Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 319-320


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA
 #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 319. Ma độ yết ra

Dịch: Ma Độ tức Một Đà, dịch là “Giác giả”. Yết Ra dịch là “Chủng tộc Thế Tôn”, Phật bảo.

Kệ:

Giác giả từ bi nhiếp hữu tình
Thánh hiền thiết giáo hoá ương minh
Thế Tôn chủng tộc Phật bảo ấn
Đăng đăng hổ chiếu tâm truyền tâm.

Nghĩa là:

Phật đà từ bi nhiếp hữu tình
Thánh hiền thiết giáo hoá ương ngu
Chủng tộc Thế Tôn Phật bảo ấn
Đèn đèn chiếu nhau tâm truyền tâm.

Giảng giải: 

Ma Độ, câu Chú nầy, ở trong bài Chú có “Một Đà Nẩm”, hoặc Phật đà, dịch ra là “Giác giả”, tức là bậc Giác ngộ, là một danh từ của Phật, cho nên nói “Phật đà từ bi nhiếp hữu tình”, Phật là từ bi nhất, thấy chúng sinh điên đảo như vậy, xuất gia rồi cũng chẳng tu đạo, dục niệm vẫn còn nặng, vẫn không giữ quy cụ, nhưng Phật đối với chúng ta vẫn dùng mắt từ nhìn chúng ta, chính chúng ta phải sinh tâm hổ thẹn, đừng cho rằng Phật Bồ Tát không nhìn thấy lỗi chúng sinh, lỗi của chúng ta, thì có thể tuỳ tiện tạo tội nghiệp.

Giả sử trăm ngàn kiếp
Nghiệp tạo ra chẳng mất
Khi nhân duyên hội ngộ
Quả báo mình tự chịu.

Chúng ta ở trong đạo tràng, suốt ngày đến tối không trợ giúp người khác, còn đến chướng ngại người khác, đợi tương lai mình có đạo tràng rồi, sẽ thường thường phát sinh ma chướng, mọi người cũng đều cùng ở với nhau chẳng tu hành. Tại sao vậy? Vì thiện thì ít, còn ác thì nhiều, người như thế nào thì tìm người như thế ấy. Bạn cứ làm việc sai nhân quả, một mặt thì tu hành một chút chút, một mặt thì lại làm việc sai nhân quả, tương lai trong đạo tràng của bạn cũng sẽ có một chút khổ, lại có một chút nghiệp; có một chút thiện, lại có một chút ác. Nhân quả thì tơ hào không sai, cho nên nói giả sử trăm ngàn đại kiếp, nghiệp đã tạo ra sẽ không mất đi, không bao giờ mất. Đợi khi nào nhân duyên quả báo cùng nhau đến, thì báo ứng vẫn là chính mình tự chịu lấy. Cho nên chúng ta xuất gia tu hành đã lâu, hơn mười năm cũng có, năm sáu bảy tám năm cũng có, vẫn không hiểu được việc coi chừng nhân quả, vẫn tuỳ tiện nói chuyện, tuỳ tiện chướng ngại người khác, tạo ra việc ly gián, dùng thủ đoạn để hại người khác, tương lai sẽ phải thọ quả báo. Tuy Phật từ bi nhiếp độ tất cả hữu tình, hữu tình thiện Ngài cũng muốn nhiếp thọ, hữu tình ác Ngài cũng muốn nhiếp thọ, Ngài tận hết sức lực của Ngài, để nhiếp thọ tất cả chúng sinh khổ não.

“Thánh hiền thiết giáo hoá ương ngu”: Tại sao chư Phật Thánh hiền quá khứ, không sợ phiền phức trở lại để giảng Kinh thuyết pháp giáo hoá chúng sinh? Vì các Ngài thấy chúng sinh chưa chưa lìa khổ được vui, nguyện lực của các Ngài vẫn chưa viên mãn. Có người tu hành có chút công phu, chúng ta bèn sinh ra tâm đố kị, hoặc làm đủ thứ sự chướng ngại, để phá hoại sự tu hành của họ, như vậy thật là sai lầm. Chúng ta nên hy vọng tất cả mọi người đều thành Phật đạo, ai ai cũng đều giỏi hơn mình, như vậy mới là chân chánh người tu đạo. Không thể ở trong đạo tràng tranh danh đoạt lợi, sợ mình mất đi quyền lực, sợ mình mất địa vị, cứ dụng công trên danh lợi như thế, thì thật là đáng thương sót.

Tu hành đã nhiều năm, mà tâm danh lợi vẫn chưa buông bỏ được, như vậy bạn tu cái gì? Đó thật là chẳng tu gì cả! Câu kệ nói “Ương ngu”, là ương ngu chẳng linh, ương ngạnh cứng cỏi không dễ gì giáo hoá, giống như đá, bạn nói gì với họ, họ cũng chẳng hiểu. Nhưng “Sinh công thuyết pháp, đá cứng điểm đầu”, cho đến đá cứng đều điểm đầu, ương ngạnh cứng cỏi là không hiểu, ngu là chẳng có tri giác gì, đứng tại đó, đứng giống như ngủ, lại giống như sâu bọ đến mùa đông thì ẩn dưới đất, bị thời tiết lạnh đóng băng, đợi đến năm sau, thời tiết ấm lại thì mới sống trở lại, đây tức là ương ngu. Chúng đang ở đó ngủ, tuyết phủ kín khắp, giống như chết, không hiểu cái gì hết, sau đó thời tiết ấm lại, thì chúng lại sống trở lại, thì gọi là ương ngu. Tâm bi tha thiết của các Thánh hiền giáo hoá chúng ta chúng sinh khổ não thế gian, chẳng sợ buồn phiền thiết lập Phật giáo, để độ hoá tất cả hàm thức, khiến từ trong mộng tỉnh ngộ, minh bạch hiểu biết.

“Chủng tộc Thế Tôn Phật bảo ấn”: Chủng tộc của đức Thế Tôn tức là chư Phật Bồ Tát, đây là nói về Phật bảo ấn.

“Đèn đèn chiếu nhau tâm truyền tâm”: Phật Phật đạo đồng, giống như đèn với đèn cùng chiếu sáng nhau, bạn thấy đèn ở trong phòng nầy cũng có ánh sáng, đèn kia cũng có ánh sáng, ánh sáng với ánh sáng chiếu nhau, không có xung đột. Ánh sáng đèn điện nầy không có nói: “Đây là chỗ của tôi, ánh sáng của bạn hãy đi đến chỗ khác đi, đừng có ở đây”. Chúng chẳng có tư tưởng như thế, mà là ánh sáng chiếu sáng với nhau, nhiều ánh sáng một chút, thì sáng hơn một chút, bớt đi ánh sáng một chút, thì tối hơn một chút. Ánh sáng với ánh sáng không có xung đột lẫn nhau, ánh sáng của đèn là ví dụ như ánh sáng của Phật, Phật với Phật cũng không có nói: “Hiện tại tôi đã thành Phật rồi, bạn đừng có thành Phật! Nếu bạn thành Phật thì che mờ đi ánh sáng của tôi”, chẳng có tư tưởng như thế. Cho nên chúng ta ở trong đạo tràng không nên đố kị người khác, bằng không, tương lai quả báo nhất định sẽ đoạ vào địa ngục hầm phân, vừa bẩn vừa thối, mùi vị rất là khó ngửi. Bạn sẽ nhanh chóng biến thành sâu bọ trong hầm phân, tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, mà các vị không chú ý nghe. Đây là sự việc chân thật, đợi các vị đoạ lạc vào trong hầm phân rồi mới nói rằng: “Sư Phụ! Lúc đó con không nghe lời sư phụ, bây giờ thành sâu bọ trong hầm phân, biết làm sao đây? Hãy mau đến cứu con”! Như vậy là cũng muốn kéo tôi vào trong hầm phân!



🔔 320. Tát bà ra tha ta đạt na

Kệ:

Nhất thiết lợi hành kiêm phú nhiêu
Độ hữu tình chúng xuất ngục lao
Kim Cang thiện thần hộ Tăng bảo
Tự tại bồ đề lạc tiêu dao.

Nghĩa là:

Tất cả lợi hành và đầy đủ
Độ chúng hữu tình thoát ngục tù
Kim Cang thiện thần hộ Tăng bảo
Giác ngộ tự tại vui tiêu dao.

Giảng giải: 

Câu Chú nầy dịch ra là “Tất cả lợi hành”, lại dịch là “Giàu có đầy đủ”, làm việc gì cũng đều muốn lợi ích chúng sinh, cho nên câu kệ nói “Tất cả lợi hành và đầy đủ”, sức lực của chính mình rất giàu có đầy đủ, việc làm cũng rất giàu có đầy đủ, lợi ích chúng sinh, khiến cho họ cũng rất giàu có đầy đủ. Tóm lại, người tu đạo là muốn có lợi ích đối với người khác, chẳng phải là muốn có chỗ hại người khác. Phàm là việc có lợi ích đều nên nhường cho người khác, đừng có tự mình chiếm lấy. Bạn lợi ích người khác thì mới là tu Bồ Tát đạo, cứ nghĩ muốn hại người khác đó là ma quỷ đạo.

“Độ chúng hữu tình thoát ngục tù”: Phải độ tất cả hữu tình thoát khỏi ngục tù ba cõi. Hữu tình tức là sinh vật có máu, có khí. Ba cõi tức là cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc.
“Kim Cang thiện thần hộ Tăng bảo”: Câu Chú nầy cũng là tên của Kim Cang thiện thần, Ngài ủng hộ Tăng bảo.
“Giác ngộ tự tại vui tiêu dạo”: Chứng được giác đạo sẽ rất tự tại, an vui, tiêu dao.


Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét