Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

HỌC CÁCH BUÔNG XẢ ĐỂ PHIỀN NÃO QUA ĐI, BÌNH AN TRỞ VỀ

Đôi lúc buông xả cũng là cách để bạn có thể cảm thấy cuộc sống hạnh phúc hơn. Buông xả mọi phiền não trong cuộc sống để tâm bình an và thanh thản…




Trong cuộc sống, nhiều người khi cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng thường tìm đến cội nguồn tâm linh như đi lễ chùa cầu an hoặc đọc những cuốn sách Phật pháp với mong muốn giải tỏa bế tắc và tâm thanh thản.
Trong cuốn Kinh Tứ Thập Nhị Cương, một cuốn sách “gối đầu giường” của tăng sĩ, có viết rằng: Khi đức Phật còn tại thế, ngài có đặt một câu hỏi cho một vị Sa-môn là “Tuổi thọ con người dài trong bao lâu?” và vị Sa-môn đã trả lời rằng: “Chỉ dài bằng một hơi thở”. Đức Phật nói: “Đúng vậy. Ông là người hiểu đạo”. Vậy tại sao, con người chúng ta khi tồn tại trong một hơi thở như vậy lại cứ để tâm mình sầu não, luẩn quẩn trong “u mê” và phiền não?
Cuộc đời dài bằng mỗi hơi thở, vậy tại sao tâm ta cứ quẩn quanh trong sầu não, u mê? Cuộc sống hằng ngày vốn nhiều áp lực và va đập. Bạn có thể khó tránh khỏi những bất đồng, va chạm trong công việc, sinh hoạt hằng ngày và các mối quan hệ gia đình, công việc. Khi xảy ra tranh cãi, bạn có thể không kiềm chế được và nổi nóng hay nặng lời,… Kết quả là bạn có thể thắng hoặc thua cuộc và làm tổn thương người khác, hay chính bạn cũng bị tổn thương. Bạn sẽ thấy đau đớn vì những mặc cảm thua cuộc, yếu thế, tự cho mình là kẻ kém cỏi, cay đắng vì thất bại.
Thậm chí nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy ân hận trên chiến thắng. Bởi đằng sau cái gọi là được mất, hơn thua, chiến thắng – thất bại, đó là những xa cách, đổ vỡ vì cái tôi ngạo mạn, cư xử không có trên dưới, thiếu tôn trọng nhau. Vậy thì tại sao chúng ta cứ phải cố chiến thắng bằng được, bằng mọi giá? Chỉ cần bạn thay đổi cách ứng xử, giao tiếp, nói những lời tử tế, sống ngay thẳng, ôn nhu… để tâm an, lòng thanh thản.
Thế nhưng đâu có dễ để làm được điều này. Vì thế, hãy học cách sống an hòa với mình và với người gần như suốt đời, để lòng được nhẹ nhàng hơn. Abraham Joshua Heschel có một câu nói rất hay rằng: “Ngày xưa còn trẻ, tôi thường khâm phục những người thông minh; giờ tôi lớn khôn hơn, tôi ngưỡng mộ những người tử tế”. Albert Schweitzer cũng cho rằng: “Cứ luôn tử tế là có thể làm được rất nhiều. Như mặt trời làm băng tan, sự tử tế làm cho những ngộ nhận, bất tín và thù địch tan biến”.


Tuy nhiên, đâu chỉ mỗi việc tử tế với người mà hãy tử tế với chính bản thân chúng ta. Mình không đối xử tử tế với mình thì làm sao có thể tử tế với người được? Một trong những cách để thương mình, tử tế với mình chính là học cách buông xả và tha thứ.



Nếu con người biết buông xả trong đời sống hiện tại, buông đi những danh lợi, những hận thù chấp nhặt, đồng thời xả đi những mưu cầu tính toán cho bản thân, xả đi những “tham – sân – si” trong cuộc sống thường nhật sẽ tự tìm thấy cho bản thân niềm an vui và thanh thản trong tâm hồn. Có buông xả thì lòng ta mới rộng mở, ai nói gì cũng có thế bỏ qua mà không chấp nhặt. Nếu ai xúc phạm có thể dễ dàng tha thứ, nếu có tức giận, buồn bã thì cũng chỉ một vài phút, vài giờ rồi lòng có thể cân bằng, bỏ qua để rồi khi qua một đêm thức dậy có thể quên hết để tâm an vui.


Nhưng bạn cũng cần biết, buông xả không có nghĩa là buông bỏ, dẹp hết tất cả để chỉ lo cho bản thân mình. Bông xả không có nghĩa là chối bỏ, trốn tránh trách nhiệm. Buông xả nhưng phải luôn giữ trọn trách nhiệm của một con người. Tất cả được làm với tấm lòng bao dung mở rộng như một vị Bồ Tát, xử sự theo tinh thần “Từ – Bi – Hỷ – Xả”. Còn đích đến nào tuyệt vời hơn khi biết tìm lại với chính cuộc sống nội tâm, trở về với sự thanh thản trong tâm hồn.


Khi tâm hồn trong sáng, vui vẻ là bạn đang tiến dần đến mục tiêu, thành công của cuộc sống mà chúng ta mong đợi. Chúng ta sẽ làm việc tốt hơn, sống đam mê hơn, nhân hậu, tha thứ và rộng mở, học thêm được nhiều điều… Hạnh phúc, bình an, nhận được nhiều yêu thương khi biết buông xả cũng là nghệ thuật sống, mang lại bình an cho mọi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét