Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

ĐẠI PHẠM THIÊN – MAHĀBRAHMĀ




ĐẠI PHẠM THIÊN – MAHĀBRAHMĀ





Thái Lan với khoảng 93% dân số theo Phật giáo[1], nhưng với con số đó chỉ là mang tính thống kê thông số mà thôi. Bởi vì len lõi trong con số 93 đó vẫn còn tồn tại nhiều ảnh hưởng tín ngưỡng của Ấn Độ giáo hay Hindu giáo. Dễ thấy nhất là việc tôn thờ Phạm thiên rất phổ biến ở Thái mà ai có dịp đi sang cũng sẽ thấy ở khắp mọi nơi, bất kể là trung tâm thương mại hoặc phố chợ, công ty hay văn phòng và cả tại tư gia. Tín ngưỡng Bà-la-môn đã ảnh hưởng vào Thái Lan từ rất lâu đời, ngay cả đối với các nghi lễ mang tính chất Hoàng gia cũng thế. Mặc dù vẫn có sự hiện diện của chư Tăng nhưng thông thường, họ sẽ tổ chức một buổi lễ làm phước cúng dường đến chư Tăng trước ngày lễ chính thức, rồi vào ngày lễ thì các vị Bà-la-môn mặc y phục màu trắng sẽ là người chủ trì buổi lễ. Như thế đó.


Và trong bài viết này, người viết chỉ muốn nói lên cái thực tại, quan niệm về hình tượng Đại Phạm thiên trong việc tôn thờ của người Thái và hình ảnh của vị Đại Phạm thiên trong kinh điển Tipiṭaka của Phật giáo Theravāda. Mục đích là để mọi người thấy được sự nhận thức sai lầm của một người Phật tử trong việc thờ cúng một tín ngưỡng khác đang hòa trộn vào trong Phật giáo; và hơn hết là mong mọi người quay về một hình ảnh vị Đại Phạm thiên đúng theo tinh thần của Phật giáo.


Quan niệm về Đại Phạm thiên


Rất nhiều và rất đông trong số chúng ta, những người đã từng sang Thái Lan và Campuchia tham quan, du lịch. Và hẳn nhiên rằng quý vị sẽ không quên được hình ảnh vị thần bốn mặt với nét mặt thánh thoát và nụ cười thánh thiện tại Angkor Thom, nơi đền thờ Bayon hay là sự sầm uất nơi đền thờ Erawan tại Bangkok. Có một sự hiểu sai lầm từ đây mà ra. Hình ảnh vị thần bốn mặt (tứ diện) mà chúng ta thấy đó không phải là tượng Phật như các vị du lịch hoặc một sốt vị hướng dẫn viên thường nói. Không có vị Phật nào, kể cả từ quá khứ cho đến các vị Phật trong tương lai, không bao giờ có nhiều mặt như thế. Chúng ta sống trong thế gian này, đối lúc người sống hai mặt thôi đã thấy mệt mỏi để đối phó rồi thì huống chi là ba mặt hay bốn mặt. Như vậy, hình tượng vị thần bốn mặt nhiều tay đó là ai? Vì sao dân chúng lại tôn thờ như vậy? Vị đó chính là Phạm thiên, hay nói cách khác đó là vị Đại Phạm thiên, là một vị thần cũng ngụ tại cõi vô sắc cao hơn chúng ta nhưng vẫn còn luân hồi chứ có phải Phật như Thế Tôn đâu.

Vị Phạm thiên ấy, tiếng Thái gọi là Phra Brom (พระพรหม – phiên âm là Phrắ-brôm). Phra (พระ) có nhiều nghĩa nhưng thường đi kèm trước các danh từ chỉ cho hoàng gia hoặc tôn giáo. Ví dụ, chỗ ngồi là thí-nắng (ที่นั่ง) nhưng phra-thí-nắng (พระที่นั่ง) thì nói đến chỗ ngồi dành cho quốc vương, hoàng hậu và các hoàng thân. Phra còn nói đến Đức Phật hoặc chư Tăng như là พระพุทธ (phra-phut – Đức Phật), พระธรรม (phra-tham – Giáo Pháp), พระสงฆ์ (phra-song – chư Tăng). Vì vậy, phra-brom không có nghĩa nào là “Phật bốn mặt” mà chỉ là Phạm thiên mà thôi. Giống như Việt Nam mình, tôn kính thì mình thêm chữ “Đức” vào trước tên người đó, như là Đức Thánh Trần chẳng hạn. Cho nên, ai gọi vị thần bốn mặt đó là Phật thì sai lầm hoàn toàn nhé. Đó chỉ là vị Phạm thiên mà thôi. Vị Phạm thiên mà chúng ta thấy đó gọi đúng hơn là Đại Phạm thiên (Mahābrahma).


Theo quan niệm của Hindu giáo, Phạm thiên hay Đại Phạm thiên là vị thần sáng tạo của vũ trụ này, giống như Thượng đế hay Sáng tạo chủ. Vị thần Brahma là một trong ba vị thần nổi tiếng của đạo Hindu, hai vị còn lại là thần Vishnu và thần Shiva. Brahma là cha của Manu, con người đầu tiên trên thế gian này và từ đó loài người được sinh ra. Do đó, Phạm thiên được tôn thờ như là đấng sáng tạo và sinh ra loài người. Hình tượng Phạm thiên trong Hindu giáo luôn là một vị thần có bốn mặt và bốn cánh tay. Bốn mặt chính là tượng trưng cho bốn bộ Veda (Vệ-đà)[2] và bốn cánh tay đại diện cho bốn hướng chính (Đông, Tây, Nam, Bắc). Không giống như nhiều vị thần Hindu khác, thần Brahma không mang bất kì vũ khí nào trong tay. Một tay cầm vương trượng, tay còn lại ông cầm quyển sách, tay cầm một chuỗi tràng hạt, và tay nữa còn lại cầm kinh Veda. Ý nghĩa của các tay và các pháp khí được lý giải như sau:
Bàn tay phải phía sau biểu thị cho tâm trí, bàn tay trái phía sau biểu thị cho trí tuệ, tay phải phía trước là bản ngã và bàn tay trái phía trước là sự tự trọng.
Chuỗi tràng hạt biểu tượng cho vật chất trong quá trình sáng tạo nên vũ trụ.
Kinh sách biểu tượng cho sự thông tuệ.
Vàng biểu tượng cho sự tích cực; gương mặt bằng vàng của Brahma biểu thị quá trình tích cực của sự sáng thế.
Thiên nga là biểu tượng của ân điển và sự sáng suốt. đây là phương tiện di chuyển của Brahmā.
Vương miệng của Brahma biểu hiện quyền lực tối cao của thần.
Hoa sen biểu tượng cho tự nhiên và các sinh thể sống trong toàn vũ trụ.
Râu của Brahma có màu trắng hay đen biểu tượng cho sự khôn ngoan và sự sáng tạo vĩnh cửu.



Trong tín ngưỡng tôn thờ của người Thái, hình tượng thần Brahma với bốn khuôn mặt và tám tay. Và ý nghĩa được giải thích như sau:
  • Khuôn mặt chính diện là biểu tượng cho Từ, sau đó thuận theo chiều kim đồng hồ là Bi, Hỷ và Xả.
  • Khuôn mặt Từ biểu tượng cho học nghiệp, chức nghiệp, danh tiếng và địa vị,
  • Khuôn mặt thứ hai (thuận kim đồng hồ) đại biểu Bi là chuyên về ái tình, hôn nhân và quan hệ giao tiếp,
  • Khuôn mặt thứ ba biểu hiện cho Hỷ là về thu nhập và phú quý,
  • Khuôn mặt thứ tư biểu hiện cho Xả là sức khỏe và tiêu tai giải nạn.
  • Một tay đặt trước ngực thể hiện sự che chở, bảo vệ;
  • Tay cầm Niệm Châu biểu hiện sự làm chủ luân hồi;
  • Tay cầm bình nước giải khát khao, có cầu tất có ứng;
  • Tay cầm quyền trượng thể hiện sự thành công tột đỉnh;
  • Tay cầm bánh xe ánh sáng (Minh Luân) thể hiện phá tan phiền não, đau khổ, chết chóc;
  • Tay cầm Pháp Loa;
  • Tay cầm Phật kinh thể hiện tài năng, trí tuệ;
  • Tay còn lại cầm Lệnh Kỳ thể hiện Quyền lực.




Có rất nhiều câu chuyện được “kể lại” từ nhiều nguồn khiến cho người người kéo đến cầu xin, ước nguyện. Thôi thì vấn đề này không bàn đến trong phạm vi bài viết này. Trên đây, chúng tôi chỉ nói đến tín ngưỡng thờ Phạm thiên Brahma của Hindu giáo và ảnh hưởng đến tín ngưỡng của Thái Lan mà thôi.
Đại Phạm thiên trong kinh điển Phật giáo

Còn về Phật giáo, Phạm thiên là vị đã chứng đắc được các tầng thiền định, nếu không bị hoại thiền, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được tái sanh lên các tầng trời sắc giới (rūpāvacarabhūmi) tương ứng với tầng thiền mình đã chứng đắc. Tuy nhiên, cõi vô sắc này phân thành 16 cõi, tương ứng với bốn tầng thiền chứng.[3]

Theo Vũ trụ quan Phật giáo, thế giới sinh diệt theo luật nhân quả, không phải do đấng nào sáng tạo ra cả. Và Brahma chỉ là vị Đại thiên thần được sinh ra trước hết trong một chu kì thế giới này, nên tưởng rằng mình là Sáng tạo thế giới, là chủ thế giới, nhưng thực ra cũng chỉ là một trong số chúng sinh, dù cao quý hơn hẳn nhưng cũng không phải vĩnh cửu, không phải Thượng đế. Brahma cũng nằm trong vòng sinh tử luân hồi, cũng chịu luật nhân quả, có sinh và cũng có diệt. Vũ trụ này có sinh rồi cũng có diệt, và Brahma cũng thế.

Trong tầng sơ thiền có một vị Phạm Vương cai quản tất cả Phạm Thiên. Đồng thời đó cũng là vị Phạm Thiên có mặt đầu tiên trên tầng sơ thiền vào điểm vũ trụ này mới vừa được hình thành. Chính trong bài Kinh Phạm Võng đức Thế Tôn đã kể lại rằng khi thế giới này bị tiêu hoại xong, một thế giới mới mẻ được cấu tạo và lúc đó trên tầng Phạm Thiên giới có một vị Phạm Thiên xuất hiện trước tiên, sống một mình tại đây, vị ấy được gọi là Đại Phạm thiên. Vì sanh ra trước nhất nên vị ấy nghĩ rằng: “Ta là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Những loài hữu tình ấy do chính ta sanh ra”.[4] Vị Phạm thiên đầu tiên này lại có được thọ mạng lâu dài hơn, diện mạo xinh đẹp tốt tướng hơn, uy quyền nhiều hơn những Phạm thiên khác. Rồi những Phạm thiên khác cũng nghĩ rằng chúng ta được tạo ra từ vị Phạm thiên này bởi vì chúng ta đến sau vị ấy.

Đại Phạm thiên cũng như chư Phạm thiên khác không hẳn phải là bậc Dự lưu hay đang trên đường đi đến giác ngộ (sambodhiparāyaṇā) mà sự tái sanh của họ tùy thuộc nhiều vào lòng tịnh tín đối với Phật, Pháp và Tăng[5]. Không cần phải là đệ tử của Phật mới được sanh lên cõi Phạm thiên; có rất nhiều trường hợp ghi lại rằng các môn đệ của các ngoại đạo sư cũng được sanh lên cõi Phạm Thiên nhờ theo giáo pháp của chư vị ấy, các vị ngoại đạo sư ấy được biết đến là: Sunettto, Mūgapakkha, Aranemi, Kuddālaka, Hatthipāla, Jotipāla.[6] Các kinh Bổn sanh có kể lại nhiều chuyện của các ẩn sĩ hành thiền quán, đắc thiền chứng và tái sanh lên cõi Phạm thiên. Một số Phạm thiên như Baka đã từng khởi lên tà kiến chấp rằng thế giới họ thường hằng; cũng như tất cả các thế giới khác, cõi Thiên sẽ bị biến hoại và đoạn diệt.[7]

Trong kinh điển Phật giáo, ghi lại cũng nhiều bài kinh với sự hiện diện của Phạm thiên, tuy nhiên, có lẽ nổi tiếng và có sức quan trọng nhất là sự thỉnh cầu Đức Thế Tôn truyền bá Giáo Pháp của Phạm thiên Sahampati. Thuở ấy, sau khi trải qua bảy tuần lễ thọ hưởng sự an lạc của giải thoát trong khu vực gần cây Đại thọ Bồ-đề, Đức Phật rời khỏi chỗ ngồi dưới cội cây Rājāyatana và lại trở về cội cây si Ajapāla. Sau khi ngồi kiết già dưới cội cây ấy trong cảnh vắng vẻ, Đức Phật đã khởi lên ý nghĩ: Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm sâu huyền diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, chỉ còn bậc thiện trí mới thấu hiểu. Chúng sanh còn luyến ái trong nhục dục ngũ trần. Nếu Như Lai truyền dạy Giáo Pháp ấy, kẻ khác ắt không thể hiểu được. Thật là phí công vô ích. Biết được ý nghĩ của đức Thế Tôn, phạm thiên Sahampati sợ rằng, nếu Đức Phật quyết định không đi truyền bá Giáo pháp, và, vì chúng sanh không nghe được pháp diệt khổ thì thế gian sẽ bị tiêu vong nên đã xuất hiện và thỉnh nguyện Đức Thế Tôn truyền bá Giáo Pháp: “Bạch đức Thế Tôn, cầu xin ngài hãy truyền dạy Giáo Pháp của Phật! Có những chúng sanh bị ít nhiều cát bụi vướng trong mắt, nếu không được nghe Giáo Pháp của Phật sẽ bị trầm luân sa đọa. Nhưng họ cũng có thể ngộ được chân lý”.


Pāturahosi magadhesu pubbe,

Dhammo asuddho samalehi cintito;

Apāpuretaṃ amatassa dvāraṃ,

Suṇantu dhammaṃ vimalenānubuddhaṃ.


Xưa tại Magadha, Hiện ra pháp bất tịnh,

Pháp do tâm cấu uế, Do suy tư tác thành.

Hãy mỡ tung mở rộng, Cánh cửa bất tử này.

Hãy để họ nghe Pháp, Bậc Thanh tịnh Chứng Ngộ.

Sele yathā pabbatamuddhaniṭṭhito,

Yathāpi passe janataṃ samantato;

Tathūpamaṃ dhammamayaṃ sumedha,

Pāsādamāruyha samantacakkhu;

Sokāvatiṇṇaṃ janatamapetasoko,

Avekkhassu jātijarābhibhūtaṃ.


Như đứng trên tảng đá, Trên đỉnh núi tột cao

Có người đứng nhìn xuống, Ðám chúng sanh quây quần.

Cũng vậy, ôi Thiện Thệ, Bậc Biến Nhãn cùng khắp,

Leo lên ngôi lâu đài, Xây dựng bằng Chánh pháp

Bậc Thoát Ly sầu muộn, Nhìn xuống đám quần sanh,

Bị sầu khổ áp bức, Bị sanh già chi phối,

Uṭṭhehi vīra vijitasaṅgāma, Satthavāha aṇaṇa vicara loke;

Desassu bhagavā dhammaṃ, Aññātāro bhavissanti.

Ðứng lên vị Anh Hùng, Bậc Chiến Thắng chiến trường.

Vị trưởng đoàn lữ khách, Bậc Thoát Ly nợ nần.

Hãy đi khắp thế giới, Bậc Thế Tôn Chánh Giác!

Hãy thuyết vi diệu pháp, Người nghe sẽ thâm hiểu![8]




Do lời thỉnh cầu của Phạm thiên Sahampati, Thế Tôn đã chấp nhận tuyên thuyết Giáo pháp bất tử đến cho chúng sanh, những người hữu duyên nên tế độ. Và đây cũng là một trong ba mươi tục lệ của chư Phật. Trước khi Đức Thế Tôn thuyết pháp đầu tiên phải có vị Đại Phạm thiên thỉnh cầu (mahābrahmuno dhammadesanatthāya āyācanaṃ).[9] Lý giải nguyên nhân: Phạm thiên là một vị tôn quý tột bậc trong quan niệm Bà-la-môn, cả về phước đức, phẩm hạnh, quyền năng và trí tuệ, là vị vua cai quản cả cõi trời và cõi người. Vua cõi trời và cõi người mà còn biết cung kính Phật, cung kính Pháp như thế thì chúng sinh sẽ nhận ra đâu là con đường chân chánh. Quan niệm của họ cho Phạm thiên là thầy của họ, nhưng nếu biết thầy của mình phải thỉnh cầu Đức Thế Tôn thuyết pháp thì chắc chắn rằng họ sẽ phải tự tìm hiểu như thế nào cho đúng.

Điển hình là trường hợp của thân mẫu ngài Sāriputta chẳng hạn. Trước khi viên tịch Níp-bàn, Tôn giả đã trở về lại quê nhà của mình để tế độ mẫu thân. Vào đêm cuối, chư vị các vị Thiên vương, Thiên chủ, Phạm thiên lần lượt hiện xuống phòng để kính lễ Tôn giả, hào quang của các vị ấy làm cho cả căn phòng và khu vườn nơi Tôn giả Sāriputta đang ở sáng rực hào quang. Sau khi các vị Thiên chủ đã ra đi, thân mẫu vội vàng vào phòng của Tôn giả để hỏi thăm về những vị trời ấy. Tôn giả đã từ tốn giải thích đó là những vị trời nào, sự hộ pháp của họ ra sao, đã hầu hạ đức Phật trong lúc đản sanh, sự thưa thỉnh đức Thế Tôn chuyển pháp luân lúc mới thành đạo như thế nào… Nghe xong, bà vô cùng kính phục, bà không ngờ người con của mình cao cả đến độ các vị trời cao quí, ngay cả đến Đại phạm thiên, Brahma, vị trời cao cả nhất, tối thượng nhất mà cả dòng tộc bà cũng như bản thân bà luôn kính ngưỡng phụng thờ, cầu nguyện hàng trăm năm nay lại chỉ là người hầu của con mình, là đệ tử của đức Thế Tôn. Trong tâm bà phát khởi tín tâm, suy nghĩ: “Nếu oai lực của người con trai mình như thế thì oai lực vô biên của đức Thế Tôn còn to lớn biết chừng nào!” Bằng sự kính ngưỡng cao cả chưa từng có, đồng thời nghe xong bài pháp ngắn về công đức Phật, Pháp, Tăng của Tôn giả, toàn thể châu thân bà Sārī rúng động, niềm tin tối thượng về đức Phật, về người con vĩ đại của mình, cũng như về Tam Bảo. Niềm hoan hỷ, an lạc bất tận phát sinh đến từng chân tơ kẻ tóc, bà đã chứng đắc được quả vị Tu-đà-hoàn, chính thức bước vào dòng Thánh, chắc chắn sẽ đạt đến giải thoát, an lạc.



Xin nhắc lại sự kiện Bồ-tát đản sanh, khi Bồ-tát rời khỏi bụng mẹ, bốn vị đại phạm thiên, là những bậc đã xa lìa phiền não dục, đầu tiên đón nhận Bồ-tát trong một tấm lưới vàng vào lúc Ngài sanh ra. Rồi họ đặt Ngài trước mặt người mẹ và nói rằng:


Attamanā, devi, hohi; mahesakkho te putto uppanno.

Hoàng hậu hãy hoan hỷ. Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân.[10]

Tiếp theo, bốn vị thiên vương đón nhận Bồ-tát từ tay của bốn vị phạm thiên bằng tấm da màu đen của con sơn dương, được xem là vật may mắn. Lại nữa, các cung nữ tiếp nhận Bồ-tát từ tay của bốn vị thiên vương bằng tấm vải trắng. Rời khỏi tay của các cung nữ, Bồ-tát bước xuống mặt đất, đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, bắt đầu bằng chân phải. Khi ấy, Bồ-tát như con ngưu vương thốt ra lời như sau:[11]


Aggohamasmi lokassa, jeṭṭhohamasmi lokassa,

Seṭṭhohamasmi lokassa, ayamantimā jāti,

Natthidāni punabbhavo.

Ta là bậc tối thượng ở trên đời. Ta là bậc tối tôn ở trên đời.

Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng,

Không còn phải tái sanh ở đời này nữa.[12]

Theo chú giải, khi sanh đức Bồ-tát ra, có bốn vị phạm thiên đến tiếp rước đây là hiện tượng chỉ rằng Ngài sẽ đắc được tứ thiền vô sắc.[13]

Còn nhiều sự kiện khác được ghi lại sự hiện diện của các vị Phạm thiên, Đại Phạm thiên trong kinh điển nhưng các vị ấy đều không bao giờ nhận mình là Thượng để cả, thậm chí Phạm thiên Sahampati còn khuyến khích người nữ Bà-la-môn từ bỏ cúng tế Phạm thiên. Đó là trường hợp thân mẫu của Tôn giả Brahmadeva. Vào một sáng nọ, Tôn giả đi khất thực ngang nhà mẫu thân, nhưng bà đang lo chăm chú cúng tế Phạm thiên, thấy vậy Phạm thiên Sahampati hiện xuống và nói với bà bằng những lời kệ:


Ôi! Nữ Bà-la-môn, Phạm thiên giới rất xa,

Chính Bà thường cúng dường, Cho chính Phạm thiên ấy,

Món cúng dường như vậy, Không món ăn Phạm thiên.

Người bập bẹ làm gì, Chưa biết Phạm thiên đạo.

Này nữ Bà-la-môn, Brahmadeva này

Là con trai của bà, Ngài đoạn mọi sanh y,

Chứng pháp siêu Thiên giới, Khất sĩ, không sở hữu,

Không nuôi dưỡng một ai. Vị ấy nay đã đến,

Nhà Bà để khất thực, Xứng đáng được cúng dường…
[14]

Nói tóm lại, Đại Phạm thiên hay Phạm thiên nói chung, theo quan niệm của Phật giáo cũng chỉ là vị thiên có oai đức hơn chúng sanh cõi thấp hơn mà thôi; không phải là đấng sáng tạo hay là thượng đế sinh ra muôn loài. Đừng lầm lẫn vị Phạm thiên cao quý với đức lành tứ vô lượng tâm để rồi cầu xin, mong cứu rỗi, ban phước lành. Phật giáo không chủ trương cầu xin và cũng không ai cho nếu như chúng ta không tự làm. Vì thế, hãy tự mình cứu lấy bản thân mình chứ đừng mong cầu ai phù hộ, vì chính bản thân họ chưa chắc đã được hạnh phúc tuyệt đối.

Bhik.Samādhipuñño Định Phúc



____________________________________

[1] Thống kê dân số theo tôn giáo vào năm 2015 như sau: Phật giáo 93,2%, Hồi giáo 5,5%, Cơ Đốc giáo 0,9%, Ấn Độ giáo 0,1%.

[2] Bốn bộ Veda: (1) Rig Veda: bộ thi tụng để tán thán, ca tụng các vị thần; (2) Sama Veda: ca tụng thần chú để tụng trong các nghi lễ; (3) Yayur Veda: những nghi lễ khác nhau của Hindu; và (4) Atharva Veda: giảng dạy về các bộ kinh kia.

[3] 16 cõi sắc giới phân theo bốn tầng thiền: (1) 3 cõi sơ thiền: Phạm chúng thiên (Brahmapārisajjabhūmi), Phạm phụ thiên (Brahmapurohitabhūmi) và Đại phạm thiên (Mahābrahmābhūmi); (2) 3 cõi nhị thiền: Thiểu quang thiên (Parittābhābhūmi), Vô lượng quang thiên (Appamāṇābhābhūmi) và Quang âm thiên (Ābhassarābhūmi); (3) 3 cõi tam thiền: Thiểu tịnh thiên (Parittasubhābhūmi), Vô lượng tịnh thiên (Appamāṇasubhābhūmi) và Biến tịnh thiên (Subhākiṇṇābhūmi); (4) 7 cõi tứ thiền: Quảng quả (Vehappalābhūmi), Vô tưởng (Asaññasattabhūmi) và 5 Tịnh cư (Suddhāvāsa) gồm Vô phiền (Avihābhūmi), Vô nhiệt (Atappābhūmi), Thiện kiến (Sudassābhūmi), Thiện hiện (Sudassībhūmi) và Sắc cứu cánh (Akaniṭṭhabhūmi).

[4] D.i.19 (Brahmajālasutta).

[5] VibhA.437f.

[6] A.iii.371 (Dhammikasutta).

[7] M.i.327 (Brahmanimantanikasutta).

[8] M.i.169 (Ariyapariyesanāsutta)

[9] BvA.298

[10] D.ii.15 (Mahānidānasutta).

[11] Đức Bồ-tát khi sanh ra chỉ có ba kiếp là có thể nói liền, đó là kiếp sanh làm hiền trí Mahosadha, kiếp sanh làm đức vua Vessantara và kiếp cuối này.

[12] D.ii.15 (Mahānidānasutta).

[13] BuA.276

[14] S.i.140 (Brahmadevasutta).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét