Tụng kinh là đọc một cách thành kính những lời đức Phật đã dạy trong kinh điển, hợp với chân lý và căn cơ của chúng sinh. Đồng thời để cho tâm và khẩu được hợp nhất vào câu kinh, tiếng Pháp của Phật.
Nên tụng những bộ kinh nào
Theo giáo lý đạo Phật thì tụng kinh là để cầu an và cầu siêu. Do đó, tụng bộ kinh nào cũng được vì kinh Phật nào cũng có tác dụng phá trừ mê mờ, khai mở tâm trí sáng suốt cho chúng sinh, nếu chúng ta chí thành đọc tụng.
Nhưng vì căn cơ của chúng sinh không đều nên chúng ta phải lựa những bộ kinh nào thích hợp với căn cơ và sở nguyện của mình mà tụng đọc.
Thông thường, ở nước ta từ xuất gia cho đến tại gia đều trì tụng những kinh như: Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Dược Sư, Địa Tạng, Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp hoa…
Tuy nhiên nhiều người lại có quan niệm chọn bộ kinh cho thích hợp với mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp để tụng như: cầu siêu thì tụng kinh Di Đà, Vu lan… cầu an thì tụng kinh Phổ Môn, Dược Sư… cầu sám hối thì tụng kinh Lương Hoàng Sám, Thủy Sám…
Các quan niệm chọn lựa như thế có phần hay là làm cho tâm chuyên nhất, sẽ được hiệu nghiệm hơn. Nhưng chúng ta không nên quên về mặt giáo lý cũng như về mặt công đức, bất luận một bộ kinh nào, nếu chí tâm trì tụng thì kết quả đều được viên mãn như nhau.
Như thế, tụng kinh nào cũng có lợi ích nhưng điều quan trọng nhất là phải thể nhập được những nghĩa lý trong kinh mà ứng dụng thực hành mới có kết quả. Ngược lại, tụng kinh mà không phá trừ kiêu mạn, thực hành hạnh khiêm cung thì mất rất nhiều công đức.
Mùa Vu Lan báo hiếu, Phật tử tụng kinh Vu Lan để cầu siêu
Tụng kinh ở chùa hay ở nhà tốt hơn?
Mục đích tụng kinh là một phương pháp tu nhằm ôn lại lời Phật dạy, đồng thời để ba nghiệp được thanh tịnh và tụng kinh cũng rất có phước báu, gọi là “minh Phật chi lý” hiểu rõ chân lý của Đức Phật dạy gì trong kinh sau đó áp dụng tu tập theo lời dạy của Phật.
Tụng kinh ở nhà hay ở chùa cũng tốt cả. Tuy nhiên tụng kinh ở chùa sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Bởi lẽ ở chùa có sự trang nghiêm, yên tịnh. Khi đọc kinh dễ chú tâm, không bị ngoại cảnh chi phối. Nhờ vậy mà tam nghiệp thanh tịnh, mắt chỉ đọc kinh, thân ngồi trang nghiêm và ý nghĩ lời Phật dạy. Theo đó, sẽ làm cho Tâm Bồ Đề của việc tụng kinh không có thối chuyển.
Khi tụng kinh ở chùa nếu có những chỗ không hiểu thì có chư Tăng giảng giải cho hiểu hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là việc tụng kinh ở nhà sẽ thiếu một trong ba hình tướng Tam Bảo đó là Tăng (ở nhà chỉ có Phật, Pháp – PV). Do đó sẽ không có ai dẫn đường chỉ lối để mình tu hành.
Mặt khác, về chùa tụng kinh có chư Tăng, có đông Phật tử tụng kinh trầm hùng, tác động mạnh vào tâm thức của mình, làm cho sức mạnh tâm linh vững mạnh, cảm thấy niềm an lạc và tuyệt nhiên sẽ không có hôn trầm, không có giải đãi.
Tụng kinh như nào cho đúng?
Mục đích của việc tụng kinh là để chúng ta tìm hiểu nghĩa lý trong kinh qua những lời Phật dạy và đem ra áp dụng hành trì trong đời sống hằng ngày.
Cứ 19h tối, các chư Tăng trong chùa lên chùa tụng kinh
Bởi những lời Phật dạy nghĩa lý rất thâm sâu vi diệu, đọc qua một đôi lần không thể nào chúng ta hiểu rõ được. Do đó, khi tụng kinh, chúng ta phải hết lòng thành kính. Phải có tâm tha thiết trân quý những lời Phật dạy.
“Trước khi tụng niệm nên rửa tay, súc miệng cho sạch sẽ và y phục phải nghiêm trang. Khi ngồi, đứng phải giữ thân cho đoan chính. Lúc lạy hay quỳ phải giữ thân đoan nghiêm. Miệng tụng đọc âm thanh vừa đủ nghe” – theo lời Phật dạy.
Thời khóa tụng kinh, thông thường là có hai thời cố định. Thời khuya, thường tụng chú Lăng Nghiêm và Đại bi thập chú. Còn buổi tối là tụng Kinh Di Đà.
Đối với phần nghi thức tụng kinh, trong mỗi quyển kinh ở phần đầu trước khi vào phần kinh văn, đều có chỉ dẫn phần nghi thức. Phật tử có thể y theo đó mà hành trì.
Những lời giáo hóa trong ba tạng kinh điển của Phật đều là những lời sáng suốt do lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật nói ra. Nếu chúng ta chí tâm trì tụng, sẽ được nhiều lợi ích cho mình, cho gia đình và những người xung quanh. Đồng thời, ôn lại những lời Phật dạy làm phương châm đời sống hàng ngày để cho chúng ta có thể sống hạnh phúc và an lạc hơn.
Các bộ kinh :
Kinh A Di Đà
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Kinh Lương Hoàng Sám
Kinh Từ Bi Thuỷ Sám Pháp
Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Kinh Dược Sư
Kinh Nhật Tụng
Kinh Kim Cang
Kinh Quán Âm Cứu Khổ
Kinh Vô Lượng Thọ
Kinh Vu Lan
Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni
Thần Chú Đại Bi
Thập Chú - Chú Đại Bảo
Hồng Danh Sám Hối - Tổng hợp các bài sám
ÐẠI Ý CÁC BỘ KINH THƯỜNG TỤNG
Mỗi tập kinh Phật thuyết ra đều có ý nghĩa giáo huấn tuỳ với căn cơ của chúng sanh. Do đó, muốn biết công đức của mỗi loại kinh tụng, người Cư sĩ cần phải hiểu đại khái tóm lược ý nghĩa của mỗi cuốn kinh.
Những bộ kinh thường tụng là: A Di Ðà, Phổ Môn, Dược Sư, Thủy Sám, Ðịa Tạng, Báo Ân, Lương Hoàn, Pháp Hoa. Còn những tập kinh dài như: Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Ðại Bát Nhã, Bảo Tích.v.v...thì một phần vừa dài, một phần nghĩa lý thâm sâu nên it người tụng đến.
Vì vậy, với quan điểm nêu lên những điều thường thức để dễ tìm hiểu, ở đây cũng chỉ tóm lược đại ý các kinh thường tụng để có thể tùy căn cơ từng người, từng sự việc chọn lựa mà đọc tụng.
1/ Kinh A Di Ðà
Phật thuyết kinh này là chỉ cho chúng sanh biết tại cõi Tây phương có đức Giáo chủ mệnh danh là Phật A Di ÐÀ, cõi nước của ngài có đủ mọi cảnh yên vui sung sướng. Ai tụng kinh A Di Ðà cũng có thể được Phật A Di Ðà tiếp đón về nơi Cực lạc, nhưng điều cốt yếu trong kinh chỉ gồm có một câu là:”nhất tâm bất loạn” nghĩa là Phật dạy: từ một ngày cho đến bảy ngày, làm thế nào để có được nhất tâm nghĩa là châm châm chú chú vào việc nguyện cầu khiến được trong lặng hoàn toàn không loạn động thì người đó khi lâm chung sẽ được đức Phật A Di Ðà cùng các vị thánh chúng hiện ra trước mắt, nếu người đó tâm không có chút gì điên đảo lập tức được vãng sanh.
Ðức Phât A Di Ðà còn phát nguyện tiếp dẫn chúng sinh kẻ sống cũng như người thác, nếu ai niệm danh hiệu Ngài đều được tiếp sang tịnh độ.
Do vậy, Kinh A Di Ðà có công năng siêu độ cho các người quá cố. Ðiều chính là phải làm thế nào cho được nhất tâm bất loạn, nếu không luyện được hẳn hoi bất loạn thì cũng phải có sự chí thành chi kinh, mới mong tự độ và độ cho người khác được.
2/ Kinh Phổ Môn
Phổ môn là một phẩm (phẩm thứ 25) trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói đến ngài Quán Thế Âm Bồ Tát cùng những hạnh nguyện của ngài, ai nghe đến tên, niệm đến danh hiệu thì ứng tiếng mà linh cảm.
Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát lại thường biến hiện sắc thân thành tất cả các loại chúng sanh để cứu độ cho các chúng sanh. Do vậy, nếu ai mắc tai nạn, gập mọi trở ngại, nhất tâm niệm tụng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc chuyên tụng kinh Phổ Môn sẽ giải trừ được mọi khổ nạn.
Ðiều cốt yếu là khi tụng kinh nầy phải thật thành tâm và phải phát nguyện rộng lớn, làm việc bố thí thì mới có hiệu lực.
3/ Kinh Dược Sư
Kinh này, đức Phật chỉ dạy cho ta mỗi khi đau ốm phải tìm thầy, chạy thuốc chữa bệnh. Thêm vào đó một phương pháp chữa bệnh linh nghiệm không kém, đó là sức tin tưởng. Tụng danh hiệu đức Ðông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật tức là cầu tìm đúng thuốc chữa đúng căn bệnh của mình, không tin những tà ma yêu nghiệt, những bọn thầy pháp chuyên đem chuyện mê tín dị đoan chữa bệnh khiến phải sa đọa vào vòng hoạnh tử. Lại nữa, trong kinh Dược Sư khuyên ta không được nghe sằng, tin nhảm làm bùa làm phép lung tung, giết hại sinh vật cúng cấp thần linh, ma quái. Nếu làm những chuyện như thế chỉ khiến gia tăng tội lệ mà bệnh không những không khỏi, đôi khi còn bị chết oan là khác.
Vậy phương pháp tụng kinh Dược Sư là tăng trưởng lòng tin chân chính của mình mà chữa bệnh cho chính mình, đồng thời phải lo thuốc thang chạy chữa và tránh những kẻ yêu ma lòe bịp cúng thần tróc quỷ, mới mong bệnh hoạn mau lành.
Tụng kinh này có công hiệu vì những lý do:
-Ðức tin càng mạnh thì bệnh càng chóng khỏi.
-Tránh điều mê tín dị đoan để khỏi bị chết vì lầm thầy, lầm thuốc.
-Tụng kinh tức là thực hiện phương pháp lắng đọng tâm trí, tâm trí lắng đọng không khởi lên dục vọng, phiền não, lo sợ, rầu buồn, lẽ dĩ nhiên bệnh hoạn không do đâu mà phát sinh hay nắng ra được.
-Tránh giết hại các loài sinh vật tức là giảm bớt tội khiên và cố nhiên đã được hưởng phúc báo, dù có bệnh cũng mau lành mạnh.
Ðiều cốt yếu là khi tụng kinh này tưởng nên theo phương pháp “tự tha hổ trợ” nghĩa là dùng sức mình tin tưởng và sức người giúp đỡ, sức người tức là sự minh y của ông thầy thuốc hiệp với sức kỳ nguyện của những người tụng kinh thì nhất định mau khỏi bệnh vậy.
4/Kinh Thủy Sám
Kinh này có ý nghĩa dùng sức sám hối, cũng ví như lấy nước rửa sạch mọi dơ bẩn. Kinh này sở dĩ được trước thuật ra là do ngài Ngộ Ðạt Quốc Sư khi được nhà vua trao cho chiếc sập đàn hương, lại đối xử vô cùng trọng vọng, ngài Ngộ Ðạt khởi lên một chút vọng tâm nên liền gặp tai nạn, đầu gối thốt nhiên mọc lên cái nhọt (mụt) như hình mặt người. Sau nhờ có sư Tri Huyền chỉ cho biết cách lấy nước nơi một giếng khơi trong chốn am thiền lau rửa, cái nhọt mặt người liền bật ra tiếng kể lại chuyện oan khuất từ mười kiếp trước vẫn hằng theo dỏi để mong báo oán, nay vì ông Ngộ Ðạt khởi lên dục vọng mà có nhịp trả oán, nhưng nay ngài Tri Huyền đã chỉ dạy dùng nước giếng Tam Muội mà rửa thì không dám mang lòng oán hận nữa.
Cũng vì thế mà trong kinh kể ra những điều mà chúng sanh thường hay mắc phải gây thành tội lỗi, lại nói rõ cả những tội nào phải chịu báo nào. Cách thức làm thế nào để tránh tội.v.v...do đó mới đặt tên là Thủy Sám nghĩa là việc sám tội cũng như nước rửa hết mọi nhơ bẩn vậy.
Khi tụng kinh này phải nên thành tâm hối lỗi, tất cả những gì đã phạm thề quyết từ nay chừa bỏ, điều thiện gắng làm, điều ác tránh xa. Như thế là tiêu diệt tội khiên của mình và do chỗ tâm mình thanh tịnh như nước trong suốt có năng lực rửa tội cả cho người khác nữa. Bởi ai nghe kinh mà cũng hối lỗi tức nhiên đều trở về nẽo thiện và làm việc thiện tức là tránh hết ác nghiệp đó vậy.
5/ Kinh Ðịa Tạng
Kinh này thuật lại lời Phật chỉ dạy cho các đệ tử biết nguyện lực của một vị Bồ Tát vô cùng cao rộng:” địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”nghĩa là địa ngục mà còn người, ngài thề chưa thành Phật, vị đó là ngài Ðịa Tạng Bồ Tát.
Cũng do nguyện lực đó mà ngài Ðịa Tạng thường cứu độ chúng sanh trong cõi ngục tù tăm tối. Cho nên kinh này có công năng siêu độ cho thất tổ, cửu huyền và tất cả chúng sanh khổ ách.
Yếu lý của kinh này là nhân nguyện lớn của Bồ Tát, mình cũng phải phát tâm Bồ đề, tâm lặng tức là thoát khỏi địa ngục, tụng kinh cầu nguyện là lấy sức thần giao cách cảm của mình linh ứng với những linh giác chưa được siêu thoát, nhờ uy lực và thần lực sẽ được siêu thăng. Cho nên tụng kinh Ðịa Tạng có thể đưa người ở chốn tam đồ lục đạo đến nơi bát đức vậy.
6/ Kinh Báo Ân
Tức là kinh Ðại báo Phụ Mẫu trọng ân, Phật thuyết đến công đức sanh thành dưỡng dục của các bậc cha mẹ, và dạy cho con cháu là phải có bổn phận đền đáp công ơn sao cho xứng đáng.
Kinh này thường tụng vào các ngày giỗ chạp, hoặc có việc hiếu. Ngươi tụng phải thề nguyện từ nay về sau ăn ở cho phải đạo đối với cha mẹ, đối với các bậc tôn trưởng. Người trong gia đình nghe kinh là phải giữ gìn: trên ra trên, dưới ra dưới, một nhà hiếu thuận, thế cũng là báo ân đó vậy.
7/ Kinh Lương Hoàng Sám
Toàn bộ kinh này là những lời sám nguyện giải trừ mọi điều tội lỗi. Còn gọi là kinh Ðại Sám. Nội dung kinh này khá dài, nguyên nhân trước thuật kinh này là vì vua Lương Vũ Ðế xưa không tin Phật pháp, chỉ tin ngoại đạo. Thuở còn hàn vi, có vợ là Hy-thị, nhân sự ghen tuông mà tự trầm mình dưới giếng. Ðến khi Lương Vũ Ðế lên ngôi vua thì Hy-thị hóa làm con rắng mãng xà quấy rối cung vi.
Thỉnh khắp các hàng Thuật sĩ đến chú nguyện mà không công hiệu. Sau có Tề Công Trưởng Lão dạy làm đàn tràng sám nguyện cầu rửa tội khiên ác độc nên nhờ đó Hy-thị hiện thân tạ ơn là đã thác sinh. Từ đấy Lương Vũ Ðế mới tin theo Phật pháp, ví vậy mà tập Kinh Sám Nguyện này đặt tên là Lương Hoàng.
Cũng vì tụng kinh này rũ sạch được mọi tội lỗi nên nay thường tụng trong việc báo hiếu cha mẹ hoặc ngày giỗ chạp gia tiên.
8/ Kinh Pháp Hoa
Gọi cho đủ phải là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là một bộ kinh đầy đủ nhất về lý thuyết đại thừa Phật giáo, do đó khi Phật thuyết kinh này, các bậc Tỳ kheo hoặc Cư sĩ không đủ căn cơ đều phải rút lui.
Ðời nay đều thích tụng và tin tưởng rằng tụng kinh này được vô lượng công đức. Tuy nhiên nếu quan niệm là chỉ tụng thôi mà có công đức thì ai cũng làm được cả. Phải nên có nhận định tế nhị là: Khi Phật thuyết kinh Pháp Hoa mà ai nghe cũng được thì hà cớ các hàng Tỳ Kheo hay Cư sĩ không đủ căn hạnh lại phải rút lui? Do đó ít nhất mình có tự phát khởi tâm đại thừa, làm đạo Bồ Tát hay không? Tụng kinh rồi có theo được chút gì như trong kinh không? Nếu không thì tụng đôi khi chỉ thêm nghi ngờ và thành luân chuyển mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét