Kinh Thánh Phật Mẫu
Tiểu Tự Bát Nhã
Tống Thiên Tức Tai dịch
Bản Việt dịch (1) của Thích Thọ Phước
Bản Việt dịch (2) của Thích Nữ Tịnh Nguyên
***
Kinh Thánh Phật Mẫu
Tiểu Tự Bát Nhã
Việt dịch: Thích Thọ Phước
***
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, đức Thế Tôn ở trên đỉnh núi Linh Thứu. Bấy giờ, có một nghìn hai trăm năm mươi vị tì-kheo lớn, trăm nghìn ức na-dữu-da bồ-tát, trăm nghìn ức na-dữu-đa[1] Phạm Vương, Đế Thích, trời Hộ Thế và các chúng trời, rồng v.v… cung kính vây quanh đức Phật.
Đức Thế Tôn đang ngồi kết già[2] trên tòa sư tử Kiết tường bảo tạng. Lúc ấy, bồ-tát lớn Thánh Quán Tự Tại rời chỗ ngồi, để y lộ vai phải, gối phải chạm đất, ngắm nhìn Thế Tôn, không hề chớp mắt, chắp tay cung kính, vui mừng phấn khởi, đầu mặt lễ dưới chân Phật và thưa:
– Thưa Thế Tôn! Xin Ngài nói kinh Tiểu tự Bát-nhã Ba-la-mật-đa cho con nghe. Đồng thời, khiến cho chúng sinh nghe pháp ấy được phúc đức lớn; tất cả nghiệp chướng chắc chắn tiêu trừ và tương lai sẽ mau thành tựu Vô thượng bồ-đề. Nếu có chúng sinh nào phát tâm chí thành, thụ trì, đọc tụng tụng chân ngôn này, cầu nguyện điều gì nhất định thành tựu việc ấy và không gặp các nạn ma.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với bồ-tát lớn Thánh Quán Tự Tại:
– Quí thay! Ông nói hay lắm! Quí thay! Quí thay! Này thiện nam tử! Ông vì các chúng sinh mà hết lòng như thế, ắt sẽ khiến họ được an vui, sống lâu.
Này Thiện nam tử! Ông hãy chí thành lắng nghe Ta nói kinh Tiểu tự Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Nếu các chúng sinh nghe pháp ấy, nhất định sẽ được phúc đức lớn, tất cả nghiệp chướng đều tiêu trừ, mau chứng Vô thượng chính đẳng bồ-đề. Nếu có chúng sinh nào phát tâm thụ trì chân ngôn này thì không có các việc ma và tất cả đều được thành tựu.
Bồ-tát lớn Thánh Quán Tự Tại bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Hôm nay đức Thiện Thệ nói kinh là vì muốn làm cho chúng sinh được an lạc.
Khi ấy, đức Thế Tôn lập tức vào tam-ma-địa[3] Giải thoát nhất thiết chúng sinh, lại ra khỏi tam-ma-địa rồi từ sợi lông trắng giữa hai chặng mày phóng ra trăm nghìn ức na-dữu-đa luồng ánh sáng. Ánh sáng lớn ấy chiếu đến khắp tất cả cõi nước của các Đức Phật, vô lượng chúng sinh nhờ ánh sáng chiếu soi nên đều mau chứng được A-nậu-đa-la tam-miệu-tam bồ-đề; tất chúng sinh trong các địa ngục đều được an vui; các cõi nước của các Đức Phật đều có sáu thứ chấn động; lại có hương chiên-đàn thượng diệu, hương trầm thủy, hương bột rải lên Đức Phật để cúng dường.
Khi đức Thế Tôn nói kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa này, tất cả bồ-tát lớn đều phát khởi tâm bình đẳng, phát khởi tâm thương xót, nhớ nghĩ làm lợi ích cho người khác, phát khởi tâm xa lìa tất cả tội chướng, phát khởi tâm làm các điều lợi ích, phát khởi tâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với bồ-tát lớn Thánh Quán Tự Tại:
– Các ông hãy lắng nghe, nay Ta sẽ nói cho các ông nghe chân ngôn Thánh Phật mẫu tiểu tự Bát-nhã Ba-la-mật-đa:
– Nẵng mồ xá kiết dã, mẫu nẵng duệ, đát tha nga đa dã, lật hát đế, tam ma dược ngật tam một đà dã, đát nễ dã tha, mẫu ninh mẫu ninh, ma ha mẫu nẵng duệ, sa phạ hạ.
Đức Phật nói với bồ-tát lớn Thánh Quán Tự Tại:
– Tất cả các đức Phật đều nhờ chân ngôn Thánh Phật mẫu Tiểu Tự Bát-nhã Ba-la-mật-đa này mà đạt được A-nậu-đa-la tam-miệu-tam bồ-đề. Ta cũng nhờ chân ngôn Thánh Phật mẫu tiểu tự Bát-nhã Ba-la-mật-đa này mà thành tựu Vô thượng chính đẳng bồ-đề. Thuở xưa, có Đức Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ta nhờ Đức Phật ấy mà nghe được pháp này. Đức Phật ấy nói: “Tất cả các Đức Phật trong ba đời đều nhờ pháp ấy mà thành Phật”.
Đức Phật nói với bồ-tát lớn Thánh Quán Tự Tại:
– Nay Ta sẽ thụ kí cho ông! Mai sau ông sẽ sinh vào cõi người thành Phật đạo, hiệu là Phổ Phóng Quang Minh Kiết Tường Bảo Phong Vương Như Lai, Ứng Chính Đẳng Giác. Ông nghe diệu pháp như thế phải nên thụ trì, đọc tụng, hoặc biên chép, hoặc bảo người biên chép, suy nghĩ hiểu rõ, giảng nói nghĩa ấy cho mọi người và tất cả chúng sinh nghe và chỉ bảo họ biên chép kinh ấy. Sau đó, ở trong nhà thụ trì đọc tụng, thì đời vị lai sẽ sớm thành Vô thượng chính đẳng bồ-đề. Lúc ấy, tất cả đức Như Lai đồng ấn chứng cho các ông.
Hôm nay Ta sẽ nói lại Bát-nhã Ba-la-mật-đa đà-la-ni cho ông nghe:
– Đát nễ dã tha, án, nhã dã nhã dã, bát nạp ma, tị át phạ minh, tát la tát lí chỉ, vĩ lí vĩ lí, vĩ la vĩ lí, xí lí xí lí, nễ phạ đa nỗ, bá la nan, một độ đa la nĩ, bố la nĩ, bố la dã, ba nga phạ đế, tát lật phạ thương, ma ma, bố la dã, tát lật phạ, tát đát phạ, nan tả, tát lật phạ yết lật ma, phạ la noa nan, vĩ thú đà dã, vĩ thú đà dã, một đà địa sắt xá, ninh nẵng, sa phạ ha.
Đức Phật nói với bồ-tát lớn Thánh Quán Tự Tại:
– Pháp đà-la-ni thắng diệu Bát-nhã Ba-la-mật-đa này là mẹ của tất các Đức Phật và bồ-tát. Nếu chúng sinh nào nghe được pháp này thì tất cả tội chướng đều tiêu diệt. Công đức của pháp ấy, dù các Đức Phật, bồ-tát nói trong trăm ức kiếp cũng không hết. Nếu người nào có thể thụ trì, đọc tụng đà-la-ni này thì được cùng vào mạn-na-la, được quán đỉnh[4]. Nếu có thụ trì tất cả chân ngôn thì đều thành tựu.
Bồ-tát Thánh Quán Tự Tại bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao Ngài nói lại đà-la-ni Bát-nhã Ba-la-mật-đa này?
Đức Thế Tôn nói:
– Vì Ta thương xót tất cả chúng sinh ít phương tiện khéo léo, lười biếng, nên nói đà-la-ni Bát-nhã Ba-la-mật-đa này để chúng sinh thụ trì, đọc tụng, hoặc tự biên chép, hoặc bảo người biên chép. Tất cả chúng sinh ấy mau chứng Vô thượng bồ-đề. Đúng thế! Đúng thế! Đức Thế Tôn vì vậy mà khéo nói đà-la-ni Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Khi ấy, bồ-tát lớn Thánh Quán Tự Tại lại bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Pháp này thật chưa từng có. Bạch Thế Tôn! Pháp này thật chưa từng có. Thiện Thệ Thế Tôn đại từ vì muốn cứu giúp tất cả chúng sinh ít phương tiện khéo léo, lười biếng và vì muốn cho chúng được lợi ích, an vui, nên nói diệu pháp này.
Khi đức Thế Tôn nói kinh này xong, các thanh văn lớn, các bồ-tát lớn, tất cả thế gian trời, người, a-tô-la, ngạn-đạt-phạ v.v… nghe Đức Phật nói pháp rồi, tất cả đều vui mừng, tin nhận, làm theo và đỉnh lễ Phật rồi ra về.
*
Chú thích:
[1] Na-dữu-đa 那庾多 (S: Nayuta): còn gọi là Na-du-đa, Na-do-đa, Na-thuật, tên số đếm, tương đương với 1 ức. Một ức có ba cấp: 10 vạn, 100 vạn, 1000 vạn. Vì vậy xác định số đến của na-do-tha cũng không giống nhau.
[2] Kiết già (S: Nyaṣīdat-paryaṅkam ābhujya): Kiết già phu tọa: tư thế ngồi xếp bằng, hai chân tréo, hai bàn chân ngửa ra đặt trên hai đùi. Đây là cách ngồi an ổn nhất. Có hai loại: Hàng ma tọa và Cát tường tọa.
[3] Tam-ma-địa 三摩地 (S: Samādhi): tâm chuyên chú vào cảnh, không hôn trầm, điệu cử, một trong bảy mươi lăm pháp của Câu-xá, một trong 100 pháp của Duy thức.
[4] Quán đỉnh 灌頂 (S: Abhiṣecanī): nghi thức dùng nước rưới lên đầu ở Ấn Độ thời xưa. Khi vua lên ngôi và lập thái tử, quốc sư dùng nước bốn biển rưới lên đỉnh để chúc phúc.
Kinh Thánh Mẫu Tiểu Tự Bát Nhã Ba La Mật Đa
Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên
***
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ đức Thế Tôn ở trong núi Thứu Phong, thuộc thành Vương xá, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ-kheo và các trăm ngàn câu-chi na-do-đa Bồ-tát. Lại có trăm ngàn câu-chi na-do-đa Phạm vương, Đế Thích, Hộ đời, các đại chúng cung kính vây quanh.
Bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi kiết già trên tòa Kiết-tường-bảo-tạng sư tử. Khi ấy, đại Bồ-tát Quán Tự Tại đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất chiêm ngưỡng Thế Tôn mắt không rời, chấp tay cung kính vui mừng khôn xiết và lễ lạy sát hai chân Thế Tôn, thưa:
– Bạch Thế Tôn! Cúi xin đức Thế Tôn nói cho con về kinh Tiểu Tự Bát-nhã Ba-la-mật-đa để các chúng sanh được nghe pháp này mà đạt được phước đức lớn, tất cả nghiệp chướng chắc chắn tiêu trừ, đời đương lai sẽ đắc Vô thượng Bồ-đề. Nếu có chúng sanh phát tâm chí thành thọ trì đọc tụng chơn ngôn này thì chắc chắn thành tựu theo sự mong muốn, không có các tai nạn của các ma.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với đại Bồ-tát Thánh Quán Tự Tại:
– Lành thay! Ông nói rất hay. Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Ông chí tâm như vậy là làm cho các chúng sanh được an lạc sống lâu. Này thiện nam tử! Ông nên lắng nghe cho thật kỹ, chí tâm mà nghe ta nói kinh Tiểu Tự Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Nếu chúng sanh nghe nói pháp này sẽ đạt được phước đức lớn, tất cả nghiệp chướng đều tiêu trừ, chắc chắn mau chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nếu có chúng sanh phát tâm thọ trì chơn ngôn này thì không còn các ma sự, tất cả đều được thành tựu.
Khi ấy, đại Bồ-tát Quán Tự Tại lại bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Bạch Thiện Thệ! Ngài nói như vậy làm cho các chúng sanh được an lạc.
Bấy giờ trong nhất thời, đức Thế Tôn nhập vào tam-ma-địa tên là Giải thoát nhất thiết chúng sanh. Khi ra khỏi định, tướng lông trắng giữa chặng mày của đức Phật phóng trăm ngàn câu-chi na-do-đa ánh sáng. Ánh sáng lớn này chiếu tất cả cõi chư Phật. Tất cả chúng sanh nhờ ánh sáng rực rỡ ấy chắc chắn mau chứng Vô thượng Bồ-đề. Tất cả chúng sanh ở địa ngục đều đạt được an lạc và các cõi Phật chấn động sáu cách. Phía trên chư Phật lại mưa mùi hương chiên đàn, trầm thủy để cúng dường.
Đức Thế Tôn nói kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa thì tất cả đại Bồ-tát đều phát tâm bình đẳng, phát tâm thương yêu, phát tâm nhớ nghĩ làm lợi ích cho người, phát tâm mau xa lìa tất cả tội chướng, phát tâm các lợi ích, phát tâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Lúc đó, Thế Tôn bảo đại Bồ-tát Thánh Quán Tự Tại:
– Các ông hãy lắng nghe thật kỹ. Vì ông, Ta sẽ nói Thánh Phật Mẫu Tiểu Tự Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Chơn ngôn nói:
“Nẳng mạc xá kết dã, mẫu nẳng duệ đát tha, nga đa dã thúc khát, đế tam dược ngật tam một đà dã, đát nhĩ dã tha mẫu ninh mẫu ninh ma hạ mẫu nẳng duệ sa phược hạ”.
Đức Phật nói với đại Bồ-tát Thánh Quán Tự Tại:
– Chơn ngôn của Thánh Phật Mẫu Tiểu Tự Bát-nhã Ba-la-mật-đa này tất cả chư Phật nhờ vào đây mà chứng đắc Vô thượng Bồ-đề. Ta cũng nhờ chơn ngôn của Tiểu Tự Bát-nhã Ba-la-mật-đa này mà chứng thành Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Thuở xưa có đức Phật cũng hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai, được nghe đức Phật ấy nói pháp này. Đức Phật ấy nói cho tất cả chư Phật ở ba đời như vậy. Nhờ pháp này mới được thành Phật.
Đức Phật lại dạy đại Bồ-tát Thánh Quán Tự Tại:
– Nay Ta thọ ký cho ông, ở trong nhơn gian đời vị lai ông được thành Phật đạo, hiệu là Phổ Phóng Quang Minh Kiết Tường Bảo Phong Vương Như lai Ứng chánh đẳng giác. Ông được nghe pháp vi diệu như vậy nên thọ trì đọc tụng, tự mình ghi chép, hoặc bảo người khác ghi chép, tư duy hiểu cho rõ. Lại vì tất cả chúng sanh mà giảng nói ý nghĩa để họ ghi chép kinh ấy. Với ai, ngay nhà ở của chính mình thọ trì, đọc tụng thì đời vị lai mau chứng thành Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Lúc đó, tất cả đức Như Lai đều làm chứng cho các ông. Hôm nay, vì ông Ta lại nói Đà-la-ni của Bát-nhã Ba-la-mật-đa:
“Đát nhĩ dã tha, an thứ dã thứ dã bát nộp ma tích ngộ phược minh tát ra tát rị lí nê vĩ lý vĩ ra vĩ lý, xã lý xã lý nhĩ phược đa, cung phan ra kiết một độ đa ra ni bố ra ni, bố ra dã, bà nga phược, đế thúc phược, thương ma ma bố ra dã, tát lật phược tát đát phược, tát lật phược, phược lật ma, phược ra nổ kết vĩ hợi đà dã, vĩ hợi đà dã một đà địa cầm sá, ninh nẳng sa phược hạ”.
Đức Phật dạy đại Bồ-tát Thánh Quán Tự tại:
– Đà-la-ni của Bát-nhã Ba-la-mật-đa diệu pháp thù thắng này là mẹ sanh ra tất cả chư Phật, Bồ-tát. Nếu có chúng sanh vừa nghe pháp này thì tất cả tội chướng đã phạm đều tiêu trừ. Với pháp này, tất cả chư Phật, chúng Bồ-tát trải qua trăm câu-chi kiếp nói công đức của người ấy không thể nào hết. Nếu ai thọ trì, đọc tụng Đà-la-ni này thì đồng thể nhập trong tất cả mạn-noa-la, được nhận quán đảnh. Nếu ai thọ trì tất cả chơn ngôn đều được thành tựu.
Khi ấy, đại Bồ-tát Thánh Quán Tự Tại thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao nói lại Đà-la-ni của Bát-nhã Ba-la-mật-đa này?
Thế Tôn nói:
– Vì thương yêu tất cả chúng sanh biếng nhác mà dùng ít phương tiện hoàn hảo nói Đà-la-ni Bát-nhã Ba-la-mật-đa này để họ thọ trì đọc tụng. Nếu ai tự mình ghi chép, hoặc bảo người khác ghi chép thì mau chóng chứng đắc Vô thượng Bồ-đề. Đúng vậy! Đúng vậy! Thế Tôn đã nói đầy đủ về Đà-la-ni của Bát-nhã Ba-la-mật-đa ấy.
Lúc đó, đại Bồ-tát Thánh Quán Tự Tại thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Pháp này thật chưa từng có! Bạch Thế Tôn! Pháp này thật chưa từng có! Bạch Thiện Thệ Thế Tôn đại từ, vì muốn cứu độ cho tất cả chúng sanh biếng nhác mà dùng ít phương tiện hoàn hảo để họ được lợi ích an lạc mà giảng nói pháp vi diệu như vậy.
Sau khi đức Phật nói kinh này, các đại Thanh văn, các đại Bồ-tát… tất cả thế gian: trời, người, A-tu-la, nhân đạt phược… nghe Phật nói như vậy rất vui mừng, tin thọ phụng hành rồi làm lễ lui ra.
Svalpākṣarā prajñāpāramitā
***
svalpākṣarā prajñāpāramitā|
namaḥ sarvabuddhabodhisattvebhyaḥ||
evaṃ mayā śrutam| ekasmin samaye bhagavān rājagṛhe viharati sma gṛdhrakūṭe parvate mahatā bhikṣusaṃghena sārdhaṃ dvādaśasāhasrapañcaśatairbodhisattvakoṭiniyutaśatasahasraiḥ sārdhaṃ viharati sma, lokapālādidevakoṭiniyutasahasraiḥ parivṛtaḥ puraskṛtaḥ śrīsiṃhāsane viharati sma||
atha khalu bodhisattvo mahāsattvo āryāvalokiteśvaro utthāya āsanādekamaṃsamuttarāsaṅgaṃ kṛtvā dakṣiṇaṃ jānumaṇḍalaṃ pṛthivyāṃ pratiṣṭhāpya yena bhagavāṃstenāñjaliṃ praṇamya prahasitavadano bhūtvā bhagavantametadavocat-deśayatu bhagavān prajñāpāramitāṃ svalpākṣarāṃ mahāpuṇyām, yasyāḥ śravaṇamātreṇa sarvasattvāḥ sarvakarmāvaraṇāni kṣapayiṣyanti, niyataṃ ca bodhiparāyaṇā bhaviṣyanti| ye ca sattvā mantrasādhane udyuktāsteṣāṃ cāvighnena mantrāḥ sidhyanti||
atha khalu bhagavān āryāvalokiteśvarāya bodhisattvāya mahāsattvāya mahākaruṇikāya sādhukāramadāt-sādhu sādhu kulaputra, yastvaṃ sarvasattvānāmarthāya hitāya sukhāya pradhānāya ca dīrgharātraṃ niyuktaḥ| tena hi tvaṃ kulaputra śṛṇu, sādhu ca suṣṭhu ca manasi kuru| bhāṣiṣye’haṃ te prajñāpāramitāṃ svalpākṣarāṃ mahāpuṇyām, yasyāḥ śravaṇamātreṇa sarvasattvāḥ sarvakarmāvaraṇāni kṣapayiṣyanti, niyataṃ ca bodhiparāyaṇā bhaviṣyanti| ye ca sattvā mantrasādhane udyuktāsteṣāṃ cāvighnenaḥ mantrāḥ sidhyanti||
atha khalu āryāvalokiteśvaro bodhisattvo mahāsattvo bhagavantametadavocat-tena hi sugata bhāṣatu sarvasattvānāmarthāya hitāya sukhāya ca||
atha khalu bhagavāṃstasyāṃ velāyāṃ sarvaduḥkhapramocano nāma samādhiṃ samāpadyate sma, yasya ca samādhiṃ samāpannasya bhagavata ūrṇākośavivarāllavādanekāni raśmikoṭiniyutaśatasahasrāṇi niścaranti sma| taiśca raśmibhiḥ sarvabuddhakṣetrāṇi parisphuṭānyabhūvan| ye ca sattvāstayā prabhayā spṛṣṭāḥ, te sarve niyatā abhūvannanuttarāya samyaksaṃbodhau| yāvannārakāḥ sattvāḥ * * * sarve ca buddhakṣetrāṇi ṣaḍvikāraṃ praviceluḥ| divyāni ca candanacūrṇavarṣāṇi tathāgatapādamūlaṃ vavarṣuḥ||
atha khalu bhagavāṃstasyāṃ velāyāṃ prajñāpāramitāṃ bhāṣate sma| tadyathā-bodhisattvena mahāsattvena samacittena bhavitavyam| sarvasattveṣu maitracittena bhavitavyam| kṛtajñena bhavitavyam| kṛtavedinā ca bhavitavyam| sarvapāpaviratacittena bhavitavyam| idaṃ ca prajñāpāramitāhṛdayamāgrahītavyam-namo ratnatrayāya| namaḥ śākyamunaye tathāgatāya arhate samyaksaṃbuddhāya| tadyathā-oṃ mune mune mahāmunaye svāhā|| asyāḥ prajñāpāramitāyā lābhāt mayā anuttarā samyaksaṃbodhiranuprāptā| sarvabuddhāśca ato niryātāḥ|| mayā api iyameva prajñāpāramitā śrutā mahāśākyamunestathāgatasya sākṣāt| tena hi tvaṃ sarvabodhisattvānāmagrato buddhatve ca vyākṛtaḥ-bhaviṣyasi tvaṃ māṇava anāgate’dhvani sa(mantaraśmisamu)dgataḥ śrīkūṭarājā nāma tathāgato’rhan samyaksaṃbuddho vidyācaraṇasaṃpannaḥ sugato lokavid anuttaraḥ puruṣadamyasārathiḥ śāstā devānāṃ ca manuṣyāṇāṃ ca buddho bhagavān| [badiyamapi ?] ye idaṃ nāmadheyaṃ śroṣyanti dhārayiṣyanti vācayiṣyanti likhayayiṣyanti, parebhyaśca vistareṇa saṃprakāśayiṣyanti, pustakalikhitamapi kṛtvā gṛhe dhārayiṣyanti pūjayiṣyanti, te sarve alpopāyena alpaśravaṇena ca tathāgatā bhaviṣyanti| tadyathā-oṃ jeya jeya padmābhe avame avame sarasaraṇi dhiridhiri devatā anupālani yuddhottāriṇi paracakranivāriṇi pūraya pūraya bhagavati sarva āśā mama ca sarvasattvānāṃ ca| sarvakarmāvaraṇāni viśodhaya, buddhādhiṣṭhite svāhā|| iyaṃ sā kulaputra paramārthaprajñāpāramitā sarvabuddhānāṃ jananī bodhisattvamātā (bodhidātrī) pāpahārakā| sarvabuddhairapi na śaknoti asyānuśaṃsā vaktuṃ yāvatkalpakoṭiśatairapi| anayā paṭhitamātreṇa sarvaparṣanmaṇḍalābhiṣiktā bhavanti, sarve ca mantrāḥ abhimukhā bhavanti||
atha āryāvalokiteśvaro bodhisattvo mahāsattvo bhagavantametadavocat- kena kāraṇena bhagavan iyaṃ svalpākṣarā prajñāpāramitā ? bhagavānāha-alpopāyatvāt| ye’pi sattvā mandāsvādāḥ, te’pi imāṃ prajñāpāramitāṃ svalpākṣarāṃ dhārayiṣyanti vācayiṣyanti likhiṣyanti likhayiṣyanti, te sarve alpopāyena bodhiparāyaṇā bhaviṣyanti| anena kāraṇena kulaputra iyaṃ saṃkṣiptā svalpākṣarā prajñāpāramitā||
evamukte āryāvalokiteśvaro bodhisattvo mahāsattvo bhagavantametadavocat- āścaryaṃ bhagavan, paramāścaryaṃ sugata, yāvadeva bhagavān sarvasattvahitāya ayaṃ dharmaparyāyo bhāṣito mandapudgalānāmeva arthāya hitāya sukhāya ceti||
idamavocadbhagavān| āttamanā āryāvalokiteśvaro bodhisattvo mahāsattvaḥ, te ca bhikṣavaste ca bodhisattvāḥ sā ca sarvāvatī parṣat sadevamānuṣāsuragandharvaśca loko bhagavato bhāṣitamabhyanandanniti||
svalpākṣarā prajñāpāramitā samāptā||
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét