Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 362-363


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔  362. Bà già phạm

Dịch: Bà Già Phạm, cũng là tổng quản, tức cũng là Thế Tôn, nguyện nương thần lực, khắp khiến cho tất cả chúng sinh thường được gia hộ.

Kệ:

Tổng quản pháp giới Vô Thượng tôn

Tứ sinh lục đạo độ trầm luân
Nhiếp khiến hàm linh tu chư thiện
Ma Ha Bát Nhã tự nhiên thành.


Nghĩa là:

Đấng Vô Thượng tổng quản pháp giới

Độ trầm luân bốn sinh sáu đường
Nhiếp khiến chúng sinh tu điều lành
Ma Ha Bát Nhã tự nhiên thành.

Giảng giải: 

Bà Già Phạm đầy đủ có sáu nghĩa, ở đây nói là Thế Tôn. Thế Tôn thì tổng quản tự tánh của tất cả chúng sinh, tận hư không khắp pháp giới, vì Phật và chúng sinh đồng thể, chẳng có phân khai, cho nên chúng ta chỉ cần phải hợp với Phật mà làm một, chúng ta phải tu hành cho tốt, thì sẽ có thể thành công, cho nên nói “Đấng Vô Thượng tổng quản pháp giới”, tổng quản tất cả vấn đề pháp giới, đấng Vô Thượng tức là Thế Tôn.

“Độ trầm luân bốn sinh sáu loài”: Bốn sinh tức là: Sinh bằng thai, sinh bằng trứng, sinh ẩm ướt và hoá sinh. Sáu loài tức là: Trời, người, A Tu La, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Chúng sinh ở trong sáu đường luân hồi trầm luân, Phật độ tất cả chúng sinh đoạ lạc nầy. Nếu chưa đoạ lạc thì đương nhiên cũng không cần phải độ, tự mình biết con đường tu hành, bạn chỉ cần những phương pháp tu hành mà Ngài nói là được. Giống như Phật nói Kinh điển, đều là kêu mọi người tu hành như vậy, trừ bỏ tham, trừ bỏ sân, trừ bỏ mong cầu, trừ bỏ ích kỷ, trừ bỏ lợi mình, trừ bỏ đủ thứ những thứ nầy, đều là kêu mọi người đi trên con đường bồ đề.

Nhiếp khiến chúng sinh tu điều lành”: Phật muốn giáo hoá chúng sinh, tự mình phát tâm bồ đề, tự mình tài bồi căn lành, Phật chỉ cho bạn một con đường, đi hay không là do bạn lựa chọn. Chúng ta phải bỏ ác tu thiện, phàm là điều có lợi thì phải siêng làm, cử chỉ hành động phải lợi ích người khác, phải làm cho những người khác vừa lòng, hoan hỉ, nhưng không phải là nịnh bợ họ, cứ nói những lời ngon ngọt, khiến cho họ mê hoặc. Chúng ta phải dùng chân tâm để đối đãi với mọi người, không có chút tơ hào hư nguỵ nào.
“Ma Ha Bát Nhã tự nhiên thành”: Đại trí đại huệ là tự nhiên, khi bạn có công đức rồi, thì tự nhiên sẽ thành tựu, tự nhiên sẽ khai ngộ. Người khai ngộ tuyệt đối không có ích kỷ, không có lợi mình, dù có tan xương nát thịt, đều vì chúng sinh mà làm.

Người tu hành, cử chỉ hành động, lời nói việc làm, đều không thể tuỳ tiện, không khi nào nói lời đùa giỡn, đi đứng nằm ngồi, bốn oai nghi lớn phải đặc biệt chú ý. “Đi như gió”, đây chẳng phải như là gió bão, mà là như gió thoảng, nước không nổi sóng, thân thể cũng không lắc lư động đậy, cũng không cuối đầu khom mình. “Ngồi như chung”, phải ngồi vững bất động, giống như đại hồng chung, đầu cũng không cúi về trước ngã về sau, thân thể không nghiên bên trái bên phải, ngồi ngay thẳng, một chút mao bệnh cũng không có. “Đứng như tùng”, đứng thẳng giống như cây tùng. “Nằm như cung”: Khi nằm thì giống như cây cung, tay chân không để bừa bãi, nằm theo tư thế cát tường là tốt nhất, tức là nằm nghiên về bên phải, tay trái dũi thẳng để trên đùi, tay phải kê dưới đầu. Nếu là một người oai nghi không tốt, thì sẽ có nhiều chướng ngại, ngồi đứng không chánh đáng, thì tất cả đều theo đó không chánh đáng, tâm cũng sẽ không chánh đáng.



🔔  363. Ấn thố na mạ mạ tỏa

Kệ:

Khẩn chứng tác pháp diệu giác viên

Thập phương tán thán thông địa thiên
Thượng đồng Phật từ hạ hợp bi
Quy mạng Tam Bảo chí tâm kiền.

Nghĩa là:

Khẩn chứng tác pháp diệu giác tròn

Mười phương khen ngợi thông trời đất
Trên đồng Phật từ dưới hợp bi
Quy mạng Tam Bảo tâm chí thành.

Giảng giải: 

Đây là câu cuối cùng hội thứ ba của Chú Lăng Nghiêm. Ấn Thố dịch ra là “Khẩn chứng”. Na Mạ Mạ Toả dịch ra là “Tác pháp đắc được cứu kính viên mãn”.
“Khẩn chứng tác pháp diệu giác tròn”: Khẩn chứng tức là khẩn cầu mười phương chư Phật đến ấn chứng cho, tu pháp Chú Lăng Nghiêm nầy đã được viên mãn rồi.

Mười phương khen ngợi thông trời đất, Trên đồng Phật từ dưới hợp bi”: Lúc nầy mười phương chư Phật đều khác miệng cùng lời, hoan hỉ khen ngợi nói “Công đức của bạn viên mãn, thành tựu quả vị Phật”. Cho nên nói pháp môn học Chú là tức thân thành Phật, tu cho tốt, tu viên mãn, thì thân nầy có thể chứng được Thánh quả, trở thành Thánh hiền. Lúc nầy thông trời thông đất, mười phương chư Phật cùng nhau khen ngợi, ba cõi chúng sinh đều lễ bái cúng dường, sau đó lại hành Bồ Tát đạo, trên thì đồng với từ bi của Phật, dưới thì thương xót chúng sinh giống như Phật.

Quy mạng Tam Bảo tâm chí thành”: Từ từ giáo hoá chúng sinh, khiến cho họ quy y Tam Bảo, kiền thành chí thành khẩn thiết, phải có tâm chân thành như vậy, thì mới có thể đạt được Phật quả cứu kính. Cho nên chúng ta người tu hành, lúc nào cũng đừng có lười biếng, càng không thể mình không đạt đến trình độ nào đó, mà nói là mình đã đạt được, đây là đại nói dối, ngàn vạn đừng như thế.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét