Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Ý Trinh niệm MAṄGALA SUTTA - KỆ NGÔN 7

Ý Trinh niệm MAṄGALA SUTTA 


KỆ NGÔN VII


HẠNH PHÚC XXII

Gāravo: Tôn kính các bậc đáng tôn kính


Tôi xin chia hạnh phúc nầy ra làm ba phần để cho quí vị dễ dàng theo dõi và nhận thức:

1. Tôn kính là gì?

2. Thế nào gọi là có sự tôn kính?

3. Sự tôn kính có nhiều ý nghĩa, cấp độ khác nhau ra sao?

Tôn kính là thái độ, hành động lễ nghi, phép tắc phải lẽ của người biết tôn kính những gì mà họ đáng tôn kính. Nhưng xin đừng tưởng rằng lạy lục, chào hỏi gọi là tôn kính. Lạy lục chào hỏi chẳng qua là hành động bên ngoài. Người không có sự tôn kính trong thâm tâm, họ cũng vẫn làm như vậy được, vì đó là sự giả vờ bên ngoài.

Sự tôn kính, thật sự ta không thể trông thấy bằng mắt được. Phạn ngữ gọi là gārava (tôn kính). Chữ gārava biến thể từ chữ Garu, tính từ của nó nghĩa là nặng, nghiêm trọng, đáng kính trọng; danh từ của nó là thầy, thầy tổ, đạo sư, chân sư... Hàm nghĩa trọn vẹn có ý nói rằng: Ta thành thật tôn kính với tất cả tâm kính thành đối với các bậc dáng tôn kính như cha mẹ, thầy tổ, đạo sư, chân sư...

Khi ta đến một nơi nào, gặp một nhân vật trọng yếu nào, hay là đến chỗ phụng thờ tôn nghiêm nào, ta thấy lòng ta phát sanh sự tôn kính ở bên ngoài. Phật giáo cho sự chào hỏi rất lễ phép ở bên ngoài ấy cũng chưa phải hoàn toàn là tôn kính, mà chú trọng đến sự tôn kính ở trong tâm.

Chú giải có dạy rằng: Phải biết tôn thờ, kính trọng các đấng có đặc ân cao cả như chư Phật, chư thánh nhơn, chư tăng, bậc có giới đức, cha mẹ, thầy tổ và những bậc trưởng thượng...

Trong bài kinh Cūlakammavibhaṅgasutta ở Catutthavagga, đức Thế Tôn có dạy người thanh niên tên Subha rằng:

“- Nầy Subha! Người nữ hoặc nam trong đời này là người ương ngạnh, ngã mạn, không chịu lễ bái các bậc đáng lễ bái, không chịu đứng dậy tiếp rước, không chịu nhường chỗ ngồi cho bậc đáng nhường, không tiếp đãi bậc đáng tiếp đãi, không kính trọng các bậc đáng kính trọng, không thân mến với các bậc đáng thân mến, không cúng dường đến các bậc đáng cúng dường - người ấy sau khi chết sẽ bị sanh vào ác đạo, vì nghiệp mà tự mình đã làm ấy. Nếu không sanh vào bốn đường ác, khi được sanh làm người thì bị rơi vào gia đình thấp hèn. Nầy thanh niên Subha! Người có tánh ương ngạnh, ngã mạn... không cúng dường đến các bậc đáng cúng dường... chính người ấy tự tạo ra con đường đi đến nơi gia đình dòng họ tối tăm, ngu si, đê hèn.

Nầy thanh niên Subha! Trái lại, người nam hay nữ nào ở trong đời nầy không ương ngạnh, không ngã mạn - biết cúng dường đến các bậc đáng cúng dường... người ấy sau khi lâm chung sẽ được sanh về cõi thiên đàng - vì người ấy đã tự tạo thiện nghiệp cho mình. Nếu người ấy không sanh về cõi trời, sanh lại làm người, thì sẽ được sanh vào gia đình cao thượng, gia đình quí phái. Nầy thanh niên Subha! Người không ương ngạnh, ngã mạn cúng dường đến các bậc đáng cúng dường... đó là hành vi của người đi đến cõi an vui”.

Theo Phật ngôn nầy thì ta thấy rằng: Sự tôn kính nầy không phân chia giai cấp xã hội, đầu tiên chỉ được dành cho người có đức hạnh và tuổi tác.

Trong Túc sanh truyện, có một sự tích dạy về sự tôn kính theo ý nghĩa trên.

Có lúc nọ, chư Tăng hội lại rất đông để hầu Phật. Nhiều thầy tỳ-khưu choán chỗ ở rộng lớn, có vị một mình chiếm hai chỗ hoặc ba chỗ. Đại đức Xá-lợi-phất đến sau, không có chỗ ở, đành phải ra ngoài trời. Khuya lại, đi kinh hành gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã biết chuyện ấy từ trước, nhưng để đến khi gặp đức Xá-lợi-phất, ngài mới hỏi tại sao ở ngoài trời. Đức Xá-lợi-phất đáp với ý là vì tới trễ nên không có chỗ nghỉ.

Nhân chuyện ấy, sáng ngày, đức Thế Tôn mới cho nhóm chư vị tỳ-khưu lại và nhắc đến một sự tích nhằm giáo giới các vị tỳ-khưu không biết tôn kính bậc trưởng thượng:

“- Lúc quá khứ tại rừng Tuyết Lãnh có một gốc đại thụ, ấy là nơi cư ngụ của ba con thú. Ba con thú ấy là chim đa đa, khỉ và voi; chúng chơi với nhau rất thân nhưng không biết ai lớn ai nhỏ. Một hôm, ba con thú ấy mới bàn với nhau rằng: “Chúng ta chơi với nhau đã lâu, thân với nhau cũng đã lắm nhưng dường như có một cái gì đó thiếu lễ nghi, phép tắc! Cụ thể là chúng ta ngang hàng với nhau, chẳng biết ai lớn ai nhỏ để nhắc nhở, dạy bảo nhau”. Chim đa đa nói: “Phải rồi, hãy xem trong chúng ta ai lớn tuổi hơn để làm anh”. Khỉ nói: “Em phải kính trọng anh, anh phải dạy bảo em”. Rồi chúng mới hỏi nhau rằng: “Vậy trong chúng ta ai biết cây đại thụ nầy có mặt từ bao giờ?” Voi đáp: “Nầy các bạn! Tôi nhớ, trong khi tôi còn là voi con, mẹ tôi dẫn tôi đi ăn qua đây, thì cây đại thụ nầy còn ở dưới bụng tôi. Tôi biết nó từ lúc ấy”. Khỉ nói: “Nầy các bạn! Khi tôi còn bú, tôi ngồi trên đất không cần phải ngước đầu lên, cũng có thể dùng miệng cắn ngọn cây đại thụ nầy được. Vậy tôi biết nó từ khi ấy”. Chim đa đa nói: “Nầy các bạn! Khi trước, tôi nhớ, cao trên ngọn Tuyết Lãnh kia, có một cây đại thụ có trái chín ngọt như mật ong. Sau khi ăn no nê trái cây chín ấy, bay xuống nơi này và tôi đã đại tiện ở đây. Chính cái hạt trong đống phân ấy nẩy mầm và bây giờ thành cây đại thụ nầy!”Qua sự trần thuật của ba con thú, chúng nhận ra rằng, hóa ra con chim đa đa nhỏ con lại lớn tuổi hơn và ông voi to xác thì lại là em út. Từ lúc ấy trở về sau, khỉ và voi tôn chim đa đa lên làm anh cả; cả hai kính trọng vâng lời chỉ bảo. Chim đa đa dạy khỉ và voi phải giữ ngũ giới. Sau khi chết, cả ba đều sanh về cõi trời”.

Sau khi nhắc tích nầy xong, đức Phật mới dạy rằng:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Loài thú mà còn biết phân biệt lớn nhỏ để kính trọng nhau, dạy bảo nhau thay; phương chi các thầy, xuất gia theo giáo pháp của Như Lai, lại không biết tôn trọng các người có tuổi tác, không biết tôn kính các bậc trưởng thượng! Xá-lợi-phất là vị đại đệ tử niên cao, lạp lớn; đức hạnh, trí tuệ đều vô song - thế mà đêm qua, các người đã chiếm hết chỗ, để cho người con ưu tú, mẫu mực Như Lai phải nghỉ ở ngoài trời. Các thầy thấy như vậy có được không? Có đáng bị khiển trách vì sự không biết tôn kính ấy không?”

Thấy nhóm tỳ-khưu kia hổ thẹn, cúi đầu - đức Phật biết họ đã có tàm và quý - nên dịu dàng dạy tiếp:

“- Người nào thông hiểu pháp biết kính trọng bậc cao thượng hơn mình, kẻ ấy trong đời nầy đáng là người được người khác ngợi khen, đời sau được sanh về cõi trời”.

Chú giải có gom ý câu kệ nầy cũng tương tợ vậy: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Chúng sanh bất luận hạng nào, dầu vua chúa, bà -la-môn, nông gia hoặc người xuất gia - chẳng hạn - là người thông hiểu về sự biết tôn kính các bậc đáng tôn kính, vì lớn tuổi hơn hay là có đức hạnh cao hơn, chúng sanh ấy trong đời nầy sẽ được sự mọi người ca tụng, ngợi khen, vị lai lại được sanh về cõi trời”.

Sự tích đa đa, khỉ, voi trên đây ngụ ý dạy ta nên kính trọng bậc niên cao kỷ trưởng, người có đức hạnh, dù người ấy thuộc hạng người nào trong xã hội, sự tôn kính ấy còn có tác dụng là diệt lòng ngã mạn của ta.

Hơn nữa sự tôn kính còn gọi là một hạnh phúc, vì sự tôn kính có thể đưa người khỏi tai nạn, được những đặc ân, và có thể là duyên lành để sau này đắc được chỉ tịnh và quán minh sát.

Sau khi đức Phật dạy thế xong, nửa đêm, có một vị thiên vào hầu Phật, bạch rằng:

“- Đức Thế Tôn dạy rất chính xác! Đệ tử do sự thấy biết riêng tư, do kinh nghiệm bản thân, do có thiên nhãn biết chút ít quá khứ, hiện tại và vị lai cùng với nhân quả của nó - nên đệ tử mạo muội trình bày về 7 pháp làm cho các thầy tỳ-khưu tránh khỏi tai nạn - mong được đức Thế Tôn chỉ giáo thêm.
+ Bảy pháp ấy là:

1. Buddhagāravatā: Tư cách người biết tôn kính Phật.

2. Dhammagāravatā: Tư cách người biết tôn kính Pháp.

3. Saṅghagāravatā: Tư cách người biết tôn kính Tăng.

4. Sikkhāgāravatā: Tư cách người biết tôn kính điều học.

5. Appamādagāravatā: Tư cách người biết tôn kính sự không phóng dật, dễ duôi.

6. Samādhigāravatā: Tư cách người biết tôn kính thiền định.

7. Paṭisanthāragāravatā: Tư cách người biết tôn kính trong việc xử sự, giao tiếp, tiếp đãi.

Bạch đức Thế Tôn! Chính nhờ 7 pháp nầy làm cho chư vị tỳ-khưu đi đây đi đó, bất cứ trú xứ nào cũng không bị tai nạn hoặc họa hại”.

Đến sáng ngày đức Thế Tôn thuật cây chuyện ấy cho chư vị tỳ-khưu nghe rồi kết luận bằng câu kệ rằng:

“- Satthagaru dhammagaru

Saṅghe ca tibbagāravo

Abhabbo parihāniya

Nibbānasseva santipe”.

Nghĩa là, thầy tỳ-khưu có sự kính trọng Phật, Pháp, Tăng là người không thể bị tai hại, không thể bị suy đồi - thì thầy tỳ- khưu ấy đã ở gần Niết-bàn.

Đây xin giải về 7 điều tôn kính ấy.

Sự tôn kính là một pháp rất cần cho đời và đạo. Người biết tôn kính bậc trưởng thượng thì người ấy làm gì cũng được dễ dàng, vì có người giúp đỡ.
+ Tôn kính Phật - Ta tôn kính Phật vì hai lẽ:

a. Dù thuở còn tại gia, ngài là một vị đế vương, thuộc dòng dõi cao quý.

b. Khi xuất gia tầm đạo, ngài đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác, xuống núi độ đời, dùng đuốc tuệ soi đường phá tan bầu trời mờ tối vô minh. Tất cả như chư thiên, phạm thiên đều hoan hô, tán thán, ca tụng ngài với 09 hồng danh từ Ứng Cúng đến Thế Tôn.

Trong chú giải có dạy rằng: Khi đức Thế Tôn còn lại thế, các bậc tỳ-khưu biết kính Phật, mỗi ngày đều vào hầu Phật để cung kỉnh lắng nghe và thọ trì kim ngôn do ngài giáo huấn. Khi đức Thế Tôn đi kinh hành nơi thấp, các thầy không dám đi nơi cao hơn. Khi vào hầu Phật, các thầy không mang giày, dép (nếu có) [1] trong chỗ mà tầm mắt đức Thế Tôn có thể trông thấy, không dám đi đại tiểu tiện, chỗ mà đức Thế Tôn có thể thấy. Đại đệ tử của Phật là đức Xá-lợi-phất được đức Phật khen ngợi là người rất kính trọng Phật là vì hằng đêm khi đi ngủ biết đức Phật ngự hướng nào, đại đức Xá-lợi-phất nằm day đầu về hướng ấy. Có nhiều vị phàm tăng hỏi ngài: “Tại sao lại chọn quay đầu về hướng ấy?”. Ngài đáp: “Hướng ấy, là nơi đức Phật ngự hoặc là nơi mà thầy tôi, trưởng lão Asajji - đang ngụ cư!”

Riêng chúng ta là người rất xa Phật thì phải kính trọng Phật bằng cách nào? Chúng ta phải năng lễ Phật, tụng kinh và khi vào chùa, lên chánh điện, phải tỏ ra trang nghiêm và hết lòng tôn kính trước kim thân ngài, như ngài còn tại tiền vậy.

2. Tôn kính Pháp - Pháp là dhamma mà Tàu âm là đạt-ma hoặc đàm-ma.

Ở trước đã có giải sơ lược về tiếng pháp, bây giờ xin giải thêm, dhamma (pháp), nghĩa là phàm vật gì có bản tính là giữ gìn tính chất của nó, không cho hư hại hay tiêu diệt [2].

Tôi xin ví dụ cho dễ hiểu: Như miếng vải trắng, nó giữ được màu trắng, khiến cho ai trông thấy cũng nhận biết miếng vải màu trắng, chớ không ai nói là miếng vải đen.

Nói cho dễ hiểu thêm, thì vật gì cũng có hai trạng thái là giữ chắc cái tính chất của nó, và phô bày ra kiểu cảnh màu sắc cho người nhận định phân biệt được. Như vậy gọi là pháp. Tôn kính pháp là chúng ta phải hết lòng thực hành theo lời giáo huấn của đức Phật.
+ Pháp có ba chi khác nhau là:

a. Pháp học: Ý nói là học 4 muôn 8 ngàn chi pháp; người muốn thông hiểu phải ráng học, không dễ duôi.

b. Pháp hành: Là giới, định, tuệ; là pháp mà hành giả phải hành theo trên lộ trình đến nơi giải thoát.

c. Pháp thành: Chỉ các bậc thánh nhơn đã đắc từ sơ quả đến tứ quả và Niết-bàn.

Ba pháp trên có quả báo khác nhau.

* Pháp học giúp cho người tu Phật nắm chắc, biết chắc căn bản giáo pháp, hiểu rõ lộ trình tu tập để thực hành đúng theo chánh đạo.

* Pháp hành làm cho người tu Phật thấy rõ bản chất của pháp là vô thường, khổ não, vô ngã; trí tuệ phát sanh, diệt tận phiền não đắc được đạo quả Niết-bàn. Người đã đắc đạo quả Niết-bàn, giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, cũng do nơi tôn kính pháp. Trong trường hợp nầy, nghĩa của tôn kính là thực hành theo pháp.

Riêng nơi đây tôi muốn giải thêm cho chư thiện tín thấy rằng, những người biết kính trọng pháp, khi nghe lời giảng giải của các bậc trí thức thì không màng đến chuyện đời, chuyện tài sản, của cải của mình, như ông trưởng giả trong tích truyện sau đây:

“- Có một ông trưởng giả có đức tin vào chùa nghe thuyết pháp. Trong khi ông đang trong sạch nghe pháp, thì ở nhà có bọn cướp đến vây nhà ông và tính cướp hết của cải của ông.

Khi ấy có một người trong gia đình ông trốn thoát, chạy đến chỗ trưởng giả đang nghe pháp, hối hả bảo với ông rằng: “Có một bọn cướp với giáo mác, gươm đao; chúng đã đến vây nhà rồi, xin chủ hãy về xem coi, nguy hại tới nơi rồi!”Ông trưởng giả thoáng nghe lời tâu báo của gia nhân, ông vẫn chăm chú nghe pháp, miệng trả lời: “Chúng nó mới vây nhà thôi, đã có nguy hiểm gì đâu, hãy về đi, để yên cho ta nghe pháp nào!” Người kia về nhà rồi trở lại bảo rằng: “Bây giờ chúng nó đã phá cửa vào nhà rồi, đang chuẩn bị lấy cướp của cải, tài sản - thưa chủ!” Ông bình tĩnh nói: “Ừ, kệ nó! Tài sản nào chính thật là của ta thì nó ở lại; bằng tài sản nào không phải là của ta thì cứ để chúng mang đi!” Rồi ông lại chăm chú nghe pháp nữa. Gia nhân trở lại nhà thì thấy bọn cướp đang khuân vác đồ đạc ra ngoài; người ấy trở lại lần thứ ba và nói với ông trưởng giả: “Bọn cướp đã mang rất nhiều đồ đạc ra khỏi nhà rồi”. Ông vẫn bình tĩnh đáp rằng: “Đức Phật dạy với ý rằng: Ngay cái thân này cũng không phải là ta, là của ta - huống hồ là tài sản ấy. Đã không phải là của ta thì bảo vệ, gìn giữ có được đâu - hãy cứ để chúng mang đi!” Gia nhân nghe chủ nói thế, không hiểu, y chán nản tận cùng, trở lại nhà lần thứ ba, bô bô nói với bọn cướp rằng: “Chủ nhân nhà này họ không màng đến của cải, vậy các người cứ tự do lấy gì tùy thích. Tôi đã bảo ông trưởng giả ba lần, nhưng tài sản ấy, ông ta không cần. Vậy các ông cứ tùy nghi mang vác hết đi!” Nghe câu nói lạ, bọn cướp đứng ngây người. Lát sau, một tên trấn tỉnh hỏi: “Vậy thì chủ của ngươi đang làm gì khi nói những lời ấy?” Tên gia nhân đáp: “Chủ tôi đang nghe pháp!” Y hỏi tiếp: “Vậy pháp là gì - mà đến độ ông ta không màng đến của cải, tài sản?” Tên gia nhân đáp: “Tôi cũng không biết!” Đến đây thì tên đầu nậu bọn cướp thở ra, lắc đầu, nói với đồng bọn rằng: “Hóa ra chúng ta ăn cướp cái mà chủ nhân đã quăng vất; vật mà chủ nhân đã không màng tới thì phỏng có giá trị gì nữa? Cái giá trị hơn thế nhiều, đấy chính là pháp. Vậy chúng ta hãy trả lại của cải cho người ta rồi cùng nhau đến chùa nghe pháp, xem thử nó là cái gì mà quý báu dữ vậy!”

Đến chùa, sau khi nghe pháp, bọn cướp lương tri được thức tỉnh, chán nản tội lỗi nên xin xuất gia, và đạt được đạo quả tuỳ theo duyên lành của mỗi người”.

Câu chuyện thú vị nầy cho ta thấy rằng, nhờ tôn kính pháp đúng mực nên ông trưởng giả không hề bị xao động tâm tư, dù mất hết của cải tài sản mà ông ta vẫn trầm tĩnh, thản nhiên xem như không có chuyện gì xảy ra! Vậy, hết lòng nghe pháp mới có được hạnh phúc như thế!

Đây là sự tôn kính pháp bằng cách nghe pháp, ngoài ra, đức Thế Tôn còn dạy một loại tôn kính pháp cao hơn một bực nữa, đấy là tôn kính pháp bằng cách thực hành pháp, đúng như câu Pāḷi: Dhammo garukatappo - người kính trọng pháp nên thực hành theo pháp. Người thực hành đúng theo pháp mới gọi là người kính trọng pháp thật sự.

3. Tôn kính Tăng: Tăng có hai hạng: Phàm tăng và thánh tăng. Tăng là các bậc đã ly gia cắt ái, thân xa mùi tục lụy, theo đạo nhiệm mầu; là bậc thừa hành theo chánh pháp, là ngọn cờ Phật giáo, là hướng đạo của tín đồ. Nếu không còn Tăng thì Phật giáo không còn.

4. Tôn kính điều học: Đây có nghĩa là hết lòng hành theo giới hạnh của mình, đã thọ trì rồi không cho phạm vào. Nghĩa là luôn luôn coi trọng giới hạnh của mình, cũng như là người đã bị mù mất một mắt rồi, cố giữ con mắt còn lại không cho đau. Đại ý nói rằng, phải cố gắng bài trừ những phiền não còn trong lòng, không dám dễ duôi, phóng dật.

5. Kính trọng thiền định: Tức là cố hành thiền định không hề dám xao lãng. Thiền định là pháp dạy tâm, kiềm chế tâm không để cho tâm xao lãng, phóng túng, bắt buộc tâm phải yên trụ. Nhứt là các bậc xuất gia, thiền định đối với quí ngài không khác nào cá với nước; ý tôi muốn nói là chúng không thể xa rời nhau được, vì người tu sống chết gì cũng phải biết giữ lấy tâm mình thôi, nhờ có thiền định là nấc thang đi đến Niết-bàn.

Trong bộ chú giải Visuddhimagga có nêu lên một ví dụ về lục dục ngũ trần, về trần cảnh rất hình tượng, rất ấn tương:

“- Trần cảnh ví như một thứ nhựa rất dẻo, rất dính. Mùa nắng, nhựa ấy chảy ra dưới gốc cây, trông thấy như một miếng nhung trải rất là đẹp. Có một con khỉ đến gần, thấy nhựa tưởng tấm nhung liền ngồi lên, thì lại bị dính cứng vào nhựa; khỉ cố hết sức để chống hai tay đứng lên, hai tay bị dính luôn; cố dùng hai chân chỏi dậy, nhưng rồi lại cũng bị dính vào. Sau rồi chỉ còn có cái miệng, khỉ cố cắn để gỡ ra - thì than ôi, cả cái miệng cũng bị dính vào nhựa ấy luôn!”

Con người cũng dính mắc vào một thứ nhựa, mà một thứ nhựa còn dẻo hơn nhựa kia không biết bao nhiêu lần mà kể, đó là nhựa trần tục. Khi còn trong tuổi thanh xuân thì được tự do, thư thả; đến hồi lập gia đình, có vợ là bắt đầu dính vào đít như con khỉ mới bị dính lần thứ nhứt; sau lại có con cũng như khỉ dính hay tay; khi có của tiền lại càng bị nhiều hơn như khỉ bị dính thêm hai chân; thêm có quyền cao, chức trọng nữa lại càng bị dính không thể nào cựa quậy được, cũng như khỉ mắc luôn cái miệng, chỉ có đợi chết thôi. Như vậy, tâm con người thường bị mắc vào vòng tài, tình, danh, lợi khó mà gỡ cho được; chỉ còn do nhờ thiền định là phương pháp chữa trị cái tâm bị phiền não ngự trị; nhờ có thiền định nên không tâm say mê trong trần cảnh.

Tôi kể thêm một chuyện nữa.

Thuở xưa, ở Ấn Độ, trước khi làm lễ hoả táng, người ta dùng chỉ buộc tay, chân và cổ người chết. Người ta chỉ theo phong tục ấy mà thực hành, kỳ thật họ không biết ý nghĩa ra sao. Có người đến hỏi vị đại đức tên là Kāla. Ngài mới dạy rằng: “Con người là cái vòng cột cổ, vợ là cái vòng buộc chân, tiền của là cái vòng buộc tay. Vì lòng thương con nên không tu hành được, chỉ biết lo kinh doanh hầu để sự nghiệp lại cho con, mà chính mình quên sẽ già và chết. Cũng vì yêu vợ, ráng lo bôn tẩu để tìm chút danh vọng để vợ được hãnh diện với đời, không nhớ rằng những tội lỗi mà mình đã làm không ai chịu thế cho được. Cũng vì thương yêu vợ con, nên có chân mà cũng không thể dùng chân ấy chạy khỏi vòng luân hồi, trái lại đi sâu vào luân hồi. Cũng vì thương vợ con và của cải, nên tay bị buộc không thể lấy của mà mình đã có đem ra cho ai cả, mặc dầu người ấy là bà con, quyến thuộc, nên cũng ví như dây buộc tay”.

Tục lệ nầy dạy con người gián tiếp rằng: Con người đến chết vẫn còn phải bị cột chặt vào ba mối là vợ, của và con. Thế thường thì tâm con người, từ xưa đến nay, bao giờ cũng vẫn ôm ấp, bám víu, luyến tiếc ba mối đó nên không hết khổ được, không giải thoát được.

Đức Phật dạy ta tôn kính thiền định, nghĩa là phải cố vâng giữ hành theo không gián đoạn được. Như tôi đã nói, thiền định là nấc thang thứ nhì (sau giới) để đi đến nơi giải thoát; vậy người biết mình còn trầm luân trong biển khổ nên cố gắng tham thiền. Đành rằng ta không thể giải thoát trong kiếp nầy, nhưng đó là duyên lành để trợ lực cho ta ngày vị lai, vì hiện giờ, nhờ có thiền định, ta đã mài giũa cho mòn đi hoặc đã làm cho lắng dịu được một ít phiền não rồi vậy.

Đời không phải do giàu sang, quyền chức mà có thể đem hạnh phúc lại cho ta được. Tiện đây tôi xin nhắc sơ lược sự tích của đại đức Bhaddiya để quí vị trông thấy gương lành của ngài.

“- Đức Bhaddiya là dòng Thích-ca, là một vị quan tổng trấn, thống lãnh cả một vùng, oai danh lừng lẫy. Sau lại, ông ta xuất gia và thường ngồi dưới cội cây nơi rừng thanh vắng.

Hôm kia, sau giờ thiền định, nội tâm sung mãn hỷ lạc, sung sướng do đạt được một hạnh phúc thâm sâu chưa hề có ở trong đời, bất giác, đại đức thốt lên: “Ôi! Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!” Các vị tỳ-khưu ở gần đấy, nghe được, hôm sau mới vào kể lại cho đức Thế Tôn nghe rồi kết luận rằng: Ngài đại đức Bhaddiya có lẽ vì luyến tiếc đời sống hầu thiếp vương giả nên giữa đêm hôm khuya khoắc lại thốt lên niềm khoái cảm trần tục khó nghe!”

Đức Thế Tôn cho gọi ngài đến và hỏi coi có phải như vậy không? Ngài đáp có. Đức Thế Tôn hỏi: “Vì sao ông đã xuất gia rồi mà lại nói câu ấy?”

- Bạch đức Thế Tôn, khi đệ tử còn làm vị quan tổng trấn, có thành trì kiên cố, có đội binh hộ phòng canh tuần cẩn mật, nhưng đệ tử vẫn còn e dè, lo sợ có thích khách; ngoài ra còn ngại bọn đạo tặc hung hãn, sợ quân xâm lăng của các tiểu quốc biên địa. Ngày nay, đệ tử xuất gia, từ bỏ quyền cao, chức trọng; ở nơi rừng sâu hang thẳm, cội cây vắng vẻ, không quyền, không chức, rỗng không mọi sở hữu - đệ tử không có bất cứ một lo sợ nào nên thấy lòng mình tự tại, an vui, hạnh phúc; lại nữa, đệ tử vừa nếm thưởng được chút ít hỷ lạc của thiền định, sung sướng quá nên đã cảm thán thốt lên câu ấy mà thôi!”

Sự tích nầy cho ta thấy rằng của cải, quyền chức không đem lại hạnh phúc, an vui thật sự mà thường tạo ra âu lo, kinh sợ. An vui, hạnh phúc thật sự là không có gì cả, vì người không có gì cả thì có còn gì đâu mà âu lo, kinh sợ?

6. Tôn kính sự không phóng dật, dễ duôi: Không phóng dật, dễ duôi - ý nói không phung phí thì giờ quí báu của mình mà làm những việc vô ích.
Không phóng dật, dễ duôi - có hai phần:

- Không phóng dật, dễ duôi bậc thấp.

- Không phóng dật, dễ duôi bậc cao.
+ Không phóng dật, dễ duôi bậc thấp có 3 trường hợp.

a. Không phóng dật, dễ duôi trong sự diệt trừ tội lỗi do thân nghiệp và nên làm các việc thiện.

b. Không phóng dật, dễ duôi diệt trừ tội lỗi do khẩu nghiệp và nên nói lời từ ái, dịu dàng, khuyến thiện.

c. Không phóng dật, dễ duôi trong sự suy nghĩ ác, nghĩa là không dám suy nghĩ ác, và cố dạy tâm suy nghĩ việc lành.
+ Về bậc cao cũng có ba trường hợp:

a. Không phóng dật, dễ duôi trong sự quan sát, gìn giữ tâm, không cho tâm tham lam theo trần dục trong khi có cơ hội gần gần gũi chúng.

b. Không phóng dật, dễ duôi để tâm sân hận, trong khi gặp trường hợp nóng nảy, bực mình, khó chịu.

c. Không phóng dật, dễ duôi để tâm si mê, u tối, lầm lạc, đắm đuối trong trần cảnh.

Người biết tôn trọng những điều kể trên gọi là người biết tôn trọng sự không phóng dật, dễ duôi.

7. Tôn trọng sự tiếp đãi: Sự tiếp đãi nầy là thuộc về phép xã giao lịch sự ở đời. Pháp nầy chia ra làm hai phần:

a. Tiếp đãi bằng tiền tài, nghĩa là khi có khách đến ta tiếp đón bằng những bữa cơm nước, chuyện trò thân mật vui vẻ, không tỏ vẻ bực mình.

b. Tiếp đãi bằng pháp, nghĩa là trong trường hợp thuận tiện, ta có thể khuyên người bỏ dữ về lành; hoặc dạy bảo thân bằng, quyến thuộc khởi tâm tu hành, biết bố thí, trì giới...

Sự tiếp đãi nầy có nhiều lợi lạc, là ta được sự quan tâm, thương mến, quý trọng của mọi người, có nhiều bạn lành; sau khi chết được sanh vào cõi trời, kiếp vị lai có nhiều quyến thuộc và khi đi lầm đường có các bậc trí thức nhắc nhở.
Tóm lại, pháp tôn kính được những hạnh phúc sau đây:

1. Đại phước cho mình.

2. Giữ được lễ độ và phong hóa, mỹ tục của một dân tộc.

3. Là người tri thức, là người có giới đức, là người hành theo thiện pháp.

4. Có thể làm gương mẫu cho con cháu và người trong xã hội.

5. Là nguyên nhân làm cho nhiều người thương mến.

6. Là nguyên nhân sinh ra lòng từ ái đối với mọi người.

7. Là người có nhiều trí nhớ.

8. Là người không có sự hối hận trong tâm.

9. Là người đã chuẩn bị vật thực về ngày vị lai.

10. Là nguyên nhân sanh ra sự an vui.

11. Là người biết ngăn ngừa không bị việc ác xâm chiếm vào lòng và không sanh vào ác đạo.

12. Là người thỏa thích trong sự an lạc.

13. Là người chắc chắn sẽ sanh vào cõi trời.

14. Là nhân khiến cho được sanh vào gia đình quý phái.

15. Là người hành theo giới, định, tuệ.

16. Là người không làm mất minh sát tuệ và đạo quả.




HẠNH PHÚC XXIII

Nivāto: Nết hạnh khiêm nhượng


Phạn ngữ nivāta có nghĩa là không có gió, hay có thể nói là im tiếng, nhưng ta cắt nghĩa là khiêm nhượng.

Hạnh phúc XXII dạy tôn kính, còn hạnh phúc XXIII nầy dạy khiêm nhượng.

Tôn kính và khiêm nhượng khác nhau như thế nào?

Phần đông người ta nghĩ rằng hai pháp nầy như nhau, hay, tựu trung, hai pháp nầy khác nhau như thế nào?

Tôn kính là vì mình nhận thấy nhân vật nào đó có nhiều đức tính cao quý.

Khiêm nhượng là tự mình làm cho tâm mình có lễ phép với mọi người. Người khiêm nhượng là người hằng suy nghĩ thấy cái hại của sự chấp ta, ngã ái và ngã mạn.
+ Đây là trạng thái của người có nết hạnh khiêm nhường:

1. Nīcamantā: Có tâm lễ phép.

2. Nihatamāno: Không ngã mạn.

3. Nihatadappo: Dứt bỏ ba điều kiêu căng, ương ngạnh, cứng đầu - gốc của ngã mạn: Ta là dòng cao thượng, ta là dòng quý phái, ta là hạng giàu sang.

4. Pādapuñchana coḷakasadiso: Ví như miếng vải lau chân. Ý nói miếng vải lau chân là vật không có giá trị gì hết, ta đây cũng như miếng vải lau chân ấy vậy. Địa vị và danh vọng chỉ là miếng mồi câu, ma vương nhử ta mê theo, đặng mau đi tới nơi tai hại. Khi người nghĩ thế thì có thể diệt được lòng tự cao, tự đại.

5. Chinnavisāṇasabhāsamo: Ví như bò bị gẫy sừng. Khi bò bị gẫy sừng không khi nào dám gây hấn với mọi người, không dám báng húc, chống đối ai. Nhờ vậy mà lòng ngã ái bị diệt lần, thành ra người có khiêm nhường.

6. Uddhathadāsasappāsaṃ: Ví như loài rắn độc bị nhổ nọc. Ý nói người ta sợ rắn, là sợ rắn có nọc độc, khi rắn bị nhổ nọc độc rồi thì có ai sợ. Ta nghĩ rằng ta là người không có uy quyền thế lực gì hết, thì lòng ta lại không chấp ta, đó là nhân đi tới khiêm nhường.

7. Saṇho: Nhã nhặn, lịch thiệp.

8. Sakhino: Không tỏ vẻ cương ngạnh.

9. Sammodano: Vui vẻ.

10. Muduko: Mềm mại, dịu dàng.

11. Sukhasambhāso: Nói lời dịu ngọt. Nói lời dịu ngọt đem đến cho ta ba điều lợi ích.

a. Đem sự vui vẻ cho mình và người.

b. Không có tội lỗi.

c. Làm cho lỗ tai mình và người được êm ái, mát mẻ.

+ Người hành theo pháp khiêm nhường có được những hạnh phúc sau:

1. Làm cho người đoàn kết.

2. Làm cho người được an vui.

3. Đi chung hay ở với hạng người ưa mến kính yêu.

4. Người khiêm nhượng đi tới đâu cũng có người tôn trọng yêu mến.

5. Ai ai cũng thích giao tiếp với người khiêm nhượng.

6. Người khiêm nhượng là người có nhiều bạn lành.

7. Người khiêm nhượng là người có nơi nương nhờ chắc chắn cho mình trong kiếp nầy và kiếp sau.

8. Sẽ được sanh về cõi trời và Niết-bàn.

9. Là người không phóng dật, dễ duôi.

10. Là người đi theo đường bát chánh

11. Là người trong khuôn khổ của giới, định, tuệ.

12. Là người làm cho mình trở nên cao quí hơn tất cả mọi người trong mọi trường hợp.




HẠNH PHÚC XXIV

Santuṭṭhī: Tri túc vui thích trong của đã có

(Tri túc)


Tri túc nghĩa là tư cách biết và lấy làm đủ (hay lấy làm thỏa mãn). Santuṭṭhī có được từ động từ santussati, có nghĩa là được vừa lòng, được vui thích. Tuy nhiên, ở trong văn cảnh này,santuṭṭhī có nghĩa là tri túc, an vui, bằng lòng với những gì mà mình đang có.
+ Tri túc có nghĩa là không tham lam, và nó có những trạng thái sau đây:

1. Alaggabhāvakkhano: Có trạng thái là không dính mắc theo pháp; nghĩa là không say mê trong cảnh trần (?) [4]

2. Apariggaharaso: Có trạng thái chắc chắn trong các biện pháp là phận sự (?) [5]

3. Anallīnabhāvapadatthāno: Có trạng thái không thoả thích trong sự truỵ lạc theo trần cảnh, là quả (?) [6]

4. Yonisomanasikārapadatthāno: Có suy nghĩ rất chu đáo bằng trí tuệ để phát sanh sự không tham làm nền tảng (?) [7]

+ Muốn hiểu rõ về tri túc thì ta nên biết qua 3 trạng thái của tri túc:

1. Sekena santoso (?) [8]: Thỏa thích trong của cải mà mình đã có.

2. Santenasantoso (?): Thỏa thích trong của cải mà mình đang có được.

3. Samena santoso (?): Thỏa thích vừa phải.

(1)- Thỏa thích trong của cải mà mình đã có:

Ý nói, của nào của mình đã có thì mình nên bằng lòng, thỏa thích với sở hữu ấy, không mong cầu của cải của người khác, nên gọi là tri túc.

Có lần, tôi (tác giả), đã bị một người chất vấn rằng:

- Người chỉ biết ưa thích trong của cải, sở hữu mà mình đã có, thì người ấy không bao giờ tiến hoá được. Nếu người trong xã hội này đều tri túc như vậy hết - thì làm sao xã hội này tiến hóa được? Tại sao đức Phật lại dạy điều trái ngược với xã hội như vậy?

Tôi đáp: Câu hỏi của ông tôi không phản đối. Nhưng xin ông cho tôi biết ý kiến của ông về hai hạng người sau đây, rồi tôi sẽ xin giải cho ông rõ.


Hạng A Hạng B

Thương ta Không thương ta

Thương cha mẹ Không thương cha mẹ

Yêu vợ con Không yêu vợ con

Yêu tổ quốc Không yêu tổ quốc

Yêu nghề Không yêu nghề.

Hai hạng người này ông chỉ cho tôi biết hạng người nào ông cho là tốt và hạng nào là xấu.

Ông ấy nói: Tất nhiên hạng A tốt rồi!

Tôi nói: Thế là ông đã gián tiếp nhìn nhận tri túc, và ông hành theo hạnh tri túc vậy. Chắc ông làm cho xã hội không tiến hóa rồi? Ông cho những người hạng A là tốt nghĩa là ông thỏa thích trong của đã có, ông đã tri túc vậy.

- Tại sao?

- Tại sao nữa! Ông biết thương ta, nghĩa là đang vừa lòng, biết đủ với chính mình, bản thân mình. Ông thương cha mẹ, có nghĩa là ông đang vừa lòng, biết đủ với cha mẹ mình. Với vợ con cũng thế, có thương vợ, thương con mới vừa lòng, biết đủ - nếu không vừa lòng, biết đủ - ông đi tìm vợ con khác thì nguy to! Tổ quốc cũng vậy, nếu ông không vừa lòng, biết đủ với tổ quốc mình, ông đi tìm tổ quốc khác, làm một người con ly hương, phản quốc sao? Nghề nghiệp đang có, ông lại không vừa lòng, biết đủ, lại chạy theo nghề nghiệp khác thì làm sao có được “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”! Hãy nhận thức cho sâu sắc thử xem?

Ông ấy gật đầu: Ồ, đúng vậy! Đúng quá! Giờ tôi mới hiểu rõ cái vi diệu của tri túc. Nhưng đặt để trường hợp, tôi không vừa lòng với của cải, tài sản đang có, muốn lao động làm ăn để cho hoàn cảnh khá hơn một chút - thì có phạm vào tri túc chăng?

Tôi đáp: Cái ấy còn tùy trường hợp, ông phải tự suy gẫm lấy. Ví dụ như ta có vợ, người vợ ấy rất tốt, nhưng ta lại thích một bà khác, ta chán bà nhà, muốn đổi lấy bà khác, thế là ta không tri túc. Còn nếu như ta có bệnh ghẻ ngứa, ta không thể tri túc với cái ghẻ ngứa ấy được mà phải tìm cách chữa trị cho lành! Trường hợp trước là phải trí túc, trường hợp sau là không thể tri túc tào lao như vậy được!

Ông ta lại gật gù: Tôi hiểu rồi! Ta không dại gì tri túc với hoàn cảnh đói nghèo nếu sức ta có thể làm việc để cải thiện chúng, miễn chánh mạng là được. Ta không ngu si gì mà tri túc, khi xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh - ta lại biết đủ trong đời sống lạc hậu. Ngay chính việc làm giàu, đức Phật cũng không cấm, mà ngài dạy chánh mạng, dạy biết tri túc những nhu cầu, tiện nghi cho bản thân mình, nhưng của cải thặng dư thì phải biết cúng dường Tam Bảo, biết bố thí, san sẻ áo cơm đến người nghèo khổ...

Tôi mỉm cười: Ông đã hiểu rất chính xác.
(2)- Thỏa thích trong của cải mà mình đang có được:

Thỏa thích trong của cải mà mình đang có được, có nghĩa là thỏa thích phần của mình được vừa với sức mình, không vượt quá khả năng mình. Chẳng hạn như mình làm việc với chánh phủ hay tư nhân thì mình được số lương tương đối với khả năng của mình, mình không mong và không đòi hỏi nhiều hơn số ấy. Đành rằng ai ai cũng muốn được nhiều, nhưng trước hết phải xét lại tài ba và sức lực của mình đã. Con người vì thiếu tri túc nên lòng tham dễ có cơ hội phát sanh, khiến người ta làm những việc tội lỗi như trộm cắp, tham nhũng, hối lộ... Tri túc là tấm vách chắc bền ngăn ngừa lòng tham lam. Khi ta được của gì chính tay ta làm ra, dầu nhiều hay ít, ta cũng thỏa mãn của ấy, không nghĩ đến của bất chánh chẳng phải của mình. Ví như người đi bắt cá, mặc dầu được con cá nhỏ trong tay, còn hơn là con cá lớn ở sông sâu.

Người biết như vậy gọi là người tri túc. Con người thường bị khổ vì muốn và được. Khi hai cái muốn và được không về với ta - là ta khổ. Khi cái muốn trong lòng gia tăng, mà cái đượclại không có, thì lòng người thật là nóng nảy khó chịu, làm những điều tội lỗi, khi ấy thì không còn phân biệt phải trái chi được nữa.

(3)- Thỏa thích vừa phải:

Đây là sự tri túc cao quí nhứt.

Trong trường hợp thứ nhì trên đây, thỏa thích trong của cải mà mình có được, là phương pháp kềm hãm tâm mình không cho thỏa thích, mong muốn những vật sở hữu không phải của mình, hay thấy của kẻ khác lại muốn, mặc dầu của kẻ khác có đẹp tốt hơn của mình thật.

Còn trường hợp thứ ba này, là thỏa thích vừa phải, thoả thích của cải mình đã được đó là của mình, mình thỏa thích của cải ấy, không bồn chồn thấy được của cải của ai khác tốt đẹp hơn của mình.

Có người hỏi: Vậy sự thỏa thích trong của cải vừa phải ấy lấy gì làm tiêu chuẩn, cho biết đâu là vừa phải, đâu là không?

Người đời phần đông đều tùy theo sở thích của mình làm tiêu chuẩn. Nhưng theo Phật dạy thì nên lấy ba điều sau đây làm tiêu chuẩn.

1. Yathālābha: Vừa với địa vị.

2. Yathābala: Vừa với khả năng, sức lực.

3. Yathāsārupa: Vừa với chức phận của mình

- Vừa với địa vị: Ta là người xuất gia hay là người cư sĩ. Nếu ta là bậc xuất gia thì nên biết mình là người khác hơn thế tục, biết rằng ta là người mới xuất gia hay là vị đại đức cao hạ. Còn nếu là cư sĩ thì nên biết địa vị của mình trong xã hội. Nói rộng thêm nữa - ví dụ nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, thương gia, lương y, nông dân, công nhân... mỗi mỗi phải biết tri túc trong địa vị của mình.

Người thiếu tri túc về địa vị, thì thường hay bị lâm vào hai tâm trạng:

a. Luôn tự cao, tự đại - hay sinh bất mãn, nghĩ mình tài giỏi mà địa vị không xứng - làm cho mọi người xung quanh không ưa thích, sinh ghét bỏ.

b. Khổ tâm vì muốn được của cải nhiều, vì tưởng rằng ta đây phải được của cải từng ấy, nhưng tại sao ta lại được ít hơn.

- Vừa với khả năng: Mỗi người đều có khả năng làm việc khác nhau. Vì vậy, khối lượng sản xuất hoặc thành quả có được - tuỳ theo khả năng của từng người, thì cố nhiên lợi tức ít hay nhiều thường được lượng định theo khả năng ấy. Vì vậy ta phải biết khả năng của mình, khi ta biết khả năng của ta, thì sẽ không bị khổ vì muốn được quá cao, quá nhiều so với khả năng của mình.

- Vừa với chức phận: Chú giải có dạy rằng: Người làm việc tùy theo chức phận của mình mà được lương bổng, đừng vội tham nhiều khi thấy người có quyền hơn mình được hưởng lương bổng hậu hĩ hơn.

Giải về tri túc đến đây cũng là vừa đủ để cho quí vị hiểu rõ - nhưng tôi còn muốn giải rõ thêm về tri túc của người xuất gia và người tại gia.

1. Tri túc của người xuất gia:

Tri túc của người xuất gia là tri túc trong tứ vật dụng: Y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men.

Thầy tỳ-khưu có tri túc trong y phục, không ham muốn những hàng vải đẹp, luôn luôn chỉ có tam y. Có vị tri túc thọ hạnh đầu-đà không nhận y của thí chủ mà chỉ lượm lấy vải dơ của người không dùng nữa để về làm y, như sự tích của một vị đại đức sau đây:

“- Có vị tỳ-khưu vào thành lễ tháp, ngài có ý muốn được người ta dâng cúng y. Sáng ngày, đi khất thực với một vị đại đức, ngài nghĩ rằng chắc mình sẽ được y trong thành. Khi suy nghĩ như thế, thì trí tuệ lại phát sanh rồi ngài tự bảo với mình rằng: “Các bậc xuất gia chân chính không vọng móng xấu xa như thế. Người vọng móng xấu xa như thế không xứng đáng được gọi là sa-môn”. Tâm ngài chợt trở nên yên tĩnh.

Trong đêm đó, có một người vì đau bụng đi ngoài không kịp, vấy cả trong tấm chăn choàng. Người ấy đem liệng tấm chăn ở nơi đống rác. Sáng ấy, vị đại đức đi khất thực, ngài thấy trong đống rác có tấm chăn choàng, phẩn ruồi lằn bu đầy. Ngài liền ngồi xuống chắp tay xá, làm lễ rất là tôn kính. Vị đại đức đi khất thực chung, thấy vậy mới hỏi rằng: “Tại sao ngài lại làm lễ đống rác một cách trịnh trọng như vậy?”

Ngài đáp: “Tôi nào có làm lễ đống rác! Tôi làm lễ là làm lễ đức Chí Tôn là đấng Từ Phụ của chúng ta! Ngài là đấng đã vứt bỏ ngai vàng, bảy báu, đi lượm lấy vải bọc tử thi của một cô đầy tớ bỏ trong rừng làm y phục. Ngài đã làm một việc mà khó có ai làm được”.

Khi đang nói, lòng ngài rất trong sạch với Ân Đức Phật; sau đó, ngài dùng trí tuệ, phát triển thiền quán nên đắc đạo quả A-la-hán”.

Tóm lại, các bậc xuất gia nên biết chừng mực, vừa phải, trung đạo, biết tri túc trong tứ vật dụng của mình.

2. Tri túc của người tại gia:

Người tại gia thì điều quan trọng nhứt là nên tri túc trong việc vợ chồng, bằng không sẽ bị tai hại - như trong sự tích sau đây:

“- Thái tử xứ Bārāṇasī dẫn vợ vào rừng Tuyết Lãnh chơi. Khi ấy, thái tử trông thấy Kinnārī là một giống nửa người nửa chim, thật đẹp. Thái tử cảm cái sắc đẹp ấy nên bỏ vợ mà đi theo Kinnārī. Bà vợ là Asitābhu thấy chồng bội bạc như thế, chán nản tình đời, bà tìm đến xin tham thiền với một vị đạo sĩ. Bà đắc được tứ thiền.

Thái tử theo nàng Kinnārī đi sâu vào rừng, khi không còn lối đi được nữa, nàng bỏ mặt đất rồi bay cao. Thái tử không biết làm sao, đành trở về với vợ mình.

Khi bà vợ trông thấy thái tử vừa về đến, bà liền bay lên không, bỏ đi mất luôn. Thái tử lấy làm buồn khổ vì mất cả vợ mà không được người đẹp. Ông mới nói lời oán trách mình bằng một câu kệ với ý nghĩa là:

- Người không tri túc, là người tham lam quá mức, ước vọng không bờ bến, thì bị mất lợi lộc cũng như tôi - tôi bị mất vợ là Asitābhu cũng vì sự tham lam quá mức và cũng vì sự say đắm vô độ, không biết vừa, không biết đủ.

Khi ấy có một vị thọ thần trông thấy vậy, nghe thấy vậy mới gật đầu, nói rằng:

- Đúng vậy, người không tri túc, tham lam quá mức hằng bị mất lợi ích của mình cũng như thái tử ham mê nàng Kinnārī mà bị mất nàng Asitābhu. Con người vì tham lam, không biết tri túc nên mất lợi lạc, mất luôn cả hạnh phúc của chính mình!

Đây cũng là một bài học rất quí cho quí vị tại gia cư sĩ không biết tri túc trong ngũ trần. Sự không biết tri túc như thái tử nói trên, nếu không làm mất vợ thì cũng làm cho gia đình mất sự an vui, nếu không muốn nói là không còn tìm đâu ra sự an vui nữa. Phẩm hạnh của mình đều vì đó mà mất, vợ trước kia kính nể mình bây giờ không còn kính nể nữa. Đó là tôi chỉ nói sơ sơ thôi, mong rằng quý vị thấy cái tai hại đôi khi còn lớn hơn thế nhiều.
+ Người có tri túc hằng được những hạnh phúc là:

1. Là đại phước.

2. Dứt bỏ được các lo lắng bận rộn.

3. Xa dần tội ác.

4. Làm cho lòng mình được thơ thới.

5. Xa điều xấu, đến gần sự tốt đẹp.

6. Tự mình tạo cho mình trở nên người có đức hạnh tốt.

7. Tự mình đi dần ra khỏi khổ.

8. Hằng được an vui.

9. Luôn tự thức tỉnh lấy mình.

10. Không phạm vào điều ác.

11. Không sống chung với ác pháp.

12. Đang đi trên đường chân chánh.

13. Đang ở trong sự tiến hoá.

14. Người thích sự chân chật.

15. Người có sức mạnh về vật chất lẫn tinh thần.

16. Người hành đúng theo luân lý lễ giáo.

17. Đè nén được phiền não.

18. Tạo ra nhân lành.

19. Gọi là người hộ trì Phật pháp.




HẠNH PHÚC XXV


Kataññutā: Nết hạnh biết đền ơn người
(Tri ân)


Phạn ngữ kataññū có hai nghĩa:

1. Nghĩa thứ nhất là - biết ân người khác đã giúp mình. Ý nói, ai đã giúp gì cho ta, dầu nhiều hay ít, ta cũng không bao giờ dám quên, cứ hằng ngày niệm tưởng công ơn người đã giúp đỡ mình.

2. Nghĩa thứ hai là - người làm việc lành, rồi chính việc lành ấy sẽ giúp ta. Ý nói, phước có đặc ân giúp đỡ chúng sanh khỏi nạn tai và đưa chúng sanh đi đến nơi an lạc là thiên đàng hay Niết-bàn tùy theo hành động của người tạo tác phước sự.

Đức Phật có dạy rằng: Trong thế gian nầy có hai hạng người khó tìm nhất:

1. Pubbakārī [9]: Người thi ân mà không cần báo. Đó là đức Phật, cha mẹ, thầy tổ.

2. Kataññū: Người biết ơn và cố tìm phương cách để trả ơn cho xứng đáng. Hạng người nầy chỉ có thể tìm được ít nhiều trong hàng Phật tử chơn chánh, còn ngoài đời cũng có nhưng rất hiếm.

Tại sao đức Phật dạy hai hạng người này là khó kiếm?

Vì con người phiền não dẫy đầy trong tâm, nên khi làm ơn được việc nào - trong thâm tâm còn muốn người thọ ơn phải biết ơn, nếu không trả ơn, ít nhất cũng phải nhắc nhở và ca tụng họ. Ít người giúp đỡ kẻ khác bằng tấm lòng từ ái mà không nghĩ gì tới sự nhớ ơn hay đền ơn của kẻ đã thọ lãnh sự giúp đỡ của mình.

Người làm ơn trên thế gian rất nhiều - nhưng người làm ơn vì lòng từ ái thì thật là ít. Nhưng người biết ơn lại càng ít hơn. Người được sự giúp đỡ bất cứ bằng tấm lòng vị tha hay dục lợi, cũng chẳng nên quên ơn người, mà nên luôn luôn ghi lấy ơn ấy vào thâm tâm để tìm phương thế trả ơn lại.

Đức Phật dạy: Người không biết ơn ấy, thì ta có cho họ quyền chức, sang giàu hay cứu sanh mạng họ, họ cũng không bao giờ nhớ ơn ta.

Đức Phật còn dạy: Người không biết ơn ấy, chúng ta có cho họ một khối vàng to bằng quả địa cầu xong, họ cũng không hề biết ơn ta.

Sự tích sau đây cho thấy trò đời “làm ơn trả oán”:

“- Khi xưa đức Bồ Tát sanh làm voi chúa ở trong rừng Tuyết Lãnh. Ngày nọ có một người thợ săn đi lạc. Bồ Tát voi chúa trông thấy người ấy lấy làm thương hại, mới để người thợ săn ấy trên lưng đưa ra tới ven rừng. Khi ngồi trên lưng đức Bồ Tát, anh thợ săn để ý tới từng khóm cây, từng lối đi; hắn định bụng rằng, thế nào cũng phải trở lại đây để lấy cặp ngà của voi chúa, vì nó rất đẹp và có chiếu hào quang ngũ sắc, đem bán chắc sẽ được rất nhiều tiền.

Quả nhiên không bao lâu sau, anh thợ săn ấy trở lại tìm voi chúa Bồ Tát và dám cả gan mở lời xin cặp ngà. Đã gọi là Bồ Tát thì sự bố thí là phạm hạnh của ngài, nên khi anh thợ săn xin, thì ngài vui lòng cho liền, không hề mến tiếc. Tên thợ săn thấy ngà to và dày, không thể lấy hết được, nên y chỉ cưa lấy một đoạn. Tên thợ săn trở lại lần thứ nhì và lần thứ ba nữa, lần này ngà còn cụt, nên y phải đẽo, đục vào sâu bên trong để lấy ngà. Sau khi lấy được đoạn ngà chót, tên thợ săn rất lấy làm vui thích, mang về. Voi chúa Bồ Tát thì quằn quại trên vũng máu, nhưng vẫn không buồn than hay phiền hà gì hết; trái lại rất vui lòng, vì đã làm được một việc rất khó khăn - là bố thí một phần sanh mạng - tức là bố thí đến bờ cao thượng.

Quả địa cầu to lớn và sâu dày này, có thể chở nổi núi non vạn vật, nhưng chở không nổi tội lỗi của con người độc ác, bạo tàn như thế, nên đất nứt ra và hắn ta bị đất rút chết, sau khi vừa đi khuất tầm mắt của voi chúa Bồ Tát. Tên thợ săn bị sanh vào A-tỳ địa ngục để trả cái quả độc ác khốn nạn ấy”.

Chuyện này cho thấy rằng, người không biết ơn, dầu chúng ta có cho họ làm Chuyển luân Thánh vương cũng vẫn không biết ơn như thường.

Trái lại có sự tích của người biết đền ơn người, dầu cho một muỗng cơm cũng không hề quên.

“- Ngày kia, đại đức Xá-lợi-phất vào thành khất thực nhưng không được một hột cơm nào. Khi trở về, gặp một thầy bà-la môn tên Rādha dâng cho ngài một muỗng cơm. Về sau ông Rādha già và rất nghèo, lại muốn xuất gia, nhưng không có vị đại đức nào nhận làm thầy thế độ.

Đức Thế Tôn mới phán hỏi rằng: Có vị tỳ-khưu nào có duyên với thầy bà-la-môn nầy không?

Đức Xá-lợi-phất bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có duyên với thầy bà-la-môn nầy, vì có lần, ông ta đã nhịn phần ăn của mình để dâng cho đệ tử một muỗng cơm!”

Rồi đức Xá-lợi-phất xin làm thầy thế độ cho ông Rādha.

Đức Thế Tôn khen ngài Xá-lợi-phất là người biết ơn mặc dầu chỉ một muỗng cơm”.

Đức Thế Tôn còn cặn kẽ dạy rằng, người trí thức khi núp bóng mát dưới cội cây xong, lúc ra đi cũng không nỡ bứt

một lá cây mặc dầu cây là loài vô tri vô giác - vì các ngài

nghĩ đến ơn của bóng cây.

Đây cũng là một chuyện biết ân khác của ngài Xá-lợi-phất:

“- Khi còn du sĩ hành cước, đang đi tầm đạo giải thoát, ngài gặp được đại đức Assaji đang đi khất thực trong thành Vương Xá. Đức Xá-lợi-phất trông thấy đại đức Assaji lục căn thu thúc, dáng người thong dong tự tại, thật là người đã thoát ly trần tục; ngài lấy làm trong sạch và kính thành, muốn đến gần hỏi đạo, nhưng vì lòng kính nể không dám kinh động, nên cứ lặng lẽ theo sau đại đức mãi. Khi đến nơi vắng vẻ, đại đức Assaji sửa soạn thọ thực; ngài liền lo múc nước rửa chân, nước uống, lót tọa cụ làm chỗ ngồi, dâng vật thực; và ngồi một bên hầu đại đức, đợi sau khi thọ thực xong mới hỏi:

- Bạch ngài, ngài là bậc có lục căn thu thúc, tinh thần thoát tục, ngài xuất gia theo giáo pháp nào? Ai là Tôn Sư của ngài? Ngài học giáo pháp ấy với ai?

Đại đức Assaji đáp:

- Này chàng du sĩ trẻ tuổi! Ngài Đại Sa-môn dòng Thích Ca là tôn sư của bần đạo. Bần đạo xuất gia với ngài, và hành theo giáo pháp của ngài.

Đức Xá-lợi-phất hỏi tiếp:

- Đức Tôn Sư của ngài dạy ngài những pháp gì?

Đại đức mới nghĩ: Các người ngoại đạo thường hay chỉ trích và phản đối Phật giáo; nhưng người du sĩ này tướng hảo cao sáng, ăn nói lễ độ - thật là một nhân cách quý hiếm - vậy trong chừng mực nào đó, ta sẽ tìm cách mở sáng mắt cho ông ta. Rồi đại đức khiêm tốn nói rằng:

- Nầy chàng du sĩ! Bần đạo chỉ là hạng sơ căn, lại mới xuất gia theo giáo pháp cao thượng của đức Toàn Giác chưa được bao lâu, nên không thể thuyết những pháp cao siêu của đức Tôn Sư cho ông hiểu được.

Ngài Xá-lợi-phất thành khẩn quỳ lạy ôm chân bụi của đại đức, tha thiết nói:

- Bạch ngài sa-môn! Đệ tử tên là Upatissa (tên khi chưa xuất gia). Trước đây đệ tử cũng đã từng làm trưởng giáo coi sóc một hội chúng thanh niên bà-la-môn - nhưng đệ tử vẫn đang còn tối tăm trên con đường thoát khổ. Vậy xin ngài từ bi thuyết cho đệ tử nghe những pháp tinh yếu, căn bản nhất - dù vài câu vài lời cũng được. Đệ tử sẽ tự tìm hiểu, suy gẫm bằng trí óc phàm phu của mình!

Đại đức Assaji nghe lời thưa bạch, biết là bậc thượng căn nên gật đầu:

- Hiểu rồi! Vậy thì bần đạo sẽ tóm tắt giáo pháp cao siêu, như chân như thật của đức Tôn Sư - hãy lắng tai để nghe, lấy trí để biết, thấy và liễu tri:

“Ye dhammā hetuppabhavā

Tesaṃ hetuṃ Tathāgato

Āha tesaṃ ca yo nirodho

Evaṃ vādī Mahā Samano!”

Nghĩa là: Các pháp phát sanh do bởi một nhân. Nhân ấy, đức Như Lai đã chỉ rõ. Và ngài cũng đã chỉ dạy nguyên lý để dập tắt nhân ấy. Chính đó là lời giáo huấn của bậc Đại Sa-môn.

Sự thật với bài kệ rất vắn ấy, đại đức đã dạy rất cô đọng về Tứ Diệu Đế [10]. Đức Xá-lợi-phất đắc quả Tu-đà-hoàn ở câu kệ thứ nhì.

Sau lại đại đức Xá-lợi-phất xuất gia với đức Thế Tôn và đắc quả A-la-hán, ngài là đại đệ tử của đức Thế Tôn.

Không bao giờ ngài quên ơn thầy trong bài kệ đầu tiên cho ngài. Hằng ngày, nếu ngài biết đại đức Assaji ở hướng nào, ngài day mắt qua hướng ấy làm lễ tỏ lòng kính trọng.

Các thầy tỳ-khưu thấy vậy mới vào hỏi đức Thế Tôn và nói rằng: “Đức Xá-lợi-phất hằng ngày lễ bái hướng này hướng nọ như kẻ ngoại đạo”.

Đức Phật đã hiểu rõ vì sao, nhưng ngài vẫn hỏi lại đại đức Xá-lợi-phất. Đức Xá-lợi-phất đáp với ý rằng, đệ tử hằng lễ bái như thế vì đệ tử biết rằng đại đức Assaji ở về hướng ấy.

Đức Thế Tôn mới khen ngài Xá-lợi-phất là người biết ơn”.

Tôi viết đến đoạn này thấy có chỗ rất khó lý giải, vì trong bộ chú giải của hạnh phúc thứ XIdạy nết hạnh phụng sự mẹ cha, và hạnh phúc thứ XIII dạy cúng dường đến bậc đáng cúng dường - cả hai hạnh phúc này đều thuộc về biết ơn người. Rồi tại sao hạnh phúc 25 (XXV)lại dạy Nết hạnh biết đền ơn người? Tôi đã cố tìm hiểu, mới thấy câu phạn ngữ dạy rằng: Kataññutāya sappurisabnūmiyaṃ thatvā (?) - nghĩa là nết hạnh biết đền ơn người - người ở đây là người thuộc thành phần trí thức đạo hạnh.

Vậy thì sự biết ơn người trong hạnh phúc XXV nầy thuộc về sự biết ơn cao thượng hơn những pháp trước, nghĩa là sự biết ơn hạng trí thức đạo hạnh. Nhưng tại làm sao ta lại đặc biệt biết ơn hạng trí thức đạo hạnh?

Sự biết ơn của người thường là khi nào chính ta thọ ơn của người nào thì nghĩ cách trả ơn cho người ấy. Các bậc trí thức đạo hạnh lại khác hơn ta. Mặc dầu không trực tiếp được người làm ơn giúp đỡ gì, nhưng khi thấy người kia làm ơn hay giúp đỡ kẻ khác, bằng cách nào đó, khi có thể giúp được, không nghĩ đến dục lợi - thì các bậc trí thức đạo hạnh cùng cảm phục lòng tốt ấy và vẫn biết ơn người ấy. Đồng thời cũng nghĩ đến sự đền đáp công ơn, nếu gặp dịp có thể giúp được - vì các bậc trí thức đạo hạnh nghĩ cũng như đã thọ ơn của người ấy. Đây là sự biết ơn rất cao thượng mà ít ai nghĩ và hành động được như vậy . Nên hạnh phúcXXV dạy biết ơn là như thế.
+ Sự biết ơn người có những hạnh phúc là:

1. Là bậc trí thức.

2. Ai ai cũng ca tụng công đức.

3. Là nguyên nhân cho người đắc được pháp cao thượng là đạo quả và Niết-bàn.

4. Là nguồn của phước.

5. Là người không dễ duôi.

6. Là người có pháp cao quí trong tâm.

7. Là người làm lợi ích cho đời mình.

8. Là người hộ trì Phật pháp.

9. Là người theo con đường của bậc trí thức.

10. Là người có nhiều bạn lành.

11. Là người có những đức tính cao thượng.





HẠNH PHÚC XXVI

Kālena dhammassavanaṃ : Nết hạnh tùy thời nghe pháp
(Đúng thời nghe chánh pháp)


Xét lời dạy của đức Thế Tôn, chúng ta thấy ngài rất quan tâm đến tín đồ, nên ngài dạy: “Tuỳ thời nghe pháp”; vì hễ người còn được nghe pháp, thì còn có người hành theo thiện pháp và do đó, Phật pháp sẽ trường tồn. Đức Thế Tôn còn dạy những ngày trong tháng, thiện tín nên hội lại để nghe pháp, đó là mùng tám, rằm, hai mươi ba và ba mươi. Nếu tháng thiếu là ngày hai mươi chín.
+ Thời giờ nhứt định của sự nghe pháp có hai phần:

1. Buddhapaññatti [11]: Là những học giới mà đức Phật đã chế định, ấy là luật. Những ngày kể trên chư tăng hội lại để nghe những điều học, học giới.

2. Buddhavāda: Lời giáo huấn của đức Phật. Đây là những thời nghe pháp không nhứt định ngày; nghĩa là khi nào có dịp làm phước ở nơi nào, thí chủ cầu xin đức Phật bố thí pháp cho. Nếu không có đức Phật thì họ yêu cầu chư đại đức thuyết pháp. Trong trường hợp nầy, nguyên nhân nghe pháp là: Vì tâm thí chủ bị phiền não nhiễu nhương muốn tìm phương pháp sửa trị, nên thỉnh đức Phật thuyết pháp; hay sau này khi đức Phật nhập diệt rồi, Phật tử thưa thỉnh chư thánh hay phàm tăng thuyết pháp.
+ Trong tạng kinh, đức Thế Tôn dạy thời giờ đem sự hạnh phúc cho chúng sanh có 4 “tùy thời”:

1. Tùy thời nghe pháp.

2. Tùy thời vấn đạo.

3. Tùy thời thuyết pháp.

4. Tùy thời hành minh sát tuệ.

* Nghe thuyết pháp - có ba hạng khác nhau sau đây:

(1) Nghe thuyết pháp để lấy phước.

Hạng người nầy nghe nói đi nghe thuyết pháp có phước lớn, họ liền đi theo để nghe, khi nghe chỉ là nghe thôi chớ không thấu hiểu giáo lý. Hoặc họ là người đang say rượu phát tâm trong sạch vào nghe pháp, khi nghe không hiểu gì hết. Tuy vậy không phải là vô ích, vẫn được phước như thường, chỉ có điều là không được trí tuệ, nghĩa là không hiểu ý nghĩa của pháp để hành theo thôi.

Sau đây là sự tích về hạnh nghe pháp:

“- Trong thời kỳ đức Phật Kakusandha có một con gà mái ở gần nơi cư ngụ của chư tăng. Thường ngày gà được nghe tiếng thuyết đạo, vấn đạo và đọc kinh của chư tăng lấy làm vui tai thích nghe. Sau lại, gà bị chủ giết để ăn thịt. Nhờ quả báo của sự nghe kinh ấy nên gà được sanh làm công chúa tên Uppharī, sau đó trong sạch xuất gia theo ngoại đạo. Ngày nọ, trong khi đi cầu, bà trông thấy bọ dòi lúc nhúc đang giành nhau ăn phẩn trong cầu. Lấy làm chán nản, bà thấy đám bọ dòi ấy ví như chúng sanh, đang tranh giành nhau miếng mồi danh lợi - mà những miếng mồi ấy - là đồ rất bẩn thỉu, là vật rất nhờm gớm mà các bậc thánh nhơn hằng chê bỏ không khi nào ngó đến. Bà giữ được đề mục quán tưởng ấy, đắc định, được sanh vào cõi phạm thiên. Từ cõi phạm thiên, hết năng lực thiền định, bà sanh làm con của một người trưởng giả; hết kiếp con của trưởng giả lại sanh làm heo ở thành Xá Vệ. Khi trông thấy đức Thế Tôn, heo phát tâm trong sạch; nhờ quả ấy nên sanh lại làm con gái ở xứ Suvaṇṇaphuma. Rồi kiếp chót bà được sanh làm nàng Sumanā ở xứ Anuruddhapūrī. Kể từ kiếp gà đến kiếp ấy là hai mươi mốt kiếp. Khi ấy có vị đại đức tên là Mahātula ở chùa Koti trên núi, thấy cô Sumanā, ngài mới nói vị các vị tỳ-khưu rằng: “Các thầy hãy coi kìa! Con heo ấy đã sanh lại rồi, và lại được làm vợ của vị đại thần.” Nhờ sự nhắc nhở ấy, bà nhớ lại tiền kiếp, nên bà xin chồng cho phép xuất gia. Sau khi xuất gia xong, bà cố hết sức hành minh sát tuệ nên đắc Tu-đa-hoàn quả, sau đắc A-la-hán”.

Theo chuyện nầy, việc nghe pháp đem lại hạnh phúc cao thượng đến cho ta

, mặc dầu nghe, nhưng không thấu triệt pháp bảo, cũng có quả báo rất là cao thượng, mà cũng là duyên lành để ta đắc được đạo quả sau nầy.

(2) Nghe pháp để tìm hiểu lý lẽ của pháp. Ý nói người nghe pháp để hết tâm trí vào sự nghe, tâm không vọng động, không xao lãng - hầu đạt thông lý lẽ cao sâu mầu nhiệm của pháp. Người ấy sẽ đạt được nhiều lợi ích - như sự tích của thầy tỳ-khưu trẻ tuổi sau đây:

“- Có một thầy tỳ-khưu nghe tin một vị đại đức thuyết về sự tích Vessantara trong túc sanh truyện. Trong tích ấy có cả thảy một ngàn câu kệ. Từ chùa, thầy tỳ-khưu đi tới nơi thuyết pháp xa một do tuần (16 cây số ngàn) nhưng ông cũng ráng đi đến để nghe. Vì sự cố gắng đi hàng mười sáu cây số ngàn, nên mệt mỏi, ông không thể thuộc hết ngàn câu kệ, chỉ thuộc được đoạn đầu và đoạn sau. Ông rất tiếc nên khóc. Có một thiện nam thấy vậy, bèn hỏi han tự sự. Sau khi nghe hiểu, người thiện nam ấy mới vào hầu vị đại đức và thuật lại câu chuyện thương tâm của vị tỳ-khưu trẻ. Động mối bi tâm, vị đại đức mới nói rằng: Thôi được rồi, đợi khi nào ông ấy trở lại đây, ta sẽ thuyết lại cho mà nghe, mà học!”

Sáng ngày đại đức kể lại truyện tích Vessantara, vị tỳ-khưu trẻ tuổi nghe thuộc nằm lòng, cảm xúc sâu sắc gương bố thí cao thượng của Bồ Tát - phát sanh tâm tịnh tín bất động, đắc quả Tu-đà-hoàn”.

Trong tích nầy ta thấy rằng nghe pháp như vậy mới thực là nghe, mới là nhân đem lợi ích hạnh phúc cao thượng đến cho chúng ta.

(3) Nghe pháp để hành theo. Ý nói người nghe pháp nhớ những pháp ấy rồi hành theo pháp. Người ấy sẽ được an vui trong kiếp nầy và vị lai.

Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Người nào kinh sợ luân hồi, khổ - khi nghe pháp, làm sao cho pháp ấy thấm nhuần vào xương tủy, tâm tư; cố gom tâm lại, tụ lại - chỉ còn có pháp mà thôi; khi ấy năm pháp trở ngại (nīvaraṇa) [12] của các vị ấy sẽ lắng yên và bảy pháp bồ-đề [13] phát sanh đầy đủ - đó là quả của sự nghe pháp”.

+ Sự nghe pháp cố 4 điều lợi:

1. Atthikatvā [14]: Khi nghe pháp, cố không có tâm phóng túng, cố thuộc pháp ấy vào tâm.

2. Manasikāra [15]: Dùng trí tuệ quan sát những pháp đã nghe.

3. Sabba cetasā manā haritvā [16]: Thu thúc tâm lại, không để tâm phóng túng, để tâm vào pháp đang nghe làm cho tâm được an định.

4. Ohitasota: Để tâm nghe thật sự.
+ Quả báo của nghe pháp là:

1. Nghe được những điều chưa từng nghe.

2. Làm cho tâm ghi nhớ và tìm hiểu sâu thêm pháp của mình đã nghe rồi.

3. Diệt bỏ được những sự nghi ngờ.

4. Làm cho trở nên người có chánh kiến.

5. Nghe pháp làm cho tâm được trong sạch.
+ Sự nghe pháp đem lại những hạnh phúc là:

1. Là đại phước.

2. Được nghe pháp mà chưa từng nghe.

3. Hiểu được pháp đã nghe rồi.

4. Diệt được sự nghi ngờ.

5. Trở thành chánh kiến.

6. Tâm trong sạch.

7. Diệt được ba điều suy nghĩ xấu xa là: Suy nghĩ trong trần dục, suy nghĩ làm hại người, suy nghĩ cột oan trái [17].

8. Trở nên người trí thức.

9. Là duyên lành dành về ngày vị lai.

10. Là nhân diệt phiền não.

11. Là nhân làm cho ta mau đắc đạo quả.

12. Là nhân làm cho ta đắc được thất bồ-đề phần.

13. Làm cho trí tuệ và trí nhớ tăng trưởng.

14. Giữ được phẩm hạnh của bậc trí thức.

15. Làm cho thân tâm được an vui thơ thới.

16. Làm cho giải thoát khỏi luân hồi.










[1] Thường thì chư tỳ-khưu đi chân đất - nhưng có trường hợp các vị hành đạo hoặc du hóa ở các xứ có đá tai mèo lởm chởm, chỗ nhiều gai góc... thì đức Phật cho phép mang các loại dép bện bằng cỏ, lau sậy, da vỏ cây...


[2] Cách giải thích của pháp sư được lấy ý từ Duy Thức (tiền đại thừa) khi luận này định nghĩa về pháp: Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải. Có nghĩa là, pháp tự nó duy trì, bảo nhậm tính chất riêng của mình - từ đó, nó sanh ra những quy phạm, mẫu mực, phép tắc có thể lý giải mọi vật, mọi hiện tượng. Theo Theravāda thì pháp ấy là sự thật, là chân lý; pháp ấy có 5 đức tính: Thiết thực hiện tại (nơi sự sống đang là), vượt thời gian (không quy định trong thời gian), đến để mà thấy (quay đầu là bờ), có khả năng hướng thượng(chánh niệm trên đất thực), tự giác hiểu trong tâm.


[4] Alaggabhāva: Điều kiện không dính mắc, dính líu; không bị cột, bị trói.


[5] Apariggahita: Không chiếm cứ, không có sở hữu.


[6] Bhāva: Điều kiện, bản tính... Padatthāna: Nguyên nhân gần nhất.


[7] Yonisomanasikāra: Như lý tác ý (Khởi tâm đúng ới lý như thật). Padatthāna: như chú thích 36.


[8] Santosa: Sự vui vẻ, sự vừa lòng.


[9] Pubbakārī: Hành động trước, người làm trước (Tất cả sự giải thích của pháp sư - đều có tính chất triển khai, thường đi xa nội hàm của ngữ nghĩa).


[10] Giải thích cho rõ: Các pháp phát sanh là do định luật duyên khởi; chính vì định luật tùy thuộc phát sanh này ( Tập đế) mà có sanh lão bệnh tử sầu bi ưu não - và đây là sự thật về khổ (Khổ đế). Do bởi một nhân là ái dục. Và nguyên lý để diệt tắt nhân ấy (Diệt đế) - chính là bát chánh đạo (Đạo đế).


[11] Paññatti: Nghĩa theo Abhidhamma thường được hiểu là mô tả, khái niệm - nhưng theo kinh và luật nó có nhiều nghĩa: Chỉ định, đặt tên, quan niệm, ý tưởng, lệ luật - ngữ cảnh của câu này, có nghĩa là chế định những giới điều, những học giới.


[12] 5 pháp cái, 5 triền cái - tức là 5 pháp quấn, vấn (triền), che lấp tâm trí (cái) - đấy là: Hôn trầm, thụy miên; nghi, sân, phóng tâm, dục.


[13] Thất giác chi hoặc thất bồ-đề phần: Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả.


[14] Giống như chú thích 89 - từ Pāḷi ở đây không có nghĩa như vậy - do Atthi là có, được và Katvā, nghĩa là đã làm (động từ Karoti).


[15] Từ này cũng vậy, nó chỉ có nghĩa là hướng tâm, tác ý, khởi tâm; đôi nơi dịch là suy xét kỹ.


[16] Câu này có nghĩa là mang đi tất cả những tâm ý xấu ác.


[17] Dục tư duy, hại tư duy, sân tư duy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét