Tâm Minh Lê Đình Thám
TỨ ĐẾ
Tứ đế là đạo lý căn bản của Thanh Văn thừa, đồng thời cũng là cơ sở của các đạo lý khác trong đạo Phật, vì nếu không biết luân hồi là khổ, thì không thể phát tâm cầu đạo giải thoát, nếu khôngbiết cái khổ luân hồi do những nguyên nhân gì, thì cũng không biết được đường tu chân chính, đi đến giải thoát, và nếu khôngbiết đường tu giải thoát chân chính, thì không thể ra khỏi luân hồivà được chứng Niết-bàn.Cả đến những vị tu theo Bồ-tát thừa, cũng cần nhận rõ cái khổ luân hồi, mới phát được thệ nguyện rộng lớn, độ thoát chúng sinh đồng thành Phật đạo.
Lần đầu tiên Phật thuyết pháp, độ cho 5 vị Tỳ-kheo ở Lộc uyển, Phật đã dạy: “Thế này là khổ, cần phải biết; thế này là tập, cần phải đoạn; thế này là diệt, cần phải chứng; thế này là đạo, cần phải tu”.
Vì thế, tất cả đệ tử Phật, muốn phát tâm đúng đắn, cần phải nghiên cứu suy xét, biết được luân hồi là khổ, biết được những tập nhân của luân hồi cần phải đoạn, biết được đạo quả diệt khổ luân hồi cần phảichứng, và biết được con đường diệt trừ tập nhân ấy ra khỏi luân hồi, cần phải tu hành. Những đạo lýdạy về cái khổ của luân hồi, tập nhân của luân hồi, đi đến đạo quả ấy, đều là những đạo lý chắn chắn xác thật, nên gọi là Tứ đế, gồm có: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
A. KHỔ ĐẾ
Khổ đế nhận định chắc chắn luân hồi là khổ, sống chết là khổ. Thân thể của chúng sinh đối với hoàn cảnh, thường sinh ra ba cái thọ: Đối với cảnh nghịch thì sinh ra khổ thọ, đối với cảnh thuận thì sinh ra lạc thọ và đối với những cảnh không nghịch, không thuận thì sinh ra xả thọ. Nói một cách khác, là các cảnh có thể làm cho người ta hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không vui, không khổ. Nhưng cả ba thọ ấy cuối cùng đều sinh ra khổ cả. Khổ thị thì sinh ra khổ khổ, vì bản chất của nó là khổ, nên sinh ra khổ; lạc thọthì sinh la hoại khổ, vì những cảnh thuận mà mình không ưa thích, không thể tồn tại mãi được, đến khi nó diệt mất thì sinh ra khổ; xả thọ thì sinh ra hành khổ, vì tuy xả thọ không có khổ vui, nhưng thân thể và hoàn cảnh, do nhân duyên tạo thành, luôn luôn chuyển biến và lần đi đến chỗ diệt mất, nên cũng sinh ra khổ.
1. Sinh khổ: Sinh khổ, nghĩa là có sinh có khổ, vì đã có sinh thì nhất định phải có diệt và bị vô thườngchi phối, nên có khổ. Huống nữa, trong nhiều loài, chính trong lúc mới sinh ra, cũng đã phải chịu những cái khổ nhất định do thân thể yếu ớt và hoàn cảnh thay đổi, lại muốn duy trì được sự sống, còn phải tìm cái ăn, cái uống, phải chống cái nóng, cái rét, phải tự vệ đối với nhiều loài khác, phải đối phó với những tai họa thiên nhiên và nhân tạo, v.v. nên suốt đời vất vả lo âu, đó cũng là sinh khổ.
2. Lão khổ: Thân thể thường chuyển biến nên có lão khổ.
Người ta ai cũng muốn trẻ, muốn mạnh, nhưng sự già yếu cứ thôi thúc bên mình, cái già còn con mắt thì con mắt mờ, vào lỗ tai thì tai điếc, vào da thì da nhăn, vào xương sống thì lưng còng, cái già đến đâu thì suy yếu đến đó, làm cho không đủ sức thích nghi với hoàn cảnh thay đổi và dễ mắc bệnh tật.
3. Bệnh khổ: Lại trong đời sống, thân thể thường mắc nhiều tật bệnh, làm cho đau khổ. Nhất là khi đã già, sức đề kháng suy kém thì càng dễ sinh bệnh.
4. Tử khổ, là cái khổ trong lúc chết. Chúng sinh do nghiệp báo chịu một thân thể nào, thì gắn bó với thân thể ấy, xem thân thể ấy là thân thể duy nhất của mình, nên đến khi chết, sinh ra đau khổ vô hạn. Chúng sinh suốt đời yêu quí cái thân thể, chỉ sống với cái thân thể và do thân thể liên hệ mật thiết với người, với cảnh quanh mình, nên đến khi thân thể chết thì luyến tiếc vô hạn. Loài nào có thân thể xinh đẹp bao nhiêu, có hoàn cảnh thuận lợi bao nhiêu, thì lại càng luyến tiếc bấy nhiêu, đó là tử khổ.
5. Cầu bất đắc khổ: Ý niệm của con người thường rong ruổi theo hoàn cảnh, mong cầu những điều ưa thích. Khi mong cầu được cái này, thì lại mong cầu thêm cái khác, đến khi mong cầu chưa được, hoặc không được, thì buồn rầu và đau khổ.
6. Ái biệt ly khổ: lại sống trong cảnh vô thường, thì những cái mình ưa thích cũng đều là vô thường. Khi phải xa rời những cái mình yêu thích đó, như khi mẹ mất con, chồng mất vợ, người mất của báu, thì sinh ra đau khổ vô hạn.
7. Oán tắng hội khổ: Lại có những điều mình thù ghét, không thích mà nó cứ đến với mình, như mình muốn có con hiếu thảo mà sinh ra con bất hiếu, muốn có người láng giềng tốt mà lại phải ở với những người láng giềng xấu, muốn sống trong một chế độ tự do mà lại phải sống trong một chế độ độc tài, v.v. thì sinh ra khổ não.
8. Ngũ ấm xí thạnh khổ: Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, che lấp trí tuệ, làm cho không nhận được bản chất, nên gọi là ngũ ấm. Đến khi chúng sinh phát được chánh tín, muốn trừ bỏ sự che lấp ấy, để được giải thoát, thì lại bị thói quen mê lầm ràng buộc, muốn trừ mà trừ không được nên sinh ra khổ. Vì thế ngũ ấm xí thịnh khổng cũng có tên là xả bất đắc khổ.
Năm ấm ấy che lấp trí tuệ, như áng mây mù che lấp ánh sáng mặt trời. Khi nhận thấy thật có sắc và không, nghĩa là có những cái có hình, có tướng và không hình, không tướng thì những tư tưởng chấp thật có sắc, thật có không đó, che lấp trí tuệ, làm cho không nhận rõ thật tướng của các thứ sắc, thứ không, là duyên khởi như huyễn, không có tự tính, đó là sắc ấm.
Khi thân đối với cảnh, cảnh đối với thân, có những khổ thọ, lạc thọ và xả thọ, mà không biết các thọ ấy đều do sự đối đãi giữa thân với cảnh mà thành, chấp là thật có, thì sự cố chấp này che lấp trí tuệ, làm cho không nhận rõ thật tướng của các thọ, đó là Thọ ấm.
Khi tâm đối với cảnh, với thân, sinh ra có ưa ghét, có thân sơ, thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, tạo ra các tướng nơi thân, nơi cảnh, rồi nương theo các tướng đó, đặt ra những tên gọi, tạo thành cái cảnh danh ngôn đối với ý thức, tức là cái cảnh các sự vật có phân biệt, có tên gọi. Cảnh danh ngôn đó toàn là những tưởng tượng do ý thức biến hiện như cảnh chiêm bao. Nếu không biết như thế, lầm nhận cảnh đó là thật có ở ngoài tâm phân biệt, thì sự cố chấp này che lấp trí tuệ, làm cho không nhận rõ được thật tướng của danh ngôn, đó là Tưởng ấm.
Lại tất cả sự vật, cho đến các luồng tâm niệm, đều sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, theo duyên chuyển biếnmãi mãi không thôi. Nếu không biết đạo lý duyên khởi như huyễn, chính nơi sinh thật không có gì đáng gọi là sinh, chính nơi diệt thật không có gì đáng gọi là diệt, mà chấp thật có sinh diệt, thật có sự chuyển biến, thì sự cố chấp đó che lấp trí tuệ, làm cho không nhận rõ thật tướng của các sinh diệt, đó là Hành ấm.
Lại cái thức tâm theo nghiệp báo mà hiện ra thân thể và cảnh giới hàng ngày, chịu sự huân tập của các nghiệp mà chuyển biển không ngừng. Thức tâm ấy hình như yên lặng, nhưng không phải yên lặng. Thức tâm đó, chỉ là cái dụng riêng biệt của bản tính không riêng biệt, chỉ là một nhóm thức riêng biệt, hiện ra trong thức tính viên mãn cùng khắp, cũng như những luồng sóng hiện ra trong biển cả. Nếu không biết như thế, lầm nhận luồng sóng là biển, lầm nhận thức tâm là bản tính thanh tịnh, thì dễ lạc vào ngoại đạo, hoặc lầm nhận những quả dị thục nơi thức tâm của Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừalà rốt ráo, là tối cao, tối thượng. Cái điều đó che lấp trí tuệ, làm cho không nhận được bản lai tự tính, nên gọi là Thức ấm.
Chỉ khi nào trừ bỏ được năm ấm, nghĩa là từ bỏ được những cố chấp mê làm che lấp trí tuệ, thì mới nhận được bản tính, nhập được với pháp giới tính, và lên quả vị Nhân địa của Như Lai.
Người học đạo biết rõ năm ấm là như thế, nhưng do thói quen mê lầm, muốn thoát ly mà chưa thoát lyđược, thì vẫn còn mắc xả bất đắc khổ. Người thế gian bị năm ấm che mất tâm tính, luôn luôn ở trong đường luôn hồi, chịu cái khổ luân hồi mà không tìm lối giải thoát, đó là vì năm ấm quá nặng nề, quá mãnh liệt, nó làm cho phải luân hồi trong vô lượng, vô số kiếp, chịu vô lượng, vô số đau khổ, thế gọi là ngũ ấm xí thịnh khổ. Xác chết của một chúng sinh, trong nhiều đời, chồng chất lại cao hơn núi Tu-di, nước mắt của chúng sinh, trong nhiều đời, chứa nhóm lại còn nhiều hơn nước biển, đó là kết quả của ngũ ấm xí thịnh khổ.
Tất cả những điều khổ đã nói trên kia, xét ra quả thật là khổ, nên gọi là Khổ đế. Chúng sinh trong đường luân hồi, cần suy xét chín chắn, biết rõ luân hồi là khổ, chẳng những ở tam ác đạo là khổ, mà ở các cõi trời cũng vẫn là khổ, để tăng thêm lòng mong muốn giải thoát. Việc biết luân hồi là khổ và mong muốn giải thoát là điều cần yếu cho những người học đạo.
B. TẬP ĐẾ
Đã biết cái khổ luân hồi thì cần suy xét nhận rõ những nguyên nhân tập hợp lại mà duyên sinh ra cái khổ đó. Phải chính nơi cái khổ luân hồi, mà nhận cho được nguyên nhân của nó, một cách xác thật, không nên để cho những tà thuyết mê hoặc.
Phật thấy rõ những nguyên nhân của luân hồi, vì đã thiết thật biết hết những sự chuyển biến theonghiệp báo của các chúng sinh trong vô lượng, vô số kiếp. Những nguyên nhân của luân hồi mà Phật đã dạy, có thể nhận rõ nơi cái quả luân hồi hiện tại, nó xác thật chắc chắn là nguyên nhân của luân hồi, nên gọi là Tập đế.
Nói tóm lại, nguyên nhân của luân hồi là lòng khát ái, nghĩa là lòng khao khát ưa thích đối với sự sống còn, sự hay biết, đối với thân thế và hoàn cảnh, phân tích ra thì cả 10 nguyên nhân chính là những tư tưởng sai lầm, ràng buộc và sai khiến chúng sinh, đó là 10 kết sử. Trong 10 kết sử, có 5 cái thuộc về tính chấp, là tham, sân, si, mạn, nghi, cũng có 5 tên là 5 độn sử, còn 5 cái nữa thuộc những cố chấp về tri kiến và thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, và tà kiến, cũng có tên là 5 lợi sử.
Do 10 kết sử là nguyên nhân của luân hồi, nên cần biết rõ hành tướng của nó để doạn trừ cho kỳ hết.
1. Tham: Là đối với những cái gây ra lạc thọ hoặc hỉ thọ và những phương tiện để có các cái đó, sinh lòng đắm trước, muốn thu góp tất cả về phần mình.
2. Sân: Là đối với những cái gây ra khổ thọ hoặc ưu thọ và những phương tiện gây ra các cái ấy, đem lòng ghét bỏ, muốn gạt đi nơi khác, muốn trút hết cho người khác.
3. Si: Là đối với sự thật nhân quả, mê lầm không rõ, do đó phát sinh ra những tư tưởng sai lầm và những lối tu hành không đúng Chánh pháp. Si còn có tên là vô minh, khi nào chưa trực nhận bản tánh, chưa nhập một lời pháp giới tánh, thì chưa dứt sạch vô minh.
4. Mạn: Là tự đề cao mình, phân tích ra có ngã mạn, xem cái ta là quý báu hơn hết, quá mạn là mình chỉ bằng người, lại cho là hơn người, mạn quá mạn là chính chỗ mình thua kém người, lại tự phụ là hơn người, tà mạn là tự cảo tự đại với những tà pháp, với những chức vụ cao trong tà đạo, tăng thượng mạn là chưa chứng đã xưng là chứng, chưa ngộ đã xưng là ngộ, lại có cái mạn bình thường, mình có hơn người một ít mà cho là hơn nhiều. Mạn có tác hại tăng trưởng các hiến chấp, sinh lòng tự mãn, làm trở ngại rất nhiều cho sự tu tập.
5. Nghi: Là đối với Chánh pháp, sinh lòng do dự, không tin chắc chắn, như đã phát lòng tin với Tam bảo, lại còn cầu thần, vái quỷ, bảo rằng “Phật thì xa, bản nha thì gần”.
6. Thân kiến: Là chấp cái thân ngũ uẩn là ta, nhận định chắc chắn có cái ta và không tin đạo lý vô ngã.
7. Biên kiến: Là chấp có hai bên, chấp những sự đối đãi là thật có, như chấp thật có thường, có đoạn, có trước, có sau, có cao, có thấp, v.v.
8. Kiến thủ kiến: Là cố chấp những thành kiến đã có từ trước, dù được nghe đạo lý chân thật, nhận địnhlà đúng, cũng không chịu rời bỏ.
9. Giới thủ kiến: là cố chấp những giới ngoại đạo đã được truyền thọ, khi đã được nghe Chánh pháp, cũng không chịu rời bỏ.
10. Tà kiến: Là cố chấp những ngoại đạo tà giáo đã học được, hoặc bát không nhân quả, hoặc tin những điều trái với nhân quả.
Mười kết sử này buộc con người, sai khiến con người, làm cho phải xoay chuyển mãi mãi trong đườngluân hồi.
Các kết sử còn chia ra có kết sử câu sinh và kết sử phân biệt. Kết sử phân biệt phụ thuộc vào ý thức, nên đến khi ý thức chứng được chân lý vô ngã, tức là kiến đạo, thì các kết sử phân biệt đều được đoạn trừ, do đó, nên gọi là kiến sử đoạn hoặc, hay kiến hoặc. Những kết sử câu sinh là những tập quán mê lầm từ nhiều kiếp để lại và dây dưa trong tiềm thức, cần phải liên tục tu tập chánh quán lâu ngày mới đoạn trừ hết, nên cũng có tên là tư sử đoạn hoặc, hay là tư hoặc.
Trong 10 kết sử, có hai kết sử rất quan trọng, vì là cỗi gốc của tất cả phiền não mê lầm, đó là thân kiếnvà si. Do si mê nên mặc dầu, xét rõ thật tế không có cái ta riêng, lại cứ nhận rằng có cái ta riêng và mặc dầu, được nghe Chánh pháp, vẫn không chịu dứt bỏ sự cố chấp ấy. Như thế là do si mà có thân kiến, rồi do thân kiến mà có cái ta chịu sống, chịu chết, trong đường luân hồi.
C. DIỆT ĐẾ
Đã biết nguyên nhân của luân hồi, thì cần phải diệt trừ hết 10 kết sử để ra khỏi luân hồi.
Những vị đoạn được tất cả kiến hoặc trong tam giới, không còn phân biệt ngã chấp thì chứng quả Tu-đà-hoàn, những vị Tu-đà-hoàn diệt trừ được sáu phẩm tư hoặc của Dục giới, không trở về Dục giới nữa, thì chứng quả A-na-hàm. Những vị A-na-hàm hiệt trừ hết 72 phẩm tư hoặc của các cõi Tứ thiền, Tứ không thì chứng quả A-la-hán. Chứng được các đạo quả này của Thanh Văn thừa, thì chắc chắn ra khỏi luân hồi, các vị Tu-đà-hoàn thì chứng được Hữu dư y Niết-bàn, các vị A-la-hán thì chứng được Vô dư y Niết-bàn, nên gọi là Diệt đế.
D. ĐẠO ĐẾ
Đạo đế là con đường tu hành chắc chắn diệt trừ các kết sử là tập nhân của luân hồi, để chứng quả giải thoát ra khỏi luân hồi.
Phương pháp tu tập ra khỏi luân hồi rất nhiều, nay chỉ nói về hai pháp là 5 quán đỉnh tâm và 37 đạo phẩm:
a. Năm quán đỉnh tâm: Năm phép quán này, nhằm làm cho những phiền não sâu nặng nhất dừng nghỉ, nên gọi là đỉnh tâm.
1. Quán bất tịnh: Quán này xét nhận thân và cảnh đều nhơ nhớp, không sạch, dễ làm cho lòng tham dục ngừng nghỉ.
Đối với thân người, thì xét nó, bề ngoài mồ hôi nhễ nhại, lâu ngày không tắm rửa thì hôi hám không thể chịu được, rồi xét bề trong cái thân, sau lớp da mỏng thì toàn là máu, mỡ, thịt, xương rất nhơ nhớp và chứa đựng những tiểu tiện, đại tiện rất hôi thôi. Xét cho cùng, thì cái thân người khi ở trong thai, lúc mới sinh đã nhơ nhớp rồi và đến khi chết thì lại càng hôi thối nhơ nhớp hơn nữa.
Có phép quán bất tịnh, quán thân người khi chết rồi, thì máu da nhợt nhạt, có từng bợt xanh, bợt tím, bụng phình to lên, rồi nứt ra, chảy nước hôi hám, cuối cùng da thịt tiêu hết, chỉ còn bộ xương, rồi bộ xương còn đó cũng tan nát ra đất, ra bụi, gặp một trận gió thì bụi bay hết, không còn gì là cái thân nữa.
Quán thân mình như thế, quán thân mọi người cũng như thế, thì đối trị được lòng dâm dục.
Đối với hoàn cảnh thì quan sát tất cả đều vô thường, như hoa nở rồi tàn, không có gì đáng ưa thích cả. Loài người sống trong cảnh đất bụi, bùn lầy, ít ngày không quét, không lau thì đã nhơ nhớp, nên trong cảnh ấy thật không có gì đáng ham muốn.
Xét như vậy, thì trừ được lòng ham muốn ngoại cảnh và giữ được tâm thanh tịnh.
2. Quán từ bi: Đối với người hay nóng giận, thì nên học phép quán từ bi để đối trị. Phép này xem xétloài người chịu nhiều thứ khổ. Trong lúc sống khổ như thế, loài người lại tranh giành lợi lộc với nhau, gây ra những nghiệp ác, để về sau phải chịu quả báo khổ trong nhiều đời, rất đáng thương xót.
Với lòng từ bi đó, mỗi khi thấy có người bị đọa đày, áp bức, giết hại, thì người tu hành phải hy sinh tất cả để cứu khổ, cứu nạn, đi đến diệt những kẻ hung bạo sát nhân, để cứu vớt người lương thiện.
Người tu hành, tu phép quán từ bi, luôn luôn ở về phía đa số bị áp bức, không từ một hy sinh nào, một hành động đối nghịch nào mà vẫn không thù, không giận.
3. Quán nhân duyên: Quán nhân duyên là quán tất cả sự vật, dầu thân tâm, dầu cảnh giới, đều do nhân duyên hội họp mà giả dối sinh ra, nhân duyên tan rã là giả dối diệt mất, sự thật thì không có gì đáng gọi là thân tâm và cảnh giới cả. Pháp quán này, đối trị lòng si mê chấp thật có thân tâm, thật có cảnh giới.
4. Quán giới phân biệt: Quán giới phân biệt là xem xét chia chẻ nơi thân, nơi cảnh thành 18 giới riêng biệt. Trong 18 giới ấy (6 căn, 6 trần, 6 thức) không tìm ra được cái gì gọi là ta, nhưng ngoài 18 giới ấy ra, thì không còn cái gì, có thể gọi là ta được. Như thế, cái ta chỉ do một số tâm pháp và sắc pháp kết hợp lại mà thành, chỉ có tên gọi, chứ không có thật thể.
Cũng có thể phân tích cả thân và cảnh thành năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hoặc thành 6 đại (địa, thủy, hỏa, phong, không, thức), để thấy rõ tất cả chỉ là tướng hòa hợp, chỉ có danh mà không có thật, trong đó không có gì đáng gọi là ngã cả.
Phép quán này, đối trị được ngã kiến và làm cho nhận được các pháp đều vô ngã.
5. Quán sổ tức: Đối với những người, tâm thường tán loạn, thì nên tập phép quán sổ tức. Sau khi điều hòa hơi thở, người tu hành tập đếm hơi thở từ 1 cho đến 10, rồi bắt đầu đếm trở lại từ 1 đến 10, phải chuyên tâm đếm như thế, một cách rõ ràng dứt khoát, không có nhầm lẫn. Tập lâu ngày, phép sổ tức thì tâm được định tĩnh, không còn tán loạn nữa.
Những người mới tu hành, đều nên tập 5 phép quán đỉnh tâm, tùy tự xét tâm mình, phiền não nào nặng hơn, thì tập phép đối trị phiền não ấy trước. Về sau thì có thể tập đủ năm phép, để cho phiền não được nhẹ nhàng và tâm được chánh định.
b. 37 đạo phẩm, gồm có: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, bát chánh đạo, và thất giác chi.
1. Tứ niệm xứ: Sau khi tu năm phép quán đỉnh tâm, người tu hành đã được phiền não nhẹ nhàng và bắt đầu được chánh định. Nhờ có định, người tu hành phát ra trí tuệ, diệt trừ 4 kiến chấp điên đảo thế gian là: Không sạch bảo là sạch, khổ bảo là vui, vô thường bảo là thường, vô ngã bảo là ngã, đồng thờiphát sinh bốn chánh quán là thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã.
Bốn chánh ấy là tứ niệm xứ gồm có:
- Quán thân bất tịnh: Nghĩa là quán thấy cái thân mình không sạch sẽ, không đáng lưu luyến. Nhớ giữ luôn quan niệm như thế, nếu không bị cái thân sai khiến, ngược lại, còn sai khiến được cái tâm làm các điều thiện.
- Quán thọ thị khổ: Nghĩa là quán thấy có lãnh nạp thì có khổ. Thọ ước lược có ba thứ là lạc thọ, khổ thọ, và xả thọ. Khổ thọ sinh ra khổ khổ, lạc thọ sinh ra hoại khổ, xả thọ sinh ra hành khổ, nên hễ có thọ thì có khổ.
Các thọ ấy đều sinh ra do sự đối đãi giữa thân thể và cảnh giới. Nếu không nhận cái thân là mình, thì không gắn bó với thân và sẽ không theo cái thân, mà nhận các sự sống chết.
- Quán tâm vô thường: Nghĩa là quán thấy cái tâm ý phân biệt, duyên với cảnh danh ngôn, là vô thường. Cái ý thức ấy rong ruổi theo cảnh, chuyển biến mãi mãi, khi ngủ mê, khi chết giấc đã không còn, huống nữa, là khi chết. Thế mà trong thế gian, nhiều người lại tin rằng, cái ý thức phân biệt đó, vẫn tồn tại sau khi chết, đi đến tin có cái hồn biết người, biết mình, sống mãi dưới âm phủ.
Sự sai lầm ấy, làm trở ngại cho lòng tin chắc chắn về nhân quả và nghiệp báo.
Người ta thường tự hào với những tri thức của mình. Sự thật thì mọi sự hiểu biết, đều do học hỏi mà có, đều từ ngoài đưa vào, chứ cái hiểu biết riêng biệt của mình thì chẳng có là bao.
Vậy chẳng những cái thân, do sự kết hợp của các thứ vật chất từ ngoài đưa đến mà thành, mà cả cái tri thức cũng do từ ngoài đưa vào mới có, không có gì gọi là riêng mình và cũng không có gì gọi là chắc thật cả.
Lại cái ý thức đó lúc nhỏ khác, lúc lớn khác, khi chưa học khác, khi đã học khác, khi chưa tu khác, khi đã tu khác, nên quả thật là vô thường.
Nhận biết ý thức là vô thường, thì phá được thường kiến chấp có cái hồn bất diệt, đồng thời cũng giác ngộ được cảnh danh ngôn là giả dói, không thật và do tâm phân biệt biến hiện.
- Quán pháp vô ngã: Nghĩa là quán thấy tất cả sự vật, dầu tâm, dầu cảnh, đều khôn có tự tính.
Tất cả các sự vật ấy, đều có thể nói được, có thể nghĩ được, nên gọi là pháp. Những sự vật có hình tướng đều do nhiều bộ phận hợp lại mà thành, nên đều là Nhất hợp tướng, dầu cho nhỏ như hạt bụi, hễ đã có hình tướng, thì đều có thể chia chẻ được, nên cũng đều là nhất hợp tướng.
Nhất hợp tướng như một tập giấy, do nhiều tờ giấy hợp lại mà thành, mỗi tờ giấy đều không phải là tập giấy, nhưng ngoài các tờ giấy ra, cũng không còn gì là tập giấy. Lại tập giấy có thể kết hợp lại với một tập giấy khác, mà thành một tập giấy lớn hơn, hoặc có thể chia ra thành hai tập giấp nhỏ hơn. Rõ ràngtập giấy chỉ có tên gọi, chứ không có thật thể.
Cái tâm thức, cũng đều do nhân duyên hội họp mà phát sinh. Ngoài các nhân duyên ra, cũng không tìm được cái gì là tâm thức.
Lại, tất cả sự vật đều đối đãi với nhau mà thành lập. Tâm đối với cảnh, cảnh đối với thân, lớn đối với nhỏ, dài đối với ngắn, sống đối với chết, có đối với không, tất cả sự vât đều do đối đãi mà thành và cái này có, nên cái kia có.
Xét cho cùng, tất cả các tâm pháp và sắc pháp chỉ có tánh đối đãi, chứ riêng một mình thì không có tánh gì cả, nghĩa là không có tự tánh, không có tự tánh là vô ngã, tâm cũng vô ngã, thân cũng vô ngã, người cũng vô ngã, mình cũng vô ngã, cảnh cũng vô ngã, thời gian, không gian cũng vô ngã, cho đến khi sống cũng vô ngã, chết cũng vô ngã.
Người tu hành giữ tâm niệm luôn luôn ở trong bốn chánh quán như thế, thì trí huệ ngày thêm phát triển và những bậc lợi căn, có thể chứng được Tu-đà-hoàn.
2. Tứ chánh cần: Là bốn sự siêng năng chân chánh tu tập bỏ ác làm thiện.
Bốn sự siêng năng ấy là:
Những điều ác đã làm thì quyết tâm không làm nữa, những điều ác chưa làm thì quyết tâm không làm, những điều thiện đã làm thì quyết tâm làm thêm nữa, và những điều thiện chưa là thì quyết tâm làm cho được.
Tứ chánh cần là giới, nhờ tinh tiến giữ giới như thế, mà người tu hành được định tuệ phát triển, theo con đường chân chánh.
3. Tứ như ý túc: Là bốn chỗ nương đứng để phát khởi sáu thứ thần thông, vì thế tứ như ý túc cũng có tên là tứ thần túc.
Túc là chân, như cái thân phải nương với cái chân mới đứng được, sáu thứ thần thông phải nương với 4 thần túc mới phát sinh được.
Bốn thần túc là dục, tinh tiến, định và quán (theo các kinh điển, tên của tứ thần túc có khác nhau ít nhiều, nhưng ý nghĩa vẫn như nhau).
Người tu hành khi quán năm phép định tâm đã có định, đến khi tu tứ niệm xứ, và tứ chánh cần, thì trí tuệ phát triển thêm nhiều, nên định lại hóa thành kém thua. Vì vậy, người tu hành cần phải tu tứ thần túc, để cho định tăng lên, cân xứng với tuệ. Định và tuệ cân xứng nhau, thì như con chim đủ hai cánh, làm việc gì cũng thành tựu, nên gọi là tứ như ý túc, gồm có:
- Dục như ý túc: Là do quyết tâm tu hành do định tuệ cân nhau, mà được thần thông.
- Tinh tiến như ý túc: Là do tinh tiến tu hành cho định tuệ cân nhau, mà được thần thông.
- Đinh như ý túc: Là do tu chánh định, mà được thần thông.
- Quán như ý túc: Là do chuyên tâm trong chánh quán, mà được thần thông.
Sáu thứ thần thông là thiên nhãn thông, thấy những cõi xa xăm, thiên nhĩ thông, nghe những tiếng ở xa, tha tâm thông, biết được ý nghĩ người khác, thần túc thông, làm được những điều biến hóa kỳ diệu, túc mạng thông, nhớ lại các đời trước, và lậu tận thông, tiêu diệt hết các sự mê lầm. Trong sáu phép thần thông, 5 phép trước chung với thế gian, duy có lậu tận thông là phép riêng xuất thế gian.
Người tu hành chỉ cốt được lậu tận thông nhưng do định tuệ cân nhau, nên cũng được cả các thần thông khác.
4. Ngũ căn: Là năm cái cội gốc, để phát sinh các thiện pháp gồm có:
- Tín căn: Là trong tâm đã ghi sâu lòng tin Tam bảo và Tứ đế.
- Tinh tấn căn: Là trong tâm đã ghi sâu lòng cương quyết tu hành các thiện pháp.
- Niệm căn: Là trong tâm luôn luôn nhớ nghĩ chánh pháp.
- Định căn: Là tâm luôn luôn chuyên nhất không có tán loạn.
- Tuệ căn: Là tâm luôn luôn suy xét chân lý, phân biệt chánh, tà.
Sau khi định tuệ đã cân nhau, thần thông đã thật hiện, người tu hành năm căn để có khả năng phát sinh các thiện pháp khác và uốn dẹp các phiền não.
5. Ngũ lực: Khi năm căn phát triển mạnh mẽ, đủ sức tăng trưởng mạnh hơn nữa các thiện pháp và đối trị mạnh hơn nữa các thiện pháp và đối trị mạnh hơn nữa các phiền não mê lầm, thì gọi là ngũ lực.
Ngũ lực gồm tín lực, tinh tiến lực, niệm lực, định lực, và tuệ lực.
6. Bát chánh đạo: Trong nhiều kinh điển, thường theo trình tự để Thất giác chi trước Bát chánh đạo. Nhưng Bát chánh đạo là đường lối tu hành trừ kiến hoặc, còn Thất giác chỉ là đường lối tu hành trừ tư hoặc, nên để Bát chánh đạo trước Thất giác chi là đúng hơn.
Bát chánh đạo gồm có 8 phần:
- Chánh tri kiến: Sau khi được ngũ lực, phát sinh các thiện pháp đối trị các kiến hoặc, thì nhận rõ đạo lýtứ đế, phát ra vô lậu tuệ, hướng về quả Niết-bàn, đó là Chánh tri kiến.
- Chánh tư duy: Chánh tư duy nương với chánh tri kiến, suy xét chân lý khiến cho chân trí vô ngã thêm tăng trưởng.
- Chánh ngữ: Chánh ngữ nương với ý nghiệp thanh tịnh trong chánh tư duy mà tu khẩu nghiệp thanh tịnh, không phát ra những lời nói sai lầm, đó là Chánh ngữ.
- Chánh nghiệp: Chánh nghiệp là nương theo ý nghiệp, thanh tịnh mà tu thân nghiệp thanh tịnh, trừ diệttất cả các tà nghiệp.
- Chánh mạng: Chánh mạng là nương với ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp thanh tịnh mà sống theo Chánh pháp, xa rời các tà mạng.
Ba phần chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng lấy vô lậu thế giới làm thể.
- Chánh tinh tấn: Chánh tinh tấn là cố gắng tu trì theo chánh pháp, diệt trừ những kiến hoặc nhỏ nhiệm trong ba cõi.
- Chánh niệm: Chánh niệm là nương với vô lậu tuệ, luôn luôn nhớ nghĩ đạo lý vô ngã, diệt trừ những kiến chấp sai lầm.
- Chánh định: Chánh định là thiền định thanh tịnh vô lậu, phát sinh vô ngã trí, giác ngộ sinh không chân như và chứng quả Tu-đà-hoàn.
7. Thất giác chi: Các vị Tu-đà-hoàn đã diệt trừ các kiến hoặc, diệt trừ phân biệt ngã chấp, vào đượcthánh vị, nhưng còn có những tư hoặc dây dưa trong tiềm thức, gây trở ngại cho sự giác ngộ hoàn toàn.
Vì vậy, các vị phải nương với vô ngã trí, dùng sinh không quán để diệt trừ các tư hoặc trong chín địa.
Thất giác chi cũng có tên trong thất giác phần, thất đẳng giác chi, hoặc thất Bồ-đề phần, gồm có:
- Trạch pháp giác chi: Là dùng trí tuệ vô lậu, phân biệt chân ngụy.
- Tinh tấn giác chi: Là dũng mãnh dùng sinh không quán, mà trừ các tư hoặc, thực hành Chánh pháp.
- Hỷ giác chi: Là vui mừng được pháp giải thoát và tùy hỉ tất cả các thiện sự.
- Khinh an giác chi: Là sự khoan khoái yên lành do đã diệt trừ các kiến hoặc.
Sự khoan khoái yên lành này, diệt trừ được các tư hoặc nặng nề, nên cũng có tên là Trừ giác chi.
- Niệm giác chi: Là luôn luôn ở trong sinh không quán, làm cho định và tuệ cân nhau.
- Định giác chi: Là dùng sinh không quán, đối trị các tư hoặc, làm cho tâm không tán loạn.
- Hành xã giác chi: Là dùng sinh không quán, phóng xả hết tất cả các pháp thế gian, không giữ một bóng dáng gì trong tâm, làm cho tâm luôn luôn được thanh tịnh sáng suốt.
Các vị Tu-đà-hoàn, nương với sinh không quán, dùng các giác chi mà đối trị các tư hoặc.
Khi diệt được sáu phẩm trước của tư hoặc Dục giới, thì chứng quả Tư-đà-hàm.
Khi diệt hết 9 phẩm tư hoặc Dục giới, thì chứng quả A-na-hàm, không trở lại Dục giới nữa.
Khi diệt trừ hết các tư hoặc của Dục giới, Tứ thiền và Tứ không thì chứng quả A-la-hán hoàn toàn giải thoát ra khỏi ba cõi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét