Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Nghi thức Tụng Kinh, Tắm Phật Tại Tư Gia Mùa Phật đản



Nghi thức TỤNG KINH, TẮM PHẬT tại TƯ GIA mùa Phật đản : 

  • Bài Chia Sẻ Phật Pháp Của Thượng Toạ Thích Lệ Trang Trưởng Ban Nghi Lễ Trung Ương của GHPGVN TPHCM Trụ Trì Chùa Định Thành Q.10 
  • Phần Tụng Kinh Khánh Đản : BAN NGHI LỄ TRUNG ƯƠNG GHPGVN TPHCM Các Vị Thượng Toạ, Hoà Thượng : Thích Lệ Trang, Thích Quảng Chơn, Thích Minh Thông, Thích Minh Nghĩa,Thích Trí Phát,Thích Hiển Tu, Thích Giác Tường ... 
  • Chư Vị Đại Đức Tăng Chùa Việt Nam Quốc Tự, Chùa Viên Giác, Chùa Ấn Quang, Chùa Định Thành 
  • Hướng dẫn LÀM BÀN THỜ, TỤNG KINH, TẮM PHẬT tại TƯ GIA trong mùa Phật Đản

Mỗi khi quỳ trước Phật đài tụng bài sám khánh đản, chúng ta thấy rõ lòng mình hơn, nhìn sâu cuộc đời mình hơn và quán chiếu về thân phận của mình nhiều hơn. Điều này có nghĩa, mỗi lần tụng sám Khánh đản là mỗi lần chúng ta nhìn lại quảng đường tu tập của mình.


Ðệ tử hôm nay,
Gặp ngày Khánh đản,
Một dạ vui mừng,
Cúi đầu đảnh lễ
Thập phương Tam thế,
Ðiều Ngự Như Lai,
Cùng Thánh, Hiền, Tăng.
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh.
Bởi thiếu nhơn lành,
Thảy đều sa đọa;
Tham sân chấp ngã,
Quên hẳn đường về,
Tình ái si mê,
Tù trong lục đạo,
Trăm dây phiền não,
Nghiệp báo không cùng,
Nay nhờ Phật Tổ Năng Nhân,
Dủ lòng lân mẫn,
Không nỡ sinh linh thiếu phước,
Nặng kiếp luân hồi,
Ðêm dài tăm tối,
Ðuốc tuệ rạng soi.
Nguyện cứu muôn loài,
Pháp dùng phương tiện.
Ta bà thị hiện.
Thích chủng thọ sinh.
Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành,
Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo.
Ba mươi hai tướng tốt,
Vừa mười chín tuổi xuân,
Lòng từ ái cực thuần,
Chí xuất trần quá mạnh.
Ngai vàng quyết tránh,
Tìm lối xuất gia,
Sáu năm khổ hạnh rừng già,
Bảy thất nghiêm tinh thiền tọa.
Chứng thành đạo quả,
Hàng phục ma binh,
Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh,
Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ.
Chúng con nguyền,
Dứt bỏ dục tình ngoan cố,
Học đòi đức tánh quang minh.
Cúi xin Phật Tổ giám thành,Từ bi gia hộ.

Chúng con cùng pháp giới chúng sanh, Chóng thành đạo cả.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.(30 lần)

Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.(3 lần)

Nam mô Ðại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. (3 lần)

Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.(3 lần)

Nam mô Ðạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần)

- Bài in trong “Kinh Nhựt Tụng”. Sen vàng xuất bản - Thành Hội Phật giáo TP. HCM tái bản 1994.

- Ðối chiếu trong "Nghi thức tụng niêm” chùa Xá Lợi Thành Hội Phật Giáo TP. HCM ấn hành 1993.



Sám Khánh Đản – Khúc ca tâm hồn


Ai ra đời để mang lại bình an hạnh phúc cho muôn loài chúng sanh? Người nào xuất hiện để dựng lại những giá trị nhân văn đã sụp đỗ, hoang tàn và mở ra con đường đã bị lãng quên? Bậc tôn quý nào vừa chào đời đã cất tiếng hống sư tử sang phẳng tà kiến thế gian? Sự xuất hiện của vĩ nhân nào đã truyền trao cảm hứng tu tập cho muôn ngàn thế hệ và khơi nguồn sáng tạo cho hàng vạn thiêng anh hùng ca bất tuyệt? Hình ảnh đản sanh của ai cách đây hơn 25 thế kỷ mà ngày nay vẫn được toàn thể nhân loại tôn vinh với tột cùng niềm kính ngưỡng tri ân? Chắn chắn không ai khác ngoài người cha mến thương của chúng ta: đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Trong niềm kính ngưỡng và tri ân tột cùng ấy, lễ kỷ niệm ngày Phật đản sanh được các thế hệ Phật tử tổ chức trang nghiêm trọng thể. Có một ca khúc tâm hồn thể hiện niềm kính ngưỡng ấy và được tụng niệm trong tất cả những buổi lễ trang nghiêm. Đó là bài sám Khánh đản.

Sám Khánh đản là một khúc ca tâm hồn. Khẳng định như vậy vì mỗi khi quỳ trước Phật đài tụng bài sám ấy, chúng ta thấy rõ lòng mình hơn, nhìn sâu cuộc đời mình hơn và quán chiếu về thân phận của mình nhiều hơn. Điều này có nghĩa, mỗi lần tụng sám Khánh đản là mỗi lần chúng ta nhìn lại quảng đường tu tập của mình. Hãy bắt đầu quảng đường ấy bằng sự quy kính Tam Bảo, như đoạn mở đầu của bài sám:

Đệ tử hôm nay,
Gặp ngày Khánh đản,
Một dạ vui mừng,
Cúi đầu đảnh lễ
Thập phương Tam Thế,
Điều Ngự Như Lai,
Cùng Thánh, Hiền, Tăng.

Đoạn này khởi đầu điệp khúc chuyển hóa thân tâm bằng hành động quy kính Tam Bảo và tinh thần hoan hỷ. Ngày Khánh đản là ngày mùng tám tháng tư âm lịch theo truyền thống trước đây. Nhưng hiện nay Phật tử toàn thế giới lấy ngày mười lăm tháng tư âm lịch làm ngày kỷ niệm chung cho cả ba sự kiện Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn của đức Phật, gọi là Vesak. Hành động quy kính biểu hiện qua câu “cúi đầu đảnh lễ“. Đảnh lễ ai? Đảnh lễ Tam Bảo: Phật bảo – “thập phương tam thế, điều ngự Như Lai“, và Tăng bảo – “cùng Thánh Hiền Tăng“. Pháp bảo được ẩn lược để trình bày ở đoạn sau nhằm tăng thêm phần quan trọng. Tinh thần hoan hỷ thể hiện ở “một dạ vui mừng“. Đây là hai đặc điểm nổi bật nhất của đoạn này: quy kính Tam Bảo và hoan hỷ đón mừng khánh đản. Vui là vui với tất cả tấm lòng tôn kính sâu sa và chí thiết. Mừng là mừng bằng cách dâng trọn thâm tâm để cúng dường và quán chiếu. Có tôn kính Tam Bảo mới mở được cánh cửa chuyển hóa. Phải hoan hỷ vui mừng mới có thể tiếp nhận những giá trị cao cả thiêng liêng. Tại sao vui, tại sao mừng với trọn tấm lòng thành kính? Câu trả lời đến ngay sau đây:

Chúng con cùng pháp giới chúng sanh
Bởi thiếu nhơn lành,
Thảy đều sa đọa;
Tham sân chấp ngã,
Quên hẳn đường về,
Tình ái si mê,
Tù trong lục đạo,
Trăm dây phiền não,
Nghiệp báo không cùng.

Nỗi mừng vui lớn nhất và quan trọng nhất: nhờ Tam Bảo mà chúng ta thấy rõ được thân phận, vị trí, hoàn cảnh, tình trạng và những vấn đề của mình. Đoạn thứ hai này chỉ thẳng những điều đó cho chúng ta. “Chúng con cùng pháp giới chúng sanh” là chúng ta và tất cả những gì tương sinh cộng sinh với chúng ta. Có hay không “thiếu nhơn lành, thảy đều sa đọa” là thân phận hiện tại của chúng ta? Có phải vị trí sinh ra và chết đi của chúng ta là đang “tù trong lục đạo” – giam hãm trong cảnh giới Trời, Người, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh không? Ai nhận thức được rằng hoàn cảnh sinh hoạt tinh thần của chính mình là “tham sân chấp ngã, quên hẳn đường về“? “Tình ái si mê” phải chăng là tình trạng sống chết của chúng ta? Và, tất cả những vấn đề nan giải của chúng ta, có lẻ chắn chắn, không gì hơn khác ngoài “trăm dây phiền não, nghiệp báo không cùng“.

Vì thiếu nhơn lành – thiếu những hành động và ý nghĩ cao đẹp, nên hàng loạt bất hạnh xảy ra trong toàn bộ cuộc đời: sa đọa ăn chơi, chấp ngã cạnh tranh, tù đày trong ân oán tình trường, quấn thắt bởi trăm dây phiền não gia tộc họ hàng, si mê mù quáng, quên đường về chân thiện mỹ. Rõ ràng, cái thiếu ấy là cái thiếu căn bản nhất, sâu xa nhất và thâm kín nhất của chúng ta: thiếu những nhân tố đưa đến phước đức và trí tuệ. Con đường chuyển hóa đã được xác định mục tiêu ngay trong đoạn này: biến sự thiếu nhơn lành thành đầy đủ duyên lành. Cũng bởi vì ý thức phải cải tạo cái thiếu ấy, và vì cái thiếu ấy mà Phật ra đời, mà ngày Khánh đản được kỷ niệm.

Thế là, chúng ta vui mừng chào đón ngày Khánh đản vì, nhờ ngày ấy, chúng ta biết nhìn lại số phận của mình, biết mình thiếu cái gì. Hơn thế nữa, chúng ta vui mừng vì sự xuất hiện của một vĩ nhân – người giải quyết những vấn nạn chung cho toàn nhân loại, người mà sinh ra không phải chỉ để tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Người đó là đấng Năng Nhân được nói đến tại đoạn thứ ba:

Nay nhờ Phật Tổ Năng Nhân,
Dủ lòng lân mẫn,
Không nỡ sinh linh thiếu phước,
Nặng kiếp luân hồi,
Đêm dài tăm tối,
Đuốc tuệ rạng soi.
Nguyện cứu muôn loài,
Pháp dùng phương tiện.

Các bạn đừng yêu cầu chúng tôi giải thích Năng Nhân nghĩa là gì. Bởi vì những câu tiếp sau đó đã trả lời cụ thể ý nghĩa của mỹ từ ấy. Ai mang tình thương rộng lớn đến những kẻ thiếu phước đang bị luân hồi tăm tối; người nào sử dụng ngọn đuốc trí tuệ để ứng dụng chánh pháp vào cõi trần cứu khổ chúng sanh, người đó là bậc Năng Nhân. Thế gian này có bao nhiêu bậc Năng Nhân như thế?

Đoạn thứ ba này nêu rõ nguyên nhân vì sao Phật ra đời. Ngài ra đời vì lòng đại từ bi, thương xót những chúng sanh đau khổ bởi thiếu phước, nặng kiếp luân hồi, đêm dày tăm tối – trong đó có chúng ta. Ngài xuất thế với một đại nguyện: nguyện cứu muôn loài. Ngài đản sanh như một đuốc tuệ rạng soi. Cuộc đời Ngài, ngay từ khi mới chào đời đến lúc trút hơi thở cuối cùng, là minh chứng sáng ngời cho tinh thần và hành động cao cả của chánh pháp: đại từ bi, đại trí tuệ và đại nguyện lực. Chỉ cần nhìn lại và quán chiếu ba tinh thần và hành động ấy thôi cũng đã trở thành cơ hội lớn để chúng ta gạn lọc thân tâm. Kinh Thủy Sám đã từng nêu nỗi niềm tâm sự rất chung: “Chúng ta cùng với Bổn sư Thế Tôn đồng là phàm phu, vậy mà ngày nay Thế Tôn thành đạo trải qua kiếp số quá hơn cát bụi, còn chúng ta đây đam mê lục trần, lưu chuyển sinh tử, chưa thấy giải thoát. Điều ấy mới thật đáng xấu hổ nhất“. Nếu bạn vẫn chưa nhận ra sự xấu hổ thì chắc chắn sẽ ý thức được sự kém phước đức của mình đối với vĩ nhân ấy ở ngay đoạn sau đây:

Ta Bà thị hiện,
Thích chủng thọ sinh,
Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành,
Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo.
Ba mươi hai tướng tốt.

Đoạn này cung cấp thông tin con người lịch sử của đức Phật Thích Ca. Ngài sinh ra với thân phận Thái tử, với cha là vua Tịnh Phạn dòng họ Thích Ca, Sakya, mẹ là hoàng hậu Ma Gia. Ngay từ khi mới chào đời Ngài tự trang nghiêm mình bằng sự toàn hảo về phước đức và trí tuệ: ba mươi hai tướng tốt. Bởi sự biểu hiện của những nhân tướng tuyệt mỹ ấy mà tiên nhân A Tư Đà đã khóc ròng sau khi xem tướng thái tử và tuyên bố đinh ninh rằng: chính con người này sẽ trở thành một bậc vĩ nhân tối thượng. Ông khóc nấc. Ông đã quá già và không thể sống đến ngày được nghe vĩ nhân ấy thuyết pháp. Chúng ta may mắn hơn ông ấy trong sự gặp và nghe chánh pháp. Nhưng ít ai trong chúng ta khóc và tiếc như ông ấy trong mỗi lần kỷ niệm Phật đản sanh. Ôi tiền nhân và hậu thế, ai cũng có nỗi niềm vinh hạnh rất riêng!

Không những chỉ rõ đức Phật là một con người mang đầy đủ tính lịch sử, đoạn thứ tư này còn gián tiếp giúp ta quán chiếu thân tâm. Ai kia là thái tử mà đã vất bỏ tất cả ngai vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, để xuất gia học đạo? Còn ta thế nào? Ai kia sở hữu vô vàn tinh hoa sắc đẹp và trí tuệ tuyệt đỉnh mà vẫn buông xả hết, để dấn thân vào con đường vô ngã vị tha? Hỏi mình ra sao? Người ta con vua mà dám đi tu; còn mình con bác sĩ đã vội tự cao tự đắc. Người ta thành công mọi mặt mà vẫn khiêm tốn nhẫn nhịn; trong khi mình thất bại dẫy đầy mà chưa một lần cúi đầu nhường bước. Quán chiếu như vậy may ra khích lệ chúng ta tinh tiến đôi chút trên con đường thăng tiến tâm linh. So sánh như trên nhằm cạo gọt bớt phần nào tham sân chấp ngã vốn đeo đẳng theo ta từ muôn kiếp nào. Chúng ta hãy tiếp tục soi chiếu mình vào tấm gương trong vắt của cuộc đời bậc vĩ nhân mà hôm nay chúng ta lễ bày kỷ niệm:

Vừa mười chín tuổi xuân,
Lòng từ ái cực thuần,
Chí xuất trần quá mạnh.
Ngai vàng quyết tránh,
Tìm lối xuất gia,
Sáu năm khổ hạnh rừng già,
Bảy thất nghiêm tinh thiền tọa.
Chứng thành đạo quả,
Hàng phục ma binh,
Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh,
Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ.

Đoạn thứ năm mô tả tóm tắt hành trình sau khi đản sanh đến lúc thành đạo của đức Bổn Sư muôn vàn yêu kính. Hành trình ấy: xuất gia, khổ hạnh, thiền định, hàng phục ma quân và thành đạo, đã trở thành nguồn cảm hứng tu hành bất tuyệt cho bao thế hệ Phật tử. Hôm nay, ngày Khánh đản, chúng ta ôn lại hành trình đó để thực tập những công hạnh: mở rộng lòng từ ái cực thuần, nung nấu chí xuất trần, quyết tránh dục lạc thế gian, nuôi dưỡng hạnh xuất gia, tu khổ hạnh, nỗ lực tinh nghiêm thiền tọa. Nếu một lòng dũng mãnh làm theo những điều đó thì chắc chắn một ngày nào đó ba cõi dậy tiếng hoan hô ta, và muôn vật thảy nhờ ơn tế độ của ta. Đây không phải viễn cảnh vô vọng mà là cuộc viễn hành đầy hữu vọng. Vô hay hữu tùy thuộc vào sự chuyển hóa nội tâm theo gương đức Cha Lành của chúng ta.

Ba cõi hoan nghênh không phải Ngài sở hữu vàng son gấm vóc, mà vì Ngài là hiện thân của con đường tình thương và sự tỉnh thức. Muôn vật thảy nhờ ơn cứu độ bởi Ngài tự giác mà vẫn không quên giác tha giác hạnh viên mãn. Tiếng hoan nghênh kia, hơn 2556 năm, vẫn thường âm vang như sóng hải triều. Ơn cứu độ ấy, dẫu bao thăng trầm lịch sử điêu linh, mãi khắc sâu trong thâm tâm vạn loại hơn cả vầng nhật nguyệt chói lòa. Đức Bổn Sư xứng tánh ứng sự hoan nghênh ca ngợi của ba cõi chúng sanh. Đấng Từ Phụ tùy duyên cảm tâm thành kính biết ơn khắp vạn loại hữu tình. Bởi ước mong xứng tánh và tùy duyên đó mà hôm nay chúng ta phát tâm:

Chúng con nguyền,
Dứt bỏ dục tình ngoan cố,
Học đòi đức tánh quang minh.
Cúi xin Phật Tổ giám thành,
Từ bi gia hộ.
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh
Chóng thành đạo cả.

Đoạn cuối cùng, thứ sáu, đúc kết tinh hoa sự nghiệp tu hành để làm món quà ý nghĩa nhất cúng dường ngày Phật đản sanh. Tinh hoa ấy, món quà ấy chỉ gói gọi trong hai câu: dứt bỏ dục tình ngoan cố và học đòi đức tánh quang minh. Và đây cũng là thâu tóm toàn bộ những nốt nhạc căn bản nhất của khúc ca chuyển hóa.

Phải chăng vì ngoan cố chạy theo dục tình nên chúng ta sa chân vào hố sâu phiền não? Có hay không bởi thờ ơ với những đức tánh cao đẹp mà chúng ta dẫy đạp trong biển rộng vô minh? Dục tình ngoan cố hay lòng ta thiếu dũng cảm tự tin? Đức tánh quang minh hay tâm ta tham sân chấp ngã? Ôi, ai can đảm vất bỏ gánh nặng ổ oan để gia nhẹ bay cùng trời xanh mây trắng? Trời, kẻ nào dám bước tới tận sào vực thẳm chết một lần để vạn kiếp hùng anh? Ta tuy chưa dứt bỏ ngay lập tức dục tình thì ít ra cũng nên ý thức tình là dây oan để đừng kết thắt thêm nữa. Ta dẫu chưa đủ dũng khí hành động theo đức tánh quang minh thì cũng nguyện hướng tâm về nẻo thiện tu là cội phúc. Như thế may ra chúng ta mới cảm nhận được sự chứng minh và gia hộ của chư Phật. Duy nhất con đường dứt bỏ dục tình ngoan cố và học đòiđức tánh quang minh ấy mới giúp chúng ta chóng thành đạo quả.

Sám Khánh đản mở đầu với tâm trạng hoan hỷ và tôn kính ba ngôi Tam Bảo để rồi kết thúc với ý chí dũng mãnh tự tin. Toàn bộ dòng chảy nghĩa lý xuyên suốt trong từng câu từng lời phô bày tâm chí người con Phật. Tâm chí ấy khởi đầu bằng sự quán chiếu tình trạng bản thân để thấy mình thiếu cái gì. Tiếp theo, tâm chí ấy được soi sáng qua hình ảnh đức Phật lịch sử nhằm phát khởi những tâm nguyện và hành vi cao đẹp. Cuối cùng, tâm chí ấy đúc kết với một hành động thề nguyện dứt khoát: dứt bỏ Phàm tình và noi theo Phật hạnh. Đức Cha lành của chúng ta đã đản sanh từ tâm chí ấy. Hôm nay, tưởng niệm ngày bậc Vĩ nhân ra đời, bài Khánh đản gợi lại tâm chí ấy để hướng dẫn cuộc đời chúng ta.

Từ sâu thẳm tâm hồn khơi dậy nhiều nỗi niềm tâm trạng mỗi lần tụng bài sám Khánh đản. Hổ thẹn thân phận. Tri ân báo ân. Khấn khích ý chí. Tức giận bản thân. Tự mừng cho mình. Giận mình biết dục tình ngoan cố nhưng nhiều khi vẫn chần chừ chưa dám dứt bỏ. Tức bản thân ý thức đức tánh quang minh song lắm lúc vẫn xem thường giác tánh để hành động gian tà. Hỗ khi thấy mình còn đầy tình ái si mê, sống trong ngục tù ân oán với trăm dây phiền não mà cứ tưởng thiên đường tịnh độ. Thẹn rằng mình đang thiếu phước và đã nhiều kiếp xoay vần trong ổ oan gia mà lắm lúc vẫn tự tung tự tác. Đúng là chúng ta sống trong thế giới thiếu nhơn lành, đang sa đọa và nghiệp báo không cùng. Song, đâu đó vẫn lóe lên một niềm tin mãnh liệt, đủ để quên đi và vượt qua mọi gian nan trở ngại. Tự mừng cho mình đã có lối đi. Chúng ta đã có đường về chứ không phải quên hẳn đường về.

“…Lối đi về đuốc tuệ thường soi, tiếng từ âm mãi thường vang, đường đi trải ánh nắng vàng…”

Chánh Trí

Công Đức Tắm Phật

Trong Kinh Dục Phật Công Đức có chép về tắm Phật có 15 công đức:

"... Những ai chí tâm cúng dường như thế sẽ có được mười lăm công đức thù thắng sau:
1. Thường biết tàm quý;
2. Phát khởi niềm tin thanh tịnh;
3. Tâm ngay thẳng;
4. Được gần gũi bạn lành;
5: Chứng huệ vô lậu;
6. Thường gặp chư Phật;
7. Luôn hành trì chánh pháp;
8. Làm đúng với lời nói;
9. Tuỳ ý sanh vào quốc độ chư Phật;
10. Nếu sanh trong nhân gian thì sanh vào dòng họ tôn quý, được người khác tôn kính, khởi tâm hoan hỷ;
11. Nếu sanh trong nhân gian thì tự nhiên biết niệm Phật;
12. Không bị ma quân gây tổn hại;
13. hay hộ trì chánh pháp trong thời mạt pháp;
14. Được chư Phật trong mười phương gia hộ;
15. Mau thành tựu được năm phần Pháp thân."

Nói sao cho hết công đức của Phật,
trong kinh thường dạy "công đức của Phật không thể nghĩ bàn".

SÁM TỤNG PHẬT KHÁNH ÐẢN (I)
(Rằm tháng tư)

  • Ðệ tử hôm nay,
  • Gặp ngày Khánh đản,
  • Một dạ vui mừng,
  • Cúi đầu đảnh lễ
  • Thập phương Tam thế,
  • Ðiều Ngự Như Lai,
  • Cùng Thánh, Hiền, Tăng.
  • Chúng con cùng pháp giới chúng sanh.
  • Bởi thiếu nhơn lành,
  • Thảy đều sa đọa;
  • Tham sân chấp ngã,
  • Quên hẳn đường về,
  • Tình ái si mê,
  • Tù trong lục đạo,
  • Trăm dây phiền não,
  • Nghiệp báo không cùng,
  • Nay nhờ Phật Tổ Năng Nhân,
  • Dủ lòng lân mẫn,
  • Không nỡ sinh linh thiếu phước,
  • Nặng kiếp luân hồi,
  • Ðêm dài tăm tối,
  • Ðuốc tuệ rạng soi.
  • Nguyện cứu muôn loài,
  • Pháp dùng phương tiện.
  • Ta bà thị hiện.
  • Thích chủng thọ sinh.
  • Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành,
  • Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo.
  • Ba mươi hai tướng tốt,
  • Vừa mười chín tuổi xuân,
  • Lòng từ ái cực thuần,
  • Chí xuất trần quá mạnh.
  • Ngai vàng quyết tránh,
  • Tìm lối xuất gia,
  • Sáu năm khổ hạnh rừng già,
  • Bảy thất nghiêm tinh thiền tọa.
  • Chứng thành đạo quả,
  • Hàng phục ma binh,
  • Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh,
  • Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ.
  • Chúng con nguyền,
  • Dứt bỏ dục tình ngoan cố,
  • Học đòi đức tánh quang minh.
  • Cúi xin Phật Tổ giám thành,Từ bi gia hộ.
  • Chúng con cùng pháp giới chúng sanh, Chóng thành đạo cả.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.(30 lần)

Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.(3 lần)
Nam mô Ðại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. (3 lần)
Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.(3 lần)
Nam mô Ðạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần)

- Bài in trong “Kinh Nhựt Tụng”. Sen vàng xuất bản - Thành Hội Phật giáo TP. HCM tái bản 1994.
- Ðối chiếu trong "Nghi thức tụng niêm” chùa Xá Lợi Thành Hội Phật Giáo TP. HCM ấn hành 1993.

BÀI TỤNG NGÀY PHẬT ÐẢN (II)

  • Chúng con cung kính nghe rằng:
  • Nhớ lại thuở xa xưa,
  • Ðấng đại bi cứu thế.
  • Ðức Bồ-tát Thiện Huệ,
  • Bổ xứ tại Ta bà
  • Từ cõi trời Suất Ða,
  • Quán nhân duyên thời tiết.
  • Tịnh Phạn Vương cung khuyết,
  • Ứng mộng bà Ma Gia.
  • Cưỡi voi trắng sáu ngà,
  • Mang Thánh thai Bồ-tát.
  • Trong vườn hoa thơm ngát,
  • Một buổi sáng tinh sương,
  • Hoàng hậu đi dạo vườn,
  • Bỗng hạ sanh Thái tử.
  • Tin lan truyền khắp xứ,
  • Rằng Hoàng hậu sanh con,
  • Mừng vui cả nước non,
  • Hân hoan cùng vũ trụ.
  • Hàng Thiên Long ca vũ,
  • Các tầng trời rải bông,
  • Tắm thân có nước chín rồng,
  • Ðỡ gót có hoa bảy đóa.
  • ƯÙng thân mở đường giáo hóa,
  • Linh tích báo việc độ sanh,
  • Ít có mộng đẹp điềm lành,
  • Chẳng không tình thương đạo đức.
  • Trong ngoài thế gian đệ nhứt,
  • Trên dưới trời đất độc tôn!
  • Từ đó: cỏ cây chờ thánh gọi hồn,
  • Người vật đợi thầy truyền đạo.
  • Nhơn gian có thêm tôn giáo,
  • Thiên hạ không thiếu Thánh Hiền,
  • Kiếp sống giảm bớt não phiền,
  • Cuộc đời tăng thêm lợi lạc.
  • Phật Ðản hôm nay khai mạc,
  • Trăng tròn mùa Hạ tháng tư,
  • Hương thơm phụng hiến một lư,
  • Hoa quý cúng dường mấy phẩm.
  • Trước điện cúi đầu suy ngẫm,
  • Công ơn giáo hoùa cao dầy,
  • Dưới tọa ngửa mặt tỏ bày,
  • Hạnh nguyện tín tâm kiên cố.
  • Chớ tạo ác duyên đau khổ,
  • Nên xây thiện nghiệp an vui,
  • Gập ghềnh đường thánh không lui,
  • Tăm tối ngõ phàm chờ đợi.
  • Việc làm: Tự tha lưỡng lợi,
  • Ý nghĩ: Mê ngộ phân minh,
  • Thương người giúp vật như mình,
  • Trọng mạng quý thân của chúng.
  • Thực hiện từ bi diệu dụng,
  • Trau giồi trí tuệ thần thông,
  • Ðạo nghiệp mong thuở thành công,
  • Phước duyên đợi ngày mỹ mãn.
  • Hôm nay đón mừng Phật Ðản,
  • Thành tâm tán tụng hồng danh,
  • Giờ này rước lễ Giáng sanh,
  • Cung kính quan chiêm bảo tượng.
  • Vị Thánh muôn đời vô thượng,
  • Bậc Thầy ba cõi tối cao,
  • Giáng thần vằng vặc bóng sao,
  • Hạ sanh huy hoàng mặt nhật.
  • Chúng con cùng tất cả chúng sinh:
  • Sống kiếp hậu sinh thiếu đức,
  • Sanh đời mạt pháp ít duyên,
  • Rất may gặp đường Từ thuyền,
  • Tốt phước đón nhằm Pháp giá.
  • Mong ơn Ðạo sư giáo hóa,
  • Thắm nhuần lẽ đạo nhiệm mầu,
  • Thỏa lòng mấy thuở nguyện cầu,
  • Vui sống bao đời giải thoát.
  • Cúi mong Thế Tôn đại giác,
  • Từ bi tác đại chứng minh.
  • Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

- Trích Pháp Sự Khoa Nghi Việt Ngữ,HT Thích Hiển Tu, chùa Xá Lợi ấn hành nội bộ, Sàigòn, 1989




“Hôm nay được tắm cho Như Lai
Trí tuệ trang nghiêm công đức lớn
Chúng sanh ba cõi đang chìm đắm
Được thấy trần gian hiện pháp thân…”






Ý NGHĨA LỄ TẮM PHẬT

T.T THÍCH LỆ TRANG




Cách đây 2638 năm tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ xứ trung Ấn Độ, giữa loài người chúng ta và trên trái đất xinh đẹp này, một đức Phật đã ra đời đó là đức Thích Ca Mâu Ni.

Theo truyền thuyết thái tử Tất Đạt Đa khi đản sinh đã bước đi bảy bước có hoa sen đở chân, cùng lúc ấy chư thiên tung hoa trời, trổi thiên nhạc đón mừng thái tử ra đời, trên không trung có chín rồng phun nước ấm mát tắm cho thái tử.

Kể từ đó cứ mỗi độ hè về sen nở vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, Phật giáo đồ khắp năm châu đều đón mừng ngày khánh đản thái tử Tất Đạt Đa. Các chùa làm lễ Phật đản mở đầu bằng một nghi thức tắm Phật, người ta nấu trầm đàn, hương thủy để tưới lên tôn tượng thái tử, diễn lại sự kiện lịch sử bằng một bài thi kệ:

  • Ngã kim quán mộc chư Như Lai
  • Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
  • Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu
  • Đồng chứng như Lai tịnh pháp thân.
  • Tỳ Gia thành ly bất tằng sanh
  • Ta La thọ gian bất tằng diệt
  • Bất sanh bất diệt lão Cù Đàm
  • Nhãn trung khán kiến trùng thiêm tiết.
  • Kim triêu chánh thị tứ nguyệt bát
  • Tịnh Phạn Vương cung sanh Tất Đạt
  • Cửu Long phún thủy thiên ngoại lai
  • Bỗng túc liên hoa tùng địa phát.
  • Án mâu ni mâu ni, tam mâu ni tá phạ ha.

 

  • Dịch nghĩa: 
  • Hôm nay được tắm cho Như Lai
  • Trí tuệ trang nghiêm công đức lớn
  • Chúng sanh ba cõi đang chìm đắm
  • Được thấy trần gian hiện pháp thân.
  • Trong thành Tỳ Gia chưa từng sanh
  • Giữa cây Ta La chưa từng diệt
  • Bất sanh bất diệt đức Cù Đàm
  • Mắt sáng rạng soi không vẫn đục.
  • Ngày trăng tròn tháng tư âm lịch
  • Cung vua Tịnh Phạn sanh Tất Đạt
  • Chín rồng phun nước tắm kim thân
  • Mỗi bước hoa sen nâng gót ngọc.
  • Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Bốn câu kệ đầu là bài kệ tắm Phật trong Kinh Dục Phật Công Đức, ý nói nay con được rưới nước tắm gội kim thân của chư Phật, thân Phật là khối công đức được trang nghiêm bởi trí tuệ thanh tịnh. Ước nguyện mọi loài chúng sanh ở trong thế giới đầy năm thứ vẫn đục nầy, mong cho mọi người chuyển hóa khổ đau, thoát ly ô trược, cùng chứng được pháp thân thanh tịnh của Như Lai.

Bốn câu kế tiếp là pháp ngữ trong Đại Tuệ Ngữ Lục. ý nói pháp thân của Như Lai là bất sanh bất diệt, chuyện bồ tát Thiện Huệ giáng trần tại vườn Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ miền trung Ấn, là ngài vì lòng từ bi, vì sự an lạc, hạnh phúc cho chúng sanh mà thị hiện ra đời. Năm mười chín tuổi xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo dưới cội bồ đề. Qua bốn mươi chín năm thuyết pháp độ sanh, cuối cùng trong cánh rừng Ta La song thọ ở Câu Thi Na vào lúc nửa đêm tĩnh mịch đức Phật thị hiện niết bàn, một trạng huống Tánh Tịnh Vô Trụ. Ta cần hiểu rõ thêm đạo lý sanh diệt trong Phật giáo: Sanh là biểu hiện, diệt là ẩn tàng. Sự ẩn tàng của giai đoạn này là sự biểu hiện của giai đoạn kế tiếp. Như vậy sanh diệt tiếp nối tương tục, sanh chính là diệt, diệt chính là sanh. Do đó, sanh không thật sanh, diệt không thật diệt. Vì sanh không thật sanh nên gọi là bất sanh, diệt không thật diệt nên gọi là bất diệt. ở góc độ đạo lý sanh diệt thì sự đản sanh, diệt độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử cũng là bất sanh bất diệt. Qua cái nhìn pháp thân thường trú, bất sanh bất diệt thì thân Phật là từ thể tánh chơn như thanh tịnh mà dẫn ra, từ bản nguyện độ sanh mà thị hiện nên không có thời kỳ kết thúc. Nếu dùng con mắt phàm phu nhìn pháp thân mà thấy có sanh diệt, thì cái thấy đó chỉ là cái thấy điên đảo, có thêm có bớt, có sanh có diệt. “nhãn trung thiêm tiết - trong tròng con mắt bị bụi nhặm”. Đức Phật vẫn hiện hữu thường trú, nhưng vì chúng sanh mê lầm nên không thấy đó thôi. Đại thừa Trang Nghiêm Kinh Luận chép: “Chậu nước bị bể nên ánh trăng không hiện được, như vậy lỗi ở chúng sanh vì mê chấp, nên không thấy đức Phật luôn có mặt ở cõi đời.”

Bốn câu cuối là nhắc lại việc đản sanh của thái từ Tất Đạt Đa, đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử. Hàng năm vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, các chùa tổ chức lễ hội tắm Phật. Kinh Phổ Diệu chép: “Thái tử vừa đản sanh, khi ấy trong không trung có chín con rồng phun nước thơm xuống tắm gội kim thân thái tử”. Kinh Ưu Bà Di Pháp Môn Tịnh Hạnh chép: “Thái tử vừa đản sinh liền bước đi bảy bước có bảy đóa sen đở gót. Mỗi bước chân thái tử nhìn về một phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ, đến bước thứ bảy thái tử một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất rồi dõng dạt tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn – trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết.” Kinh Tăng Chi Bộ chép: “Một Người, này các tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người không có hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có đối phần, không có người ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng của loài người. Người ấy là ai? Chính là Như Lai bậc A La Hán Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Lễ tắm Phật hàm ẩn một ý nghĩa rất cao siêu. Pháp thân thanh tịnh, thí dụ cho Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng vì bụi bặm phiền não tham sân… che lấp, nên Phật tánh không hiển lộ ra được. Muốn hiển lộ Phật tánh, phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần. Lễ tắm Phật cũng là một đề tài giúp chúng ta quán niệm đến việc gột rửa thân tâm của chính mình, để tìm lại tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có nơi tự tâm. Trong Đại Việt Sử Ký toàn thư có chép: “vào ngày mồng tám tháng tư năm Nhâm Tý (1072) vua Lý Nhân Tông đã ra chùa Diên Hựu dự lễ tắm Phật.” Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh cũng ghi: “Qua các triều đại, nhà vua thường đến chùa lễ Phật, tổ chức lễ hội kỳ quốc thái dân an và dâng nước thơm tắm Phật vào những ngày sóc vọng.” Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép: “ngày mồng tám tháng tư âm lịch, Man Nương tự nhiên thác hóa, nhân dân lấy ngày đó làm ngày sinh của Bụt.” Hàng năm cứ đến ngày này già trẻ, gái trai bốn phương tụ tập về chùa để dâng lễ, chung vui, ca hát, tục lệ này gọi là “Hội Tắm Phật”.

Theo dòng lịch sử dân tộc, lễ Phật đản cùng nghi thức Tắm Phật, đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong văn hóa Việt Nam “Mồng tám tắm Bụt không mưa, bỏ cả cày bừa vất cả lúa đi”. Người con Phật với lòng tôn kính Tam Bảo, trên nền tảng của chánh kiến, mỗi khi thắp một nén hương, dâng một cành hoa lên đức Phật, hay rưới những gáo nước thơm tinh khiết lên tôn tượng Như Lai, với một tâm niệm nguyện quay về nương tựa với giác tánh nơi tự tâm, trang nghiêm cho chính mình bằng hương thơm đức hạnh, bằng cành hoa trí tuệ và bằng nước từ bi nhẫn nhục, để có khả năng tùy thuận thích ứng với mọi duyên thuận, nghịch, chuyển hóa tự thân, trang nghiêm tịnh độ. Phải chăng trong giây phút cảm ứng mầu nhiệm, ta cũng thấy được mình đang tắm gội đức Phật của chính mình. Đúng như câu châm ngôn: “Trang nghiêm tự thân chính là trang nghiêm giáo hội”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét