Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Ý Trinh lễ lạy Báo Ân Từ













BÁO ÂN TỪ




I.Tổng quát
II. Lịch sử kiến trúc Báo Ân Từ
III. Sự tích Hớn rước Diêu Trì
IV. Mô tả và Kích thước Báo Ân Từ
A. Phần bên ngoài
B. Phần Chánh Điện thờ Đức Phật Mẫu
C. Phần Hậu Điện
Sự Tích Tam Thiên Quân: Phước , Lộc, Thọ










I.Tổng quát

Báo Ân Từ là tòa nhà lớn để thờ các bậc tiền bối có đại công với Đạo và các bậc vĩ nhân có đại công giúp nền văn minh của nhơn loại tiến hóa lên cao, và để nhơn sanh tỏ lòng biết ơn các bậc ấy. 

Hiện nay, Báo Ân Từ được tạm dùng làm Đền Thờ Đức Diêu Trì Kim Mẫu (tức là Đức Phật Mẫu). 

Khi nào Hội Thánh xây dựng được Điện Thờ Phật Mẫu Trung Ương thì Báo Ân Từ sẽ được xử dụng đúng chức năng của nó, là nhà thờ các bậc tiền bối có đại công với Đạo và với nhơn loại. 

Đức Phạm Hộ Pháp nói rằng : Báo Ân Từ là Panthéon của Đạo, tức là Công Thần Miếu của Đạo, và Đức Chí Tôn gọi nó là Vân Đài.
Cho nên, Báo Ân Từ thuở xưa có 2 đôi liễn sau đây, đều khởi đầu bằng 2 chữ BÁO ÂN để nói lên ý nghĩa của ngôi Báo Ân Từ :

- BÁO đắc Thánh danh hương hỏa thiên thu phụng tự,
- ÂN di thế đại uy linh vạn cổ lưu tồn.

Nghĩa là : . Báo đáp được các bậc Thánh, ngàn năm thờ phượng cúng tế,
. Lưu lại cái công ơn to lớn cho đời, cái oai linh được mãi mãi lưu truyền tồn tại.

- BÁO đáp chí công tiền bối khai cơ Thiên đạo lưu truyền thiên vạn đại,
- ÂN từ đại đức hậu nhơn thừa kế tôn sùng Chánh giáo thất ức niên.

Nghĩa là :

. Đền đáp công nghiệp lớn lao của các bậc tiền bối đã mở ra nền tảng Đạo Cao Đài để truyền lại muôn đời về sau,
. Đền thờ những vị có ơn đức lớn, người sau thừa kế nền Đạo Chơn chánh, tôn sùng đến 700 000 năm.








II. Lịch sử kiến trúc Báo Ân Từ 

 Vào năm 1932, Đức Phạm Hộ Pháp bảo các vị công quả Phạm Môn đi tháo dở 3 căn nhà gỗ của 3 Sở Phạm Môn : Sở Dưỡng Lão, Sở Nữ Công Nghệ, và Sở Trường Hòa, vì 3 căn nhà nầy đều có cùng kiểu vở và kích thước, đem chở tất cả vào Nội Ô Toà Thánh để ráp lại thành một ngôi nhà lớn bên cạnh Hộ Pháp Đường, dùng làm Báo Ân Tư. 

Lúc đó, Báo Ân Từ có cột làm bằng gỗ, vách đắp bằng đất, và mái lợp ngói. 

Qua năm sau, 1933, Hội Thánh khởi công xây dựng Tòa Thánh (Đền Thánh) thiệt thọ bằng vật liệu nặng với bê-tông cốt sắt, nên phải tháo dở Đền Thánh cũ làm bằng cây ván lúc trước, và đem dời Quả Càn Khôn đến tạm đặt thờ nơi Báo Ân Từ. 

Vì không tính trước, nên khi Quả Càn Khôn đưa vào cửa Báo Ân Từ thì không lọt, bề ngang cửa nhỏ hơn một chút, túng thề đành phải ép Quả Càn Khôn móp vô một chút đặng cho lọt qua khung cửa. 

Đứng trước cảnh nầy, Đức Phạm Hộ Pháp khóc và nói rằng : " Rồi đây Phước Thiện sẽ khổ lắm." 

Việc xây cất Tòa Thánh trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, kéo dài ngót 14 năm, mãi đến Tết năm Đinh Hợi (1947), Tòa Thánh mới được xây cất và trang trí xong. 

Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Hợi (dl 27-1-1947), Đức Phạm Hộ Pháp làm lễ di chuyển Quả Càn Khôn từ Báo Ân Từ trở về an vị nơi Bát Quái Đài của Tòa Thánh mới để thờ.
Lúc bấy giờ, Đức Phạm Hộ Pháp cho dọn dẹp và sửa soạn trở lại Báo Ân Từ để dùng tạm làm Đền Thờ Đức Phật Mẫu, bởi vì từ ngày Khai Đạo đến giờ, nơi Nội Ô Tòa Thánh chưa có Đền Thờ Đức Phật Mẫu. 

Đức Hộ Pháp dạy Hội Thánh Phước Thiện tổ chức buổi lễ thỉnh Long vị Phật Mẫu nơi Đền Thờ Phật Mẫu tại Trường Qui Thiện đem về thờ nơi Báo Ân Từ và dạy Lễ vụ Phước Thiện tạo thêm 2 Long vị chữ Nho để thờ 2 gian bên là : Chư Chơn Linh Nam phái và Chư Chơn Linh Nữ phái.
Đây là một vinh dự cho các vị công quả nơi Trường Qui Thiện mà Ông Đinh công Trứ đứng đầu. 

Nguyên Ông Đinh công Trứ là Chủ trưởng của Minh Thiện Đàn do Đức Lý Giáo Tông lập năm 1928 tại làng Phú Mỹ tỉnh Mỹ Tho; đến năm 1929, Đức Lý Giáo Tông bàn giao Minh Thiện Đàn cho Đức Hộ Pháp cai quản. Nơi đây có lập một Thánh Thất gọi là Thánh Thất Khổ Hiền Trang và một Sở Thảo Đường, do lời dạy của Đức Phật Mẫu giáng cơ năm 1928 với bài thi Thảo Đường, chép ra như sau:

Thảo Đường phước địa ngộ tòng hoa,
Lục ức dư niên võ trụ hòa.
Cộng hưởng phàm gian an lạc nghiệp,
Thế đăng Bồng đảo định âu ca.

Thích nghĩa :
. Ngôi nhà tranh nơi đất phước gặp một mối Đạo mới mở ra,
. Hơn sáu trăm ngàn năm, vũ trụ được hòa bình.
. Nhơn loại nơi cõi trần cùng nhau hưởng được cảnh an cư lạc nghiệp,
. Cõi trần tiến lên thành cõi Tiên, mọi người đều có đời sống thạnh vượng vui vẻ.


Do đó Đức Phạm Hộ Pháp có dạy Ông Đinh công Trứ lập bàn thờ Đức Phật Mẫu nơi Sở Thảo Đường. Sự thờ phượng Đức Phật Mẫu nơi đây còn rất đơn sơ.
Thời gian kể từ năm 1941, giặc giã bắt đầu nổi lên và cuờng độ chiến tranh càng lúc càng lớn. Nơi làng Phú Mỹ không còn được an ninh như trước, nên từ năm 1943 đến năm 1945, Ông Đinh công Trứ cùng với các bạn đạo trong Minh Thiện Đàn, rời bỏ Phú Mỹ, tản cư về Tây Ninh, lập ra Trường Qui Thiện để làm cơ sở tiếp tục tu hành.
Tại Trường Qui Thiện, Ông Đinh công Trứ tạo lập một Đền Thờ Đức Phật Mẫu khang trang hơn nhiều so với lúc còn ở Phú Mỹ, gọi là Đền Thờ Phẫt Mẫu Qui Thiện. 

Long vị của Đức Phật Mẫu thờ nơi Báo Ân Từ có đề ở giữa 4 chữ Nho lớn theo đường thẳng đứng là : 
DIÊU TRÌ KIM MẪU. 

Phần tô điểm trang trí sơn phết thì Đức Phạm Hộ Pháp giao cho Ban Kiến Trúc. Tá lý Sở Đắp Vẽ Lâm thành Kía và Nguyễn thế Trạch lãnh đắp chơn dung Đức Cao Thượng Phẩm đứng trên mặt dựng trong Báo Ân Từ, tay cầm Long Tu Phiến đưa lên, mặc áo rộng trắng. 

Đức Phạm Hộ Pháp dạy Lễ Viện Phước Thiện sửa soạn đúng 6 giờ chiều ngày mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Hợi (dl 30-1-1947), thiết Lễ an vị Đức Phật Mẫu.
Từ từ, toàn thể Chức sắc và Đạo hữu tề tựu tại Báo Ân Từ, các Chức sắc đều mặc Đại phục theo sắc phái, khi thấy Đức Hộ Pháp mặc áo dài trắng thường phục, cả thảy đều trở về thay đổi, mặc áo dài trắng tay chẹt hết. 

Đức Hộ Pháp nói : " Nơi triều Thiên ở Đền Thánh chầu Lễ Đức Chí Tôn là đẳng cấp nên phải có áo mão, còn về nơi đây là cửa Phật của Đức Phật Mẫu, chỉ với tình MẸ - CON mà thôi, nên không mặc Thiên phục với áo mão." Đức Ngài sắp đặt Chức sắc Nữ phái quì ban giữa, kế tiếp đến Nữ Đạo hữu quì chót. Ban bên hữu toàn là Nữ phái quì cúng; Ban bên tả thì thuộc Nam phái, Chức sắc Nam phái quì trước, nối theo là các Nam Đạo hữu. 

Ngoại Nghi được gọi là Bàn Hội Đồng, cũng hương hoa trà tửu quả, để mời chư Chức sắc Đại Thiên Phong Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài quá vãng như Đức Cao Thượng Phẩm, Đức Quyền Giáo Tông, vv...đến dự lễ cúng Phật Mẫu.
Phía sau Ngoại Nghi, dành cho Đức Hộ Pháp cùng chư vị Thời Quân và Chức sắc Hiệp Thiên Đài quì cúng Đức Phật Mẫu. 

Sau khi cúng Đức Phật Mẫu xong, lễ thành, Đức Ngài gọi Lễ Viện Phước Thiện và các Giáo Nhi, Đồng Nhi, đến đứng chung quanh Bàn Hội Đồng (Ngoại Nghi). 

Đức Ngài dạy :
" Khi cúng rồi phải day ra xá một xá, cũng như ở Đền Thánh vậy. Nên hiểu, không phải xá Hộ Pháp, mà là xá để kỉnh chào Khí Sanh Quang, tức là nguồn cội của Pháp biến sanh vạn vật : trước là Phật Pháp Tăng gọi là Tam Qui, trong Pháp ấy xuất hiện Phật Mẫu, kế tiếp vạn linh, vạn vật, vv ... Bởi cái Bí Pháp Diêu Trì Cung có liên quan mật thiết cùng Hiệp Thiên Đài (một căn cội Pháp) vận hành nguơn khí. Nơi nào có Hiệp Thiên Đài thì có Tam Qui thường bộ Pháp giới. Mặc dầu nơi đây không có thờ chữ KHÍ mà buộc mình phải xá ra, đó là lòng tin tưởng biết ơn và chào mạng sanh của chúng ta đó vậy

Mấy em lễ sĩ nhớ, khi cúng Đức Phật Mẫu, phải xướng câu : " NAM NỮ NHẬP ĐÀN." Nơi nầy về MẸ , ai cũng là con, không ai dám xưng Chức sắc, dầu Hộ Pháp cũng là con.

Lễ sĩ mặc áo vàng phái Thái, được phép đi giày mang vớ trắng. Theo lẽ có Lễ sĩ Nữ dâng Tam Bửu, mà thấy coi bộ bề bộn, phải mấy đứa thủ trinh, còn nhỏ, bắt nó tập lễ đi coi gọn hơn.

Mấy em Giáo Nhi, khi cúng đàn nơi Đền Thờ Phật Mẫu, đọc bài Kinh Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu, rồi kế Điện Hoa. Khi cúng Tứ Thời mới tụng bài Kinh Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu, tụng đến câu : Cùng chung giáo hóa chung cùng lo âu, thì sửa lại là : Cùng chung giáo hóa ân cần lo âu; để rồi Bần đạo cho lịnh Tiếp Lễ Nhạc Quân sửa lại những chữ trùng tự trong Kinh.

Bài Dâng Hoa đến chữ : Cúi mong Thượng Đế ...thì sửa lại là : Cúi mong Phật Mẫu rưới ân Thiên.

Kỳ Lễ cúng Phật Mẫu nầy, theo lẽ cúng giờ Ngọ, nhưng Bần đạo định cúng thời Dậu là cốt yếu thuộc Âm, lại là ngày Vía Đức Chí Tôn. Buổi đầu, Bần đạo biết thế nào cũng bở ngở và sơ sót, nên cúng để chỉ dạy . Đến kỳ Sóc Vọng tới đây, phải chấn chỉnh cho trang hoàng.

Từ đây, Lễ Viện Phước Thiện, Hành Chánh, phải tuân y lịnh dạy, đừng sửa đổi. Vào những ngày Sóc Vọng cùng các ngày Lễ, Vía, phải thiết lễ cúng Đức Chí Tôn vào thời Tý, còn cúng Đức Phật Mẫu vào thời Ngọ.

Từ đây về sau, nơi nào muốn lập Đền Thờ Phật Mẫu thì phải lập Thánh Thất trước, rồi mới lập Đền Thờ Phật Mẫu sau. Phải coi cách thức hành lễ nơi Đền Thánh và nơi Báo Ân Từ đây mà bắt chước làm y theo một khuôn mẫu, chẳng nên canh cải trái Pháp mà sanh biến, loạn hàng thất thứ."

(Viết theo bài Tường thuật của Ông Truyền Trạng Phạm ngọc Trấn).

Ngày 2-2-Đinh Hợi (dl 22-2-1947), Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng cơ tại Báo Ân Từ, bày tỏ sự cảm động vì con cái của Phật Mẫu đã lập Đền Thờ Phật Mẫu trang trọng để thờ phụng Người. (Xin xem bài Thánh ngôn số 11 ở phần Thánh Ngôn Sưu Tập phía sau).

" Đức Phạm Hộ Pháp có dành một khu đất rộng 4 mẫu phía trước cửa Hòa Viện để chánh thức kiến tạo Đền Thờ Phật Mẫu (Trung Ương).
Nhưng lòng từ bi của Phật Mẫu thấy con cái còn đang chịu loạn lạc khổ sở, trong cửa Đạo lại có sự chia phân, nên Đức Phật Mẫu dạy tạm thờ Phật Mẫu nơi Báo Ân Từ, là nhà thờ công nghiệp của con cái Phật Mẫu, đặng thấy lòng thương yêu cưng con đáo để của Phật Mẫu dường nào, cho đến khi cổi xác phàm, còn đem vô tế lễ cũng là trình diện trước mắt Bà MẸ Thiêng liêng." (Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp).
Khu đất rộng 4 mẫu mà Đức Phạm Hộ Pháp dành để cất Điện Thờ Phật Mẫu Trung Ương, nằm ở ngoại ô Tòa Thánh, trên đường Bình Dương, cách cửa Hòa Viện (cửa số 1) chừng 1000 thước về hướng Núi Bà, bên tay mặt, tại xóm Tà Mun hiện nay. 

Vào cuối năm Tân Mão (1951), nhận thấy Báo Ân Từ bằng cây ván, cất trước đây 20 năm, nay đã hư mục hầu hết, mái ngói quá cũ bị dột nhiều chỗ khi trời mưa, nên Bà Phối Sư Hương Nhiều, Chưởng quản Phước Thiện Nữ phái, có dâng tờ lên Đức Hộ Pháp và Hội Thánh xin cho Nữ phái Phước Thiện được lãnh cất lại Báo Ân Từ bằng vật liệu nặng cho chắc chắn.

Đức Hộ Pháp chấp thuận, nhưng kiểu mẫu phải do Ngài chỉ định và Ban Kiến Trúc đứng ra xây dựng.
Đức Ngài kêu Tá Lý Đinh văn Cung (Ban Kiến Trúc) chỉ dẫn từng chi tiết để chỉ huy công quả thợ hồ làm việc.
Phần làm móng, đúc cột và đà ngang, hoàn toàn bằng bê-tông cốt sắt, cả mái lợp bên trên cũng đúc bê-tông luôn, vách xây hai mươi bằng gạch rất chắc chắn.
Phần trang trí và đắp vẽ, Đức Phạm Hộ Pháp giao cho Tá Lý Hà văn Chỉnh của Ban Kiến Trúc, hướng dẫn công thợ đắp vẽ và sơn phết.
Đức Ngài dạy đắp một khuôn bao thật lớn ở ngay giữa tấm vách ngăn (mà phía sau làm Hậu điện) , để đắp các pho tượng thờ theo sự tích HỚN RƯỚC DIÊU TRÌ, tức là vua Hớn Võ Đế rước Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương và 4 Tiên đồng Nữ nhạc, cỡi chim Thanh loan đi xuống phàm trần để chứng lễ Khánh thọ của vua Hớn Võ Đế.

- 1. Trên hết đắp chơn dung Đức Phật Mẫu cỡi chim Thanh loan. (Thanh loan là con chim loan màu xanh, cùng một loại với chim phụng, con chim trống gọi là phụng, con mái gọi là loan. Thanh loan được dùng làm con chim lịnh của Đức Phật Mẫu và để Đức Phật Mẫu cỡi đi du hành đến các cõi trần.).
- 2. Kế đó đắp 9 pho tượng của Cửu vị Tiên Nương. - 3. Tiếp theo đắp 4 pho tượng của 4 vị Tiên đồng Nữ nhạc theo hầu Đức Phật Mẫu.
- 4. Đắp pho tượng của Ông Tiên Đông Phương Sóc đứng, 2 tay nâng một cái dĩa rước 4 quả đào Tiên do Đức Phật Mẫu đem xuống tặng mừng vua Hớn Võ Đế . Tượng của Ông Đông Phương Sóc phải đặt bên phía tay mặt của Đức Phật Mẫu mới đúng.
- 5. Bên phía tả của Đức Phật Mẫu đắp lên một ngôi chùa cổ thật đẹp gọi là Hoa Điện, rồi đắp Pho tượng Đức Thượng Phẩm Cao quỳnh Cư (thường gọi là Cao Thượng Phẩm) quì trước sân Hoa Điện.

Anh em công quả Sở Đắp Vẽ bạch : Bạch Thầy, làm sao biết được hình dung của Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương cùng các Đấng mà đắp.
Đức Hộ Pháp dạy : Tượng của Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương đắp theo hình chưng cộ lần đầu tiên năm Đinh Hợi (1947). Thầy có chỉ cho Chí Thiện Trạch với Trần phong Lưu làm và Tá Lý Lâm thành Kía cất giữ, coi theo đó làm mẫu. Khi trước có mượn bức ảnh của Bà Nữ Phối Sư Hương Hiếu về sự tích về đời nhà Hớn bên Tàu. Biểu mấy đứa nó rọi lại bức ảnh và chép lại sự tích ấy.

Trong lúc anh em công thợ làm việc, Đức Hộ Pháp thường đến xem sóc, chỉ dạy việc nầy việc nọ, khơi nhắc nhiều chuyện vui vẻ làm phấn khởi tinh thần của các anh em công thợ.

Nơi khuôn bao hình chữ nhựt ở tấm vách ngoài, ngó ngay vào Chánh điện, Đức Hộ Pháp định cho đắp tượng Đức Cao Thượng Phẩm quì nghinh tiếp Đức Phật Mẫu, nhưng sau đó Đức Ngài đổi ý, dạy chừa trống.
Đức Ngài nói: - Chờ ngày nào tạo được Đền Thờ Phật Mẫu Trung Ương chánh thức thì nơi đó sẽ đắp hình NAM BÌNH VƯƠNG PHẬT, cũng như nơi Đền Thánh có Hộ Pháp ngự trên ngai trông vào Bát Quái Đài. Còn ở đây là Báo Ân Từ dùng tạm làm Đền Thờ Phật Mẫu , nên chỗ nầy không đắp, để trống.
Anh em thợ hồ bạch :
- Xin Thầy cho biết hình Nam Bình Vương Phật để sau nầy mấy con đắp.
Đức Hộ Pháp nói :
- Chừng nào tạo Đền Thờ Phật Mẫu chánh thức thì Thầy sẽ cho biết, không gì lạ. Đền Thánh tượng trưng Bạch Ngọc Kinh tại thế có hình Hộ Pháp mặc Thiên phục khôi giáp, thì nơi Đền Thờ Phật Mẫu tượng trưng Lôi Âm Tự, lẽ dĩ nhiên có hình Ngài, nhưng không mặc Thiên phục , chỉ mặc áo cà sa nhà Phật mà thôi.

Theo tài liệu của Ban Kiến Trúc, Báo Ân Từ được :
+ Khởi công xây dựng ngày 16-1-Nhâm Thìn (dl 11-2-1952).
+ Đức Hộ Pháp trấn Thần và An vị cúng Đức Phật Mẫu ngày 4-8-Quí Tỵ (dl 11-9-1953).
+ Khánh thành ngày 9-1-Ất Mùi, nhân dịp Đại Lễ Khánh Thành Tòa Thánh Tây Ninh từ ngày mùng 6 đến ngày 16-1-Ất Mùi.








III. Sự tích Hớn rước Diêu Trì

 Lòng mộ Đạo và sự tín ngưỡng nơi Trời Phật đã trải qua các triều đại Đế Vương, dĩ chí đến đời nhà Hớn (Hán), duy chỉ có vua Hớn Võ Đế là thật lòng thành kính và tin tưởng có Đấng Phật Mẫu hơn ai hết.
Từ ngàn xưa, nhơn loại đã tin tưởng và thờ phượng Đấng Phật Mẫu , cũng gọi là Diêu Trì Kim Mẫu hay Bà Thiên Hậu, tin chắc rằng Đấng Vô Hình ấy tạo hóa ra nhơn loại và vạn vật, nhưng chưa ai được may mắn nhìn thấy Đức Phật Mẫu.
Vua Hớn Võ Đế hay Hán Vũ Đế (141-87 trước Tây lịch) là vị vua thứ 5 của nhà Hớn (Hán) bên Tàu, có hùng tài đại lược, nhưng cũng rất tín ngưỡng Trời Phật.
Khi Hớn Võ Đế mới lên ngôi, Ngài có phát nguyện lập một cảnh chùa thật tráng lệ gọi là HOA ĐIỆN để sùng bái Trời Phật. Gọi là Hoa Điện, vì chùa nầy được chạm khắc hình các thứ hoa trên các vật liệu xây dựng, nên mới trông vào thấy như là một Cung Điện toàn bằng hoa.
Ngôi chùa lớn lao cực kỳ xinh đẹp như thế, nhưng nhà vua chưa quyết định thờ Đấng nào, chỉ để trống, chủ tâm là chờ đợi đến chừng nào nhà vua thấy được sự huyền diệu hiện tượng ra thì nhà vua mới sùng bái.

Đến năm Hớn Võ Đế được 61 tuổi, nhà vua định tổ chức một Lễ Khánh Thọ Đáo tuế long trọng, và Ngài có sở vọng là cầu khẩn thế nào cho có Đức Phật Mẫu giáng xuống chứng lễ, nên nhà vua lập bàn hương án trước sân chùa cầu khẩn ngày đêm, mà không biết Đức Phật Mẫu ngự ở nơi nào và có thấu biết chăng.
Lúc bấy giờ có Ông Đông Phương Sóc, tu đắc đạo thành Tiên, mà trước kia Ông có làm quan trong triều đình của vua Hớn Võ Đế, sau về núi tu luyện , đang ngồi tịnh, chợt động tâm, liền đoán biết hiểu rõ mọi việc của Hớn Võ Đế nơi triều đình. Ông liền xuống núi, đi đến Kinh đô, vào triều đình yết kiến Hớn Võ Đế.
Vua Hớn Võ Đế gặp được Đông Phương Sóc thì rất mừng rỡ, thuật hết mọi việc cho Đông Phương Sóc nghe và nói rõ ước vọng của nhà vua nhân cuộc Lễ Khánh thọ Đáo tuế là sở cầu Đức Phật Mẫu đến chứng lễ, mà không biết Đức Phật Mẫu ở nơi nào, và nhờ ai đi thỉnh, may mắn có Đông Phương Sóc tới, vậy nhờ khanh giúp trẫm đi thỉnh Đức Phật Mẫu được chăng ?
Ông Đông Phương Sóc tâu rằng :
- Bệ Hạ đã định thì Hạ thần xin phục mạng, dầu khổ nhọc thế nào, Hạ thần cũng sẽ đến Diêu Trì Cung thỉnh Đức Phật Mẫu, nhưng kết quả được cùng chăng là do lòng thành cầu nguyện của Bệ Hạ. Vậy xin Bệ Hạ ban chiếu cho Thần đi thỉnh.
Đoạn Đông Phương Sóc lãnh chiếu chỉ ra đi.
Ông dùng huyền diệu Tiên gia có khác, chỉ trong chốc lát, Đông Phương Sóc đã đến được Diêu Trì Cung nơi cõi Tạo Hóa Thiên.
Đông Phương Sóc xin vào yết kiến Đức Phật Mẫu và tâu bày hết các việc của vua Hớn Võ Đế khẩn cầu.
Đức Phật Mẫu cảm động và phán :
- Phật Mẫu sẽ giáng phàm vào đêm Trung Thu chứng lễ Khánh thọ của Hớn Võ Đế theo sự khẩn cầu, sẽ đem theo 4 Tiên đồng Nữ nhạc đờn ngâm bài chúc thọ, và tặng 4 quả Đào Tiên . Khi Phật Mẫu đến có Thanh loan báo tin trước.
Đông Phương Sóc rất vui mừng, bái tạ Đức Phật Mẫu, rồi cấp tốc trở lại trần gian, vào triều tâu bày các việc cho vua Hớn Võ Đế biết.
Nhà vua rất vui mừng và hỏi :
- Thanh loan là gì ?
Đông Phương Sóc đáp :
- Thanh loan là con chim loan màu xanh, đó là con chim lịnh của Đức Phật Mẫu, dùng để chở Đức Phật Mẫu du hành khắp nơi.

Xin Bệ Hạ chỉnh trang cho long trọng, tinh khiết và thanh tịnh để nghinh tiếp Đức Phật Mẫu, phải lập bàn hương án bên trong và bên ngoài, xông hương khử trược và cho thật tinh khiết và trang nghiêm.

Đêm rằm Trung Thu năm đó, trăng sáng vằng vặc, đầu giờ Tý, Hớn Võ Đế quì trước Hoa Điện, thành tâm cầu khẩn.
Xảy thấy một con chim Thanh loan đáp xuống sân Hoa Điện. Liền khi đó, Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương và 4 Tiên đồng Nữ nhạc giáng lâm trước Hoa Điện.
Hớn Võ Đế cung nghinh Đức Phật Mẫu vào ngự nơi Chánh điện của Hoa Điện.
Đức Phật Mẫu dạy 4 Tiên đồng Nữ nhạc trao tặng cho Hớn Võ Đế 4 quả Đào Tiên và ca ngâm bài chúc thọ. Ông Tiên Đông Phương Sóc quì, hai tay nâng cái dĩa lên để rước lộc (rước 4 quả Đào Tiên).

Bốn vị Tiên đồng Nữ nhạc ấy có tên là :
- Hứa Phi Yến,
- An Phát Trinh,
- Đổng Song Thành,
- Vương Tử Phá.

Sau khi chứng lễ Đáo tuế của Vua Hớn Võ Đế xong, Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương và 4 Tiên đồng Nữ nhạc cỡi chim Thanh loan trở về Diêu Trì Cung nơi cõi Thiêng liêng.
Vua Hớn Võ Đế ghi nhớ hình ảnh của Đức Phật Mẫu và Chín vị Nữ Tiên, cho thợ khéo, tạc hình Đức Phật Mẫu và Chín vị Nữ Tiên nơi Hoa Điện để ghi nhớ sự tích và phụng thờ Đức Phật Mẫu.
Sự tích nầy được truyền tụng đến ngày nay.

Do đó, nơi thờ Đức Phật Mẫu được gọi là ĐIỆN chớ không gọi là ĐỀN.

Do theo sự tích nầy, Đức Phạm Hộ Pháp dạy đắp tượng thờ Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương nơi Báo Ân Từ như đã trình bày trong phần II ở trên.

Nhưng ở đây không có tạo hình vua Hớn Võ Đế mà lại tạo hình Đức Cao Thượng Phẩm quì cung nghinh Đức Phật Mẫu. Tại sao ?
Đức Hộ Pháp có giải thích rằng :
- Đáng lẽ tạo hình Hớn Võ Đế, nhưng vì đời Hớn đến nay quá xa, lại nữa nguyên căn của Hớn Võ Đế là chơn linh của Hớn Chung Ly trong Bát Tiên đầu kiếp. Nay là thời Hạ nguơn Tam Chuyển, bước qua Thượng nguơn Tứ Chuyển, Bát Tiên lãnh lịnh giáng phàm làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai Đạo. Đức Cao Thương Phẩm chính là Chơn linh Hớn Chung Ly giáng phàm kỳ nầy, nên tạo hình Cao Thượng Phẩm thay vào chỗ Hớn Võ Đế thì thuận hơn.








IV. Mô tả và Kích thước Báo Ân Từ

A. Phần bên ngoài 

 * Đứng trên đường Phạm Hộ Pháp nhìn thẳng vào mặt tiền Báo Ân Từ, chúng ta thấy có một từng trệt, một từng lầu, bên trên có 2 lớp mái ngói âm dương màu đỏ chói vớùi mái cong cong như các chùa ở Á Đông; chính giữa nhô lên cao một cái tháp cao hình vuông có 4 từng với 3 lớp mái ngói cong đỏ vây quanh, trên nóc tháp là một hoa sen lớn, có cây thu lôi cao vút ở chính giữa. Tháp vuông 4 từng nầy dùng làm Tháp chuông của Báo Ân Từ.
Trên cây thu lôi, có gắn một hình chữ VAÏN làm bằng đèn ống, đặt trong một vòng tròn lớn cũng làm bằng đèn ống. Ban đêm, bật điện cho cháy các đèn nầy, chúng ta thấy chữ VAÏN và vòng tròn bao quanh hiện sáng trên bầu trời đêm rất đẹp.
Nơi từng lầu, ngay chính giữa phần lan can phía trước, dựng cố định một cây dài hơi xiên ra trước , dùng làm cái cán treo cây cờ 3 màu vàng xanh đỏ của Đạo Cao Đài.
Nơi từng trệt, chia làm 3 gian, có 3 cửa lớn đi vào bên trong. Hai bên bìa có 2 cầu thang hình xoắn ốc đi lên lầu.
Mặt tiền Báo Ân Từ, bề ngang đo được 18 thước, bề cao từ mặt đất lên tới hoa sen trên nóc Lầu chuông đo được 18 thước. Như thế, bề ngang và bề cao của Mặt tiền Báo Ân Từ đo bằng nhau và bằng 18 thước.

* Đi qua phía bên hông, nhìn vào bề dài của Báo Ân Từ, chúng ta thấy bên trên có 3 lớp mái ngói âm dương màu đỏ chói và ở trên nóc có đắp hình một con chim loan rất lớn màu xanh rất đẹp trong tư thế xòe cánh đáp xuống, gọi là chim Thanh loan.
Đây là con chim lịnh của Đức Phật Mẫu dùng để chở Đức Phật Mẫu du hành khắp nơi trong Càn khôn Vũ trụ.
Chỉ có phần mặt tiền của Báo Ân Từ là cất lầu, còn phần sau thì không lầu.
Theo bề dài của Báo Ân Từ, chúng ta đếm được tất cả 14 lồng căn, mỗi lồng căn rộng 4 thước, chia ra :

* 4 lồng căn phía sau cùng, có vách ngăn riêng ra, dùng làm Hậu Điện, trong đó thờ Cửu Huyền Thất Tổ chung, tượng trưng bằng 3 chữ nho PHƯỚC LỘC THỌ.
* 8 căn kế tiếp dùng làm nơi thờ phượng và bái lễ Đức Phật Mẫu. 8 căn nầy tượng trưng Bát Cảnh Cung của Đức Phật Mẫu nơi cõi thiêng liêng.
* Căn thứ 9 dành cho Ban Nhạc và Đồng nhi đứng tụng kinh khi cúng Đức Phật Mẫu vào Tứ thời mỗi ngày.
* Kế đó là một vách ngăn, chỉ ngăn phần gian giữa, trên đó có một khung lớn sơn màu trắng, tượng trưng Khí Sanh Quang.
* Phần bên ngoài tấm vách ngăm nầy là căn thứ 10 , nơi chính giữa có treo một cái ngôi sao lớn nhiều màu sắc, hai bên ngôi sao, trên 2 cây cột là đôi liễn chữ Nho mà 2 chữ khởi đầu là : BÁT QUÁI , phiên âm ra như sau :

- BÁT phẩm chơn hồn tạo thế giới hóa chúng sanh vạn vật hữu hình tùng thử Đạo,
- QUÁI hào bác ái định Càn khôn phân đẳng pháp nhứt thần phi tướng trị kỳ Tâm.
Nghĩa là :

- Tám phẩm chơn hồn tạo nên thế giới, và hóa thành chúng sanh, vạn vật hữu hình đều tùng theo cái Đạo ấy.
- Trong sự tạo hóa Càn khôn Vũ trụ, Đấng Thượng Đế dùng luật Thương yêu , sắp đặt mọi vật của Càn khôn Vũ trụ, phân chia ra nhiều thứ bực cao thấp khác nhau, chỉ duy có một Chơn linh vô hình làm chủ cái Tâm.
Phần đầu của câu liễn số 1 có ý nghĩa giống câu kinh : " Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh." trong Phật Mẫu Chơn Kinh, nghĩa là : Đức Phật Mẫu vận chuyển 8 phẩm chơn hồn đầu kiếp hóa thành chúng sanh nơi cõi trần.
* Chung quanh Báo Ân Từ đều có hành lang rộng bao bọc, phía trước, phía sau và 2 bên. Bề rộng của hành lang đo được 2 thước.

Hai mặt, bên ngoài và bên trong, của hành lang giáp vòng xung quanh Báo Ân Từ đều có vẽ những bức tranh, màu sắc rất đẹp, ghi lại các điển tích xưa về Hiếu, Trung, Nhơn, Nghĩa, có mục đích dạy dỗ con người về phần Nhơn đạo theo Nho giáo.
· Nơi mặt tiền Báo Ân Từ, bên ngoài và phía trên, có đắp hình nổi và tô màu 24 bức tranh Nhị thập tứ Hiếu, xem từ bên Nam phái sang Nữ phái, theo thứ tự kể ra như sau :

1. Ngu Thuấn
2. Hán văn Đế
3. Châu Thọ Xương
4. Vương Tường
5. Ngô Mãnh
6. Hoàng Hương
7. Đường thị
8. Khương Thi
9. Đinh Lan
10. Lục Tích
11. Vương Thôi
12. Mạnh Tông
13. Quách Cự
14. Dương Hương
15. Thái Thuận
16. Mẫn Tử Khiên
17. Tử Lộ
18. Lão Lai Tử
19. Diễm Tử
20. Đổng Vĩnh
21. Giang Cách
22. Sứu Kiềm Lâu
23. Hoàng Đình Kiên
24. Tăng Tử.


Hai bên hông Báo Ân Từ, chúng ta đứng bên ngoài nhìn lên phía trên hành lang, gần mái ngói, là các bức tranh vẽ màu sắc rất linh động, đếm các bức tranh từ bên Nam phái, vòng ra phía sau, rồi tiếp qua bên Nữ phái, tất cả được 29 bức, mỗi bức có đề tên, kể ra như sau :

1. Lôi Chấn Tử cứu cha thoát nạn.
2. Hữu Phước - Lệ Dung.
3. Bá Lý Hề.
4. Bạch khỉ đến sơn khê.
5. Vợ Châu Công.
6. Vua Sở đi cầu Đổng Vân trên núi Hoài sơn.
7. Hứa Hành chạy loạn tới vườn lê,
8. Từ Thức viếng chùa xem hoa.
9. Người báu hay của báu.
10. Lương Hồng - Mạnh Quang tề mi vẹn đạo.
11. Vua Hiên Viên tu đắc đạo.
12. Người sống hơn đống vàng,
13. Đông Lao - Tây Bích.
14. Ngài Trầm Quan lớn đi chơi.
15. Phật gieo mạ - Ba-ra-hoa-đa (Bharavadja).
16. Tôn điệt phế nhi.
17. Hoàng tử Việc-Văn-Tôn cùng thê tử kỵ lạc đà qua sa mạc.
18. Chúa Jésus Christ bị đóng đinh trên Thập tự giá chịu tội cho loài người.
19. Dương Giác Ai tử hữu - Tả Bá Đào.
20. Lê Lễ trở về rước gia đình.
21. Phật dạy Ra-hầu-la.
22. Oán trả oán, oán kia không dứt, Lấy nghĩa đáp đền, oán nọ mới tiêu.
23. Phật thuyết pháp tại chùa Linh Sơn.
24. Đậu Yên Sơn hữu nhân nghĩa.
25. Ngọc Mỹ Nhơn thử quẻ Khương Thượng.
26. Tống Hoằng chí trượng phu không đổi.
27. Bao Công chẩn bần xứ Trần Châu, Hồn Y thị đội trạng đầu cáo.
28. Công Dã Tràng.
29. Chiêu Quân cống Hồ.

Bây giờ chúng ta bước vào đứng trong hành lang bên Nam phái và quan sát lần lượt từ phía trước ra tới sau rồi vòng qua phía Nữ phái.
Chúng ta đứng day mặt ra bên ngoài, ngước mặt nhìn lên phía trên, phần trước, chúng ta thấy 9 bức họa lớn, vẽ những sự tích trong Truyện Tây Du Ký, xem từ bên Nam phái qua bên Nữ phái, kể ra như sau :

1. Hoa Quả Sơn trứng đá nở Hầu Vương.
2. Hầu Vương xưng Tề Thiên Đại Thánh.
3. Tiểu long hóa Bạch mã.
4. Yêu tinh Hắc Phong cướp cà sa.
5. Tam Tạng cứu Tề Thiên thoát khỏi núi Ngũ Hành và thâu làm đồ đệ.
Tam Tạng thâu Trư Bát Giới.
7. Tam Tạng thâu Sa Tăng.
8. Hồng Hài Nhi đốt Tề Thiên.
9. Kim Ngư Tinh bắt Tam Tạng.

Chúng ta trở qua hành lang bên Nam phái, đứng bên trong hành lang và hướng ra phía ngoài, nhìn lên phía trên, chúng ta cũng thấy những bức họa liên tiếp từ trước ra sau Hậu Điện, rồi tiếp tục vòng qua Nữ phái, ta cũng đếm được 29 bức họa, theo thứ tự kể ra sau đây :

1. Tô Võ.
2. Thần đồng vấn Khổng Tử.
3. Tôn Tẫn tầm sư học Đạo.
4. Phật Nhiên Đăng - Công Chúa Diệu Thiện.
5. Khổng Tử tác Xuân Thu.
6. Sĩ-Đạt-Ta vượt thành đi tu.
7. Tô Huệ chức cẩm hồi văn.
8. Châu Văn Vương ngồi ngục.
9. Lão Tử giáng sanh.
10. Kỉnh Tâm thọ hàm oan.
11. Từ Giáp.
12. Thành Bình Định, Võ Tánh thiêu mình.
13. Trưng Nữ Vương khởi nghĩa.
14. Đào Viên kết nghĩa.
15. Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện.
16. Huyền sử Ông Thầy không tên.
17. Trung Úy Võ Đông Sơ bình hải khấu.
18. Hạng Võ thất thủ thành Cai Hạ.
19. Sài - Triệu - Trịnh.
20. Hàn Dũ bị đày.
21. Tận trung báo quốc.
22. Hàn Tín lòn trôn.
23. Bạng Duật tương trì, Ngư ông đắc lợi.
24. Tích Mạnh Mẫu.
25. Tín nhạn.
26. Trương Lương dâng dép 3 lần.
27. Ngưu Lang - Chức Nữ.
28. Thương dương - Võ.
29. Mẫu đơn - Trĩ.

[ Các độc giả muốn biết rõ các Điển tích trên các bức họa vẽ bên ngoài và bên trong hành lang Báo Ân Từ, xin xem quyển : 91 Điển tích nơi Hành lang Báo Ân Từ. ]



B. Phần Chánh Điện thờ Đức Phật Mẫu 

Chúng ta đã quan sát xong phần bên ngoài Báo Ân Từ. Bây giờ chúng ta bước vào trong Chánh Điện, quan sát sự thờ phượng Đức Phật Mẫu.
Trên bức vách ngăn giữa Hậu Điện và Báo Ân Từ, nơi gian giữa có đắp tượng Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương và 4 Tiên đồng Nữ nhạc, ngồi trên lưng chim Thanh loan trong tư thế đáp xuống sân Hoa Điện.
Bên tay mặt của Đức Phật Mẫu, ở phía dưới, có tượng của ông Tiên Đông Phương Sóc đứng thẳng, 2 tay nâng một cái dĩa lên khỏi đầu để rước 4 quả Đào Tiên do Đức Phật Mẫu ban tặng cho Hớn Võ Đế. Phía tay trái của Đức Phật Mẫu , bên dưới, nơi sân Hoa Điện , có tượng của Đức Cao Thượng Phẩm tay cầm Long Tu Phiến, đang quì ngước mặt lên cung nghinh Đức Phật Mẫu.
Trên lưng chim Thanh loan :
- Tượng Đức Phật Mẫu to lớn, ngồi chính giữa.
- Hai bên tay mặt và tay trái của Đức Phật Mẫu là Cửu vị Tiên Nương tay cầm bửu pháp, kể ra như sau :


1) Nhứt Nương, mặc áo màu xanh, tay ôm đàn Tỳ bà, ngồi dưới thấp bên trái của Đức Phật Mẫu.
2) Nhị Nương, cũng mặc áo màu xanh, tay cầm Lư hương, ngồi kế Đức Phật Mẫu phía trái.
3) Tam Nương, cũng mặc áo màu xanh, tay cầm Quạt Long tu, ngồi dưới thấp bên mặt của Đức Phật Mẫu.
4) Tứ Nương, mặc áo màu đỏ, tay cầm Kim bảng, ngồi bên mặt Đức Phật Mẫu, kế Tam Nương.
5) Ngũ Nương, mặc áo màu đỏ, tay cầm cây Như Ý , ngồi bên trái Đức Phật Mẫu, kế Nhị Nương.
6) Lục Nương, mặc áo màu đỏ, tay cầm Phướn Tiêu Diêu (cũng gọi là Phướn Truy Hồn), ngồi kế bên mặt của Đức Phật Mẫu.
7) Thất Nương, mặc áo màu vàng, tay cầm bông sen, ngồi phía trái Đức Phật Mẫu, kế Nhứt Nương.
8) Bát Nương, mặc áo màu vàng, tay cầm Giỏ Hoa lam, ngồi nơi phía mặt của Đức Phật Mẫu, kế Tam Nương.
9) Cửu Nương, mặc áo màu xanh, tay cầm Ống tiêu, ngồi nơi phía mặt Đức Phật Mẫu, kế Lục Nương.

Phía sau Đức Phật Mẫu là 4 Tiên đồng Nữ nhạc theo hầu Đức Phật Mẫu có tên như sau :

* Vương Tử Phá, mặc áo màu xanh, đứng bên phía trái của Đức Phật Mẫu, tay cầm cây Phướn.
* Đổng Song Thành, mặc áo màu xanh, đứng bên phía mặt của Đức Phật Mẫu, tay cũng cầm một cây Phướn giống như Vương Tử Phá.
* An Phát Trinh, mặc áo màu vàng, đứng phía trái Đức Phật Mẫu, kế Vương Tử Phá, tay cầm cây quạt lông cán dài.
* Hứa Phi Yến, mặc áo vàng, đứng bên phía mặt của Đức Phật Mẫu, kế Đổng Song Thành, tay cũng cầm cây quạt lông cán dài.

Phía dưới tượng của Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương là Bàn thờ, trên đó có đặt một Long vị Đức Phật Mẫu, đề chữ Nho lớn thẳng đứng là : DIÊU TRÌ KIM MẪU.
Trên bàn thờ, cách bày trí Hoa, Quả, Rượu, Trà, Đèn, Nhang giống như bàn thờ Đức Chí Tôn, nhưng không có Đèn Thái Cực, chỉ có Đèn Vọng, và đặc biệt có 2 Lư hương :
- Một Lư hương đặt bên trên có cắm 5 cây nhang, dành thờ Đức Phật Mẫu.
- Một Lư hương đặt bên dưới có cắm 9 cây nhang phân làm 3 hàng, dành thờ Cửu vị Tiên Nương.
Lồng căn có đặt bàn thờ Đức Phật Mẫu gọi là lồng căn số 1. Lồng căn số 2, mỗi bên đặt 3 cây Tàn với 3 màu vàng, xanh, đỏ, theo thứ tự từ trong ra ngoài.
Lồng căn số 3, mỗi bên đặt một Dàn Lỗ bộ gồm 8 món binh khí thời xưa, có 2 cây Lọng đặt ở hai đầu.
Giữa 2 cây cột phân chia lồng căn số 2 và số 3, có đặt một Bàn Hương án dùng làm Nội Nghi, trên đó có : Bình bông, Dĩa trái cây, Lư trầm để đốt lên trong giờ hành lễ, Cặp chưn đèn và Lư hương cắm 3 cây nhang. Ngoài ra ở 2 bên, trên 2 ghế nhỏ có đặt 1 cái chuông và 1 cái mõ để đồng nhi tụng Di Lạc Chơn Kinh sau khi cúng thời Dậu xong. Do đó bàn Nội Nghi còn được gọi là Bàn Kinh.
Ngó ra bên ngoài, chúng ta còn thấy một Bàn Hương án nữa, đặt giữa 2 cây cột phân chia lồng căn số 6 và số 7, gọi là Bàn Hội Đồng, dùng làm Ngoại Nghi. Trên bàn Ngoại Nghi có Bình bộng, Dĩa trái cây, Đèn vọng, Ly rượu, Chung trà, Cặp chưn đèn, Lư hương cắm 3 cây nhang.
Bàn Hội Đồng dành cho Chơn hồn của các Chức sắc Đại Thiên Phong Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài quá vãng đến đó chầu lễ Đức Phật Mẫu khi cúng Đại đàn.
Cuối lồng căn số 8 có đặt một cái bàn, trên đó không có chưng bày gì cả, gọi là Bàn Lễ sĩ, để các Lễ sĩ chuẩn bị Bông, Rượu, Trà(Tam Bửu) điện lễ dâng cúng Đức Phật Mẫu.
Sau Bàn Lễ sĩ là lồng căn thứ 9, đặt một cái bàn tròn thấp, có băng tròn vây quanh dành cho Ban Nhạc ngồi đờn khi cúng Đức Phật Mẫu vào Tứ thời mỗi ngày.(Khi cúng Đại đàn, Ban Nhạc không được ngồi ở đây, mà phải lên lầu 1 Báo Ân Từ).
Bên cạnh Bàn tròn của Ban Nhạc, phía bên Nữ phái có đặt một cái Kiểng.
Bên ngoài Bàn tròn của Ban Nhạc là một tấm vách ngăn, trên đó có chừa một khung lớn, sơn toàn trắng, để tượng trưng Khí Sanh Quang.
Chúng ta đi trở lên, giữa 2 cây cột phân chia lồng căn số 1 và số 2, phía bên trên, sát với la-phông (Plafond) có đắp một tấm diềm. Phía sau tấm diềm có treo tấm màn màu vàng. Chúng ta còn thấy nơi Ngoại Nghi cũng có treo một tấm màn màu vàng tương tự.
Nhìn lên tấm diềm trước Bàn thờ Đức Phật Mẫu, chúng ta thấy có trang trí các thức mây lành ngũ sắc, phía bên trên có đắp hình một con chim Thanh loan, đây là con chim lịnh của Đức Phật Mẫu, và xung quanh có đắp 9 Bửu pháp của Cửu vị Tiên Nương, kể ra dưới đây :
. Bên dưới chim Thanh loan là cây phướn Tiêu Diêu của Lục Nương.
. Phía bên Nữ phái có 4 Bửu pháp : Kim bảng của Tứ Nương, Giỏ Hoa Lam của Bát Nương, Quạt Long tu của Tam Nương, và Ống Tiêu của Cửu Nương.
. Phía bên Nam phái có 4 Bửu pháp : Đờn Tỳ bà của Nhứt Nương, Lư hương của Nhị Nương, Cây Như ý của Ngũ Nương và Bông sen của Thất Nương.
Trên mỗi cây cột 2 bên Chánh điện có gắn một tấm bảng màu vàng, đề 3 chữ Nho : BÁT CẢNH CUNG, bên dưới đề một chữ Nho nữa : Kỳ (nghĩa là Cờ). Bảng nầy cho biết 8 lồng căn của Chánh điện làm nơi thờ Đức Phật Mẫu tượng trưng Bát Cảnh Cung của Đức Phật Mẫu, và bảng nầy còn dùng để cắm cờ đạo khi có Lễ lớn.
La-phông nơi gian giữa, tức là của phần Chánh điện, có hình dạng là phân nữa hình ống tròn, sơn màu xanh da trời, trên đó có vẽ mây trắng và vẽ một con rồng trắng ẩn hiện trong mây, đầu rồng ở nơi lồng căn số 9 và đuôi rồng nơi lồng căn số 3.

Bây giờ, chúng ta bước qua gian bên Nam phái để quan sát. Phía bên trong, ngang với tượng thờ Đức Phật Mẫu, có đắp một cái khánh thờ lớn, ở giữa cẩn hàng chữ Nho lớn thẳng đứng : CHƯ CHƠN LINH NAM PHÁI, bên trên có 2 chữ Nho nhỏ : CUNG PHỤNG, và bên dưới có 2 chữ TỌA VỊ.
Phía dưới chữ CHƯ CHƠN LINH NAM PHÁI là bàn thờ, ngay chính giữa có đặt một Long vị đề chữ Nho là TỊCH BỘ HỮU CÔNG, để thờ những Chức sắc Nam phái có đại công với Đạo. Hai bên Long vị nầy là 2 Long vị nhỏ hơn của Phạm Phối Thánh (Phối Thánh Phạm văn Màng) và của Bùi Phối Thánh (Phối Thánh Bùi ái Thoại).
Nhìn lên la-phông, thấy bằng ngang, sơn màu trắng, ngay chính giữa mỗi căn có trang trí một hình 8 cạnh vẽ mây và Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng).
Ngang với tấm diềm nơi gian giữa, bên gian Nam phái cũng có đắp một tấm diềm trang trí 5 sắc mây lành và Tứ Linh. Sau tấm diềm nầy có treo một tấm màn màu xanh.

Chúng ta bước qua quan sát gian bên Nữ phái, chúng ta thấy cách bố trí giống y như bên Nam phái, nhưng hàng chữ Nho lớn trên khánh thờ là : CHƯ CHƠN LINH NỮ PHÁI, và trên bàn thờ không có Long vị của 2 vị Phối Thánh, vì gian bên nầy chỉ thờ các Chơn linh Nữ phái mà thôi.
Chúng ta đo bề ngang của Báo Ân Từ nơi cửa hông, tính phủ bì cả 2 Hành lang hai bên, đo được 16 thước; từ vách bên nây sang vách bên kia đo được 12 thước, chia làm 3 gian, mỗi gian có bề rộng 4 thước; Hành lang rộng 2 thước. Nền Báo Ân Từ được lót bằng gạch bông. Sau nầy, lớp gạch bông được thay bằng lớp gạch men đẹp và bóng láng hơn.



C. Phần Hậu Điện 

Phần Hậu Điện Báo Ân Từ chiếm 4 lồng căn, nên có bề dài 16 thước ( mỗi căn có bề rộng 4 thước).
Giữa phần Hậu Điện và Chánh Điện có 2 cửa nhỏ thông nhau, một ở bên Nam phái và một ở bên Nữ phái.
Trong Hậu Điện có thiết lập một Bàn thờ, trên đó có đề 3 chữ Nho lớn : PHƯỚC LỘC THỌ. Đó là Tam vị Thiên Quân tượng trưng Cửu Huyền Thất Tổ chung cho mọi người, nên thường được gọi là Bàn thờ Ông Bà chung.
Tại sao ? Bởi vì người ta cho rằng Tổ Tiên Ông Bà của mỗi người đều ở trong 3 bực :

- Phước : Có con cháu đông đảo nối dõi tông đường.
- Lộc : Có chức phận và giàu có.
- Thọ : An nhàn và sống lâu.
(Xem bên dưới : Sự tích Phước Lộc Thọ).


Hai bên Bàn thờ có đặt 2 cây Lọng màu vàng.
Hai cây cột phía trước Bàn thờ có gắn đôi liễn bằng chữ Nho, phiên âm ra sau đây :


* BÁO đáp chí công tiền bối khai cơ Thiên đạo lưu truyền thiên vạn đại,
* ÂN từ đại đức hậu nhơn thừa kế tôn sùng Chánh giáo thất ức niên.

Nghĩa là :


. Đền đáp công nghiệp lớn lao của các bậc tiền bối đã mở ra nền tảng Đạo Cao Đài truyền lại muôn đời về sau,
. Đền thờ những vị có ơn đức lớn, người sau thừa kế tôn sùng nền Đạo chơn chánh đến 700 000 năm.
Trong Hậu Điện có đặt 3 dãy bàn ghế dùng làm nơi hội họp hay đãi tiệc trong Đạo.


Sự Tích Tam Thiên Quân: Phước , Lộc, Thọ 


 Phước Lộc Thọ là tên của 3 Ông : Ông Phước, Ông Lộc, Ông Thọ, vào đời nhà Đường bên Tàu. 

- Ông PHƯỚC có đức Trời ban, có con đông, nhưng nhà nghèo, lòng dạ chơn thật, tự lực cánh sinh, không chịu nhờ vả ai, tin tưởng vận mạng của mỗi người do Trời định, nên giữ lòng thanh bạch, không tham vọng. 

- Ông LỘC có đức của Đất cho, làm quan lớn tại triều đình, nhà giàu có lớn, tiền của dẫy đầy, có kẻ hầu người hạ, tánh tình hòa nhã, thanh liêm, một lòng vì nước vì dân, giàu lòng nghĩa hiệp, hay trợ khó giúp nghèo, mến hiền trọng đạo. 

- Ông THỌ có đức do Người tạo, độc thân, sống lâu hơn mọi người, có lòng nghĩa hiệp, hay giúp đỡ người nghèo khổ, chỉ sống bằng nghề ăn trộm, một năm chỉ ăn trộm một lần để nuôi thân suốt năm, không ham lấy thêm, gặp người quá nghèo khổ thì đi ăn trộm của nhà giàu, đem tiền đến cứu giúp.


Sự tích 3 Ông Phước, Lộc, Thọ được Đức Phạm Hộ Pháp giảng giải trong đêm giao Tòa nhà mới vừa xây cất xong vào năm 1947 dành cho Hiệp Thiên Đài làm Văn Phòng của chư vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài, có đông đảo Chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài tham dự. 

" Ba Ông Phước, Lộc, Thọ cùng ở một thôn. 

- Ông Phước thì nghèo khổ mà đông con. 

- Ông Lộc thì làm quan, giàu có mà không con.

- Ông Thọ thì có nghề sở trường là ăn trộm, đi làm việc một đêm đủ tiền chi dụng một năm, ngoài ra chẳng làm việc gì khác. 

Một hôm, Ông Thọ khởi sự hành nghề ăn trộm, đang đêm đi ngang qua nhà Ông Phước, thấy đèn còn thắp leo lét, ghé vào đứng bên ngoài xem, nghe vợ của Phước than thở nghèo khổ, con cái quần áo tả tơi. 

Ông Thọ thấy vậy cảm động đem lòng thương xót thầm, nghĩ rằng : Đêm nay, mình đi ăn trộm chuyến nầy để giúp Anh Phước đỡ nghèo, có tiền mua gạo ăn và sắm quần áo cho đàn con đông đảo.

Nghĩ vậy rồi liền thực hành, đi đến nhà Ông Lộc, rình cho đến khuya, đợi tôi tớ trong nhà ngủ say, mới đánh ngạch vào nhà, mở tủ lấy trộm được một số vàng bạc khá nhiều, bọc vào một cái khăn, rút lui êm tịnh, không ai trong nhà hay biết.

Ông Thọ liền đi ngay đến nhà Anh Phước, trời vẫn còn khuya, kêu Anh Phước dậy mở cửa, đốt đèn lên. Phước hỏi Ông Thọ, nửa đêm kêu cửa có việc chi cần gấp ?

Ông Thọ nói :
- Tôi đem giúp Anh một gói vàng bạc đây để Anh chi dụng trong nhà, mua gạo và sắm quần áo cho sắp nhỏ mặc cho lành lặn.

Ông Phước hỏi:
- Vàng bạc ở đâu mà Anh có nhiều như vậy ?

Ông Thọ đáp :
- Của tôi đem đến giúp Anh thì Anh cứ nhận mà dùng, hơi nào hỏi lòng vòng lôi thôi.

Ông Phước nói :
- Xin Anh cho tôi biết rõ của nầy do đâu mà có thì tôi mới dám nhận sự giúp đỡ của Anh, chớ tôi thấy Anh đâu có giàu gì !

Ông Thọ túng thế phải nói thiệt : - Số vàng bạc nầy do tôi lấy trộm của nhà giàu để đem lại giúp Anh cho đỡ nghèo.

Ông Phước nói :
- Tưởng đâu Anh làm ăn khá giả, dư tiền dư bạc mà giúp tôi, nào dè Anh đi ăn trộm, thì vàng bạc nầy là của phi nghĩa, của gian, tôi không dám nhận đâu, Anh hãy đem về đi.
Hai đàng nói qua nói lại một hồi, Ông Phước nhứt định không nhận, có vẻ giận, rồi mời Anh Thọ ra khỏi nhà, đóng cửa đi ngủ trở lại.

Ông Thọ nghĩ lấy làm lạ cho cái Anh Phước nầy, nhà nghèo rớt mồng tơi, đói nheo nhóc mà lại không chịu nhận vàng bạc bất nghĩa. Mình chẳng lẽ lấy số vàng bạc nầy về xài thì tỏ ra kém cỏi hơn Anh ta nhiều quá, nên quyết liều đem lại trả cho Ông Lộc.

Ông Thọ suy nghĩ như thế, liền trở lại nhà Ông Lộc, kêu mở cửa, rồi vào nhà nói rõ cho Ông Lộc biết :

- Hồi đêm hôm, tôi có lén đào ngạch vào nhà Ông ăn trộm một số vàng bạc để đem lại giúp cho Anh Phước, vì thấy Anh Phước nhà quá nghèo mà lại đông con, nhưng Anh Phước nhứt định không chịu nhận vì cho rằng của nầy là của ăn trộm, của phi nghĩa, nên tôi chẳng biết làm sao, đành liều đem lại trả cho Ông, xin Ông đừng bắt tội.

Ông Lộc nói :
- Tiền bạc ở trong tủ nhà của tôi thì nó mới là của tôi, nay nó đã ở trong tay Ông thì nó là của Ông, không phải của tôi nữa. Ông hãy mang về đi, tôi không biết tới nó nữa.

Ông Thọ nài nỉ :
- Tôi nói thiệt với Ông là số vàng bạc nầy là của Ông, Ông không tin thì vào mở tủ ra xem lại đi, tôi mới lấy trộm ra đó. Xin Ông tha tội cho tôi và cất nó trở lại vào tủ. 

Ông Lộc nhứt định không chịu nhận và mời Ông Thọ ra khỏi nhà.
Ông Thọ buộc phải ôm gói vàng bạc đi ra, trở về nhà, lòng nặng trĩu ưu tư, thầm nghĩ hai thằng cha Phước và Lộc là hai tay thật kỳ cục, phi thường khác tục. 

Ông suy nghĩ mãi và cảm thấy lương tâm ray rứt, kế trời hừng sáng. Ông quyết định là mình cũng không xài số vàng bạc nầy làm gì, mất giá trị lắm, chẳng lẽ mình thua Anh Phước sao, thôi mình nên đem đổ xuống sông cho rảnh.

Ông Thọ liền đem tất cả số vàng bạc ấy đến đứng giữa cầu, đổ trút xuống dòng sông nước đang chảy mạnh. Đúng lúc đó, có một đám người cờ bạc vừa tan sòng đi ra đến đầu cầu nhìn thấy, họ la hoãng lên vì động lòng tham, liền nhảy xuống sông để lặn mò lấy vàng bạc. Chẳng may nước chảy xiết quá, có một người ham lặn, hụt hơi chết đuối. 

Linh hồn chàng cờ bạc bị Quỉ sứ dẫn xuống Địa ngục phạt tội, liền tố cáo với Diêm Vương là tại Ông Thọ nên anh ta mới bị chết chìm một cách oan uổng và đòi Diêm Vương bắt Ông Thọ đền mạng.

Diêm Vương liền kêu Quỉ Sứ lên bắt hồn của Ông Thọ dẫn xuống. Diêm Vương hỏi Ông Thọ :
- Tại sao nhà ngươi làm cho tên nầy chết đuối oan mạng như thế ?
Hồn Ông Thọ đáp :
- Tâu Diêm Vương, tại tên nầy quá tham lam thấy tôi đổ vàng bạc xuống sông nên lặn mò quyết lấy, chẳng may bị hụt hơi chết đuối thì đáng kiếp lắm, chớ tôi đâu có xô nó xuống sông mà bắt tội tôi.
- Vàng bạc ở đâu ? Mà tại sao ngươi đổ xuống sông ?
- Vàng bạc nầy là của tôi, tôi không dùng thì tôi đổ xuống sông, ấy là quyền của tôi, tên nầy quá tham lam nên chết rán chịu. 

Diêm Vương lại phán :

- Mặc dầu là tiền bạc của nhà ngươi, nhưng lúc sắp soạn đổ xuống sông, ngươi phải lựa lúc vắng người, để không ai nhìn thấy mà khêu gợi lòng tham của kẻ xấu. Vậy ngươi chẳng chối tội đặng.
- Nếu Diêm Vương xét như vậy thì tội nầy là tội của Anh Phước mới đáng, chớ không phải tội của tôi, bởi vì số vàng bạc nầy, tôi đem lại cho Anh Phước để giúp Ảnh đỡ nghèo, mà Anh Phước không chịu lấy, nên tôi tức mình mới đem đổ xuống sông như thế.
Diêm Vương lại sai Quỉ Sứ lên bắt hồn của Ông Phước xuống đây đối chất. Diêm Vương hỏi Ông Phước :
- Số vàng bạc của Thọ đem đến giúp cho nghà ngươi, sao nhà ngươi không chịu lấy, để nó tức giận đem đổ xuống sông, làm cho tên cờ bạc nầy nổi lòng tham, lặn mò đến chết đuối ? Vậy nhà ngươi phải đền mạng cho tên cờ bạc nầy. 

Ông Phước biện bạch thưa rằng :

- Bẩm Diêm Vương, nhà tôi nghèo thật, nhưng vàng bạc của Anh Thọ giúp tôi là của gian, của ăn trộm, nên tôi nhứt định không nhận. Vậy tôi có tội gì ?
Diêm Vương quay qua quở Ông Thọ, Thọ liền thưa :
- Nếu như Anh Phước vô tội thì tội nầy phải là của Ông Lộc, bởi vì số vàng bạc nầy là của Ông Lộc do tôi lén lấy trộm đem về giúp Anh Phước, nhưng Anh Phước cho là của gian nên không nhận, tôi đành đem trả lại Ông Lộc và xin tha tội ăn trộm của tôi. Ông Lộc rất kỳ cục, không chịu chấp thủ, đuổi tôi ra khỏi nhà, nên tôi tức giận đem đổ xuống sông. Vậy tội nầy là của Ông Lộc.
Diêm Vương lại cho Quỉ sứ đi bắt hồn của Ông Lộc xuống tra hỏi. 

Ông Lộc biện bạch rằng :

- Số vàng bạc nầy của tôi bị mất đã đành, nhưng Ông Thọ đã lấy đem ra khỏi nhà tôi mà tôi không hay biết, thế là của đó không còn là của tôi nữa, nên dầu cho Ông Thọ có năn nỉ trả lại, tôi nhứt định không chịu nhận. Kể ra của đó cũng bất nghĩa, tôi đành chịu ngu dại chớ không nhận lại của đó. Nhận lại hay không là quyền chọn lựa của tôi, tôi đâu có phạm tội gì. 

Diêm Vương thẩm án, xét thấy 3 Ông Phước, Lộc. Thọ đều là người có nghĩa khí. Phước và Lộc đều trong sạch. Thọ có tội ăn trộm nhưng biết giác ngộ và làm việc phải, giúp người nghèo khó. Vậy cả 3 người nầy đều vô tội, chỉ có tên cờ bạc gian tham lặn mò cho đến đổi chết đuối là đáng kiếp, không thể khiếu nại gì được nữa. 

Diêm Vương phán rồi, liền sai Quỉ sứ dẫn hồn tên cờ bạc chết oan đem giam vào Địa ngục hành hình và truyền đưa 3 hồn Phước, Lộc, Thọ trở về dương gian nhập xác.

Khi 3 hồn về tới dương gian thì 3 xác của 3 Ông đã được thân nhân mai táng, sình thúi hư hỏng hết rồi, vì vụ thưa kiện nầy lòng vòng mất nhiều ngày giờ. Do đó, 3 Chơn hồn được đưa trở lại Địa phủ.
Diêm Vương làm tờ sớ trình bày tỉ mỉ sự việc, dâng lên Thiên Tào phán định. Thượng Đế xem xong, phán rằng :
- Phước nghèo, đông con, giữ được lòng thanh bạch. Thọ thì độc thân, không tham, có nghĩa, nhân từ. Lộc thì có lòng độ lượng.
Cho nên, Phước Lộc Thọ là 3 tánh đức của Trời, Đất, Người. Người mà có được 3 đức ấy để hưởng là một phúc hạnh lớn.
Nay phong cho 3 vị làm Tam Thiên Quân, và truyền cho thế gian tôn thờ 3 Đấng Thiên Quân nầy để làm gương.

Đạo Nho lấy sự tích Phước-Lộc-Thọ nầy làm biểu tượng thờ Cửu Huyền Thất Tổ, thể sánh Tổ Phụ Ông Bà thuở xưa cũng đã từng hưởng được 3 đức ấy.
Đức Phạm Hộ Pháp cho lập tại Hậu Điện Báo Ân Từ và nơi Khách Đình , thờ 3 chữ PHƯỚC-LỘC-THỌ bằng chữ Nho đại tự, để làm Bàn thờ Ông Bà chung.

Trong truyện Tây Du Ký có chép chuyện Tôn Hành Giả đi ra Đảo Bồng Lai gặp 3 Ông Phước, Lộc, Thọ, gọi là Thọ Tinh, Phước Tinh, Lộc Tinh. Chuyện ấy tóm tắt như sau :

" Sau khi Tôn Hành Giả nổi giận quật ngã cây Nhơn Sâm của Trấn Nguyên Đại Tiên ở Ngũ Trang Quán núi Vạn Thọ, bị Trấn Nguyên Đại Tiên dùng phép Tiên bắt hết 4 Thầy trò Tam Tạng để bắt đền cây Nhơn Sâm. Tôn Hành Giả hứa đi tìm thuốc cứu cây Nhơn Sâm ấy cho sống lại, hẹn trong 3 ngày trở lại, để Tam Tạng, Trư Bát Giới cùng với Sa Tăng ở lại làm tin.
Tôn Hành Giả thót lên mây, cân đẩu vân thẳng đến Đông Dương Đại Hải, tới nơi, Hành Giả đi thẳng đến Đảo Bồng Lai, thấy ngoài cửa Động Bạch Vân, dưới bóng tùng, có 3 ông già đang ngồi đánh cờ. Người ngồi xem là Thọ Tinh, còn 2 người đang đánh cờ là Lộc Tinh và Phước Tinh. Hành Giả bước tới chào hỏi :
- Kính chào 3 Ông Em.
Ba người bỏ ván cờ, đồng hỏi :
- Đại Thánh có việc chi tới đây ?
- Chẳng giấu gì các Ngài, Lão Tôn nhận bảo hộ Đường tăng đi Tây phương thỉnh kinh, giữa đường gặp một chút trở ngại, có tí việc muốn nhờ đến các Ngài giúp đây.

Phước Tinh hỏi :
- Trở ngại gì, Đại Thánh nói ra để chúng tôi còn liệu.
- Trở ngại ở Ngũ Trang Quán, núi Vạn Thọ.
Ba vị Phước, Lộc, Thọ kinh ngạc hỏi :
- Quán Ngũ Trang là Cung Tiên của Trấn Nguyên Đại Tiên. Chắc Đại Thánh vào đấy ăn trộm quả nhơn sâm của ông ấy chớ gì ? 

- Ăn trộm thì đáng là bao, Lão Tôn đã quật nó ngã chổng gọng chết rồi. Lão ấy bắt đền. Ta hứa đi tìm thuốc chữa cho cây Nhơn sâm ấy sống lại. Nó bắt Thầy ta ở lại làm tin, hẹn trong 3 ngày phải có thuốc. Ba Ngài có phương thuốc nào chữa cho cây Nhơn sâm ấy sống lại không ? 

Ba Ông Phước, Lộc, Thọ buồn rầu đáp :

- Con khỉ nầy chẳng biết gì hết. Trấn Nguyên Đại Tiên là Ông Tổ của dòng Địa Tiên. Chúng tôi đây thuộc dòng Thần Tiên, nhưng vẫn thuộc Thái Ất tán số, chưa phải là dòng Chân truyền, nên thoát khỏi tay người ta làm sao được. Tưởng như Đại Thánh giết chết loài thú chạy chim bay thì dùng Viên đơn lúa mạch của chúng tôi đây là có thể cứu sống được. Đằng nầy cây Nhơn sâm là giống cây Tiên, thì cứu làm sao được. Không có thuốc đâu ! 

Tôn Hành Giả nghe nói không có thuốc thì châu mày trợn mắt. Phước Tinh nói :

- Đại Thánh ạ ! Ở đây chúng tôi không có thuốc thật mà. Biết đâu nơi khác có thì sao, hơi đâu mà buồn phiền.
- Dù đi khắp chơn trời góc biển, việc đó có khó gì đối với Lão Tôn, ngặt Sư phụ của Lão Tôn phép nghiêm lượng hẹp, hạn cho có 3 ngày. Quá hạn 3 ngày không về thì ổng niệm Chú Cẩn Cô khổ lắm.
- Đúng ! Đúng ! Không có phép ấy để trói buộc Đại Thánh thì Đại Thánh lại chọc trời mất !
Thọ Tinh nói :
- Đại Thánh yên tâm, chớ phiền não. Vị Đại Tiên ấy, tuy là bậc trên của chúng tôi, nhưng cũng là chỗ quen biết. Để 3 chúng tôi đến đó thăm Ngài và nói giùm cho Đại Thánh, bảo Đường Tăng đừng đọc Chú Cẩn Cô, đợi khi nào Đại Thánh mang thuốc về, chúng tôi mới từ biệt. Đại Thánh an lòng lo đi tìm thuốc.
- Cám ơn 3 Ngài. Lão Tôn xin 3 Ngài đi ngay cho."

.............................................

(Sau đó Hành Giả đến cầu được Đức Quan Âm Bồ Tát, dùng nước Cam Lồ trong Tịnh bình, cứu sống được cây Nhơn sâm. Trấn Nguyên Đại Tiên mới vui lòng để cho 4 Thầy trò Đường Tăng lên đường thỉnh kinh).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét