Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

BUÔNG BỎ QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI, KỂ CẢ HIỆN TẠI

BUÔNG BỎ QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI, KỂ CẢ HIỆN TẠI



Buông bỏ quá khứ không có nghĩa chối bỏ quá khứ mà học những kinh nghiệm quí báu trong quá khứ nhằm xây dựng hiện tại. Quá khứ có thể vẻ vang hay khổ đau nhưng đó đều là những bài học.
Đức Phật dạy, Quá khứ đã đi qua – Tương lai thì chưa tới – Chỉ phút giây hiện tại – Là giây phút nhiệm mầu. Quá khứ là lịch sử và mình không thể thay đổi được lịch sử. Sống tiếc nuối quá khứ sẽ làm hiện tại bị buông lơi và giây phút mầu nhiệm của hiện tại không được nhận biết. Tương lai chưa bao giờ tới nên không biết trước chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Sống lo lắng vì tương lai sẽ đánh mất hiện tại, phút giây thực sự mình đang sống. Buông bỏ quá khứ không có nghĩa chối bỏ quá khứ mà học những kinh nghiệm quí báu trong quá khứ nhằm xây dựng hiện tại. Quá khứ có thể vẻ vang hay khổ đau nhưng đó đều là những bài học. Điều gì vẻ vang thì phát huy trong hiện tại. Điều gì khổ đau thì không chìm đắm, tìm cách chuyển hóa trong hiện tại. Quá khứ có thể mình là ngôi sao trên đại lộ danh vọng, là anh hùng được đề tên bảng vàng, là thần tượng trong cuộc thi American Idol. Sự vẻ vang này trôi qua rất mau. Mười năm sau vẫn có thể còn nhắc lại như kỷ niệm, nhưng nếu kỷ niệm này được nêu ra để khỏa lấp những thất bại hay chán chường trong hiện tại, đây gọi là tiếc nuối qua khứ. Buông bỏ tương lai không có nghĩa chối bỏ tương lai, không lên kế hoạch, không đặt mục tiêu. Mình có quyền hoạch định cho tương lai, nhưng các hoạch định này được thực hiện trong hiện tại, còn lo lắng hay ngồi rầu rĩ về tương lai, mình đánh mất công việc đáng lẽ phải làm trong hiện tại. Người trẻ thích mơ mộng về tương lai, mơ về danh vọng, mơ về giàu sang, mơ về mái ấm gia đình. Nếu không đạt được sẽ thất vọng, thất vọng lớn quá sẽ tuyệt vọng, là khổ đau.
Buông bỏ quá khứ, tương lai và buông bỏ cả hiện tại. Hiện tại cũng là biểu hiện của nhân duyên nên không trụ hiện tại, không trụ vào dục lạc của thế gian. Các pháp như huyễn, dù là quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Buông bỏ thời gian sẽ vượt thắng thời gian. Thực tập như vậy là thực tập tâm vô trụ, không trụ vào bất cứ pháp nào. Chỉ cần tiếp xúc với thực tại hiện tiền một cách đơn thuần. Điều gì là quá khứ thì cho quá khứ. Điều gì hiện tại thì cho hiện tại. Điều gì tương lai thì cho tương lai. Không kẹt vào bất cứ pháp nào về mặt thời gian, mình vượt thắng cả sự an trú vì không có gì gọi là an trú cả. Lúc này người thực sự an tâm vì không còn pháp nào níu kéo, kể cả cái được gọi là pháp hiện tại. Lúc bước đi hay thiền hành biết mình đang đi. Bước chân trái lên biết bước chân trái lên. Bước chân phải lên biết bước chân phải lên. Sát na hiện tại trôi qua rất nhanh. Vừa bước chân trái thì chân phải nối tiếp. Hiện tại cũng khó mà nhận biết. Còn phân biệt hiện tại là còn phân biệt với quá khứ và tương lai. Buông luôn hiện tại thì ranh giới thời gian không còn. Phá bỏ tâm quá khứ, phá bỏ tâm tương lai, và phá bỏ tâm hiện tại, mình còn tâm nào nữa. Tâm quá khứ như huyễn, tâm tương lai như huyễn, tâm hiện tại như huyễn, vậy cái gì gọi là tâm đang hiện tiền. Tâm trôi đi như dòng chảy, nhận diện tâm đơn thuần là biết tâm, tâm không trụ thì tâm vô trụ. Đã không trụ thì tâm sẽ an lạc và thảnh thơi. Xa lìa các buộc ràng của năm uẩn, năm triền cái, xả ly các pháp thế gian, dù đó là quá khứ, hiện tại hay tương lai, mình làm cho tâm giải thoát. Buông bỏ quá khứ là hay đấy, buông bỏ tương lai là hay đấy, nhưng hiện tại cũng buông luôn. Một ông thầy dạy học trong lớp, biết rằng đang dạy trong hiện tại, nhưng vẫn có sự tầm cầu, như tầm cầu đầy đủ phương tiện như máy chiếu, micro, tầm cầu trò ngoan học giỏi, tầm cầu công việc suôn sẻ. Ông thầy vẫn đang trôi lăn trong hiện tại và kẹt vào sự ham muốn của hiện tại. Buông bỏ hiện tại là sự thực tập buông bỏ vi tế hơn cả, hơn cả quá khứ và tương lai. Bỏ được thì nhẫn được, nhẫn về chuyện đang diễn ra trước mắt và đang diễn ra trong lòng. Nói cách khác, buông bỏ là thực tập nhẫn với chính mình.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét