Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 355-356


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔  355. Cu hê dạ cu hê dạ

Kệ:

Thập phương vân tập chúng Thánh hiền
Vạn Phật Thành trung khai pháp diên
Như Lai tự lý đồng tụ hội
Vô Ngôn Đường thượng ngộ chân thường.

Nghĩa là:

Chúng Thánh hiền mười phương vân tập

Mở pháp hội trong Vạn Phật Thành
Cùng tụ hội trong Như Lai tự
Nơi Vô Ngôn Đường ngộ chân thường.

Giảng giải: 

Ý nghĩa câu Chú nầy là « Tụ hội », khắp chúng hội. Tụ hội tức là mọi người cùng nhau tụ hội lại, khắp chúng hội là các Thánh hiền mười phương thế giới, đều tụ hội lại với nhau, cho nên bài kệ nói “Chúng Thánh hiền mười phương vân tập, Mở pháp hội trong Vạn Phật Thành”. Mười phương tức là thế giới nầy, thế giới kia, vô lượng các thế giới, đông, tây, nam, bắc, tức là bốn phương, thêm đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, phương trên, phương dưới, cộng lại là mười phương. Mười phương chư Phật Bồ Tát Thánh hiền đều vân tập lại với nhau, vân tập tại đâu? Đều vân tập tại Vạn Phật Thành.

“Mở pháp hội trong Vạn Phật Thành”: Ở tại đó có đại pháp hội, đả mười thiền thất, đại pháp hội nầy, chẳng phải là nhân duyên nhỏ. Trong Vạn Phật Thành mở đại pháp hội, dùng pháp làm thức ăn, giống như mọi người thỉnh mời người khác dùng cơm, chúng ta thỉnh mời mọi người ăn pháp vị, Vạn Phật Thành cũng rất lớn, tụ hội tại chỗ nào?
“Cùng tụ hội trong Như Lai tự”: Bạn thấy mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư hiền Thánh, các vị A La Hán, đều tụ hội tại đạo tràng Như Lai Tự trong Vạn Phật Thành, sau đó từ Như Lai Tự mọi người niệm Phật, đánh mõ tiếp dẫn đi đến Vô Ngôn Đường.

“Nơi Vô Ngôn Đường ngộ chân thường”: Nơi Vô Ngôn Đường có thuyết pháp không lời, mỗi người đều phản văn văn tự tánh (nghe ngược lại tánh nghe của mình), tánh thành vô thượng đạo, thể ngộ chân thường. Vô Ngôn Đường là nơi việc vô vi, thực hành lời dạy không lời, chúng ta ở trong đó diễn nói pháp nầy, vậy có gì để chứng minh? Có, tại sao gọi là Vô Ngôn Đường? Vì everything’s Ok, tôi cũng không nói, các vị cũng không nghe. Tôi ở đó nói pháp, các vị có ngủ cũng được, đi cũng được, ngồi cũng được, đứng cũng được, nằm cũng được, cho nên nói everything’s Ok, chỉ cần bạn ngộ chân thường là tốt rồi, đây là câu Chú nầy.

Các vị thấy đây chẳng phải là tin tức mới chăng? Chẳng phải tôi tìm câu văn trích ra từ bộ kinh sách nào, vì trong đó cũng chẳng có Vạn Phật Thành, cũng chẳng có Như Lai Tự và Vô Ngôn Đường, đây đều là tin tức mới, chẳng phải là cơm nguội chiên lại, chẳng phải mọi người đã nói rồi, tôi lại đem ra nói lại, tôi chỉ là mình hiểu được bao nhiêu thì nói bấy nhiêu.



🔔 356. Ca địa bát đế

Kệ:

Siêng hành giải thoát Vô Động tôn
Bát Nhã diệu cú chiếu quang minh
Kim Cang Tạng Vương Bồ Tát chúng
Tam Bảo chư Thiên bát bộ thần.

Nghĩa là:

Đấng Bất Động siêng tu giải thoát
Bát Nhã vi diệu chiếu quang minh
Chúng Bồ Tát Kim Cang Tạng Vương
Tam Bảo chư Thiên Long bát bộ.

Giảng giải: 

Ca Địa dịch ra có ba nghĩa:

1. Siêng hành: Đừng lười biếng, lúc nào cũng tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si, ngày đêm đều phải dụng công tu hành.
2. Giải thoát: Tức là tự do tự tại, vô câu vô thúc, vô quái vô ngại, viên dung vô ngại, chẳng có tơ hào chấp trước và chướng ngại.
3. Vô động: Tức là bất động, ai có thể như như bất động, rõ ràng sáng suốt? Phật mới có thể. Như như bất động, rõ ràng sáng suốt, thì không bị tất cả cảnh giới làm lay động, mà chuyển được tất cả cảnh giới, cho nên nói “Đấng Bất Động siêng tu giải thoát”.

“Bát Nhã vi diệu chiếu quang minh”: Bát Đế tức là Bát Nhã diệu cú, tức cũng là kinh điển trí huệ, câu chú trí huệ. Đây là nói câu Chú nầy bao quát vô lượng vô biên Bát Nhã trí huệ, bao quát vô lượng vô biên môn đại Bát Nhã. Biểu hiện của trí huệ tức cũng là đại quang minh tạng, chiếu khắp mười phương, khiến cho mười phương chúng sinh đều hết ngu si, đắc được đại trí huệ Bát Nhã.

“Chúng Bồ Tát Kim Cang Tạng Vương”: Đây là một chúng hội của Kim Cang Tạng Vương, Kim Cang Tạng Vương suất lãnh tất cả chúng Bồ Tát.
“Tam Bảo chư Thiên Long bát bộ”: Có thường trụ thập phương Phật, có thường trụ thập phương Pháp, lại có thường trụ thập phương Tăng. Mười phương vô tận vô tận thường trụ Tam Bảo và thêm tất cả trời dục giới, trời sắc giới, trời vô sắc giới, còn có tám bộ thần, tức Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người chẳng phải người, tám loại quỷ thần vương. Câu Chú nầy bao quát có vô lượng đạo lý.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét