Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Bà Cố Hỷ





Nam Mô Kim Tinh Cố Hỷ Thượng Động Cao Ly Thánh Mẫu Nương Nương


Oai linh phổ độ chúng sanh
Danh bà Cố Hỷ vang danh khắp vùng
Tay cầm long trượng oai nghiêm
Xét xem con trẻ trên đường đạo tu

Nam Mô Thượng Tòa Cố Hỷ Cao Ly Thượng Đẳng Tiên Nương
Nam mô Nhất Phẩm Thượng động Kim Tinh Cố Hỷ Cao Ly Lệnh Bà
Nam Mô Cố Hỷ Tiên Nương Đại Từ Tôn 

TÍN NGƯỠNG THỜ BÀ CỐ HỶ


Bà Cố Hỷ là ai ? 
Devi là một hình thức của “Đại nữ thần” (Mahadevi) trong thần thoại Hindu, nhân vật tổng hợp bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của nữ thần trong một loạt các hiện thân trái ngược nhau. Đôi khi là tên gọi vợ của thần Siva và cũng là tên gọi chung của các nữ thần của người Hindu. Bà còn tồn tại dưới hình thức Shakti hay vợ của thần Siva, một nữ thần vừa tốt bụng vừa đáng sợ và được xem là nữ thần chính trong đạo Hindu. 
Trong các nền văn hóa ban sơ của Ấn Độ, nữ thần Shakti là cội nguồn của mọi năng lượng trong vũ trụ, sức mạnh sáng tạo đem lại sự phì nhiêu cho mặt đất. Một số hiện thân của nữ thần này có liên quan với sức mạnh của thiên nhiên như Ushas, bình minh, Ganga, dòng sông. Bà còn được biết đến dưới nhiều hình thức như Durga, Kali (hung tợn), Parvati, Sati (hiền lành). Đôi khi bà còn khoác hình thức của các nữ thần không liên quan đến Siva. Vật biểu trưng chính của bà là cái tù và, cái trống kinh, cây móc và cây đinh ba. Parvati có nghĩa là “con gái của núi rừng”, cha là Himavat, vua núi và bà là mẹ của thần đầu voi Ganesha, do bà tạo ra từ chất bụi trên người mình. Truyện tích khác kể rằng, do Siva chỉ trích màu da đen của Parvati nên bà xấu hổ lui về rừng làm tu sĩ khổ hạnh. Nhưng rồi thần Brahma xúc động trước sự khổ hạnh của Parvati nên biến bà thành nữ thần Gauri có nước da vàng óng. Theo đó thì màu da đen đúa của Parvati đã hóa thành nữ thần Kali. Siva có lần biến Parvati thành một nữ nhân ngư để phạt bà về tội không vâng lời. Một lần khác Parvati trườn lên đằng sau Siva dùng mấy ngón tay bịt mắt ông lại. Thế giới bị chìm trong bóng tối nên Siva phải làm cho một con mắt thứ ba hiện ra giữa trán mình.1


Cố Hỷ Phu Nhân hoặc Cố Hỷ Tiên Phi là một dạng nữ thần khá đặc biệt: vừa là ác thần vừa là phúc thần, ngự trị nơi rừng sâu núi thẳm với danh hiệu “Thượng động Cố Hỷ Phu Nhân”. Ở điện Long Châu (làng Nguyệt Biều, Huế) thờ Ngạn Thượng Chúa Động chi thần, tức thần đầu nguồn, thần của núi rừng, sắc phong ghi “Quản Chủ Ngạn Thượng Chúa Động Phước Đức chi thần”.2

Xứ Huế cũng có thờ Bô Bô Chúa Động tôn thần, một dạng tín ngưỡng cộng đồng.3


Cố Hỷ tùng tự Tả Ban, Hữu Ban, những âm binh do bà cai quản. Nhưng gần đây đã tùng tự với Ngũ Hành Nương Nương, Quan Thánh Đế Quân, Thần Tài, Thổ Địa. Ở quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh), do hay hỏa hoạn, nên người dân lập miếu thờ Hỏa Tinh Thần Nữ và đồng nhất với Cố Hỷ Phu Nhân. Vị thần này còn có mặt trong số 5 vị thần Thượng động là Hồng Nương Thiên Tinh, Hồ Ly Thượng Động, Hỏa Tinh Thượng ĐộngLa Sát Thượng Động có mặt trong một ngôi miếu thờ do dòng họ quản lý ở phường 14 (quận 8).4


Với tính chất hai mặt vừa là hung thần vừa là phúc thần cũng thể hiện một đặc trưng cố hữu của hình tượng Devi hay Shakti, khiến nhiều nhà nghiên cứu cho bà Cố Hỷ là một dạng địa phương hóa trong quá trình tích hợp thờ cúng nữ thần Po Ina Nagar. Ngư dân hay gọi miếu bà Cố Hỷ là dinh Bà Cố, được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX do những người làm nghề buôn bán, thương mãi xây dựng nhưng ngư dân cũng rất tôn kính và sợ oai linh của bà. Bà không chỉ là phúc thần của những người buôn bán mà còn là phúc thần của cư dân đánh bắt cá.5


Thờ tự ở các nơi Dinh bà Cố Hỷ ở xã Nhơn Hải (Quy Nhơn, Bình Định) có quy mô khá rộng và bài trí khá đặc sắc: ở giữa điện thờ là linh vị Cố Hỷ Nương Nương, hai bên là Tả Ban và Hữu Ban, phía trước là ban thờ Hội đồng Tam giới.6


Nhà văn Quách Tấn viết về một đền thờ bà Cố Hỷ khác cũng ở Bình Định: “Ở mé đông bắc đầm (Thị Nại), dưới chân dãy Triều Sơn tại thôn Huỳnh Giản (Tuy Phước) có đền thờ bà Cố Hỷ. Bà Cố Hỷ sống vào thời đại nào không được rõ, có lẽ đã lâu đời lắm nên có nói những việc quá cũ kỹ, người Bình Định thường nói “Tự đời bà Cố Hỷ Cố Lai”. Bà nuôi trâu rất nhiều. Sau khi bà qua đời, trâu không người chăn, phá chuồng lên nuôi, lâu ngày thành trâu hoang. Trước đây trên dãy núi Triều Sơn có nhiều trâu rừng, người ta bảo đó là trâu của bà Cố Hỷ.7
Đền thờ bà Cố Hỷ do dân sở tại lập, đền ngó xuống sông. Mỗi năm vào tiết xuân thiên, nhân dân trong thôn kết thuyền ở trước đền làm sân khấu, rước hát bội đến hát để cầu bà phù hộ cho biển lặng sóng êm, chài lưới được nhiều cá”.8 
Truyền thuyết về bà Cố Hỷ của nhóm cư dân ở đây nhấn mạnh đến yếu tố biển và khẳng định rằng bà Cố Hỷ là vị thần của cư dân biển, cư dân sông nước.9 
Ở đình Mỹ Hiệp (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), vị thần này được gọi với danh hiệu là 顧 喜 夫 人 敦 厚 樂 濟 妙 應 靈 化 雅 淑 莊 嚴 上 等 尊 神 Cố Thiện phu nhân Đôn hậu Lạc tế Diệu ứng Linh hóa Nhã thục Trang nghiêm Thượng đẳng tôn thần.10
Trước nay có ý kiến cho rằng Cố Hỷ Phu Nhân là một tên gọi khác của Po Nagar, nhưng trong ngôi đình này lại có nhiều vị thần được thờ như: Bổn cảnh Thành Hoàng, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Chúa Tiên, Hồng Nữ Tiên Phi, Hậu Thổ... bên cạnh Phu Nhân Cố Thiện11, nên không thể cho rằng bà Cố Hỷ là một dạng khác của Po Ina Nagar được. Sách xưa chép về đền Cố Hỷ ở Ninh Thuận: “Núi Ô Cam ở bờ biển phía đông bắc huyện 40 dặm. Thế núi cao chót vót, rất hiểm yếu. Buổi đầu ta mở nước. Chưởng cơ Tống Phước Hòa chống cự quân Tây Sơn, có đóng quân ở đấy, nay có đường trạm đi qua ở trên. Phía tả núi này có đền thờ Cố Hỉ phu nhân rất linh ứng”,12  “Đền Cố Hỉ phu nhân ở núi Ô Cam, cầu mưa, cầu khỏi bệnh rất linh ứng, sự tích chưa rõ”.13
Dinh Cố Hỷ Mẫu Nương Nương mà sách Đại Nam nhất thống chí mô tả trên đây được xây dựng vào thế kỷ XVII, khôi phục năm 1989, nay thuộc thôn Lạc Sơn, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dinh có 5 sắc phong, được người dân rước về thờ tại đình Lạc Nghiệp. Sắc phong sớm nhất vào đời Tự Đức năm thứ 3 (1849), sắc phong với thần hiệu cao nhất vào đời Khải Định năm thứ 9 (1924): “Đôn Hậu Lạc Tề Diệu Ứng Linh Hóa Trung Duy Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần”.14 Sách Non nước Ninh Thuận cũng ghi chép về ngôi miếu này: “Tại chân núi Ô Cam ở cực Nam tỉnh, sát quốc lộ số 1 và thiết lộ xuyên Việt, có một cái miếu cũng thuộc loại quốc tế gọi là miếu Cố Hỷ Phu Nhân”. Miếu này không lớn, làm bằng gỗ, lợp ngói âm dương mặt quay ra biển. Cố Hỷ Phu Nhân tương truyền là một cô gái quê ở bên bờ sông Dinh, con nuôi một người đàn ông, lại bị chính người đó xâm phạm. Năm đó trong vùng xảy ra tai họa, bão lụt mất mùa, dân chúng bèn đổ tội cho cô gái kia thông dâm với cha nuôi, nên giết chết, bỏ sọt thả bè trôi sông. Cô gái bị oan, hồn không siêu thoát, vẫn theo xác trôi theo dòng sông Dinh ra biển, theo ngọn gió hướng vào Nam. Đến vùng biển Cà Ná xác dạt vào núi Ô Cam, dân địa phương vớt lên chôn, coi như xác chết vô thừa nhận. Từ đó cô hiển linh, dân chúng lập cái am tranh để thờ. Thời Nguyễn Ánh đánh nhau với Tây Sơn, Tả quân Lê Văn Duyệt hành quân qua đây, dừng chân cầu nguyện xin phù hộ, hẹn chiến thắng sẽ trở về tu bổ lại ngôi am. Do không biết rõ danh tính, chỉ nghe dân chúng kể lại qua truyền thuyết, nên Lê Văn Duyệt tâu với Gia Long phong hiệu cho vị thần ngôi miếu này là Cố Hỷ Phu Nhân. Mỗi khi có vị quan nào đến Ninh Thuận trấn nhậm, đều phải đến đền thờ Cố Hỷ Phu Nhân để làm lễ cầu an.15 Hiện nay, cánh tài xế khi chạy ngang qua đây đều phải bóp còi để “chào” bà. Vào đến huyện Bắc Bình (Bình Thuận), ở khu vực Bàu Trắng có một ngôi đền Cố Hỷ:“Hồ Bạch ở phía tây nam huyện Hòa Đa (hai vũng dưới đây cũng thuộc huyện này) 45 dặm. Phía tây ba đụn cát có hai cái hồ. Hồ trên chu vi 8 dặm, sâu độ 14, 15 thước. Hồ dưới chu vi 12 dặm, sâu 8 trượng 6 thước, nước trong ngọt, bốn mùa không lên xuống. Phía đông bắc đều là đụn cát, phía tây nam đều là rừng rú. Bờ hồ có đền Chúa Động phu nhân rất linh ứng...”.16 Địa chí Bình Thuận cho biết ngôi miếu này nằm gần 3 động cát, rất linh thiêng, ai đi qua cũng phải hạ kiệu, xuống ngựa, nếu không sẽ bị bà “bắt”. Miếu bị tàn phá hẳn vào thời kháng chiến chống Pháp.17 Đền thờ bà Chúa Động tọa lạc sát bờ đông của Bàu Ông Bàu Bà, nằm cách bàu khoảng 180 m về hướng đông, nay thuộc địa bàn xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình, Bình Thuận). Đền đã bị sụp đổ hoàn toàn và trở thành phế tích, hiện nay chỉ còn lại nền móng và một số bức tường, cột gỗ, cột vôi… Theo người dân địa phương, ngôi đền nổi tiếng linh hiển. Trong những lần chạy trốn tránh sự truy sát của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã chạy đến đền thờ bà Chúa Động và được bà che chở thoát nạn. Sau này khi lên ngôi vua, năm 1804 vua Gia Long đã tặng cho đền thờ bà Chúa Động một bức hoành phi. Trải qua thời gian, ngôi đền đã bị sụp đổ và những hiện vật gắn liền đều bị thất lạc.18 Ở khu vực bãi Trước (khu 1, phường Mũi Né, Phan Thiết) có ngôi miễu bà “Sa Động” (động cát) thờ bà Chúa Động, người dân ở đây hay gọi là bà Cố, ngày vía 18.2 âm lịch. Người dân trong khu vực làm đủ các ngành nghề, nhất là nghề biển đến cúng kiến rất nhiều. Ngoài tòa nhà chính, bên cạnh miễu còn có gian thờ riêng Ông Nam Hải. Miễu được lập cũng gần 100 năm. Ông Trần Văn Hồng (Phó ban nghi lễ vạn Bình An) cho biết ngôi miễu này có nguồn gốc từ Bàu Trắng (huyện Bắc Bình), gắn với truyền thuyết bà Cố Hỷ đã lấp vũng biển vũng Môn (hòn Hồng) để cho Nguyễn Ánh chạy thoát từ Phan Rí qua Hàm Tân khi bị quân Tây Sơn truy sát.19 Miễu Sa Động20 chính là “dấu vết” còn sót lại của tín ngưỡng thờ Chúa Động phu nhân ở Bàu Trắng ngay ở tên gọi của miễu “sa động” (động cát) và những câu chuyện dân gian như có người đã từng gặp bà Cố tóc bạc phơ trên xà nhà. Và nay vì nó nằm gần bãi biển nên tích hợp tín ngưỡng thờ cá Ông vào với một gian thờ riêng bên cạnh miễu này. Sự biến đổi này phù hợp với sinh thái văn hóa, từ “rừng” tiến ra “biển”. Những câu chuyện về các nhân thần, nhiên thần giúp đỡ Nguyễn Ánh trong quãng đời bôn tẩu của ông khá phổ biến ở khắp các vùng biển Trung, Nam Bộ, trong đó có cá Ông. Vùng Ngọc Lâm, Phú Hài cũ (thành phố Phan Thiết) trên sườn núi cao 105 m, gọi là núi Cố, có miếu thờ bà Cố Hỷ. Tương truyền khi còn sống cũng như khi qua đời, bà có phép biến hóa, trị kẻ gian. Dân đi biển rất tin vào sự linh ứng của bà.21 Chúa Động Nương Nương (Bô Bô đại vương), một nữ thần Chăm, gốc ở Trung Bộ, bảo hộ cho nghề làm rừng, từ Bình Thuận theo đường biển đến Bà Rịa - Vũng Tàu, cho nên các vùng ven biển như Long Đất, Bà Rịa, Cần Giờ… đều có miếu thờ, ngày vía là 15/3 âm lịch. Chúa Động Nương Nương có được thỉnh nhắc trong văn tế ở Dinh Cô (Long Hải). Bà Bô Bô được thờ nhiều ở Huế, Quảng Nam (có tổ chức lễ hội Bà Bô Bô trên sông Thu Bồn)… thực chất cũng là “hóa thân” của Thiên Y Ana.22 Về Cố Hỷ, Vương Hồng Sển viết: “tên một vị nữ thần vùng Bà Rịa, trước đây dân rất kiêng sợ, không dám gọi đến tên, nhưng từ ngày khoa học tiến bộ, đã lùi vào dĩ vãng”.23 Miếu thờ Cố Hỷ Phu Nhân nằm ở núi Cố (Bà Rịa), thường gọi là dinh Cố. Thành phố Hồ Chí Minh có 7 miếu thờ Cố Hỷ Phu Nhân: quận 2 (1 miếu), quận 4 (2 miếu), huyện Cần Giờ (3 miếu) và huyện Nhà Bè (2 miếu). Ở Trà Vinh, bà thường được biết với tên gọi bà Cố Hỷ, Cố Hỷ Tiên Phi, trong văn tế ghi là Thượng Động Cố Hỷ Thánh Nương Nương. Trong miễu bà Cố Hỷ ở Ba Động cốt tượng Thượng Động Cố Hỷ đặt bên trái gian thờ Chúa Xứ Nguyên Nhung, linh vị ghi “Thượng Động Cố Hỷ”, bao lam khắc chữ Thọ, dưới tiền bàn có câu tán “Hiển bách uy linh”. Theo Sơn Nam thì tục thờ này đã ghi trong Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Bình Thuận), vùng biển Trà Vinh nay có địa danh Ba Động, chứng tỏ dân đi khẩn hoang đợt đầu đến vùng biển này là từ Bình Thuận vào và mang theo tập tục này. Cố Hỷ Tiên Phi thường hóa phép cưỡi rồng bay dọc theo vùng duyên hải để hộ độ cho người đi biển. Thần gốc vùng cao, trên núi và động cát nên gọi là Thượng động để phân biệt với Hạ động Thủy Long Thần Nữ.24 Khi chúng tôi khảo sát lăng Ông Bình An (phường Mũi Né, Phan Thiết), nằm gần miễu bà Sa Động, bàn thờ hội đồng trước chính điện ghi hàng chữ “Bà Chúa Hạ Thủy long cung bích điện” như để phân biệt với bà Chúa Thượng (Cố Hỷ) ở miền núi rừng.25 Ở Trà Vinh, Bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương phù hộ cho ngư dân đi chài lưới và đánh bắt ở vùng biển khơi. Ngôi miếu ở vùng biển ấp Ba Động (xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) được gọi là Lầu Bà Cố Hỷ, xây dựng từ rất lâu đời. Năm 1951, miếu bị Pháp ném bom làm sập một góc Lầu Bà nên người dân nơi đây thỉnh cốt Bà về thờ gần đình Triệu Minh Công. Đến năm 1954 mới thỉnh cốt bà trở về lầu và tiếp tục thờ cúng. Sau nhiều lần hư hỏng, năm 2008 Lầu Bà được trùng tu lại rất kiên cố và khang trang với kiến trúc một trệt, một lầu tọa lạc trong khuôn viên với diện tích khoảng 3.000 m2 . Tầng trệt thờ bà Chúa Xứ, phần lầu thờ cốt bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương. Lầu Bà Cố Hỷ thờ bà Triệu Thị Trinh. Truyền thuyết kể rằng: xưa kia có 2 sắc phong cho hai anh em bà Triệu (Triệu Thị Trinh và Triệu Quốc Đạt) bị trận bão lớn từ Bắc trôi dạt vào nơi đây, nhân dân đưa 2 lá sắc ra biển nhưng vẫn lại trôi tấp trở vào, nên người dân ở đây cử người ra Thanh Hóa và lấy kiểu đền thờ bà Triệu Thị Trinh về đây xây cất và thờ cúng. Bà Triệu Thị Trinh sinh ngày 2.10.226 tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa) trong một gia đình hào trưởng. Bà có tướng mạo kỳ lạ, người cao lớn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, trí hơn người, chiến đấu dũng cảm. Nên sau khi mất, bà được người dân thờ cúng. Hàng năm, nơi đây tổ chức cúng lệ hai lần vào ngày 15 - 16.1 và 15 - 16.7 âm lịch. Lệ cúng ngày 15 - 16.1 âm lịch được tổ chức cúng với quy mô lớn. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, bao gồm các nghi lễ theo trình tự chung: nghi thức thay y cho bà, múa bóng rỗi, nghi thức nghinh bà, nghi thức tế tiền vãng, nghi thức tống ôn và đưa khách. Trong Lầu Bà Cố Hỷ có các tượng cốt bà Cố Hỷ, bà Chúa Xứ, bà Thủy, bà Hỏa. Miếu bà Chúa Xứ ở thị trấn Cầu Ngang cũng phối thờ bà Cố Hỷ.26 Ở Trà Vinh có 10 vị trí miễu hoặc từng có miễu thờ bà Chúa Động, bà Cố Hỷ… chủ yếu là ở các xã ven biển.27 Tỉnh Sóc Trăng các miếu bà Thượng Động (huyện Thạnh Trị), miếu bà Chúa Thượng (huyện Ngã Năm) thờ Thánh Anh La Sát28; miếu bà Chúa Thiện (huyện Mỹ Tú) [có lẽ thờ bà Chúa Thượng Động].29 Trên vùng biển huyện Kiên Hải (Kiên Giang), bà Chúa Thượng/bà Chúa Thượng Động được thờ trong hang động trên xã đảo Lại Sơn (hòn Sơn Rái),30 xã Hòn Tre có miếu bà Chúa Thượng Động. Miếu bà Chúa Thượng còn được người dân nơi đây gọi là bà Chúa Hòn.31 Ở huyện đảo này, mô thức Thiên Y Ana và 2 người con trai của bà biến thiên thành các dạng nữ thần khác như: Bà Cậu, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Chúa Ngung Man Nương, Bà Chúa Thượng Động (Bà Cố Hỷ/Cố Hỷ Tiên Phi), Thủy Long Thánh Phi, Bà Chúa Hòn… nhưng “cao” hơn hết và phổ biến hơn hết là tín ngưỡng Bà Chúa Xứ, một dạng phúc thần cai quản đất đai, sông biển, cù lao và bảo hộ cư dân an lạc.32 Theo chúng tôi, đây không phải là sự “biến thiên” từ Po Nagar ra các bà như trên, nhất là đối với trường hợp bà Cố Hỷ, mặc dù có sự ảnh hưởng, đan xen về thần tích cũng như tính chất của vùng sinh thái hải đảo chi phối đến tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây, để các bà này được gọi với mẫu số chung là “bà Chúa đảo”. Miễu Linh Hòa (khu phố Đông Tư, thị trấn Lái Thiêu, Bình Dương), Thánh Anh La Sát được tòng tự với một số nữ thần khác.33 Các địa phương khác như An Giang, Cần Thơ cũng có miếu thờ bà Cố Hỷ như ở chợ Vàm (“miếu Bằng Lăng”, huyện Phú Tân, An Giang), miếu Bà ở Thất Sơn (An Giang), miếu Bà ở Phong Điền (miếu Giàn Gừa, Cần Thơ) cúng ngày 27 - 28.2 âm lịch... Chánh điện miếu Bằng Lăng trước đây ghi Thượng Động Cố Hỷ, nay sửa là Thiên Y Tiên Nương.34 Tại Trà Ôn (Vĩnh Long) có rất nhiều miều thờ Cố Hỷ Tiên Phi. Cố Hỷ Tiên Phi là vị nữ thần cai quản núi rừng, thường ở trong hang sâu, núi thẳm, nên thường gọi là bà Thượng Động. Miếu Thiên Kim thờ Cố Hỷ ở Trà Ôn tùng tự rất nhiều vị thần dân dã, mang đủ màu sắc văn hóa như Thủy Long Thánh Phi, Hồng Thiên Tinh, Hồ Ly Tinh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Cô Phạm, Cô Nguyên, Cô Hai, Cô Mười… Bên cạnh còn miếu thờ Phật Tổ Phật Thầy, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân, Bạch Hổ Tướng Quân, Tề Thiên Đại Thánh, Thập Điện Minh Vương, Đại Càn Quốc Vương, Lục Kim.35 Lời kết Có nguồn gốc từ thần Devi trong văn hóa Ấn Độ với nhiều biến thể khác nhau, sang đến nước ta biến thành Cố Hỷ Thượng Động, Cố Hỷ Tiên Phi, Cố Hỷ Phu Nhân... hay đơn giản là bà Cố Hỷ/bà Cố. Vị nữ thần này có lúc hiểu nhập nhằng là Po Nagar (Thiên Y Tiên Nương) hay Thánh Anh La Sát (La Sát Thượng Động) hoặc được đồng nhất với Hỏa Tinh Thần Nữ. Ban đầu, trú sở của bà ở chốn rừng núi như Ngạn Thượng Chúa Động (Huế), gần với nguyên mẫu nữ thần Devi (“con gái của núi rừng”). Bắt đầu từ Bình Định vào đến Kiên Giang thì tính chất biển của vị nữ thần này biểu hiện rõ hơn hết, tiêu biểu là miễu bà Sa Động (Mũi Né). Điều đó có thể nhận thấy qua những truyền thuyết về cô gái chết oan trôi dạt trên biển (Ninh Thuận), sắc phong trôi vào bờ ở biển Ba Động (Trà Vinh), là bà Chúa Đảo ở Hòn Tre (Kiên Giang). Tính chất nhập nhằng về nguồn gốc Po Nagar của Cố Hỷ còn ảnh hưởng bởi môtip “khúc gỗ trầm hương” trôi trên biển trong sự tích Thiên Y Ana hay tín ngưỡng thờ Tứ Vị Thánh Nương ở cửa Cờn (Nghệ An). Cốt lõi của bà Cố Hỷ vẫn là nữ thần biển, của vùng sông nước, tính thiện đã nổi trội hơn trong tính hai mặt của vị nữ thần nguyên ủy, và bà được xem là phúc thần bảo trợ cho các cộng đồng cư dân ven biển. 
Thời Nguyễn, bà Cố Hỷ đã được sắc phong và được nâng lên hàng quốc tế, nên đây là một tín ngưỡng quan trọng, được tích hợp trong đó nhiều dạng thức thờ nữ thần biển.


CHÚ THÍCH 








  • 1 Rachel Storm, Huyền thoại phương Đông, Chương Ngọc dịch, (Hà Nội: Mỹ thuật, 2003), 144-145, 186-187, 192. 
  • 2 Huỳnh Đình, Tục thờ thần ở Huế, (Huế: Thuận Hóa, 1998), 42. 
  • 3 Trần Đại Vinh, Tín ngưỡng dân gian Huế, (Huế: Thuận Hóa, 1995), 111. 
  • 4 Võ Thanh Bằng (chủ biên), Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, (Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr.79-80. 
  • 5 Nguyễn Thị Thanh Xuyên, “Mẫu và Nữ thần của cư dân duyên hải Nam Trung Bộ: thống nhất trong đa dạng”, Khoa học Xã hội miền Trung, số 5/2013, tr.50. 
  • 6 Nguyễn Thị Thanh Xuyên (2013), Bđd, tr.50. 
  • 7 Ở Phú Quốc (Kiên Giang) cũng lưu truyền câu chuyện tương tự về đàn trâu rừng của bà Kim Giao, nhưng cho rằng bà này có nguồn gốc Khmer. Phải chăng đây là những hóa thân khác nhau hay ảnh hưởng của bà Cố Hỷ đã được bản địa hóa. Huyện đảo Kiên Hải gần đó cũng có 2 điểm thờ bà Cố Hỷ ở Lại Sơn và Hòn Tre. 
  • 8 Quách Tấn, Nước non Bình Định, (Hà Nội: Thanh niên, 1999), 213. 
  • 9 Nguyễn Thị Thanh Xuyên (2013), Bđd, 50-51. 
  • 10 Chữ Hỷ (喜) là “niềm vui”, có tự dạng khá giống chữ Thiện (善) là việc thiện. Do vậy, có thể một số vùng đã lầm lẫn tự dạng nên gọi bà Cố Hỷ thành bà Cố Thiện (Nguyễn Hữu Lộc dịch và chú). Nhân đây tôi xin chân thành cám ơn. 
  • 11 Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa, Đình làng Khánh Hòa, (Hà Nội: Văn hóa - Thông tin, 2013), 242. 
  • 12 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, (Hà Nội: Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2012), Tập 1, 668. 
  • 13 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, 681. 
  • 14 Tài liệu do ông Đinh Lê Quang Huy (Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Thuận) cung cấp. Chữ Tề (齊) và chữ Tế (濟) chỉ khác nhau 3 chấm thủy phía trước nên cần xem lại là Tề hay Tế vì bài vị phía trên ghi là Lạc Tế (Nguyễn Hữu Lộc chú). Nhân đây tôi xin chân thành cám ơn. 
  • 15 Nguyễn Đình Tư (1974), Non nước Ninh Thuận, (Sài Gòn: Sống Mới 1974), 130-131, 128. 
  • 16 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, 676. 
  • 17 Tô Quyên, Trần Ngọc Trác, Phan Minh Đạo (chủ biên), Địa chí Bình Thuận, (Bình Thuận: Sở Văn hóa Thông tin Bình Thuận, 2006), 623. 
  • 18 Vương Hoàng Khả (Bảo tàng Bình Thuận) cung cấp. 
  • 19 Tài liệu điền dã, ngày 2.8.2015. 
  • 20 Ở làng Sa Động (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) hiện có lăng thờ cá Ông mang tên “lăng Sa Động” (Nguyễn Hữu Duy Viễn, "Văn hóa ứng xử với biển của cư dân ven biển Quảng Bình" trong Nhiều tác giả (2015), Văn hóa biển đảo nguồn lực phát triển bền vững, Kỷ yếu hội thảo quốc gia, (Hà Nội: Lao động, 178). Chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu mối quan hệ giữa cơ sở thờ tự này với miễu bà Sa Động ở Mũi Né qua nguồn gốc, tên gọi. Nhưng chúng tôi vẫn nghiêng nhiều về giả thuyết tên gọi miễu bà Sa Động bắt nguồn từ “động cát” ở Bàu Trắng. 
  • 21 Tô Quyên, Trần Ngọc Trác, Phan Minh Đạo (chủ biên) (2006), Sđd, 623. 
  • 22 Đinh Văn Hạnh, Lễ hội dân gian của ngư dân Bà RịaVũng Tàu, Đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bà Rịa-Vũng Tàu, 2001, 140. 
  • 23 Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, (Hà Nội: Văn hóa, 1993), 325. 
  • 24 Trần Dũng, Đặng Tấn Đức, Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh, (Hà Nội: Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2012), 387-389. 
  • 25 Ở Quảng Bình, các đụn cát (động cát) cũng được xem như núi, nên trong tín ngưỡng thờ thần tự nhiên được gọi là “thần núi” (Văn Lợi (chủ biên), Nguyễn Tú, Địa chí văn hóa miền biển Quảng Bình, (Hà Nội: Văn hóa - Thông tin, 2001, 173)). 
  • 26 Hoàng Tuấn, "Lầu Bà Cố Hỷ", Văn hóa Trà Vinh, http:// www.dulichtravinh.com.vn/index.php/du-lich/cac-diemtham-quan/577-lau-ba-co-hy. 
  • 27 Trần Dũng, "Tín ngưỡng thờ Mẫu và lễ hội miễu ở Trà Vinh", http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpha m&action=detail&id=2072. 
  • 28 Thánh Anh La Sát (La Sát Thượng Động) là một trong 5 vị thần Thượng Động, tức 5 vị ác thần, thường trú tại rừng xanh núi thẳm, cùng với Hồng Nương Thiên Tinh, Hồ Ly Thượng Động, Cố Hỷ Thượng Động, Hỏa Tinh Thượng Động. Bà là loại chằn cái (Rashasha/Rashashi) trong đạo Bà La Môn và được Phật giáo hóa, truyền sang Á Đông và bị dân gian hóa. Trong tín niệm Phật giáo, quỷ La Sát Ha Ly Đế (Hariti) có rất nhiều con, vì thiếu lương thực nên phải bắt con nít ăn thịt. Phật thương dùng phép thần thông bắt Tân Già La (Pingala) nhốt trong bát. Quỷ La Sát không thể cứu con, van xin Phật tha tội. Phật khuyên quy y, giúp chằn tìm được thức ăn để nuôi con nên không bắt trẻ ăn thịt nữa. Khi sang Á Đông, Thánh Anh La Sát bị đồng nhất với La Sát Thánh Nương, tức Thiết Phiến Công Chúa, mẹ Thánh Anh Đại Vương (truyện Tây Du ký) và trở thành Thánh Anh La Sát. Ở Nam Bộ, một số phụ nữ Hoa gốc Triều Châu thờ Thánh Anh La Sát để cầu mong tính tình bớt nóng nảy, (Nhiều tác giả, Văn hóa nghệ thuật người Hoa thành phố Hồ Chí Minh, (Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, 2006), 52; Võ Thanh Bằng (chủ biên), Sđd, 80). 
  • 29 Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Địa chí Sóc Trăng, (Hà Nội: Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2012), 811. Bà Cố Hỷ ở đình Mỹ Hiệp (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cũng được gọi là Chúa Thiện phu nhân. 
  • 30 Phan Thị Yến Tuyết, Đời sống xã hội - kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, (Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2014), 400. 
  • 31 Đảng bộ huyện Kiên Hải, Lịch sử huyện Kiên Hải, (Kiên Giang, 2010), 36. 
  • 32 Nhiều tác giả, Những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội ở huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, Kỷ yếu hội thảo khoa học, (Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, 2008), 151. 
  • 33 Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bình Dương, Sơ khảo về tín ngưỡng, lễ hội dân gian và truyền thống tỉnh Bình Dương, (Bình Dương, 1998), 54-55. 
  • 34 Nguyễn Hữu Hiệp, "Điển tích 'bà Cố Hỷ' và chuyện ngọc nữ 'trộm dưa', http://danviet.vn/net-viet/dien-tichba-co-hi-va-chuyen-ngoc-nu-trom-dua-400504.html. Hồng Nhung, "Hàng nghìn lượt du khách viếng lễ hội Cúng bà Thượng Động Cố Hỷ", http://baophapluat.vn/giao-duc/ hang-nghin-luot-du-khach-vieng-le-hoi-cung-ba-thuongdong-co-hy-214739.html. Có lẽ do ban quản trị ở miếu này hiểu bà Cố Hỷ là nữ thần Po Nagar của người Chăm nên sửa thành Thiên Y Tiên Nương. 


TÀI LIỆUTHAM KHẢO 
  • 1. Rachel Storm. 2003. Huyền thoại phương Đông. Chương Ngọc dịch. Hà Nội: Mỹ thuật. 
  • 2. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2012. Đại Nam nhất thống chí. Hà Nội: Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Tập 1. 
  • 3. Nguyễn Thị Thanh Xuyên. 2013. “Mẫu và Nữ thần của cư dân duyên hải Nam Trung Bộ: thống nhất trong đa dạng”. Khoa học Xã hội miền Trung. Số 5/2013. 
  • 4. Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa. 2013. Đình làng Khánh Hòa. Hà Nội: Văn hóa - Thông tin. 
  • 5. Tô Quyên, Trần Ngọc Trác, Phan Minh Đạo (chủ biên). 2006. Địa chí Bình Thuận. Bình Thuận: Sở Văn hóa Thông tin Bình Thuận. 
  • 6. Trần Dũng, Đặng Tấn Đức. 2012. Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh. Hà Nội: Văn hóa - Thông tin. 
  • 7. Phan Thị Yến Tuyết. 2014. Đời sống xã hội - kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ. Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 
  • 8. Võ Thanh Bằng (chủ biên). Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 9. Nhiều tác giả. 2006. Văn hóa nghệ thuật người Hoa thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.



Hệ thống tín ngưỡng dân gian


Hệ thống tín ngưỡng dân gian của cộng đồng xóm – ấp

Trước sân đình ở Vĩnh Long đều có nhiều miếu thờ các vị thần dân dã như Ngũ hành Nương nương, Thổ thần, Bạch hổ Tướng quân. Nhưng thật ra không hẳn tất cả các miếu dân dã đều tập trung trước sân đình. Mỗi ấp, mỗi xóm, mỗi dòng họ hoặc mỗi hội đoàn đều có một ngôi miếu được xem như một ngôi đình trong lĩnh vực hạn hẹp, các vị thần linh được thờ trong miếu thường đa tạp. Ít có ngôi miếu nào thờ một vị thần. Nhìn chung, có thể hiểu được văn hóa của vùng đó. Thí dụ như vùng ven sông Tiền và sông Hậu có nhiều môn tược, vị thần thờ phổ biến là Thổ thần. Những xóm cư dân chuyên nghề làm ruộng thường thờ Chúa xứ Thánh mẫu, có nơi thờ Thần nông. Vùng ven thị tứ, cư dân thường thờ Ngũ hành Nương nương, Cửu thiên Huyền nữ. Người Minh Hương thường thờ Thất vị Nương nương (tục gọi Bảy bà). Dân vạn chài thường thờ Thủy long Thánh phi, cậu Trây – cậu Quý (tục gọi Bà cậu). Riêng tục thờ Thần nông ở Vĩnh Long cũng có nhiều điểm đặc biệt hơn những nơi khác. Thần nông có thể thờ trong miếu ở xóm – ấp, có khi miếu nằm bên cạnh đình. Có nơi Thần nông được thờ ở đàn lộ thiên, xây ngay trước đình, ở một góc đình hoặc ở ngay phía sau, dựa lưng vào vách hậu ngôi đình.

Tục thờ nữ thần phù hộ xóm – ấp và hội đoàn nghề nghiệp là tục lệ phổ biến ở Nam bộ cũng như ở Vĩnh Long. Trong thế giới thần linh ở Nam bộ, có lẽ nữ thần Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi đứng đầu tất cả. Nữ thần Thiên Y A Na được nhà Nguyễn phong Thượng đẳng thần (có 3 sắc phong cấp cho miếu Hội đồng Vĩnh Long). Vị nữ thần này gốc từ nữ thần U Mã, là một vị thần nhân từ nhưng lại là vợ của Thần Siva – vị thần phá hoại. Người Chăm đầu tiên tiếp nhận vị nữ thần Bà La Môn này, biến thành PoNagav – Bà mẹ xứ sở của bộ lạc Cau. Vị nữ thần này cũng được người Việt tôn thờ, gọi là Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi. Theo bia ghi sự tích nữ thần Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi do Phan Thanh Giản viết, hiện đặt tại Tháp Bà (Nha Trang) thì nàng là tiên nữ giáng trần ở tại xứ cù lao (Nha Trang). Nàng đã hóa ra khúc kỳ nam thả trôi theo dòng nước biển qua nước Bắc Hải (?), kết hôn với Thái tử nước này, sinh ra được 2 người con… Nàng là vị tiên nữ dạy dân lễ nghĩa, làm ruộng, chăn tằm… cùng nhiều nghề khác. Người Việt chúng ta đã tiếp thu tất cả các dạng tín ngưỡng xung quanh vị thần này.

Đầu tiên, tổ tiên chúng ta đã biến U Mã thành Ngung Mang nương (nàng Ngung Mang – phiên âm từ U Mã). U Mã được xem là nữ thần phù hộ người đi khai hoang, thần tiên chủ. Rồi cũng từ truyền thuyết do Phan Thanh Giản ghi, chúng ta có Thiên chúa xứ Thánh mẫu (Bà chúa xứ tức Bà mẹ xứ sở) – nữ thần phù hộ người làm ruộng (Bà chúa xứ Châu Đốc thực tế cũng xuất phát từ tín ngưỡng mang tính truyền thống nhưng do có điều kiện tích hợp thêm nhiều dạng tín ngưỡng khác nên trở thành vị thần đa năng, uy thế phát triển rộng rãi hơn).

Tín ngưỡng tích nữ thần Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi xuất phát từ vùng Nha Trang. Nếu phát triển đi vào Nam thì gọi là Chúa Ngọc nương nương (Bà chúa Ngọc). Còn nếu từ Nha Trang được đưa ra Huế rồi phát triển đi vào Nam thì gọi là Chúa Tiên nương nương (Bà chúa Tiên – chúa Ngọc). Trái với Ngung Mang nương nương hoặc Chúa xứ Thánh mẫu, 3 dạng tín ngưỡng vừa kể đều là tín ngưỡng bản mệnh, ít khi được thờ nơi công cộng.

Nét đặc trưng của nữ thần Thiên Y A Na là có hai người con. Lúc PoNagav ở tại xứ cù lao có lần đã hóa ra sóng gió nhận chìm đoàn tàu chiến do chồng nàng chỉ huy, định xâm lăng quê hương xứ sở nàng. Do đó, Thiên Y A Na được tôn làm nữ thần phù hộ cư dân xứ cù lao, hải đảo, thần Giông, thần sóng gió, thần phù hộ người đi biển. Thủy long Thánh phi và hai người con trai là cậu Trây – cậu Quý (tục gọi Bà cậu) được các miếu vạn Bình Khê (xóm Chài – TXVL), vạn Thủy Nam (xã Thiện Mỹ – Trà Ôn), vạn Tân Hưng (xóm Đáy – Tân Hòa Bắc)… tôn thờ chính là nữ thần Thiên Y A Na. Hiện nay, vùng Đồng Phú, Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ) còn truyền thuyết ngỗng thần gây sóng gió tại vàm Cái Muối chính là những truyền thuyết của người Chăm ở miền Trung được tổ tiên chúng ta đưa vào, truyền lại nhiều đời mà y như thật (Po Roack).

Đặc biệt nhất, tại Trà Ôn có rất nhiều miều thờ Cố Hỷ Tiên Phi. Cố Hỷ Tiên Phi là vị nữ thần cai quản núi rừng, thường ở trong hang sâu, núi thẳm (nên thường gọi là bà Thượng Động). Cố Hỷ Tiên Phi vừa mang tính thiện, vừa mang tính ác, có lẽ cũng là một dạng của nữ thần Thiên Y A Na. Đây là dạng tín ngưỡng ít có sức thu hút, do đó, những nơi thờ Cố Hỷ Tiên Phi (như miếu Thiên Kim ở Trà Ôn) phải tuần tự rất nhiều vị thần dân dã, mang đủ màu sắc văn hóa như Thủy long Thánh phi, Hồng Thiên tinh, Hồ Ly tinh, Chúa xứ Thánh mẫu, Cô Phạm, Cô Nguyên, Cô Hai, Cô Mười… Bên cạnh còn miếu thờ Phật Tổ Phật Thầy, Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái thượng Lão quân, Bạch hổ Tướng quân, Tề Thiên Đại thánh, Thập điện Minh vương, Đại Càn Quốc vương (có lẽ Đại Càn Thánh nương vương?), Lục Kim (một sư Khmer, có lẽ sinh tiền là Tổ sư của phái bùa chú ngãi nghệ).

Ở Nam bộ cũng như ở Vĩnh Long, tín ngưỡng nữ thần Thiên Y A Na rất mạnh. Tập tục thờ cúng nữ thần Thiên Y A Na đã ảnh hưởng đến tập tục thờ cúng các vị nữ thần khác. Nhiều khi bên cạnh Thất Thánh nương, Cửu thiên Huyền nữ, Ngũ Hành nương… có tùng tự hai cô hoặc hai cậu. Hoặc trước kia, ngày vía các vị nữ thần mang màu sắc Hán Việt này lại có bà bóng đến rỗi mời.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét