Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017
Những mẫu chuyện hay của Phật giáo
Im lặng hay nói ra
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi thân hữu, Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, khi người nào nói lên điều mình thấy: "Tôi thấy như vậy", hay nói lên điều mình nghe: "Tôi nghe như vậy", hay nói lên điều mình cảm giác: "Tôi cảm giác như vậy", hay nói lên điều mình thức tri (hiểu biết): "Tôi thức tri như vậy", tôi thấy người ấy không có lỗi gì.
Phật dạy: Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: "Tất cả điều được thấy cần phải nói ra" hay "Tất cả điều được thấy không nên nói ra", cũng như vậy đối với tất cả điều được nghe, điều được cảm giác, điều được thức tri.
Này Bà-la-môn, phàm nói lên điều thấy gì, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, Ta nói rằng điều thấy như vậy không nên nói ra. Và này Bà-la-môn, phàm nói lên điều thấy gì, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, Ta nói rằng điều thấy như vậy nên nói ra. Này Bà-la-môn, cũng như vậy đối với những điều nghe, những điều cảm giác, những điều thức tri.
Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần xứ Magadha, hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.
(Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp, Phẩm Chiến Sĩ)
Thuận nghịch
Cu Bi là con trai một của ông Cả. Ông rất cưng chìu nên suốt ngày nó chỉ biết ăn chơi và khóc nhè.
Một hôm rong bờ ruổi bụi thế nào mà cu Bi lọt phải một bụi tre gai. Bi la khóc ầm ĩ, chó Vá chạy quanh tìm cách cứu bạn như vô ích.
Vá đành chạy về nhà báo cho ông Cả hay.
Ðược tin, ông Cả tức tối đi ngay đến bụi tre. Nhưng ông cũng đành bó tay vì hễ vừa động đậy mấy cành tre là cu Bi ré khóc inh ỏi.
Ông Cả chỉ còn cách xách cà mèn ngày ba bữa đến bụi tre nuôi cu Bi.
Thời mai, hôm ấy có chú Tư ở Saigon về thăm nhà.
Chú liền đi với ông Cả đến thăm cu Bi. Gặp nó chú Tư liền nảy ra một kế. Chú Tư bảo ông Cả về trước, còn chú ở lại để kể chuyện cho cu Bi nghe vì nó rất khoái mục này.
Chuyện rằng: “Có một con ma cà rồng mắt đỏ lưỡi xanh, nanh dài... chuyên môn ăn thịt con nít. Mỗi khi bắt được đứa nào, nó liền bỏ ba hột muối lên đầu đứa bé và nhai rạo rạo.
Chú Tư còn kể thêm: Nghe đâu nó mới xuất hiện và nhai hơn một chục đứa ở xóm trên.
Kể xong, chú Tư bỏ về, mặc cho cu Bi ré khóc inh ỏi.
Vừa được vài bước, chú Tư đã nghe tiếng chân cu Bi rượt theo.
Hai chú cháu cùng về. Chó Vá mừng vô kể.
Em thân mến!
Chúng ta đã hiện diện trên cõi đời này chẳng khác nào thằng cu Bi lọt phải bụi tre gai.
Ông Cả, con chó Vá và ngăn cà mèn tốt bụng quả là những thuận cảnh rất cần thiết cho bọn mình, nhưng những nghịch cảnh như chú Tư và con ma cà rồng thì cũng chẳng hẳn là vô ích.
Vậy thì, bọn mình có nên vòng tay cám ơn tất cả những điều trái tai gai mắt, rối trí, khổ lòng mà cuộc đời không ngớt dồn dập trao tặng hay không?
HƯ HƯ LỤC
Tưới dưa cho người
Lương và Sở là hai nước láng giềng ở cạnh nhau vào thời Chiến quốc.
Ở một vùng biên giới của hai nước, dân chúng đều trồng dưa. Dân nước Lương siêng năng chăm sóc tưới nên dưa tốt. Trái lại, dân Sở lười biếng nên dưa xấu. Dân Sở thấy vậy, sanh lòng đố kỵ, mỗi đêm lén chạy qua nước láng giềng Lương cào dưa của người. Dân Lương thấy dưa của mình mỗi ngày chết một ít, lấy làm lạ, theo dõi và phát giác ra nguyên nhân, bèn dự định sẽ lén qua rẫy của dân Sở cào dưa để trả thù.
Quan huyện nước Lương là Tống Tựu, biết được ý đồ ấy, bèn ngăn lại và dạy dân mình rằng:
- Thay vì đi cào dưa mỗi đêm, ta hãy lén sang bên ấy tưới dưa cho người thì có phải tốt hơn không?
Dân Lương bèn y lời. Nhờ đó mà rẫy dưa của dân Sở ngày một xanh tốt. Dân Sở ngạc nhiên, theo dõi và biết được nguyên do, lấy làm hổ thẹn.
Chuyện đến tai quan huyện, rồi vua Sở. Nhà vua bèn sai người mang lễ vật sang tạ tội vua Lương và kết tình giao hữu.
Em thân mến!
Lòng đố kỵ, ganh ghét là một trong những tật xấu của con người ở trần gian này. Ta tật đố khi ta thèm thuồng, ước mơ những gì mà người khác được còn ta thì mất, người khác có và ta thì không. Ta ganh ghét vì mê mờ không rõ lý nhân quả… như bọn người nước Sở trên đây chẳng hạn. Ðâu phải khi không mà dưa người ta tốt hơn là dưa của mình? Người ta siêng, ta lười biếng… Vậy mà khi thấy kết quả tốt đẹp của người ta, mình lại vác cào sang phá hoại kết quả ấy thì thật là thô lỗ và hết sức trẻ con!
Cũng thế, đâu phải đương không mà người ta đẹp đẽ ta xấu xí, người giàu sang thông minh, còn ta nghèo hèn ngu tối? Khi đã thấu rõ lý nhân quả thì không còn ganh ghét và tật đố nữa.
Thời Chiến quốc, Phật giáo chưa phổ cập đến Trung Hoa nhưng Tống Tựu đã có một cách sử lý nột vụ thật tài tình. “Lấy đức báo oán” và dạy mọi người lý nhân quả bằng hành động thiết thực nhất: “Tưới dưa cho người” để dưa người cùng mình đều được sai quả, nhờ đó mà hai nước tránh khỏi những sự hiềm khích, đổ vỡ, có thể đưa đến chiến tranh.
Ðọc xong câu chuyện này tôi và em, những người còn đầy nhóc lòng đố kỵ, có nên vòng tay bái phục ông Tống Tựu và sắm sẵn một cặp thùng thay vì cái cào để “tùy hỷ công đức” với đồng loại cho kịp mỗi khi ta nổi cơn ganh ghét hay không đây, hở nhỏ?
Thomas Edison - Người Học Trò Hư Nhất
Thomas Edison là một nhà kỹ thuật nổi tiếng của Hoa Kỳ hồi đầu thế kỷ thứ 20. Người ta kể rằng số lượng những phát minh sáng chế của ông nhiều đến nỗi, chỉ riêng những vết chân ông đi từ nhà đến phòng cấp bằng phát minh cũng đủ làm mòn cỏ để tạo nên một con đường rồi.
Khi Edison phát minh ra chiếc máy ghi âm đầu tiên cho nhân loại, ông được tổng thống Mỹ mời đến tòa bạch cung để làm quen. Tổng thống rất hài lòng và kính trọng nhà phát minh nên sau khi nghe máy hát, tổng thống hỏi:
- Ông đã tốt nghiệp kỹ sư ở nước ta hay ở Âu châu?
Nhà phát minh thời danh mỉm cười, rút ví lấy ra một mảnh giấy đã ố vàng, nói:
- Thưa tổng thống, đây là bằng cấp của tôi.
Tổng thống Hayes cầm mảnh giấy đọc và không giấu được vẻ bất bình. Ðọc xong, ông có dáng sững sờ. Cả cử tọa đều ngạc nhiên. Một vị bộ trưởng lấy mảnh giấy và đọc to lên:
- “… Trò Thomas, con trai ông là một học sinh dốt lười và hư, hỗn láo. Nếu còn giữ trò lại trường e rằng hương thơm mà lâu nay trường chúng tôi vẫn có vinh dự được mang, sẽ bị thương tổn. Tốt nhất là ông nên cho trò này đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi nhận thấy rằng, dù trò có mất công đi học thì sau này cũng không làm nên trò trống gì cả.”
Dưới bức thư là chữ ký và con dấu của ông hiệu trưởng trường tiểu học Po. Burôn.
Tổng thống Hayes quyết định chuộc lại lỗi lầm của ông hiệu trưởng đối với nhà kỷ thuật thiên tài bằng cách ký sắc lệnh đổi tên các trường tiểu học ở Po. Burôn thành trường tiểu học Thomas Edison.
Em thân mến!
Sự giáo dục mà Edison nhận được do nhà trường truyền trao thật là ngắn ngủi. Chưa qua khỏi cấp một thì đã bị cấp bằng…. đuổi học nhưng, thời hàn vi gian khổ, cuộc phấn đấu, tranh sống không ngừng nơi trường đời đã giúp cậu bé xui xẻo ấy thành một thiên tài kỹ thuật với hơn hai ngàn mảnh bằng về sáng chế và phát minh.
Những kiến thức kinh nghiệm mà chúng ta nhận được do nhà trường trao thật ít oi và thiếu xót, so với sự phong phú và đa dạng của cuộc sống. Người ta, thầy bạn, người chung quanh có thể đánh giá em một cách hời hợt như ông hiệu trưởng trường tiểu học Po Burôn đã đánh giá Edison. Nhưng nếu riêng em, em biết tự đánh giá mình như cậu bé Edison, điều này không phải là tự cao ngã mạn, mà chính là tự tin đó em ạ.
Trong nhà thiền, đi gieo rắc cho mọi người có niềm tin rằng họ có thể thành Phật, được xem là một công tác cực kỳ trọng đại và khẩn cấp, người làm việc này được gọi là sứ giả Như Lai hay Bồ Tát Thường Bất Khinh. Phải gọi là khẩn cấp vì các nhà bác học đều bắt đầu từ những cậu học trò nhỏ bé, cũng như các đức Phật đều khởi nguyên từ một chúng sanh vậy. Không tội nào lớn bằng tội giết chết một đức Phật, một thiền sư Nhật Bản có bảo rằng:
“Ai phủ nhận sự giác ngộ của một người, kẻ ấy giết chết một vị Phật tương lai.”
Kể lại câu chuyện này, tôi chỉ muốn nhắn nhủ em rằng, sự tin tưởng của thế nhân đặt và mình không bằng niềm tin của chính mình. Xin chúc em, người bạn đồng hành bé bỏng của tôi, có được niềm tự tin vững chắc như Thomas Edison vậy.
HƯ HƯ LỤC
Ba Con Búp Bê
Ngày xưa, có một đức vua. Ðể thử tài của đình thần, nhà vua cho làm ba con búp bê bằng vàng giống hệt nhau về hình dáng, kích thước cũng như trọng lượng.
Ðức vua truyền lệnh rằng, giá trị của ba con búp bê hoàn toàn khác nhau: một con rẻ, một con đắt và một con rất đắt. Rồi ngài trao giải thưởng cho ai tìm ra nguyên do sự khác biệt đó.
Sau một thời gian dài tìm kiếm, các quan đều bó tay và nhà vua của họ nổi giận lôi đình về sự kiện này. Túng thế đình thần cho treo bảng cầu hiền. Nhiều người gỡ bảng nhưng không ai tìm ra manh mối.
Cho đến một hôm, quan tể tướng gặp một chàng thanh niên khố rách áo ôm đến xin thử thời vận.
Chàng trai trầm ngâm quan sát ba con búp bê khá lâu. Thấy ở mỗi tai con búp bê đều có dùi một lỗ nhỏ, chàng lấy rơm đút vào tai chúng và thấy có những sự khác biệt lạ lùng:
Ở con búp bê thứ nhất, cọng rơm xuyên vào tai và chui qua mồm.
Ở con thứ hai, cuống rơm xuyên tai này liền chui qua tai kia
Nơi con thứ ba, cuống rơm chui vào tai liền tụt xuống bụng và nằm sâu ở đó.
Chàng trai liền giải đáp:
- Thưa tể tướng, ba con búp bê này giống hệt như người. Con thứ nhất là kẻ bộp chộp, giống kẻ vừa nghe đã nói, việc gì qua tai cũng tuôn cả ra miệng. Ðây là hạng không thể tin cậy được, nên dù có làm bằng vàng ròng đi nữa, giá của nó cũng rẻ rề. Con búp bê thứ hai giống kẻ vô tâm chễnh mãng, nghe tai này lọt qua tai kia mất. Hạng này khó mà học hành hay thu tiếp thu điều hay lẽ phải. Con thứ ba giống như người nghe xong để trong lòng. Hạng này kín đáo thâm trầm có thể tin cậy được… nên giá của nó phải cao nhất.
Chàng trai này là người duy nhất trúng giải.
HƯ HƯ LỤC
Trăng sao
Trong những đêm trăng mờ, nhìn lên bầu trời, chúng ta thấy màn đêm chi chít những sao là sao! Rõ ràng nhất là sao hôm và sao mai… Ðó là những vì sao nằm trong thái dương hệ với hành tinh của chúng ta.
Theo các nhà khoa học, mặt trăng và sao mai không tự phát ra ánh sáng nhưng nhờ ánh sáng mặt trời chiếu soi mà chúng trở thành sáng lấp la lấp lánh như thế.
Ánh sáng phát ra từ mặt trời, tung tóe khắp nơi, trở nên rực rỡ khi có vật cản và dường như khó nhận thấy khi không có vật phản chiếu. Chính vì vậy mà chúng ta thấy trăng sao lóng lánh và màn đêm đen thẫm.
Em thân mến!
Tôi tạm mượn bầu trời, trăng cùng sao để nói về tâm thức của chính mình.
Trong những lúc lòng ta vắng bặt mọi vấn đề: tham, sân, từ bi, hỷ xả, vui buồn ta thấy dường như mình biến đâu mất. Trạng thái này gọi là tịch (tịch tĩnh).
Ngược lại, trong các giờ tĩnh tọa, vấn đề ta đang cưu mang, bận tâm (như bỏ thẻ chứng minh nhân dân đâu mất tiêu) bỗng dưng sáng bừng lên, dù ta không cố gắng nhớ, nghĩ tới. Trạng thái này tạm thời gọi là CHIẾU, sáng soi, sáng tỏ.
Như ánh sáng mặt trời, luôn luôn chiếu soi bất kể đêm ngày trong ta không giây phút nào vắng bóng trí tuệ. Ánh sáng mặt trời chỉ được nhận thấy khi có vật cản (trăng sao)… thì trí tuệ chỉ biểu lộ rõ ràng khi vấn đề trong tâm thức đang cưu mang được tháo tung… Và, ngay cả lúc lòng ta vô sự, trí tuệ vẫn không vắng bóng.
Trăng sao, ánh sáng, mặt trời hay nói đúng hơn là chứng CÓ mà dường như KHÔNG vào những ngày giông bão, mây mù giăng bủa khắp nơi.
Cũng vậy, khi tâm ta bị vây bủa bởi các triền cái: tham lam, giận tức, nghi ngờ, náo loạn, hôn trầm… thì trí tuệ, tịch, chiếu… đều biến mất, chỉ còn lại sự buồn phiền, mệt mỏi, chán ngán mà thôi.
Muốn phục hồi trở lại ánh sáng trí tuệ sẵn có, hành giả phải chọn một pháp môn thích hợp với căn cơ của mình như: tọa thiền, quán tưởng, niệm Phật, trì chú… pháp môn nào cũng được, miễn sao lúc hành trì nó giúp cho hành giả quét sạch tham, sân, si, nghi… chuyển các tâm rối loạn, đa sự thành nhất niệm, một tâm niệm chuyên nhất, từ nhất niệm tiến dần đến vô niệm, không còn tưởng niệm nào hết, thì khi ấy, như bầu trời trong đã hết mây mù, trăng sao, mặt trời đều hiện rõ, tha hồ mà chiếu hay tịch gì cũng được.
HƯ HƯ LỤC
Phật Ở Ðâu?
Thuở xưa có anh chàng đọc kinh, nghe nói về Phật thích lắm, nhất định đi tìm cho gặp Ngài mới nghe. Anh chàng khăn gói quả mướp ra đi. Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, hầm hố, gian nguy hiểm trở... chàng vẫn chưa được gặp Phật giống như hình dáng trong kinh đã diễn tả: “Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp hào quang sáng chói.”
Hôm nọ tại một triền non, chàng trai tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ cốt cách siêu phàm. Mừng quá chàng khẩn khoản:
- Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không? Xin chỉ dùm con với.
Ông lão mỉm cười:
- Ồ, chỗ nào mà không có Phật? Trên quảng đường vừa qua chả lẽ con không gặp được Ngài.
- Thưa cụ trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả... con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.
Ông cụ cười ha hả:
- Chú mày ngốc nghếch thật! Chú không biết rằng cái thân đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp đó, dân Ấn đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư?
- Thưa thế thì Phật chết rồi sao?
- Hiện giờ đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tồi và xấu như chúng sanh vậy. Con còn có muốn gặp Ngài nữa không?
- Thưa dù với bất cứ hình dạng nào, nếu đích thực là Ngài thì con vẫn vô cùng khác ngưỡng.
- Vậy thì để ta mách nước cho con nhé... Con hãy quay về... Trên đường về, nếu gặp một người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì chính người đó là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy...
Chàng trai hối hả quay về, suốt quãng đường dài chàng không gặp đức Phật nào mang hình dáng như cụ già diễn tả. Chán nãn chàng quay về nhà. Trời đã khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, tụt xuống phản quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa. Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân mặt, guốc mặt sang chân trái. Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào:
- Ôi! Ðức Phật yêu quý của con.
Em thân mến!
Trong kinh Phật có dạy: “Gặp thời không có Phật thì hai vị Phật đáng tôn thờ là cha và mẹ của mình, phải cung kính và thờ phụng hai vị này như tôn thờ đức Phật Thích Ca và Di Lặc vậy.” Ðó là lời dạy cho hàng Phật tử tại gia.
Riêng chúng ta hàng xuất gia đã lìa bỏ cha mẹ của xác thân này và để thừa sự cúng dường tất cả chúng sanh là những cha cùng mẹ trong vô lượng kiếp của mình.
Ngày xưa, trong hàng môn đồ của Ðại sư Trí Khải - một danh tăng đời Ðường – có một vị sư nhớ nhung cha mẹ, bèn bày tỏ cùng Ngài. Ðại sư dạy:
- Là người xuất gia ông chớ nên vì cha mẹ một đời mà xao nhãng bổn phận đối với cha mẹ nhiều đời, là tất cả chúng sanh đó vậy.
Câu chuyện anh chàng đi tìm Phật trên đây do người Trung Hoa đặt ra để nhắc nhở về chữ hiếu và bổn phận làm con. Nhưng qua câu chuyện này, em có thấy rõ chỗ oái oăm của nó là chúng ta bôn ba đi tìm Phật khắp nơi, trong khi Ngài ở kề cận bên mình mà chẳng hay. Vì thế mà có lẽ khi tăng Huệ Hải hỏi Mã Tổ về Phật, Mã Tổ đáp:
- “Hệt kẻ cỡi trâu đi tìm trâu” Em có thấy như thế không?
HƯ HƯ LỤC
Quyển kinh đi lạc
Ðiệu Bi có một quyển kinh nhật tụng rất quý. Một hôm tụng xong Ðiệu đi ngủ ngay quên cất quyển kinh đi.
Một chú chuột chạy qua thấy quyển kinh mừng rỡ:
- Má bầy trẻ mà được món này lót tổ thì còn gì bằng.
Thế là chú chuột na quyển kinh về một chiếc hang ở dưới gầm tủ. Bà chuột định xé quyển kinh ra lót tã cho sắp nhỏ thì bỗng nghe tiếng “meo meo” của ông mèo. Bà chuột liền lẩn mất.
Mèo đi đến gặp quyển kinh liền leo lên nằm khoanh đánh một giấc ngon lành. Ngủ xong, mèo vươn vai, xoa bụng nói: chiếc chiếu này êm quá, mình ngủ một giấc ngon chi lạ! Và mèo bỏ đi.
Con lu lu đang đi chơi thơ thẩn, bỗng thấy quyển kinh bèn tha tuốt ra vườn, nghĩ bụng: “Mình đem cái này ra kiếm con Nô, hai đứa chơi trò ném banh mới được.”
Chơi chán, Nô và Lu bỏ quyển kinh giữa đường. Cu Bình đi học về bắt được reo: “A! Mình có giấy dán diều và xếp ghe chơi rồi.”
Thế là quyển kinh được dán thành con diều bay lên trời, xếp thành ghe trôi bềnh bồng trong mương nước.
Một phần còn lại, được lũ mối xé nhỏ ra, khênh về tổ, nấu nướng và ăn tiệc mừng sinh nhật của mối chúa.
Em thân mến!
Chỉ có quyển sách thôi mà Ðiệu Bi gọi là kinh nhật tụng, chú chuột cho là đồ lót ổ, con mèo dùng như một chiếc chiếu, chó Lu đem làm đồ chơi, cu Bình dán thành con diều và lũ mối thấy đó là món ăn khoái khẩu. Tại sao thế?
Ðức Phật dạy rằng, tùy theo từng biệt nghiệp của chúng sanh mà mỗi kẻ có một lối nhìn kiến chấp, quan niệm về vạn hữu hoàn toàn khác nhau. Và điều rắc rối nhất ai ai cũng cho rằng quan điểm và cách sử dụng của mình là hay nhất, thông minh nhất, hợp lý nhất v.v…
Và đó cũng chính là điều điên đảo nhất của chúng ta. Có phải thế không?
Trích Hư hư lục
Chỉ một giới thôi
Uttiga là một thanh niên Bà La Môn ở kinh thành Xá Vệ. Sau khi làm đầy đủ bổn phận của một cư sĩ tại gia như bố thí cúng dường. Uttiga đến yến kiến Phật và xin được xuất gia. Ðức đạo sư chấp nhận cho chàng được toại nguyện.
Sau ngày xuất gia và thọ tỳ khưu giới, Uttiga đâm hoảng chàng tự nghĩ:
“Không ngờ muốn làm một sa môn phải giữ đến 250 giới… chỉ nhớ thôi cũng đã đủ mệt rồi… Nói gì đến thọ trì… Thôi chết rồi!
Và thầy tỳ kheo Uttiga đâm ra lúng túng vì thầy không tài nào nhớ nổi 250 giới cấm. Uttiga đến gặp Phật và xin hoàn tục vì chàng không tài nào xoay sở với ngần ấy giới luật phải giữ. Ðức đạo sư ân cần khuyên hỏi:
- Này tỳ kheo! Con xin hoàn tục vì các điều giới quá nhiều khiến con không nhớ nổi, chứ không phải vì con nuối tiếc dục lạc thế gian, có phải thế không?
- Bạch Thế Tôn! Ðúng như vậy! Con nghĩ rằng khi sống đời cư sĩ, chỉ phải giữ có năm giới cấm… là những điều mà con có thể thi hành được. Còn hôm nay, 250 giới của tỳ kheo, con không tài nào nhớ hết thì làm sao mà vâng giữ chi bằng con xin hoàn tục để khỏi vi phạm đến giới pháp cao sâu vi diệu của tăng đoàn.
- Này tỳ kheo! Nếu Như Lai rút 250 giới lại thật tóm tắt, chỉ còn một vài điều giới thôi, thì con có thể tiếp tục đời sống xuất gia hay không?
- Bạch Thế Tôn, được như thế thì còn gì bằng.
- Này tỳ kheo bắt đầu từ hôm nay, con chỉ giữ có một giới này thôi. Ðó là canh chừng thật chặt chẽ những móng tâm động niệm của con, biết rõ từng ý nghĩ khởi lên là thiện hay ác.
Này tỳ kheo! Làm sao biết đó là ý tưởng thiện hay ác? Ý tưởng ác là những ý tưởng mà nếu đem ra nói hay làm, sẽ gây tai hại cho mình cho người hoặc cả hai. Ðối với những ý tưởng như thế, con phải canh chừng theo dõi nó từ lúc mới sanh khởi, lan rộng cho đến khi diệt mất.
Này tỳ kheo! Thế nào là những ý tưởng thiện. Ðó là những ý tưởng mà khi đem ra thi hành sẽ không làm hại mình, hại người hoặc hại cả hai… Ðối với những ý tưởng loại này con cũng phải theo dõi từ lúc chúng sanh khởi, lan rộng cho đến khi hoại diệt mất.
Này tỳ kheo! Với một điều giới như thế, con có thể giữ được hay không?
Thầy tỳ kheo Uttiga cung kính thưa:
- Bạch Thế Tôn, con có thể giữ được và con xin Thế Tôn cho phép con ở lại tịnh xá tu học.
Rồi thầy tỳ kheo Uttiga với một điều giới duy nhất như thế tinh cần tu tập. Không may cho thầy một cơn bệnh nặng chợt đến khiến thầy phải gián đoạn công phu. Cơn bệnh này tiếp nối cơn bệnh khác, không dứt khiến thầy Uttiga vô cùng sầu khổ, một hôm trên giường bệnh thầy chợt nghĩ:
“Trong khi ta lâm bệnh khổ, thân thể khó chịu vô vàn như thế này, các ý tưởng sinh khởi liên miên không bao giờ dứt. Nếu cái thân xác thịt này không được tiếp tế thức ăn, nước uống và không khí thì có lẽ nó đã chết từ lâu. Còn cái vọng tâm của ta, nếu không được tiếp tế bằng những ý niệm thì có lẽ nó cũng đã chết từ lâu lắm rồi. Thân ta tuy hiện đang bị bệnh khổ bức bách nhưng nó không phải là một cái cớ để ta buông lung. Huống chi đấng đạo sư đã thương tình tóm tắt 250 điều giới trong chỉ mỗi một giới mà ta còn lơ là thì thật là đáng trách.
Nghĩ như thế tỳ kheo Uttiga tinh cần tu tập. Chẳng bao lâu thầy đắc A La Hán ngay khi còn nằm trên giường bệnh. Người ta còn ghi lại được một bài kệ đơn giản của vị La Hán này như sau:
“Trong khi ta lâm bệnh
Niệm khởi lên nơi ta
Trong khi ta lâm bệnh
Không phải thời phóng dật.”
Trường hợp của thầy tỳ kheo Uttiga cũng là trường hợp của em và tôi. Dù đã thọ năm giới, 10 giới, 250 giới hay 348 giới đi nữa, tuy số lượng có sai biệt nhưng tinh thần của giới luật không ngoài hai điểm: “Dứt ác, làm lành.” Ðó chính là giới răn mà đấng đạo sư đã tóm tắt cho thầy Uttiga. Giữ gìn giới đạo này, nhà thiền gọi là “chăn châu” đó em.
Thử thời thuyết đạo hãn tri âm
Chỉ vị như tư tán đạo tâm
Hề tợ Tử Kỳ đa sảng sấm
Thính lai nhất đạt Bá Nha cầm.
Thiền sư Tịnh Giới
Ðời nay hiếm kẻ tri ân
Ðến nghe thuyết giảng đạo tâm mơ màng
Tử Kỳ lòng quả chư nhàn
Thoảng nghe đã hiểu cung đàn Bá Nha.
Ôi dư cốt dốt độc hoàng chương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ ba suy thương hòa mộc dạc
Tùng giao nhân tiếu lão tăng mang.
Thiền sư Huyền Quang (VN)
Củi hết lò còn vương vấn khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặt tình.
Song triêu nguyệt đáo thiền sàng mất
Tùng thiếu phong xuy tỉnh khách miên…
Ðầu giường trăng dọi song thưa
Gió ru thông hát khách đưa giấc nồng.
Trích HƯ HƯ LỤC
Nước Mắt Thiền Sư
Có một người trung niên sau khi xuất gia trở thành một vị cao tăng, trụ trì một tu viện cách rất xa gia đình. Rất nhiều người ngưỡng mộ danh đức của ngài nên đến xuất gia cầu học.
Ngài luôn dạy các đệ tử nên đoạn trừ thế duyên để liễu ngộ chân lý, tinh tấn phát huy trí tuệ, phá trừ ngã chấp, tự độ độ tha. Và ngài nhấn mạnh chỉ có đoạn trừ tình ái thế gian thì mới có khả năng đạt được giải thoát.
Một ngày nọ, từ nơi quê hương xa xôi của ngài truyền đến tin chẳng lành. Đứa con duy nhất của ngài lúc chưa xuất gia đã lâm trọng bệnh qua đời. Các đệ tử sau khi nhận được tin cùng nhau tụ tập lại luận bàn, chẳng biết là có nên báo tin buồn này cho sư phụ biết hay không?
Cuối cùng họ đi đến kết luận: Sư phụ đã đoạn trừ thế duyên rồi, đứa con duy nhất đó dù sao thì cũng là người thân của ngài, nên báo tin không vui này cho ngài biết. Đồng thời họ cũng nghĩ sư phụ là người đã tu hành đến mức cao như vậy rồi, nếu nghe tin đứa con duy nhất chết thì cũng chỉ thản nhiên thôi.
Thế là họ cùng nhau đi đến báo tin này cho thiền sư. Khi vị cao tăng vừa nghe tin thì mặt buồn rười rượi, hai dòng nước mắt cứ lăn dài xuống má. Các đệ tử vừa nhìn thấy sư phụ có phản ứng như vậy thì cảm thấy rất lạ, họ cũng không ngờ sư phụ qua thời gian dài tu hành như vậy mà cũng chưa đoạn trừ được tình cảm.
Trong nhóm đệ tử có một người can đảm đứng ra chắp tay hỏi:
- Sư phụ, bình thường sư phụ hay dạy chúng con đoạn trừ thế duyên, cần cầu giải thoát. Sư phụ xuất gia đã lâu vì sao nghe tin con chết lại đau khổ nhiều như vậy, như thế có phải là ngược lại tất cả những gì mà hằng ngày sư phụ vẫn thường dạy chúng con không.
Trong đôi mắt đẫm lệ, thiền sư ngước lên nói:
- Ta dạy các người đoạn trừ tình cảm thế tục mong cầu thành tựu giải thoát, chứ không phải dạy các người sống cuộc sống ích kỷ chỉ biết có mình. Đứa con của ta cũng là một trong những chúng sanh, tất cả chúng sanh cũng giống như con của ta. Ta vì đứa con của ta mà khóc, cũng là vì nỗi đau của tất cả chúng sanh trong thế gian mà khóc vậy!
Sau khi các đệ tử nghe lời ngài dạy, trong lòng tràn đầy thương cảm, mở rộng tình thương, tinh tấn tu học, cần cầu giải thoát.
(Theo Hoa Linh Thoại,
Như Nguyện dịch)
Bài học đạo lý
Một bậc cao tăng phạm hạnh đáng kính đã rơi nước mắt khi nghe người thân của mình ra đi. Chuyện thật bình thường, ấy vậy mà rất lạ, làm cho những đệ tử và tín đồ ngơ ngác, chẳng biết tại sao? Thì ra dù đã đoạn trần duyên, một đời ẩn dật dấn thân cho sự nghiệp giải thoát, bất động giữa muôn trùng biến động nhưng ngài vẫn là một con người tràn đầy bi mẫn, vẫn yêu thương tha thiết trần gian ô trượt này.
Ai đó nghĩ rằng, tu hành càng cao thì tình cảm càng héo khô như gỗ đá thì thật sai lầm. Cũng do vậy mà một thiền tăng ngày xưa sau ba năm tu hành luyện tâm như củi khô, đá lạnh đã bị bà già hộ pháp nổi lửa đốt cốc đuổi đi, vì “vô dụng”. Tu hành mà không còn rung cảm trước buồn vui của trần thế thì làm sao mà phát khởi đại nguyện cứu độ chúng sanh.
Trước khi trở thành Thánh nhân, chúng ta phải đích thực là một con người. Khi đã trở thành bậc Thánh rồi thì lại càng người và đời hơn. Cho nên, cùng là nước mắt nhưng không bi lụy, riêng tư, đau khổ mà chính là từ bi, yêu thương rộng khắp. Sống trong cuộc đời mà bất nhiễm, xuôi theo dòng đời mà không bị cuốn trôi, song hành với cuộc đời để yêu thương và cứu độ. Đó mới là hành động cao cả và bi mẫn nhất mà không phải người tu hành bình thường nào cũng làm được.
Letting go of eight things in life
1.Letting Go of Pressure
Whether you are tired or not depends on your perception. If you don't clean up your mind, your mind will be full of dust. Every day you'll encounter many events, some happy, some not. All these events will settle in your mind and will cluster and disorganize it. If you keep painful memories, you will soon be very depressed. Therefore, clean up your mind, let things settle, get rid of painful memories, then you shall have a lot of room for happiness.
Unhappiness is the root of your suffering.
2. Letting Go of Worry
Happiness is actually quite simple.
Practicing your smile: Not mechanically switching the expressions on your face but working hard to change how you feel inside. Learn how to accept reality calmly; learn how say to yourself ,”I'll follow the natural course.” ;learn how to face a crisis honestly; learn how to look at life positively; learn how to look at the bright side of everything. By doing so, the sunshine will come into your heart and disperse the darkness.
Happiness is actually that simple: Just allow yourself to be happy and that's all.
3、Letting Go of Inferiority Complex
Eliminate that from your dictionary.
Not everyone can be a great person who everyone admires, but everyone can have a great mind. A great mind can ease one's pain and sorrow; it can compensate your other shortcomings; it enables you to continue your life journey without fear and help you realize that your own thoughts can surpass the tallest skyscraper and the highest mountain!
Believe in yourself, find your own niche and you too can have a worthwhile life.
4、Letting Go of Being Lazy
Hard work can change one's life.
Don't blindly envy other people's skill. If you can try hard and be persistent, you too can have it. Because when you practice until you are perfect, that is a skill.
Just to remind yourself: Improving yourself, being happy, being healthy, and being kind, will enable you to have a wonderful life.
5、Letting Go of Negativity
If you want to be successful, please cheer for the best. Replace your negative attitude with a positive one. Replace ignorance with nobility, hypocrisy with sincerity; narrowmindedness with tolerance, depression with happiness, laziness with diligence, vulnerability with toughness...as long as you are willing, you will be the best you can be for the rest of your life.
No one can affect the outcomes of your battles. You are the general who is in charge. Even though not all dreams can become a reality, beautiful dreams can bring beauty to one’s life.
6、Letting Go of Complaints
It is better to work hard than to complain.
All failures are a foundation for success. Complaining and giving up are the road blocks that prevent success from marching to you. Accepting failure calmly is the smarter way.
Complaining cannot change the reality and only hard work can bring back hope. Real gold always find its day to glitter.
Many miracles in life were made by people born in a disadvantageous circumstance.
Don't worry about life, and don't think that life treats you unfairly. In reality, you are given as much as others.
7、Letting Go of Hesitation
Take actions quickly: Once you have made up your mind, don't hesitate; move toward your goal and don’t look back. Opportunity is like a lightening and only fast speed and decisiveness can catch it.
Taking quick action is one of the characteristics of successful people. When you know that your idea is good, you act on it as soon as you can; if you see a good opportunity, catch it. Thus, you are guaranteed to succeed.
Some people you must forget. Some events are good for you to introspect. Some things have to be taken care of. Some things cannot wait, and one moment of hesitation will result in regrets for your life. Only if you can let things go when you should, can you grab the happiness that truly belongs to you in this life.
8、Letting Go of Being Narrow-mindedness
When your mind is broad, Heaven and Earth will show you the space.
Tolerance is a virtue. When you tolerate others, you are actually making room for your soul. Only in a world of tolerance, can humankind play the harmonious song of life.
If we don't want prejudice, we must create a society of tolerance. If we want to eliminate prejudice, we must first get rid of narrow- mindedness.
Only by staying away from prejudice, can one have harmony with oneself, with other people, and with society.
We want not only ourselves to be happy, but also our friends, our relatives, and even strangers. We want them all to share our happiness. The joy of sharing transcends the joy of having.
Tám điều nên từ bỏ trong cuộc sống
1. Từ bỏ áp lực
Dù bạn có mệt mỏi hay không, điều đó đều phụ thuộc vào nhận thức của bạn. Nếu bạn không làm sạch tâm hồn mình, tâm hồn ấy sẽ bám đầy bụi bặm. Mỗi ngày bạn sẽ gặp rất nhiều chuyện, vui có, buồn có. Tất cả những chuyện này sẽ đọng lại trong tâm, sẽ tích tụ lại và làm xáo trộn tâm trí bạn. Nếu bạn cứ giữ mãi những kỉ niệm buồn, chẳng mấy chốc bạn sẽ trở nên phiền muộn. Vì thế, hãy làm sạch tâm hồn mình, hãy để mọi chuyện nguôi ngoai, hãy bỏ qua những kỉ niệm đau thương, và rồi bạn sẽ có thật nhiều khoảng trống cho hạnh phúc. Bất hạnh là nguồn gốc của mọi khổ đau.
2. Từ bỏ những lo toan
Hạnh phúc thực ra rất đơn giản.
Tập cười: đừng máy móc thay đổi nét mặt mà hãy cố gắng thay đổi cảm xúc thực sự ở bên trong. Học cách bình thản chấp nhận thực tế; hãy học cách tự nói với mình: “Tôi sẽ thuận theo tự nhiên.”; hãy học cách đối mặt với khủng hoảng một cách ngay thẳng; hãy học cách nhìn vào cuộc sống một cách tích cực; học cách nhìn vào mặt tốt của mọi việc. Bằng cách làm như vậy, ánh dương sẽ chiếu rọi đến tâm hồn bạn và xua tan đi bóng tối.
Hạnh phúc đơn giản như vậy đấy: chỉ là cho phép bản thân mình được hạnh phúc và đó là tất cả.
3. Từ bỏ mặc cảm tự ti
Hãy loại nó ra khỏi từ điển của bạn.
Không phải ai cũng có thể là một người vĩ đại để mọi người ngưỡng mộ, nhưng ai cũng có thể có một tâm hồn vĩ đại. Một tâm hồn vĩ đại có thể xoa dịu những nỗi đau và cả những muộn phiền nơi người khác; nó có thể bù đắp cho những thiếu sót của bạn; nó có thể giúp bạn tiếp tục hành trình cuộc sống mà không hề sợ hãi, và nó cũng giúp bạn nhận ra rằng những suy nghĩ của riêng bạn có thể vượt qua cả tòa nhà cao nhất và ngọn núi lớn nhất!
Hãy tin vào chính mình, tìm cho riêng mình một chỗ thích hợp và bạn cũng có thể có một cuộc sống đáng giá.
4. Từ bỏ sự lười biếng
Làm việc chăm chỉ có thể thay đổi cuộc đời của một con người.
Đừng mù quáng ganh tị với kĩ năng của những người khác. Nếu bạn có thể cố gắng và kiên trì, bạn cũng có thể có được nó. Bởi khi bạn luyện tập cho tới khi hoàn hảo, đó là một kĩ năng.
Hãy nhắc nhở bản thân rằng: cải thiện bản thân mình, vui vẻ, khỏe mạnh, và tốt bụng, sẽ giúp bạn có một cuộc sống tuyệt vời.
5. Từ bỏ sự tiêu cực
Nếu bạn muốn thành công, xin hãy cổ vũ cho những gì tốt nhất. Hãy thay thế thái độ tiêu cực của bạn bằng một thái độ tích cực. Hãy thay sự thiếu hiểu biết bằng sự thanh cao, thay đạo đức giả bằng sự chân thành; thay sự thiển cận bằng lòng vị tha, thay sự phiền muộn bằng hạnh phúc, thay sự lười biếng bằng sự chăm chỉ, thay sự dễ bị tổn thương bằng sự bền bỉ… chỉ cần bạn sẵn sàng, bạn sẽ trở nên tốt nhất có thể trong phần còn lại của cuộc đời.
Không ai có thể làm ảnh hưởng tới kết quả của cuộc chiến đấu của bạn. Bạn là vị tướng đang làm nhiệm vụ. Dù không phải ước mơ nào cũng thành hiện thực, nhưng những giấc mơ đẹp sẽ mang cái đẹp đến cho cuộc đời bạn.
6. Từ bỏ những lời than vãn
Tốt hơn hết là hãy làm việc chăm chỉ thay vì than thở.
Mọi thất bại đều là nền tảng cho thành công. Than thở và từ bỏ là những chướng ngại vật cản trở thành công đến với bạn. Bình thản chấp nhận thất bại có lẽ là một cách thông minh hơn. Than thở không thay đổi được thực tại và chỉ có làm việc chăm chỉ mới đem lại hy vọng. Vàng ròng luôn chờ ngày tỏa sáng.
Rất nhiều điều kỳ diệu trong cuộc sống được tạo ra bởi những người sinh ra trong những hoàn cảnh bất hạnh.
Đừng lo lắng về cuộc đời, và đừng nghĩ rằng cuộc đời bất công với bạn. Thực tế, bạn được ban tặng nhiều như những người khác.
7. Từ bỏ sự chần chừ
Hãy hành động nhanh: khi bạn đã quyết đinh, đừng do dự; hãy tiến về phía mục tiêu và đừng nhìn lại. Cơ hội chỉ đến trong nháy mắt và chỉ có tốc độ cao và sự quả quyết mới có thể bắt được nó.
Hành động nhanh là một trong những đức tính của những người thành công. Khi bạn biết rằng ý kiến của mình là tốt, hãy thực hiện nó sớm nhất có thể; nếu bạn thấy một cơ hội tốt, hãy nắm lấy nó. Như vậy, đảm bảo bạn sẽ thành công.
Có những người bạn phải quên đi. Có những việc thực sự tốt cho bạn để nhìn lại chính mình. Có những việc phải quan tâm đến. Có những việc không thể chờ, và một khoảnh khắc do dự sẽ dẫn đến niềm ân hận suốt đời. Chỉ khi bạn có thể bỏ qua những thứ bạn nên bỏ quả, bạn sẽ có được hạnh phúc thực sự thuộc về bạn trong cuộc đời này.
8. Từ bỏ sự hẹp hòi
Khi tâm trí bạn rộng mở, Trời đất sẽ có chỗ cho bạn.
Bao dung là một đức hạnh. Khi bạn bao dung với người khác, bạn đang thực sự dọn chỗ cho tâm hồn mình.
Chỉ trong một thế giới bao dung, loài người mới có thể tấu lên bản nhạc du dương của cuộc đời.
Nếu chúng ta không muốn định kiến, chúng ta phải tạo ra một xã hội bao dung. Nếu chúng ta muốn phá bỏ định kiến, đầu tiên chúng ta phải từ bỏ sự hẹp hòi.
Chỉ bằng cách tránh xa định kiến, một người có thể hài hòa với chính bản thân mình, với người khác, và với xã hội. Chúng ta không chỉ muốn bản thân mình hạnh phúc, mà còn muốn tất cả bạn bè, người thân và thậm chí ngay cả những người xa lạ cũng được hạnh phúc. Chúng ta muốn mọi người cùng chia sẻ niềm hạnh phúc ấy. Niềm vui của sự chia sẻ tuyệt vời hơn rất nhiều niềm vui của sự sở hữu.
(Theo Secret China)
Học làm người
Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.
Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư. Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.
Thứ nhất, “học nhận lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.
Thứ hai, “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
Thứ ba, ” học nhẫn nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
Thứ tư, “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?
Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!
Thứ sáu, “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
Thứ bảy, “học sinh tồn”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.
(Theo Đại sư Tinh Vân, Liên Hải dịch)
Cách Xử Thế Người Xưa
Xưa, có một chú học trò được dịp lên phố chơi. Nhằm ngày chợ phiên, một vụ mất cắp xảy ra tại quán trọ, chú học trò liền bị quan huyện bắt nhốt vì người ta ngờ chú là thủ phạm.
Sau khi trải qua những thủ tục tra hỏi phiền phức, quan huyện tìm ra thủ phạm chính, chú học trò được trắng án ra về.
Khi về làng, gặp lại vị thầy dạy học, chú nhỏ tức tưởi kể lại tự sự, bộc bạch nỗi hàm oan của mình.
Ông thầy im lặng nghe xong câu chuyện, nghiêm nghị ra lệnh đánh đệ tử mười roi phạt. Ðương sự rất ngạc nhiên, nhưng không dám cải lời thầy, riu ríu leo lên bộ phản nằm chờ trận đòn mà lòng hoang mang vô kể.
Các bạn chú thấy thế, ngạc nhiên thưa:
- Thưa thầy, trò này vô tội sao lại bị đòn?
Ông thầy từ tốn giải thích:
- Ðành rằng nó vô tội, nhưng tại sao giữa phố chợ đông đảo chỉ mình nó bị tình nghi là kẻ cắp? Ta đánh đây là phạt cái tội nó có bộ vó của thằng ăn cắp để cho người ta nghi ngờ. Nếu nó không chỉnh đốn tư cách lại, ta e rằng nó sẽ bị hàm oan nhiều lần nữa.
Em thân mến
Ðây là một trong những cách xử thế tuyệt diệu của người xưa. Cổ nhân đào luyện thế hệ đàn em phải sống sao cho "Cúi xuống không thẹn đất, ngẩng lên không thẹn trời".
Ðành rằng chú bé trên đây không hề gian tham nhưng vị thầy không bằng lòng khi thấy học trò mình chưa đủ tư cách chính nhân quân tử, khiến người ta mất lòng tin nơi mình.
Trong kinh, đức Phật đã từng dặn dò chúng ta rằng: "Không phải nhờ ở lời khen của thế nhân mà con được đạo giải thoát, cũng không phải vì lời chê của thế nhân mà con lại rơi vào địa ngục. Mà chính những ý nghĩ, lời nói và hành động của con sẽ quyết định cảnh giới thiện ác tương xứng."
Thông thường, chúng ta rất dễ nhẫn nhịn những lời khen (mà mình không hoàn toàn xứng đáng) và ngược lại, chúng ta không tài nào kham nhẫn nổi những lời vu oan trách mắng vô căn cứ. Ðã bao lần em tức tưởi thuật lại nỗi hàm oan của mình cùng bè bạn. Và có lẽ, chưa lần nào em bị đánh đòn như chú bé trong câu chuyện trên đây. Có lẽ vì thế mà chúng ta kém xa người xưa chăng?
Có hôm nào, lỡ bị một nỗi hàm oan, em hãy thử một lần tự tìm xem mình đã có những tác phong, cử chỉ cung cách như thế nào ... để cho người ta phải nghĩ về mình xấu tệ như thế đó. Nếu tìm thấy nguyên do nằm nơi mình, thì em đã bắt đầu nắm được chìa khóa giải thoát rồi đó. Giải thoát cái gì em biết không? Giải thoát em khỏi những niềm sầu, nổi khổ, những tư tưởng bi quan hắc ám. Vì thấy sao mà trên cõi đời này, sao mà không có ai hiểu mình hết trơn, hết trọi ...
Dễ mà khó
Ô Sào thiền sư là một cao tăng Trung Hoa vào đời Đường. Khi sanh sư, bà mẹ không ưng ý lắm nên đem bỏ con vào một chiếc tổ quạ trên cội đại thọ trước hiên chùa rồi lẩn mất. Sư ở chùa từ đó, và người ta gọi sư là thầy Ô Sào (Ô là quạ, Sào là tổ), tức là ông thầy có xuất xứ từ một chiếc tổ quạ. Tuổi ấu thơ và tráng niên của sư trôi qua bình thản trong bóng mát của tòng lâm cổ kính. Sư thường hành thiền trên quê hương của mình, tức là nơi chảng ba có đặt chiếc tổ quạ ngày xưa mà theo năm tháng, cội cây đã to và rộng đủ để sư đặt một chiếc tọa cụ trên ấy. Cho đến khi ngộ đạo và hành đạo, thiền sư vẫn không rời “quê mẹ”.
Một hôm, quan Thị lang Bạch Cư Dị, một thi hào lừng danh đương thời, đi dạo ngang cổng chùa, trông thấy nhà sư đang ngồi vắt vẻo trên cành cây. Vốn không ưa hạng người “lánh nợ đời” như thế, ông cau mày hỏi:
- Bộ hết chỗ rồi hay sao mà thầy lựa chỗ hiểm nghèo như thế để ngồi?
Thiền sư bình thản đáp:
- Chỗ của tôi xem ra còn vững vàng hơn chỗ của quan lớn đang ngồi nhiều.
Quan Thị lang nhìn lại chiếc kiệu của mình, ngạc nhiên hỏi:
- Chỗ tôi đang ngồi có gì đáng ngại đâu?
- Thưa, chỗ đại quan là dưới vua, trên các quan và trăm họ. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua. Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc và lòng yêu ghét của vua và sự tật đố tị hiềm của bạn bè. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ làm sao bì với sự cứng chắc của cây cội này được. Có phải thế không, thưa đại quan?
Bạch Cư Dị nghe nhà sư nói chỉ im lặng cúi đầu, giây lâu vị đại quan lão thành mới cất tiếng hỏi:
- Thầy có thể cho tôi biết thế nào là đại ý của Phật pháp chăng?
Thiền sư đáp liền:
- Không gì dễ bằng câu hỏi này. Đại quan hãy nghe tôi trả lời đây: “Các điều ác chớ làm, các điều lành vâng giữ, tự thanh lọc ý mình, đó là lời Phật dạy”.
Bạch Cư Dị nghe xong bảo:
- Những điều thầy vừa đáp, con nít lên ba cũng nói được.
Thiền sư mỉm cười:
- Thưa đại quan, con nít lên ba nói được, nhưng ông lão sáu mươi chưa chắc đã làm xong. Ngài có thấy như thế không?
Bạch Cư Dị lại im lặng cúi đầu bái phục. Ông bắt đầu học đạo với sự dẫn dắt của Thiền sư Ô Sào từ đó.
NHIÊN TỰ
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 505
Chuyện Của Dòng SôngThích Nhất Hạnh
Có một dòng sông rất đẹp chảy qua núi đồi và đồng cỏ xanh tươị Dòng sông ca hát nhảy nhót tung tăng từ trên núi xuống đồng bằng. Xuống đồng bằng, dòng sông chảy chậm lại, mặt nước trong xanh êm mát. Lúc ấy dòng sông còn trẻ lắm, và dòng sông muốn chảy mau ra biển cả. Dòng sông càng lớn càng đẹp ra, lượn khúc yêu kiều ven đồi và bờ lúa.
Một ngày kia dòng sông chú ý đến sự có mặt của những đám mây trong nước. Mây đủ mầu sắc, hình thể, đẹp quá chừng, nên suốt ngày dòng sông cứ miệt mài chạy đuổi theo những đám mây, mong bắt được một đám mây cho riêng mình. Nhưng mây cứ lơ lững tầng cao khó mà bắt được, nhất là mây cứ thây hình đổi dạng không ngừng. Vì mây vô thường như vậy nên dòng sông rất đau khổ. Chạy duổi bắt theo mây thì vui nhưng sau đó dòng sông đầy thất vọng, u sầu và tức giận .
Một ngày kia một cơn gió lớn đi qua, quét sạch mây trên trờị Bầu trời trở nên quang đãng không còn một bóng mây, dòng sông não nề tuyệt vọng, không còn muốn sống nữạ Không còn mây để chạy theo ta sống để làm gì ?” Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời, dòng sông quay trở về tiếp xúc với chính mình. Lâu nay dòng sông chỉ duổi theo những cái bên ngoài mà không bao giờ thấy được cái chính mình. Tối hôm đó, lần đầu tiên dòng sông được nghe tiếng mình khóc, âm thanh sóng vỗ vào bờ. Dòng sông lắng nghe tiếng của mình và khám phá ra một điều rất quan trọng. Dòng sông nhận ra rằng cái mà lâu nay mình theo đuổi đã nằm sẵn trong lòng mình. Tưởng mây là gì, đâu ngờ mây chỉ là nước. Mây sinh ra từ nước và bây giờ mây trở thành nước. Và dòng sông tự bao giờ cũng vẫn là nước như một đám mây.
Sáng hôm sau khi mặt trời lên cao, dòng sông khám phá ra thêm một điều thật đẹp – đây là lần đầu tiên dòng sông thấy được bầu trời xanh thẳm. Lâu nay dòng sông chỉ chú ý đến mây, không chú ý đến bầu trời. Bây giờ sông mới biết rằng bầu trời là quê hương của các đám mâỵ Mây luôn luôn thay đổi, nhưng bầu trời không bao giờ thay đổị Và bầu trời cao đã có mặt trong dòng sông tự thủa nào. Cái thấy này đem lại cho dòng sông một nguồn an lạc lớn. Dòng sông hiểu rằng bao giờ bầu trời xanh còn có mặt, niềm an lạc của dòng sông sẽ mãi mãi vững bền.
Trưa hôm đó, các đám mây lại lục tục trở về nhưng dòng sông không còn tha thiết muốn đuổi bát nữạ Đám mây nào đi qua, dòng sông cũng thấy đẹp và cũng vẫy tay chào. Dòng sông không còn thấy buồn tủi hay lưu luyến. Bởi đám mây nào cũng là một dòng sông, chẳng còn phải chọn lựạ Một niềm an vui hài hòa đã kết hợp mây và sông. Tối hôm đó một điều thật tuyệt diệu đã xãy ra. Dòng sông mở rộng lòng đón mặt trăng rằm – mặt nguyệt tròn vành vạnh và sáng rực rỡ như một viên bảo châu trong dòng nước trong vắt. Có một bài kệ miêu tả hình ảnh đẹp đó : “Bồ tát Thanh Lương nguyệt Du ư tất cảnh không Chúng sanh tâm cấu tận Bồ đề ảnh hiện trung .” (Bụt là vầng trăng mát đi ngang trời thái không hồ tâm chúng sanh lặng trăng hiện bóng trong ngần.)
Dòng sông trong vắt đã làm hiện rõ bóng trăng và trăng đã cùng mây nước dắt tay nhau đi thiền hành về biển cả. Chẳng có gì phải chạy đuổi theo. Chỉ cần trở về với mình, trở về với hơi thở và nụ cười, trở về nơi mình ở, nơi có thông reo, chim hót và nắng ban mai, còn nơi nào đẹp hơn nữa ?
Cây Ðèn Kỳ Lạ
Sau lễ tiển đưa Phật và các thầy Tỳ-kheo trở về tịnh xá Kỳ Hoàn, vua A Xà Thế cùng với đình thần trở lại nội cung để dự buổi yến thân mật và bàn một vài việc cần làm thêm trong ngày đại lễ hôm ấy:
Câu chuyện mở đầu trong bữa tiệc là những lời sau đây do vua A Xà Thế phát khởi.
- Các khanh ! Quả nhơn rất bằng lòng và thỏa mãn về việc các khanh đã lo liệu quá ư tươm tất trong buổi lễ cúng dường Phật và giáo-hội vừa rồi.
- Hướng đôi mắt về phía đại thần Kỳ Bà, Vua A Xà Thế nói tiếp:
- Kỳ Bà ! Khanh ngồi nghĩ hộ quả nhơn xem còn có vật gì đáng làm nữa để quả nhơn tận hiến tấc dạ chí thành lên đức Chí tôn và giáo hội - những người tận tụy trong công việc giáo hóa chúng sinh nói chung, thần dân của quả nhơn nói riêng, trở về với ánh sáng chơn lý.
Ðứng dậy ngẫm nghĩ trong chốc lát, rồi đại thần Kỳ Bà thong thả tiếp:
- Tâu đại vương, ngoài sự cúng dường trai phạn và y phục mà Ðại vương đã dâng lên đức Chí tôn và giáo hội, theo thiển ý của hạ thần thì không việc gì có ý nghĩa hơn việc cúng dường ánh sáng. Vì ánh sáng tượng trưng cho trí tuệ, cho sự giác ngộ, ở đâu có ánh sáng thì ở đó bóng tối tan mất. Cũng như ánh sáng Phật và giáo hội đến đâu thì ở đó si ám và tội lỗi đều tiêu sạch. Ngu ý của hạ thần chỉ có bấy nhiêu, kính mong bệ hạ thẩm xét.
- Hay lắm ! Ý kiến của khanh rất chí lý ! Tiện đây nhờ khanh thay quả nhơn sắm sửa cho thật nhiều đèn đuốc để tối hôm nay dâng lên Phật và giáo hội tại tịnh xá Kỳ Hoàn.
Ðại thần Kỳ Bà vâng thuận. Buổi tiệc bắt đầu và tiếp diễn trong tình thân mật giữa nhà vua và các vị cận thần.
Chiều hôm ấy, trên đường trở về xóm nghèo, một bà lão hành khất gặp rất nhiều xe cộ, lính tráng, tấp nập khuân chở những thùng dầu, đèn và những chiếc lồng đèn ngũ sắc rực rỡ.
Hỏi thăm, bà lão hành khất biết đó là lễ vật của nhà vua đem cúng dường Phật và giáo hội.
Hình tướng trang nghiêm của Phật và các thầy Tỳ kheo lại hiện về trong óc bà. Bà vui hẳn lên và rất tán thành việc làm có ý nghĩa của nhà vua. Và xét lại tự thân, thấy mình chưa làm được một công đức nào đối với Phật và giáo hội, bà tự nghĩ phải sắm phẩm vật để cúng dường mới được. Thò tay vào bị, bà lão moi ra vỏn vẹn chỉ có hai tiền. Một sự quyết định nhanh chóng trong lòng khiến bà hoan hỉ đi ngay vào một cái quán gần đấy...
- Thưa cậu ! Làm ơn bán cho tôi hai tiền dầu thắp.
- Bà mà mua dầu làm gì ? Sao không mua đồ ăn lại mua dầu, nhà cửa đâu mà dầu với đèn !
- Thưa cậu ! Tôi thường nghe các bậc hiền đức trong làng bảo: "Ngàn năm muôn thuở mới có một đức Phật ra đời; người nào có nhiều phước duyên lắm mới gặp". Hôm nay tôi may mắn được gặp nhưng chưa có lễ mọn nào để dâng hiến lên Ngài. Ðiều ấy làm tôi vô cùng ân hận. Nhơn tiện vua A Xà Thế sửa soạn đèn đuốc để dâng lên Ngài và giáo hội, tuy nghèo khổ, tôi cũng xin nguyện đem hai tiền mới xin được đây mua dầu dâng ánh sáng lên Ngài.
Nghe bà lão hành khất tỏ tấm lòng chân thiệt đối với Ðấng Giác ngộ, người chủ quán nhìn bà một cách cảm mến và hạ giọng: hai tiền chỉ được hai muỗng, nhưng tôi xin tặng bà ba muỗng nữa là năm, và cho bà mượn luôn vịt đèn nầy. Mong bà nhận cho.
Sau khi cám ơn người chủ quán, bà lão ra về với bao niềm hoan hỷ vì được người khác biểu đồng tình và giúp mình trong công việc phước thiện.
Trời chưa tối hẳn, những cây đèn xinh xắn, lộng lẫy của nhà vua đã được những đội thị vệ thắp sáng. Tịnh xá Kỳ Hoàn như vui nhộn hẳn lên. Ðó đây vang lừng những điệu nhạc dịu dàng, nhịp nhàng với lời ca ngợi của những cận thần thay nhà vua tán thán công đức của Phật và giáo hội. Từng đoàn người lũ lượt đi dự lễ, đông như trẩy hội. Bà lão hành khất cũng tiến mau về phía Tịnh xá và dừng bước trước những hoa đăng rực rỡ, bà vội vàng đến rót dầu vào cây đèn mà bà đã lau sạch và thay tim. Vừa mồi ánh sáng bà vừa phát nguyện: "Cúng dường ánh sáng nầy lên đức Thế Tôn và giáo hội, con chỉ cầu mong làm sao con cũng sẽ được trí tuệ sáng suốt như các đấng giác ngộ trong mười phương". Bà lại nghĩ: "Dầu ít như vầy có sáng cũng chỉ đến nữa đêm là cùng". Nhưng mạnh dạn bà thầm nguyện "Nếu quả thật sau này tôi sẽ được giác ngộ như lòng tôi mong muốn hôm nay, thì số dầu ít ỏi nầy cũng làm cho cây đèn sáng mãi không tắt".
Sau khi treo cây đèn trên một cành cây, bà lão hành khất đi thẳng vào Tịnh xá, chí thành lễ Phật rồi ra về...
Số đèn của nhà vua, tuy được những đội lính thay nhau lo việc châm dầu, thay tim, nhưng ít cây được sáng suốt đêm, cây thì bị gió thổi tắt, cây thì bị phật cháy...
Duy cây đèn của bà lão hành khất thì ánh sáng nổi bật hơn muôn vạn cây đèn khác và cháy mãi đến sáng mà dầu vẫn khôn hao.
"Này đệ tử ! Trời đã sáng, hãy ra tắt hết những cây đèn còn đỏ", đức Phật dạy với ngài Mục Kiền Liên như thế.
Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Phật. Nhưng đến cây đèn của bà lão hành khất, thì ba lần tôn giả quạt mạnh, nhưng ánh sáng cũng không mất. Lần thứ tư, tôn giả cầm ngay vạt áo cà sa và vận hết thần công diệu lực của mình quạt hắt vào đèn nhưng đèn lại rực sáng hơn trước. Tôn giả Mục Kiền Liên và những người chung quanh đều ngạc nhiên cho đó là một cây đèn kỳ lạ chưa từng thấy.
Ngay lúc ấy, đức Phật vừa đến, Ngài điềm đạm bảo:
"Thôi ! Ðệ tử hảy thôi. Dù cho đệ tử có tận dụng cả thần lực của đệ tử cũng không thể nào làm tắt được cây đèn nầy, vì đó là ánh sáng công đức của vị Phật trong tương lai".
Lời dạy ấy của đức Phật đã làm cho nhiều đệ tử của Ngài muốn tìm hiểu ai là người đã cúng dường đèn ấy. Sau một cuộc điều tra kỹ càng, họ biết rõ người cúng dường cây đèn kỳ lạ ấy chính là một bà lão hành khất !
Câu chuyện nầy đến tai vua A Xà Thế. Nhà vua cho vời đại thần Kỳ Bà đến để thuật lại câu chuyện và hỏi:
- Kỳ Bà ! Như khanh đã biết được quả nhân làm rất nhiều công đức và cúng dường rất nhiều đèn nhưng không thấy đức Thế Tôn dạy gì về quả báo của quả nhân. Trái lại, bà lão hành khất chỉ cúng dường có một cây đèn lại được Ngài thọ ký là nghĩa làm sao ?
Ðại thần Kỳ Bà đứng lên ngần ngại mãi không dám trả lời.
- Kỳ Bà ! Ngươi đừng ngại gì cả, quả nhân muốn tìm hiểu những khuyết điểm chứ không bao giờ dám nghĩ khác về đức Thế Tôn.
Ðôi mắt của đại thần Kỳ Bà bỗng sáng lên và khiêm tốn trả lời câu hỏi của nhà vua:
- Tâu đại vương ! Theo những điều mà hạ thần được phỏng văn từ miệng của những người thân cận các thầy Tỳ kheo và cộng thêm sự suy luận của hạ thần thì tuy đại vương cúng dường rất nhiều phẩm vật, song tâm ý không được chí thành cho lắm và có lẽ đại vương không phát đại nguyện; cho nên tuy có công đức mà không làm sao bằng công đức của bà lão hành khất chỉ cúng dường một cây đèn nhưng đó là cả một tấm lòng chí thiết, một dạ chí thành đối với những đấng Giác ngộ và nhất là lời thện nguyện cao rộng của bà ấy.
Nghe đại thần Kỳ Bà phân tích tỷ mỉ về động cơ của sự cúng dường của mình và của bà lão hành khất, sau một hồi suy nghĩ và xét lại bản tâm, vua A Xà Thế liền cởi mở được tất cả những điều thắc mắc.
"Công đức cúng dường không đánh giá nơi phẩm vật, mà căn cứ nơi sự thành tâm".
Linh Khuyển Thiện Thính
Trong những bức tranh và tượng của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, chúng ta thường thấy dưới chân ngài phủ phục một con linh khuyển. Con vật này có một nô bộc trung thành, vừa là con vật để Ðịa Tạng Vương Bồ Tát cưỡi trong suốt cuộc hành trình phổ độ chúng sinh. Con linh khuyển này có hai chiếc tai rất lợi hại, một chiếc có thể nghe đươc pháp âm của thập phương chư phật, một chiếc kia thì lại có thể nghe được những lời than khổ của thập vạn chúng sinh. Vì vậy mà trong những bức tranh vẽ về Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, chú chó Thiện Thính này có một tai vểnh lên, và một tai kia thì cụp xuống, trông rất ngộ nghĩnh, nhưng lại không mất phần linh hoạt của một con vật thông minh.
Tôi đối với chú linh khuyển Thiện Thính này có rấùt nhiều sự thân thiện, ở chổ là lúc nhỏ nhà tôi cũng có nuôi một con chó có một chiếc tai vểnh lên và tai kia thì cụp xuống. Tuy rằng giống chó ta không đẹp, không qúi va dĩ nhiên lá không sang như những con chó nhà giàu ngọai quốc, thế nhưng nó khiến cho người ta có một cái cảm giác thân thiện hơn.
Những pháp tướng của Ðịa Tạng Vương BồTát trước thời nhà Ðường không ghi nhận sự có mặt của con chó trung thành này, chỉ từ khi thái tử Kim Kiều Giác của nước Tân La (miền trung bộ của nước Cao Ly, tức Ðại Hàn bây giờ) sang Trung Quốc xuất gia thì sự tích của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát mới được truyền tụng nhiều hơn va hình ảnh của vị Bồ Tát này cũng từ đó có nhiều màu sắc sống động hơn.
Thái tử Kim Kiều Giác của Tân La Quốc là một người hâm mộ Phật Pháp từ nhỏ. Năm 24 tuổi, ông bỏ cả ngai vàng thệ nguyện xuất gia, lấy pháp hiệu là Ðịa Tạng . Vì hâm mộ sự phát triển Phật Pháp tại Trung Quốc lúc bấy giờ cho nên vào năm Ðường Trinh Quan thứ tư, ông dẫn con chó thương yêu tên là Thiện Thính lặn lội từ Cao Ly vào Trung Quốc học đạo. Tỳkheo Ðịa Tạng vân du nhiều nơi ở Trung Quốc, cuối cùngkhi đến núi Cửu Hoa tại tỉnh An Huy thì chịu phong cảnh và địa thế ở nơi đó nên đã cất một túp lều tranh để tu hành. Trong thời gian tu khổ hạnh tại đó, chú chó Thiện Thính luôn là một người bạn trung thành túc trực bên mình của ông.
Sau đó, có một vị trưởng giả lên núi du ngoạn và phát hiện được tỳ kheo Ðịa Tạng. Ôâng ta đã phát nhuyện cất một ngôi thiền viện để cúng dường. Lúc đó tại địa phương đó có một nhà phú thương tên là Văn Các Lão cũng đã đóng góp rất nhiều tiền của trong việc kiến trúc thiền viện. Văn Các Lão đến hỏi tỳkheo Ðịa Tạng cần bao nhiêu đất để ông ta đứng ra lo liệu để mua. TỳKheo Ðịa Tạng trả lời là chỉ cần miếng đất che phủ bởi tấm cà sa của ông là đủ, thế nhưng khi ông giũ chiếc cà sa ra thì chiếc áo nhiệm mầu đã phủ nguyên một ngọn núi Cửu Hoa. Văn Các Lão là một người rộng rãi, ông đã giữ lời hứa cúng nguyên một ngọn núi cho chùa này, ông lại còn khuyên người con trai xuất gia theo Ðịa Tạng, lấy đạo hiệu là Ðạo Minh. Vì vậy mà sau này trong những pháp tượng của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, người ta thường thấy, một là đại hộ pháp Văn Các Lão, và vị kia chính là Ðạo Minh, con trai của ông.
Trong thời gian tu luyện tại núi Cửu Hoa, tỳ kheo Ðịa Tạng có nhiều truyền thuyết về thần thông đã được lưu truyền trong nhân gian, vì vậy mà hầu như ai cũng tin rằng tỳ kheo Ðịa Tạng chính là hóa thân của Ðia Tạng Vương Bồ Tát xuất thế để cứu khổvà độ trì chúng sinh. Hiện nay, Cửu Hoa Sơn đương nhiên trở thành đạo tràng của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (chú thích 1)
Tỳ kheo Ðịa Tạng tổng cộng trụ trì 75 năm tại núi Cửu Hoa và thọ đến 99 tuổi. Suốt thời gian tu luyện ngài không có trở về nước. Ôâng nhập Niết Bàn vào ngày 30 tháng 7 năm Ðường Khai Nguyên thứ 26. Tọa quan (chú thích 2) ba năm, đến khi khai quan thì dung mạo ông vẫn y hệt như người sống. Tay chân ông hãy còn mềm dẻo và có thể di chuyển được. Mãi cho đến ngày nay, nhục thân của tỳ kheo Ðịa Tạng vẫn còn được cung phụng tại Cửu Hoa Sơn cho thiện tín chiêm ngưỡng.
Những sự tích của tì kheo Ðịa Tạng có ghi chú trong những quyễn Cao Tăng Truyện và Thần Tăng Truyện của Trung Quốc. Ðây là một câu chuyện có thật và là một người có thật được ghi nhận trong sử sách. Chỉ tiếc rằng trong những quyển sách này ít đề cập đến chú linh khuyển Thiện Thính vừa kể ở trên. Nhiều người tin rằng chú linh khuyển này là đầy tớ trung thành của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát cho nên sự tích trên mới được lưu truyền và những hình ảnh của chú chó tinh khôn này.
Mỗi khi đảnh lễÐịa Tạng Vương Bồ Tát tôi thường chú mục và nghiêm chỉnh kính lễ linh khuyển Thiện Thính. Mỗi lần như vậy tôi cảm thấy trong tâm hồn thư thái. Cứ thử nghĩ một con chó bình thường của người phàm nuôi cũng đã rất chạy cảm với âm thanh, có thể nghe và diễn đạt được những tín hiệu từ xa, huống hồ gì linh khuyển Thiện Thính là một thần vật đã nhập tâm những Phật pháp nhiệm mầu của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.
Thiện Thính hay lắng nghe, đó là bước khởi đầu trong tâm học Phật Giáo, lắng nghe được những di động của hoàn cảnh chung quanh, lắng nghe được những sự kỳ diệu trong tâm linh, và cũng lắng nghe để có thể "trên hợp cùng giác tâm của thập phương chư Phật, cùng Như Lai đồng nhất từ lực, dưới hợp cùng thập phương nhất thiết lục đạo chúng sinh (chú thích 3), cùng chư chúng sinh đồng nhất hướng Phật"
Chúng ta dùng một tâm trạng để lắng nghe những sự việc xảy ra trong thế giới này ? Khi lắng nghe như vậy thì tâm hồn chúng ta đã chuẩn bị để đối phó với những sự việc này ra sao ? Phật dạy, trong trăm ngàn vui mừng, chúng ta hãy thản nhiên tiếp nhận . Trong muôn vàn đau khổ, chúng ta cũng nên bình thường đối diện.
Chúng sinh là ta, ta là chúng sinh; Chúng sinh là sự thành tựu của Bồ Tát, Bồ Tát là sự viên mãn của chúng sinh. Trong cái vũ trụ bao la bát ngát này, Bồ Tát và chúng sinh đều là một thể duy nhất. Chúng ta đối đãi với chúng sinh cũng y như vậy. Chúng ta lắng nghe Bồ Tát và chúng sinh như thế nào, thì cũng chính như lắng nghe tiếng lòng của chúng ta như vậy.
Vậy thì chúng ta hãy cùng cất bước nối tiếp theo lời thề nguyền của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát , đi cứu giúp những chúng sinh còn đang ngụp lặn trong ác đạo. Và hãy noi theo gương của linh khuyển Thiện Thính, mở rộng đôi tai trong tâm hồn để nghiêm khắc, kính cẩn, khoan dung, va ôn hòa để lắng nghe cái thế giới mà chúng ta đang ngụp lặn.
Chú Thích
1. Cửu Hoa Sơn : Nằm trong tỉnh An Huy, là Thuyết Pháp Ðạo Trường của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát. Xin xem chi tiết ở bài Cửu Hoa Sơn, Thánh Ðịa Phật Giáo Trung Quốc trong quyển nầy.
2. Tọa Quan: Những vị cao tăng viên tịch trong lúc tĩnh tọa được gọi là tọa quan. Trong những chùa chiền lớn ngày xưa, người ta di chuyển thân xác của chững vị cao tăng vào trong mộ đài xây dưng hình dạng tháp đứng.
3. Lục Ðạo Chúng Sinh : Trong lý thuyết của nhá Phật, thì chúng sinh được chia ra làm sáu cõi luân hồi, hay còn được gọi là Lục Ðạo. Ðó là Thiên giới, A tu La, loài Người, Súc Sinh, Ngạ Quỷ, và Ðịa Ngục. Thiên giới và A Tu Là gồm có những chúng sinh đã tạo được thiện căn ở vô số kiếp, giới này gồm có các Thiên Tiên, các Thần, Long Vương, QuỷVương, Dạ Xoa v. v... Loài người thì thấp hơn một bậc. Còn ba cõi Súc Sinh, Ngạ Quỷ va Ðịa Ngục là những chúng sinh xó nghiệâp chướng nặng hơn. Nhất là Ðịa Ngục gồm có những chúng sinh mà tiền kiếp đã có nhiều tội lỗi nên phải ỏ lại đó để chịu những hình phạt. Trong nhiều sách Phật, có sách đã gọi chung ba cõi Súc Sinh, Ngạ Quỷ, Ðịa Ngục là hạ tam đạo, hay là ba cõi thấp.
Nguyên tác: Lâm Thanh Huyền
Người dịch: Phạm Huê
Tâm Nhìn
Xưa có một vị Tỳ kheo, cất một cái am trên một sườn núi vắng vẻ để tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một con đò qua lại. Vị Tỳ kheo muốn hạ sơn hóa đạo phải đi qua chuyến đò ấy. Kẻ đưa đò là một bà lão trên 50 tuổi, còn khỏe mạnh.
Một hôm, khách qua sông ngạc nhiên thấy kẻ đưa đò không phải là bà lão nữa, mà là một thiếu nữ rất duyên dáng đẹp đẽ, dung nghi trang trọng, cử chỉ thanh cao. Hỏi ra mới hay rằng, người con gái ấy không biết người ở xứ nào, một ngày nọ, tới xin bà lão ở trọ và giúp bà một tay đưa khách qua sông. Thấy nàng xinh đẹp, lại đoan trang, lão bà vô cùng thương mến.
Từ đó, khách sang sông thăm thầy Tỳ kheo ngoạn cảnh mỗi ngày một đông. Có lẽ ai cũng thích qua đò để được ngắm dung nhan giai nhân và cái vẻ thướt tha mềm mại của tay ngà đưa mái chèo nhẹ trên mặt nước. Thầy Tỳ kheo thỉnh thoảng có việc phải hạ sơn, cũng qua đò. Nhưng có điều lạ, khi qua bên kia sông rồi, khách chỉ trả có một tiền, cô gái đòi thầy phải trả hai tiền. Vị Tỳ kheo ngạc nhiên hỏi tại sao lấy tiền đắt hơn. Cô gái cười nói: Mọi người qua đò chỉ có qua đò thôi. Còn thầy, ngoài việc qua đò, thầy còn ngắm tôi nữa nên phải trả gấp đôi. Không lý cãi cọ lôi thôi với cô gái, vị Tỳ kheo đành phải chịu trả cho cô hai tiền.
Lần sau, có việc phải xuống núi. Vị Tỳ kheo bước xuống đò không dám nhìn cô gái mà úp mặt xuống lòng đò. Ðến bến, mọi người lên trả tiền đò, đến lượt thầy, cô gái bắt trả gấp bốn lần. Thầy Tỳ kheo hỏi: Lần trước, cô bảo tôi qua đò nhìn cô nên phải trả gấp hai, nay tôi không hề nhìn cô mà chỉ úp mặt xuống đò, tại sao cô đòi gấp bốn lần? Cô gái nói rất trang nghiêm: "Mấy lần trước, thầy chỉ dùng mắt nhìn nơi mặt và bên ngoài của tôi. Hôm nay thầy dùng tâm và nhìn hết toàn thân bên trong của tôi nên phải trả gấp bốn lần. Nghe xong, thầy Tỳ kheo phát lên cười và hình như có sở ngộ. Ngoảnh lại cô gái đò đã biến đi đâu mất. Từ đó, chỉ còn bà lão đưa khách sang sông.
Trích trong "Truyện Cổ Phật Giáo"
Ý trinh design (biên soạn từ nguồn internet)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét