Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

PHẬT TRỜI ĐẤT NGƯỜI (P3): TRỜI



PHẬT TRỜI ĐẤT NGƯỜI (P3): TRỜI

Kiều Nguyên Tá




TRỜI

(Cha, Đức Chúa Trời, Đức Chúa Cha, Thượng Đế, Ông Trời, Alah)

Trời là sự gồm thâu tất cả mọi tầng không khí, lớp ngoài, lớp trong để giữ cân bằng cho tất cả các hành tinh có trong Vũ Trụ Càn Khôn, chuyển xoay trật tự. Trời là một bầu không khí điển khổng lồ, đại khổng lồ tự sinh, tự có để tạo nên và nuôi sống tất cả vạn vật muôn loài. Không có Trời sẽ không có bất cứ vật thể nào, hành tinh nào, vùng trời nào, trái đất nào, mặt trăng nào, vì sao nào tồn tại. Cho nên ta phải hiểu Trời là gồm thâu 36 tầng không khí có trong không gian bao la vô tận, 72 tầng Đất từ lớp vỏ bên ngoài vào trong tận ruột cùng của Trái Đất.

Trời là một Khối Khí Linh Quang vĩ đại gồm 36 tầng để chuyển chở cầm giữ, nuôi sống mọi vật thể nằm trong cái CÓ CÓ tồn tại tiến hóa mãi khôn cùng. Không một ai có thể cắt nghĩa, giảng nghĩa, giải nghĩa được về Trời. Nếu người đó không hòa tan được vào với Trời. Chỉ có luyện Đạo, tu hành để tạo cho mình có hào quang điển quang và hội nhập vào với Trời mới có thể hiểu được trời là cái gì. Một con người không biết Hồn là Khí Hạo Nhiên, không biết Hồn là Hào Quang, không biết Hồn là Thanh Khí Điển hóa sanh vạn vật thì không thể biết Trời.

Có đọc, có học thiên kinh vạn quyển sách cũng chẳng thể hiểu nổi Trời. Cho nên càng cắt nghĩa về Trời lại càng xa Trời là vậy. Ngửa mặt lên nhìn Trời, chỉ thấy một bầu, một khối trong vắt, sáng về ban ngày, tối đen như ban đêm (nếu vào những đêm có ánh trăng thì nhìn thấy lờ mờ, tùy theo trăng sáng hay tối). Khoa học tân tiến nhất ngày nay chế tạo đủ mọi phương tiện để tìm Trời, xong tìm mãi và sẽ tìm hoài cũng không thể tìm ra Trời được vậy. Ấy mới là ông Trời thật oái oăm, ấy mới thật ông Trời là lập dị, ấy mới thật ông Trời quả là khó khăn.

Đã có lần tôi viết một cuốn sách chứng minh Trời chỉ là không khí. Quả thật như vậy vì nếu không có không khí thì sẽ không có sự sống. Chỉ có không khí người ta mới có thể hít thở như vậy không khí chả là sự sống là gì? Phải có không khí: cây cỏ, hoa trái, lúa thóc mới nảy sinh. Cũng chỉ có không khí người ta mới có thể đem một chiếc máy bay bằng sắt nặng hàng tấn lên không trung rồi bay đi khắp nơi trên thế giới này. Cho nên không khí quả là Trời, không khí là tất cả Càn Khôn Vũ Trụ. Không khí là Đấng chủ tế muôn loài vạn vật vậy.

Có một điều tôi đã cho biết về người đạt Đạo khai thông bản thể, mở huyệt bách hội để phần hồn ra vô thong thả giữa con người và Trời Đất, con người mới hiểu được Trời. Phải đem Tâm Điển mình hòa tan vào Điển Quang của Đại Vũ Trụ sẽ hiểu Trời quả thật chỉ là Không Khí thôi. Trời tản ra nhiều tầng để cầm giữ các hành tinh. Trời mở lớn để chứa đựng cả vạn vật có trong Vũ Trụ. Từ lúc chưa có Trời đến lúc có Trời đã phải có Trời rồi.
AI LÀM QUẢN LÝ NHÀ TRỜI?

Khi có Trời rồi, dĩ nhiên phải có một Đấng quản lý. Đấng quản lý ấy chính là khối Điển Quang: NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Tất cả Tứ Phương Tám Hướng, tất cả Vũ Trụ Càn Khôn đều thuộc quyền quản lý của nguyên Nam Mô A Di Đà Phật. Sáu chữ (lục tự) này là nguyên lý vận hành, chuyển động, nuôi sống, cầm giữ và sinh sôi nảy nở đời đời tiến hóa. Sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật này chính là sự điều hành Vũ Trụ Càn Khôn này. Từ 6 chữ huyền diệu này Trời Phật Đất Người mới có. Chính nguyên lý Nam Mô A Di Đà Phật này mà ngày nay bộ óc con người mới khai mở để có được nhiều kiến thức văn minh: nào là khoa học vật lý, khoa học thực nghiệm, khoa học không gian, đủ mọi cái gọi là khoa học đều là sản phẩm của Nam Mô A Di Đà Phật mà ra.

Cho nên có người đã có ý nghĩa cho Nam Mô A Di Đà Phật cũng chính là Trời, tất cả mà thôi vì khi: “Nhất lý thông vạn lý minh”, “Nhất bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhất bổn”, “Bổn lai diện mục” hoặc: “Tam huệ tụ đảnh”, “Quy tam hiệp ngũ” v.v… gần đây có nhiều người nhắc đến cơ quy nhất. Quy nhất có nghĩa là tản ra tất cả từ muôn muôn kiếp nay quy tụ lại một điểm, như các phần hồn quy lại một điểm thì nhận ra mình từ một chỗ mà ra rồi lại về một điểm lúc đó sáng tỏ như ban ngày rồi biết, rồi hiểu về mình, về Phật, về Trời đó chính là người nhất lý thông vạn lý minh. Chỉ một sát na thôi là hiểu ra tất cả, dễ như trở bàn tay.

Cho nên bất luận một ai kể cả Đức Phật Tổ Thích Ca khi chấp nhận đi tìm con đường giải thoát đều cùng chung một nguyên tắc ban đầu đó là: Niệm Lục Tự Di Đà là pháp tiên khởi trong các trận pháp. Hầu như tất cả các vị đạt Đạo đều dùng pháp mật niệm. Có nghĩa là niệm thầm chứ không khai khẩu, rồi tiến tới thường niệm, rồi tiến tới cao hơn nữa là vô biệt niệm. Người ta gọi là: Mật niệm 24/24 mỗi ngày. Cho đến một lúc nào đó sự vô biệt niệm kia đạt đến mức độ hành giả quán thông về mọi việc ở cõi đời này đều do Nam Mô A Di Đà Phật điều hành, mọi sự sống, mọi sự thăng trầm, mọi sự thối lui, mọi sự đi lên cũng đều bởi công trình tạo hóa: Nam Mô A Di Đà Phật thăng hoa đi lên hay bị phạt mà đi xuống vậy.

Nên bất luận một ai, bất luận một cuốn kinh nhà Phật nào, mở đầu người ta cũng thấy có Nam Mô A Di Đà Phật và khi kết thúc cuốn kinh người ta cũng lại thấy một hoặc ba lần Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật là nền tảng cho sự phát triển mọi mặt từ Phật Giới, Tiên Giới, Thánh Giới, Thần Giới và dĩ nhiên muôn loài vạn vật trong đó có con người không thể nào thoát ra nguyên lý Nam Mô A Di Đà Phật. Gần đây nhất khi Đức Chúa Jesu ra đời và tiếp nối trong Thánh Kinh của tòa thánh La Mã cũng được nghe đến một lục tự sau mỗi giờ giảng hay là sau khi kết thúc một buổi lễ người ta đều niệm là: Cha Con Thánh Thần A Men sáu chữ này là thoát thai từ lục tự Di Đà mà ra cả.

Còn Thượng Đế Giảng Chân Lý qua Kim Thân Cha đã nói về A Di Đà Phật hay Vô Lượng Quang Phật là tên của một vị Phật sáng suốt Vô Lượng Quang Phật là tên của một vị Phật sáng suốt vô lượng tượng trung cho sự sáng suốt của Càn Khôn hay phần trí tuệ của Thượng Đế. Trong chúng con cũng có A Di Đà Phật là thể tính sáng suốt trong chúng con, mà chúng con để nó bị mốc meo, bị rêu phong phủ bám khi chúng con học trược đấy! Cho nên, khi chúng con chợt tỉnh giấc mê trầm đã vùi lấp bao lâu phần trí tuệ của mình và muốn đi lên chỗ sáng suốt, các con hãy mật niệm danh hiệu này, quán tưởng nó luôn luôn để đánh thức dần và phát triển dần dần sự sáng suốt trong chúng con.

Vì quán tưởng luôn luôn đến A Di Đà Phật tức là tưởng nhớ luôn luôn đến thể tính sáng suốt của con. Tưởng nhớ đến thể tính đó mãi thì tự nhiên nó sinh động lên, sẽ phát triển cho đến khi nó ngự trị trong con. Đó là một cách rất hay để con mau được sáng suốt. Cho nên, lúc con mật niệm trong tâm danh hiệu này một cách sốt sắng, không bị chi phối lo ra và nếu tâm con được vắng lặng thì khi ấy sáu chữ này sẽ rung động trong con, phát ra luồng điện chạy quanh sáu luân xa và phát quang tại mỗi luân xa đó. Con nào đã mở được chút huệ nhãn, khi niệm lục tự Di Đà sẽ chứng nghiệm được hiện tượng này. Nhờ đó, sáu luân xa trong bản thể sẽ được khai mở từ từ, phát triển dần dần, để giúp con đạt được lục thông.

… “Các con nên nhớ, khi niệm bất cứ điều gì, phải niệm trong tâm, đừng niệm trong miệng khiến hao khí điển. Con nên ngậm miệng lại, co lưỡi răng kề răng, kế kín cửa khẩu. Động tác này sẽ giúp cho mạch Nhâm, mạch Đốc nơi đó được giao nhau và điển trong con người lúc ấy sẽ được chuyển động liên tục, mà không bị thất thoát ra ngoài theo cửa khẩu do sự nối liền giữa hai mạch này. Nhờ đó, mà điển lực trong con sung mãn hơn. Cho nên trong ngày, nếu không có điều hữu ích hay cần thiết phải nói, nên tịnh bớt khẩu, dành tâm trí niệm Phật, hoặc niệm CHA để tâm đỡ toán loạn, bế miệng lại càng nhiều càng tốt để đỡ mất điển. Con nên nhớ lo nghĩ nhiều thì thần tán, nói nhiều thì khí hao, dục nhiều thì tinh mất. Muốn đi vào thiên đọa, lên đến chỗ sáng suốt an lạc, các con phải ráng giữ tam bửu: Tinh, Khí, Thần, lo vun bồi nó luôn luôn, để khỏi bị suy điển lực, khiếu tiên mòn dần sự sáng suốt của con…”

Chính vì Phật A Di Đà quan trọng như thế và có sự liên hệ chặt chẽ với mọi người, cho nên tôi phải đề cập đến Đức Phật A Di Đà và để hiểu biết về A Di Đà không gì hơn là chúng ta hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây nên cố gắng mật niệm lục tự: Nam Mô A Di Đà Phật để từ thường niệm tiến lên vô biệt niệm sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho mỗi chúng ta.


QUAN NIỆM VỀ TRỜI CỦA LÃO GIÁO, KHỔNG GIÁO, PHẬT GIÁO

LÃO GIÁO:

Nói đến Lão Giáo chúng ta có thể hiểu ngay chủ trương của Lão Tử là Vô Vi thanh tịnh. Tôi cũng xin đưa ra vài nét về Lão Tử một người hầu như không có danh tánh thật sự, sinh vào năm nào, thời nào, ở đâu? Mãi 4 thế kỷ sau khi không còn Lão Tử, Sử Gia Tư Mã Thiên mới cho rằng Lão Tử là người nước Lỗ, thuộc Trung Hoa, có học giả khác lại cho ông có thể là người Ấn Độ. Người ta cũng để lại truyền thuyết ông làm quan đời nhà Chu U Vương, thọ tới 200 tuổi.

Riêng tôi cho rằng việc Lão Tử sinh ra ở đâu và làm gì không phải là một việc thiết yếu. Bởi như tôi đã nói ở phần mở đầu người đạt Đạo muốn nói cho người ta hiểu xong người ta không chịu hiểu đành câm nín ra đi mang theo sự biết đi theo. Cho nên luận bàn về một người đạt, đắc Đạo của Lão Tử đã để lại cho hậu thế trải qua bao ngàn năm vẫn có người cho đấy là kim chỉ nam và cũng có người cho đấy là một truyền thuyết mơ hồ, huyễn hoặc. Tôi chỉ xin được nhắc lại về một quan niệm của Lão Tử nói về Trời để chúng ta bây giờ suy xét hay thì nhận lấy tiến thân, dở thì bỏ qua đi, Đạo Đời vẫn là một cái gì như nghìn trùng xa cách nếu ta chưa đạt Đạo. Còn nếu ta tự thấy ta đạt Đạo thì Đạo Đời cũng chỉ như lật ngửa hay úp xấp bàn tay thôi. Theo Lão Tử thì Trời:

“Vô danh Thiên Địa chi Thủy, hữu danh Vạn Vật chi mẫu”

“Thiên (Trời) Địa (Đất) vạn vật đồng nhất thể”

“Biết thì không nói, mà nói thì không biết”

“Đạo thường Vô Vi, nhi vô bất vi”

Theo lối cắt nghĩa của Vương Bật, rồi được ông Nghiêm Toàn, Thiệu Văn Thị dịch như thế này:

“Đạo có thể nói được không phải đạo thường; tên có thể gọi được không phải tên thường. Không tên là trước Trời Đất; có tên là Mẹ muôn vật.

Cho nên thường không cảm động để xem cái biến hóa nhiệm màu không chừng của nó.

Hai cái ấy đều do một nơi sinh ra mà tên khác nhau, đều bảo là sâu kín mịt mờ. Kín sâu lại càng kín sâu, ấy là cửa phát ra mọi biến hóa khôn lường của sự vật”

Hoặc theo Tư Mã Quang, Vương An Thạch, Tô Thức, Lương Khải Siêu cũng được Nghiêm Toàn chú dịch sau đây:

“Đạo có thể nói được không phải đạo thường; tên có thể gọi được không phải tên thường”.

“Không”, là cái gọi trước Trời Đất; “Có”, là gọi Mẹ muôn loài.

Cho nên thường “không”, muốn lấy cái biến hóa không chừng của nó; thường “có”, muốn lấy cái “có” để xem chỗ đi tới cùng, tình thế cực điểm của nó.

Hai cái ấy đều do một nôi sinh ra mà khác tên, đều bảo là sâu kín mịt mờ. Sâu kín lại càng sâu kín thêm, ấy là cửa phát ra mọi biến hóa khôn lường của sự vật.

Thật ra thời kỳ có Lão Tử, Khổng Tử, Đức Phật Thích Ca đều đã cách đây hơn 2.500 năm. Vào thời ấy ở Tàu dùng chữ Hán, chưa có giấy và kỹ thuật in sách như ngày nay, cũng như tất cả các văn bản đều phải chép và để lại trên các mảnh tre khô. Sau này văn bản này sao chép in qua giấy bản rồi lại được dịch qua chữ Nôm của Việt Nam. Từ chữ Hán qua chữ Nôm đã có sự sai chệch, hoặc như nếu có được nhiều dịch giả Việt Nam dịch thuật ra Việt Ngữ cũng vẫn còn nhiều chỗ làm cho người đọc khó hiểu. Học thuyết của Lão Tử đã là một triết thuyết nằm trong Vô Vi Thuyết, nhiều người đọc hiện nay lại thường chỉ thông thạo về quốc ngữ mà thôi thử hỏi như vậy có làm tăng thêm sự khó hiểu về học thuyết của Lão Tử không.

Tôi thấy một số người hiện nay chỉ còn dùng một số câu của Lão Tử để làm một mớ hành trang ra điều ta có đọc về Lão Tử, chứ thật ra hiểu cặn kẽ và sâu rộng về Lão Tử thì không còn bao người.

Tuy nhiên những câu của Lão Tử được nêu ra ở trên ta có thể luận bàn như thế này theo ngôn ngữ chữ Việt: Đạo là không, trong không có đạo. Đạo là điển quang, từ điển quang có trong không khí mới sinh ra Trời Đất, cái không nhìn thấy được gọi là không khí, là Trời có cái tên và nhìn thấy được là Đất, Mẹ muôn vật.

Cả hai cái gọi là Trời và Đất, cũng từ không khí mà ra thật sâu thẳm đen huyền mịt mờ hỗn độn mà biến hóa ra mọi lẽ khôn lường Vũ Trụ. Trong khi Lão Tử dạy đạo Trời Vô Vi, Thanh Tịnh, tĩnh lặng để hiểu thấu mọi lẽ của Trời Đất. Cũng như Trời biết tất cả mà Trời lại không bao giờ nói “biết thì không nói”. Còn chúng ta chẳng biết gì mà lại nói quá nhiều cho nên ngài mới bảo: “nói thì không biết” là vậy.

Lão Tử đã cho biết như thế này: “Muôn vật, Trời Đất sinh ra từ cái Có, cái Có sinh ra từ cái Không” nếu ta hiểu về Khí Hạo Nhiên, Khí Tiên Thiên thì hiểu Lão Tử rất rõ, khi ta hiểu Lão Tử rõ rồi thì ta biết Lão Tử chính từ Trời mà ra vậy. Luận suy, luận giải chỉ rơi vào vòng mù mịt, mịt mù chứ không bao giờ sáng được. Không bao giờ sáng được thì không bao giờ hiểu được TRỜI.

KHỔNG GIÁO:

Ở thời Xuân Thu, tình hình nước Trung Hoa loạn lạc nhiễu nhương, phân chia ra tới 160 nước lớn nhỏ, chiến tranh lan tràn, cương thường đổ nát, lê dân ta than oán. Nhà Chu đến hồi suy vị, các nước chư hầu nổi dậy mạnh nước nào nước đó tính đường làm bá chủ một vùng như các nước Tề, Tấn, Tống, Tần, Sở, Ngô, Việt, Yên v.v… Ở giai đoạn đó lịch sử nước Trung Hoa được gọi là Xuân Thu chiến quốc hay Xuân Thu thời đại.

Vào thời Xuân Thu loạn lạc như thế nhưng Khổng Tử đã hiện ra đem học thuyết của mình bình thiên hạ lấy nhân, nghĩa, lễ, trí dạy người, đem cương thường chế ngự loạn tâm giữ lại an bình trật tự, cứu vãn, tiến tới dựng xây xã hội thịnh trị.

Trước khi đi vào phần quan niệm của Khổng Tử và Trời. Tôi xin được nhắc sơ lược về thân thế và sự nghiệp của Khổng Tử. Khổng Tử người làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, phủ Duyên Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa. Ông chính là người nước Tống (Hà Nam). Tổ ba đời của Ngài sang nước Lỗ (Sơn Đông). Cha là Thúc Lương Ngột làm quan võ, có ba đời vợ, bà thứ ba là Nhan Thị, chính là mẹ của Khổng Tử. Đức Khổng Tử sinh vào mùa đông tháng 10 năm Canh Tuất năm thứ 21 đời vua Linh Vương nhà Chu. Cũng là năm 551 trước Tây lịch kỷ nguyên. Bà Nhan Thị lên núi Ni Khâu nên Ngài sinh ra mới đặt tên là Khâu, tự Trọng Ni.

Vì Ngài là người có học thuyết nổi tiếng truyền dạy nhiều đời sau cho nên có truyền thuyết ngợi ca như sau: Trước khi sinh ra Khổng Tử, bà Nhan Thị trông thấy con Kỳ Lân nhả tờ ngọc thư có chín chữ viết rằng: “Thủy tinh chí tử, kế suy Chu vi tố vương” ý nói con của thủy tinh, nối nhà Chu đã suy làm vua không ngôi. Bà Nhan Thị thấy vậy lấy dây lụa buộc vào sừng Kỳ Lân, mấy ngày sau Kỳ Lân biến mất. Khi Ngài sinh ra có hai con Rồng quấn chung quanh nhà lại có năm ông lão tức năm vì sao trên Trời xuống đứng giữa sân. Bà Nhan Thị nghe trên trời có âm nhạc và có tiếng nói: “Thiên cảm sinh Thánh Tử; Trời cảm lòng cầu cho sinh con Thánh”.

Học thuyết Khổng Tử đã để lại cho hàng hậu học bao đời nay học hỏi, hầu như tràn lan ra gần khắp thế giới. Nhiều pho sách của Khổng Tử bây giờ đều được nằm trong tất cả các thư viện lớn của nhiều nước và ngay cả các thư viện các trường đại học cũng đều có để sinh viên học hỏi chiêm nghiệm cách trị dân của Khổng Tử.

Đức Khổng Tử có niềm tin vào Trời như thế này: “Đã có người, lại có quỷ, có thần thì tức là có một cái thế lực nào nữa rất to, chủ trương cả toàn thể trong vũ trụ. Cứ lý tự nhiên mà suy ra: nhà có cha, nước có vua, thiên hạ có đế, vũ trụ phải có một Đấng nào làm chủ. Nhưng vũ trụ mênh mông mà chỗ nào cũng thấy tầng Trời xanh xanh bao bọc khắp cả mọi nơi, người ta mới nghĩ ra ông Trời… vậy nên mới gọi Trời là Đế, hay là Thượng Đế. Thượng Đế ở tên Trời cai quản cả bách thần và vạn vật ở trong vũ trụ lại là một đấng chí nhân hay thương nhân”. Kinh thi nói rằng: “Hoàng Hỷ Thượng Đế, lâm hạ hữu bách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc: Đức Thượng Đế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ ràng, xem xét bốn phương để tìm sự khổ của dân mà cứu giúp”. Vậy nên người bao giờ cũng kính sợ Trời, kính Trời và sợ Trời là căn bản đạo đức của người Trung Hoa, Việt Nam và một số nước Á Châu là vậy.

Đức Khổng Tử coi Trời như là cái lý linh diệu vô cùng, Trời là chủ tể muôn vật, chỗ nào cũng có, cho nên phải kính sợ Trời, coi Trời là đấng chí tôn. Trong sách lễ ký Khổng Tử nói rằng: “Vạn vật bản hồ thiên, nhân bản hồ tổ”. Ý nói: muôn vật gốc ở Trời, người gốc ở Tổ.

Quan niệm của Khổng Tử về Vũ Trụ, Trời thì thoạt ban đầu trời chỉ là một khối mịt mờ hỗn độn, đó là thời hỗn mang chi sơ. Thời hỗn mang ấy có cái lý vô hình, rất linh diệu, cường kiện gọi là Thái Cực. Thái Cực huyền bí vô cùng không thể hiểu được cốt lõi, chân tính, chân tướng của thiên lý. Nhưng ta cứ xem sự vạn vật biến hóa thì biết được động thế của lý ấy vậy. Động tể của lý phát hiện ra do hai thế khác nhau: động và tĩnh. Động là dương, tĩnh là âm. Dương cực độ biến ra âm, âm cực độ biến ra dương. Hai thế ấy theo liền nhau tương đối, điều hòa nhau mà biến hóa để sinh ra Trời Đất cùng vạn vật.

Quan niệm của Khổng Tử cho rằng: trong Trời Đất không có cái gì là không luôn luôn biến đổi. Chính thế mà Ngài mới chú trọng nhiều vào Kinh Dịch, chính kinh dịch đã giải tỏa nhiều cho lý học của Nho Giáo cũng là pho sách nói về Trời và dạy người biết lẽ biến đổi của cuộc đời thật sâu xa.

Cốt lõi của Khổng Tử không có gì ngoài việc chú trọng đến đạo làm người. Nếu làm người tròn bổn phận, biết giữ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Biết làm dân hành xử đúng phận làm dân, làm con hành xử đúng phận làm con, làm quan lo tròn chức phận của một vị quan, làm vua tuân hành theo thiên mệnh tức tròn là bậc thiên tử ấy đã hoàn thành một sứ mệnh làm người vậy. Khi mọi người hành xử bổn phận thật người tức là cả nước Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc lo gì không bình được thiên hạ.

PHẬT GIÁO (THÍCH CA PHẬT TỔ):

Trong Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi PHẬT: Tu phước nghiệp gì được sanh lên cõi Trời?

PHẬT đáp: Nếu có chúng sanh nào tin nhân quả của Phật dạy, quy y Tam Bảo, giữ ngũ giới, tu thập thiện, phụng thờ cha mẹ, đoạn tuyệt tà dâm, thường hành chánh đạo, trai tăng cúng Phật, xây tháp lập chùa, đọc tụng kinh điển Đại Thừa, trang nghiêm tưởng Phật, làm lành lánh ác, làm vĩ đại phước đức. Người ấy mạng chung liền sanh lên cõi Trời thứ 33; thọ hưởng phước Trời, vui thú ngũ dục nhiệm mùa; tưởng ăn có ăn, tưởng mặc có mặc. Tất cả đều tự nhiên biến hóa, không cần nhân lực tạo tác. Một ngày lên Trời bằng 100 năm ở nhân gian, ai cũng đủ năm món thần thông, khoái lạc tiêu diêu tự tại.

Lại nữa này Văn Thù Sư Lợi, thế gian phần nhiều tà sư ngoại đạo, không biết thiện ác, nhân quả, không hiểu luân hồi, báo ứng, tâm cứ một bề ngông cuồng, điên đảo tin theo tà kiến, tôn thờ quỷ thần, tu theo giáo lý ma quỷ, mê hoặc người đời, giết hại vô số cầm thú: heo, dê, trâu, ngựa; tự mình tham ăn thịt, giết hại thân mạng của chúng sanh; lại nói dối để tế Trời, tế Đất, cúng Thần, cúng Quỷ, cầu phước, cầu thọ để bảo hộ nhà cửa, thân mạng; lấy cớ dâng cúng quỷ thần; để ăn hưởng của người. Lại thêm vẽ bùa niệm chú, truyền dạy người đời, dối gạt bùa chú này có công năng đưa người lên cõi Trời. Mục đích chỉ vì tham lam của người, để sanh sống cách tà vậy; nếu giết mạng cứu được mạng, thì các bậc Vương hầu thường sống không chết. Nếu vẽ bùa đọc chú mà hay độ người đời thì các tà sư đều lên Trời hết. Ở đời những người mê muội theo các tà thuật ấy thì cả nhà đưa nhau xuống địa ngục. Một phen mất người thân muôn kiếp khó trở lại.

Chính vậy mà sau khi tịch diệt Đức Phật đã để lại lời tiên tri bất hủ: “Sau khi Như Lai tịch diệt rồi, có nhiều thứ ma ba-tuần vào trong Phật pháp, ở trong chùa ta, lạm xưng là đệ tử Phật, cùng với các nhà đàn việt, ăn thịt uống rượu, làm nhơ bẩn cảnh thanh tịnh của Phật… Những hàng lục sư ngoại đạo ba tuần nay về đời mạt pháp vào trong đạo ta, phá hoại chùa chiền, hủy bằng chánh pháp của Phật, tiêu diệt phần sự tướng của giáo lý vô thượng”…

VỀ CÕI TRỜI ĐAO LỢI:

Đây như một câu chuyện về Đức Phật Tổ về cõi Trời Đạo Lợi để thuyết pháp. Từ câu chuyện này của Ngài Thông Kham biên soạn nói về Lịch Sử Đức Phật Tổ do Tịnh Xác Minh Đăng Quang của Pháp Chủ Hòa Thượng Thích Giác Nhiên ấn hành. Tôi xin được trình lại để chúng ta cùng thấy sau khi Đức Phật Thích Ca Đắc Đạo Ngài đã trở về nhiều cõi Trời để thuyết pháp cho hàng Chư Thiên và như vậy tức là còn nhiều cõi Trời khác nhau Cõi Trời Đạo Lợi. Câu chuyện Ngài Thông Kham kể lại như thế này:

“Sau khi dùng thần thông thắng ngoại đạo xong. Đức Thế Tôn liền dùng Trí Tuệ quan sát coi: Thường khi chư Phật lúc quá khứ làm những gì, ngự đi đâu sau khi thắng ngoại đạo? Đức Thế Tôn thấy chư Phật quá khứ sau khi thắng ngoại đạo xong, Ngài liền ngự lên cõi Trời Đạo Lợi nhập Hạ và thuyết pháp độ Phật Mẫu. Pháp mà chư Phật quá khứ thuyết ở cõi Đạo Lợi như trào lưu chảy rất mạnh giữa chư Thiên.

Đức Phật Mẫu có cúng dường phấn cây hương và đã có phát nguyện dưới chân Đức Chánh Đẳng Chánh Giác có hồng danh Vipassi nguyện rằng: Xin cho được sanh một quý tử là vị Đại Bồ Tát và vị ấy sẽ đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác như Ngài (Đức Thế Tôn Vipassi). Hôm nay nguyện vọng của Phật Mẫu đã đoạt thành. Đức Thế Tôn nghĩ Mẫu hậu Ta là người có công ơn với Ta nhiều không chi đo lường được, khó cho người phụ nữ nào can đảm hành được chư Mẫu hậu Ta. Khi ấy Đức Thế Tôn đứng trên cây xoài tên Gandhamanava. Ngài liền dùng chân mặt bước lên ngọn cây xoài. Khi ấy như hai quả núi to nhất là Yugandha và Isinadhara nói với Đức Thế Tôn rằng: Bạch Đức Đại Giác, xin Ngài chẳng nên nhọc sức bước đi xa, hai chúng tôi cao hơn tất cả các quả núi có trong thế gian này, không bao giờ biết kinh sợ và rung động trước một oai lực nào của ai, hôm nay chúng tôi xin chịu phục tùng dưới chân Ngài, Ngài là người có nhiều công đức vô lượng, vô biên, Ngài là Đấng Giác Ngộ. Chỉ có Ngài là đấng bố thí Đầu, Tim, Thịt, Máu, Vợ, Con không nguyện vọng gì hơn là độ Phật Mẫu là đấng hữu ân với Ngài không biết lấy chi đo lường cho được. Chúng tôi xin cúi dâng cái đầu này để làm nấc thang Ngài bước lên Cõi Trời Đạo Lợi.

Khi ấy hình như hai quả núi ấy hạ thấp xuống dưới chân Đức Thế Tôn, Ngài liền bước chân trái lên hai quả núi ấy là bước thứ nhì. Khi Đức Thế Tôn sắp bước bước thứ ba thì bỗng dưng quả núi tu di cúi xuống bên chân Ngài, khi Ngài để bước chân lên chóp núi Tu di thì bỗng dưng ngọn núi ấy cao lên đến 68 do tuần làm cho chúng sanh không còn thấy Đức Thế Tôn được nữa. Khi Đức Thế Tôn dùng thần thông và ngự đi tất cả những người có mặt nơi ấy đều thấy như đứng bên Ngài vậy.

Liền trong khi ấy Đức Thế Tôn hiện lên hỏi Cõi Trời Đạo Lợi và ngự trên tảng đá Pandukamabala là ngai vàng của Đức Đế Thích. Hào quang của Ngài chiếu trùm cả hào quang của chư Thiên tên Cõi Trời Đạo Lợi, làm cho Chư Thiên hết sức ngạc nhiên và vô cùng trong sạch với Ngài.

Đức Thiên Vương Đế Thích lấy làm hân hoan là được Đức Thế Tôn ngự trên Ngai của mình. Sự thật Chư Thiên không có dịp hay cơ hội nào để bố thí làm việc lành, nên khi được dịp bố thí thì rất vui lòng, nhất là được Đức Thế Tôn hỏi đến hay thọ những gì. Xét ra thì chúng ta làm người thật là có phước vì chúng ta có dịp bố thí cúng dường, thọ giới v.v… còn Chư Thiên thì không được như ta. Vì cõi Trời không ai nghèo khó, không có vị đại đức nào đón khất thực, vì vật thực ấy người thường như chúng ta không dùng được, và của cải châu ngọc trên ấy không thể cho chúng ta được. Vì chúng ta là người không xứng đáng dùng đồ ấy.

Khi ấy Đức Đế Thích dùng thần thông gọi Chư Thiên rằng: Hỡi các thiện hữu đang vui chơi trong các đền đài, ít khi nào Đức Thập Lực ngự đến cõi này. Sự thinh pháp của vị Chánh Đẳng Chánh Giác thật là khó mà gặp được. Chúng ta phải hẳng bao nhiêu tỷ năm mới có cơ hội như ngày hôm nay, thật là dịp may rất hiếm có. Các bạn chẳng nên dễ đuôi hãy đến nghe pháp, tạo căn duyên lành để giải thoát, tiếng nói của Đức Đế Thích vang rền cả Cõi Trời Đạo Lợi. Chư Thiên nghe tiếng kêu gọi ấy mới hỏi nhau rằng: Đức Phật là vị chiến thắng ngũ ma, các phiền não đều bị Ngài tiêu diệt, dập tắt những nỗi uất ức trong lòng và đã đoạt được quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài đã ngự đến cõi Đạo Lợi mà ở nơi nào bạn có biết không?

Có vị biết nên bảo nhau rằng: Ngự dưới tàng cây ngọc, trên tảng đá là Ngai vàng của Đức Thiên Vương Đế Thích, nơi mà Đế Thích thường ngự đến để hội Chư Thiên. Khi ấy mỗi vị Chư Thiên đều mang tràng hoa tươi đẹp đến nơi ấy để cúng dường Phật Bảo.

Khi Chư Thiên hội họp lại đông, không biết bao nhiêu Đức Thế Tôn xem không thấy Phật Mẫu nên Ngài mới hỏi Thiên Vương Đế Thích rằng: Phật Mẫu ở nơi nào, Như Lai không thấy?

Đức Đế Thích nghe Đức Thế Tôn phán hỏi như thế, Ngài biết rằng Đức Như Lai ngự đến đây, cốt để độ Phật Mẫu vậy ta nên đi thỉnh bà đến nghe pháp. Nghĩ xong Ngài liền đảnh lễ Đức Thế Tôn, thân hành lên cõi trời Đầu Xuất, đến đền của bà Maya làm lễ lệnh bà xong rồi thưa rằng: Kính thưa lệnh bà, tôi xin đem tin lên cho bà rõ, hiện giờ đấng cứu thế đang ngự trong cõi của tôi và Ngài đang chờ lệnh bà để thuyết pháp độ chúng tôi.

Khi lệnh bà Maya nghe vậy lấy làm hoan hỷ phán hỏi rằng: Này Thiên Vương vậy con ta tên gì? Có thân hình đẹp như thế nào? Và đang ở trong hạng nào?

Kính thưa lệnh bà, Thái tử là người rất hoàn toàn cao thượng, tướng hào quang minh hơn tất cả chúng sanh trong Tam Giới và Sa môn và Bà la môn, Ngài có đặc ân cao thượng hơn tất cả chúng sanh trong Tam Giới. Ngài là Thiên Nhân Sư, Ngài có hồng danh là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lệnh bà nghĩ: Vậy con ta tên là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tướng hào quang minh hơn tất cả nhân loại và các bậc Sa môn và Bà la môn; và hôm nay có ý định thuyết pháp độ ta. Lệnh bà lấy làm thỏa mãn là có một người con cao thượng nhất trong Tam Giới. Lệnh bà liền dẫn cả phi tần trong điện của bà ngự đến Cõi Trời Đạo Lợi Khi đến nơi đảnh lễ Đức Phật xong rồi, ngồi về hướng Đông, Bà thấy Đức Phật có 32 tướng tốt, tám mươi tướng phụ hào quang chiếu sáng hơn tất cả Chư Thiên các cõi đến nghe pháp, bà phát tâm trong sạch và nghĩ: Ta là người đại phước, ta có hạnh phúc nhất trong tam giới mới được đứa con cao thượng đem lợi ích cao thượng đến cho chúng sanh trong Tam Giới.

Đức Thế Tôn muốn tế độ Phật Mẫu nên nghĩ rằng: Công ơn Phật Mẫu đối với ta cao lớn sâu rộng không chi đo lường được. Vậy ta phải dùng pháp nào tương đối cao thượng như công đức của bà. Tạng Kinh và tạng Luật mỗi tạng có hai muôn một ngàn Pháp môn vẫn còn ít đối với công đức của Ngài. Chỉ có Abhidhamma (vi diệu pháp) có 4 muôn hai ngàn pháp môn mới xứng đáng với công đức của Ngài đối với Như Lai. Trong Abhidhamma (vi diệu pháp) có 7 bộ rất là cao sâu màu nhiệm thật mới xứng đáng với giá sữa mà Ngài nuôi dưỡng ta ằng bao nhiêu kiếp khi ta còn đang luân hồi. Phàm những công đức nào cao quí phải đền lại bằng pháp cao quí.

Nghĩ xong Đức Thế Tôn mới đưa tay mặt ra về hướng Phật Mẫu đang ngồi rồi nói rằng: Thưa Mẫu hậu, xin lệnh Mẫu hậu hãy đến gần đây để Như Lai được trả món nợ vĩ đại là sự cực nhọc chăm nom săn sóc cho Như Lai bú mớn từng giọt sữa, miếng cơm trong khi còn luân hồi trong tam giới.

Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết độ Vi Diệu Pháp ấy chia ra làm 7 phần khác nhau, thuyết trót 3 tháng Hạ tại Cõi Trời Đạo Lợi. Đức Thế Tôn độ Phật Mẫu đắc được Tu Đà Hương quả và Chư Thiên thành đạo vô số kể”.
THƯỢNG ĐẾ GIẢNG CHÂN LÝ

(Nói về Trời qua Kim Thân Cha)

Để người đọc hiểu tại sao có Thượng Đế Giảng Chân lý tôi xin sơ lược giới thiệu vài hàng về Đức Kim Thân Cha.

Vào năm 1976 tại Đà Lạt, có một cô gái tên Kim. Cô là người theo Tây học, cực nữ sinh trường dì phước Couvent Des Oiseaux Đà Lạt. Cô đã đỗ Cử Nhân là nười có căn cơ nên ăn chay trường, nghiên cứu và thông hiểu giáo lý Thông Thiên Học. Cô nuôi dạy nhiều trẻ mồ côi, cô được Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn chọn để đưa điển quang xuống giảng về Long Hoa Đại Hội về cơ Quy Nhất, Tam Giáo Quy Nguyên, Ngũ Chi Hiệp Nhất. Sau khi luồng điển của Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn lâm phàm đã thanh tẩy thân xác cô và dùng điển quang dạy cô về Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp do Đức Tổ Sư Đỗ Thuần Hậu khai sáng ra.

Cô cũng đã được khai mở huyện Bách Hội cũng như các luân xa trong bản thể nên đã tiếp nhận luồng ân điển có một không hai, bởi vì từ cổ chí kim cho đến nay loài người và khắp vũ trụ Càn Khôn sẽ có một biến chuyển vô cùng trọng đại: Đó là sự thay Trời đổi Đất để đưa nhân loại cùng vạn vật tiến lên đời Thượng Ngươn Thánh Đức, Thiên Đàng tại thế. Chính vì vậy mà Thượng Đế, Trời, Chúa Tể Càn Khôn, Đại Hồn, Đại Linh Quang, Cha Linh Hồn muôn loài vạn vật phải chiết luồng ánh sáng xuống bản thể một người nữ tu để rao giảng về những chuyển biến, của Trời, của Đất, của Người ngõ hầu muôn người sớm tỉnh ngộ tìm đường tu học để kịp và được có mặt tham dự Long Hoa Đại Hội, tham dự đời Tân Dân Minh Đức.

Người viết cũng không còn đủ thì giờ để bàn cãi, tranh luận với bất cứ một ai, cũng không bận tâm đến hý ngôn lộng khẩu nói về Thượng Đế Giảng Chân Lý thế này, thế kia như ít người đã đàm tiếu về Kim Thân Cha. Tôi chỉ xin trích lại một số đoạn mà Thượng Đế qua Kim Thân Cha đã giảng. Còn kỳ dư dư hiểu thế nào và nghĩ ra sao thì còn tùy liệu ở nơi người đọc nhận biết. Một số đoạn Thượng Đế, Cha Trời nói về TRỜI như dưới đây, mời quý vị tham khảo:

“Ông Trời là Đấng Toàn Giác, Toàn Năng. Đã là toàn giác, toàn năng thì phải có cả thiện lẫn ác. Ông biết thiện mà chưa biết ác, tức là có chỗ chưa biết. Có chỗ chưa biết sao gọi là toàn giác? Ông chỉ làm điều thiện mà chẳng làm điều ác là có chỗ chưa làm. Có chỗ chưa làm sao gọi là toàn năng? Cho nên Thượng Đế phải thiện mà ác luôn! Và Ông Trời thiện nhất Càn Khôn mà cũng ác nhất Càn Khôn! Trong Càn Khôn này không ai ác bằng Thượng Đế! Nhưng rồi Thượng Đế vừa đại ác, vừa là Đấng Toàn Giác nên Ngài biết sử dụng cái ác cho mục tiêu đại từ bi. Tại sao đại từ bi con? Vì con phải hiểu, tất cả những cảnh khổ, những thảm kịch diễn bày dưới trần gian đều nằm trong định luật tiến hóa của Vũ Trụ. Phải cần thiết có những cảnh đó.

Những cảnh đau thương, giết chóc, máu lệ dưới hồng trần đều cần thiết cho bánh xe tiến hóa vận chuyển. Thử hỏi không có những cơ khổ này làm sao các con có bài để học hỏi, Cha đã nói với các con, Cha chiết Đại Hồn Cha thành những Tiểu Hồn, cho chúng con xuống thế để học hỏi. Tuân theo định luật Tiến Hóa, Tiểu hồn con từ trên thanh nhẹ xuống cõi nặng nề để đi học. Đã đi học thì phải nếm, phải chứng nghiệm, chứng nghiệm đủ thứ, nếm mùi đủ thứ, nếm vui rồi phải nếm khổ, nếm ngọt rồi phải nếm đắng luôn. Phải nếm hết, phải chứng hết để biết chứ con!…”

“…Cha là một khối sinh động vô tận, vì Cha là Đấng Toàn Giác nên trạng thái nào Cha cũng có, nếu Cha không biết đến trạng thái nào sao gọi là Cha Toàn Giác? Vì Cha là Đấng Toàn Năng, nên Cha phải biết hết mọi thứ, chuyện gì Cha cũng làm. Nếu Cha không làm một chuyện gì sao gọi Cha Toàn Năng? Trạng thái nào cũng có, chuyện gì Cha cũng làm do đó Cha phải là thằng cực động nên Cha thành cực tịnh luôn con! Con hãy hình dung, nếu một vật đứng im trước mặt con, con sẽ thấy nó rõ rệt. Khi nó bắt đầu di động, con sẽ khó thấy nó hơn một chút. Khi nó chuyển động ở một tốc độ cực nhanh, con sẽ thấy nó ẩn ẩn, hiện hiện không còn rõ nữa. Và khi nó chuyển động với một tốc lực nhanh hơn tốc lực mà đôi mắt con có thể kiểm soát được, thì vật ấy bỗng trở nên như biến mất, như vô hình, con không còn thấy được nó nữa. Vậy phải chăng vật có rồi thành không? Nói hiện tượng này để con phần nào tạm hình dung Thượng Đế. Vì Thượng Đế ở trạng thái cực động và động đến một vận tốc kinh hồn, nên Ngài trở thành hư không vắng lặng, cực thanh cực tịnh đó con.

Cho nên “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc là vậy”. Có mà không, không mà có, trong cái không nó có cái có, trong cái có nó có cái không. Vì vậy, con đừng ngộ nhận rằng hư không là một khối trống rỗng chẳng có thứ gì, chẳng có cảm giác gì, chẳng có trạng thái gì, thế thì cái hư không đó, có gì hay, đẹp, có gì quyến rũ để đạt tới đó đâu? Các con lầm to rồi!

Thực sự hư không là một khối sinh động, mãnh liệt vô biên, đến mức độ nó trở nên cực thanh tịnh, không không, như như vô cùng tận. Do vậy nó không rỗng tuếch mà bao gồm mọi thứ, mọi tính, mọi trạng thái từ trược tới thanh, gồm cả địa ngục, trần gian, niết bàn v.v… Mọi cảnh sắc sinh động, không thiếu một thứ gì. Có như vậy hư không mới là một nguyên lý vô cùng, là chân lý tối thượng, là Thượng Đế đó con! Vì chân lý tối thượng gồm mọi trạng thái, trược, thanh, ác, thiện, tối, sáng v.v… Nếu hư không là chân lý tối thượng thì hư không phải gồm thâu hết những thứ đó con!

Cho nên nguyên lý vô cùng tức Chân Lý tối thượng, cũng gọi là Thượng Đế và cũng là hư không đó! Thượng Đế cũng có tên là Đấng Hư Không! Thế nên, ở ngôi của Đấng Hư Không Cha hưởng vô cùng tận. Cha nếm hết, hưởng hết, biết hết mọi cảm giác, mọi trạng thái, mọi cảnh sắc cùng một lúc, và trạng thái “động cực động”, “tịnh cực tịnh” này thật đẹp đẽ, thật tráng lệ, thật huy hoàng, thật tuyệt diệu, thật kỳ ảo, vô lượng vô biên mà không một ngôn ngữ, không một bút mực nào nói lên hết được. Mọi diễn tả đều phải bất lực trước hư không! Và nếu hư không diễn tả ra được, thì nó chẳng còn là Chân Lý bất khả tư nghị nữa! Những cái này thật cao siêu, các con ráng có một chút ý niệm về nó, vì chỉ khi con về ngôi Cha chứng nghiệm nó, con mới thật hiểu nó mà thôi…”

Khi đề cập đến Hắc Bì Phật Tổ Thượng Đế đã giải như thế này: “…Hắc Bì Phật Tổ nắm quyền chủ tể âm dương chính là CHA ở ngôi Thái Cực đó con. Danh Hắc Bì Phật Tổ cũng là danh của Cha nữa. Hắc Bì Phật Tổ hay Huyền Khung Cao Thượng Đế Đại Thiên Tôn, hay Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn v..v.. cũng là Cha! Cha có vô số danh. Bên Cao Đài Giáo, Cha còn tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát hay Phước Đức Tiên Ông Kim Viết Cao Đài v.v… nữa đó con! Cho nên, nếu chúng con muốn tưởng Cha, muốn niệm danh Cha, chúng con có thể niệm: “Nam Mô Huyền Khung Cao Thượng Đế Đại Thiên Tôn” hay “Nam Mô Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn” hay “Nam Mô Hắc Bì Phật Tổ” v.v… đều được cả, miễn rằng khi con niệm danh đó có ý tưởng nhớ đến Đấng tạo hóa muôn loài là được rồi…”.

Người viết đã đem một số quan niệm cũng như các lời dạy của Lão Giáo, Không Giáo, Phật Giáo của cả chính Thượng Đế giáng Điển qua Kim Thân Cha tại Việt Nam để nói về Trời. Việc này chứng tỏ muôn đời danh từ TRỜI đã là một thực thể để con người đọc hiểu, tiến hóa đến chỗ tận cùng của cái tận cùng Hư Không Đại Định. Tất cả theo người viết chỉ là lý và thuyết để đọc cho vui, cho thỏa chí tò mò, hoặc giết thì giờ những khi rảnh rỗi mà thôi. Còn những ai thứ trí muốn tìm hiểu, học biết một cách tường tận thì tôi vẫn nhấn mạnh đến chuyện thực hành. Chỉ có thực hành tu đạo, luyện đạo mới mong tự mở, tự thức để hiểu về Trời, Phật, Đất, Người. Còn có cả thiên kinh vạn quyển trên cõi đời này từ xưa cho đến nay chỉ là phương tiện giống như chúng ta qua sông cần phải có con đò. Qua sông rồi phải nhường đò cho người khác qua sông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét