trở thành một vị chủ tể vườn đào,. Ơ cõi trên trời, và cai quản các vị thần tiên cõi đó, có khác hơn cõi ta ở dưới trần nầy là đặng sống lâu và hưởng vô cùng khoái lạc (jouit d’une félicité parfaite). Vườn Tây Vương Mẫu ở trên chót núi Côn Lôn – như tôi đã nói ở trên. Ngài ở trong lầu các bằng ngọc,
có 9 từng huyền thất và chung quanh có vách thành bằng vàng.
Trong lầu có đơn phòng Tử Túy, bên trái có ao Diêu Trì, bên mặt có sông Huờn Túy. Dưới chơn có 9 từng nhược thủy ( nước yếu ), sóng cao muôn trượng, không có tiên xa ( xe nhờ bạo phong thổi đi ), vủ luân ( bánh xe bằng lông chim ) thì không thể nào đi đến đó được.

II. NGHĨA “ VÔ CỰC TỪ TÔN “

Tại sao gọi Đức Diêu Trì Kim Mẫu là Vô Cực Từ Tôn ?
Có lẽ chư đạo hữu còn nhớ nghĩa Tam cực đã có giải nhiều lần.
Tam cực nghĩa là Ba ngôi cực cao cả, gọi là :

1 – Vô cực

2– Thái cực

3. – Hoàng cực


1)- Vô cực : Vô cực nghĩa là cực vô, trong đó cực kỳ trống không, chẳng có gì khác lạ hơn nó nữa, gây ra các sự trở ngại cho Nó, nên gọi là Khí hồn nhiên. Tuy vậy mà Nó đủ các đức tính tiềm tàng, còn kín đáo, ẩn núp, cũng như con gà còn trong trứng gà, chưa có lộ hình dạng mà ta có thể thấy được. Cũng như trong một hột giống lúa, tuy ta chưa thấy cây lúa,
mà trong đó có đủ sinh lực để sanh ra sau nầy cây lúa vậy.
Đạo Đức Kinh gọi cái đó là: “Đạo tự hư vô sanh nhứt khí”, nghĩa là từ trong Đạo hư vô mà sanh ra Nhứt khí. Nhứt khí có ba phương diện hay là Ba ngôi,
mà ngôi Thứ nhứt gọi là Vô cực.


2)- Thái cực: Thái cực nghĩa là cực thái hay là cực đại. Từ trong Vô cực là ngôi thứ nhứt lại có một điểm khí dương phát sanh. Hễ khí động phát sanh tức là khí dương, thì phần tịnh còn lại là khí âm. Cho nên Kinh Dịch nói : “ Thái cực sanh lưỡng nghi” , nghĩa là Thái cực sanh ra khí âm và khí dương. Đạo Đức kinh gọi là Một sanh ra hai. Đây là ngôi thứ nhì của Nhứt khí, mà ngôi Thứ nhì gọi là Thái cực.



3)- Hoàng cực: Hoàng nghĩa là ông vua. Cực là cực cao như nói trên. Cũng gọi là Nhơn cực hay là cái phần tinh thần, phần tâm linh cực cao, chẳng phải ở trong vua chúa mà thôi, như người xưa hiểu , mà ở trong tất cả mỗi con người. Nói theo Nho giáo, thông thường, ta có thể gọi Nó là Lương tâm, là Lương tri, Lương năng, là Tánh lý, là Thiên lương, là Thiên chơn, . . .Thái cực (thèse) sanh ra âm dương, mới có hai bên tương đối (anti thèse), còn Hoàng cực, đây có nghĩa là hổn hiệp âm dương (synthèse) , mói có xuất ra vạn pháp. Nếu không có âm dương tương hiệp, thì làm sao sanh hóa được ! Nên Kinh Đạo Đức nói: “Hai sanh ba”,
là âm dương hiệp sanh ra Hoàng cực.
Vậy thì Ba ngôi chỉ có Nhứt khí, mà mỗi ngôi đều có một vai tuồng riêng biệt, chẳng giống nhau mà luôn luôn bổ túc cho nhau. Tuy phân ba thời kỳ cho dễ hiểu, kỳ thiệt là Ba ngôi cùng đồng thời, phân cao hạ.
Đức Diêu Trì Kim Mẫu vẫn có một vai tuồng đặc biệt, thuộc về ngôi Vô cực, nên lấy hiệu là: Vô cực Từ Tôn. Nghĩa là Ngài đại diện cho ngôi Thứ nhứt là ngôi Vô cực.
Sao gọi là Từ Tôn ?
“Từ” là nhân từ, từ bi, có lòng thương xót, độ dẫn tất cả chúng sanh. Như theo thế gian, mẹ thuơng con một cách diệu hiền nên gọi là từ mẫu, từ thân. Trái lại, đối với cha, thì dùng chữ nghiêm, nghĩa là nghiêm minh, nên gọi là nghiêm phụ, nghiêm quân.
“Tôn” là cao cả, bực rất mực tôn nghiêm. Hoặc gọi là Thiên tôn, nghĩa là bực cao cả, tôn nghiêm, ỏ trên các từng trời, hay là trên thiên đàng.

DIEU TRI
PHẬT MẪU DIÊU TRÌ - HỘI YẾN BÀN ĐÀO - CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
ĐỨC PHẬT MẪU DIÊU TRÌ
HỘI YẾN BÀN ĐÀO TRUNG THU

Thiện Chí sưu tầm
(Trung Thu Quí Mùi – Giáp Thân)
2003 – 2004


Lời Tựa


Cứ mỗi độ mùa Thu trở lại, lòng nguời tín đồ Cao Đài nao nao hướng về Đức Từ Tôn Kim Mẫu, Đấng Mẹ linh hồn đã bao lần đến trần gian an ủi vỗ về, dạy bảo đám con thơ còn lặn hụp trong sông mê bể khổ.
Rồi trong nỗi cảm hoài thiêng liêng ấy, nguời thì nhẩm đọc lại những câu thơ đầy thi vị chan hòa tình mẫu tử thiết tha của Mẹ; người thì lần giở những trang thánh huấn Mẹ đã trao gởi đàn con mỗi độ Thu về . . .
Mẹ chẳng những là Tình thương Vô cực, Mẹ còn là Đấng Từ bi sanh hóa, cứu độ chúng sinh trên đường đời lẫn đường đạo.
Thời Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Mẹ lãnh lịnh đức Chí Tôn đem Bí pháp chan rưới Chơn thần những đứa con có thiện căn ngộ đạo để dắt lần lên nấc thang giải thoát.
Mẹ đã đem Bàn Đào chí bửu từ Cung Diêu Trì xuống tận thế gian, làm nhịp cầu tâm linh rước đoàn con ngoan trở về hội hiệp với Mẹ sau khi hoàn thành sứ mạng vi nhân.
Quyển sách nhỏ nầy chỉ sưu tập trong muôn một những kinh điển, thánh giáo, thánh ngôn đã khêu tỏ uy danh, quyền pháp cùng lòng đại từ đại bi của Đức Từ Mẫu. Nhất là giáo lý đại đồng phổ quát và ý nghĩa huyền nhiệm trong Hội Yến Bàn Đào,
một Bí pháp hi hữu của Đại Đạo TKPĐ.
Xin tạ ơn Đức Mẹ và các Đấng đã khải thị cho chúng con đạo mầu vi diệu ấy. Xin Ơn Trên ghi nhận công đức những vị đã có công trình quí báu mà sưu tập nầy được thừa kế.
Kính mong sự đồng cảm của mọi người khi món quà Trung thu tinh thần nầy đến tay quí vị.

PHẬT MẪU CHƠN KINH 


Tạo Hóa Thiên Huyền Vi Thiên Hậu,
Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.
Sanh quang dưỡng dục quần nhi,
Chơn linh phối nhứt thân vi thánh hình.
Thiên cung xuất Vạn linh tùng pháp,
Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh.
Càn Khôn sản xuất hữu hình,
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh.
Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp,
Lập Tam Tài định kiếp hòa căn.
Chuyển luân định phẩm cao thăng.
Hư vô Bát quái định thần qui nguyên.
Diệt tục kiếp trần duyên oan trái,
Chưởng Đào tiên thủ giải trường tồn.
Nghiệp hồng vận tử hồi môn,
Chí công định vị vĩnh tồn Thiên cung.
Chủ Am quang thường tùng Thiên mạng,
Độ Chơn thần nhứt vãng nhứt lai.
Siêu thăng phụng liễn qui khai,
Tiên cung Phật xứ Cao Đài xướng danh.
Hội ngươn hữu Chí Linh huấn chúng,
Đại Long Hoa nhơn chủng hòa ki. (cơ)
Tam kỳ khai hiệp Thiên thi,
Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên.
Trung khổ hải độ thuyền bát nhã,
Phước Từ bi giải quả trừ căn,
Hườn hồn chuyển đọa vi thăng,
Cửu Tiên hồi phục Kim Bàn Chưởng Am,
Thập Thiên can bao hàm vạn tượng,
Tùng Địa chi hóa trưởng Càn khôn.
Trùng hườn phục vị Thiên môn,
Ngươn linh hóa chủng qủi hồn nhứt thăng.
Vô siêu đọa quả căn hữu pháp,
Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan.
Vô địa ngục, vô quỉ quan,
Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên.
Chiếu nhũ lịnh Từ Huyên thọ sắc,
Độ anh nhi nam, bắc, đông, tây.
Kỳ khai tạo nhứt Linh đài,
Diệt hình tà pháp cường khai Đại đồng.
Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch,
Qui thiên lương quyết sách vận trù.
Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu,
Hiệp qui Tam Giáo hữu cầu chí chơn.
Phục nguyên nhơn hườn tồn Phật tánh,
Giáo hóa hồn hữu hạnh hữu dưyên.
Trụ căn quỉ khí Cửu tuyền,
Quảng khai Thiên thượng tạo quyền chí công.
Lịnh Mẫu Hậu khai Tông định Đạo,
An dưỡng sanh đảm bảo hồn hài.
Càn Khôn Tạo Hóa sánh tài,
Nhứt triêu nhứt tịch kỉnh bài mộ khang.
“ Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Tạo Hóa Huyền Thiên Cảm Bái.”
“ Nam mô Đại Từ Bi Năng Hỉ Xả Thiên Hậu, Chí Tôn, Đại Bi, Đại Ai.”


KINH TÁN TỤNG CÔNG
ĐỨC DIÊU TRÌ KIM MẪU


Kể từ hỗn độn sơ khai,
Chí Tôn hạ chỉ trước Đài Linh Tiêu.
Lưỡng nghi phân khí hư vô,
Diêu Trì Kim Mẫu nung lò hóa sanh.
Am Dương biến tạo Chơn thần,
Lo cho nhơn vật về phần hữu vi.
Mớm cơm vú sữa cũng tay,
Dưỡng sanh đùm bọc với tài chí công.
Xét vì nhơn vật lẽ đồng,
Chắt chiu hằng để trọn lòng chung thương.
Chí mong hòa hảo âm dương,
Thuận căn theo lối bước đường vẹn chơn.
Mẫu Nghi hằng giữ lòng đơn,
Mảng lo cho trẻ đặng tròn tấm thân.
Riêng thương Kim Mẫu khóc thầm,
Biển trần thấy trẻ lạc lầm bấy lâu.
Đòi phen mẹ luống u sầu,
Cũng vì tà mị dẫn đường con thương.
Đỉnh chung là miếng treo gương,
Khiến nên trẻ dại lạc đường quên ngôi.
Ngọt ngon trẻ nhiểm mến mùi,
Trẻ nào có biết khúc nôi đọan trường.
Ngồi trông con đặng phi thường,
Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh.
Xưa con không thấu cội nhành,
Vì đường đạo bế biệt cành hoa rơi.
Từ con cách Mẹ phương trời,
Trầm luân khổ hải chơi vơi sóng trần.
Dầu thương nhắm mắt đưa chơn,
Giờ nay gặp lối nghiệt trần giảm tiêu.
Ngọc Hư định phép cũng nhiều,
Phái vàng Mẹ lãnh dắt dìu trẻ thơ.
Trước kia trẻ vẫn mịt mờ,
Từ đây mới hản ơn nhờ Mẫu Nghi.
Đắc truyền khai mốiTam Kỳ,
Dưới tay cậy có Diêu Trì Cửu Nương.
Chín Cô đã sẵn lòng thương,
Mê tân độ chúng bườm trương thoát vòng.
Lục Nương phất phướn truy hồn,
Tang thương nay lúc bảo tồn chúng sanh.
Bát Nương thật đấng chí linh,
Cùng chung giáo hóa ân cần lo âu.
Thất Nương khêu đuốc Đạo đầu,
Nhờ Người gợi ánh nhiệm mầu huyền vi.
Môn sanh thiện niệm hằng ngày,
Cúi xin Kim Mẫu muôn loài cứu ương.
Đê đầu khấu bái Nương Nương,
Nén hương đạm bạc xin thương chứng lòng.
“Nam mô Tạo Hóa Huyền Thiên Diêu Trì Kim Mẫu.”
“Nam mô Tạo Hóa Huyền Thiên Cửu Vị Nữ Phật.“


QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC PHẬT MẪU


Quyền năng vô biên của Đức Phật Mẫu được cho biết trong 


2 bài kinh :
Phật Mẫu Chơn kinh và Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu,và trong các bài Thánh ngôn của Đức Phật Mẫu ban cho.


Một số quyền năng của Ngài được kể ra như sau:


1.Chủ Âm Quang: 

đức Chí Tôn giao cho đức Phật Mẫu làm chủ phần Am trong tòan cả Càn Khôn Vũ trụ.
Phật Mẫu Chơn Kinh:
Chủ Âm Quang thường tùng Thiên mạng.


2.Chưởng quản Kim Bàn: 

Kim Bàn hay Kim Bồn là nơi Đức Phật Mẫu dùng chứa các Ngyên chất để tạo Chơn thần (xác thân thiêng liêng) cho con người nơi cõi thiêng liêng.
Kinh Đệ cửu Cửu:
Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,
Tạo hình hài các bậc nguyên nhân.


3.Chưởng quản Vườn đào tiên : 

đức Phật Mẫu tạo ra Vườn đào tiên và dùng các quả Đào tiên ban thưởng cho các Chơn linh tu hành đắc đạo khi trở về cõi Thiêng liêng hằng sống.Phật Mẫu Chơn Kinh:
Chưởng Đào tiên thủ giải trường tồn.
Kinh Đệ nhị Cửu:
Tây Vuơng Mẫu vườn đào ướm chín,
Chén trường sanh có lịnh ngự ban.
Tiệc hồng đã dọn sẵn sàng,
Chơn thần khá đến hội hàng chư linh.
Hằng năm, đến kỳ đào tiên chín, Đức Phật Mẫu mở Hội Yến Bàn Đào nơi Diêu Trì Cung, dùng các quả đào tiên và tiên tửu, đãi các Đấng Tiên Phật nơi cõi thiêng liêng.


4.Tận độ nhơn sanh: 

Toàn cả nhơn lọai, nhứt là 92 ức nguyên nhân đang còn trầm luân nơi cõi trần, đều là con cái thương yêu của Đức Phật Mẫu. Đức Phật Mẫu tận dụng các hình thức giáo hóa để cứu độ tất cả con cái, đem trở về cõi thiêng liêng, để được Đức Chí Tôn phán định phẩm tước và ngôi vị. Phật Mẫu Chơn Kinh:
Nghiệp hồng vận tử hồi môn,
Chí Công định vị vĩnh tồn Thiên cung.

Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Diêu Trì Kim Mẫu đắc lịnh Đức Chí Tôn giáng điển lâm trần dìu dắt, độ dẫn chúng sanh trên đường giải thoát với tình thương vô tận vô biên của đấng Đại Từ Mẫu.

Kinh Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu :
Đắc truyền khai mối Tam Kỳ, Dưới tay cậy có Diêu Trì Cửu Nương.
Chín Cô đã sẵn lòng thương, Mê tân độ chúng bườm trương thóat vòng.


5. Chưởng quản Tạo Hóa Thiên :

Tạo Hóa Thiên là từng trời rất huyền diệu, cao nhứt trong Cửu Trùng Thiên. Theo Di Lạc Chơn Kinh, từng trời Tạo Hóa Thiên có: Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chuởng Hậu Phật, Thủ Luân Phật, cùng với Chín vị Nữ Phật, hằng hà sa số chư Phật, đều tuân theo mạng lịnh đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn, có khả năng tạo hóa tất cả các Chơn linh, có khả năng vào ra các cõi trần, nuôi nấng chăm sóc chúng sanh, trở về nguồn cội là ngôi vị Phật.

6.Quyền làm Mẹ Vạn linh: 

đức Phật Mẫu là Mẹ thiêng liêng, Mẹ linh hồn của cả Vạn linh gồm: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Phật Mẫu Chơn Kinh:
Càn Khôn sản xuất hữu hình,
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh.


(Theo Sọan giả Kim Hương, trong tập Báo Ân Từ &Hội Yến Bàn Đào, Tòa Thánh Tây Ninh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét