NGUỒN GỐC và TIẾN TRÌNH
HÌNH THÀNH
KINH ĐẠI BÁT NHÃ
HẠNH CƠ
A) DẪN NHẬP
“Bát Nhã” là tiếng phiên âm của chữ Phạn “Prajna”, có nghĩa là trí tuệ, là trí sáng suốt có thể thông hiểu mọi việc ở đời. Nhưng, trong Phật học, khi nói đến “trí tuệ”, chúng ta phải phân biệt có bốn loại, khác nhau rất xa:
1. Trí tuệ của phàm phu: Mọi người ở thế gian đều có trí hiểu biết bình thường. Khi cái trí hiểu biết ấy quá thấp kém, không biết suy nghĩ , không biết gì nhiều ngoài những hoạt động bình thường, người ta gọi đó là hạng người ngu si, hay tệ hơn nữa là “đần độn”. Đối với người có cái trí hiểu biết trên mức bình thường, nghe một hiểu mười, tự mình biết suy nghĩ một cách chín chắn, thấy rõ những việc phải trái, tốt xấu, v.v…, người ta gọi đó là hạng người khôn ngoan, lanh lợi, thông minh. Trên nữa là hạng người thông thái vượt trội hơn tất cả, có khả năng tìm hiểu, khám phá, sáng tạo, phát minh; được gọi là hạng người có trí tuệ. Một mưu chước hay, một hành động tốt của hạng người này có thể đem lại lợi ích, an vui cho nhân quần xã hội, và họ trở thành những bậc anh hùng, vĩ nhân; nhưng một mưu mô thâm độc, một hành động bạo ác của họ lại sẽ đem khổ đau, tang thương đến cho cả nhân loại, và họ trở thành những hung thần, ác quỉ. Như vậy, trí tuệ của người thế gian thật giống như con dao hai lưỡi, có thể giúp đời mà cũng có thể hại người. Và theo như kinh nghiệm mà mọi người trong chúng ta đều có được, ai cũng thấy rõ, cái trí tuệ của thế gian, giúp ích thì ít, mà phá hoại thì nhiều không thể kể xiết! Bởi vậy, trong giáo lí đạo Phật, “thế trí” đuợc coi là một trong tám tai nạn lớn (bát nạn) của con người. – Và “thế trí” chính là loại trí tuệ của hạng người “phàm phu”, tức là hạng người không tu học theo thánh đạo, không tỏ ngộ chân lí, không tin nhân quả, tội phước báo ứng…
2. Trí tuệ của Nhân và Thiên thừa: Cũng thuộc trong vòng thế gian, nhưng có những người có trí sáng suốt, nhận rõ những hoàn cảnh khổ đau trong thế gian là do chính mình gây ra, và do chính con người gây ra cho nhau. Họ phát tâm quay về nương tựa nơi Ba Ngôi Báu, tu học theo chánh pháp, hành trì năm giới cấm trong đời sống hằng ngày; cốt tu tập, rèn kuyện bản thân trở thành một con người đúng với phẩm giá một con người chân chính. Họ tin nhân quả nên quyết định không tạo nghiệp ác, không gây đau khổ cho người khác để khỏi phải chịu những quả báo đau khổ về sau; đồng thời quyết tâm tạo nghiệp lành để hưởng được phước báo an vui mãi mãi. Đó là những người có trí tuệ của hàng Nhân thừa, tức là hạng người có trí sáng suốt hơn hạng phàm phu, biết vượt lên trên cái tư cách phàm phu, sống xứng đáng với phẩm cách của một con người chân chính, toàn thiện, cao thượng. Nếu phát tâm mạnh mẽ hơn một bậc, những người này có thể tu tập trọn vẹn mười nghiệp lành, hoàn toàn không gây bất cứ một nỗi khổ đau (hoặc do thân thể hành đnộg, hoặc do miệng lưỡi nói năng, hoặc do tâm ý suy nghĩ) nào cho chính mình và cho người khác, biết tu tạo phước đức trong mọi cơ hội, không từ bỏ một việc thiện nhỏ nào mà không làm. Đó là họ tạo nghiệp lành để hưởng được phước báo của chư thiên, không đau khổ như loài người, sung sướng và sống lâu hơn loài người rất nhiều. Được như vậy là vì hạng người này có được loại trí tuệ của hàng Thiên thừa, và biết tu tập những pháp môn của hàng Thiên thừa. – Tuy cũng thuộc trong phạm vi thế gian, nhưng những người ở hàng Nhân thừa và Thiên thừa không coi trọng loại “thế trrí” của hạng phàm phu; vì họ thấy rõ rằng, “thế trí” chỉ mang lại tình cảnh đau khổ triền miên cho chúng sinh mà thôi.
3. Trí tuệ của hàng Nhị thừa: Nhị thừa là hai thừa Thanh-văn và Guyên-giác. Con người thế gian, dù có hay không có “thế trí”, đối với giáo lí đạo Phật, họ vẫn là phàm phu, vẫn phải đau khổ triền miên, vì đời sống luôn luôn tạo nghiệp bất thiện, mà không thấy biết có một con đường chánh để đi theo. Nhưng nếu có những người nào đó, nhờ duyên lành gặp được Phật pháp, phát tâm tu học theo chánh đạo, thì biết rằng những người này đã có trí tuệ -- loại trí tuệ cao hơn, sáng suốt hơn, đúng đắn hơn loại “thế trí” của phàm phu; đó là trí tuệ của hàng Nhân và Thiên thừa. Dù vậy, Nhân và Thiên thừa cũng vẫn còn thuộc trong vòng thế gian, vẫn còn chịu đau khổ trong biển sinh tử luân hồi. Nếu có duyên lành lớn hơn, trí tuệ cao trội hơn, họ sẽ phát tâm mạnh mẽ hơn, nguyện từng bước thoát dòng phàm phu để từng bước nhập vào dòng thánh -- dưới thấp là thừa Thanh-văn, lên trên là thừa Duyên-giác. Những hành giả tu tập ở hai thừa này đều có trí tuệ cao hơn, sáng suốt hơn, thanh tịnh hơn các loại trí tuệ của thế gian. Bằng trí tuệ ấy, họ quán sát thấy rõ thế gian là biển khổ đau; và khổ đau là kết quả của bao nhiêu phiền não, vô minh độc hại. Họ quán sát thấy rõ mọi sự vật trong thế gian đều do nhân duyên giả hợp mà thành, chúng luôn luôn biến đổi, không có gì trường tồn chắc thật, không có tự ngã tồn tại độc lập, không có niềm vui chân thật; chúng sinh do nghiệp báo mà cứ lẩn quẩn chìm đắm trong vòng sinh tử luân hồi… Do đó, họ sinh tâm nhàm chán, xa lánh thế gian, phát tâm tu tập theo chánh đạo để dứt trừ phiền não vô minh, giải thoát khỏi chốn thế gian khổ đau, cắt đứt vòng sinh tử luân hồi, an trú trong cảnh giới niết bàn tịch tĩnh. Và do thành quả này, trí tuệ của hàng Nhị thừa cũng được gọi là “trí tuệ xuất thế gian”.
4. Trí tuệ lớn của Bồ-tát thừa: Tuy trí tuệ của hàng Nhị thừa đã được liệt vào loại trí tuệ xuất thế gian, nhưng vẫn chưa phải là loại trí tuệ cao tột. Các bậc A-la-hán hay Bích-chi Phật, tuy đã dứt sinh tử luân hồi, chứng đắc niết bàn tịch tĩnh, nhưng đó chỉ là thành quả của công phu dứt trừ hết kiến tư hoặc, còn đối với bản thể hay thật tướng của vạn pháp thì vẫn chưa thấu rõ trọn vẹn; quí ngài tuy đã giác ngộ, nhưng thành quả giác ngộ chưa rốt ráo -- chứng tỏ, ở hàng Nhị thừa vẫn còn tồn tại phần vô minh vi tế. Chỉ khi nào đạt đến quả vị Phật-đà thì thành quả giác ngộ mới rốt ráo trọn vẹn, vô minh hoàn toàn dứt tuyệt, được gọi là bậc “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Nhưng, muốn tiến đến quả vị Phật, hành giả phải tu tập hạnh Bồ-tát; đó là điều tất yếu, không có cách nào khác. Vậy nên, hành giả tu tập Bồ-tát hạnh là cốt để làm Phật; và họ được liệt vào hàng Bồ-tát thừa. Trí tuệ của những hành giả Bồ-tát ở buổi ban sơ mới phát tâm tu tập, dĩ nhiên là còn rất cạn cợt, nhưng sau khi đã trải qua thời gian dài tu tập tinh chuyên, khi bước lên hàng Thập-địa, với tâm nguyện rộng lớn, thì trí tuệ của họ cũng rộng lớn vô cùng. Trí tuệ của hàng Bồ-tát thấy rõ được thật tướng của vạn pháp, cho nên Bồ-tát không còn chấp trước, điên đảo; hoàn toàn tự tại vô ngại, phát nguyện độ sinh, tự lợi lợi tha, cho đến khi “giác hạnh viên mãn”. “Bát nhã” chính thực là loại trí tuệ này; hay nói cách khác, trí tuệ của hàng Bồ-tát mới thực sự được gọi là “Bát Nhã” (hoặc cũng gọi là Trí Bát Nhã, hay Trí Tuệ Bát Nhã). Trí tuệ của Bồ-tát rất rộng lớn, cho nên cũng gọi là “đại bát nhã”. Trong rất nhiều pháp hội, đức Phật đã từng dạy nhiều pháp môn vi diệu để giúp cho hàng Bồ-tát phát huy loại trí tuệ rộng lớn này. Những lời dạy ấy, về sau đã được các bậc thánh tăng kết tập, làm thành kinh Đại Bát Nhã -- hoặc gọi đầy đủ là kinh Ma Ha (Đại) Bát Nhã Ba La Mật Đa (Maha-prajnaparamita-sutra). Chữ “ba-la-mật-đa” có nghĩa là đến bờ giải thoát, ý nói, nhờ có trí tuệ rộng lớn mà Bồ-tát vượt thoát sông mê, đạt được quả vị Phật-đà. Vì vậy, toàn thể tên kinh, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, có thể được dịch ngắn gọn là Đại Trí Độ, hay Tuệ Giác Siêu Việt.
B) NGUỒN GỐC KINH BÁT NHÃ
Kinh Đại Bát Nhã đã được chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng nói, trải qua nhiều pháp hội, tại bốn đạo tràng lớn: núi Linh-thứu, tu viện Kì-viên, cung trời Tha-hóa-tự-tại, và tu viện Trúc-lâm. Đại sư Trí Khải của tông Thiên Thai (Trung-quốc) đã y cứ vào nội dung kinh điển mà phân loại và hệ thống hóa các thời giảng pháp của đức Phật. Ngài đã phân chia thời gian bố giáo của đức Phật (theo thuyết cũ là 49 hay 50 năm) làm năm giai đoạn, trong đó, kinh hệ Bát Nhã thuộc giai đoạn thứ tư -- gọi là “Bát Nhã Thời” -- chiếm một thời gian dài đến 22 năm.
Nhưng, vì nguyên do gì mà đức Phật nói kinh này? Trong bộ luận Đại Trí Độ, Bồ-tát Long Thọ đã đưa ra những nguyên do sau đây:
- Vì muốn chỉ dạy đầy đủ về Bồ-tát hạnh mà đức Phật nói kinh Đại Bát Nhã.
- Vì muốn giúp cho các vị Bồ-tát được tăng thêm lợi ích trong công phu tu tập pháp môn “Niệm Phật Tam Muội”, mà đức Phật nói kinh Đại Bát Nhã.
- Sau khi thành đạo dưới gốc cây bồ đề, vì chuẩn hứa sự ân cần khuyến thỉnh của chư thiên, và cũng vì nhớ đến tâm nguyện đại từ đại bi của mình, nên đức Phật đã quay bánh xe pháp; và chính vì “Bát nhã ba la mật” là pháp sâu xa nhất trong các pháp, cho nên đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Vì trong thế gian có kẻ hoài nghi, cho rằng Phật đã không chứng được “nhất thiết trí”, để hóa giải mối nghi ngờ này, đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Có nhiều chúng sinh bị tà sư mê hoặc, tâm đắm chìm trong tà pháp, không vào được chánh đạo; đức Phật muốn chỉ bày thật tướng của vạn pháp để đoạn trừ tất cả mọi nghi kết của chúng sinh, cho nên đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Có nhiều người tâm đầy tà ác, tật đố, phỉ báng đức Phật là người có trí tuệ không ra khỏi trí tuệ của loài người, chỉ khéo dùng huyễn thuật để mê hoặc người đời. Để hóa giải những lời phỉ báng ấy, và đồng thời để giúp mọi người tin nhận chánh pháp, vượt thoát lưới tà kiến, diệt trừ kiết sử, được an vui tự tại, cho nên đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Cũng có người nghĩ rằng, Phật cũng như mọi người, cũng có sinh tử, cũng có lúc chịu đói khát, cũng bị lạnh bị nóng, cũng phải già bệnh, v.v… Để dứt trừ những ý nghĩ đó, đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Có rất nhiều người mang kiến chấp cực đoan, hoặc chuyên cầu khoái lạc, hoặc chuyên khổ hạnh hành xác; Phật vì hóa độ cho những hạng người này, đưa họ vào Trung Đạo, nên đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Để phân biệt quả báo cúng dường sinh thân và pháp thân, mà đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Vì muốn giảng thuyết về những pháp như “bất thối chuyển, ma huyễn, ma ngụy, ma sự”; lại muốn thọ kí cho hàng Tam thừa, nên đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Vì muốn giảng thuyết về “đệ nhất nghĩa tất đàn” (tất đàn trong ý nghĩa tuyệt đối), nên đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Vì muốn hàng phục các nhà đại nghị luận (như trường hợp phạm chí Trường Trảo), mà đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Vì muốn chỉ rõ thật tướng của các pháp, nên đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Vì muốn nói những pháp không có chỗ tranh cãi, cũng như những pháp môn gồm hai phần tương đối như: có tướng -- không tướng; có vật -- không vật; có y cứ -- không y cứ; có trên – không trên; thế giới – chẳng phải thế giới, v.v…, nên đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Vì muốn chỉ rõ tướng các pháp không phải thiện, không phải bất thiện, không phải vô kí; cũng như các pháp môn có ba phần như: pháp học – pháp vô học – pháp phi học phi vô học; pháp do kiến đế đoạn – pháp do tư duy đoạn – pháp không đoạn; pháp thượng – trung -- hạ; pháp tiểu -- đại – vô lượng, v.v…, nên đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
- Vì muốn phá bỏ các pháp phương tiện đã nói ở các kinh khác như: Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Bốn Thiền, Bốn Đế, Năm Uẩn, v.v…, nên đức Phật đã nói kinh Đại Bát Nhã.
C) TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH KINH ĐẠI BÁT NHÃ
Sau khi đức Phật nhập diệt, toàn bộ những lời dạy của đức Phật đã được chư vị thánh tăng cử tụng lại, kết tập nhiều lần, hình thành tạng kinh điển Phật giáo hoàn chỉnh. Song song với công trình kết tập này, một sự việc không may cũng đã xảy ra, đó là tình trạng phân phái trong giáo đoàn Phật giáo. Kể từ kì kết tập kinh điển lần thứ nhì tại thành phố Tì-xá-li, một trăm năm sau ngày Phật nhập diệt, do sự bất đồng ý kiến giữa chư tăng về một số điểm trong giới luật, mà giáo đoàn đã bị phân rẽ thành hai bộ phái lớn là Theravada –tức Thượng Tọa Bộ (phái bảo thủ), và Mahasanghika –tức Đại Chúng Bộ (phái cấp tiến). Tiếp theo đó, trong suốt mấy trăm năm, từ hai bộ phái lớn kia lại tiếp tục phân rẽ thêm đến 18 hay 20 bộ phái nhỏ nữa. Sở dĩ xảy ra tình trạng phân phái là vì chư tăng có những kiến giải khác nhau về kinh luật, rồi nảy sinh những quan điểm, chủ trương khác nhau trong cái nhìn đối với vũ trụ vạn hữu. Nói chung, chủ trương của Thượng Tọa Bộ theo đường hướng bảo thủ, bám giữ truyền thống, chú trọng đời sống kinh viện, tách rời quần chúng xã hội; trong khi đó, lập trường của Đại Chúng Bộ rất tự do phóng khoáng, chú trọng việc hành đạo trong quần chúng, nhấn mạnh tư tưởng Bồ-tát –hành giả không những thực hành giáo pháp để tăng ích cho bản thân mình, mà còn vì lợi ích cho mọi người.– Do đó, việc tích cực truyền bá giáo pháp trong quần chúng là điều vô cùng quan trọng đối với chư tăng Đại Chúng Bộ. Chính lập trường này của Đại Chúng Bộ đã là khởi nguyên dẫn đến sự biến chuyển lớn lao là cuộc vận động để hình thành nền Phật Giáo Đại Thừa.
Dưới thời đại vua A Dục (thế kỉ thứ 3 tr. TL), Đại Chúng Bộ đặt căn cứ hành đạo tại hai nuước Ma-kiệt-đà (Magadha) và Ương-già (Anga) ở vùng Trung Ấn; về sau tiến dần xuống miền Nam Ấn, đặt cứ điểm tại Án-đạt-la (Andhara). Án-đạt-la là một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Đông Nam Ấn-độ, nằm ở cao nguyên Dekhan, giữa hai con sông lớn Godhavari (ở phía Bắc) và Krishna (ở phía Nam). Thành phố Amravati nằm ở phía Bắc của Án-đạt-la, chính là thủ đô của nước Án-đạt-la, cũng đã từng được xem là thủ đô của Phật giáo Đại Chúng bộ -- và sau đó là của Phật giáo Đại thừa. Tại Án-đạt-la, một chi phái của Đại Chúng Bộ được thành lập, gọi là Án Đạt La Phái. Từ thế kỉ thứ 2 tr. TL, địa vị của Án Đạt La Phái trong Giáo hội Phật giáo nói chung, và trong nội bộ Đại Chúng Bộ nói riêng, đã trở nên rất quan trọng. Với lập trường tự do phóng khoáng, chống lại chủ trương khép kín của các bộ phái kinh viện (gần như đưa Phật giáo đến con đường cùng), Án Đạt La Phái đã được quần chúng ủng hộ nhiệt liệt, và trở nên rất cường thịnh.
Sự phân phái và tranh cãi nhau quyết liệt giữa các bộ phái thời bấy giờ, đã làm cho tình hình Phật giáo rối bời; đó là chưa nói đến sự việc Phật giáo đang bị tấn công dồn dập bởi Bà-la-môn giáo (đang thời kì phục hưng mạnh mẽ) và các giáo phái khác, cũng như các thế lực chính trị do ngoại giáo lãnh đạo. Trong tình hình đó, Án Đạt La Phái đã dũng mãnh tự lãnh trách nhiệm, bên ngoài thì chống lại sự tấn công của các thế lực ngoại giáo; bên trong thì hóa giải cái không khí căng thẳng nặng nề do tình trạng phân phái gây nên, khiến cho tinh thần của Phật giáo Nguyên Thỉ được phục hưng, cuộc vận động cho nền Phật giáo Đại thừa dần dần được thực hiện. Địa phương Án-đạt-la đã được phần đông các nhà nghiên cứu sử Phật giáo công nhận là trung tâm hình thành và phát triển của Phật giáo Đại thừa. Chính tại đây, trong khoảng vài thế kỉ đầu TL, các kinh điển Đại thừa đã trước sau xuất hiện, trong đó, kinh Bát Nhã đã được kết tập sớm nhất -- chủ yếu của giáo lí Bát Nhã là tư tưởng KHÔNG, vốn là một trong những tư tưởng chính yếu về thế giới quan của Đại Chúng Bộ. Chính trong kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã đã xác nhận: “Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa này bắt đầu ở phương Nam; từ phương Nam truyền qua phương Tây; từ phương Tây truyền tới phương Bắc; rồi từ đó mà lan rộng ra khắp bốn phương.”
Bộ kinh Đại Bát Nhã không phải đã được kết tập một lần, mà đã được hình thành trải qua nhiều đợt kết tập khác nhau. Về thời điểm kết tập, cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào xác định niên đại chính xác, mà chỉ biết rằng, trong số các kinh làm thành hệ Đại Bát Nhã, kinh Đạo Hạnh Bát Nhã (tức Tiểu Phẩm Bát Nhã) đã xuất hiện sớm nhất; tiếp đến là kinh Đại Phẩm Bát Nhã; rồi sau nữa là các kinh khác trong hệ Bát Nhã.
- Đạo Hạnh Bát Nhã là tên bản kinh Hán dịch của ngài Chi Lâu Ca Sấm, dịch từ bản Phạn văn là kinh Astasahasrika-prajnaparamita (Bát Thiên Tụng Bát Nhã). Kinh này đã xuất hiện vào khoảng đầu thế kỉ thứ 2 TL, được ngài Trúc Phật Sóc (?-?), người Ấn-độ, mang đến Lạc-dương (Trung-quốc) vào cuối đời vua Hán Hoàn Đế (147-167), và được ngài Chi Lâu Ca Sấm (Locasema – 147-?, người nước Đại-nhục-chi, đến Trung-quốc năm 167) dịch ra Hán văn vào năm 179. Đây là bản Hán dịch xưa nhất của kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã, mà cũng là bản kinh đầu tiên trong hệ thống Đại Bát Nhã tại Trung-quốc. Năm 257, kinh Đạo Hạnh Bát Nhã này đã được ngài Chu Sĩ Hành (203-282 -- người Hán đầu tiên được xuất gia làm tăng, và cũng là vị tăng Trung-quốc đầu tiên sang Tây-vực cầu pháp) giảng thuyết lần đầu tiên tại Lạc-dương. Đến đời Tam-quốc (220-280), cư sĩ Chi Khiêm (?-?, người nước Nhục-chi, đến Trung-quốc năm 220), hành đạo tại nước Đông Ngô (222-280), lại dịch kinh này với tên mới là Đại Minh Độ Vô Cực Kinh. Đến đời Tiền Tần (351-394), kinh này lại được hai ngài Đàm Ma Bì (Dharma-priya -- người nước Kế-tân), và Trúc Phật Niệm (người Cam-túc, Trung-quốc) cùng dịch với tên mới là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Sao Kinh. Đến đời Hậu Tần (384-417), ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva – 334-413 - người nước Qui-tư) lại dịch kinh này với tên mới là Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật Kinh. Sang đời Đường (618-907), ngài Huyền Trang, khi dịch toàn bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (gồm cả thảy 16 hội, 600 quyển), đã dịch lại cả kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã này, và đặt thành “Hội (hay Phần) Thứ Bốn” (Đệ Tứ Hội, hay Đệ Tứ Phần), gồm từ quyển 538 đến quyển 555. Đến đời Bắc Tống (960-1279), kinh này lại được ngài Pháp Hiền (?-1001, người Trung Ấn, đến Trung-quốc năm 973) dịch với tên mới là Phật Mẫu Bảo Đức Tạng Bát Nhã Ba La Mật Kinh; kế đó, ngài Thi Hộ (?-? -- người Bắc Ấn, đến Trung-quốc năm 980) lại dịch với tên mới là Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Lại nữa, khi viết về sự nghiệp hành đạo của ngài Khương Tăng Hội (một vị cao tăng của Phật giáo Việt-nam sống vào thế kỉ thứ 3 TL), hòa thượng Nhất Hạnh cho biết: “Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, ông cũng đã dịch Ngô Phẩm (tức Bát Thiên Tụng Bát Nhã hay Đạo Hành Bát Nhã) là kinh bản xuất hiện sớm nhất trong số các kinh Bát Nhã. Như thế, Phật Giáo Việt Nam vào đầu thế kỉ thứ ba đã hoàn toàn là Phật Giáo đại thừa, ……” Theo sách Cao Tăng Truyện (của Phật giáo Trung-quốc) thì ngài Khương Tăng Hội đã từ Giao-châu (tên nước Việt-nam thời xưa) sang Đông Ngô vào năm Xích-ô thứ 10 (tức năm 247, hay giữa thế kỉ thứ ba). Vậy, ngài đã dịch kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã ra Hán văn (với tên là Ngô Phẩm) vào đầu thế kỉ 3 tại Giao-châu, trước khi sang Đông Ngô hành đạo; rất tiếc là bản kinh Ngô Phẩm này ngày nay đã thất truyền.
- Đại Phẩm Bát Nhã là tên bản kinh Hán dịch của nguyên bản tiếng Phạn Pancavimsati-sahasrika-prajnaparamita (Nhị Vạn Ngũ Thiên Tụng Bát Nhã), do ngài Cưu Ma La Thập dịch; cũng gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh. Xét về lai lịch kinh này, thật có điều lí thú. Nguyên là, khoảng thập kỉ thứ ba của thế kỉ 3 TL, sau khi bản kinh Hán dịch Đại Minh Độ (tức tên khác của kinh Đạo Hành Bát Nhã nói trên) của cư sĩ Chi Khiêm xuất hiện ở Đông Ngô, thì phong trào nghiên cứu Bát Nhã Học nở rộ ở Trung-quốc (lúc đó là thời đại Tam-quốc, gồm ba nước Tây Thục, Bắc Ngụy và Đông Ngô). Năm 260, ngài Chu Sĩ Hành (203-282, người ở Bắc Ngụy), đã khởi chí sang Tây-vực để tìm cầu các bản kinh Phạn ngữ. Ngài đến và ở tại nước Vu-điền (Ku-stana, nay là đất Hòa-điền, nằm ở Tây bộ xứ Tân-cương), đương thời là nơi lưu hành rất nhiều kinh điển tiếng Phạn. Tại đây, ngài sao lại được bản kinh Pancavimsati-sahasrika-prajnaparamita (Nhị Vạn Ngũ Thiên Tụng Bát Nhã). Năm 282, trước khi viên tịch, ngài đã sai đệ tử là Phất Như Đàn mang bản kinh ấy về Lạc-dương. Năm 291, đời Tây Tấn (265-316), ngài Vô La Xoa (người nước Vu-điền) và cư sĩ Trúc Thúc Lan (người gốc Thiên-trúc, sinh tại Trung-quốc) đã đem bản kinh Phạn ngữ (do Chu Sĩ Hành sao chép và do Phất Như Đàn mang về) này dịch ra Hán văn, gọi tên là Phóng Quang Bát Nhã Ba La Mật Kinh; đến năm 303, Trúc Thúc Lan cùng với Trúc Thúc Tịch hiệu khám lại, kinh này mới được hoàn chỉnh và lưu hành. Sau Phất Như Đàn, năm 286, ngài Kì Đa Mật, cũng người Vu-điền, lại mang vào Trung-quốc Phạn bản của kinh Nhị Vạn Ngũ Thiên Tụng Bát Nhã; gặp cơ duyên, ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa - người gốc Nhục-chi, sinh ở Đôn-hoàng, đến Trường-an năm 265) đã dịch bản kinh Phạn ngữ này ra Hán văn ngay năm đó (286), với tên là Quang Tán Bát Nhã Ba La Mật Kinh. Vì vậy, bản Phạn ngữ của Chu Sĩ Hành vào Trung-quốc trước mà bản Hán dịch (Phóng Quang Bát Nhã) lại ra đời sau; còn bản Phạn ngữ của Kì Đa Mật tới Trung-quốc sau mà bản Hán dịch (Quang Tán Bát Nhã) lại ra đời trước. Đại Phẩm Bát Nhã (hay Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh) của ngài La Thập là bản Hán dịch thứ ba (vào đời Hậu Tần – 384-417) của kinh này. Đến đời Đường (618-907), ngài Huyền Trang lại dịch kinh này, và đặt thành “Hội Thứ Hai” (Đệ Nhị Hội) trong toàn bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa.
- Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật (Pravara-deva-raja-pariprccha) đã được ngài Cầu Na Bạt Đà (người Vu-điền) mang vào Trung-quốc năm 548, và đến năm 565 thì được ngài Nguyệt Bà Thủ Na (Upasunya -- người Trung Thiên-trúc, hoàng tử của vua nước Ưu-thiền-ni) dịch ra Hán văn với tên như trên. Đến đời Đường, ngài Huyền Trang đã dịch lại kinh này, và đặt thành “Hội Thứ Sáu” (Đệ Lục Hội) trong toàn bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa.
- Bản kinh Phạn ngữ Saptasatika-prajnaparamita (tức Thất Bách Tụng Bát Nhã) được ngài Mạn Đà La Tiên (Mandra -- người nước Phù-nam, tức nước Cao-miên ngày nay) mang đến Trung-quốc năm 502 đời Lương Võ Đế (502-549), và qua năm sau (503) thì dịch ra Hán văn với tên là Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh. Ngài Tăng Già Bà La (Sanghapala – 460-524), cũng người nước Phù-nam, đến Trung-quốc trước đó vào thời Nam Tề (479-502), khi ngài Mạn Đà La Tiên sang thì hai vị cùng cộng tác để dịch kinh. Trong lúc ngài Mạn Đà La Tiên dịch kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh (2 quyển), thì ngài Tăng Già Bà La cũng dịch kinh này với tên Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Kinh (1 quyển). Đến đời Đường, kinh này lại được ngài Huyền Trang dịch lại, đặt thành “Hội Thứ Bảy” (Đệ Thất Hội), gọi là “Mạn Thù Thất Lợi Phần”, trong toàn bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa.
- Đời Lưu Tống (420-4479), ngài Tường Công ở quận Nam-hải (Quảng-châu) dịch kinh Nhu Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh Phần Vệ (Phạn ngữ có 400 bài tụng); đến đời Đường, ngài Huyền Trang dịch lại, đặt thành “Hội Thứ Tám” (Đệ Bát Hội), gọi là “Na Già Thất Lợi Phần”, trong toàn bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa.
- Bản Phạn ngữ kinh Vajracchedika-prajnaparamita (Kim Cang Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật Đa), không biết được mang vào Trung-quốc từ năm nào, chỉ biết bản Hán dịch xuất hiện đầu tiên vào đầu thế kỉ 5, với tên Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, là của ngài Cưu Ma La Thập (334-413). Bản dịch thứ hai, cũng cùng tên Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, là của ngài Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci -- người Bắc Thiên-trúc, đến Lạc-dương năm 508), đời Nguyên Ngụy (471-550). Bản dịch thứ ba cũng cùng tên, được dịch vào đời Trần (557-589), do ngài Chân Đế (Paramartha – 449-569, người Bắc Thiên-trúc, đến Trung-quốc năm 546). Bản dịch thứ tư có tên Kim Cang Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật Kinh, do ngài Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta -- ?-619, người Nam Ấn, đến Trường-an năm 590) dịch vào đời Tùy (581-619). Đến đời Đường, ngài Huyền Trang (602?-664) dịch lại kinh này, đặt thành “Hội Thứ Chín” (Đệ Cử Hội), gọi là “Năng Đoạn Kim Cang Phần”, trong toàn bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa. Sau đó, ngài Nghĩa Tịnh (635-713) lại dịch kinh này với tên Phật Thuyết Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh.
- Bản kinh Phạn ngữ Prajnaparamita-naya-satapancasatika (Nhất Bách Ngũ Thập Tụng Bát Nhã) đã được ngài Huyền Trang (đời Đường) dịch và đặt thành “Hội Thứ Mười” (Đệ Thập Hội), gọi là “Bát Nhã Lí Thú Phần”, trong toàn bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La mật Đa. Sau đó, cũng vào đời Đường, ngài Bồ Đề Lưu Chí (Bodhiruci – 562-727, người Nam Ấn, đến Trường-an năm 693) cũng dịch kinh này với tên Thật Tướng Bát Nhã Ba La Mật Kinh. Kế đó, kinh này lại được ngài Kim Cang Trí (Vajrabodhi – 671?-741, người Nam Ấn, đến Trung-quốc năm 719) dịch với tên Kim Cang Đảnh Du Già Lí Thú Bát Nhã Kinh; rồi ngài Bất Không (Amoghavajra – 705-774, người Nam Ấn, theo thầy là Kim Cang Trí đến Trung-quốc năm 719) cũng dịch kinh này với tên Đại Lạc Kim Cang Bất Không Chân Thật Tam Ma Da Kinh. Sang đời Bắc Tống (960-1279), ngài Pháp Hiền cũng dịch kinh này với tên Tối Thượng Căn Bản Kim Cang Bất Không Tam Muội Đại Giáo Vương Kinh; rồi ngài Thi Hộ lại dịch kinh này với tên Biến Chiếu Bát Nhã Ba La Mật Kinh.
Nguyên bản tiếng Phạn của tất cả 7 bản kinh vừa nêu trên, ngoại trừ bản kinh sau cùng, 6 bản kinh trước đều đã được đưa vào Trung-quốc và được dịch ra Hán văn trước thời đại ngài Huyền Trang. Bản chữ Phạn của bản kinh sau cùng vừa nêu trên (tức “Hội Thứ Mười” trong toàn bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa), có thể đoán chắc rằng, nó đã được chính ngài Huyền Trang mang từ Ấn-độ về. Cũng vậy, nguyên bản tiếng Phạn của những kinh còn lại mà ngài Huyền Trang đã dịch để hình thành toàn bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (tức các kinh được xếp vào các Hội 1, 3, 5, 11, 12, 13, 14, 15, và 16), cũng đã được chính ngài mang về từ đất Ấn. Có thể nghĩ rằng, sau khi từ Ấn-độ về nước, có bao nhiêu loại kinh thuộc hệ Bát Nhã hiện có mặt ở Trung-quốc, ngài Huyền Trang đều thu thập lại, những kinh nào ngài mới mang về thì dịch mới, những kinh nào đã được các vị tiền bối dịch từ trước thì dịch lại, rồi sắp xếp làm thành bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, gồm 16 hội, 600 quyển. Như vậy, bộ kinh này của ngài Huyền Trang dịch là một tập đại thành của Bát Nhã căn bản và Bát Nhã tạp bộ -- căn bản là kinh Đại Phẩm Bát Nhã; tạp bộ là các kinh còn lại.
Tuy nhiên, thuộc kinh hệ Bát Nhã trong Hán Tạng, có kinh Phật Thuyết Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật, do ngài La Thập dịch từ trước vào đời Hậu Tần, nhưng không thấy ngài Huyền Trang nhắc tới. Kinh này, sang thế kỉ 8, ngài Bất Không dịch lại với tên Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh.
Bản kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamita-hrdaya-sutra) do chính ngài Huyền Trang dịch cũng không thấy đưa vào bộ kinh Đại Bát Nhã. Có lẽ, vì đó là bản kinh toát yếu của toàn bộ tư tưởng Bát Nhã, không thuộc riêng một Hội hay một Phẩm nào, nên ngài Huyền Trang đã để nó đứng riêng một mình. Kinh này, trước đó đã được ngài La Thập dịch (thế kỉ 4) với tên Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đại Minh Chú Kinh; ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch (thế kỉ 6) với tên Bát Nhã Ba La Mật Đa Na Đề Kinh. Sau ngài Huyền Trang, cũng thuộc đời Đường, kinh này lại được ngài Pháp Nguyệt dịch với tên Phổ Biến Trí Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh; hai ngài Bát Nhã và Lợi Ngôn dịch chung với tên Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh; ngài Trí Tuệ Luân dịch với tên Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh; ngài Thi Hộ (đời Tống) dịch với tên Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh.
Do tình hình dịch kinh Đại Bát Nhã như vừa trình bày trên, chúng ta có thể thấy, bộ kinh Đại Bát Nhã do ngài Huyền Trang dịch và được thu vào Hán Tạng, nguyên thỉ đã không phải là một bộ kinh thuần nhất với thuận tự mạch lạc xuyên suốt từ đầu đến đuôi, mà là một tập đại thành của nhiều bản kinh rời rạc nhưng cùng chứa đựng tư tưởng Bát Nhã. Những bản kinh này không phải đã được kết tập tại một nơi nhất định nào, do một tập thể chư tăng nhất định nào, mà chúng đã được kết tập rải rác, trải qua thời gian lâu dài từ đầu thế kỉ 2 TL; không những ở vùng Nam Ấn, mà còn ở khắp mọi địa phương, nhất là Bắc Ấn. Và cũng nhờ cơ duyên tốt lành, các kinh ấy, sau khi được kết tập và lưu hành ở Ấn-độ, thì chúng cũng liền được truyền sang Đông độ; nhờ vậy mà chúng được bảo tồn, tránh khỏi thảm họa bị tiêu diệt bởi quân Hồi giáo khi họ xâm lăng Ấn-độ từ cuối thế kỉ 10 TL. Các kinh bản Phạn ngữ ấy đã được mang đến Trung-quốc bằng hai đường: đường bộ từ Bắc Ấn-độ qua ngả Tây-tạng, Vu-điền, Tân-cương; đường thủy từ miền duyên hải Đông Nam Ấn-độ qua Ấn-độ dương, xuyên qua Java, Mã-lai, Phù-nam, Giao-châu; và cũng không phải đã do chỉ một vài người mà do rất nhiều vị cao tăng đem vào, trong số đó, nhiều nhất, đáng kể nhất, chắc hẳn là số lượng kinh bản do ngài Huyền Trang đích thân mang về sau 17 năm (629-646) tu học ở Ấn-độ. – Như ta biết, qua tác phẩm Đại Đường Tây Vực Kí, khi sang Ấn-độ, ngài đã có thuận duyên, hầu như được đi khắp xứ Ấn-độ, nhất là những địa phương có cộng đồng Phật giáo thì ngài đều không bỏ sót. Đến đâu ngài cũng được đón tiếp nồng hậu, và chắc chắn là ngài đã có được cơ duyên thu thập kinh điển tại mỗi nơi ngài đã đặt chân tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đại Chánh Đại Tạng Kinh (các quyển 5, 6, 7, 8).
- Phật Quang Đại Từ Điển.
- Bát Nhã Cương Yếu. Tì kheo ni Hồng Ẩn. Edmonton: Viet Publisher in lần thứ nhất, 1989.
- Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận. Thích Quảng Độ (dịch). California: Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, 1989.
- Đại Trí Độ Luận (tập 1). Thích Thiện Siêu (dịch). Saigon: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1997.
- Giáo Khoa Phật Học Cấp Hai. Hạnh Cơ (dịch và soạn). Sắp xuất bản.
- Những Kỷ Nguyên Đầu Của Đạo Phật. Nguyên Hảo (dịch). Edmonton: Về Nguồn xuất bản, 1999.
- Phật Giáo Đại Tạng Kinh Tường Tế Mục Lục. Thích Chánh Lạc (biên dịch). Phú Lâu Na xuất bản, 2002.
- Thiền Sư Tăng Hội. Nhất Hạnh. Lá Bối xuất bản, 1998.
- Tinh Hoa và Sự Phát Triển Của Đạo Phật. Chân Pháp (dịch). Saigon: Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản, 1969.
佛母寶悳藏般若波羅蜜經; C: fómǔ băo-dézàng bānruò bōluómì jīng; J: butsumo hō-tokuzō hannya haramitsu kyō; S: prajñāpārami-tāratnaguṇa-saṃcayagāthā.
Kinh, gồm 3 quyển. Tên gọi tắt là Bảo Đức tạng kinh (寶悳藏經); Pháp Hiền (法賢) dịch. Về tiếng Phạn, xem bản của Yuyama biên tập năm 1976.