Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Pháp Hội Dược Sư Cầu Nguyện quốc thới, dân an




LƯỢC GIẢI Ý NGHĨA PHÁP HỘI DƯỢC SƯ

Kính dâng Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai – vị thầy thuốc có khả năng chữa lành mọi bệnh khổ của thân thể cũng như tâm thức của chúng sanh.

Cứ mỗi lần xuân về, ai trong chúng ta đều có một tâm niệm mong muốn một năm mới an lành và hạnh phúc. Cũng chính vì lí do đó mà chư Tăng, Ni tại các chùa đều sẽ thiết trí Đàn Dược Sư Thất Châu để cúng dường Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai theo như lời của Đức Phật Thích Ca chỉ dạy nhằm mong được sự bình an. Và đây cũng chính là lí do tại sao cứ mỗi độ cận ngày rằm tháng giêng, chúng ta lại thấy chánh điện chùa được thiết trí và trang hoàng lại theo một hình thức khác, sân chùa phấp phới bay một lá phan dài và đêm rằm thì cả chùa lung linh trong ánh nến của chiếc đèn hoa sen để rồi sau rằm tất cả lại trở về như cũ.
Muốn biết được nguyên do của những việc trên, chúng ta cần đọc Kinh Dược Sư là có thể hiểu được ý nghĩa và nhất là đọc Kinh Dược Sư của Đại lão Hòa Thượng thượng Trí hạ Quang. Chúng tôi xin viết vài ý nhỏ để cùng chia sẻ với đại chúng.

Về ý nghĩa Thánh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.

Dược Sư nghĩa đen là thầy thuốc chữa bệnh, Lưu Ly là một loại ngọc màu xanh trong suốt, Quang là ánh sáng. Như vậy Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là vị Phật có danh hiệu Thầy thuốc chữa bệnh, ánh sáng như ngọc lưu ly, Đức Dược Sư hiểu biết và thông suốt tất cả y dược của thế gian và xuất thế gian, Ngài có thể chữa trị hết tất cả những thứ bệnh khổ của chúng sanh, những điên đảo vọng tưởng do tham, sân, si phiền não gây ra. Ánh sáng của Phật Dược Sư thật không nghĩ bàn “Trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bợn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi”. Ánh sáng ấy chiếu đến đâu đều phá hết tăm tối vô minh của chúng sanh, đem lợi lạc và diệt tất cả những bệnh khổ thân tâm của chúng sanh, khiến cho họ xa lìa mê vọng mà hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Đức Phật Dược Sư là giáo chủ thế giới Tịnh lưu ly ở phương Đông. Theo kinh Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Công Đức, nhờ trong khi tu hành Bồ tát đạo phát 12 đại nguyện giải trừ hết thảy bệnh khổ cho chúng sanh, khiến họ đầy đủ căn lành và hướng về giải thoát nên khi thành Phật, Ngài trụ ở thế giới Tịnh Lưu Ly, trang nghiêm như thế giới Cực Lạc. Mô tả về thế giới Tịnh Lưu Ly trong Kinh có đoạn: “Quốc độ của đức Phật ấy hoàn toàn trong sạch, không có nữ nhân, không có ác đạo, không có cả đến cái chữ thống khổ. Ðất làm bằng ngọc lưu ly. Ðường được phân ranh bằng dây hoàng kim. Tất cả thành, cửa thành, cung điện, lầu gác, mái hiên, cửa sổ, lưới giăng, toàn bằng bảy chất quý. Y như quốc độ Cực lạc ở phía tây, thành quả trang nghiêm không khác gì cả.”
12 đại nguyện của Ngài là:

1 - Phát hào quang chiếu sáng mọi chúng sinh.
2 - Cho chúng sinh biết đến Nhất thiết trí của mình.
3 - Cho chúng sinh thực hiện được ước nguyện.
4 - Hướng dẫn chúng sinh đi trên đường Đại thừa.
5 - Giúp chúng sinh giữ giới hạnh.
6 - Giúp chúng sinh chữa lành các thứ bệnh do sáu giác quan sinh ra.
7 - Chữa bệnh thuộc về thân tâm cho mọi chúng sinh.
8 - Cho phụ nữ tái sinh trở thành nam giới.
9 - Tránh cho chúng sinh khỏi rơi vào tà kiến và giúp trở về chính đạo.
10- Tránh cho chúng sinh khỏi tái sinh trong thời mạt pháp.
11- Đem thức ăn cho người đói khát.
12- Đem áo quần cho người rét mướt.

Do 12 đại nguyện rộng lớn này mà khi cúng dường Đức Dược Sư thì hàng Phật tử sẽ đạt được những Phước báu vô cùng to lớn: “Nếu nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì đến khi sinh mạng kết thúc, có tám vị đại bồ tát, danh hiệu Văn thù sư lợi bồ tát, Quan thế âm bồ tát, Ðắc đại thế bồ tát, Vô tận ý bồ tát, Bảo đàn hoa bồ tát, Dược vương bồ tát, Dược thượng bồ tát và Di lạc bồ tát, tám vị đại bồ tát này lướt không gian mà đến, chỉ đường cho người ấy. Tức thì người ấy tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bằng các thứ ngọc, và đủ mọi màu sắc xen lẫn với nhau, của thế giới hệ Cực lạc. Cũng có người nhờ sự ấy mà sanh lên cõi trời. Tuy sanh lên cõi trời, nhưng thiện căn xưa cũng chưa cùng tận, và không còn sanh lại tại các ác đạo. Mà sự sống lâu trên cõi trời chấm hết thì sanh lại trong nhân gian. Bằng cách hoặc sanh làm luân vương, thống nhiếp cả bốn đại châu, uy đức tự tại, xây dựng vô lượng trăm ngàn chúng sanh vào mười thiện nghiệp. Hoặc sanh vào dòng sát đế lợi, bà la môn, cư sĩ, đại gia, nhiều tiền tài, lắm vàng ngọc, kho bồ tràn đầy, thân hình và tướng mạo đều đẹp đẽ trang nghiêm, bà con và bạn bè cùng đầy đủ, trí tuệ thông minh, sức lực mạnh mẽ như đại lực sĩ. Nếu là phụ nữ mà được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, nhất tâm thọ trì thì về sau không còn chịu lại thân thể phụ nữ.” lại nữa “mọi sở cầu đều toại ý : cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có, cầu quan chức được quan chức, cầu con trai dược con trai, cầu con gái được con gái. Nếu ai bỗng nhiên bị ác mộng, thấy đủ cảnh tượng khủng khiếp, hoặc bị những giống chim quái dị đến tập hợp lại, hoặc chỗ ở có cả trăm sự quái dị xuất hiện, kẻ ấy nếu đem những đồ tuyệt diệu cung kính cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì những ác mộng và những cảnh tượng khủng khiếp, những sự không cát tường, ẩn mất tất cả, không thể tác hại. Nếu ai bị những sự hãi sợ như thủy tai, hỏa hoạn, khí giới, độc chất, chơi vơi giữa chừng, sa xuống chỗ hiểm, voi dữ, sư tử, cọp, sói, gấu, bi, rắn độc, bò cạp, rít, sâu, muỗi, nhặng, mà chí tâm tưởng niệm được đức phật Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường, thì mọi sự hãi sợ đều thoát được cả. Nếu ai bị nước khác xăm lăng, quấy nhiễu, nội bộ trộm cướp, phản loạn, tưởng niệm cung kính đức Như lai ấy cũng thoát hết thảy.”

Ngài có 7 hóa thân Như Lai là:

1- Tối Thắng thế giới, Vận Ý Thông Chứng Như Lai.
2- Diệu Bảo thế giới, Quán Âm Tự Tại Như Lai.
3- Vô Ưu thế giới, Tối Thắng Cát Tường Như Lai.
4- Tịnh Trụ thế giới, Quảng Đạt Trí Biện Như Lai.
5- Pháp Hỷ thế giới, Pháp Hải Du Hý Như Lai.
6- Viên Mãn thế giới, Kim Sắc Thành Tựu Như Lai.
7- Tịnh Lưu Ly thế giới, Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.

Trong kinh Dược Sư có đoạn viết như sau: “nếu bịnh nhân muốn thoát bịnh khổ, nên vì họ mà bảy ngày đêm thọ trì Bát quan trai giới. Nên đem đồ ăn, đồ uống và đồ dùng, tùy sức liệu biện mà cúng dường Tỷ kheo tăng. Ngày đêm sáu buổi lễ bái cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Ðọc tụng kinh này bốn mươi chín biến. Ðốt bốn mươi chín ngọn đèn. Tạo hình tượng đức Như lai ấy bảy vị. Trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, cái lượng mỗi ngọn đèn lớn như bánh xe. Và đến bốn mươi chín ngày đêm, ánh sáng không đứt. Còn làm phan năm màu thì dài bốn mươi chín gang tay. Nên phóng sanh đến bốn mươi chín giống khác nhau. Như vậy thì có thể qua được tai nạn nguy khốn, không bị mọi thứ ngang trái và quỉ dữ tác hại.” đây chính là nguyên nhân của những thiết trí tại chùa ta và nhiều chùa khác khi thiết đàn Dược Sư Thất Châu đầu năm.

Hình tượng ngài Dược Sư tương đối giống với hình tượng ngài Thích Ca nhưng phân biệt ở chỗ ngài Dược Sư tay cầm bình thuốc (hoặc tháp bảy tầng) để thể hiện sự cứu chữa các bệnh khổ của thế gian. Thường tôn tượng của ngài được sơn màu xanh lá cây bởi do ngài làm giáo chủ cõi phương Đông tương ứng với màu xanh lá do đó nhiều chùa khi cúng đàn Dược Sư các vị sám chủ đôi khi cũng mặc y hậu màu xanh lá cây cũng vì nguyên nhân này. Tuy nhiên, bảy tượng đức Dược Sư đôi khi còn được thiết trí với bảy màu sắc khác nhau như: đỏ, vàng, cam, xanh lá, xanh dương, hồng cánh sen, tím, trắng,…
Pháp đàn Dược Sư cũng có thể được bố trí lồng ghép trong Pháp đàn của khoa Du Già Chẩn Tế. Tại bàn Giác Ba, bàn Địa Tạng và Ngũ Phương Như Lai mỗi nơi cung thiết một thánh tượng đức Dược Sư Như Lai. Sau khi kết thúc pháp hội Dược Sư Thất Châu, chư tôn đức sẽ đăng đàn Chẩn Tế với tâm nguyện cầu “âm siêu, dương thái”.
Hai bên của đức Dược Sư tại một số chùa khác thường chúng ta sẽ thấy có tượng của 2 vị Bồ Tát đó chính là Nhật Quang Biến Chiều Bồ Tát Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát. “Ðó là hai vị đứng đầu chúng bồ tát nhiều vô số lượng của thế giới hệ ấy, thứ lớp kế vị thành Phật, và cùng có khả năng nắm giữ kho tàng ngọc báu chánh pháp của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai”.

Chính giữa chánh điện các chùa thường tôn trí một cây đèn trên có 49 ngọn đèn. Ngoài ra giữa sân chùa, chúng ta sẽ thấy được 1 bảo cái bên dưới có 1 phan dài 49 gang tay bằng vải gấm được gọi là “phan tục mạng” hay là “phan tiếp nối mạng sống”, bên trên lá phan có thêu thần chú của đức Dược Sư: “Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô - bệ lưu ly bát lạt bà - hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ - bệ sát xã - tam một yết đế, sa ha.” Xung quanh có 6 lá phan nhỏ hơn thêu danh hiệu của 12 vị Đại Tướng Dược Xoa nguyện ủng hộ những ai cung kính cúng dường Đức Dược Sư Như Lai. Danh hiệu của 12 vị Đại Tướng được thêu bằng chỉ có 5 màu đó là:

12 Thần Tướng Dược Xoa có tên gọi như sau:

1. Cung Tỳ La: còn gọi là Kim Tỳ La, được dịch ý là Cực Úy. Thân màu vàng, tay cầm bảo xử. Cung Tỳ La là hóa thân của Di Lặc Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Hợi.
2. Phạt Chiết La: còn gọi là Bạt Chiết La, Hòa Kỳ La, dịch ý là Kim Cang. Thân màu Trắng, tay cầm bảo kiếm. Phạt Chiết La là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Tuất.
3. Mê Súy La: còn gọi là Di Khư La, dịch ý là Chấp Nghiêm. Thân màu vàng, tay cầm bảo bổng hoặc độc cổ. Mê Súy La là hóa thân của Phật Di Đà, là thần hộ mạng tuổi Dậu.
4. An Để La: còn gọi là Át Nể La, An Nại La, An Đà La, dịch ý là Chấp Tinh. Thân màu xanh lục, tay cầm bảo chùy hoặc bảo châu. An Để La là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Thân.
5. Át Nể La: còn gọi là Mạt Nể La, Ma Ni La, dịch ý là Chấp Phong. Thân màu đỏ, tay cầm bảo xoa hoặc mũi tên. Át Nể La là hóa thân của Ma Lợi Chi, là thần hộ mạng tuổi Mùi.
6. San Để La: còn gọi là Bà Nể La, Tố Lam La, dịch ý là Cư Ngoại. Thân màu khói Lam, tay cầm bảo kiếm hoặc loa bối. San Để La là hóa thân của Hư Không Tạng Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Ngọ
7. Nhân Đạt La: còn gọi là Nhân Đà La, dịch ý là Chấp Lực. Thân màu Đỏ, tay cầm bảo côn hoặc mâu. Nhân Đạt La là hóa thân của Địa Tạng Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Tỵ.
8. Ba Di La: còn gọi là Bà Da La, dịch ý là Chấp Ẩm. Thân màu đỏ, tay cầm bảo chùy hoặc cung tên. Ba Di La là hóa thân của Văn Thù Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Thìn.
9. Ma Hổ La: còn gọi là Bạc Hô La, Ma Hưu La, dịch ý là Chấp Ngôn. Thân màu trắng, tay cầm rìu báu. Ma Hổ La là hóa thân của Phật Dược Sư, là thần hộ mạng tuổi Mão.
10. Chân Đạt La: còn gọi là Châu Đổ La, Chiếu Đầu La, dịch ý là Chấp Tưởng. Thân màu vàng, tay cầm quyên sách hoặc bảo bổng. Chân Đạt La là hóa thân của Phổ Hiền Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Dần.
11. Chiêu Đổ La: còn gọi là Chu Đổ La, Chiếu Đầu La, dịch ý là Chấp Động. Thân màu xanh, tay cầm bảo chùy. Chiêu Đổ La là hóa thân của Kim Cang Thủ Bồ tát, là thần hộ mạng tuổi Sửu.
12. Tỳ Yết La: còn gọi là Tỳ Già La, dịch ý là Viên Tác. Thân màu đỏ, tay cầm bảo luân hoặc tam cổ. Tỳ Yết La là hóa thân của Phật Thích Ca, là thần hộ mạng tuổi Tý.

Do vậy, trong kinh có đoạn nói lên lời thệ nguyện của 12 vị đại tướng Dược Xoa như sau: “Tùy thôn làng, thị thành, thủ đô, và trong rừng thanh vắng, của bất cứ xứ nào, mà hoặc có kinh này lưu hành, hoặc có kẻ trì niệm danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường Ngài, thì chúng con, và tùy thuộc của chúng con, hộ vệ người ấy, làm cho họ thoát mọi khổ nạn, mọi ước nguyện đều thỏa mãn. Hoặc ai bị bịnh khổ mà cầu thoát qua, thì cũng nên đọc tụng kinh này, dùng tơ sợi năm màu mà kết tên chúng con. Ðược toại nguyện rồi mới tháo kết ấy.”
Cũng theo như kinh Dược Sư, nên trong mỗi đêm tụng kinh từ ngày mùng 9 đến rằm trước sân chùa quý thầy cũng thắp 49 ngọn đèn hoa sen để cúng dường Đức Dược Sư. Và đặc biệt là trong đêm cuối cùng của Đàn Dược Sư, đã có khoảng hằng ngàn ngọn đèn hoa sen được thắp sáng rực cả sân chùa có thể xem như một đêm Hoa Đăng cúng dường Đức Dược Sư _ tạo cho chùa một không gian lung linh, huyền ảo và sự hoan hỉ cho các Thiện nam Tín nữ khi đến viếng chùa trong dịp này. Đây không chỉ là một hình thức để vâng theo lời Phật dạy ngày xưa cúng dường chư Như Lai để đạt được phước báo to lớn mà còn là một hình thức để khuyến tấn chư Phật tử đến với chùa, đến với Phật Giáo rất thích hợp vì tạo được một tâm trạng thích thú cho hàng Phật tử nhất là giới Phật tử trẻ đang dần làm quen với Phật Giáo.

Hầu như tất cả các chùa trong Thành Phố đều kiến Đàn vào dịp từ mùng 9 đến rằm tháng Giêng. Tất cả các Đàn đều vâng giữ đúng như lời dạy của Đức Thích Ca trong kinh Dược Sư chỉ khác nhau về hình thức lớn hay nhỏ để phù hợp với điều kiện của từng chùa. Riêng một số chùa, Đàn Dược Sư còn được xem như một buổi lễ truyền thống của chùa và Đàn được kiến rất long trọng.
Như thời gian gần đây, theo thông tin trên các báo đài thì đàn Dược Sư Thất Châu tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan ở thành phố Buôn Ma Thuộc, tỉnh Đaklak đã diễn ra rất trang nghiêm mang đậm truyền thống nghi lễ Phật Giáo Huế. Được biết, đây là lần đầu tiên, một lễ hội Dược Sư tổ chức quy mô, hoành tráng, với đầy đủ tất cả những yêu cầu của một Lễ hội Dược Sư. Theo các giới chức Phật giáo địa phương, đây là một lễ hội lớn nhất, tổ chức trọng thể nhất xưa nay tại Tây Nguyên. Bên cạnh đó chùa Viên Giác đường Bùi Thị Xuân quận Tân Bình cũng là một điển hình. Ngay trong ngày khai đàn có đến 49 vị Tăng chia thành 7 đàn Dược sư, 7 vị Sám Chủ thực hiện nghi thức niêm đàn sái tịnh đặc trưng với phong các tán tụng theo nghi lễ miền Nam để bắt đầu cho 7 ngày trì Kinh Dược Sư. Và đặc biệt tại chùa Viên Giác ngoài 7 tôn tượng Đức Dược Sư còn thiết trí thêm tôn tượng của 2 vị Nhật – Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát, 8 vị đại Bồ Tát, 12 vị đại tướng Dược Xoa và nhiều tôn tượng khác để tăng thêm phần nghiêm trang cho đàn tràng.
Riêng một số chùa, không kiến đàn từ ngày mùng 9 đến rằm mà lại từ ngày 23 đến ngày 30 của tháng Giêng. Ví dụ như chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu quận 3 là một điển hình. Đàn được đặt dưới sự chứng minh kiêm sám chủ gia trì sư Thượng Tọa đạo hiệu Thích Lệ Trang – một vị sám chủ khá nổi tiếng về nghi lễ miền Nam.
Với tâm nguyện: “tâm thành tất ứng, tâm cầu tất linh” nên đa phần các tự viện đều thiết lễ cúng dường Đức Dược Sư vào những ngày đầu năm mới. Để trước là nguyện:
Thành tâm lễ kính, ngưỡng kỳ kiết diệu phò cung
Mạng vị tăng sùng, khất tẩy hung tinh thối xả
Sau là cầu:
Cao nhiêu phước quả,
Tăng trưởng thiện căn,
Tài tấn lộc thăng,
Đồng triêm Phật đạo.

Bài : Tuệ Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét