Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Miễu và Lễ Hội Cúng Bà










Miễu và lễ hội cúng bà

Theo tài liệu khảo sát năm 1997, ở Đồng Nai có 198 miễu các loại; như vậy, miễu đa dạng và số lượng nhiều hơn đình. Đình gắn với cộng đồng làng thì miễu gắn với đình, chùa, cụm dân cư, vườn nhà của gia đình, hương lộ, hương thôn; nhân vật chính là mẫu.

Những năm 1960, Lương Văn Lựu ghi nhận: “Ngoài đình làng: Nhân dân trong ấp thường dựng lên những “Thổ Chủ” (miễu nhỏ), dưới cội đa hoặc cây to bóng mát, trên đường vắng, hay trong góc vườn để thờ Thổ Địa hay bà Chúa Tiên, Chúa Xứ, Liễu Hạnh và tùy theo ngày kỷ niệm của mỗi vị mà hành cúng hàng năm một cách thành kính” (1). Xét về hình thức, miễu ở Đồng Nai có mấy dạng chính:

- Miễu độc lập ở làng xã: Gắn với cụm dân cư trong làng ấp. Quy mô hơn các dạng miễu khác, thờ “thánh thần”, những làng, xã chưa có đình đều có lập miễu; dạng miễu này như là tiền thân của cái đình.

- Miễu ở đình, chùa: Là những miễu nhỏ ở khuôn viên đình, chùa; thường ở phía trước, thờ các vị Thổ thần, Sơn thần (thần Hổ), Thánh mẫu, Chiến sĩ trận vong.

- Miễu ở đất vườn: Gắn với các khu đất vườn, đất rẫy, đất ruộng của gia đình, thường thờ Bà và thần Đất; người địa phương còn gọi là Thổ Chủ.

- Miễu lẻ ven đường: Miễu do bá tánh lập lên ở ven đường, ven sông, hoặc dưới bóng cây, gò đất cảm thấy là linh thiêng thờ Thổ thần hoặc cô hồn không nơi nương tựa. Đa phần là miễu cô hồn.

Xét về đối tượng thờ cúng, nhận thấy thần điện của miễu đa tạp hơn đình, chùa. Có thể phân thành các dạng chính :

- Thờ vong hồn linh ứng: Những người chết “bất đắc kỳ tử” đều được tin là linh ứng, thường được thờ. Trong đó, các anh hùng, liệt sĩ hữu danh hoặc vô danh, có công hoặc có nhân cách cao được người địa phương thờ trang trọng nhất (như miễu Bình Hòa lập từ 1837 thờ 7 vị công thần chết trận trong binh biến Lê Văn Khôi, miễu cô hồn ở Dốc Sỏi (Bình Hòa) thờ 9 nghĩa sĩ trại Lâm Trung chống Pháp bị hành quyết...).

- Thờ các phúc thần: Thần Hổ, Rái Cá, Mãng Xà vương... là những linh vật giáng họa nhưng cũng được thờ ở đình miễu và được đãi lễ như là phúc thần, dạng này không nhiều, có sự tích hợp nhiều yếu tố, như miễu thờ Rái Cá ở Hòa Quới (Cù Lao Phố), đã hội nhập vào bàn thờ Lang lại đại tướng quân, miễu thờ rắn (Mãng xà vương) ở Mỹ Lộc (Tân Uyên) đã đổi dạng thành thờ Ngũ Hành; miễu thờ thần Hổ thì còn ít nhiều ở các đình, các làng còn đậm nét vùng sơn cước. Phổ biến là các miễu thờ thần Đất dưới dạng Thổ Chủ, Thổ thần hoặc Ông Tà.

- Thánh mẫu: Đa phần miễu ở làng, ấp cũng như ở đình đều có thờ Thánh mẫu, người địa phương quen gọi là thờ Bà. Các Thánh mẫu đã thâm nhập sâu vào đình, chùa, gia đình; lại chiếm lĩnh hầu hết thần điện của các miễu, chứng tỏ tín ngưỡng thờ nữ thần “sâu rễ bền gốc” trong tâm linh của cư dân Việt ở Đồng Nai.

Tục thờ cúng nữ thần gắn liền với cư dân Việt ở Đồng Nai từ buổi đầu mở đất, đồng hành với quá trình phát triển của xã hội, có sự tích hợp nguồn gốc nhập cư và nguồn gốc bản địa; có sự phát triển từ rời rạc vươn lên mang tính “đạo thờ mẫu” rồi lại địa phương hóa các mẫu được phụng thờ. Ở đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức đã chú ý đến đặc điểm này của đất Gia Định - Đồng Nai “...Nhiều người trung dõng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dù hàng phụ nữ cũng thế, có nhiều giai nhân mỹ nữ, mà trong hạng người giàu sang, trường thọ khôn khéo cũng có xuất hiện tên tuổi của giới phụ nữ. Họ hay chuộng đạo Phật, tin việc đồng bóng, kính trọng nữ thần, như: Bà Chúa Ngọc, bà Chúa Động (quen gọi người phụ nhân tôn quý bằng bà), bà Hỏa tinh, bà Thủy Long, và Cô Hồng, Cô Hạnh... “ (1).

Khảo sát miễu Bà ở Đồng Nai, Bà được thờ là một tập hợp các nữ thần có nguồn gốc và “lý lịch” khác nhau, được thờ cúng ở miễu tùy theo tâm niệm của mỗi nơi:

- Bà Âu Cơ: Bà mẹ “thủy tổ” của dân tộc, theo cư dân Việt vào Đồng Nai khá muộn, được lập miễu thờ vọng gắn với thờ Quốc tổ ở vùng đất mới khai phá sau 1954, thờ cúng đơn giản, lễ cúng chính vào ngày 10 - 3 âm lịch.

- Bà Ngũ Hành: Được thờ phổ biến nhất, đó là 5 vị nữ thần ứng với: Kim Đức Thánh phi, Mộc Đức thánh phi, Thủy Đức thánh phi, Hỏa Đức thánh phi, Thổ Đức thánh phi. Năm bà Ngũ Hành chỉ là ý niệm chung về các vị nữ thần có thiên chức phù trợ cho việc sản sinh và phát triển; không có thần tích cụ thể; ngày vía chính là 5 - 5 âm lịch. Ở những vùng nhiều hỏa hoạn, đông người Hoa, nhiều khi Bà Hỏa (Hỏa Đức thánh phi) được thờ riêng một miễu.

- Liễu Hạnh Công chúa: Nữ thần quen thuộc của cư dân Việt ở đồng bằng Bắc bộ, một thành viên trong Tứ Phủ được thờ ở miễu Bà dưới chân núi Gia Lào (thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc), được cúng vía vào ngày rằm tháng 3 âm lịch.

- Bà Chúa Thượng ngàn: Một nữ thần của cư dân đồng bằng Bắc bộ, của Tam Tòa, Tứ Phủ theo cư dân Việt vào Đồng Nai khá sớm, còn dấu vết được thờ ở nhiều nơi, dần dần bị lẩn khuất trong hào quang của các Bà Ngũ Hành, chỉ còn rải rác một vài miễu thờ, như miễu thờ trong khuôn viên đình Thành Hưng (Biên Hòa). Bà được phối hưởng trong lễ cúng đình, không còn cúng ngày vía riêng.

- Chúa Ngọc nương nương, Chúa Tiên nương nương: Là biến thể của Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, mẹ xứ sở Po Inư Nagar của người Chăm; vừa được xem là thần độ mạng cho phụ nữ tại gia, vừa là thần nữ phù trợ cho cộng đồng. Lệ cúng vào ngày 3 tháng 3 (âm lịch) và các ngày rằm lớn.

- Chúa Xứ nương nương, Linh sơn Thánh mẫu: Cũng cùng một gốc với Chúa Ngọc, Chúa Tiên nhưng có trú sở, lai lịch và thần tích riêng. Chúa Xứ được giải thích có nguồn gốc ở Châu Đốc, điện thờ chính ở Núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Linh Sơn Thánh mẫu cũng vậy, tục gọi là Bà Đen, điện thờ chính ở núi Bà Đen (Tây Ninh).

- Thiên Hậu Thánh mẫu: Có nơi còn thờ với tự hiệu là Thiên Phi nương nương (như miễu ở đình An Hòa). Đây là vị nữ thần của người Hoa, họ Lâm gốc Phúc Kiến, được người Hoa đưa vào Nam bộ, hòa nhập với thần thánh địa phương trở thành một trong những vị thần bản địa. Vía Bà Thiên hậu ngày 23 - 3 âm lịch.

- Cửu Thiên Huyền Nữ: Vị thần mang ý niệm chung, người ta tin rằng Bà là nữ thần quyền uy tối cao, cai quản cả chín tầng trời. Cửu Thiên Huyền Nữ là vị thần độ mạng phụ nữ, đồng thời là vị thần khai sáng, dạy cho con người biết làm nhà hai mái, biết làm mộc, đóng thuyền; Lộ Ban, Lộ Bốc, thờ Bà làm thầy. Bà được thờ trong miễu khắp nơi, vía Bà ngày 9 - 9 trùng với ngày Cửu Trùng của người Hoa.

- Mẹ Thai sanh: Nguồn gốc là Kim Hoa Thánh mẫu của người Hoa, vị thần trông nom về việc sinh nở. Người Đồng Nai thờ Mẹ Thai sanh với quan niệm là “mười hai Mụ Bà và ba Đức Thầy”.

- Thủy Long Thần nữ: Gốc là một thần giếng, dần dần được quan niệm là một thần cai quản sông nước, gọi chung là bà Thủy. Trong quan niệm dân gian hiện nay, bà Thủy bao hàm cả chức phận của Hà Bá và có thể cũng là Thủy Đức Thánh phi trong bộ Ngũ Hành, cho nên ngày vía cũng là ngày 5 - 5 âm lịch.

- Quan Âm Bồ tát: Vừa là Phật bà vừa là thần nữ. Người địa phương quan niệm Quan Âm có họ hàng với các nữ thần, cùng chức năng cứu khổ, cứu nạn nhất là cứu nạn trên biển. Cho nên, Quan Âm được kéo ra khỏi chùa, gắn với các miễu, nhiều khi cũng được cúng đồ mặn như các nữ thần khác hoặc phối tự ở các miễu lẻ.

- Các nữ thần bổn địa: Vừa dung nạp những vị nữ thần nhập cư, người Biên Hòa - Đồng Nai vừa có xu hướng gởi gấm niềm tin của mình ở những nữ thần tuy không giàu thần tích nhưng gắn bó với mảnh đất mình đang sinh sống. Thị Vãi, một thôn nữ có tính cách khác thường, giàu lòng thương người được người địa phương yêu mến lập miễu thờ, và tên miễu gắn liền với tên núi ở Long Thành - Bà Rịa. Cô bóng Hiên chuyên việc bói toán nhưng thực lòng, khẳng khái, được người địa phương tin phục, lập miễu thờ ở Thiện Tân (Vĩnh Cửu), Ngày vía Cô 15 tháng 2 âm lịch. Cô Lê Thị Hồng, một trinh nữ chết trôi có tấm lòng yêu đất yêu biển Long Hải được ngư dân Long Hải thờ phụng ở Dinh Cô. Vía cô ngày 10 tháng 12 âm lịch.

Trịnh Hoài Đức có nhắc đến Cô Hồng, Cô Các trong Gia Định Thành thông chí, nhưng kết quả điền dã chưa tìm được cơ sở thờ cúng các cô này ở Đồng Nai, chỉ thấy có tên gọi trong văn cúng.

Việc bài trí điện thờ hết sức đơn giản, gồm bát nhang, bình bông, chén nước, chân đèn; những ngày cúng thì: Nước trong, bông tươi, nhang thơm, đèn sáng; lễ vật cúng có thêm bánh, trái, xôi, chè, thịt, thường là thịt vịt hoặc heo thu gọn thành thủ vĩ. Nhiều nơi vật thờ còn có thêm: gương, lược, trâm cài, quạt và một vài món trang sức khác của nữ giới. Những miễu độc lập thường có thêm Tả ban, Hữu ban; Nhị vị công tử, Nhị vị công nương, Cậu Chài, Cậu Quới. Có miễu đầy đủ bàn thờ chư vị như: Tiên sư, Thành Hoàng, thần Hổ, thần Nông, Chúa Tiên, Quan Âm Bồ tát như miễu Ngũ Hành ở Cái Vạn (huyện Nhơn Trạch). Vì là thờ nữ thần cho nên, án thờ dù nhỏ vẫn thường được trang hoàng sặc sỡ, có lọng che, rèm phủ. Câu đối xuất hiện nhiều nhất ở miếu Bà:

Vạn cổ đào hoa chiêu Thánh nữ
Thiên thu vân tập hội Thần tiên.
Về tượng thờ các Bà, trước kia rất ít miễu có cốt tượng, thường thờ đơn giản bằng chữ Hán vẽ trên tường hay dán trong khám thờ như: Ngũ Hành nương nương, Chúa Ngọc nương nương, Chúa Xứ nương nương; gần đây phát triển thờ cốt tượng bằng thạch cao, xi măng, gốm hoặc vẽ tranh lồng kiếng với lối sản xuất “hàng loạt” cho nên các Bà đều đồng dạng, trang phục lộng lẫy như nhau, chỉ khác ở tên gọi dành cho Bà này hay Bà kia. Riêng Bà Ngũ Hành là dễ nhận ra nhất với bộ cốt tượng đủ 5 Bà trong 5 sắc áo khác nhau: Xanh, đỏ, tím, vàng, lục với quan niệm cổ truyền rằng hành thổ màu vàng là trung tâm nên ngồi giữa.

Lễ hội cúng Bà ở mỗi miễu một khác, tùy vào ngày vía của mỗi Bà. Những ngày sóc, vọng, ngày Tết, ngày vía đất, các miễu Bà được mở cửa cúng một lễ nhỏ bằng nhang, đèn, bông, bánh trái. Ngày vía mới là lễ chính. Có nơi cúng thường niên như nhau, có nơi đáo lệ 2, 3 năm một lần. Lễ cúng vía Bà thường vào ban đêm (thuộc âm), do Ban tế tự của làng đứng cúng hoặc có khi do tổ chức Hội mẫu ở địa phương làm chủ lễ. Miễu thuộc hệ dân dã nên nghi thức cúng Bà không đóng khung theo khuôn phép điển lệ; cởi mở, sinh động hơn cúng đình. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn áp dụng nghi thức cúng đình trong cúng miễu.

Lễ vật cúng đơn giản không nhất thiết phải heo sống, heo đen, xôi tinh khiết, cũng không nhiều kiêng kỵ như cúng đình; bình thường thì: Heo quay, heo luộc, mâm xôi, đèn nhang, vàng bạc, bánh trái; có thể cúng vịt; nghèo hơn thì cúng gà, xôi chè, heo thu gọn thành thủ vĩ, vịt quay... nói chung là tùy tâm, tùy sức. Dân làng thành tâm dâng cúng hoa, mâm vàng bạc, đồ trang sức.. đều được miễn là lòng thành.

Đêm trước ngày vía, có nơi đáo lệ hai ba năm hoặc năm năm một lần tiến hành lễ thay áo cho Bà như lễ mộc dục phổ biến. Khi tiến hành lễ này, Chánh bái, Bồi tế lên nhang đèn khấn vái xin phép Bà, rồi lui ra. Các phụ nữ “sạch mình” đã chuẩn bị sẵn nước thơm (nước lá sả, hương nhu, bông bưởi), dùng khăn sạch nhúng nước thơm lau khắp các tượng bà; khăn lau xong, vắt trả nước ra thau khác, cứ như thế cho đến khi sạch rồi thay cho Bà áo mới, áo cũ và khăn lau không được dùng việc khác, sau phải đốt.

Một số miễu lại có tục nghênh Ông ở đình về dự trước khi hành lễ chính; nghênh Ông bằng kiệu có lỗ bộ, dàn nhạc, Lễ sinh và Chánh tế, Bồi tế đi hầu. Lễ đón ở đình, lễ xong phải đưa về. Riêng lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở Thủ Dầu Một và ở Bửu Long thì thực hiện theo nghi thức của Đạo giáo, với nhiều nghi thức phức tạp; có đám rước Bà đi thăm Đình trước ngày lễ chính, có lễ phóng đăng, cúng thí, hát bội, đặc biệt có lễ bắc cầu ngầm ý đón Bà từ biển vào. Lễ bắc cầu vào lúc 0 giờ, đêm đầu tiên của lễ hội. Cầu là một tấm vải đỏ rộng khoảng 0,6 mét, nối dài từ hương án bên ngoài sân vào chính điện. Cách khoảng 15 mét; trên tấm cầu đỏ rắc đầy hoa giấy, vàng bạc. Ba vị Pháp sư tụng kinh cầu đón, lúc ngồi ở bàn lễ, lúc đi vòng quanh như đón Bà; Khi Bà đã vào chính điện thì “cầu” được cuốn lại trân trọng để trước án thờ. Lễ cúng Bà dịp tháng 3 năm 1995 ở chùa Thiên Hậu (Bửu Long), là lễ hội kéo dài 3 ngày do các Pháp sư chuyên nghiệp cùng với dàn nhạc lễ chuyên trách thực hiện với một hệ thống tiết mục nghi lễ nhiều đến mức đa tạp. Lễ cúng Bà Thiên Hậu như đã nêu là một hiện tượng riêng biệt, đáng suy nghĩ. Thông thường ở các miễu khác nghi thức hành lễ giản dị; dân dã hơn. Dự phần vào lễ hội cúng Bà phổ biến là Hát bóng rỗi, Chặp Địa - Nàng; một loại hình nghệ thuật truyền thống phổ biến ở Biên Hòa - Đồng Nai.

Hát bóng rỗi, Chặp Địa - Nàng vừa mang tính nghi lễ (để cúng) vừa để giải trí, vui chơi trong lễ hội; đó là hình thức diễn xướng tổng hợp, gồm nhiều tiết mục liên hoàn; đồng thời cũng có thể phân chia thành các tổ hợp tiết mục tùy chọn. Một chương trình đầy đủ của Hát bóng rỗi, Chặp Địa - Nàng, gồm 8 tiết mục chính, trong đó mỗi tiết mục có thể phân nhỏ, hoặc kéo dài nội dung sinh hoạt. Tiến trình của các tiết mục cũng có thể thay đổi thứ tự hoặc cấu thành nhiều chương trình khác nhau: 1. Lễ khai tràng, 2. Chầu mời - thỉnh tổ, 3. Mời tiên ra tuồng; 4. Phước lộc, 5. Trạng - Nàng xuống huê viên, 6, 7. Bóng múa, 8. Hát chặp.

Hát bóng rỗi, Địa - Nàng ở Đồng Nai thường gồm các tiết mục: 1. Khai tràng, 2. Chầu mời - thỉnh tổ, 3. Chặp Địa - Nàng, 4. Hát bóng rỗi.

Mở đầu cuộc hát luôn là Lễ Khai tràng nhằm mục đích khai mạc cuộc hát, do dàn nhạc bóng biểu diễn, gồm: Chiêng, trống, đàn nhị, kèn, sanh cái. Tiếp theo là các xấp hát Chầu mời - thỉnh tổ: Mời Bà, mời ông, mời tiên, mời các chiến sĩ về dự lễ; mỗi đối tượng có các bài hát phù hợp, các bóng có trí nhớ tốt và tài ứng tác nhanh, không cần hát hay cũng được tán thưởng. Thường thì các bóng cầm trống tum (trống con) gõ nhịp, thay nhau hát. Điệu hát vận dụng cả lý, vè, nói rỗi (nói lối) nhiều khi cả các làn điệu tuồng.

Sau Hát chầu là diễn Chặp Địa - Nàng. Chặp Địa - Nàng là chặp bóng - tuồng hài hước “tổng hợp kiểu cách diễn của bóng rỗi lẫn tuồng (hát bội)” thường gắn với lễ cúng miễu Bà hoặc miễu Thổ Địa. Cuộc hát chỉ có hai nhân vật (Địa và Nàng) theo cốt truyện đơn giản: Tiên nữ Hằng Nga vâng lệnh Tây Vương mẫu xuống trần để hái lộc cầu an cho dân chúng, nhờ Thổ Địa (Địa) dẫn đi đến huê viên để “khai mạch giếng tưới cây huê”. Địa được dịp làm khó, vòi vĩnh, đùa giỡn với tiên nữ. Lối diễn vừa theo bài bản vừa ứng tác; hát, nói, kể kết hợp với nhạc và vũ đạo tuồng; các bài hát chắt lọc từ tuồng và các làn điệu dân ca quen thuộc; hóa trang cũng theo phong cách tuồng hài...; ứng đối giữa Địa và Nàng vui nhộn, dẫn dắt câu chuyện tài tình khiến cho cốt truyện đơn giản trở nên thú vị. Các đoạn: Địa đòi ăn, Địa đau đẻ, Địa chấm chè.. làm nở rộ tiếng cười sảng khoái. Tính cách của Địa không chỉ vui vẻ, còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Với một manh chiếu trước điện Bà, xung quanh là dân làng không phân thứ bậc, Địa bộc lộ hết mình, đùa giỡn với Tiên nữ, châm biếm cả chư Tiên, chư Phật; Địa còn mang ý nghĩa đại diện cho khát vọng thịnh vượng, bình đẳng, có tính nhân bản của dân làng. Chặp Địa - Nàng vừa dứt, bóng múa liền tiếp theo.

Bóng múa vừa mang tính nghi lễ vừa nhằm mục đích giải trí. Các bóng thay nhau múa bông, múa dâng mâm vàng rồi tiếp theo là các tiết mục tạp kỹ. Múa bông nhằm dâng cúng bông như để mở đầu cuộc múa bóng; với chén (hoặc tô) bông trên đầu, các bóng múa xoay người, xoay vòng trước điện thờ rồi dừng để cho người thủ từ nâng chén bông đặt lên bàn thờ Bà. Dâng bông 3 lần rồi đến dâng mâm vàng. Chiếc mâm được trang trí bằng giấy ngũ sắc thành hình tháp (có lẽ mô phỏng tháp Chàm). Mâm vàng được đội đầu, nâng, lật trên tay; trên trán, tự nhích từ chân lên đầu; cuối cùng được đốt cháy. Tháp giấy trên mâm cháy xong là dứt múa dâng mâm vàng, các bóng (vốn ái nam ái nữ) chuyển sang các màn trình diễn đặc sắc, với tài nghệ tạp kỹ như xiếc: Múa ghế, múa khạp da bò, múa bông huệ, múa xe đạp, múa dao, múa xoay đĩa, rót rượu bằng đầu... chủ yếu là các kỹ thuật dùng đầu, trán, mũi, nhân trung nâng giữ vật nặng, vật phức tạp tạo thăng bằng và di chuyển trong vũ điệu theo nhạc lúc mau lúc chậm.

Với cách biểu diễn như thế, dễ dàng nhận ra nguồn gốc Chăm của múa bóng với vũ điệu dựa vào kỹ năng đội đầu. Điều này đã được Huỳnh Ngọc Trảng chứng minh qua phim tài liệu “Múa mâm vàng, cội nguồn và dung mạo” do Hãng phim Tư liệu sản xuất năm 1992. Trước đó nữa, Quách Tấn đã chỉ ra được lò đào tạo các bóng múa là xóm Bóng ở trước Tháp Bà, “nhưng lệ múa bóng ngày vía Bà đã bỏ từ thời Bảo Đại, trước đệ nhị thế chiến“.

Người Nam bộ thường có câu hát luyến tiếc:

Ai về xóm Bóng thăm nhà
Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không?
Các tiết mục múa trò chơi, gọi là múa tạp kỹ dài - ngắn, nhiều - ít tùy theo không khí cuộc vui; dân làng thưởng nhiều thì sự hào hứng khiến các bóng múa hay, khéo, tận tình hơn, và ngược lại.

Các nữ thần được thờ tại miễu ở Đồng Nai phần lớn có nguồn gốc nữ thần biển, đánh dấu một hồi ức gắn với chặng đường gian lao hình thành các cộng đồng cư dân Việt ở Đồng Nai. Với một tập hợp nữ thần phức hệ như thế, Đồng Nai như là điểm hội tụ đồng thời cũng là nơi khuếch tán các hệ tín ngưỡng thờ nữ thần của miền Bắc, miền Trung, miền Tây, người Hoa và bổn địa. Tục thờ cúng nữ thần cũng cho thấy, cư dân Việt ở địa phương ít nhất cũng tìm được biểu tượng có ý nghĩa nhân bản hơn tư tưởng Nho giáo vốn xem thường phụ nữ.

Tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc bản địa có nhiều nét khác cư dân Việt, Hoa. Người Châu Mạ thờ thần Yang Nđu tối cao, cúng Yang Bri (thần rừng) vào mùa săn bắn; cúng Yang Hiu (thần nhà) cầu cho gia đình bình yên; quan trọng nhất là lễ cúng Yang Bơnơm (thần núi) và Yang Koi (thần lúa) với sinh hoạt cổ truyền của cộng đồng. Người Mạ không coi trọng trinh tiết, trai gái Mạ tự do tìm hiểu kết bạn, con cô con cậu có thể kết hôn; đám hỏi, đám cưới có già làng làm mai dong; sau cưới chú rể ở bên nhà gái sau đó mới ra riêng; luật tục truyền khẩu "nđrih" được thực hiện nghiêm, tội ngoại tình, chửa hoang bị phạt nặng. Khi có người chết, người làng làm lễ cúng Yang Bri xin cây đục làm hòm; hòm đưa vào nhà dài qua cửa lớn; xưa để lâu ngày mới chôn, người chết được chia của; thầy chang cúng tế theo nghi thức cổ, làng có đám tang kiêng cữ đi rừng 7 ngày; sau ba năm có lễ bỏ mả như phong tục các dân tộc Tây Nguyên.

Người Stiêng, Châu Ro có tập quán, tín ngưỡng tương tự người Châu Mạ, khác nhau ở tiểu tiết và tiếng nói, giống nhau ở quan niệm cổ truyền của cư dân cùng địa bàn cư trú Nam Trường Sơn.

(1) Biên Hòa sử lược, sách đã dẫn, trang 149.

(1) Gia Định Thành thông chí, sách đã dẫn, trang 4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét