Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG – CATUMMAHĀRĀJĀ


TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG – CATUMMAHĀRĀJĀ


Tứ đại thiên vương là bốn vị Thiên vương ngụ tại bốn hướng chính của núi Tu-di (Sineru), và mỗi vị sẽ cai quản một hội chúng riêng, như là:
Thiên vương Dhataraṭṭha (Trì Quốc Thiên Vương) ở hướng Đông núi Tu-di, là người cai quản Càn-thát-bà (Gandhabba).
Thiên vương Viruḷhaka (Tăng Trưởng Thiên Vương), ở hướng Nam núi Tu-di, là người cai quản nhóm Cưu-bàn-trà (Kumbhaṇḍa).
Thiên vương Virūpakkha (Quảng Mục Thiên Vương), ở hướng Tây núi Tu-di, là người cai quản loài Rồng (Nāga).
Thiên vương Kuvera hay Vessavaṇa (Đa Văn Thiên Vương), ở hướng Bắc núi Tu-di, là người cai quản nhóm Dạ-xoa (Yakkha).

Bốn vị Thiên vương này có trách nhiệm hộ trì cho nhân loại nên các vị còn được gọi là bốn vị hộ thế đại vương (Catulokapāla). Và vị trí của bốn vị thiên vương nằm ở khoảng giữa của núi Sineru tức ngang đỉnh vi sơn Yugandhara và trở xuống tới cõi người, đó là phạm vi của cõi Tứ đại thiên vương.
Thiên vương Dhataraṭṭha (Trì Quốc Thiên Vương)


Thiên vương Dhataraṭṭha (phiên âm là Đa-la-sất, tiếng Thái gọi là Thao Thatarot ท้าวธตรฐ) ngụ ở hướng Đông của núi Tu-di, có trách nhiệm hộ trì chúng sanh nên được gọi là Trì Quốc Thiên Vương hay Đông Thiên Vương. Do ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ giáo và Trung Hoa nên hình tượng của Thiên vương Dhataraṭṭha có nhiều giai thoại khác nhau và có một biểu tượng đặc trưng của vị Thiên vương này là luôn cầm cây đàn tỳ bà như là một pháp khí tượng trưng. Và vì ở hướng Đông núi Sineru nên da của vị này sẽ có màu trắng.


Hội chúng mà Thiên vương Dhataraṭṭha chịu trách nhiệm cai quản chính là chúng Càn-thát-bà (Gandhabba). Đây là hạng chúng sanh sống dựa vào những cây cối có mùi hương, đời sống gắn liền với cội cây mà họ đã cư ngụ lúc đầu, cho dầu cội cây ấy có bị đốn đem về để sử dụng vào chuyện gì đó như cất nhà hay làm vật dụng thì họ cũng đi theo khúc gỗ ấy, chớ không chịu bỏ đi. Khúc gỗ ấy được làm thành cái gì thì vị Càn-thát-bà trú ngụ trong cái ấy rồi hiện hình ra cho người chủ vật đó thấy hoặc xui khiến cho họ bị tai ương, hoạn nạn như đau bệnh chẳng hạn, thậm chí có thể làm cho người chủ ngôi nhà (nếu cây được làm nhà) hay chủ của món đồ bằng gỗ đó bị phá sản, sạt nghiệp. Có tất cả mười loài Càn-thát-bà hay Hương Mộc Thần, các vị này còn được gọi là Kaṭṭhayakkha (Mộc Dạ-xoa):
Mūlagandhabba: hạng Càn-thát-bà cư trú trong rễ cây
Sāragandhabba: dạng Càn-thát-bà cư trú trong lõi cây.
Pheggugandhabba: hạng Càn-thát-bà cư trú trong dác cây.
Tacagandhabba: hạng Càn-thát-bà cư trú trong da cây
Papaṭikāgandhabba: hạng Càn-thát-bà cư trú trong lớp vỏ ngoài của thân cây.
Rasagandhabba: hạng Càn-thát-bà sống dựa vào phần nhựa thơm của cây.
Paṇṇagandhabba: hạng Càn-thát-bà sống trong lá cây
Pupphagandhabba: hạng Càn-thát-bà sống trong bông hoa
Phalagandhabba: hạng Càn-thát-bà sống trong trái cây
Kandagandhabba: hạng Càn-thát-bà sống trong các loại củ dưới đất.

Loài Càn-thát-bà khác với hạng Thọ Cư Thiên hoặc thọ thần (Rukkhaṭṭhadevatā – loài thiên nhân sống trên cây) ở chỗ là tuy cả hai đều sống trên cây nhưng khi cội cây trú xứ bị đốn thì các Thọ cư thiên bỏ đi qua cây khác, còn Càn-thát-bà thì cứ đi theo phần gỗ của cội cây mà mình đã nương gá từ trước đến giờ, cho dầu nó đã được dùng vào chuyện gì đi nữa.

Được biết, duyên nghiệp tiền kiếp của một số nữ Càn-thát-bà kiếp trước là phụ nữ thất đức, không tạo phước, cho nên nay phải sống dựa vào thân thể người khác mà thường thì họ thích dựa phụ nữ hơn, tức là họ trực tiếp tái sanh vào thân thể phụ nữ nào đó rồi sống luôn ở đấy, dân gian mình hay gọi là bị dựa hay bị nhập. Có hai trường hợp bị dựa như thế: trường hợp thứ nhất là bị các Càn-thát-bà ấy nương gá từ lúc còn trong bụng mẹ, trường hợp thứ hai là khi đã trưởng thành mới bị họ dựa. Người bị dựa có thể sai khiến Càn-thát-bà ấy khuấy phá, phiền nhiễu người nào mình cảm thấy ghét, nhưng phải có cơ hội thích hợp chớ không phải muốn hại ai lúc nào cũng được. Người nữ bị Càn-thát-bà nhập vào lúc bình thường thì khác, nhưng nếu nhập vào lúc ngày trăng rằm, do mãnh lực Càn-thát-bà nhập trong thân, nữ nhân ấy nữa đêm đi tìm vật thực, trong lúc đi tìm vật thực, cũng có ánh sáng phát ra từ thân, do thần lực của Gandhabba. Vì thế, hạng này có tên là Junhā. Và dầu là hạng Càn-thát-bà nào đi nữa, tất cả đều nằm dưới quyền cai trị của Thiên Vương Dhataraṭṭha.
Thiên vương Viruḷhaka (Tăng Trưởng Thiên Vương)


Thiên vương Viruḷhaka (phiên âm là Tỳ-lưu-ly, tiếng Thái gọi là Thao Virunhok ท้าววิรุฬหก) ngụ ở hướng Nam, giúp chúng sinh tăng trưởng thiện căn, bảo vệ cho Phật Pháp không bị xâm phạm, nên còn được gọi là Nam Thiên Vương hay Tăng Trưởng Thiên Vương. Do ở hướng Nam nên da màu của vị Thiên vương này sẽ có màu xanh biển, và pháp khí tượng trưng là thanh gươm báu.

Hội chúng Cưu-bàn-trà (Kumbhaṇḍa) do Thiên vương Viruḷhaka trông coi. Đây là loại chúng sanh thuộc về ác thần, có bụng to, mắt lòi và tròng mắt màu đỏ. Nơi cư ngụ của loài Cưu-bàn-trà này chỉ ở một trong hai chỗ: cõi người và địa ngục. Nếu ở cõi người, nhiệm vụ của chúng là bảo vệ giữ giữ các núi non, rừng rầm, ao hồ, sông ngòi, bảo châu, đền tháp cùng các loại cây có hoa thơm cũng như các loại hương mộc. Nói chung là chúng có nhiệm vụ trông coi những gì mà Chư Thiên Vương muốn bảo tồn, chẳng hạn như ngọn núi Vepulla ở thành Rājagaha vì dưới đáy núi có một viên ngọc Maṇi cực quý, hay như cây xoài Abbhantata cũng vậy. Những ai đi vào các khu vực có Cưu-bàn-trà canh giữ thì chúng có quyền bắt họ để ăn thịt mà không sợ các Thiên Vương quở phạt. Nói về hạng Cưu-bàn-trà dưới địa ngục thì đó là các quỷ sứ hay những La-sát mang hình dạng kên kên, chim quạ, chó dữ có nhiệm vụ trừng trị tội nhân và bắt họ để ăn thịt vậy quỷ sứ và các thú dữ, ở địa ngục đều là một trong các hạng ác thần hóa hiện ra. Tất cả Cưu-bàn-trà đều nằm dưới quyền Thiên Vương Viruḷhaka.
Thiên vương Virūpakkha (Quảng Mục Thiên Vương)


Thiên vương Virūpakkha (phiên âm là Tỳ-lưu-bác-xoa, tiếng Thái là Thao Virupak ท้าววิรูปักษ์) ngụ ở hướng Tây, theo dõi thế giới, bảo hộ nhân dân, nên còn được gọi là Tây Thiên vương hay Quảng Mục Thiên Vương. Do ở về hướng Tây nên màu da của Thiên vương Virūpakkha sẽ có màu đỏ hoặc màu của mặt trời. Và pháp khí tượng trưng của vị này chính là con rắn quấn trên người và viên ngọc Māṇī.


Hội chúng do Thiên vương Virūpakkha cai quản chính là loài rồng (nāga). Trú xứ của chúng có thể là trong lòng đất hay dưới đáy núi. Vì sống dưới lòng đất sâu nên đôi khi vì đùa giỡn với nhau, chúng có thể làm cho mặt đất rung chuyển. Loài rồng cũng rất thích đi chơi trên mặt đất và trong những lần như thế chúng thường hoá ra hình dáng sư tử, cọp, chó, nhưng có lúc vẫn giữ nguyên thân tướng của loài rồng. Cũng như các loài Dạ-xoa và La-sát, loài rồng đôi khi cũng thích thú trong việc hành hạ chúng sanh và để thoả mãn dã tích của mình, chúng cũng đi xuống địa ngục hoá thành quỷ sứ hay chó dữ, kên kên để hành hạ và ăn thịt tội nhân.
Thiên vương Kuvera hay Vessavaṇa (Đa Văn Thiên Vương)


Thiên vương Kuvera hay Vessavaṇa (phiên âm là Tỳ-sa-môn, tiếng Thái là Thao Kuwen ท้าวกุเวร hoặc Vessavan เวสสุวัณ) ngụ ở hướng Bắc, theo dõi thế giới, bảo hộ nhân dân, nên còn được gọi là Bắc Thiên vương.


Thiên vương Kuvera cai quản chúng Dạ-xoa (Yakkha). Có hai loại Dạ-xoa là Chư Thiên Dạ-xoa và bàng sanh Dạ-xoa. Chư Thiên Dạ-xoa là hạng có thân hình xinh đẹp và có hào quang, là loại chúng sanh không phải người. Bàng sanh Dạ-xoa là loại Dạ-xoa có thân hình thô xấu, khả ố không có hào quang. Chư Thiên Dạ xoa đôi lúc cũng có tâm bức hại chúng sanh, khi có tâm vui thích trong sự não hại chúng sanh khi nào, khi ấy liền hóa thành quỷ sứ đi xuống hành tội chúng sanh địa ngục theo sở thích của mình, hoặc khi khởi tâm muốn ăn thịt chúng sanh địa ngục, liền hóa thành kên kên, quạ, chó đến bắt chúng sanh địa ngục ăn thịt. Chư Thiên Dạ-xoa ở dưới quyền cai quản của Thiên vương Kuvera hay Vessavaṇa

Chư Thiên trong cõi Tứ Thiên Vương có nhiều loại, có nhóm có thân hình xinh đẹp, có nhóm thì thân hình thô xấu, có nhóm có đức tin với Phật giáo, có nhóm thì không, có nhóm thích bức hại chúng sanh khác, có nhóm lại hộ trì người, hộ trì Phật giáo, hộ trì thế gian, gìn giữ các chỗ, gìn giữ báu vật. Trong bốn chúng do tứ đại Thiên Vương cai quản là những loài vừa thích làm khổ những sanh chủng hữu tình khác vừa thích thú trong cả việc xung sát, đấu đá với đồng loại. Cho nên bốn vị Thiên Vương phải đóng vai trò lãnh đạo, cai quản họ, không cho họ sống phóng túng và gây hại đến người khác. Vì lẽ đó, nên khi ở cõi người có xảy ra một đại nạn, một tai biến nào đó mà người ta biết tưởng niệm vọng bái đến bốn vị Thiên Vương thì cũng có thể tìm được sự bình an.

Theo Chú giải Ngạ quỷ sự (Petavatthu-aṭṭhakathā) có ghi lại một câu chuyện ngạ quỷ hình nộm bằng bột (Piṭṭhadhītalikapetavatthu). Tương truyền rằng, gia chủ Anāthapiṇḍika có đứa cháu gái, đứa cháu gái ấy được vú nuôi cho một cái bánh đồ chơi. Cô bé xem nó như đứa con gái của chính mình. Rồi một hôm, trong khi đang chơi với nó, cô bé bất cẩn để nó rơi xuống và bị vỡ. Khi thấy vậy, cô bé bật khóc, nói rằng: “con gái của tôi đã chết”. Nhưng không có người hầu nào có thể dỗ nó được.

Bấy giờ, Bậc Ðạo sư đang ngồi trong chỗ ngồi đã được soạn sẵn trong nhà của gia chủ Anāthapiṇḍika. Bà vú nuôi đi với cô cháu gái đến trước gia chủ và tường thuật lại câu chuyện xảy ra khiến đứa cháu gái khóc lóc. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika xin được cúng dường vật thực nhân danh con gái của đứa cháu và thỉnh Thế Tôn cùng với năm trăm vị Tỳ-khưu đến thọ thực vào ngày mai. Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi vào ngày hôm sau, đức Thế Tôn đi với năm trăm vị Tỳ khưu đến tại tư gia của ông thọ thực. Sau khi tho thực xong, Thế Tôn nói lên những lời kệ tán dương như sau:


Yaṃ kiñcārammaṇaṃ katvā, dajjā dānaṃ amaccharī;

Pubbapete ca ārabbha, atha vā vatthudevatā.

Sau khi liên tưởng đến đối tượng nào đó, người không bỏn xẻn nên dâng cúng vật thí hồi hướng đến các người đã quá vãng trước đây, hoặc đến các Thiên nhân ở khu đất, …

Cattāro ca mahārāje, lokapāle yasassine;

Kuveraṃ dhataraṭṭhañca, virūpakkhaṃ virūḷhakaṃ;

Te ceva pūjitā honti, dāyakā ca anipphalā.

…và đến bốn vị Đại Vương có danh tiếng là những bậc hộ trì thế giới: Kuvera, Dhataraṭṭha, Virūpakkha, và Virūḷhaka. Và khi các vị ấy được cúng dường thì các thí chủ không phải là không có quả báo.

Na hi ruṇṇaṃ vā soko vā, yā caññā paridevanā;

Na taṃ petassa atthāya, evaṃ tiṭṭhanti ñātayo.

Sự khóc lóc, và sầu muộn, hay sự than vãn khác là không nên, bởi vì điều ấy không đem lại lợi ích cho người đã quá vãng, (cho dầu) các thân quyến duy trì (hành động) như vậy.

Ayañca kho dakkhiṇā dinnā, saṃghamhi suppatiṭṭhitā;

Dīgharattaṃ hitāyassa, ṭhānaso upakappatī

Và thêm nữa, việc cúng dường này được dâng cúng, được khéo thiết lập ở Hội Chúng, thì lập tức thành tựu lợi ích dài lâu cho người đã quá vãng ấy.

Như vậy, bốn vị Thiên vương là bốn vị hỗ trợ, hộ trì cho chúng sanh được an lạc, tránh mọi tai ương, cho nên khi chúng ta làm phước gì cũng nên nghĩ tưởng đến các vị ấy. Chính do sự nghĩ tưởng đến các vị, nếu khi có vấn đề hữu sự thì các vị sẽ thương tưởng lại chúng ta vậy.

Lại nữa, cứ vào mồng tám của nửa tháng, các vị đại thần cố vấn cho bốn Thiên vương xuống thế gian để xem xét sự thực hành thiện hạnh của loài người; ngày mười bốn của nửa tháng, quý vị cử các hoàng tử và ngày rằm lễ Uposatha thì quý vị đích thân hạ thế làm công tác nói trên. Quý vị báo cáo lên chư Thiên trên cõi Tāvatiṃsa; chư Thiên tử này hoan hỷ nếu có nhiều người dưới thế hành thiện hạnh để cõi Thiên sung mãn và không hoan hỷ nếu có ít người dưới thế hành thiện hạnh vì Asura chúng sẽ sung mãn còn Thiên chúng sẽ tổn giảm.

Tóm lại, Tứ Đại Thiên Vương luôn hộ trì thế gian, bảo hộ chúng sanh; là những người bảo vệ của thế giới và chống lại cái ác, mỗi người có thể chỉ huy một quân đoàn của những sinh vật siêu nhiên để bảo vệ Chánh Pháp.

Bhik. Samādhipuñño Định Phúc

_____________________________________

Tài liệu tham khảo:

– Chúng sanh và sanh thú (Tỳ-khưu Giác Nguyên)

– Chú giải người và cõi (Tỳ-khưu Thiện Phúc)

– Chú giải ngạ quỷ sự (Tỳ-khưu Minh Huệ)

– Ngạ quỷ chuyện (Tỳ-khưu Indacanda)

– Từ điển Phật học (Somdej Buddhaghosācāriya – P.A. Payutto)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét