Pháp hội Dược Sư Kỳ An có tên gọi đầy đủ là “Pháp Hội Dược Sư - Tiêu tai Diên Thọ, Kỳ Quốc Thới Dân An, Nguyện Phong Điều Vũ Thuận”, Pháp Hội này là sinh hoạt tâm linh trong chương trình của BTS GHPGVN TP nhằm hướng dẫn tín đồ, Phật tử thực hành các nghi lễ cầu nguyện theo tinh thần chánh tín, phù hợp thời đại.
Toàn thể hội chúng đã đảnh lễ 12 đại nguyện của Đức Dược Sư, sau đó với sự dẫn lễ của HT.Thích Lệ Trang, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Nghi lễ TP, chư Tăng Ni, Phật tử đã khai kinh và đồng tụng kinh Dược Sư.
Phần Tụng Kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức :
BAN NGHI LỄ TRUNG ƯƠNG GHPGVN TPHCM
Các Vị Thượng Toạ, Hoà Thượng : Thích Lệ Trang, Thích Quảng Chơn, Thích Minh Thông, Thích Minh Nghĩa,Thích Trí Phát,... Chư Vị Đại Đức Tăng Chùa Việt Nam Quốc Tự, Chùa Viên Giác, Chùa Ấn Quang, Chùa Định Thành.
Nam Mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Phật.
Nam Mô Tiêu Tai Giáng Kiết Tường Bồ Tát.
Ý nghĩa của Chú Dược Sư :
- Dược Sư có tên đầy đủ là Dược Sư Như Lai hoặc Dược Sư Lưu Ly Quang. Dược Sư theo nghĩa đen chính là thầy thuốc chữa bệnh. Lưu Ly chính là một loại ngọc quý giá có màu xanh vô cùng trong suốt còn Quang nghĩa là ánh sáng. Vậy danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang có nghĩa là thầy thuốc chữa bệnh, ánh sáng như ngọc lưu ly. Chính vì là thầy thuốc, Dược Sư Như Lai có thể chữa lành bách bệnh trên thế gian này, kể cả những căn bệnh khởi sinh do phiền não và cứu độ họ thoát khỏi sinh tử khổ đau.
- Chú Dược Sư có tác dụng gì? Khi trì tụng Chú Dược Sư, quý vị sẽ được ánh sáng trí tuệ trong suốt như ngọc lưu ly của Ngài soi chiếu. Lúc đó, quý vị sẽ mở rộng tấm lòng, không còn những tham sân si vô độ, đồng thời sẽ phát khởi lòng từ bi, yêu mến hết thảy mọi người mọi việc dù là tốt hay bất lợi cho bản thân quý vị.
- Nếu người mắc phải nhiều tội lỗi trì tụng Chú Dược Sư, sẽ được chuyển hóa và phát nguyện sống đạo đức, nghiêm khắc tu hành, thành tựu giải thoát, bù đắp tội lỗi.
- Nếu là thân phụ nữ khi tụng chú Dược Sư, Phật Dược Sư sẽ chỉ đường chỉ lối cho chị em tu hành, giảm đi sự yếu đuối vốn có trong tính nữ, mạnh mẽ độc lập hơn, thông suốt và bớt những khổ đau hơn. Nếu là người nghèo khổ không có quần áo để mặc, tụng Chú Dược Sư sẽ được Người cứu độ, giúp đỡ những đồ dùng tối cần thiết. Đồng thời giúp họ trở nên minh mẫn trí tuệ hơn, hiểu cái gì là đủ để hạnh phúc, không cưỡng cầu.
- Nếu là người đang bệnh tật sắp chết, tụng chú dược sư sẽ được Ngài hóa phép hóa những khổ đau trên thân thể trở nên nhẹ nhàng hơn và chấp nhận rời bỏ cuộc đời trong thoải mái, dễ chịu. Những chúng sinh kiên trì trì tụng Chú Dược Sư sẽ được tiêu trừ mọi bệnh khổ và đạt được mọi sở nguyện sở cầu.
DƯỢC SƯ QUÁN ĐẢNH CHÂN NGÔN:
Nam mô bạc già phạt đế, bệ sát xã, lũ lô thích lưu ly, bác lặc bà, hắc ra xà dã. Đát tha yết đa da, a ra hắc đế. Tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha. Án! Bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã tam một yết đế tóa ha.
(Đọc từ Nam mô Bạc già…đến…tóa ha 108 lần).
Giải kết giải kết giải oan kết
Nghiệp chướng bao đời đều giải hết
Rửa sạch lòng trần, phát tâm thành kính
Quỳ trước Phật đài cầu xin giải oan nghiệt
Dược Sư Phật, Dược Sư Phật!
Tiêu tai tăng thọ Dược Sư Phật!
Tùy tâm mãn nguyện Dược Sư Phật!
Nam mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật!
(Đọc 3 lần từ Giải kết…đến …. Dược Sư Phật).
Gia Đình Phật Tử : ĐỖ THỊ PHƯƠNG MAI - PHÁP DANH VIÊN THỌ
MAI ĐỨC CHÍNH - PHÁP DANH GIÁC ĐẠO
xin Cúng Dường Tam Bảo và Chư Phật, Bồ Tát Nguyện Hồi Hướng Cầu Siêu Cấu An cho tất cả các thành viên trong gia đạo, con cháu, người thân.
Sự khác biệt giữa cầu an đầu năm và cúng sao giải hạn
Hằng năm, cứ vào dịp đầu năm Âm Lịch, nhất là tuần lễ thứ hai trong tháng Giêng mà cao điểm là ngày Rằm, người Phật tử Việt Nam và Trung Hoa thường có lệ đi chùa dâng sớ cầu an cúng sao giải hạn. Vì là ngày Rằm đầu năm nên các chùa ở trong nước cũng như hải ngọai thường tổ chức lễ rất trọng thể nhằm đáp ứng nhu cầu của quần chúng Phật tử. Hầu như chùa nào cũng có chương trình cầu an đầu năm. Tuy nhiên vẫn còn một số chùa nhận ghi danh Phật tử cúng sao giải hạn vào ngày Rằm tháng Giêng.
Thật ra, lễ Rằm Tháng Giêng, còn gọi là lễ Thượng Nguyên là lễ hội dân gian ở Việt Nam, được du nhập từ nước láng giềng Trung Hoa phương Bắc. Gọi thượng nguyên là cách phân chia theo Âm lịch: thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và hạ nguyên (Rằm tháng Mười) của hệ thống lịch tính theo mặt trăng. Theo một số sách Trung Hoa, như Đường Thư Lịch Chí, quyển 18 thì có chín ngôi sao phát sáng trên trời. Có sách nói là bảy sao, rồi về sau có sách thêm vào hai sao La Hầu và Kế Đô. Chín vì sao đó là Nhật Diệu, Nguyệt Diệu, Hỏa Diệu, Thủy Diệu, Mộc Diệu, Kim Diệu, Thổ Diệu, La Hầu và Kế Đô. Chín vì sao này hay còn gọi là Cửu Diệu là các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo mười hai chi và ngũ hành. Theo sách này cho rằng thì hàng năm mỗi tuổi âm lịch chịu ảnh hưởng của một vì sao gọi nôm na là sao chiếu mạng. Do đó có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu. Hai sao La Hầu và Kế Đô là sao xấu, là loại ám hư tinh vì hai sao này chẳng thấy được mặt trời.
Đó là theo tập tục dân gian vốn có từ thời xa xưa mông muội, khi mà con người cảm thấy quá bé nhỏ trước thiên nhiên, bị đủ loại bệnh hoạn mà chưa tìm ra thuốc chữa, cho là vì các vị Thần trừng phạt, nên sợ sệt trước đủ mọi loại Thần mà họ có thể tưởng tượng ra được, từ thần Sấm, thần Sét, thần Cây Đa, cây Đề, thần Hổ, thần Rắn, thần Núi, thần Sông (Hà Bá) v.v…
Nhưng căn cứ vào kinh sách liễu nghĩa của nhà Phật, theo lời Phật dạy trong Pháp Tứ Y : "y cứ theo kinh liễu nghĩa, chẳng y cứ theo kinh không liễu nghĩa", thì chúng tôi thấy không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Tuy vậy, vẫn có một số ít chùa, ở những vùng địa dư còn chịu nhiều ảnh hưởng truyền thống tín ngưỡng dân gian đa thần, thì các vị tu sĩ Phật giáo cũng đành phải, gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng sơ cơ học đạo giải thoát, mà tổ chức các buổi lễ lạc, bên cạnh những nghi thức thuần túy Phật giáo, mục tiêu cũng vẫn là dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác. Tại sao chúng tôi nói là không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên. Chín ngôi sao nói ở trên là do chính con người đặt tên và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ đức Phật không hề nói về chúng. Ngài dạy chúng ta về nhân quả. Ngài dạy rằng không có quả nào từ trên trời rơi xuống, hoặc dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động qua thân, khẩu và ý của con người tạo ra. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến. Thí dụ như chúng ta muốn có cam ngọt thì chúng ta phải chọn giống hay chiết cành từ cây cam ngọt. Thêm vào đó chúng ta phải chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng thời kỳ, thì thế nào chúng ta cũng sẽ hái được cam ngọt.
Tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành. Những nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ qủa tốt. Nhà Phật có câu “muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”; Tuy nhiên, nhân quả không đơn thuần mà rất đa dạng, trùng trùng, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà lại có thể do ảnh hưởng từ nhiều đời trong quá khứ
Cầu xin quả tốt lành mà không chịu gieo nhân tốt lành, sợ hãi quả xấu, sợ hãi tai họa xảy đến, mà không dừng tay tạo nhân xấu, sự cầu xin ấy chỉ là việc hoang tưởng. Phật giáo dạy rằng bất luận việc gì xảy đến cho chúng ta, đều do một hay nhiều nguyên nhân, chớ không do ngẫu nhiên, thời vận hên xui hay số mạng an bài.
Đối với Phật giáo, không có ngày nào xấu, mà cũng không có ngày nào tốt, mà cũng không có sao hạn xấu tốt. Nếu ta đi coi xăm, bói quẻ, coi sao, coi hạn, thầy nói ngày ấy tốt mà lại đi làm những chuyện không tốt lành, như ăn trộm, gây gỗ, đánh nhau, giết người, chắc chắn chúng ta sẽ bị pháp luật trừng trị và ngày tốt do ông thầy nói ấy trở thành ngày xấu ngay. Như vậy ngày tốt,ngày xấu không có cơ sở, chỉ là do con người bày ra mà thôi.
Có người hỏi rằng, nếu chỉ tin vào quy luật Nhân Quả thì có nên cúng Cầu An không? Muốn biết việc ấy có nên hay không thì chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Ý nghĩa lễ cầu an đầu năm trong đạo Phật
1.Ý nghĩa lễ cầu an
Theo quan niệm của nhà Phật, ý nghĩa của việc tổ chức lễ cầu an đầu năm không nằm ngoài mục đích để mình và gia quyến thành tâm sám hối tội lỗi, tiêu trừ nghiệp chướng, bỏ ác làm lành và thực hiện những thiện sự như phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam bảo…; và phát nguyện hồi hướng công đức của những thiện sự, Phật sự đó để cho bản thân và gia đình tai qua nạn khỏi, tăng khả năng tiêu tai, giảm tội; tăng phúc, bình an, thân tâm được an lạc. Xét rộng hơn trong mối quan hệ đối với dân tộc, đại lễ cầu an mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, người người được sống trong cảnh thanh bình, yên ổn. Lễ cầu an đoạn nghiệp được tổ chức vào đầu năm tại các chùa, là nơi có cảnh trí yên tĩnh càng tăng thêm tính hiệu quả cho nội dung tổ chức lễ nghi.
Đức Phật Dược Sư Quang Vương Như Lai với hạnh nguyện cứu khổ độ sanh, giải trừ ách nạn, tật bệnh cho chúng sanh, nên đàn cầu an đầu năm cũng gọi là đàn Dược Sư.
Như chúng ta đã biết, nghiệp lực có sức chiêu cảm rất mạnh mẽ, lôi kéo, dẫn chúng sinh vào thế giới an lạc hay khổ đau. Nghiệp lực của thời quá khứ định hình cho cuộc sống hiện tại của mỗi người. Chính sức mạnh của nghiệp ác quá khứ đã đem đến tai nạn cho bản thân hay gia đình trong hiện tại. Thế nhưng, các việc làm hiện nay như Phật sự, lễ cầu an đều là nghiệp thiện, lành có sức mạnh tiêu tội lỗi, giảm tai ương. Đối với những hoàn cảnh đặc biệt như gia đình có người ốm đau, bệnh nặng… thì việc tiến hành lễ cầu an, và những việc làm thiện khác để mong được phúc, tránh họa, v.v… là điều càng cần thiết.
Đạo Phật bác bỏ quan niệm về một đấng thần linh tối cao có khả năng sắp đặt và định đoạt số phận con người cũng như muôn loài. Nhưng đạo Phật thừa nhận có chư Phật và Bồ-tát là những bậc đã giác ngộ và giải thoát cùng với các thiện thần, toàn thể pháp hội mà trong kinh Phật gọi những gia lực này là bất khả tư nghì: nghĩa là công năng, uy lực của các vị là không thể nghĩ bàn hay luận giải được, đã thường xuyên gia hộ cho chúng sanh, hướng dẫn chúng sanh bỏ ác làm lành, tiến lên con đường giác ngộ giải thoát. Đồng thời, đạo Phật cũng thừa nhận các vị ấy luôn gia hộ cho những người quy y tam bảo, tinh tấn trong việc giữ giới mà mình đã thọ, những người thường xuyên làm việc lành, việc thiện…
Nói cách khác, đạo Phật thuyết minh đạo lý nhân quả là định luật chi phối cuộc sống của mọi người. Nhưng đạo Phật cho rằng, quy luật nhân quả không diễn tiến một cách máy móc mà có sự linh hoạt tùy theo hoàn cảnh nhất định. Nhận thức về hiệu quả của nghi thức cầu an như vậy, không có gì mâu thuẫn với đạo lý nhân quả của Phật giáo. Đồng thời, hiểu một cách cụ thể và thấu đáo về ý nghĩa thiết thực của lễ cầu an như thế, chúng ta mới tránh được cách hiểu sai và có thể thành tâm thực hiện lễ cầu an theo đúng theo tinh thần Phật giáo.
Không chỉ mang ý nghĩa tiêu trừ, giải nghiệp như đã nói ở trên, những việc làm tốt đẹp trong lễ cầu an sẽ tạo nghiệp thiện, người Phật tử vì vậy mà được chư Phật và Bồ Tát gia hộ cho mình và người thân được sống lâu thêm, sắc thân tươi đẹp hơn; được hưởng nhiều phước lành từ ánh sáng từ bi và trí tuệ của đức Phật. Tất cả những điều đó đều nằm trong triết lý nhân quả của đạo Phật và bám rễ sâu vào tư tưởng, suy nghĩ, lối sống của dân ta từ bao đời.
2. Lợi ích thiết thực của lễ cầu an
Khi tham gia lễ cầu an, mọi người sẽ được sống trong những giây phút chánh niệm, quán tưởng và làm theo những lời răn dạy của đức Phật. Mọi phước đức đời này đều đã được vun trồng và chăm chút từ nhiều đời trước, khi biết nói lời ái ngữ, làm việc thiện lành, giàu lòng nhân ái giúp mọi người thì cuộc sống sẽ được phúc, được an lành ở những giây phút hiện tại. Một điều đặc biệt nữa là, trong giờ phút ấy, tự bản thân của mỗi người, từ suy nghĩ đến hành động đều một mực giữ gìn, không tạo ra những điều xấu, ác trong những ngày thiêng liêng ấy để có được một năm mới suôn sẻ mọi điều.
Với lợi ích thiết thực như vậy, lễ cầu an vào những ngày đầu xuân năm mới đã giúp người Phật tử hiểu và thực hiện một cách rất tự nhiên về đạo lý nhân quả, nghiệp báo; tránh suy nghĩ và hành động những điều xấu, ác để một năm mới gặp được những quả ngọt, điều lành.
Cùng với ý nghĩa ấy, trong những ngày này, mỗi người con Phật sẽ lắng lòng nhìn nhận lỗi lầm từ Tham - Sân - Si của tâm và nguyện sẽ sám hối, chừa bỏ để cầu cho một năm mới hạnh phúc, an vui.
3. Cầu an có hiệu quả khi nào?
Tất cả những gì trong hiện tại không phải hoàn toàn do nghiệp nhân các đời quá khứ quyết định mà còn do nghiệp nhân trong hiện tại tạo nên, đó là thái độ sống, quan niệm, những suy nghĩ, hành vi tiêu cực hoặc tích cực trong hiện tại của chúng ta. Cho nên không tạo nghiệp nhân xấu, tạo nhiều nghiệp nhân thiện trong hiện tại là thái độ sáng suốt để cải thiện đời sống bất như ý và xây dựng đời sống an vui hạnh phúc cho mình. Đó là cách thức cầu an tích cực. Ta có thể chuyển nghiệp nặng thành nhẹ bằng cách ăn năn sám hối những nghiệp đã tạo và nỗ lực tu tập, tạo các nhân duyên lành làm trở ngại sự hình thành nghiệp quả.
Bằng sự thực hành các thiện pháp, bằng sự tu tập giới, định, tuệ, chúng ta có thể vô hiệu hoá các nghiệp nhẹ mà đáng lẽ chúng ta phải nhận lãnh quả báo. Nếu chúng ta sống đời sống không chơn chánh, đời sống bất thiện (trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, chiếm đoạt, mua gian bán lận, giả dối lọc lừa, làm giàu bằng xương máu kẻ khác…), nếu chúng ta sống buông thả không có trách nhiệm đối với bản thân, đối với gia đình, xã hội (rượu chè, cờ bạc, sa đọa, truỵ lạc, làm khổ cho mình và người khác…) thì dù có cầu cho nhiều cũng không an, cầu đến đâu cũng không ai cứu độ được.
Cũng tương tự, để đương đầu với bệnh tật, để được khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi và an lạc nội tâm, theo đức Phật là mỗi người phải tự trau dồi đời sống đạo đức và trí tuệ, phát huy các hạnh lợi tha, giúp đỡ mọi người, sống an trụ, chánh niệm và tỉnh thức trong từng phút giây của hiện tại. Không hoài vọng về quá khứ để thoát khỏi thế giới kinh nghiệm đau thương. Không hoài vọng về tương lai để không lo âu và sợ sệt. Sống một cách sáng suốt, bình thản trong hiện tại để khắc chế mọi tham ưu ở đời. Người sống được như vậy thì lúc nào cũng “an”, lúc nào cũng khỏe mạnh, cũng hạnh phúc, không cần cầu nguyện và mong mỏi cũng được bình an.
Lễ cầu an vào những ngày đầu năm là một sinh hoạt chính đáng và phù hợp với nhu cầu tâm linh trong cuộc sống đời thường của người Phật tử, đồng thời là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp xuân về. Một điều cần nhớ là lễ cầu an như một hình thức cầu nguyện cao thượng, có hiệu quả giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp nhân xấu khi và chỉ khi bản thân chúng ta biết sống chân chính, biết làm điều thiện và tạo được nghiệp lành.
Như vậy ta có thể đưa ra kết luận là ta không nên tin vào việc cúng sao giải hạn nhưng vẫn nên đến chùa làm lễ cúng cầu an đầu năm theo đúng chánh pháp.
Tác giả bài viết: Thích Minh Tịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét