Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát
Tất cả chúng sanh trong cõi Ta Bà, ai là người chưa từng một lần làm kiếp Vong Linh? Ai là người chưa từng một lần là cư dân của Cõi Âm?
Ngày giờ này, tất cả những ai hiện diện trên cõi Trần, dù thuộc bất kỳ một dân tộc nào, dù cho ở một nơi xa xôi hẻo lánh nào của quả địa cầu, cũng đều đã từng trải qua một sự sắp xếp và đưa đến tận nơi chốn thác sanh.
Đây là một công việc vô cùng phức tạp và cực nhọc. Không có một chúng sanh nào được trở lại kiếp người mà thong thả, ung dung, không vướng víu với những nghiệp lực do mình đã gây tạo từ nhiều đời, nhiều kiếp; nghiệp lực chằng chịt như mạng nhện, gần như không bao giờ trả dứt. Tìm một nơi thác sanh tương hợp với nghiệp lực của chính vong linh đó cùng với những oan trái buộc ràng từ phía cha mẹ, anh chị em, dòng họ … thực hiện đượcđiều này, độc nhất vô nhị, chỉ có mỗi một mình Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát mà thôi!
Ngay cả người ở Cõi Trời trở xuống Dương trần vì đã hết Phước Trời, vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát để tìm chỗ thác sanh theo đúng nghiệp lực kế tiếp của mình.
Cõi Âm đã tôn vinh Ngài như một vị Giáo Chủ. Cõi Dương cũng không ngớt lời tri ân Ngài đã đem lại cho chúng sanh nơi Trần Thế biết bao lợi lạc.
Ngài đã hiện thân rất nhiều kiếp ở Cõi Ta Bà. Tìm hiểu về những kiếp hiện thân của Ngài để biết vì sao mà Ngài có được một Hạnh Nguyện quá lớn lao. Công đức sâu dày của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát cần phải được ghi đậm nét. Không có Đấng Cha Lành này, có lẽ rằng Vong Linh sẽ mãi mãi không có cơ hội nhìn lại cuộc Đời. Người Đời đã vừa sai lầm, vừa sơ sót khi đề cập đến Hình Thái của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Đây là dịp để xóa bỏ những sai lầm, những thiếu sót, để tạo lại một Hình Thái mới mẻ, đúng với tánh chất trung thực của Vị Cổ Đại Bồ Tát.
Kiếp Hiện Thân Của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát
Trong nhiều kiếp hiện thân của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, đây là một kiếp hiện thân vô cùng thương tâm, tràn đầy ý nghĩa, thể hiện một Hạnh Nguyện quá sức lớn lao của một Vị Đại Bồ Tát trong dạng thức của một chúng sanh:
Nơi một vùng biển thật xa xôi hẻo lánh, có một gia đình gồm 01 vợ, 01 chồng, sống vô cùng cơ cực, bữa đói, bữa no. Khi trời quang mây tạnh thì còn kiếm được chút gì để no bụng. Những lúc mưa giông bão tố thì đói lạnh, co ro. Cuộc sống càng lúc càng chật vật, khó khăn và càng bi đát hơn nữa khi một đứa bé ra đời. Hai vợ chồng nhìn đứa con còn đỏ hỏn mà lòng đau như cắt, cảm thấy ăn năn hối lỗi do việc cả hai đã thiếu suy nghĩ khi tạo nên đứa bé này. Ngày hai bữa đã không đủ ăn, lại thêm bữa đói, bữa no thì có đâu dư ra mà lo cho đứa bé.
Cuộc đời thật là đau khổ, trước mặt là biển cả mênh mông, chỉ có Trời và Nước, không có một ai để có thể cậy nhờ. Người Mẹ thì quá yếu sức vì không đủ ăn, nặn không ra một giọt sữa nào để nuôi đứa con sơ sinh, đành phải dùng nước biển thay sữa mà cho con bú. Tuy nhiên, như một phép lạ, đứa bé vẫn lớn lên!
Bao nỗi nhọc nhằn, muôn điều sầu khổ khiến người mẹ kiệt sức, người cha cũng không hơn, không kém. Cả hai lê lết trên nền cát, ngập tràn nỗi thất vọng, xót xa vì không tìm được cái gì để có thể giúp cho con của mình sống được. Thôi thì, đói thì quơ quào, cái gì lọt vào trong lòng bàn tay mình thì nắm lấy mà ăn, cho con ăn, khát thì cứ hớp nước biển. Cứ như thế mà chịu trận, không biết bao nhiêu lâu.
Cuộc đời của một chúng sanh nhỏ bé, hiện diện trên cõi Ta Bà, tuy rằng bên cạnh Mẹ Cha, nhưng thương thay, mẹ cha đành bất lực, bó tay trước cái nghèo cùng khốn khổ. Có một điều lạ lùng là đứa nhỏ vẫn lớn, vẫn khỏe mạnh, không ốm đau và chỉ thuần uống nước biển thay sữa. Đôi khi may mắn bắt được một con vật nhỏ bé có thể đưa vào miệng thì đứa bé lại để dành cho cha mẹ. Đứa nhỏ lớn lên như một phép lạ và từ từ … bỗng chốc trở nên một thanh niên khỏe mạnh.
Một ngày, giữa cảnh trời biển mênh mông, người thanh niên cất tiếng buông lời phát nguyện độ hết tất cả chúng sanh từ Người đến Vật, dù rất là nhỏ bé, không chừa bất cứ một ai! Nguyện độ cho tất cả đều thoát được kiếp của họ và bằng lòng gánh chịu mọi đau khổ của chúng sanh hầu có thể cứu vớt được chúng sanh ra khỏi cảnh khổ.
Lời phát nguyện vừa dứt, hào quang rực sáng. Toàn thể chư Thiên, chư Thánh, chư Thần đều tề tựu, bao quanh người thanh niên này. Chư Phật, chư Bồ Tát cũng hiện diện để minh chứng cho tấm lòng của một người còn rất trẻ, nhưng đã nguyện đem thân sức của mình để trang trải hết tất cả những nỗi thương đau của Thế Nhân.
Đây là lần đầu tiên Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát hiện thân là một người rất trẻ trong cảnh cơ hàn, cùng cực, không lời diễn tả. Ngài đã phát lời thệ nguyện độ chúng sanh và từ đó, Ngài đã không ngừng để phát lời thệ nguyện qua mỗi kiếp ở cõi Ta Bà.
Cho đến nay, trải qua không biết bao nhiêu tỉ kiếp (Thầy nhấn mạnh là Tỉ Kiếp, chớ không phải là Triệu Kiếp), Ngài đã đem thân cứu độ hàng hàng… lớp lớp … vô số chúng sanh, từ những côn trùng nhỏ bé cho đến những kẻ mang lấy hình hài Người. Công đức của Ngài không biết lấy lời gì để diển tả, lấy vật gì để đong cho đầy.
Công Đức Của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát
Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát có tánh tình rất là vui tươi, cởi mở, hòa nhã với tất cả mọi chúng sanh.
Ngài rất… rất là giản dị từ trong lời nói, cử chỉ, hành động. Ngài đã thị hiện rất nhiều trong cõi Ta Bà, dưới nhiều hình dạng khác nhau để cứu độ chúng sanh. Qua những lần tri ngộ, chúng sanh có dịp biết thêm về những đặc tính, cũng như về hình thái của Ngài.
Ngài đã trải qua nhiều kiếp trên Cõi Ta Bà và kiếp nào Ngài cũng phát đại nguyện cứu độ chúng sanh. Ngài cho rằng đã có quá nhiều chư Phật và Bồ Tát giúp đỡ cho Cõi Dương, vì vậy Ngài phát đại nguyện lo cho cõi ÂM. Ngài không từ nan bất kỳ một việc gì để giúp đỡ cho các vong linh; đó là Đấng Cha Lành của các vong linh. Tuy nhiên, dù cho tình thương của Ngài ngập tràn, vong linh vẫn bắt buộc phải qua được những điều căn bản, nếu muốn nhẹ nhàng cất bước.
Trong việc siêu độ cho vong linh suốt thời gian 49 ngày, khi có lời thỉnh cầu của Người chủ lễ, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát hết lòng khuyến khích vong linh tu tập, hầu hoán chuyển tâm thức của mình để tiến đến một cảnh giới tốt đẹp hơn. Đối với vong linh dù siêu thoát hay không siêu thoát, công khó của Ngài đưa ra vẫn rất… rất… là cao! Ngày nào Địa Ngục không còn vong linh nữa, khi đó Ngài mới thực sự thành Phật, nhưng ... biết đến bao giờ Địa Ngục mới hoàn toàn trống không?
Chúng sanh cứ mãi trôi lăn trong vòng sanh tử, hết tạo nghiệp này, lại đến tạo nghiệp kia, không ngừng nghỉ. Do đó, vòng sanh tử chỉ có dài thêm chớ không có ngắn bớt. Cứ nhìn trên vòng sanh tử của mỗi chúng sanh, cứ mỗi một điểm nhỏ là tượng trưng cho một nghiệp lực, tất cả những nghiệp lực kết lại thành một chuỗi dài hay ngắn. Thông thường, người nào cũng quấn lên cổ của mình một xâu chuỗi nghiệp lực thật dài, phải quấn làm nhiều vòng chung quanh cổ. Đôi khi cũng có người mang xâu chuỗi ngắn, đó là do họ có duyên may gặp được Phật Pháp, tu hành để giảm bớt nghiệp lực của mình. Rất tiếc, số người này không có là bao, vì vậy mà lời thệ nguyện của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát không biết đến bao giờ mới thành tựu được!
Cứ mỗi khi Tâm chúng sanh nổi lên điều “quái dị” cho đến nỗi phải bị trói buộc vào trong địa ngục do mình tạo nên, Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát lại phải làm việc không ngừng để giúp cho vong linh đó hiểu rõ những lỗi lầm của mình mà chân thành ăn năn, sám hối hầu thoát lần cái địa ngục của chính mình. Đôi khi vong linh bướng bỉnh, ít chịu nghe lời khuyên bảo, họ cứ miệt mài trong cảnh giới địa ngục tối tăm, cho đến khi vong linh bị siết lại thật chặt trong cảnh ngục tù, chừng đó họ mới khóc lóc, kêu la, nài nỉ sự giúp đỡ. Ngài Địa Tạng lại phải đến với từng vong linh để giải thích, phân định rõ ràng những nghiệp chướng mà mình đã tạo nên. Nếu vong linh một lòng tha thiết hối lỗi, ăn năn, Ngài Địa Tạng lại tìm phương giúp đỡ. Có khi vừa mới giúp cho thoát được địa ngục, ít lâu sau lại thấy cũng chính vong linh đó trở vào địa ngục nữa. Và rồi bổn cũ soạn lại, cũng khóc lóc, cũng kêu la, cầu cứu, rồi Ngài Địa Tạng cũng lại phải một phen giải thích, khuyên lơn, tìm phương cứu gỡ.
Công việc của một vị Đại Bồ Tát nặng nề như Trời Biển, chúng sanh có từng nghĩ đến để mà thương cảm hay không? Có chùng tay trước khi hành động những điều “quái dị” để làm giảm đi sự lụy phiền, cực nhọc cho vị Đại Bồ Tát đó hay không?
Vì tâm chúng sanh không cải sửa,
Vì chúng sanh luôn mang nhiều ý tưởng sái quấy,
Vì chúng sanh không tha thiết đến việc trau giồi Tánh tốt,
Nên địa ngục không bao giờ trống vắng vong linh.
Công việc của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát cứ mãi chất chồng, gây cho Ngài muôn điều cực nhọc, khó khăn. Ngài là vị Đại Bồ Tát rất đáng thương, đáng quý, đáng kính phục, thương vong linh như con đẻ, luôn luôn lo lắng, giúp đỡ để tìm nơi cho vong linh An Lành thác sanh. Ngài cũng luôn khuyến khích các vong linh chăm lo tu tập để thoát kiếp làm “MA” ở chốn Âm Ti, sống trong cảnh tối tăm, không thấy được ánh sáng.
Giúp cho một vong linh trở lại kiếp Người trên Dương Thế là một việc vô cùng cực nhọc, nhiều công khó. Không có sự giúp đỡ của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, vong linh sẽ khó trở lại cõi Người và cũng không phải dễ dàng để đi về cõi Trời hay cõi Phật được. Cho nên, chúng sanh trong cõi Ta Bà, dù còn trên Dương Thế hay đã về miền Âm Cảnh, đều phải ghi nhận một cách rõ ràng và sâu xa công khó của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Cách tốt nhất để cho chúng sanh còn trên Dương Thế đáp đền công khó của Ngài Địa Tạng là giúp cho vong linh siêu thoát. Nếu vong linh không siêu thoát, Ngài rất khó lòng giúp cho vong linh tiến về cảnh giới đúng của mình. Chính người trên Dương Thế mới làm được công việc của một Thiện Tri Thức, giúp cho vong linh sám hối những nghiệp tội của mình, biết xả bỏ gánh nặng SÂN HẬN, những vướng mắc của mình, cải sửa được TÂM - Ý -TÁNH, biết hoán chuyển TÂM THỨC của mình, hướng về một cảnh giới tốt đẹp hơn.
Trong 49 ngày ròng rã, vị Thiện Tri Thức đem hết tâm thành của mình để hướng dẫn cho vong linh tu tập, vong linh sẽ nhẹ lần… nhẹ lần… và cuối cùng thì có thể cất bước được một cách rất dễ dàng về bất cứ cảnh giới nào mà mình muốn, với sự giúp đỡ của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Nếu vong linh không được siêu độ đúng cách, sau 49 ngày vong linh vẫn còn trĩu nặng, không thể cất được bước chân của mình, tức là vong linh chưa siêu thoát, cơ hội để trở lại làm Người hay được về Cõi Trời hoặc Cõi Phật sẽ còn thật xa vời. Kiếp làm vong linh nhận chịu sự đọa đày, sống trong cảnh tối tăm, mờ mịt vì ngọn đèn Trí Huệ đã lu mờ hoặc có khi tắt hẳn. Công việc của Ngài Địa Tạng đối với một vong linh không siêu thoát thật phức tạp, tốn nhiều công sức và mất rất nhiều thời gian, có khi kéo dài hằng chục năm hay hằng trăm năm, đó cũng là một việc rất bình thường!
Số vong linh càng ngày càng đông, trên Dương Thế hằng ngày có vô số Người ngã xuống, đa số đều là thanh toán lẫn nhau. Dù biết rằng tất cả đều do nghiệp lực, nhưng theo một chiều hướng quá nặng nề. Khi còn sống, họ mang nhiều tánh xấu, nhiều sân hận, bướng bỉnh, ương ngạnh, đến khi ngã xuống, họ cũng mang hết tất cả những điều xấu xa đó đi theo, do đó lúc nào các vong linh loại này cũng muốn nổi loạn, khiến cho công việc khuyên nhủ, giúp đỡ của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát trở nên vô cùng khó khăn và cực nhọc.
Quyến thuộc của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát hàng hàng, lớp lớp, Hóa Thân của Ngài cũng trùng trùng, điệp điệp, nhưng trước số vong linh cứ ngày càng lên cao mà đa số là vong linh không siêu thoát, chúng sanh trên Dương Thế sẽ hình dung được muôn điều trắc trở, vạn sự rối rắm xảy đến cho Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát cùng các quyến thuộc của Ngài.
Cho nên, ghi ơn công đức của Ngài, đền đáp ơn sâu nghĩa nặng mà Ngài cùng Quyến Thuộc đã làm cho các vong linh (trong đó cũng có Cửu Huyền Thất Tổ, cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, thậm chí cả hiện kiếp của mỗi chúng sanh), không gì tốt hơn là nổ lực để siêu độ cho hương linh của thân nhân mình trong suốt 49 ngày. Đó là việc làm mang thật nhiều ý nghĩa, vừa tự giúp cho bản thân mình tu tập, vừa tỏ dạ thương yêu người quá cố qua việc làm giúp cho vong linh siêu thoát, có cơ hội để lựa chọn cảnh giới đi về và việc làm này cũng để đáp đền công ơn của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, giúp cho Ngài và quyến thuộc bớt đi sự cực nhọc, bớt đi sự khó khăn, việc đưa tiễn vong linh thân nhân của mình về đúng cảnh giới sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Ngài rất chăm chút, lo lắng cho từng vong linh một và không bao giờ nệ hà làm những điều gì xét ra tốt đẹp, lợi lạc cho vong linh. Đưa một vong linh vào thai noãn, tức là về với Mẹ của mình, Ngài luôn luôn để ý xem coi bào thai trong bụng người mẹ có được yên ổn hay không? Có nghĩa là vong linh đó có bình an chờ ngày mở mắt chào đời hay không?
Nếu có những trục trặc xảy ra cho thai nhi, như trường hợp người mẹ bị sẩy thai và nếu biết rằng cơ thể người mẹ không thể tiếp tục thụ thai được nữa, vong linh không thể nhập thai trở lại, Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ lập tức tìm cho vong linh một nơi thác sanh khác. Trong trường hợp người Mẹ phá thai, thần thức của vong linh bị xua đuổi khỏi thai noãn, Ngài Địa Tạng cũng một mặt xoa dịu lòng sân hận của vong linh, tránh cho vong linh trở lại tình trạng không siêu thoát vì sân hận, một mặt cố gắng tìm cho vong linh một nơi thác sanh khác.
Người trên Dương Thế, mỗi khi cầu đến Ngài sẽ được Ngài đáp ứng ngay. Những sản phụ sanh khó khăn, gặp nhiều điều trắc trở, nếu có lời cầu nguyện Ngài, sẽ được Ngài giúp đỡ để việc sinh nở được “Mẹ tròn con vuông”. Tất cả mọi việc có liên quan đến thai nhi, Ngài Địa Tạng đều tận tình giúp đỡ vì bản chất của nó chính là vong linh mà Ngài đã giúp để đưa vào đúng cho cha mẹ nó. Vì vậy Ngài rất là lo lắng, muốn cho nó ra Đời được bình an, yên ổn.
Trong suốt thời gian thai nghén, nếu người mẹ biết chăm lo tu tập và vì thai nhi mà tu tập, Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ ủng hộ và luôn độ trì. Sau khi đứa bé đã chào đời rồi mà người mẹ cũng vẫn tiếp tục tu tập, đem công đức đó hồi hướng cho đứa bé cùng tất cả các oan gia trái chủ của mình, nghiệp chướng đã gây tạo giữa người Mẹ và đứa bé trong quá khứ, sẽ lần lần nhẹ bớt đi.
Khi đứa bé vừa mở Trí, nếu người Mẹ cũng hướng dẫn cho đứa bé tu tập, lần lần Oan trái giữa đôi bên sẽ biến mất, và đồng thời nghiệp tạo với các oan gia trái chủ khác cũng nhẹ lần đi. Người mẹ sẽ cảm thấy luôn thư thái và tâm thanh tịnh, tránh được nghiệp lực mới có thể xảy ra. Đồng thời, đứa bé được hướng dẫn tu tập từ lúc nhỏ, sự hung hãn theo bản chất sẵn có của thần thức sẻ giảm lần đi, đến triệt tiêu, không còn nữa. Đứa bé sẽ thụ đắc nhiều Tánh tốt khiến cho Tâm trở nên Lành, khó lòng phát sinh nhiều Ý xấu. Việc tu tập đã giúp cho hóa giải được oan trái nặng nề giữa Mẹ cùng con và đồng thời giúp cho việc sửa đổi tâm tánh của một thần thức, đúng lý ra bản chất hung hăng, quyết lòng đòi nợ, nay thì trở nên hòa dịu, biết điều phải trái, sống đúng với đạo nghĩa làm con đối với bậc sanh thành.
Hình Thái Của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát
Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát là một vị Bồ Tát có từ rất lâu xa. Ngài được xem như ngang hàng với các vị Cổ Phật. Những nếp nhăn trên gương mặt của Ngài là một biểu tượng của sự cổ xưa. Đừng nghĩ rằng đó là một sự biểu hiện của Già hay Trẻ, mà chính những nếp nhăn đó đã giúp cho chúng sanh biết một cách đích xác rằng: Ngài là một vị CỔ ĐẠI BỒ TÁT. Qua những lần thị hiện của Ngài trên cõi Ta Bà, chúng sanh biết thêm lần lần những chi tiết về hình thái của Ngài.
Trong Đại Nhật Kinh Sớ có ghi chép sáu hình tượng Địa Tạng là sáu Hóa Tôn của sáu nẻo. Đại Định Trí Bi Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Địa Ngục, tay trái cầm cây Tích Trượng, tay phải cầm viên ngọc báu.
Mặt của Ngài hơi vuông, to, gần với hình dạng chung của các vị Cổ Phật, có rất nhiều nếp nhăn trên làn da mặt hơi dày, có màu xam xám. Mặt Ngài vui, miệng lúc nào cũng cười một cách tự nhiên, nụ cười rất ấm áp, rất chan chứa.
Chiếc mũ của Ngài đội trên đầu tượng trưng cho Lục Đạo với 06 trái Châu chồng lên nhau ngay giữa đỉnh đầu. Chung quanh mũ hoàn toàn trống, không có HÓA PHẬT chung quanh như người Đời thường hay họa tạc. Hai bên mũ cũng không có hai sợi dây xuống (DẢI NÓN).
Y của Ngài màu đỏ sáng rực, có vạch vàng ngăn ra từng miếng, từng ô vuông. Áo của Ngài mang một ý nghĩa rất thâm thúy. Mỗi miếng, mỗi ô vuông tượng trưng cho một dân tộc trên cõi Ta Bà. Áo của Ngài có nhiều miếng kết lại biểu hiệu cho cõi Ta Bà với tất cả những dân tộc trong đó. Khi đã trở thành vong linh rồi sẽ không còn có sự phân biệt dân tộc này hay dân tộc kia nữa, tất cả đều cùng là cư dân của cõi Âm. Với Đại Nguyện cứu độ chúng sanh, Ngài không từ chối bất kỳ một dân tộc nào cả.
Cây Tích Trượng của Ngài rất là diệu dụng. Phần dưới có cái đế vuông, phần trên có 06 tầng, tượng trưng cho Lục Đạo.
Trái Châu tượng trưng cho Trí Huệ, phát hào quang đỏ rực.
Tay Trái của Ngài cầm Tích Trượng
Tay Phải của Ngài cầm Trái Châu
Mỗi khi cây Tích Trượng vung lên, trái Châu tung lên, tức khắc bao nhiêu hình ảnh về Nghiệp Chướng của Vong Linh đều hiện ra rõ ràng để cho Ngài Địa Tạng theo đó mà dẫn dắt Vong Linh đi đúng nơi, đúng hướng về chốn thác sanh. Cho nên cây Tích Trượng của Ngài có 6 tầng, tượng trưng cho 6 nẻo luân hồi.
Con thú mà Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát cưỡi là một linh vật rất… rất dữ. Sau khi Ngài hàng phục được nó và đã qua thời gian tu tập rồi, con thú trở thành phương tiện di chuyển của Ngài, đến bất cứ nơi nào Ngài muốn. Con thú của Ngài như là một sự phối hợp giữa con Kỳ Lân và con Hẩu. Toàn thân của nó phát ra hào quang vàng pha đỏ, phóng sáng như rực lửa. Mình có vảy, đầu không có sừng và luôn rực ánh hào quang. Đuôi cũng luôn bao phủ bởi hào quang rực sáng, trông rất là uy nghi.
Cổ đeo Lục Lạc. Đây không phải là Lục Lạc thường. Mỗi lần Lục Lạc rung lên, báo cho Ngài Địa Tạng biết có người cần đến sự giúp đỡ của Ngài. Con thú chuẩn bị để đưa Ngài đi đến tận nơi. Lục Lạc vang lên cũng là một sự báo hiệu cho Ngài Địa Tạng biết có một vong linh vừa mới hiện diện ở cõi Âm. Con thú tức tốc đưa Ngài đến ngay để xem coi vong linh đó như thế nào? Sẽ đi về đâu? Bốn chân của con thú đều có móng, bấu lên 4 đóa sen, nhờ đó mà con thú có thể bay bổng dễ dàng.
Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giữ thế ngồi một bên lưng của con thú, 2 chân đạp lên Hoa Sen, tay mặt cầm trái Châu, tay trái cầm Tích Trượng.
Tạo một dáng ngồi khác cho Ngài để Ngài trông có vẻ ung dung, thư thái hơn. Ngài đã quá tất bật, công việc không ngừng nghỉ, hai chân để thòng xuống là tư thế sẵn sàng để ra đi. Nay cho Ngài một chân rút lên để Ngài trông có vẻ tự tại, thong dong hơn.
Từ ngàn xưa, ngoại trừ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hiện diện bằng xương bằng thịt trên cõi Đời, hình tượng của Ngài đã được họa vẽ một cách chính xác; còn các vị Phật và Bồ Tát khác có được ảnh họa đều là do các Ngài thị hiện, giúp chúng sanh ghi nhớ lại hình ảnh của các Ngài mà họa nên. Đã là ghi nhớ thì cũng có lúc nhớ sai, cho nên họa sai. Thêm vào đó, ai cũng muốn giành lấy các Đấng Từ Bi cho riêng mình, vì vậy mà:
Phật ở Tàu thì gương mặt Tàu
Phật ở Việt Nam thì có nét Việt Nam
Phật ở Đại Hàn thì chắc chắn phải mang lấy những nét đặc biệt của Đại Hàn v.v…
Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát không phải lúc nào cũng bận bịu với Địa Ngục như chúng sanh thường hay nghĩ đâu! Cũng như Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài Địa Tạng thị hiện rất nhiều ở cõi Ta Bà, dưới vô số hình dạng để cứu độ chúng sanh của cả hai cõi Âm và Dương. Những lần thị hiện của Ngài là một dịp bằng vàng để chúng sanh của cõi Ta Bà ghi tạc thật đúng hình ảnh của Ngài. Quán tưởng một hình ảnh đúng, kèm theo một sự rung động chân thành, sẽ vô cùng ích lợi khi tu tập.
Những người tu tập chân chính luôn luôn được sự ủng hộ của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Ngài cũng thường hay hiện diện nơi đạo tràng của những người chân thật tu tập, của những người luôn niệm danh hiệu của Ngài.
Chúng sanh trong cõi Ta Bà vô cùng may mắn, đã có được 2 vị Đại Bồ Tát luôn luôn theo cứu độ: 1 Vị ở Cõi Dương và 1 Vị ở Cõi Âm.
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát từ cõi Cực Lạc đã không nệ hà cực nhọc lên xuống cứu độ và nhất là đã không ngừng phát nguyện độ chúng sanh của cõi Ta Bà còn trên Dương Thế.
Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát đã rất nhiều kiếp hiện thân nơi cõi Ta Bà, phát đại nguyện độ chúng sanh của cõi Ta Bà, nhất là cõi Âm ("Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề.") Bên cạnh đó, còn có hằng hà sa số chư Phật và Bồ Tát cũng theo độ trì cho chúng sanh của cõi Ta Bà.
Tuy nhiên, chúng sanh hãy tư duy cho thật kỹ sự giúp đỡ, hộ trì của Chư Phật và Bồ Tát.
Cõi Dương
Chư Phật và Bồ Tát chỉ giúp Người Phước Đức gặp nạn tai mà thôi!
Đứng trước một người mà nghiệp chướng của họ chất cao như núi; chủ nợ trì kéo đòi trả nợ, con nợ thì khóc lóc, kêu la, réo gọi Phật và Bồ Tát đến giúp, Phật và Bồ Tát không thể nào đưa tay bưng cái núi nghiệp chướng đó lên, vẹt chủ nợ qua một bên để giải vây cho con nợ. Giả sử rằng trong 01 ngày có một ngàn (1000) con nợ kêu gào, cầu cứu, sẽ có 1000 vị Phật và Bồ Tát đến giúp, mỗi vị bưng 01 cái núi Nghiệp Chướng. Sau đó rồi thì các Vị sẽ phải liệng 1000 cái núi Nghiệp Chướng này vào đâu?
Cả ngàn chủ nợ đang trì kéo, đòi thanh toán nợ, Chư Phật và Bồ Tát sẽ phải đối phó với họ như thế nào? Bênh ai? Bỏ ai? Tất cả đều là chúng sanh của cõi Ta Bà mà chư Phật và Bồ Tát đã có lời phát nguyện độ trì! Cái núi nghiệp chướng sỡ dĩ có được là do Tâm – Ý – Tánh của người tạo nghiệp chướng quá xấu xa. Nếu Tâm có hơi “Kỳ quái” một chút, Ý phát ra có hơi đen tối một chút, nhưng, nếu cái TÁNH không quá xấu xa, độc ác, thích làm đau người khác thì vẫn có thể gò cương ngựa được và làm cho con ngựa quay trở lại đường thẳng, cơ hội ngã ngựa sẽ khó xảy ra.
Cõi Âm
Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát không thể nào giúp đỡ cho vong linh được, nếu vong linh không thể cất bước. Một cái túi nghiệp chướng quá nặng nề, vong linh thì nhẹ như sương khói, kéo sao cho nổi? Ngài Địa Tạng có giúp đỡ để lôi kéo nó cũng không Kéo nổi vì cái túi như có nam châm hút trì xuống. Cái túi nghiệp chướng này sỡ dĩ quá nặng nề cũng là do Tâm – Ý – Tánh xấu ác của vong linh tạo ra khi còn sống. Ngày giờ này chính nó hại lại vong linh, không sao kéo đi cho nổi. Chỉ có tu tập, dùng lửa Sám Hối thiêu đốt thì họa may mới làm cho nó tan dần và nhẹ ra. Chỉ vỏn vẹn có 49 ngày ròng rã tu tập để làm cho mọi việc trở nên dễ dàng, tốt đẹp, thuận lợi; một bước nhảy vọt, vào Cõi Trời hay cõi Phật, tại sao người còn sống không ra sức giúp cho người đã chết? Đó mới chính là tình thương thật sự và đúng nghĩa!
Tư duy để thấy rằng cái TÁNH đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thăng hoa của chúng sanh, dù còn sống hay đã CHẾT.
Khắc ghi Công Đức của các Bậc Đại Bồ Tát đã hằng cứu giúp chúng sanh của cõi Ta Bà, không gì tốt đẹp bằng phải luôn luôn KIỂM TÂM – CHỈNH Ý – SỬA TÁNH để không còn tạo nghiệp chướng nữa.
Các Vị Bồ Tát sẽ đỡ cực nhọc lên xuống, đỡ bớt sự độ trì, đôi khi chỉ có thể lấy mắt nhìn mà lắc đầu rơi lệ vì các Ngài cũng phải bất lực, bó tay trước nghiệp chướng do chúng sanh gây tạo nên mà thôi!
(Theo Lạc Pháp . com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét