Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

NỖI LÒNG CỦA BÀ MẸ THIÊNG LIÊNG






NỖI LÒNG CỦA BÀ MẸ THIÊNG LIÊNG



Bà Mẹ Thiêng Liêng tức Phật Mẫu hay Đức Diêu Trì Kim Mẫu Chưởng Quản Tầng Trời thứ 9, Ngài tạo ra Chơn Thần cho mỗi người bằng chất khí. Chơn Thần cũng còn được gọi là Chơn Thân vì đây là thân xác vĩnh cữu của mỗi người, nó trường sinh bất tử, ngoại trừ trường hợp vi phạm trầm trọng Thiên điều !!! Chơn Thần hiệp với Chơn Linh ( Linh hồn ) do Đức Chí Tôn ban cho làm thành con người trên cõi Thiêng Liêng. Con người nầy sẽ xuống trần nhập vào thân xác phàm do Cha Mẹ phàm trần sanh ra. Bắt đầu từ đây, trong mỗi con người có đầy đủ ba thân xác: Vừa phàm vừa thiêng liêng:

Con người đứng phẩm tối linh,

Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi.

( Kinh tắm Thánh )

1/ Con người sanh ra để làm gì ?

Mỗi người có mỗi sứ mạng khác nhau, nhưng một cách tổng thể có thể xếp thành loại như sau:

– Xuống trần học hỏi, tu tập theo 5 cấp lớp: Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo….

– Xuống trần trả nợ tiền khiên, lập công bồi đức ( Luật nhân quả, vay trả )

– Xuống trần để cứu nhân độ thế.

– Xuống trần chu du sơn thủy…

Để rồi trước sau 100 năm đầy đủ mạng căn, bỏ lại cõi trần thân xác phàm, Chơn Thần và Linh hồn ( Chơn Linh ) trở về quê xưa cảnh cũ:

Cửa Cực Lạc thinh thinh rộng mở,

Rước vong hồn lui trở ngôi xưa,

Tòa sen báu vật xin đưa,

Chơn Linh xin ngự cho vừa quả duyên.

( Kinh đưa Linh cữu )

Cho vừa quả duyên có nghĩa là lúc xuống trần gieo trồng công đức như thế nào, lúc trở về cõi Thiêng Liêng sẽ nhận được quả tương xứng trong việc cao thăng Thiên vị. Đó cũng là sứ mạng cao cả mà Bà Mẹ Thiêng Liêng đảm nhận giúp con cái của Ngài trong một kiếp xuống trần để đạt được:

Nghiệp hồng vận tử hồi môn,

Chí công định vị vĩnh tồn Thiên Cung.

( Phật Mẫu Chơn Kinh )



2/ Nỗi lo âu của Bà Mẹ Thiêng Liêng khi con xuống trần:

Với đứa con còn non lòng, trẻ dạ xuống chốn phàm trần phải đương đầu biết bao cám dỗ, biết bao cạm bẩy….khiến Bà Mẹ Thiêng Liêng phải lo âu:

Mảng lo cho trẻ đặng tròn mảnh thân.

Ngoài ra lắm lúc Bà còn phải khóc thầm vì;

Đòi phen Mẹ luống âu sầu,

Cũng vì tà mị dẫn đường con thương,

Đỉnh chung là miếng treo gương,

Khiến nên trẻ dại lạc đường quyên ngôi,

Ngọt ngon trẻ nhiễm mến mùi,

Trẻ nào có biết khúc nôi đoạn trường,

Ngồi trông con đặng phi thường

Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh.

( Kinh tán tụng công đức Diêu Trì Kim Mẫu )

3/ Ngồi trông con đặng phi thường:

Phi thường là như thế nào ? Làm sao mới gọi là phi thường ? Mẹ trông con trở nên con người phi thường, làm sao con làm nổi ? Phải chăng đây là một ảo vọng ?

Tất cả mọi suy nghĩ nêu trên cần được giải tỏa và bình thường hóa mọi việc để cuộc sống không gặp nhiều khó khăn cũng như lắm trở ngại.

Thật vậy, không phải chỉ có những việc như đội đá vá trời, hoặc dời non lắp biển ….mới được gọi là phi thường.Đây thuộc lãnh vực cá biệt dành cho những bậc vĩ nhân, siêu nhân…Còn những người bình thường cũng có thể làm những việc phi thường ! Vì rằng với định nghĩa:

Phi Thường: khác thường ( Từ điển Paulus Của )

Phi Thường: Khác thường ( Viện Nam Tân Từ điển – Thanh Nghị )

Phi Thường: Không thường ( Từ điển chữ Nôm – Trần Gia Kiệm )

Phi Thường: Không phải bình thường, tức vượt lên mức bình thường

( Cao đài Từ Điển _ Hiền Tài Nguyễn văn Hồng )

Vậy thì: Bình thường của con người vốn ham thích lợi danh,say mê tửu sắc, lao đầu chạy theo con đường vật chất, bỏ quên giá trị tinh thần…Phi thường là xa lánh lợi danh, khinh thường vật chất,, xem trọng Đạo Đức, thăng hoa đời sống tinh thần, cố công tu hành….để ngày sau đắc quả và được nâng cao Thiên vị trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống….

Đó chính là lúc ước vọng của Bà Mẹ Thiêng Liêng được toại nguyện:

Mẹ đem con đến tận đường Hằng Sanh.

Tình nghĩa Bà Mẹ Thiêng Liêng chỉ trình bày đôi nét kể trên cũng đủ người tín đồ Cao Đài chúng ta cảm kích được cái công ơn sâu dày của Ngài và từ đó, tùy mỗi người mỗi cách hành sử sao cho xứng đáng là đứa con mà Đức Phật Mẫu đang trông chờ….nhất là với hiện tình đạo Cao Đài trong giai đoạn hết sức khó khăn. Thôi thì, hoàn cảnh mặc hoàn cảnh,ta là ta mới thật là ta. Đó cũng là phương sách để thực thi ước mơ của Bà Mẹ Thiêng Liêng mong trông thấy đứa con can đảm vượt khỏi mọi thường tình để bước lên nhịp cầu phi thường mà trở về với Mẹ.



Hiền Tài Phạm văn Khảm

Cẩn bút

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét