Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

BA THÂN XÁC MỘT CON NGƯỜI





BA THÂN XÁC MỘT CON NGƯỜI

Khoa học không ngừng khám phá những bí mật của vũ trụ, mà con người là một tiểu vũ trụ nên ở con người vẫn còn liên tục nghiên cứu nhiều điều tiềm ẩn chưa được giải thích thỏa đáng. Đối với Khoa học thực nghiệm, công trình nghiên cứu về cơ thể học đã đạt đến đỉnh cao đáng kể, phần Tâm lý học hãy còn nhiều nan giải, như ở lãnh vực Phân Tâm học, Freud đã giải thích về hiện tượng chiêm bao chưa được chấp nhận trọn vẹn. Về phương diện Siêu hình thuộc phần vô hình nên khó phơi bày minh bạch. Nay nhờ vào phương tiện thông linh qua Cơ bút, chúng ta biết khá nhiều bí mật của thế giới vô hình. Đặc biệt với bài nầy, tôi hân hạnh được trình bày hầu quí vị đề tài: “ Ba Thân xác một con người”

A – BA THÂN XÁC TRONG MỘT CON NGƯỜI:
Giáo lý Cao Đài cho biết: Trong con người của chúng ta có 3 thân xác phân biệt rõ ràng. Đó là Xác phàm, Chơn Thần và Chơn Linh.

1/ Xác Thân Thứ I: XÁC PHÀM: do cha mẹ sinh ra, còn gọi là Phàm Thân. Nó hoàn toàn do vật chất cấu tạo thành nên thuộc phần hữu hình và cũng vì thế mà thân xác luôn luôn bị lệ thuộc vào vật chất. Nó phải hầp thụ cái tinh ba của vật chất để sống. Cái sống có thể thanh, có thể trược. Thanh hoặc trược tùy theo vật chất đưa vào. Nếu vật chất thanh thì thể xác thanh, ngược lại nếu vật chất trược thì thể xác phải trược. Thể xác thanh thì gần với Đạo và thể xác trược thì xa với Đạo, gần với nhân dục, muốn hưởng thụ, thích lạc thú, nghĩa là thân xác luôn luôn bị vật chất ràng buộc, cám dỗ, níu kéo…
Vật chất thanh gồm có tinh ba của ngũ cốc, thảo mộc.
Vật chất trược gồm các tinh ba của cá, thịt, tôm, cua, trứng…
Người tu muốn sống với Đạo nên cần có thân xác thanh để có cái sống thanh. Do vậy, người tu phải tự tìm lấy sự ẩm thực tinh khiết bằng cách ăn chay..
Thanh lọc vật chất trược ra khỏi thể xác, làm cho thể xác nhẹ nhàng, trong sạch. thể xác trong sạch mới có tư tưởng thanh cao.Thể xác nhẹ nhàng mới giúp cho trí não thăng hoa và hướng thượng.
Nói tóm lại, với phàm thân mà chúng ta đang có, chỉ là cái nhà tạm trú trong một thời gian trên dưới trăm năm để Chơn Thần tu tập và tiến hóa.
Thật vậy, như trong bài kinh đi ngủ:
Trong giấc mộng ngủ yên hồn phách,
Đấng Thiêng Liêng năng mách bảo dùm,
Bồng Lai Cực Lạc chỉ chừng,
Đẩy đưa xác tục dựa lần cõi linh.

Hoặc với hai câu kết trong bài kinh ăn cơm:
Nhớ ơn bảo mạng Huyền Thiên,
Con mong mượn xác đoạt quyền vĩnh sanh.

Hoặc ở câu kết của bài kinh xuất hội:
Mượn hình Thánh thể cất nhà cõi Thiên

Qua các điểm trình bày ở trên, chúng ta đã hiểu một phần nào về Thánh ý của Đức Chí Tôn muốn chúng ta cần sử dụng cái phàm thân nầy để tu luyện hầu đạt Đạo.
Ngoài ra, trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn có dạy: “ Người dưới thế nầy, muốn giàu có phải kiếm phương thế làm ra của cải, ấy là phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn đắc Đạo phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là lập một trường công đức cho các con nên Đạo”
Nói tóm lại, muốn đắc đạo phải lập công quả, mà muốn lập công quả thì phải nhờ đến thân xác. Cái thân xác do cha mẹ phàm trần sinh ra là giả thân, là tạm bợ sống trong một thời gian trên dưới 100 năm để thân xác thứ 2 dùng nó làm phương tiện lập công bồi đức, học hỏi để tiến hóa.…và trợ lực thân xác thứ 2 dễ dàng siêu thoát. Đó là bí pháp luyện TINH hóa Khí của đạo Cao Đài.

2/ Xác Thân Thứ II: CHƠN THẦN hay còn gọi là Chơn Thân vì chính cái thân xác nầy mới thực sự là thân xác vĩnh cửu của mình. Ngoại trừ khi phạm thiên điều quá nặng mới bị tiêu diệt mà thôi.

a/ Ai sanh Chơn Thần? Phật Mẫu sanh.
b/Sanh bằng cách nào?
Bát Nương Diêu Trì Cung giáng cơ cho biết: “ Nơi Diêu Trì Cung thuộc tầng trời thứ 9 có một đài phát điện âm. Đài ấy thâu lằn Sanh Quang của ngôi Thái Cực rồi đem dương quang hiệp với Âm quang mà tạo chơn Thần cho vạn linh “
c/ Hình dạng của Chơn Thần:
Là một chất khí, kết tụ giống hình hài của xác phàm như khuôn đúc. Vì Chơn Thần thuộc phần bán hữu hình nên có thể nhìn thấy hoặc không nhìn thấy được. Chơn Thần ở mỗi người có các màu sắc khác nhau cho nên các Đấng Thiêng Liêng chỉ nhìn màu sắc nầy mà biết rõ phẩm vị của từng người: Nếu có:
Hào quang sáng chói là bậc chí Thánh.
Màu hồng là người thường.
Màu tím là người ô trược.
Màu sắc của Chơn Thần được biến đổi tùy theo sự tu luyện của từng người.

d// Nhiệm vụ của Chơn Thần:

Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy như sau:

Chơn Thần đến gìn giữ Thể Xác đặng trọn bước trên con đường tấn hóa. Tuy nhiên vì bản chất của Chơn Thần vốn là Âm Quang nên thường hay dung túng cho thể xác phù hợp với chất sanh của thể xác là thú chất.
Ở trong mỗi con người đều có thất tình và lục dục. Những tình dục ấy phát sinh ra do nơi lục phủ, ngũ tạng và chủ của nó là Chơn Thần.
( Bí pháp của Đạo Cao Đài là tu luyện sao cho Thể xác và Chơn Thần hiệp với Chơn Linh để đắc Đạo).
Còn luận về tội lỗi thì Chơn Thần phải luôn luôn theo thể xác. Bởi cớ khi thể xác phải chuyển kiếp đến đâu thì Chơn Thần phải theo đến đó.
Khi Thể xác đã mất sự sống thì điển Âm Dương trong thể xác bay ra cùng với Chơn Thần. Nếu:
Thể xác trong sạch thì khí dương hợp với Chơn Thần bay về cõi Thiêng Liêng.
Thể xác ô trược thì khí Âm hợp với Chơn Thần giáng xuống và chờ cơ chuyển kiếp.

3/ – Xác Thân Thứ III : Là Linh hồn của con người, bất tiêu, bất diệt và được gọi là CHƠN LINH. Chơn Linh là điểm Linh Quang do Đức Chí Tôn chiết ra từ khối Đại Linh Quang của Ngài ban cho mỗi người để tạo nên sự sống và gìn giữ sự sống ấy.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn đã dạy:

“ Nơi thân phàm của các con, mỗi đứa Thầy đều ban cho một Chơn Linh gìn giữ cái chơn mạng sanh tồn. Đấng Chơn Linh ấy vốn vô tư mà còn được phép giao thông cùng Chư Thần Thánh Tiên Phật và các Đấng trọn lành nơi Ngọc Hư Cung…Nhứt nhứt việc lành điều dữ đều được ghi chép đặng dâng vào Tòa Phán Xét. Bởi vậy, một mảy không sai. Dữ lành đều có trả. Lại nữa Chơn Linh ấy là tánh Thánh nơi mình, nó chẳng những chỉ gìn giữ các con mà còn dạy dỗ các con mà đời thường gọi là Lương Tâm đó”

B – MỐI LIÊN HỆ GIỮA 3 THÂN XÁC:

1/ Chơn Thần là chất khí, bao bọc lấy xác trần như khuôn bọc để bảo tồn sự sống cho xác trần. Do đó Chơn Thần có hình ảnh giống xác trần như khuôn in rập.

2/ Chơn Thần và Xác Trần có sự liên hệ với nhau nhờ 7 dây từ khí hay còn gọi là 7 dây oan nghiệt.

3/ Linh hồn luôn luôn nằm trong Chơn Thần và dùng Chơn Thần làm trung gian để điều khiển xác trần.

4/ Linh hồn khuyên bảo Chơn Thần kềm thúc xác trần không cho làm điều sai quấy.

Nếu Chơn Thần mạnh, đủ sức kềm chế xác trần thì xác trần ngoan ngoản theo con đường Đạo Đức.
Nếu Chơn Thần yếu đuối, không chế ngự được những dục vọng mà xác trần đòi hỏi thì thể xác lúc bấy giờ như ngựa không cương… rồi vào con đường tà vạy.
Khi xác trần chết, Chơn Thần và Linh hồn không chết theo.
Nếu xác trần biết tu hành, sống Đạo đức, ăn uống tinh khiết, tư tưởng tinh khiết … thì Chơn Thần được nhẹ nhàng, nhẹ hơn không khí nên Chơn Thần và Linh Hồn xuất ra khỏi xác trần một cách dễ dàng và theo sự tiến dẫn của Cửu Vị Nữ Phật để trở về cõi Hư Linh.

Nói tóm lại, giữa 3 thân xác của chúng ta, Chơn Thần và Linh Hồn luôn luôn nương theo Xác Trần mà lập Công quả để dự Trường Thi Công Qủa do Đức Chí Tôn lập ra trong thời khai nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Cũng nên biết thêm: Mỗi vị sống trên cõi Thiêng Liêng chỉ có hai thân xác mà thôi: Đó là Chơn Thần và Linh Hồn. Trên cõi Thiêng Liêng Chơn Thần và Linh Hồn muốn tấn hóa thêm nữa thì phải giáng trần và mượn xác phàm để lập công, bồi đức , tu luyên …mới được cao thăng Thiên phẩm. Trong lãnh vực nầy, Đức Chí Tôn khẳng định rằng: “ Dù là một vị Đại La Thiên Đế xuống phàm mà không tu cũng không thể trở lại địa vị của mình được”

C – TAM BỬU:

Ba thân xác trong một con người nói trên, giáo lý Cao Đài gọi là Tam Bửu: Đó là TINH, KHÍ, THẦN

1/ Với Xác Phàm là TINH: Chất tinh túy nhất trong thân xác con người, do máu huyết lọc ra rồi kết thành được biểu tượng bằng HOA. Ý của Đức Chí Tôn muốn hình thể con cái của Ngài tốt đẹp như bông hoa vậy.

2/ Với Chơn Thần là KHÍ; khí chất lưu hành trong cơ thể để tạo ra khí lực và lấy RƯỢU làm biểu tượng. Ý của Đức Chí Tôn muốn Chơn Thần con cái Ngài cường liệt như rượu.

3/ Với Chơn Linh là THẦN, là sự mẫn huệ, khôn ngoan, sáng suốt của con người được biểu tượng bằng TRÀ.Ý Đức Chí Tôn muốn Chơn Linh con cái của Ngài được điều hòa, thơm tho như trà vậy.
Người tín đồ Cao Đài, trong các thời cúng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu phải dâng Tam Bữu là: Hoa, Rượu, Trà tức là dâng 3 thể xác của chúng ta để Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu muốn dùng phương nào thì dùng. Đó là tự nhận lấy sứ mạng thể Thiên hành đạo, là phổ độ chúng sanh…như trong quyển Bí Pháp, Đức Hộ Pháp đã dạy: “Thân tôi không còn là của tôi nữa, tôi đã hiến cho Đức Chí Tôn làm tôi tớ cho Vạn Linh thay thế Đức Chí Tôn. Giờ phút đó chúng ta không biết tội nào của chúng ta đã làm, dầu có tội mà chúng ta không còn làm điều gì thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt, không thể gì định tội được. Đức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta, mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng ta, tức nhiên ta đã đoạt được Cơ Giải Thoát”

D- KẾT LUẬN :

Khi đã nhận rõ nơi con người của chúng ta ai cũng có đầy đủ 3 thân xác
và sau đây là lời của Đức Lý Thái Bạch, Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dạy nuôi dưỡng 3 thân xác:

Lấy Ngũ Cốc nuôi dưỡng Phàm Thân
Lấy việc học hòi, lấy lương tri nuôi dưỡng Chơn Thần
Lấy Đạo Đức nuôi dưỡng Chơn Linh

Vậy tu tức là tìm phương bảo trọng tinh thần Đạo Đức đặng nuôi Linh hồn hầu đạt địa vị Thần, Thánh Tiên Phật.”
Đức Hộ Pháp đã từng thuyết giảng: “ Mỗi lần đi cúng là mỗi lần cho linh hồn ăn vậy “

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là vị nữ Phật, đại diện Đức Phật Thích Ca, lãnh lịnh Đức Chí Tôn làm Đệ Nhị Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Phật Giáo thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ giáng cơ ngày 8/5/1933 dạy nên cúng kiến thường để Chơn Thần được gần gũi các Đấng Thiêng Liêng mới thuận bề tu tiến.

Cùng những ý khuyến tu nói trên, Thất Nương Diêu Trì Cung cũng đã từng khuyến nhủ:
Lễ bái thường hành tâm đạo khởi.

Vậy thì với 3 thân xác mà ta đang có, chúng rất cần được nuôi dưỡng bằng: Ẩm thực tinh khiết, tư tưởng tinh khiết, tín ngưỡng mạnh mẽ, tinh thần Đạo Đức sáng chói, tấm lòng thương yêu vô tận…
Xác phàm mỗi ngày ăn uống ba bữa, hai thân xác còn lại cũng cần no đủ như vậy. Xác phàm cần năng tắm rửa cho sạch sẽ thì Chơn Thần và Chơn Linh lại càng cần hơn. Cả ba thân xác đều trong sáng thì sự hiệp một là điều tất nhiên. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa lời dạy của Đức Chí Tôn rằng:

” Thầy là các con, các con là Thầy.”
Các con là Thầy có nghĩa: Mỗi môn đệ của Đức Chí Tôn là Thánh Thể của Ngài tại thế.
Xin cho tôi được cúi đầu trước mặt mọi người vì nơi người có Đức Chí Tôn hằng ngự.

Sang hèn trối kệ tâm là quý,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét