Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Thượng Đế & Phật Mẫu



THƯỢNG ĐẾ & PHẬT MẪU



QUÍ NGÀI LÀ AI?

Phàm làm con người trên quả địa cầu nầy, lắm lúc chúng ta ngồi suy tư về sự hiện hữu của mình, rồi tự dưng sẽ nhìn thấy cả một kỳ diệu trong việc cấu trúc nên hình thể con người. Từ các cơ quan như: Cơ quan thị giác, cơ quan xúc giác, cơ quan thính giác, cơ quan vị giác, cơ quan khứu giác… và các bộ máy như: Bộ máy tuần hoàn, bộ máy tiêu hóa, bộ máy bài tiết… cho đến hệ thần kinh chi chit trong cơ thể rồi đến các trung khu trên não bộ…Các chức năng của những bộ phận nêu trên họat động một cách vi diệu khiến chúng ta phải thừa nhận có bàn tay sáng tạo của Đấng Tạo Hóa đã vẽ nên hình! Đó là phần hữu hình, còn về mặt vô hình như: Tánh linh, mặc khải, cảm nhận, kiến thức, tư tưởng, ý thức, tiềm thức, vô thức, lương tâm, linh hồn….ai đã tạo nên? Phải chăng cũng là Đấng Tạo-hóa?
Vượt ra ngoài phạm vi lớn hơn, với vũ trụ bao la, các vì tinh tú luôn luôn vận hành theo một trật tự vi diệu, vạn vật sinh tồn, thiên nhiên mầu nhiệm…Có thể nói, vũ trụ hãy còn nhiều bí mật mà loài người chưa đủ khả năng khám phá! Ắt phải có một Đấng Chúa Tể cả Càn Khôn Vũ Trụ với quyền năng vô đối đã tạo nên.
Từ các suy tư kể trên, qua kinh sách của đạo Cao Đài, qua các đàn cơ dạy đạo của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng, chúng ta đã được giải đáp rất nhiều về những bí mật của vũ trụ, về sự nhiệm mầu của Đấng Tạo Hóa, và về sự hiện hữu của hai Đấng tối cao, tối linh mà nhơn loại tôn thờ. Đó là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và Đức Diêu Trì Kim Mẫu mà người tín đồ Cao Đài gọi là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.



Vậy Thượng Đế, Ngài là ai? Ngài như thế nào? Ngài ở đâu? Ngài làm gì? Đó là những câu hỏi muôn đời và vẫn chưa có câu trả lời nào được con người chấp nhận một cách trọn vẹn. Ngoại trừ các bậc chơn tu đã giác ngộ mới nhận diện được Ngài, còn phần đông chúng ta chỉ cảm nhận Ngài qua đức tin trong tôn giáo của mình mà thôi. Điển hình như Pascal, một khoa học gia, một nhà toán học, một triết gia lớn của nhơn loại đã nói: “ Dù không thể dùng lý trí để chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế vì Ngài quá siêu việt đối với sự hiểu biết của con người, nhưng chúng ta cần phải tin tưởng vào Đấng sáng tạo tối cao.”
Với Pascal, niềm tin ở Thượng Đế là nền tảng để khám phá mọi bí mật của thế giới vô hình, là yếu tố cần thiết để diện kiến được Ngài, là điều hữu ích cho kiếp làm người. Do đó Pascal đã khẳng định:

“Hãy quỳ xuống, anh sẽ thấy được Thượng Đế” Vậy thì:



I-THƯỢNG ĐẾ, NGÀI LÀ AI?
Điều nầy giáo lý của các tôn giáo đã có lời giải đáp đặt trên nền tảng đức tin của từng tôn giáo. Riêng về tôn giáo Cao Đài, nhờ phương tiện thông linh bằng cơ bút, người tín đồ Cao Đài mới biết chắc rằng: Có một Đấng duy nhứt, tối cao, tối đại, tối linh …đã tạo ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật. Đấng ấy trong thời Hạ Nguơn mạt pháp nầy đã giáng cơ mở Đạo và dạy Đạo. Ngài tự xưng là: Ngọc Hoàng Thượng Đế kim viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Tát. Với danh xưng nầy có nghĩa Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế nay gọi là Đấng Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Như trên đã nói, với phương tiện cơ bút, Đức Chí Tôn khai Đạo và dạy Đạo nên cũng nhờ váo đó nhơn loại ngày nay có thể biết rõ ràng về Thượng Đế. Chính Ngài đã giáng cơ giải thích về thân thế củ Ngài như sau:
“Khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giới thì khí Hư vô sinh ra chỉ có một mình Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái. Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn Khôn Thế giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm và gọi chung là Chúng Sanh.
Các con đủ hiểu rằng, chi chi hữu sanh cũng bởi do Chơn Linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống vì vậy lòng háo sanh của Thầy vô cùng tận. “
Một đàn cơ khác, Đức Chí Tôn giải thích thêm:
“ Khai thiên địa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói một Chơn Thần mà đã biến Càn Khôn Thế Giới và cả Nhơn Loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy. Các con là chư Phật, chư Phật là các con. Có Thầy mới có các con, có các con rồi

mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn Thế Giới nên mới gọi là Pháp. Pháp có, mới sanh ra Càn Khôn Vạn vật, rồi mới có người nên gọi là Tăng.
Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy.”
Nói tóm lại, như trên đã trình bày: Khi trời đất chưa phân định, không gian lúc bấy giờ chỉ là Hư Vô Chi Khí. Với cái tên gọi như vậy, vì cái thể của nó trống không đối với mắt phàm của con người, nhưng kỳ thực trong cái không ấy vẫn chứa đựng một nguồn sống tiên khởi. Từ nguồn sống ấy biến ra muôn loài, vạn vật…Trong đó có con người. Con người gọi tên nguồn sống ấy bằng nhiều danh hiệu khác nhau, chẳng hạn như Đức Chúa Trời, Đức Chí Tôn, Đấng Tạo Hóa, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đấng A- La, Đấng Giê- Hô- Va….
Vậy Thượng Đế tuy vô hình nhưng thực sự hiện hữu.



II – THƯỢNG ĐẾ Ở ĐÂU?
Nhờ Thánh Ngôn của đạo Cao Đài, chúng ta biết được nơi ngự của Đức Chí Tôn là Bạch Ngọc Kinh, là một tòa nhà to lớn làm bằng ngọc trắng được mô tả qua đàn cơ ngày 1-1 năm Bính Dần (1926) như sau:

Một tòa thiên các ngọc làu làu,
Liền bắc cầu qua, nhấp nhóa sao.
Vạn trượng then gài ngăn Bắc Đẩu,
Thiên trùng nhiếp khảm hiệp Nam Tào.
Chư Thần chóa mắt màu thường đổi,
Liệt Thánh kinh tâm phép vẫn cao.
Dời đổi chớp giăng đoanh đỡ nổi,
Vững bền muôn kiếp chẳng hề xao.



Để có một khái niệm rõ ràng về hình ảnh của Bạch Ngọc Kinh, chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh Tòa Thánh Tây Ninh được Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc đứng ra xây cất theo mô hình do Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch giáng cơ vẽ ra, phỏng theo hình ảnh của Bạch Ngọc Kinh trên cõi Thiêng Liêng. Do đó Tòa Thánh Tây Ninh cũng được gọi là Bạch Ngọc Kinh tại thế.
Ngoài Bạch Ngọc Kinh, Đức Chí Tôn còn ngự tại Linh Tiêu Điện ở Ngọc Hư Cung thuộc từng trời Hư Vô Thiên mỗi khi có Đại Hội Quần Tiên, nơi đó Đức Chí Tôn ngự trên đài cao để chủ tọa Đại Hội Ngự Triều.
Linh Tiêu nhứt tháp thị Cao Đài,
Đại Hội Quần Tiên thử ngọc giai,
Vạn trượng hào quang tùng thử xuất,
Cổ danh bửu cảnh lạc Thiên Thai.

III – THƯỢNG ĐẾ LÀM GÌ?
Trong bài kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế mà người tín đồ Cao Đài tụng niệm hằng ngày có một đoạn cho chúng ta biết vài nét về quyền hành của Đức Thượng Đế. Bài kinh viết bằng Hán Tự và xin được diễn Nôm như sau:
Đức Thượng Đế tạo ra vạn vật và dưỡng dục vạn vật,
Trên thì chưởng quản 36 tầng trời và 3.000 thế giới.
Dưới chưởng quản 72 địa cầu và Tứ Đại Bộ Châu.

…………………………………………………………………….

Là vua của Nhật, Nguyệt, Tinh và thời gian.
Tức là vua của không gian và thời gian.
Là chủ của Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Là Đấng Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng,
Là Đấng Đại Thiên Tôn.
Cũng cần nói thêm, trong bài kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế có câu: “ Hóa dục quần sanh “ đã cho chúng ta thấy Thượng Đế luôn luôn quan tâm đến sự thăng tiến của vạn vật.
Thật vậy, kể từ Nhứt Kỳ Phổ Độ, qua Nhị Kỳ Phổ Độ, rồi đến Tam Kỳ Phổ Độ, Thượng Đế đã mở ra nhiều mối Đạo ở nhiều nơi…. cũng không ngoài mục đích dạy dỗ con người tìm con đường trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống và thăng cao Thiên vị.
Với hai chữ “Trở về “mà chúng tôi vừa mới nói, xin được nói rõ hơn, giáo lý Cao Đài cho biết, Linh hồn hay Chơn linh là điểm Linh Quang từ khối Đại Linh Quang của Đức Chí Tôn ban cho để nhập vào phàm thể của mỗi người. Chơn Linh ấy làm con người có tánh Thánh hầu gìn giữ và dạy dỗ phàm thể.
Bởi nguồn gốc Chơn Linh của mỗi con người là do một phần Chơn Linh của Đức Chí Tôn từ cõi Thiên nên Đức Chí Tôn hằng nói: “Thầy là các con, các con là Thầy “và chính vì thế, khi rời khỏi xác phàm, Chơn Linh con người tìm đường trở về gốc cũ ở cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Người tín đồ Cao Đài cho rằng cái chết của xác phàm tại trần gian là sự “Qui hồi cựu vị “hay ngắn gọn hơn là “Qui vị “để chỉ sự trở về của Linh Hồn.

IV – VỚI ĐẠO CAO ĐÀI, THƯỢNG ĐẾ VỪA LÀ CHA VỪA LÀ THẦY:
Với một Đức Chí Tôn duy nhứt, nhưng trong giáo lý Cao Đài khi giáng cơ dạy Đạo, Ngài thường xưng là THẦY. Vậy Đức Thượng Đế có lúc là Cha, lại có lúc là Thầy. Đó là điều mà Đức Hộ Pháp có lần đã vấn Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn.
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn là cố Đại văn hào của nước Pháp, lãnh lịnh Đức Chí Tôn làm Chưởng Đạo Hội Thánh Ngoại Giáo đạo Cao Đài.
Đức Hộ Pháp hỏi : Cha và Thầy khác nhau, tại sao Đại Từ Phụ của chúng ta lấy danh xưng là Thầy ?
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn trả lời bằng một bài thơ chữ Pháp xin tạm dịch ra văn xuôi như sau :
Ngài cùng trong một lúc là Cha và Thầy:
Bởi vì chính Ngài sanh ra tất cả con người chúng ta.

Ngài nuôi dưỡng thân thể chúng ta bằng vật lành mạnh

Và tạo ra linh hồn chúng ta bằng phép ThiêngLiêng.
Nơi Ngài,tất cả là thông thái và trí huệ.
Sự tiến hóa của linh hồn là công nghiệp của Ngài không ngừng.
Những vật chất hèn mọn là châu báu trước mắt Ngài.
Những linh hồn hèn hạ, Ngài biến chúng thành ThầnThánh.
Luật của Ngài là Bác ái, Quyền của NgàilàCôngchánh
Ngài chỉ biết Đạo Đức và không biết thói xấu.
CHA : Ngài ban cho các con sanh khí của Ngài.
THẦY : Ngài di tặng cho họ cái Thiên Tánh riêng của Ngài
Tóm lại, ngày nay, vào thời Nguơn Mạt Pháp, nhơn loại đang đắm chìm trong nền Văn minh vật chật, bỏ lơi con đường Đạo Đức khiến cho xã hội loài người càng ngày càng bất ổn, sống tranh giành, cấu xé, chiến tranh tàn sát nhau…và có cơ nguy dẫn đến chỗ tự diệt vong. Trước cơ nguy nầy, để cứu vớt toàn thể con cái của Thượng Đế, Ngài đã dùng huyền diệu cơ bút khai sáng nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Việt Nam vào năm 1926. Với nền tân tôn giáo nầy, mọi kinh kệ, lễ bái, giáo lý, Pháp Chánh Truyền, Thể Pháp, Bí Pháp…nhất nhất đều do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế chỉ dạy qua cơ bút rõ ràng … Như vậy, Thượng Đế quả thực hiện hữu. Ngài đang chưởng quản cả Càn Khôn Vũ Trụ. Dưới mắt Ngài những vật hèn mọn là châu báu, những linh hồn hèn hạ, Ngài biến chúng thành Thần Thánh. Sự tiến hóa của linh hồn là công nghiệp không ngừng của Ngài. Luật của Ngài là Bác Ái, quyền của Ngài là Công Chánh. Ngài là Giáo Chủ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dưới tôn chỉ: Tam Giáo Qui Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhứt và với Thiên Đạo Ngài truyền Bí Pháp giải thoát con người, với Thế Đạo, Ngài đưa xã hội loài người lập đời Thánh Đức.
Thượng Đế quả thật hiện hữu, Ngài là Cha của muôn loài, là Chúa Tể cả Càn Khôn Vũ Trụ, nếu không trọn đức tin nơi Ngài, đó là một mất mát rất nhiều cho kiếp sống làm con người!







V-VÀI CẢM NHẬN

Đức Chí Tôn, với Càn Khôn Vũ Trụ Vạn Vật Ngài là Chúa Tể, với toàn thể nhơn loại Ngài là Đấng Cha chung, đặc biệt với người tín đồ Cao Đài, Ngài vừa là Cha, vừa là Thầy và cũng vừa là Giáo Chủ của đạo Cao Đài.Ở mỗi cương vị, Ngài có cách hành sử khác nhau:
Là Chúa Tể, trên thì Chưởng Quản Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế giới, dưới thì Thất Thập Nhị Địa, rồi Tứ Đại Bộ Châu…Guồng máy quản trị của Ngài có chư Thần Thánh Tiên Phật tùng hộ …Tất cả thiên vạn sự đều chu toàn một cách vi diệu…mà con người khó thấu hết được!
Đức Chí Tôn vừa là Cha Thiêng Liêng, vùa là Thầy nên việc gần gũi và dễ cảm nhận hơn khi Ngài nói: “ Một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi”
Vậy, mở Đạo là mở trường thi công quả, mở Đại Hội Long Hoa là mở cửa đón con cái trúng tuyển của Ngài vào Bạch Ngọc Kinh.
Thầy mở trường dạy học trò với tất cả lòng thương yêu, với hồng ân Đại Ân Xá…Học trò một lòng sùng kính Thầy, nguỡng mộ Thầy, ngày đêm chăm chỉ tu học. Học trò đông, thi đỗ nhiều nên ngôi trường của Thầy là ngôi trường chung cho nhơn loại, đạo do Thầy mở vào thời Tam Kỳ Phổ Độ cũng là nền đạo chung của toàn thể nhơn loại. Do vậy, người tín đồ Cao Đài hãy mau truyền khắp nơi trên thế giới, để nhơn loại cùng nhau hiệp lực hoàn thành đời Thánh Đức. Đó là Thánh ý của Đức Chí Tôn đang mong chờ con cái của Ngài mau chóng làm cho nên hình tướng.
Tóm lại, Đức Chí Tôn là Cha, Ngài đã bày tỏ tình Cha đối với con là Hồng Oai, Hồng Từ, Vô Cực, Vô Thượng…Là Thầy, Ngài muốn chính tay Thầy dìu dắt các con cho nên Đạo…
Riêng việc tự đảm nhận vai trò Giáo Chủ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài đã hạ mình một cách tận cùng, vì là Đấng Chúa Tể cả Càn Khôn Vũ Trụ mà phải hạ mình tá danh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát để điều hành mối đạo nơi quả Địa cầu thứ 68 hết sức nhỏ bé nầy… Tất cả cũng vì đàn con đang đắm chìm trên biển trần khổ. Với nỗi niềm nầy, có lần Ngài đã phân trần với đàn con của Ngài qua đàn cơ ngày 11 tháng 9 năm 1929 như sau:
Các con coi, bậc Chí Tôn như Thầy mà hạ mình độ rỗi nhơn sanh… là thế nào? Phải xưng là một vị Tiên Ông và Bồ Tát, hai phẩm chót của Tiên, Phật. Đáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao, tối trọng., còn Thầy thì khiêm nhường…. là thế nào? Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy. Thầy lại nói, buổi lập Thánh Đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội lỗi, đâu đến nhọc công Thầy.
Sau đó, ngày 13 tháng 2 năm 1927 Thầy giáng cơ giải thích tiếp rằng:
Thầy đã nói Ngũ Chi Đại Đạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà lập ra phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa.
Như vậy, chúng ta cả thảy đều thấy rõ: Chính Thầy trực diện dạy dỗ các con, chính Thầy dìu dắt các con trên con đường Đạo cho đến khi các con của Ngài được hội hiệp cùng Ngài trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Bằng từng ấy, chúng ta cũng đủ cảm nhận: Thầy đến với chúng ta với cả tình thương vô bờ bến, với ý chí không lực nào cản nổi để giải cứu con cái

của Ngài từ thể xác cho đến Linh hồn.
Đó là nguyện ước của Thầy, tuy nhiên phần đạt đạo hãy còn ở chỗ chúng ta có quyết tâm cùng không. Bởi cớ đó nên Đức Chí Tôn quả quyết rằng:
Nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy, là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng. Ấy vậy vấn đề tự lập là vấn đề các con phải lo đó.
Còn điều nữa cũng cần nghĩ thêm, là trong thời buổi nầy, Đức Chí Tôn đến khai đạo không phải để nhân loại sùng bái Ngài, mà là để cứu rỗi nhân loại và lập đời Thánh Đức cho nhơn loại.
Điều nầy, Đức Hộ Pháp đã từng thuyết giảng rằng: Lạy Đức Chí Tôn không đem lợi ích gì cho Ngài đâu, mà lợi ích là cho chính mình đó.
Ngoài ra Đức Chí Tôn cũng vì đàn con đang đau khổ nên không còn nghĩ đến cái oai linh cao vòi vọi của một Đấng là Chúa Tể cả Càn Khôn Vũ Trụ mà sẵn sàng tá thế một cách hết sức giản dị để đem lại cho các con cái của Ngài mọi sự dễ dàng trên con đường tu luyện, Ngài không đòi hỏi phải tốn của hao tiền để thiết lập những ngôi đền đồ sộ để thờ kính Ngài. Chỉ dụng lấy TÂM thờ kính Ngài cũng đủ lắm rồi!

Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Không cần hạ giới vọng cao ngôi.

Sang hèn trối kệ, tâm là quí,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.

Vậy thì, với Thầy chúng ta chỉ còn biết: Thầy vì nhơn loại mà khai Đạo: Thương nên hết lời chỉ giáo, Thương nên tha thứ mọi tội lỗi từ xưa, Thương nên dùng chính tay mình để dìu dắt đàn con…và đáp lại: Ai thương Thầy thì lòng được rộng mở, thương Thầy tâm sẽ được sáng lên, thương Thầy thì chơn thần được thăng hoa…Càng thương Thầy sẽ thấy càng gần Thầy. Gần đến mức độ cảm nhận được sự huyền diệu vô biên như Thầy đã từng nói: Thầy là các con,các con là Thầy.
Nói tóm lại, trên đây chỉ là những ý nghĩ đơn giản, mạn phép được nêu ra với mong bắc nhịp cầu khơi nguồn từ tâm trí của mỗi người, để mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây…chúng ta đều liên tưởng đến Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Chí Tôn, Đức Đại Từ Phụ…đã hạ mình làm Thầy và luôn luôn ở bên ta để dạy dỗ ta nên người, nên Đạo…Thật hạnh phúc biết dường nào cho toàn cả nhơn loại ở thời Hạ Ngươn Mạt Pháp nầy !.





ĐỨC PHẬT MẪU, BÀ MẸ THIÊNG LIÊNG

Với con người, chúng ta chỉ nhìn thấy một thân xác là xác phàm. Đó là thân xác thứ nhứt, còn thân xác thứ hai là Chơn Thần do Phật Mẫu sanh và thân xác thứ 3 là Chơn Linh hay Linh hồn do Đức Chí Tôn ban cho.
Vậy chúng ta ai ai cũng có hai Bà Mẹ: Mẹ phàm sanh con mang xác phàm, Mẹ Thiêng Liêng sanh con trên cõi Thiêng Liêng gọi là Chơn Thần hay còn gọi là Chơn Thân vì chính thân xác nầy mới là thân xác vĩnh cữu của mình. Thân xác thiêng liêng của một người dù là chất khí nhưng cũng có hình tướng giống xác phàm như khuôn đúc.
Theo giáo lý Cao Đài, Thái Cực là ngôi của Đức Chí Tôn. Từ Thái Cực, Ngài phân ra Lưỡng nghi. Đó là Dương quang và Âm quang. Đức Chí Tôn chưởng quản khối Dương quang, còn phần Âm quang Đức Chí Tôn hóa thân ra Đức Phật Mẫu chưởng quản khối Âm quang.
Đức Phật Mẫu vâng lịnh Đức Chí Tôn thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái cực, rồi đem Âm quang phối hợp với Dương quang để tạo ra các tầng Trời, các quả Tinh cầu và các Địa cầu mà lập thành Càn Khôn Vũ Trụ.
Tiếp theo, Đức Phật Mẫu tạo hóa ra Vạn linh nơi cõi Thiêng liêng vô hình. Vạn linh gồm có bát hồn: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.
Đức Phật Mẫu lại cho Vạn linh đầu kiếp xuống các Địa cầu tạo thành Vạn vật tức là Chúng sanh. Chúng sanh gồm có: Kim thạch, Thảo mộc, Thú cầm và Nhơn loại.
Đối với cha mẹ phàm trần, người cha tạo cho con duy có nhứt điểm tinh, còn huyết khí đều do người mẹ đào tạo mới có.
Về phần thiêng liêng, Đức Chí Tôn chỉ ban cho mỗi người một Chơn Linh, còn Phật Mẫu tạo nên trí não và xác thịt. Do vậy, muốn cầu xin cho đặng siêu thoát linh hồn thì không ai hơn là cầu Đức Chí Tôn và về phần xác thịt, khi đau đớn, khổ sở…thì cầu xin Đức Phật Mẫu.
Thật vậy, Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc đã từng giảng:
Thông thường, có nhiều điều ta đến xin Mẹ thì Mẹ cho, còn xin Cha thì không được. Do đó phái nữ cần quan tâm đến điều nầy cho lắm, mỗi khi bịnh hoạn, đau khổ, hoặc cầu nguyện sanh được con là một chơn linh cao siêu nhập thể… thì chỉ có Phật Mẫu mới có đủ quyền năng ban ơn ấy cho.
Do kinh nghiệm bản thân, qua thời gian hơn 5 năm bị lưu đày trên đảo Madagascar, Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc đã từng gặp nhiều nguy biến, tuy nhiên tất cả đều vượt qua, đã vượt qua ngoài sức tưởng tượng. Từ đó Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc đặt trọn niềm tin cứu độ nơi Đức Phật Mẫu và đến khi trở về Tòa Thánh Tây Ninh, Ngài thuyết giảng cho mọi tín đồ Cao Đài đều biết nếu lúc gặp nguy biến hay gặp lúc đau khổ, hãy quì xuống giữa không trung niệm danh Đức Phật Mẫu rồi cầu nguyện… ắt sẽ thấy được sự linh ứng kỳ diệu. Niệm danh của Phật Mẫu là : “Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn”
Phật Mẫu là bà Mẹ Thiêng Liêng của vạn loài, Người chỉ biết yêu thương con cái của Người mà thôi. Dầu cho vạn vật, hễ đồng sanh với một bà Mẹ Thiêng Liêng ắt được coi đồng một mực, vì vậy tại Điện thờ Phật Mẫu, lúc vào bái lễ tất cả mọi người đều đồng đẳng, dù là Chức Sắc Thiên Phong cũng mặc đạo phục như một tín đồ bình thường. Trước mắt Mẹ tất cả đều là con cái của Ngài và Ngài luôn luôn lấy tình thương yêu và tâm công chánh đối với các con mà thôi.
Với tình mẹ con sâu đậm như vậy, nên khi khai đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn giao trọn quyền cứu rỗi con cái của Ngài cho Phật Mẫu.
Ngọc Hư định phép cũng nhiều,
Phái vàng Mẹ lãnh dắt dìu trẻ thơ
Hoặc:
Ngồi trông con đặng phi thường,
Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh.
( Kinh tán tụng công đức Diêu Trì Kim Mẫu )
Ngoài ra Đức Hộ Pháp còn khuyên tất cả mọi người trong kiếp sống hãy đặt chữ hiếu đối với cha mẹ phàm trần lên hàng đầu, vì Cha là hình ảnh của Đức Chí Tôn và Mẹ là hình ảnh của Đức Phật Mẫu tại thế. Quả thật, con người đến khi nhắm mắt lìa trần, chơn hồn sẽ bái kiến Đức Phật Mẫu ở tầng Trời thứ 9 tại Diêu Trì Cung. Lúc bấy giờ chơn hồn nhìn gương mặt Đức Phật Mẫu chẳng khác gì với gương mặt Mẹ sanh ra mình. Nếu là con có hiếu, gương mặt bà Mẹ tươi cười và chơn hồn cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Ngược lại, nếu là con bất hiếu, chơn hồn thấy gương mặt nghiêm nghị của Mẹ mình và tự cảm thấy đau khổ không thể nói hết được. Chính vì vậy Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc trong những lần thuyết đạo, Ngài thường hay nhắc nhở đến đạo Hiếu của con người, nhất là giới trẻ và Ngài cũng thường lặp đi lặp lại hai câu đề cao về chữ Hiếu của Nho giáo như sau:
Thiên Địa tứ thời, Xuân tại thủ,
Nhơn sanh bách hạnh, hiếu vi tiên.
Nghĩa là: Trời Đất có 4 mùa, mùa Xuân đứng đầu. Con người có trăm hạnh, hiếu hạnh là trên hết.
Vậy làm người chúng ta đã thọ ơn Cha Mẹ phàm trần, thọ ơn Cha Mẹ Thiêng Liêng. Do đó trong cuộc sống chúng ta bao giờ cũng đặt Đạo Hiếu lên hàng đầu bằng cách thực thi đúng mức:
Với Cha Mẹ phàm trần lo phụng dưỡng.
Với Phật Mẫu yêu thương sanh chúng, giúp đỡ người thế cô, tật nguyền
Với Đức Chí Tôn luôn hạ mình làm tôi tớ vạn linh.

Đó là khuôn mẫu mà con người cần báo hiếu với các Đấng sanh thành mà Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã từng nhắc nhở trong những lần thuyết đạo



Hiền Tài Phạm văn Khảm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét