ĐỨC PHẬT MẪU
Tùng Thiên - Từ Bạch Hạc
Lời Dẫn
Mẹ là dòng suối ngọt ngào.
Mẹ là bài hát Thần Tiên...
Từ ngàn xưa đến nay, có rất nhiều bài thơ, bài nhạc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới ca ngợi công đức sinh thành, dưỡng dục của người Mẹ thế gian.
Người đã cưu mang mầm sống, chờ đến lúc đủ ngày, đủ tháng, rồi phải chịu đau đớn để cho ta ra đời. Mẹ cho ta bú mớm, chăm sóc, dạy dỗ, hy sinh tất cả chỉ để mong con được nên người hữu dụng cho xã hội, và cho con được hạnh phúc. Không có Mẹ, làm sao con có thể lớn nổi thành Người ?
Xa Mẹ, lòng con hằng thương hằng nhớ. Đôi khi, con dại khờ ham vui bỏ mặc bên tai lời khuyên dạy của Mẹ hiền. Có những khi con cái còn dám hỗn xược chống đối cùng Mẹ, bạc đãi Mẹ, Mẹ vẫn thứ tha.
Lòng Mẹ thế gian bao la như thế! Tình của con đối với Mẹ, xưa nay vẫn có rất nhiều gương hiếu thảo. Nhưng còn người Mẹ Thiêng Liêng của ta, có ai biết đến và nhớ đến không?
Thuở chưa tạo Thiên lập Địa, trong vũ trụ chỉ có một chất khí huyền diệu gọi tên là Khí Hư Vô. Khí ấy xoay dần, rồi lần lần ngưng kết phát ra tiếng nổ thật lớn (Big Bang), tạo nên một khối ánh sáng vĩ đại gọi là Đại Linh Quang hay Thái Cực. Đấng ngự trên ngôi Thái Cực được nhân gian gọi dưới nhiều cái tên, như Đức Thượng Đế, Đức Chúa Trời, Đức Chúa Cha, Đức Chí Tôn, Đức Đại Từ Phụ, Đấng Tạo Hoá, Đấng Sáng Tạo, Đấng Allah…
Nguồn sống đầu tiên linh diệu ấy tạo ra một trạng thái thức động đối nghịch với trạng thái im lìm mờ mịt trước đó: Thái Cực phân Lưỡng Nghi. Từ đó cơ sinh hoá của vũ trụ bắt đầu hình thành. Đức Thượng Đế chưởng quản khí dương quang, còn ngôi hai của Ngài được gọi là Đức Phật Mẫu, chưởng quản khí âm quang. Ánh dương quang của Thượng Đế chiếu trên âm quang mà hoá sanh hình chất.
Lưỡng nghi phân ra Tứ Tượng Tứ tượng biến Bát Quái. Bát Quái biến hoá vô cùng Tạo ra Càn Khôn Thế Giới. Ý muốn sáng tạo của ngôi một, công sáng tạo của ngôi hai đã tạo nên vũ trụ và nhân loại. Ý nghĩa ẩn dấu được ghi trong Kinh Kabbalah, mật truyền của Do Thái Giáo:
Hơi thở trở thành hòn đá.
Hòn đá thành cỏ cây
Cỏ cây thành con thú.
Con thú thành con người.
Con người thành Thánh Thần.
Thánh Thần thành Thượng Đế.
Tóm lại: Con người ngoài Cha Mẹ ở thế gian còn có Cha Mẹ Thiêng Liêng nữa. Các vị tiến hoá cao trên đường tâm linh, các vị Giáo Chủ của những tôn giáo xưa nay đều là con cái của Đức Thượng Đế và Đức Phật Mẫu. Đây là hai Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu trong Càn Khôn Vũ Trụ.
Mẹ Thánh thiện, Mẹ lớn lao vô biên, chỉ kém hơn CHA, ngôi thứ nhất mà thôi.
Tất cả mọi chúng sinh trên trái đất đều tìm thấy ơn phúc nơi Mẹ Huyền Diệu nhưng không người con nào có thể hiểu Mẹ trọn vẹn được.
Xin Mẹ hãy nhận những lời bộc bạch sau đây như vài nét sơ lược giới thiệu Mẹ với thế gian, đồng thời chúng con xin ghi khắc những lời giáo huấn của Mẹ, đem Tình thương và Công chánh đến mọi người để tất cả có thể cùng chung sống trong Đại Đồng, dưới mái nhà Vũ trụ.
Với tất cả lòng biết ơn của chúng con.
“Sùng kính, muôn muôn lời sùng kính
Tri ân, vạn vạn lần tri ân”
Tùng Thiên
Từ Bạch Hạc
CHƯƠNG I
ĐỨC PHẬT MẪU LÀ AI?
A. NGÔI PHẬT MẪU
Khi chưa có Trời Đất nghĩa là còn trong thời kỳ Hỗn Mang hay Hồng Mông, trong vũ trụ chỉ có một chất khí đương hỗn độn, mờ mờ mịt mịt, lặng lẽ vô vi, thanh trược hỗn hợp, nhưng vô cùng huyền diệu, gọi là Khí Hư Vô (còn gọi là Hư Vô Chi Khí hay Tiên Thiên Hư Vô Chi Khí).
Khí Hư Vô ấy lần lần ngưng kết rồi nổ ra một tiếng thật lớn, sanh ra một khối Đại Linh Quang, cũng gọi là Thái Cực, trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hoá, vô tận vô cùng, quyền hành thống cả Càn Khôn Vũ Trụ.
Vũ trụ từ đây có một ngôi Thái Cực, duy nhất và Đấng Thống quản ấy thường được gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Chí Tôn. Đức Thượng Đế phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi: Dương Quang và Âm Quang. Đức Thượng Đế mới phân tánh ra Pháp, tức là định luật chi phối Càn Khôn. Đấng chưởng quản Khí Âm Quang, chưởng quản Pháp được gọi là Đức Phật Mẫu. Vũ trụ có hai khối khí vĩ đại là Dương Quang và Âm Quang, có hai Đấng đầu tiên cầm quyền Càn khôn vũ trụ là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu. Sau đó, Đức Phật Mẫu đem Âm Quang phối hợp với Dương Quang, để tạo hóa ra các từng Trời, các quả Tinh cầu và các Địa cầu, tạo thành Càn khôn vũ trụ. Tiếp theo, Đức Phật Mẫu tạo ra Vạn linh nơi cõi Thiêng liêng vô hình.
Vạn linh gồm đủ Bát hồn: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn. Rồi Đức Phật Mẫu lại cho Vạn linh đầu kiếp xuống các Địa cầu tạo thành Vạn vật, tức là chúng sanh. Chúng sanh gồm kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại. Chúng sanh trải qua vô số kiếp ở thế gian để học hỏi, tiến bộ về tâm linh, đạt quả vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Vậy:
Đức Chí Tôn ngôi Phật, nắm cả huyền vi bí mật tạo đoan, chủ chơn linh
Đức Phật Mẫu ngôi Pháp, Mẹ sanh vạn vật, chủ chơn thần.
Càn khôn vạn vật ngôi Tăng, cầm quyền giáo hóa vạn loại.
Người nắm ngôi Tăng là vị Phật cầm quyền quản trị Càn khôn thế giới. Phật Pháp không thay đổi nhưng chủ ngôi Tăng thay đổi tùy theo từng thời kỳ phổ độ, như Đức Phật Nhiên Đăng, Đức Phật Thích Ca, và trong thời kỳ này là Đức Phật Di Lặc…
B. PHẬT MẪU LÀ PHÁP
Đức Phạm Hộ Pháp, người con ưu tú của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, người đứng đầu chi Pháp trong Đạo Cao Đài đã giảng về quyền năng của Đức Phật Mẫu như sau:
“...Chí-Tôn là Phật, Phật-Mẫu là Pháp, Càn-Khôn là Tăng. Mặt địa cầu nầy đến 3.000 thế-giới cũng là Tăng. Nắm quyền trị thế là Hạo-Nhiên Pháp-Thiên, chính quyền-năng Chí-Tôn định địa cầu nầy không định khác, chỉ có một mặt Trời nầy không có mặt Trời khác. Trong 24 giờ một ngày, Đấng cầm quyền trong pháp-giới là Hư-Vô Cao-Thiên vâng mạng lịnh Hạo-Nhiên Pháp-Thiên làm cho vũ-trụ khỏi tương-tàn với nhau... Bây giờ chúng ta quan sát Hổn Nguơn Thượng Thiên, ngày nay Đức Phật Di-Lặc ở nơi Hổn-Nguơn Thượng-Thiên cầm cả hành tàng Càn Khôn vũ trụ, giờ Ngài đương cầm quyền cả vạn loại.
Trước khi nguyện lấy dấu và niệm Nam-mô Phật, Nam-mô Pháp, Nam-mô Tăng, dám chắc thật đích-xác ba Ngôi ấy chưa ai biết rõ. Ngày nay Bần-Đạo giảng: Phật là gì? Phật là một Đấng toàn-trí toàn-năng, người ta lầm-lạc tưởng không thấy hình dạng là không có người, thế-gian lầm-lạc nhiều lắm. Họ quả-nhiên là người sống hiện tại chỉ khác hơn chúng ta là không có thi-hài mà thôi. Đấng toàn-trí toàn năng ấy là Đấng đầu-tiên hiệp lại với Chí-Tôn.
Bần-Đạo đã giải nơi Phật có ba cảnh đặc-biệt :
1.- HẠO NHIÊN PHÁP THIÊN tương-liên hiệp một cùng Đức Chí-Tôn.
2.- HƯ-VÔ CAO THIÊN thuộc về Pháp-giới cầm cả luật Thiên-điều.
3.- HỔN NGƯƠN THƯỢNG THIÊN thuộc tạo-hoá thuộc Tăng .
Phật vị có ba đẳng-cấp ấy đặng nắm cả quyền năng Càn-Khôn Thế-giới.
Phi-Tưởng Diệu-Thiên nắm quyền-hành tạo-đoan loài người, thuộc Phật, đồng thể với Phật. Phi-Tưởng Diệu-Thiên lãnh phận sự nơi Đức Chí Tôn cầm nguơn khí của con người, giữ sanh-mạng vạn-vật kêu là vạn-linh.
Tạo-Hoá Huyền-Thiên thuộc Pháp có ba quyền tạo-đoan thế-giới hữu-hình nầy vô cùng tận. Tạo-hoá cầm sanh-khí để tạo sanh-vật. Tạo-hoá Huyền-Thiên, Phật-Mẫu cầm Pháp chuyển cơ sanh-hoá không cùng tận, cả loài người, cây, cỏ, sắt, đá cũng tấn lên phẩm người nữa là nhờ tay của Đức Phật-Mẫu nắm Pháp biến xuất. Cả thi-hài, chơn-linh, trí-não, pháp-thân luân-chuyển sanh sanh tử tử. Nợ sanh tử ấy là bài học của tạo-hoá trong các cơ-thể ấy, loài người học làm đặng biết, đặng chi? Đặng tạo Pháp thân huyền-diệu được toàn-thiện toàn-mỹ, toàn trí, toàn năng như Phật-Mẫu đã làm ... ”
Chúng ta hiểu Chí Tôn là Phật, Phật Mẫu là Pháp, Càn Khôn thế giới là Tăng. Đó là ý niệm ba ngôi của học thuyết Cao Đài, hay là sự thể hiện của Thượng Đế ở ba trạng thái. Chúng ta hãy bắt đầu từ sự quan sát hiện tượng của thế giới hữu hình trước, rồi dùng suy luận liên tưởng đến các nguyên lý tổng quát của vũ trụ và khi mà trí đã đến gần được những nguyên lý ấy thì hãy dùng tâm mà cảm biết, tức là dùng trực giác để ngộ được điều mà Lão giáo gọi là Lý.
Chúng ta hãy đi tìm hình ảnh của Phật Mẫu. Kiến thức khoa học cho biết rằng khi cho Oxy và Hydro tác dụng với nhau trong một số những điều kiện về tỉ lệ hóa hợp xúc tác v.v. thì sẽ có nước sinh ra. Khi khoa học khám phá ra điều nầy thì nước đã có từ lâu rồi trong thiên nhiên. Như vậy chúng ta thấy ba điều:
Thứ nhứt: Trong thiên nhiên có một nguyên lý rằng nước là hợp chất tạo bởi hai nguyên tố là Hydro và Oxy.
Thứ hai: Điều kiện để hóa thành nước là phải có tỉ lệ thể tích hai phần khí hydro và một phần khí Oxy và một điều kiện khác nữa thuộc về môi trường tổng hợp tia lửa, hổn hợp khí nổ cho phản ứng hóa hợp. Những điều kiện này chúng ta tạm gọi " trật tự của sự diễn biến" hay dịch lý.
Thứ ba: Nước đã tạo thành và hiện có mặt trong thiên nhiên.
Có nước tức phải có phản ứng hóa hợp tức nhiên phải có nguyên lý cho phép một sự sanh thành như vậy. Cái nguyên lý rằng:
* Có một sự sanh thành trong vũ trụ gọi là Đức Háo Sanh của Đại Từ Phụ, là "trạng thái" thứ nhứt hay là ngôi một của ý niệm Thượng Đế, gọi tắt là Phật hay Chí Tôn.
* Trật tự của những sự diễn biến hay dịch lý là trạng thái thứ nhì là ngôi hai của ý niệm Thượng Đế gọi là phép hay Pháp tức là Phật Mẫu.
* Kết quả của những sự diễn biến hay dịch lý là vật thể được tạo thành. Trong thí dụ trên là sự có mặt của nước trong vũ trụ, "kết quả nầy gọi là Tăng", bao gồm cả những hiện tượng hiện có trong càn khôn thế giới hữu hình cũng như vô hình. Những cái chứa đựng ấy thật mênh mông, chẳng thể nào kể cho hết được mà học thuyết Cao Đài chia thành tám loại, gọi là bát phẩm chơn hồn: vật chất, thảo mộc, thú cầm, người, Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Chữ Phật ở đây chỉ một giai đoạn tấn hóa của một linh hồn, trạng thái của một tiểu ngã khi nhập vào đại ngã, một tiểu hồn hòa vào cái đại hồn của vũ trụ, nó khác nghĩa với chữ Phật trong ba tiếng Phật, Pháp, Tăng.
C. BẢN THỂ THIÊNG LIÊNG CON NGƯỜI
Chúng ta được biết, mỗi một người nơi cõi thiêng liêng đều có hai thể:
1. CHƠN LINH, tức là Linh hồn, do Đức Chí Tôn ban cho. Chơn linh này là một điểm Linh quang do Đức Chí Tôn chiết ra từ khối Đại Linh quang của Ngài, ban cho mỗi người để con người có được Tánh linh. Trạng thái tinh thần thuần khiết này phản chiếu thành ba trạng thái:
- Ý chí hay quyền năng
- Bác ái hay minh triết
- Trí tuệ linh hoạt
2. CHƠN THẦN tức là một hình hài Thiêng Liêng, do Đức Phật Mẫu tạo ra và ban cho làm hình thể vô vi, bao bọc chơn linh.
Con người là một điểm linh quang bị che dấu trong một số lớp vỏ bao bọc để thích hợp khi xuống ở dưới cõi hồng trần trọng trược, giống như ánh sáng bị che dấu trong ngọn đèn lồng.
Do đó, con người nơi cõi thiêng liêng gọi Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ, gọi Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu. Ấy là hai Đấng CHA MẸ CHUNG thiêng liêng vĩ đại nơi cõi Hư linh.
Khi con người ấy đầu kiếp xuống cõi phàm trần thì Chơn linh và Chơn thần của người ấy liền nhập vào thai nhi ngay lúc được sanh ra từ trong bụng bà mẹ phàm trần. Đức Phật Mẫu dùng 7 nguơn khí tạo chơn thần, còn gọi là thất phách. Khi con người chết đi, thể xác bị chôn vùi tan rả, còn chơn thần là xác thiêng liêng vẫn tồn tại. Vậy:
Mỗi một người nơi cõi phàm trần có 3 thể:
- Chơn linh do Đức Chí Tôn ban cho
- Chơn thần do Đức Phật Mẫu ban cho
- Xác thân do Cha Mẹ phàm trần tạo ra
Như thế, con người có hai Đấng CHA MẸ THIÊNG LIÊNG và hai vị Cha Mẹ phàm trần.
Tóm lại, toàn cả chúng sanh trong Càn khôn vũ trụ hay toàn cả Vạn linh đều là con cái của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, dầu cho đó là những vị Giáo Chủ cao siêu như Đức Moise, Đức Phật Thích Ca, Đức Di Lạc Vương Phật, Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử, Đức Chúa Jesus,…
Nhờ nhận thức được mọi người đều là anh em ruột thịt và tất cả chúng sanh đều sống vì nhau nên người có đạo tâm sẽ vững vàng đi trên đường Đạo:
- Không kiêu hãnh với những công quả phụng sự mà mình đã làm.
- Kính trọng và thương yêu lẫn nhau, không còn tranh đấu hận thù. Không dung dưỡng tham vọng, sự ganh ghét, tính chia rẽ... đưa đến tà đạo, mất linh hồn. Ngược lại, phải vun trồng đức tính Bác ái, lòng Thương yêu, Hòa thuận và giữ Tâm Công chánh.
- Nhìn thẳng vào mục đích hiến dâng và phụng sự để tìm những công việc hữu ích, làm để giúp nhân loại thấy được bản thể thiêng liêng của mình.
Trên đường đi, nếu bị thiệt thòi mất mát hay bị chê bai khinh bỉ, hãy bình thản mỉm cười vì Cha và Mẹ đang tán thưởng ta. Ánh sáng chơn thần ngày càng tỏ rạng. Khả năng phụng sự ngày càng hữu hiệu và hãy dùng khả năng cao nhất của mình để làm những gì mà Đức Đại Từ Phụ và Đức Đại Từ Mẫu đã chỉ dạy.
Đó cũng là cách để con người có thể hợp tác với Thiên cơ, giúp nhân loại trên đường tiến hóa.
D. NHỮNG HÓA THÂN CỦA PHẬT MẪU
Đức Phật Mẫu ngự tại Cung Diêu Trì, ở từng trời Tạo Hoá Thiên, là từng trời thứ chín trong chín từng Trời (Cửu Trùng Thiên).
Theo Di Lạc Chơn Kinh, các vị Phật: Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chưởng Hậu Phật, Thủ Luân Phật, cùng với Cửu vị Nữ Phật, và hằng hà sa số chư Phật khác tùng lịnh Đức Phật Mẫu năng tạo, năng hoá Vạn linh, và thường đi đến các cõi trần để dưỡng dục chúng sanh qui nguyên Phật vị.
Đức Phật Mẫu được nhơn loại tôn xưng bằng nhiều danh từ khác nhau, tuỳ theo tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc và địa phương:
- PHẬT MẪU, vì là MẸ thiêng liêng của toàn cả Vạn linh và Chúng sanh
- DIÊU TRÌ KIM MẪU, vì Đức Phật Mẫu ngự tại Diêu Trì Cung
- KIM BÀN PHẬT MẪU, vì Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung
- CỬU THIÊN HUYỀN NỮ, vì Đức Phật Mẫu rất huyền diệu, ngự tại từng Trời Tạo Hoá Thiên là từng thứ 9 trong Cửu Trùng Thiên.
- ĐẠI TỪ MẪU, ĐỊA MẪU
- MẸ SANH, VÔ SANH LÃO MẪU...
Theo truyền thuyết, Đức Phật Mẫu đã hoá thân xuống thế gian trong nhiều kiếp:
· Một kiếp vào đời Hiên Viên Hoàng Đế, phổ độ người Trung Hoa.
· Giáng hạ ban cho vua Hán Võ Đế (nước Trung Hoa) quả Đào Tiên và độ vua tu hành theo lời cầu xin của vua và ngài Đông Phương Sóc...
· Đức Mẹ DEVI KALI, nữ thần đen trong Ấn Giáo, Người biểu hiện tính hiện thực của nguyên lý nữ, người mẹ của Thần Thánh và sức sống; đồng thời là nữ thần của sự chết và hủy diệt. Ấn Độ giáo mang hai hình thức rõ rệt: một của các học giả hướng tới độc thần trong học thuyết về Brahman, cái vĩnh hằng bất biến; một là của tôn giáo dân gian. Những vị Thần lớn chủ yếu: Brahma là vị Thần Sáng Tạo, Vishnu là vị Thần Bảo Tồn và Shiva là vị Thần Hủy Diệt. Đó là ba ngôi lúc khởi thủy. người ta cũng thấy có Mẹ, dưới những tên gọi khác nhau.
· ĐỨC MẸ ISIS, nữ thần thân thuộc nhất trong các điện thờ ở Ai Cập. Truyền thuyết về Bà lan khắp Ai Cập, nơi có rất nhiều đền thờ Bà, nổi tiếng nhất là đền Philae. Là Nữ Thần Mặt Trăng, tượng trưng tình mẹ, người bảo trợ tuổi thơ, Bà có một quyền năng vô hạn lấy được từ Vị Thần Tối Cao. Trở thành Nữ Thần vạn năng, Bà được người Hy Lạp đồng hóa với Déméter, Vị Nữ Thần Vĩ Đại của Hy Lạp. Bà được người La Mã nồng nhiệt thờ cúng trong khắp đế quốc La Mã. Như vậy Nữ Thần Isis là Mẹ của toàn bộ thiên nhiên, được sùng bái khắp nơi. Những huyền bí về Nữ Thần Isis, những nghi lễ dành cho những người thờ cúng Mẹ Thần Thánh đã đóng một vai trò lớn trong sự phát triển tôn giáo của thế giới La Mã.
Đạo Cao Đài tôn thờ Đức Phật Mẫu là tôn thờ NGÔI ÂM tức Ngôi thứ Nhì, còn NGÔI DƯƠNG là Đức Thượng Đế, tức Ngôi thứ Nhất. Đây là một triết lý tuy không phải mới mẻ nhưng từ trước đến giờ, người ta thường chỉ biết thờ Ngôi Dương. Trong tôn giáo Cao Đài, sự thờ phượng và tôn kính đối với ngôi Mẹ được nâng cao. Đối với họ, mọi biểu hiện của sức mạnh thần thánh bắt nguồn từ chính MẸ tối cao. Ngài là biểu tượng cao cả, vừa là Phật chưởng quản cung Tạo Hóa, vừa là Mẹ hiền bảo trợ con cái và độ dẫn chúng sinh từ lúc hoài thai cho đến khi mất.
Đức Hộ Pháp thuyết đạo, thuật lại lúc Ngài vào Diêu Trì Cung bái kiến Đức Phật Mẫu, thấy cái huyền năng vô biên của Đức Phật Mẫu:
" Bần đạo cùng các bạn kỳ trước đã ghé nơi Tạo Hóa Thiên, tức Tòa Thiên Cung Phật Mẫu là Diêu Trì Cung. Bần đạo có nói một điều làm cho chúng ta nên suy nghĩ nhiều là: Huyền bí vô biên của Phật Mẫu.
Bần đạo nói sơ lược huyền năng thế nào, mà khi chúng ta vào kiến diện Đức Phật Mẫu, ta ngó trên mặt Ngài, ta thấy mặt bà mẹ ta, sanh ta, đương như buổi sống, đương lo buổi trở về. Bần đạo tưởng ngó thấy bà mẹ sanh Bần đạo, tưởng cả thảy cũng đều ngó thấy người mẹ của họ vậy. Nếu lấy theo cái trí học tưởng tượng không biết con mắt thiêng liêng có chiếu hình mẹ ta chiếu diệu ra không? hay là Huyền diệu vô biên của Phật Mẫu cho chúng ta thấy như vậy.
Bà mẹ hình hài chúng ta đây là nhơn viên của Đức Phật Mẫu đó.... Có điều trọng hệ là dầu Nam Nữ cũng vậy, rán giữ một điều nầy: Coi chừng đừng thất hiếu với cha mẹ. Ngày mình ngó thấy hình ảnh Đức Phật Mẫu thì thấy người Mẹ nhơn từ, hiền hậu vô cùng, hạnh phúc mình được hưởng đó; còn trái ngược lụng lại, nếu ta thất hiếu, ta dòm vào hình ảnh của Phật Mẫu, ta thấy nét mặt nghiêm nghị và lãnh đạm, chúng ta sẽ hết sức đau khổ ..."
CHƯƠNG II
ĐIỆN THỜ PHẬT MẪU TẠI
VIỆT NAM
A. ĐIỆN THỜ PHẬT MẪU HIỆN NAY
Trong tôn giáo Cao Đài, Đền Thánh là nơi thờ phượng Đức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và thể hiện Bạch Ngọc Cung tại thế. Ngòai ra còn có Điện Thờ Phật Mẫu là nơi thờ phượng Đức Phật Mẫu, Cửu Vị Nữ Phật và Bạch Vân Động Chư Thánh. Đó là một toà nhà nguy nga đồ sộ với kiến trúc đặc biệt được gọi là Báo ân Từ. Báo ân Từ là nơi thờ phượng các bậc Thánh, các vị Chức Sắc lớn, các anh hùng, các nhà hiền triết của Việt Nam và các nước trên thế giới. Báo Ân Từ được xây dựng vào đầu năm 1932 với cột gỗ vách đất và mái ngói. Năm 1947, vì vừa xây dựng Tòa Thánh xong, tất cả nguồn nhân lực và tài lực đã cạn kiệt nên Đức Hộ Pháp mới cho sửa Báo ân Từ rộng lớn hơn dùng tạm làm Đền thờ Đức Phật Mẫu. Báo Ân Từ được:
- Khởi công xây dựng 16.1. Nhâm Thìn (11-2-1952).
- Đức Hộ Pháp trấn Thần và An vị ngày 4.8.Quí Tỵ ( 11-9-1953).
- Khánh thành ngày 9-1-Ất Mùi (1955 )
Ngày 1 tháng 2 năm Đinh-Hợi (1947), Đức Hộ Pháp giảng về ý nghĩa việc thờ Đức Phật Mẫu tại Báo Ân Từ như sau: “Từ đây chúng ta rất hân hạnh thờ Phật-Mẫu tại Báo-Ân-Từ. Buổi mới mở Đạo, Bần-Đạo biết công-nghiệp của Phật-Mẫu thế nào. Ngài và Cửu Vị Nữ Phật dìu-dắt con cái của Đức Chí-Tôn ban sơ, đến ngày đem chúng ta giao lại cho Thầy. Ngày mở Đạo, vì cái tình-cảm ấy, các vị Đại Thiên-Phong buổi nọ xin thờ Phật Mẫu ở Đền Thánh, thì Phật Mẫu cho biết rằng Quyền Chí-Tôn là Chúa còn Phật-Mẫu là tôi, mà tôi làm sao mà ngang hàng với Chúa. Chúng ta thấy Phật Mẫu cung kính Chí-Tôn đến dường ấy không gì dường được.
Cả cơ quan tạo đoan hữu tướng, thảy đều do Phật-Mẫu tạo thành. Khi ta đến cõi trần mang mảnh thi hài, cái chơn linh khi đến, khi về cũng do nơi tay Phật Mẫu mà sản xuất. Phật Mẫu là mẹ của linh hồn, nếu chúng ta biết ơn nặng ấy, thì ta càng cảm mến cái công đức hoá dục sản xuất của Ngài vô cùng.
Chúng ta ngày nay trên đường tu-tiến, đắc đạo hay không cũng do bà Mẹ thiêng-liêng nâng đở ấp-yêu, vì không có ai cưng con hơn là Phật-Mẫu. Nếu chúng ta biết đặng cơ quan tạo hoá Càn-khôn sản xuất hữu hình của Phật-Mẫu, thì chúng ta sẽ có tình cảm kính trọng thương yêu Phật Mẫu đến ngần nào. Con cái của Ngài xin đem vào thờ ở Đền-Thánh, thì Ngài lại từ chối mới biết cái cung kính của Phật-Mẫu đối với Đức Chí-Tôn ở thế gian nầy được đáo để đến dường ấy. Còn nữ phái coi tánh đức của Mẹ mà làm gương tu tỉnh, lạ gì những tánh thường tình thế gian, đàn bà ăn hiếp chồng, thất kính với chồng, bỏ con trẻ bơ vơ, chẳng qua là họ không thọ bẩm cái tình thương yêu nồng-nàn của Mẹ vậy...
Phật-Mẫu khi thấy con cái đến ngày qui liễu, bỏ cái áo xác thịt nầy về với Ngài, Ngài rất vui lòng tiếp rước con cái, như người đàn bà gặp được đứa con yêu dấu cách biệt từ lâu.
Đền thờ nầy là nơi lễ bái Đức Phật-Mẫu trong buổi nhơn đạo mãn sang hồi cựu vị.”
1. KIẾN TRÚC TỔNG QUÁT
Kiến trúc của Báo Ân Từ thể hiện ngôi đền Vạn Pháp: mái đền mỗi đầu sóng ngói đều có hình chữ Vạn và nơi bàn Ngoại Nghi trong đền có chữ Pháp.
Nhìn vào trước Báo Ân Từ có một cột Phướn cao. Lá phướn dài 9m, ngang 0,9m và có 3 màu: vàng, xanh, đỏ; phía trên có hình Thiên Nhãn, kế là Cổ Pháp Hiệp Thiên Đài cùng 6 chữ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ viết dọc theo bề dài rồi đến giỏ Hoa Lam.
Điện thờ có một tầng trệt và một lầu, bên trên có hai lớp mái ngói âm dương màu đỏ, chín giữa nhô lên một tháp cao hình vuông có 4 tầng, trên nóc tháp là một hoa sen lớn. Tháp này dùng làm tháp chuông và trên nóc tháp có cây thu lôi, có gắn một hình chữ Vạn làm bằng đèn ống. Cạnh mé hiên đỡ đầu kèo có dạng hình con Phụng, đầu là con Giao Long.
Tầng trệt được chia làm 3 gian, gian chính giữa rộng hơn hai bên, có 3 cửa lớn, hai bên có hai cầu thang hình xoắn ốc đi lên lầu. Kích thước của Báo Ân Từ: bề ngang 18 mét, dài 61 mét, chiều cao từ mặt đất lên nóc hoa sen trên lầu chuông là 18 mét.
Từ ngoài vào, trước tiên chúng ta sẽ thấy một tấm vách tường ngăn. Phía ngoài có treo một lồng đèn lớn hình ngôi sao. Hai bên ngôi sao có hai cột, trên viết đôi liễn bằng Hán tự với âm và nghĩa như sau:
· BÁT phẩm chơn hồn tạo thế giới hoá chúng sanh vạn vật hữu hình tùng thử Đạo
· QUÁI hào bác ái định Càn khôn phân đẳng pháp nhứt thần phi tướng trị kỳ Tâm.
Ý nghĩa:
- Tám phẩm chơn hồn tạo nên thế giới, và hoá thành chúng sanh, vạn vật hữu hình đều tùng theo Đạo.
- Trong sự tạo hoá Càn Khôn Vũ Trụ, Đấng Thượng Đế dùng luật Thương Yêu sắp đặt và phân chia vạn vật ra nhiều thứ bậc cao thấp khác nhau, có một chơn linh vô hình làm chủ cái tâm.
Giáp vòng có 22 khung cửa sổ, gối đầu tại Cầu thang là 2 khung bông giữa có 2 chữ “Báo Ân”. Cộng chung là 24 khung, mỗi bên 12.
Bước vào trong, chúng ta thấy phía sau vách ngăn có một khung lớn màu trắng, tượng trưng Khí Sanh Quang. Lồng căn thứ nhì này dành cho ban nhạc và đồng nhi đứng tụng kinh khi cúng Đức Phật Mẫu tứ thời hàng ngày. (Khi cúng Đại đàn, Ban Nhạc không ngồi ở đây, mà lên lầu 1)
Tám (8) lồng căn kế tiếp tượng trưng “Bát Cảnh Cung” của Đức Phật Mẫu nơi cõi Thiêng Liêng.
Bên trong, trên trần điện có hình một con Rồng trắng ẩn hiện trong mây.
Một vách ngăn thứ hai phân chia Điện thờ với Hậu điện. Hậu điện gồm 4 lồng căn, dài 16m. Đây là nơi thờ Cửu Huyền Thất Tổ chung, tượng trưng bằng 3 chữ Nho: PHƯỚC, LỘC, THỌ.
Hai cây cột phía trước Bàn thờ có gắn đôi liễn bằng chữ Nho:
· BÁO đáp chí công tiền bối khai cơ Thiên đạo lưu truyền thiên vạn đại,
· ÂN từ đại đức hậu nhơn thừa kế tôn sùng Chánh giáo thất ức niên.
Ý nghĩa:
- Đền đáp công nghiệp lớn lao của các bậc tiền bối đã mở ra nền tảng Đạo Cao Đài truyền lại muôn đời về sau.
- Đền thờ những vị có ơn đức lớn, người sau thừa kế tôn sùng nền Đạo chơn chánh đến 700 000 năm.
Trong Hậu Điện có đặt 3 dãy bàn ghế dùng làm nơi hội họp hay đãi tiệc trong Đạo. (6 cái bàn được đặt cố định, tượng trưng cho quẻ Khôn.)
Từ bên hông Báo Ân Từ nhìn lên, chúng ta thấy 3 lớp mái ngói âm dương màu đỏ. Ở trên nóc có đắp hình một con chim loan màu xanh, gọi là Thanh Loan trong tư thế xoè cánh đáp xuống.
Chung quanh Báo Ân Từ đều có hành lang rộng bao bọc. Bề rộng của hành lang độ 2 mét. Hai mặt của hành lang xung quanh Báo Ân Từ đều có vẽ những bức tranh, ghi nhớ các điển tích về trung, hiếu, nhơn, nghĩa, sự tích các vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.
2.CHÁNH ĐIỆN
Chánh điện nằm ở gian giữa của Báo Ân Từ.
Trên bức vách ngăn giữa chánh điện và hậu điện, có đắp tượng Đức Phật Mẫu, Cửu Vị Tiên Nương và Tiên Đồng Nữ Nhạc, ngồi trên lưng chim thanh loan trong tư thế đáp xuống. Tượng Đức Phật Mẫu ngồi chính giữa, mặc áo vàng, tay cầm ngọc Như Ý. Bên tay mặt của Đức Phật Mẫu có các vị:
§ Tam Nương mặc áo xanh, cầm quạt Long Tu
§ Tứ Nương mặc áo đỏ, cầm Kim Bảng
§ Bát Nương mặc áo vàng, cầm giỏ hoa Lam
§ Lục Nương ngồi cao hơn mặc áo đỏ, cầm Phướn Tiêu Diêu
§ Cửu Nương mặc áo xanh, tay cầm ống tiêu.
Bên tay trái của Đức Phật Mẫu từ thấp lên cao có các vị:
§ Nhứt Nương mặc áo xanh, tay ôm đàn tỳ bà.
§ Thất Nương mặc áo vàng, tay cầm bông sen.
§ Nhị Nương mặc áo xanh, tay cầm lư hương
§ Ngũ Nương mặc áo đỏ, cầm cây Như Ý
Phía dưới các tượng này có tượng ông Đông Phương Sóc, đứng thẳng, hai tay nâng cái dĩa lên khỏi đầu để nhận quả đào tiên do Đức Phật Mẫu ban tặng cho Hớn Võ Đế. Nơi sân của Hoa Điện có tượng của Đức Cao Thượng Phẩm mặc áo trắng tay cầm Long Tu Phiến, quì ngước mặt lên cung nghinh Đức Phật Mẫu (*)
Trên bàn thờ có đặt các Long vị viết bằng chữ Nho lớn thẳng đứng:
- DIÊU TRÌ KIM MẪU
- CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG
- BẠCH VÂN ĐỘNG CHƯ THÁNH
Bàn thờ được bày trí hoa, quả, rượu, trà, đèn, nhang. Đặc biệt là không có đèn Thái Cực, chỉ có đèn Vọng treo ở phía trước Bàn thờ. Có hai lư hương:
- Một lư hương đặt lên trên có cắm 5 cây nhang dành thờ Đức Phật Mẫu.
- Một lư hương phía dưới có cắm 9 cây nhang phân làm 3 hàng dành thờ Cửu Vị Tiên Nương.
Lồng căn có đặt bàn thờ Đức Phật Mẫu gọi là lồng căn số 1.
Lồng căn số 2, mỗi bên đặt 3 cây Tàn với 3 màu vàng, xanh, đỏ, theo thứ tự từ trong ra ngoài.
Lồng căn số 3, mỗi bên đặt một Dàn Lỗ bộ gồm 8 món binh khí thời xưa, có 2 cây Lọng đặt ở hai đầu.
Giữa 2 cây cột phân chia lồng căn số 2 và số 3, có đặt một Bàn Hương án dùng làm Nội Nghi, trên đó có bình bông, dĩa trái cây, lư trầm, cặp chưng đèn và một lư hương cắm 3 cây nhang để kỉnh Đức Phật Mẫu, phía ngoài là một lư hương thắp 9 cây để kỉnh Cửu vị Nữ Phật.
Ngoài ra ở 2 bên, trên 2 ghế nhỏ có đặt 1 cái chuông và 1 cái mõ để đồng nhi tụng Di Lạc Chơn Kinh sau khi cúng thời Dậu xong. Do đó bàn Nội Nghi còn được gọi là Bàn Kinh.
Từ bàn Nội Nghi ngó ra ngoài còn có một bàn hương án đặt giữa 2 cây cột phân chia lồng căn số 6 và số 7, gọi là Bàn Hội Đồng, dùng làm Ngoại Nghi. Trên bàn Ngoại Nghi có bông, trái cây, đèn vọng, rượu, trà, cặp chưng đèn với lư hương cắm 3 cây nhang. Bàn này dành cho chơn hồn của các chức sắc Đại Thiên phong Hiệp Thiên và Cửu Trùng đến chầu lễ Đức Phật Mẫu khi cúng Đại đàn.
Cuối lồng căn số 8 có đặt một cái bàn, trên đó không có chưng bày gì cả, gọi là Bàn Lễ sĩ, để các Lễ sĩ chuẩn bị Bông, Rượu, Trà (Tam Bửu) điện lễ dâng cúng mỗi ngày. (Khi cúng Đại đàn, Ban Nhạc không ngồi ở đây, mà lên lầu 1). Bên cạnh bàn của Ban Nhạc, phía bên Nữ phái có đặt một cái Kiểng. Phía sau bàn của Ban Nhạc là một tấm vách ngăn có chừa một khung lớn sơn toàn trắng, để tượng trưng Khí Sanh Quang . Đức Hộ Pháp dạy:
"Khi cúng rồi phải day ra xá một xá, cũng như ở Đền Thánh vậy. Nên hiểu, không phải xá Hộ Pháp, mà là xá để kỉnh chào Khí Sanh Quang, tức là nguồn cội của Pháp biến sanh vạn vật: trước là Phật Pháp Tăng gọi là Tam Qui, trong Pháp ấy xuất hiện Phật Mẫu, kế tiếp vạn linh, vạn vật, vv... Bởi cái Bí Pháp Diêu Trì Cung có liên quan mật thiết cùng Hiệp Thiên Đài (một căn cội Pháp) vận hành nguơn khí. Nơi nào có Hiệp Thiên Đài thì có Tam Qui thường bộ Pháp giới. Mặc dầu nơi đây không có thờ chữ KHÍ mà buộc mình phải xá ra, đó là lòng tin tưởng biết ơn và chào mạng sanh của chúng ta đó vậy."
Giữa 2 cây cột phân chia lồng căn số 1 và số 2, phía bên trên có đắp một tấm diềm. Phía sau tấm diềm có treo tấm màn màu vàng; nơi Ngoại Nghi cũng có treo một tấm màn màu vàng tương tự. Trên tấm diềm trước Bàn thờ Đức Phật Mẫu có trang trí các thức mây lành ngũ sắc và đắp hình chim Thanh loan cùng 9 Bửu pháp của Cửu vị Tiên Nương.
Phía bên nữ phái có phướn Tiêu Diêu, Kim bảng, Giỏ Hoa Lam, Quạt Long Tu và Ống Tiêu.
Phía bên Nam phái có 4 Bửu pháp: Đờn Tỳ bà , Lư hương, Bông sen và cây Như ý .
Trên mỗi cây cột ở hai bên Chánh điện có gắn một tấm bảng màu vàng, đề chữ Nho: BÁT CẢNH CUNG KỲ. Bảng nầy cho biết 8 lồng căn của Chánh điện làm nơi thờ Đức Phật Mẫu tượng trưng Bát Cảnh Cung của Đức Phật Mẫu, và bảng nầy còn dùng để cắm cờ Đạo khi có Lễ lớn .
Bước qua căn bên Nam phái, phía bên trong ngang với tượng thờ Đức Phật Mẫu, có đắp một cái khánh thờ lớn, ở giữa có hàng chữ Nho lớn thẳng đứng:
CHƯ CHƠN LINH NAM PHÁI
Bên trên có 2 chữ Nho nhỏ: “CUNG PHỤNG”, và bên dưới có 2 chữ “TỌA VỊ”.
Phía dưới chữ “CHƯ CHƠN LINH NAM PHÁI” có đặt một Long vị đề chữ Nho là “TỊCH BỘ HỮU CÔNG”, để thờ những Chức sắc Nam phái có đại công với Đạo. Trên trần sơn màu trắng, ngay chính giữa mỗi căn có trang trí một hình vẽ mây và Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng). Ngang với tấm diềm nơi gian giữa, bên gian Nam phái cũng có đắp một tấm diềm trang trí 5 sắc mây lành và Tứ Linh. Sau tấm diềm nầy có treo một tấm màn màu xanh.
Cách bày trí bên căn nữ phái giống y như bên Nam phái, nhưng hàng chữ Nho lớn trên khánh thờ là:
CHƯ CHƠN LINH NỮ PHÁI
(*) Việc tạc hình Đức Cao Thượng Phẩm thay cho Hán Võ Đế được Đức Hộ Pháp giải thích: “Nguyên căn của Hán Võ Đế là Hớn Chung Ly (trong hàng bát Tiên) giáng sanh thành lập quốc gia. Kỳ Hạ ngươn này, Đức Cao Thượng Phẩm cũng là chơn linh của Hớn Chung Ly tái thế lập thành Quốc Đạo, nên tạc hình Đức Cao Thượng Phẩm thuận hơn”.
KÍCH THƯỚC MẶT BẰNG BÁO ÂN TỪ
B. ĐIỆN THỜ PHẬT MẪU TƯƠNG LAI
Báo Ân Từ nằm trên Đại lộ Phạm Hộ Pháp hiện nay chỉ là Đền Thờ Phật Mẫu tạm. Đền Thờ chính được Hội Thánh định cất trên khoảng đất rộng 4 mẫu, trước cửa Hoà Viện (cửa số 1) Bình Dương Đạo.
“Đức Phật Mẫu có từ thuở khai thiên do khí âm dương tạo thành, có quyền năng vô đối, vô biên, vô lượng cũng như Đức Chí Tôn, hữu hữu, vô vô, nắm trọn bí pháp nhiệm mầu của Càn khôn Vũ trụ. Chớ không phải là bí pháp biến thành thể pháp do hiện tượng sự tích đời Hán Võ Đế. Đó chỉ là mượn ý tạc hình, chớ Phật Mẫu vốn vô vi. Thanh Loan là Chim Lịnh của Đức Phật Mẫu, báo tin trước nơi nào có Đức Phật Mẫu giá lâm. Tấm tường phía ngoài đối diện với các tượng của Cửu Vị Nữ Phật, thì sau này sẽ cho tạc hình Nam Bình Vương Phật.
Chừng nào có Đền Thờ Phật Mẫu thì Thầy cho biết, không gì lạ. Vì Đền Thánh tượng trưng cho Bạch Ngọc Kinh tại thế có hình Hộ Pháp mặc Thiên phục khôi giáp; thì nơi Đền thờ Phật Mẫu tượng trưng Lôi Âm Tự, lẽ dĩ nhiên tạc hình của Ngài, nhưng không mặc Thiên phục, chỉ mặc áo cà sa mà thôi.”
Toàn thể bên ngoài sơn toàn một màu trắng là màu Đạo (khi các con về chầu Mẹ đều mặc đồ toàn trắng) trừ mái ngói đỏ, xung quanh không được vẽ hình chi. Bên trong Đền Phật Mẫu vẫn trần thiết cách thờ như cũ. Từ Nam Bình Vương Phật đến tượng Phật Mẫu phải có đủ 8 bậc tượng trưng Bát Cảnh Cung, còn ở Đền Thánh có 9 bậc là Cửu Thiên Khai Hoá.
Đức Cao Thượng Sanh giải thích: “Khi Đền Thờ Phật Mẫu cất xong, việc thờ phượng dời đến cơ sở mới thì Báo Ân Từ được sắp xếp lại cho đúng chơn truyền.”
Chỗ cũ thờ Phật Mẫu đắp một quả địa cầu sơn màu xanh, trên có đắp hình nước Việt Nam theo chiều dài sơn màu vàng. Tất cả nằm trên nền trắng hình chữ nhựt. Ở dưới có đặt ghế thờ bài vị hoặc hình các hiền triết, các nhà bác học, các bậc vua chúa có công với nhân loại. Bên trên nền trắng để 4 chữ màu đỏ:
“ĐẠI ĐỒNG CHI PHÁP”
Đó là tôn chỉ của Đạo Cao Đài: Đại Đồng Thế giới do luật pháp Thiên điều qui định.
Bên gian trái trên nền trắng đề 4 chữ “HẢI NGOẠI CHI THẾ” để thờ chơn linh các chức sắc chi Thế, các bậc Thánh nhân, hiền triết, anh hùng nước ngoài.
Bên gian phải, trên nền trắng đắp 4 chữ: “QUỐC NỘI CHI ĐẠO”. Gian này thờ các nhà cách mạng, chiến sĩ vô danh, các anh hùng hào kiệt nước Việt Nam, các chức sắc chi Đạo cũng được thờ nơi đây. Báo ân Từ là nơi vẫn trần thiết các cuộc lễ thuộc quan, hôn, tang, tế hoặc các ngày giỗ chung.
Đức Hộ Pháp dành 4 mẩu đất trước cửa Hòa Viện để tạo Điện Thờ, nhưng vì lòng từ bi của Phật Mẫu thấy con cái Ngài đang chịu cảnh loạn lạc và đồ khổ nên chưa chịu cho xây cất. “Qua nói thiệt chừng nào con cái xúm nhau sùng bái để gọi chút Hiếu đền ơn Đức Mẹ thì ngày giờ ấy sẽ có Điện Thờ Phật Mẫu chính thức theo lòng Từ Bi của Đức Mẹ đã định .”
Việc xây dựng Điện thờ Phật Mẫu mới cho xứng đáng với vị trí của Ngôi hai, ngôi của Mẹ ,cho đúng với chơn truyền đang chờ những người con hiếu thảo.Nếu các huynh, đệ, tỉ, muội đồng lòng cùng nhau, chúng ta sẽ bắt chước người xưa ‘ bắt gió nắn nên hình’.Thử thách sẽ có rất nhiều ở phía trước, nhưng với lòng chí thành cầu nguyện,các Đấng Thiêng Liêng sẽ ám trộ cho chúng ta.. Trừ phi Ơn Trên định công việc ấy cho vị Giáo Tông tương lai, bằng chẳng vậy, chúng ta hi vọng sẽ thành công. Con cái của Mẹ nơi thế gian này, dù là tín đồ Cao Đài hay không, bao giờ mới thể hiện lòng Hiếu với Mẹ đây?
THƠ VỊNH ĐIỆN THỜ PHẬT MẪU
Khảm Thủy tinh trên Trời nhấp nhóa
Tượng tầng Trời Tạo hóa Cửu Thiên
Tả hửu thờ các tiền hiền
Xã thân vì Đạo lưu truyền tuổi tên
Bốn Ngọc nữ sau hầu Đức Mẹ
Cảnh tôn thờ rạng vẻ uy linh
Dưới hình Thượng Phẩm cung nghinh
Với Đông Phương Sóc, niềm tin Hớn đài
Tiếp đào Tiên, đôi tay dâng thẳng
Tích xưa còn ghi hẳn nơi đây
Hớn Võ Đế trước thế này
Thượng Phẩm nay thỉnh đủ đầy ân quang.
HỰU
Diêu Trì Kim Mẫu huệ ân ban.
Hiện rõ nơi đây cõi Niết Bàn
Cửu Vị điều hành cơ tiến hóa
Bát hồn nhuần đượm phước sanh quang
Lọc lừa Thánh chất, Tam kỳ đó
Đưa rước Tiên căn Bát nhã thoàn
Cửu nhị nguyên nhân còn tại thế
Mừng thay Đức Mẹ ngự trần gian.
PHẠM HỘ PHÁP
CHƯƠNG III
PHẬT MẪU CHƠN KINH
A. NỘI DUNG PHẬT MẪU CHƠN KINH
PHẬT MẪU CHƠN KINH
Tạo Hoá Thiên Huyền vi Thiên Hậu,
Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.
Sanh quang dưỡng dục quần nhi,
Chơn linh phối nhứt thân vi Thánh hình.
Thiên cung xuất Vạn linh tùng pháp,
Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh.
Càn Khôn sản xuất hữu hình,
Bát hồn vận chuyển hoá thành chúng sinh.
Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp,
Lập Tam tài định kiếp hoà căn.
Chuyển luân định phẩm cao thăng.
Hư vô Bát Quái trị thần qui nguyên.
Diệt tục kiếp trần duyên oan trái,
Chưởng Đào Tiên thủ giải trường tồn.
Nghiệp hồng vận tử hồi môn,
Chí công định vị vĩnh tồn Thiên cung.
Chủ Âm quang thường tùng Thiên mạng,
Độ Chơn thần nhứt vãng nhứt lai.
Siêu thăng phụng liễn qui khai,
Tiên cung, Phật xứ Cao Đài xướng danh.
Hội nguơn hữu Chí Linh huấn chúng,
Đại Long Hoa nhơn chủng hoà ki (là cơ)
Tam Kỳ khai hiệp Thiên Thi,
Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên.
Trung khổ hải độ thuyền Bát Nhã,
Phước từ bi giải quả trừ căn,
Huờn hồn chuyển đoạ vi thăng,
Cửu Tiên hồi phục Kim Bàn Chưởng Âm,
Thập Thiên Can bao hàm vạn tượng,
Tùng Địa Chi hoá trưởng Càn Khôn.
Trùng huờn phục vị Thiên môn,
Nguơn linh hoá chủng quỉ hồn nhứt thăng.
Vô siêu đoạ quả căn hữu pháp,
Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan.
Vô Địa Ngục, Vô Quỉ Quan,
Chí Tôn đại xá, nhứt trường qui nguyên.
Chiếu nhũ lịnh Từ Huyên thọ sắc,
Độ anh nhi Nam, Bắc, Đông, Tây.
Kỳ khai tạo nhứt Linh Đài,
Diệt hình tà pháp cường khai Đại Đồng.
Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch,
Qui Thiên lương quyết sách vận trù.
Xuân thu, Phất Chủ, Bát Vu,
Hiệp qui Tam giáo hữu cầu chí chơn.
Phục nguyên nhơn huờn tồn Phật tánh,
Giáo hoá hồn hữu hạnh hữu duyên.
Trụ căn Quỉ khí Cửu tuyền,
Quảng khai Thiên Thượng tạo quyền chí công.
Lịnh Mẫu Hậu khai tông định Đạo,
Ân dưỡng sanh đảm bảo hồn hài,
Càn Khôn tạo hoá sánh tài.
Nhứt triêu nhứt tịch kỉnh bài mộ khang.
Nam mô DIÊU TRÌ KIM MẪU
TẠO HÓA HUYỀN THIÊN CẢM BÁI
Nam Mô ĐẠI TỪ BI NĂNG HỈ XẢ
THIÊN HẬU CHÍ TÔN ĐẠI BI ĐẠI ÁI..
Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm:
NAM MÔ DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC THIÊN TÔN
DỊCH NGHĨA PHẬT MẪU CHƠN KINH
Ở từng Trời Tạo Hoá Thiên có Đấng Phật Mẫu huyền vi mầu nhiệm,
Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung.
Dùng Khí Sanh quang để nuôi nấng cho khôn lớn toàn thể con cái của Ngài,
Chơn linh phối hiệp làm một với Chơn thần để tạo thành một người nơi cõi Thiêng liêng.
Đức Chí Tôn sản xuất ra Vạn linh nên Vạn linh phải tùng theo Pháp của Đức Chí Tôn,
Hoà hợp hai khí Âm quang và Dương quang để biến hoá sanh ra.
Sản xuất ra Càn khôn vũ trụ và vạn vật có hình thể,
Vận chuyển Bát hồn đầu kiếp xuống trần hoá thành chúng sanh.
Hiệp tất cả Chơn linh của chúng sanh để tạo Thiên nghiệp,
Lập ra Tam Tài (Thiên, Địa, Nhơn) sắp đặt kiếp sống và căn quả của mỗi người.
Nhờ luân hồi chuyển kiếp mà các Chơn linh tiến hoá, được định cho phẩm vị cao trọng hơn.
Đức Phật Mẫu sắp đặt đem các Chơn linh trở về gốc là Hư vô Bát Quái, tức là trở về cùng Đức Chí Tôn.
Tiêu diệt hết các mối dây ràng buộc con người vào cõi trần và những oan trái đã gây ra,
Đức Phật Mẫu chưởng quản các trái Đào Tiên để làm phần thưởng cho các Chơn linh đắc Đạo trở về ăn vào được hằng sống.
Công nghiệp to lớn của Phật Mẫu là đem con cái trở về ngôi nhà cũ nơi cõi Thiêng Liêng,
Đức Chí Tôn sắp đặt phẩm vị cho các Chơn linh được hằng sống nơi cõi Thiêng liêng.
Đức Phật Mẫu làm chủ Khí Âm quang luôn luôn tùng mạng lịnh của Đức CHÍ TÔN,
Cứu giúp các Chơn thần mỗi khi đi xuống trần đầu thai hay mỗi khi mãn kiếp trở về.
Khi linh hồn được siêu thăng thì có chiếc xe Tiên mở cửa rước về,
Đức Chí Tôn gọi tên lên để ban thưởng cho về cung Tiên xứ Phật
Cuối Hạ nguơn Tam chuyển bước qua Thượng nguơn Tứ chuyển, có Đức Chí Tôn đến dạy dỗ nhơn sanh,
Đại hội Long Hoa là đem các chủng tộc loài người hoà hợp cùng nhau.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mở ra phù hợp với Thiên Thơ tiền định,
Trường thi lên phẩm vị Tiên dành cho người may mắn gặp gỡ và người có duyên với Phật.
Đức Phật Mẫu đem thuyền Bát Nhã vào trong biển khổ cứu vớt chúng sanh,
Đức Phật Mẫu ban phước và do lòng từ bi giải trừ căn quả cho chúng sanh,
Người bị Ngũ Lôi tru diệt cho huờn Linh hồn và Chơn thần sống lại và ân xá các hồn bị đoạ nay được siêu thăng,
Chín vị nữ Phật trở lại Kim Bàn Diêu Trì Cung để giúp Đức Phật Mẫu chưởng quản khí Âm quang,
Mười Thiên can bao gồm ngàn hình muôn trạng, thập Thiên can tùng theo Thập nhị,
Địa chi sanh thành và làm lớn rộng thêm Càn khôn vũ trụ.
Nhiều lần cho trở lại ngôi vị cũ nơi cõi thiêng liêng,
Các Nguyên hồn nay hoá thành các loại Quỉ hồn đều được độ rỗi siêu thăng.
Không siêu thăng, không đoạ đày; căn quả của mỗi người đều có luật pháp định rõ,
Không có những hình phạt khổ sở do các oan nghiệt của kiếp trước lưu lại.
Không còn Địa ngục, không còn các Quỉ sứ làm quan cai ngục,
Đức Chí Tôn đại khai ân xá để đem tất cả con cái trở về hội hiệp vào một chỗ cùng Ngài.
Chiếu theo lịnh của Đức Phật Mẫu, mà Phật Mẫu nhận lãnh sắc lịnh của Đức Chí Tôn,
Mở ra thời kỳ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là để tạo một khối đức tin lớn,
Tiêu diệt tất cả hình thức của Tà quái để mở ra một cách mạnh mẽ xã hội đại đồng cho nhơn loại.
Hiệp các chủng tộc nhơn loại thành một nhà có cùng chung một tín ngưỡng,
Phật Mẫu liệu định kế hoạch, vận động toan tính đem Thiên lương trở lại làm chủ con người.
Ba cổ pháp tượng trưng Tam giáo là Kinh Xuân Thu (Nho giáo), cây Phất Chủ (Tiên giáo), bình Bát Vu (Phật giáo),
Đem Tam giáo trở về hiệp thành một khối, tạo thành một nền Đại Đạo chơn thật.
Đem các nguyên nhân trở về bằng cách hoàn trả và bảo tồn cái bổn tánh thiện lương chơn chánh mà Trời đã ban cho mỗi người,
Giáo hoá các linh hồn có may mắn (gặp Đạo) và có duyên (với việc tu hành).
Đức Phật Mẫu giữ yên các Quỉ hồn tại cái gốc của nó là cõi Âm Phủ,
Đức Phật Mẫu mở rộng cõi Trời thi hành quyền công bình thiêng liêng tuyệt đối của Chí Tôn.
Đức Phật Mẫu ra lịnh mở ra một nền tôn giáo và sắp đặt các việc trong nền tôn giáo ấy,
Công ơn của Đức Phật Mẫu là sanh ra và nuôi dưỡng cho khôn lớn, lại còn gìn giữ Linh hồn và Chơn thần được toàn vẹn,
Đức Phật Mẫu tạo hoá ra Càn khôn Vũ trụ và vạn vật
Mỗi buổi sáng, mỗi buổi tối, chúng ta phải sắp đặt để viếng an Đức Mẹ.
Chúng con cầu nguyện kính lạy Đức Phật Mẫu ở từng Trời Tạo Hoá Thiên huyền diệu với tất cả lòng cảm xúc.
Chúng con cầu nguyện với Đức Phật Mẫu có đức từ bi lớn, đức hỷ xã lớn, đức bác ái lớn với lòng tôn kính tột bực.
Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm:
NAM MÔ DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC THIÊN TÔN
B. GIẢI NGHĨA PHẬT MẪU CHƠN KINH
Đức Hộ Pháp giải nghĩa Phật Mẫu Chơn Kinh trên Cửu Long Đài, trước Báo Ân Từ hồi 4h30 ngày 15 tháng 8 năm Đinh Hợi.
Tạo hoá Thiên huyền vi Thiên Hậu
Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì
Từng Trời thứ 9 gọi là Tạo Hoá Thiên, có vị cầm quyền năng tạo đoan gọi là Thiên Hậu.
Nắm cả Kim Bàn, tức nắm đẳng cấp Thiêng liêng điều khiển chơn linh, là Phật Mẫu Diêu Trì.
Bên Á Đông, người ta thường kêu Phật Mẫu là Mẹ Sanh, thờ bằng cốt tượng, cũng nhờ Cửu vị Tiên nương truyền bá, còn lưu lại ngày nay là bọn đồng cốt, nhờ đồng cốt mà cả Á Đông đều biết Phật Mẫu là mẹ sanh của cả nhơn loại.
Sanh quang dưỡng dục quần nhi
Lấy Khí sanh quang nuôi nấng con cái của người.
Chơn linh phối nhứt thân vị thánh hình
Chơn linh của Chí Tôn cho ta hiệp với hình hài lập ra thân thể ta, gọi là Phách hay Vía. Khi thoát xác chơn linh ấy xuất ngoại.
Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp
Do nơi Thiên Cung mà ra vạn loại tức nhiên là vạn vật đều tùng quyền Pháp Thiên Cung mà sanh.
Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh
Lấy Âm Dương khí hoá hiệp nhau biến hoá ra vạn vật
Càn khôn sản xuất hữu hình
Có Càn Khôn là có Âm Dương, Phật Mẫu biến ra hình thể của vạn linh.
Bát hồn vận chuyển hoá thành chúng sanh
Trong Bát hồn kể như Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn do trong Kim Bàn của Phật Mẫu vận chuyển hoá ra tám đẳng cấp chúng sanh.
Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp
Hiệp cả thảy các Huyền linh của loài vật hữu sanh cọng lại đại nghiệp của mình mở một con đường đặng lập vị cho nhau.
Lập Tam Tài định kiếp hoà căn
Tới Tam tài trên kể xuống là Thiên, Địa, nhơn dưới kể lên Người, Đất, Trời, Phật Mẫu định kiếp căn của mọi người đã sanh ở cõi trần này.
Chuyển luân định phẩm cao thăng
Do sự luân hồi chuyển kiếp của chúng ta, Phật Mẫu định Phẩm vị cho chúng ta cao thăng. Sanh ra đang trả quả kiếp ở thế gian theo luật nhơn quả, sanh ra đặng lập nghiệp đoạt vị cũng có, mượn kiếp hữu sanh này lập vị cao thăng cũng có.
Hư vô Bát quái trị thần quy nguyên
Lấy khí hư vô dựng lò Bát quái để đem linh hồn của chúng ta về nguyên căn, Phật Mẫu có đủ quyền hành đem cả thần hồn chúng ta lại cho Chí Tôn.
Diệt tục kiếp trần duyên oan trái
Phật Mẫu định cho ta trả nợ oan trái ở trần gian. Phật Mẫu có quyền sửa cải kiếp luân hồi cho ta đoái công thục tội.
Chưởng đào tiên thủ giải trường tồn
Nơi Diêu Trì Cung, Phật Mẫu trụ sanh quang lại làm một khối, gọi là quả Đào Tiên, đủ sự sống vĩnh cửu nơi cõi Hư linh, sẽ phát cho chúng ta dùng cho rõ hiểu phép Trường Sanh.
Nghiệp hồng vận tử hồi môn
Chí Tôn định vị vĩnh tồn thiên cung
Công nghiệp lớn của Phật Mẫu là đem ta trở về cựu vị là cửa Trời.
Chủ âm quang thường tùng thiên mạng
Độ chơn thần nhứt vãng nhứt lai.
Chủ quyền máy Âm Dương, chia ranh giới Địa ngục với Thiên đàng, tùng mạng lịnh của Chí Tôn. Phật Mẫu gìn giữ chơn hồn của chúng ta, đem ta đến, đem ta về.
Siêu thăng phụng liễn quy khai
Siêu thăng thì ta nhờ cái xe Tiên là xe Phụng liễn mà mở cửa đi về.
Tiên cung Phật xứ Cao Đài xướng danh
Về nơi Cung Tiên Xứ Phật, Đức Cao Đài kêu danh hiệu (đều phải nhờ quyền năng của Phật Mẫu độ rỗi chúng ta)
Hội nguơn hữu chí linh huấn chúng
Thượng nguơn qua Trung nguơn, qua Hạ nguơn. Nay Hạ nguơn tam chuyển hầu diệt để bắt đầu Thượng nguơn tứ chuyển có Chí Tôn đến giáo hoá chúng sanh
Đại Long Hoa nhơn chủng hoà ki
Hội Long Hoa đã được tiên tri là hội ân xá các đẳng chơn hồn, không phân chia chủng tộc, nòi giống hiệp nhau về một gốc.
Tam kỳ khai hiệp thiên thi
Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên
Đạo Tam Kỳ khai giáo đúng với Thiên Thơ tiền định, để mở hội thi lên ngôi Tiên cho kẻ có duyên với Phật.
Trung khổ hải độ thuyền bát nhã
Phước từ bi giải quả trừ căn
Phật Mẫu đem thuyền Bát Nhã vào biển khổ đặng độ nhơn sanh ra khỏi trần ai
Huờn hồn chuyển đoạ vi thăng
Huờn hồn cho cả chúng sanh bị tiêu huỷ được phục siêu sanh, cải đoạ lạc ra siêu thăng
Cửu Tiêu hồi phục Kim Bàn chưởng âm
Thập thiên can bao hàm vạn tượng
Tùng địa chi hoá trưởng càn khôn
Mười thiên can là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý hiệp với 12 địa chi là Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi mà biến hoá ra hình tượng bao la càn khôn thế giới, làm cho thế giới rộng lớn thêm lên.
Trùng huờn phục vị thiên môn
Cho trở lại quê xưa vị cũ là về nơi Cửa Trời
Nguơn linh hoá chủng quỷ hồn nhứt thăng
Các Huyền linh biến hoá ra nhiều quỷ hồn cũng được siêu thăng, được đi chung đường với Thần Thánh, Tiên Phật mà phục vị.
Vô siêu đoạ quả căn hữu pháp
Không siêu thăng, không đoạ lạc, căn quả đều có phép luật định
Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan
Vô địa ngục vô quỷ quan
Không còn khổ hình của kiếp làm người, Phật Mẫu diệt liệu cũng không để còn oan nghiệt, không còn địa ngục cũng không còn chỗ nhốt quỷ hồn.
Quỷ quan là cái ngục nhốt các hồn quỷ, là nơi giam cầm hình phạt khổ sở các quỷ hồn.
Chí Tôn đại xá nhứt trường quy nguyên
Chí Tôn ân xá tội tình, đem tất cả con cái của Ngài về hiệp cùng Ngài.
Chiếu nhũ lịnh Từ huyên thọ sắc
Độ anh nhi nam bắc đông tây
Chiếu theo lịnh dạy của Đức Chí Tôn, Từ Huyên là mẹ sanh của chúng ta, thọ sắc độ rỗi vạn linh tứ hướng tức là con cái của Người, không bỏ sót một ai.
Kỳ khai tạo nhứt linh đài
Diệt hình tà pháp cường khai đại đồng
Khai Đạo Tam Kỳ kỳ này đặng tạo Linh Đài là cái tâm linh cho con người có đủ quyền năng tiêu diệt tà pháp đặng đem Nhơn loại đến Đại Đồng một cách mãnh liệt.
Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch
Hiệp nhơn sanh lại một nhà chung một đạo, Đạo sẽ duy nhứt, vạn loại sẽ là một khối, không phân biệt quốc gia chủng tộc, tôn giáo. Ngày nào được như vậy là ngày đó được hoà bình thế giới.
Quy thiên lương quyết sách vận trù
Phật Mẫu vẫn lo lắng liệu định kế hoạch đặng đem cái bản tánh tốt đẹp của con người về. Con người ở trần thế vì vật dục mà táng tận thiện lương.
Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu
Hiệp quy Tam giáo hữu cầu chí chơn
Lấy biểu hiện của ba tôn giáo, như sách Xuân Thu của Đạo Thánh, Phất Chủ của Đạo Tiên, Bát Vu của Đạo Phật, gom góp cả ba giáo lại làm một, để tìm cho ra chơn pháp.
Phục nguyên nhơn huờn tồn Phật tánh
Giáo hoá hồn hữu hạnh hữu duyên
Đem Phật tánh lại cho các bậc nguyên nhân. Nguyên nhân là các chơn hồn Chí Tôn sai xuống trần gian đặng độ chúng sanh, nhưng mê luyến hồng trần nên Chí Tôn đem Phật tánh phổ hoá cho họ nhớ mà trở lại quê xưa.
Phỏng định có độ 100 ức nguyên nhân. Phật Tổ độ được 6 ức, Lão Tử độ được 2 ức, còn lại 92 ức vẫn còn đoạ lạc. Phật Mẫu đến giáo hoá cho họ được hạnh phúc nhân duyên mà quy hồi cựu vị.
Trụ căn quỷ khí cửu tuyền
Quảng khai thiên thượng tạo quyền chí công
Cả quỷ hồn, Phật Mẫu trụ nó lại ở nơi cửa tuyền đài rồi mở rộng cửa trời, đặng thật hành quyền chí công bình của Trời.
Lịnh Mẫu hậu khai tông định đạo
Mẫu Hậu là Diêu Trì Kim Mẫu hay là Thiên Hậu Thánh Mẫu, Đức Chí Tôn hạ lịnh cho Ngài đến mở Tôn giáo định Đạo cứu chúng ta.
Ân dưỡng sanh đảm bảo hồn hài
Càn khôn tạo hoá sánh tài
Đã sanh lại dưỡng đặng đảm bảo hình hài thì ơn ấy quá trọng, sánh bằng cái công tạo hoá ra càn khôn thế giới.
Nhứt triêu nhứt tịch kỉnh bài mộ khang
Mỗi buổi mơi, buổi chiều, chúng ta đến thăm viếng Đức Mẹ như Từ Thân chúng ta vậy. Mộ khang là đến thăm viếng buổi chiều để vấn an Đức Mẹ đó vậy.
NAM MÔ DIÊU TRÌ KIM MẪU
TẠO HOÁ HUYỀN THIÊN CẢM BÁI
NAM MÔ ĐẠI TỪ BI NĂNG HỈ XẢ,
THIÊN HẬU CHÍ TÔN ĐẠI BI ĐẠI ÁI
Chúng con vái lạy người cầm quyền năng tạo cả càn khôn thế giới gọi là Thiên Hậu Chí Tôn, hay Đức Diêu Trì Kim Mẫu, xin Người từ bi bác ái vui lòng xá tội cho chúng ta.
Theo bí pháp chơn truyền của cơ sanh hoá, phải có đủ âm dương trong sanh quang. Chúng ta có điện quang dương và âm cũng như vạn vật có trống mái. Nền tôn giáo nào cũng có đủ Âm-Dương thì mới vĩnh cửu trường tồn. Như Đức Chúa Jesus ngày trước bị đóng đinh trên cây thánh giá, đầu trở lên gọi là dương; còn ông Thánh Pierre là đệ nhứt tông đồ bị đóng đinh trở đầu ngược xuống gọi là phần âm. Âm Dương tương hiệp đúng theo bí pháp nền Đạo Thánh lưu truyền 2000 năm, không ai dùng quyền gì tiêu diệt đặng.
Từ xa xưa, Đức Chí Tôn đã sai con của người đến lập Đạo như Thích Ca, Jesus, Khổng Tử,…Thời kỳ này, Người xuất nguyên linh của Người đến dạy dỗ chúng ta, thì tưởng điều ấy trọng yếu hơn hết.
Khi mở Đạo Cao Đài, Chí Tôn định cho Phật Mẫu đến giáo đạo chúng ta, bảo trọng nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta thì không ơn đức nào bằng, vì không ai biết thương con, muốn cho con nên người, bảo trọng bênh vực con hơn mẹ.
Phật Mẫu đến cầm quyền lập đạo xong rồi giao lại cho Chí Tôn. Phật Mẫu là chủ Âm Quang, Chí Tôn chủ Dương Quang. Âm Dương tương hiệp, Đạo Cao Đài nương theo năng lực của hai khối Âm Dương đó. Hễ đối với năng lực tạo ra càn khôn thế giới thế nào, thì Đạo Cao Đài ngày kia sẽ có năng lực như thế đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét