Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

Tâm Kinh Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa


Tâm Kinh Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa

Tống Thi Hộ dịch

Bản Việt dịch (1) của Huyền Thanh

Bản Việt dịch (2) của Quảng Minh

Bản Việt dịch (3) của Thích Nữ Tịnh Nguyên

***
Tâm Kinh Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa

Việt dịch: Huyền Thanh

***

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Thế Tôn ngự trong núi Thứu Phong thuộc thành Vương Xá cùng với Chúng Đại Bật Sô gồm hai trăm năm mươi người đến dự, cùng với các Chúng Bồ Tát Ma Ha Tát cùng nhau vây quanh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nhập vào Tam Ma Địa Thậm Thâm Quang Minh Diễm Thuyết Chính Pháp. Thời Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát ở trong Phật Hội, vị Bồ Tát Ma Ha Tát này đã hay tu hành Bát Nhã Ba La Mật Đa thâm sâu, quán thấy tự tính của năm Uẩn đều trống rỗng.

Khi ấy Tôn Giả Xá Lợi Tử nương theo uy thần của Đức Phật đến trước mặt Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát thưa rằng: “Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện đối với Pháp Môn Bát Nhã Ba La Mật Đa thâm sâu này vui muốn tu học thì cần phải học như thế nào?”

Thời Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát bảo Tôn Giả Xá Lợi Tử rằng

Ông nay lắng nghe, tôi sẽ vì ông mà nói. Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện nào vui muốn tu học Pháp Môn Bát Nhã Ba La Mật Đa thâm sâu này thì nên quán tự tính của năm Uẩn đều trống rỗng

Thế nào gọi là Tự Tính của năm Uẩn trống rỗng ? Ấy là ngay hình chất chính là trống rỗng, ngay trống rỗng tức là hình chất. Hình chất không khác với trống rỗng, trống rỗng không khác với hình chất. Cảm giác, Tri Giác, hoạt động tâm ý, nhận thức cũng đều như vậy

Này Xá Lợi Tử ! Tướng Trống Rỗng như vậy của tất cả Pháp này không có chỗ sinh, không có nơi diệt, không có cấu nhiễm, không có trong sạch, không có tăng trưởng, không có giảm bớt

Xá Lợi Tử ! Chính vì thế cho nên trong Trống Rỗng không có hình chất, không có: cảm giác, tri giác, hoạt động tâm ý, nhận thức.

Không có: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Không có hình sắc, âm thanh, mùi ngửi, vị nếm, cảm xúc va chạm, pháp cảnh.

Không có giới của mắt, không có giới nhận biết của mắt cho đến không có giới của ý, không có giới của nhận biết của ý.

Không có Vô Minh, không có không vô minh cho đến không có già chết cũng không có chấm dứt già chết.

Không có khổ não, nguyên nhân kết tạo khổ não, trạng thái xóa bỏ khổ não, đường lối thốt khỏi khổ não.

Không có Trí, không có đắc, cũng không có không đắc.

Xá Lợi Tử ! Do không có đắc này, cho nên Bồ Tát Ma Ha Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, tương ứng hành nên tâm không có dính mắc cũng không có trở ngại. Do không dính mắc, không có trở ngại cho nên không có sợ hãi, xa lìa tất cả vọng tưởng điên đảo, rốt ráo Viên Tịch. Hết thảy chư Phật ba đời đều y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa cho nên đắc được Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác

Vì thế nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là bài Minh rộng lớn, là bài Minh không có gì cao hơn, là bài Minh không có gì sánh bằng lại hay trừ tất cả khổ. Chân thật không có pháp hư vọng. Các kẻ tu học nên học như vậy

Nay Ta diễn nói Bát Nhã Ba La Mật Đa Đại Minh là:

TADYATHÀ: OMÏ GATE GATE PÀRAGATE PÀRASAMÏGATE BODHI SVÀHÀ

Xá Lợi Tử! Các Bồ Tát Ma Ha Tát nếu hay tụng Minh Cú Bát Nhã Ba La Mật Đa này tức là tu học Bát Nhã Ba La Mật Đa thâm sâu

Bấy giờ Đức Thế Tôn từ Tam Ma Địa an lành đứng dậy khen ngợi Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Như ông đã nói. Như vậy! Như Vậy! Bát Nhã Ba La Mật Đa nên học như vậy. Đây tức là Ý chân thật tối thượng tột cùng, tất cả Như Lai cũng đều tùy hỷ”

Đức Phật nói Kinh này xong, Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát và các Bật Sô cho đến hàng Trời, Người, A Tu La, Càn Đạt Bà của Thế Gian, tất cả Đại Chúng nghe lời Phật dạy đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành

PHẬT THUYẾT THÁNH PHẬT MẪU BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA KINH (Hết)

Nam mô Phật

Nam mô Pháp

Nam mô Tăng

Nam mô Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa

Nam mô thập phương thường trụ chư vị Bồ Tát

Nam mô thập phương thường trụ chư vị Hiền Thánh


Nay con xin kính nguyện

Đỉnh lễ khắp tất cả

Nguyện cho lời Nguyện này

Mau chóng được thành tựu

Như trong đời quá khứ

Vua Trời Kiều Thi Ca

Luôn chuyên chú nhớ nghĩ

Nghĩa sâu xa màu nhiệm

Bát Nhã Ba La Mật

Ngày ngày luôn tụng niệm [Tụng là]

_ “Như sao, như đèn, lọng Mộng, huyễn với bọt, sương Như điện cũng như mây Nên tác quán như vậy _ Nay Ta lược nói đây

Bát Nhã Ba La Mật

Chẳng sinh cũng chẳng diệt Chẳng Đoạn cũng chẳng Thường Chẳng một chẳng nhiều nghĩa Chẳng đến cũng chẳng đi Như vậy mười hai Duyên Ngưng nghỉ khiến vắng lặng (tịch tĩnh) _ Chính Đẳng Chính Giác nói Cung kính Thầy tối thượng (Tối Thượng Sư) Quy y Phật mười phương Quá khứ, hiện, vị lai Tam Bảo, Ba La Mật Vô lượng biển Công Đức Cúng dường các Như Lai Đại Minh, chân bí mật”

Nhờ đấy giáng phục được Hết thảy chúng Ma Vương _ Nay con cũng Nguyện xin Làm y theo như vậy Luôn chuyên chú nhớ nghĩ Nghĩa sâu xa màu nhiệm Của Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa này Ngày ngày luôn tụng niệm Mọi lời chữ thâm sâu Vi diệu rất nhiệm màu Nguyện hết thảy bệnh tật Ma Chướng với Ác Chướng Mọi chướng ngại mười phương Từ Nghiệp xưa đi đến Hợp với Duyên ác nay Nguyện cho khắp tất cả Đồng loạt cùng tan biến Đồng loạt cùng ngừng hiện Đồng loạt được dẹp yên.

NAMO ÀRYA-BHAGAVATÌ-PRAJNÕA-PÀRAMITÀYA TADYATHÀ: OMÏ _ GATE GATE PÀRAGATE PÀRASAMÏGATE BODHI SVÀHÀ (3 lần đến 108 lần)

_ Nay con nguyện nương vào Sức uy thần vô biên Được đến từ Chân Lý Chính Pháp của Tam Bảo Nguyện xin khắp hết thảy Chướng ngại trong với ngồi Tức thời được chuyển hố Tức thời được tan biến Tức thời được dẹp yên Dẹp yên không còn sót _ Nguyện cho mọi trở lực Muốn ngăn che Chính Pháp Thảy đều bị giáng phục _ Nguyện cho khắp tất cả Hết thảy các chướng ngại Đều được dẹp yên hết _ Nguyện con với chúng sinh Mau chóng xa lìa được Cảnh nghịch với Duyên nghịch Vĩnh viễn được an trụ Trong niềm vui Chính Pháp Nguyện ngay từ bây giờ Hết thảy mọi công việc Đều tràn đầy hạnh phúc An vui với tốt lành.






Tâm Kinh Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa

Việt dịch: Quảng Minh

***

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Thế Tôn trú tại núi Thứu phong, thành Vương Xá, cùng với chúng đại Bí-sô một ngàn hai trăm năm chục người tụ tập, và chúng Bồ-tát ma-ha-tát cùng nhau vây quanh.

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nhập tam-ma-địa tên là Thậm thâm quang minh tuyên thuyết chánh pháp. Khi ấy, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại đang ở giữa Phật hội. Vị Bồ-tát ma-ha-tát này có khả năng tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quán chiếu thấy tự tính của năm uẩn thảy đều Không.

Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi Tử nương uy thần của Phật, bước lên trước mà bạch với Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân ưa muốn tu học ở trong pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên học như thế nào?”

Khi ấy, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại nói với tôn giả Xá-lợi Tử rằng:

“Ông nay hãy lắng nghe, tôi sẽ vì ông tuyên thuyết. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân ưa muốn tu học ở trong pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, hãy quán chiếu tự tính của năm uẩn thảy đều Không.”

“Thế nào gọi là tự tính của năm uẩn đều Không? Đó là, tức sắc là Không, tức Không là sắc; sắc không khác với Không, Không không khác với sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.”

“Xá-lợi Tử! Tướng Không như vậy của tất cả các pháp ấy vốn không có cái gì được sinh, không có cái gì bị diệt; không cấu nhiễm, không thanh tịnh; không tăng trưởng, không tổn giảm.”

“Xá-lợi Tử! Thế nên, trong Không không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không tồn tại mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không tồn tại sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới và không nhãn thức giới, cho đến không ý giới và không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí, không thủ đắc, cũng không không thủ đắc.”

“Xá-lợi Tử, do vì không thủ đắc như vậy, Bồ-tát ma-ha-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa mà thực hành tương ứng, thì tâm không bị vướng mắc, cũng không bị chướng ngại; không bị vướng mắc, không bị chướng ngại, thì không có khiếp sợ, xa lìa tất cả điên đảo vọng tưởng, được cứu cánh viên tịch. Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Vì vậy, nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa là minh chú quảng đại, là minh chú vô thượng, là minh chú không gì sánh bằng, có năng lực dứt trừ được mọi khổ não, vì đó chính là pháp chân thật, không hư vọng. Những ai tu học hãy tu học như vậy.”

“Nay tôi tuyên thuyết đại minh chú Bát-nhã ba-la-mật-đa rằng: Đát-ninh-dã-tha, nga-đế, nga-đế, bá-ra-nga-đế, bá-ra-tăng-nga-đế, mạo-đề, sa-hạ.”

“Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát ma-ha-tát nếu thường tụng đọc minh chú Bát-nhã ba-la-mật-đa này tức là tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn an lành xuất khỏi tam-ma-địa; Ngài ca ngợi Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Những điều ông tuyên thuyết, đúng vậy, đúng vậy! Bát-nhã ba-la-mật-đa nên được tu học như vậy. Đó chính là cứu cánh chân thật tối thượng. Hết thảy đức Như Lai cũng đều tuỳ hỷ.”

Phật thuyết kinh này xong; Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại, cùng các Bí-sô, cho đến thế gian gồm Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà, v.v. hết thảy đại chúng, sau khi nghe những điều Phật nói, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.






Tâm Kinh Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa

Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên

***

Chứng nghĩa : Tỳ kheo Thích Đỗng Minh, Thích Tâm Hạnh

Tôi nghe như vầy :

Một thuở nọ đức Thế Tôn ở trong núi Thứu Phong, thuộc thành Vương xá, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ-kheo và các chúng đại Bồ-tát vây quanh.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nhập vào Thậm thâm quang minh tuyên thuyết chánh pháp tam-ma-địa. Khi ấy trong hội của đức Phật, đại Bồ-tát Quán Tự Tại đã tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu quán thấy tự tánh của năm uẩn đều không.

Nương oai thần của Phật, tôn giả Xá Lợi Phất đến trước đại Bồ-tát Quán Tự Tại thưa :

– Nếu thiện nam, thiện nữ ưa thích tu học pháp môn Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu này thì nên học như thế nào ?

Đại Bồ-tát Quán Tự Tại nói với tôn giả Xá Lợi Tử :

– Ông hãy lắng nghe cho thật kỹ. Vì ông, tôi sẽ giảng nói :

Nếu có thiện nam, thiện nữ ưa thích học pháp môn Bát-nhã Ba-la-mật-đa này thì nên quán tự tánh của năm uẩn đều không. Sao gọi là tự tánh của năm uẩn đều không ? – Nghĩa là : sắc tức là không, không tức là sắc. Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

Này Xá Lợi Tử ! Không tướng của tất cả pháp không sanh không diệt, không cấu nhiễm, không thanh tịnh, không tăng trưởng, không tổn giảm.

Này Xá Lợi Tử ! Cho nên trong không ấy không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức ; không có nhãn – nhĩ, tỷ – thiệt – thân – ý ; không có sắc – thanh – hương – vị – xúc – pháp. Không có nhãn giới, không có nhãn thức giới, cho đến không có ý giới, không có ý thức giới . Không có vô minh, không có sự tận diệt của vô minh. Cho đến không có già chết, cũng không có sự tận diệt của già chết. Không có khổ – tập – diệt – đạo. Không có trí, không có sở đắc, cũng không có không đắc.

Này Xá Lợi Tử ! Do không đắc ấy, đại Bồ-tát nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà hành một cách tương xứng nên tâm không vướng mắc, cũng không chướng ngại. Do không vướng mắc và không chướng ngại nên không sợ sệt, xa lìa tất cả điên đảo vòn tưởng mà chứng cứu cánh (Niết-bàn) viên tịch.

Tất cả chư Phật trong ba đời đều nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa này mà chứng đắc Vô thượng Bồ-đề. Cho nên biết rằng : Bát-nhã Ba-la-mật-đa này là chú Quảng đại, là chú vô thượng, là chú không gì bằng, có thể diệt trừ tất cả khổ não. Đó là pháp chơn thật không hư vọng. Những ai tu học thì nên học như vậy. Tôi giảng nói đại minh của Bát-nhã Ba-la-mật-đa: “Đát ninh tha, án nga đế nga đế, phan ra nga đế, phan ra tăng nga đế mạo đề sa hạ”.

Này Xá Lợi Tử ! Các đại Bồ-tát nào nếu tụng câu minh của Bát-nhã Ba-la-mật-đa này tức là tu học Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu.

Khi ấy, đức Thế Tôn an nhiên ra khỏi định, khen ngợi đại Bồ-tát Quán Tự Tại :

– Lành thay ! Lành thay ! Này thiện nam tử ! Đúng như lời ông đã nói. Đúng vậy, đúng vậy ! Với Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên học như vậy. Đó là cứu cánh vô thượng chân thật, tất cả đức Như Lai đều tùy hỷ.

Đức Phật nói kinh này xong, đại Bồ-tát Quán Tự Tại và các Tỳ-kheo cho đến tất cả thế gian : trời, người, A-tu-la, Càn-thát-bà.. v.v… tất cả đại chúng nghe Phật nói đều rất hoan hỷ và tín thọ phụng hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét