Ý Trinh đọc về tinh yếu của giới luật mà Đức Phật đã có dẫn dụ rõ trong Cương Yếu giới luật thọ pháp phật đã ghi chép về thân phận Huỳnh Môn đã từng tồn tại và giáo huấn về những nghiệp thân Huỳnh Môn, giúp cho người Huỳnh Môn từ bỏ ,cải huấn thân nghiệp trên con đường giác ngộ và học truyền thụ phật pháp. Ý Trinh tự thấy mình cũng là một nhân tố của nghiệp Huỳnh Môn nên khi nghe giáo Pháp của Đức Phật nói trong kinh sách, Ý Trinh đã thức tỉnh và hiểu rõ những căn cơ, lý khế đó mà ban nói lại cho những anh chị em cùng cảnh ngộ thấy rõ cơ chế đó mà mình nguyện sanh về cõi Cực Lạc đều có thể tự tại tu học, Từ xưa Đức Phật đã có đề cập về những người Huỳnh Môn, chính là những hình thức con người ngày nay là những người Đồng Tính Luyến Ái, do đó chúng ta đã được Đức Phật giáo huấn trên con đường tu học, chứ không phân biệt đối xử hay chê trách. Tất cả những nghiệp hạnh của con người thọ lấy đều có nguyên nhân sâu xa, Nếu ai vô tình cười cợt, trêu đùa, chê trách, phỉ báng , thì đều sa vào vòng luân hồi phải tự chính mình chuốc lấy y như những hành thức mà mình đã lỡ tuôn ra, muốn thoát khỏi bánh xe luân hồi ấy thì chỉ tự mình nhận ra và phải tự giải thoát chính mình chứ không ai cứu cả.
Từ đó tất cả các hình thái, nhân tố từng cá thể trong vũ trụ đều có thể cải tà qui chánh để học lấy giáo pháp chân chính của Đức Phật truyền dạy, khi biết nguyên nhân gây nên những nghiệp cảnh và thọ lấy thì chúng sanh phải biết buông bỏ để bước đi trên con đường tiến hoá.
Huỳn Môn là gì : là từ cổ để chỉ những người khó phân biệt giới tính, là người Nam nhưng có những cử chỉ, hành động như người Nữ ( Người Đồng Tính Nam), hoặc là người Nam nhưng có sở thích trong tư tưởng ,có lối hành dâm chỉ với Nam, thích được giao hợp với Nam - Nam ( Gay Top), hoặc tự cho mình là Nữ và muốn người Nam yêu thương, và sinh hoạt tình dục đồng tính ( Gay Bottom) , hoặc như cuôc sống hiện đại ngày nay là những dạng người Bi-sexual ( Người vừa thích tình dục với Nam và cũng thích tình dục với Nữ), hoặc là người thọ sinh là Nam, nhưng tất cả hành động sinh hoạt ăn mặc, trang điểm, mong muốn có tình yêu như người Nữ chỉ muốn yêu Đàn Ông, hoặc tranh giành tình yêu của Đàn Ông với Phụ Nữ (vì nghĩ rằng mình là nữ cần giành giật tình yêu hay làm kẻ thứ 3 trong tình yêu với Nam), các vùng miền còn gọi là ( Đồng Cô, Pê Đê, Bóng lại cái), những ý nghĩa của Huỳnh Môn được cắt nghĩa như trên, ngoài ra cũng đề cập đến những giới tính ngày nay mà xã hội đương đại đều tồn tại đó là những từ ngữ như : LGBT là tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới (Transgender).
Huỳnh Môn từ trong giới luật của Phật giáo đã đề cập là : có những hành động được cho là không trong sạch, ghi chép rằng, từ những hành động này mà phạm bất tính hạnh nên sẽ khó Tu đạo, trừ khi từ bỏ hoàn toàn giới thức ấy, để gạn lọc từ trong tâm (Tâm hoàn toàn trong sạch tinh khiết như Hoa Sen), thức, nghiệp mới lĩnh hội được giáo pháp của Đức Phật truyền dạy.
Phật pháp đều nhìn thấu những hành vi và hành động của tất cả muôn loài, Phật pháp không phân biệt những tầng lớp, loài, hạng của muôn loài trong vũ trụ, nhưng để bước vào thế giới Tịnh Lưu Ly trong sạch thì tất cả phải tuân theo những giới luật mà Phật đã ban hành, để từ đó không còn chấp vào bất kì nghiệp cảnh nào, bước lên đường giải thoát để mong cầu trở về cảnh giới Chính đẳng chính giác.
Những gì là hành bất tính của Huỳnh Môn
Những người có hướng tâm dâm đến nơi :
- Đường Miệng ( Oral Sex - quan hệ tình dục bằng đường miệng)
- Đường Tiểu Tiện (Sex - quan hệ tình dục bằng cơ quan sinh dục )
- Đường Đại Tiện (Anal Sex - quan hệ tình dục bằng đường hậu môn)
Những lối hành dâm ấy vừa tưởng đến thì phạm, không tưởng thì không phạm. Người muốn không phạm thì phải biết chế ngự những tâm thức, giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách , thì không phạm.
( Trên đây là sự ghi chép lại ,Ý Trinh tham khảo theo lịch sử của kinh sách đã ban hành, và Ý Trinh giải nghĩa theo cách nói của xã hội hiện giờ để các anh chị em cùng thân phận được dễ hiểu và thấu đáo hơn , Ý Trinh cảm ơn vì đã đọc bài viết )
Nội dung bài viết trích từ quyển sách :
KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI GIẢNG LƯỢC
Trích dẫn phần dẫn nói về giới Huỳnh Môn :
Kinh Phạm Võng Bồ-tát giới giảng lược
Kinh Phạm Võng Bồ-tát giới giảng lược
- Giới Thanh Văn là giới tiệm thứ, tức là theo thứ lớp, từ giới từ giới mà thọ; như người nam thọ 5 giới, rồi thọ 10 giới, sau nữa là thọ 250 giới.
- Giới Bồ Tát là đốn lập giới, tức là trước kia chưa có thọ giới nào cũng được thọ giới Bồ Tát. Trong kinh Phạm Võng nói: "Chư thiên, thái giám, ma, quỷ, thần,... đều được thọ giới, nếu nghe được tiếng của Pháp sư".
- Giới Thanh Văn: Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa, Tỳ Kheo Ni, phải có hình tướng rõ ràng; nam là nam, nữ là nữ, chứ không được nửa nam nửa nữ; nam không thành nam, nữ không thành nữ; như Thái Giám bị cắt mất nam căn, hay súc sanh, ma quỷ, tuy biến thành người cũng không được thọ.
- Giới Thanh Văn là chỉ trì, tức là không làm là trì. Giới Bồ Tát có cái không làm là trì, có cái không làm là phạm. Giới Thanh Văn thân làm thì phạm, còn giới Bồ Tát có khởi niệm mới phạm, gọi là Tâm Địa giới. Giới Thanh Văn làm lợi mình, giới Bồ Tát làm lợi người.
- Nếu không cho người chưa thọ giới Bồ Tát nghe những giới điều này thì sai lầm. Vì tất cả quỷ, thần, huỳnh môn, tôi tớ... đều được nghe và thọ, huống chi là loài người. Giới Thanh Văn khi thọ giới rồi mới cho biết giới điều, còn giới Bồ Tát phải giải thích cho biết trước, nếu đồng ý thì thọ giới; giới Thanh Văn phải thọ, khỏi cần giải thích giới điều trước.
- -Phạm 10 điều trọng gọi là phạm Ba la di; Ba la di là cực ác, tức là tội cấp thứ nhất, theo Thanh Văn là tội tử hình thì Tỳ Kheo đó phải mất Tỳ Kheo; Tỳ Kheo Ni phạm Ba la di là mất Tỳ Kheo ni, tức kiếp này không còn, muốn thọ lại, phải đợi kiếp sau. Theo pháp Tỳ Kheo hoàn tục, rồi xuất gia lại được 7 lần; còn Tỳ Kheo Ni hoàn tục, rồi không được xuất gia lại.
- -Nếu giết người thì giới Thanh Văn phạm giới Ba la di, còn giết súc sanh thì có thể phạm giới cấp 3 hay cấp 4. Tội giết người của giới Thanh Văn phải đủ 4 nhân duyên:
1/ Là đúng người.
2/ Nó không phải người cho nó là người.
3/ Có cố ý giết.
4/ Giết đã chết.
- -Tội trộm cắp cũng có đủ 5 nhân duyên, mới thành tội Ba la di, 5 nhân duyên đó là:
1/ Vật có chủ.
2/ Tưởng là có chủ.
3/ Giá trị của vật phải 5 chỉ (thời kỳ Phật, nếu trộm vật có giá trị 5 chỉ vàng thì bị tử hình theo luật nhà nước Ấn Độ, vật đó giá trị dưới 5 chỉ thì tội giảm bớt. Bây giờ lại khác, tội trộm cắp không bị tử hình).
4/ Có ý muốn trộm cắp.
5/ Lấy vật rời khỏi chỗ.
- Đủ 5 nhân duyên này thành tội Ba la di, nếu không đủ 5 nhân duyên thì không thành tội.
- -Tội dâm dục cũng phải có đủ 4 nhân duyên thành tội Ba la di, 4 nhân duyên đó là:
1/ Có tâm dâm dục.
2/ Có hoàn cảnh đầy đủ.
3/ Nhập đạo (nam căn và nữ căn giao hợp).
4/ Thọ vui sướng.
- Nếu thiếu 1 trong 4 nhân duyên này thì không thành tội Ba la di.
- -Vọng ngữ gồm có: Đại vọng ngữ và tiểu vọng ngữ.
- Đại vọng ngữ là chưa chứng mà nói đã chứng, chưa có minh mà nói đã minh, cũng có 6 nhân duyên mới thành tội Ba la di, 6 nhân duyên đó là:
1/ Thật không biết gì cả.
2/ Nói chứng quả rồi.
3/ Cố ý vọng ngữ.
4/ Cố ý gạt người.
5/ Mình cho nó là người.
6/ Người đó nghe phải hiểu.
*Tiểu vọng ngữ là vọng ngữ thường, cấp thứ 4, như chuyện có nói không, chuyện không nói có.
-Tỳ Kheo phạm tội Ba la di thì không cho sám hối. Nếu có chỗ cho sám hối thì phải săn sóc phụng sự 20 vị Tỳ Kheo thanh tịnh trong nửa tháng. Trong 20 vị Tỳ Kheo này, đều hoan hỷ thì cho đồng ý xuất tội; nếu 1 trong 20 vị Tỳ Kheo này không đồng ý thì không được xuất tội. Xuất tội là xuất tội địa ngục, chứ tướng Tỳ Kheo phải mất, địa ngục của tội Ba la di là 921 ức năm.
-Tỳ Kheo Ni phạm Ba la di cho sám hối, phải phụng sự săn sóc 20 Tỳ Kheo thanh tịnh và 20 Tỳ Kheo Ni thanh tịnh trong nửa tháng. Nếu 1 người trong 40 người này không đồng ý, thì không được sám hối xuất tội. Đây là giới luật Thanh Văn.
10 GIỚI TRỌNG
Chánh văn:
Đức Phật bảo các Phật tử rằng: Có 10 giới trọng, nếu người thọ giới Bồ Tát mà không tụng điều giới này, thời người ấy không phải Bồ Tát, không phải là Phật tử, chính ta cũng tụng như vậy.
Tất cả Bồ Tát đã học, sẽ học và đương học! Đã lược giảng xong tướng trạng của giới Bồ Tát cần nên học, hết lòng kính trọng phụng trì.
Đức Phật dạy:
1- GIỚI SÁT SANH
Nếu Phật tử, hoặc tự mình giết, bảo người giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết: Nhơn giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết.
Phàm tất cả loài hữu tình có mạng sống đều không được cố ý giết. Là Phật tử, lẽ ra luôn luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng sanh, mà trái lại tự phóng tâm nỡ lòng sát sanh, Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
Giảng giải:
Phật nói: Phật tử tự giết tức là tự tử, cũng như giết người. Tự mình giết, dạy người giết, dùng các phương tiện giết, thấy người ta giết mình tán thán, dùng thần chú để giết, tạo nhân để giết, tạo trợ duyên để giết, nghĩ ra cách giết, hay chỉ nổi tâm tạo nghiệp giết người. Cho đến tất cả chúng sanh có thân mạng đều không được cố ý giết.
Theo giới Bồ Tát là hành đạo Bồ Tát cứu độ tất cả chúng sanh. Hai chữ "Bồ Tát" là tiếng phạn, dịch ra là giác hữu tình, tức là cứu độ chúng sanh, cũng là tâm từ bi. Tôi thường nói "tâm giác ngộ là bồ đề tâm, độ chúng sanh là từ bi tâm". Từ bi tâm và bồ đề tâm là không phải hai thứ; bồ đề tâm lên 50 độ thì từ bi tâm cũng lên 50 độ, bồ đề tâm lên 100 độ thì từ bi tâm cũng lên 100 độ.
Giải thích thì thấy có hai thứ, nhưng kỳ thật không phải hai thứ. Nói đến thể dụng, bồ đề tâm là thể, từ bi tâm là dụng. Có từ bi tâm mới gọi là Bồ Tát cứu độ chúng sanh.
Nhưng hai chữ "từbi" khác xa với hai chữ "Bác ái"của ngoại đạo.
"Bác ái" của ngoại đạo là chấp ngã, trước hết phải có ta, như việc bố thí là của ta, rồi có ta thương xót rộng khắp đại chúng, gọi là bác ái.
"Từ" là Vô duyên từ, tức là không có đối đãi, không có ta, không có người; không có ta làm từ bi cho ngươi, không có ngươi lãnh thọ từ bi của ta. Nếu có của ta của ngươi thì không phải từ bi.
"Bi" là đồng thể bi, tức là thể của ngươi cũng là thể ta; cái khổ của ngươi tức cái khổ của ta là cùng một thể. Cho nên, không có đối đãi mới là từ bi.
Từ bi không có sự chấp ngã, còn bác ái thì có chấp ngã, nên cách xa như trời với đất vậy. Chấp ngã không được giải thoát luân hồi sanh tử, còn phá chấp ngã thì được giải thoát luân hồi sanh tử.
Mình đã thọ giới Bồ Tát thì phải hành đạo Bồ Tát luôn có tâm từ bi, không có ngã để độ chúng sanh. Từ là ban vui cho chúng sanh, bi là cứu cái khổ cho chúng sanh.
Tâm hiếu thuận là luôn luôn không có ngã tướng, theo thế gian gian hiểu nghĩa 'hiếu thuận' lại khác, không được rộng khắp; còn hiếu thuận của Bồ Tát thì nghĩa rộng vô cùng, không có hạn chế. Trong Phật pháp có nói: "Tứ ân là ân Phật, ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân chúng sanh". Trong giới Bồ Tát nói "mình phải hiếu thuận báo đáp 4 ân này".
Kỳ thật, chỉ báo ân chúng sanh là báo ân luôn cả 3 ân kia, luôn luôn hiếu thuận cho tất cả chúng sanh, chứ không phải báo ân hiện tại cha mẹ của mình. Người thế gian chỉ có báo ân cha mẹ riêng của mình hay sư trưởng của mình.
Cho nên, mình phải nghĩ cách cứu độ chúng sanh, không những không cứu giúp chúng sanh, mà lại giết hại chúng sanh thì Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
2- GIỚI TRỘM CƯỚP
Chánh văn:
Nếu Phật tử tự mình trộm cướp, bảo người trộm cướp, phương tiện trộm cướp, nhẫn đến dùng bùa chú trộm cướp, nhân trộm cướp, duyên trộm cướp, cách thức trộm cướp, nghiệp trộm cướp. Tất cả tài vật có chủ, dầu là của quỷ thần hay của giặc cướp, nhẫn đến một cây kim, một ngọn cỏ đều không đặng trộm cướp.
Là Phật tử lẽ ra luôn luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, thường giúp cho mọi người được phước, được vui, mà trái lại trộm tài vật của người. Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
Giảng giải:
Điều thứ 2 là trộm cướp, tại sao Phật tử tự trộm cướp? Tự mình nghĩ đem món đồ của mình cho người khác, nhưng sau nghĩ lại không cho, nên phạm tội trộm cướp. Vì giới Bồ Tát là giới Tâm địa, giới Thanh Văn thì không phạm; giới Bồ Tát có khởi tâm là phạm, đây gọi là tự trộm cướp.
Hay tự mình lấy đồ của người, cũng gọi là tự trộm cướp; làm phương tiện cho người trộm cướp, niệm thần chú khiến cho người trộm cướp; làm trợ duyên để cho người trộm cướp, nghĩ ra cách rồi chỉ cho người trộm cướp. Tất cả khi có nổi tâm tức là có nghiệp.
Ở đây nói "cho đến của quỷ thần, của có chủ một cây kim một cọng cỏ, không được cố ý ăn cướp". Điều giới Bồ Tát thường có chữ "cố ý", cố ý mới thành tội. Nếu không cố ý ăn cướp thì không thành tội, như đồ trong nhà của mình đã dùng quen, lấy dùng cũng không thành tội, hay đồ của bạn thân dùng qua dùng lại cũng không phạm, chứ không phải mỗi cái mà phạm. Nếu đồ của cha mẹ mình cất kín không cho mình biết, mà cố ý lấy thì phạm tội trộm cướp.
Mình hành đạo Bồ Tát là hiếu thuận tứ ân, trong đó từ chúng sanh đến chư Phật; hành đạo không nên có ngã, chỉ giúp cho chúng sanh được phước an vui thoát khổ. Trái lại, không làm như vậy mà trộm cướp tài vật của người khác, làm cho người buồn rầu đau khổ; Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
3- GIỚI DÂM
Chánh văn:
Nếu Phật tử tự mình dâm dục, bảo người dâm dục, với tất cả phụ nữ, các loài cái, loài mái, cho đến thiên nữ, quỷ nữ, thần nữ cùng phi đạo mà hành dâm dục. Là Phật tử đối với tất cả không được cố dâm dục.
Lẽ ra phải có lòng hiếu thuận cứu độ tất cả chúng sanh, đem pháp thanh tịnh dạy người, mà trái lại không có tâm từ bi, làm mọi người sanh việc dâm dục, không lựa súc sanh, cho đến hành dâm với mẹ, con, chị, em trong lục thân; Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
Giảng giải:
"Nếu Phật tử tự dâm", tự dâm này, nam và nữ tự có. Người nam có thủ dâm, người nữ có thủ dâm nhưng ít hơn, hay lấy dụng cụ để làm dâm cho xuất tinh. Dạy người dâm, người nam đến với người nữ, hay người nữ đến với người nam, làm trợ duyên cho người dâm dục, nghĩ phương cách cho người thực hành, hay là nổi tâm dâm dục thì thành cái nghiệp dâm dục.
Không phải đối với người thôi, mà đối với súc sanh quỷ thần cũng vậy, cùng với phi đạo (phi đạo là không phải nam căn, chẳng phải nữ căn), hành độmg nơi nào ở trên thân đều là phạm dâm.
Theo hạnh Bồ Tát, tâm hiếu thuận cứu độ chúng sanh thì phải bố thí sự thanh tịnh cho người. Việc dâm dục là việc bất tịnh. Những điều sám hối có câu: "phá phạm hạnh người khác", chữ phạm là thanh tịnh. Giới luật nói "phá phạm hạnh" là phá giới lần thứ nhất, như Tỳ kheo cùng với người nữ dâm dục lần thứ nhất, tức là phá phạm hạnh. Nếu phạm giới dâm lần thứ nhì, lần thứ ba,...thì không phải là phá phạm hạnh, vì trước khi lần thứ hai lần thứ ba thì không còn thanh tịnh.
Phật tử thọ giới luôn giữ thanh tịnh cho người, mà trở lại phá phạm hạnh của người, làm cho người không được thanh tịnh, bất cứ là người, hay là súc sanh, mẹ, chị, em ở trong lục thân, nếu phạm dâm dục thì tội càng nặng thêm.
Khi bắt đầu thọ giới, lúc hỏi giá nạn, nếu có phạm giới dâm trong lục thân thì không cho người ấy thọ giới. Cho nên, phạm giới dâm là không có từ bi, Phật tử ấy phạm giới Ba la di của Bồ Tát.
4- GIỚI VỌNG
Chánh văn:
Nếu Phật tử, mình nói vọng ngữ, bảo người vọng ngữ, phương tiện vọng ngữ, cách thức vọng ngữ, nghiệp vọng ngữ. Nhẫn đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, hoặc thân vọng ngữ, tâm vọng ngữ. Là Phật tử, lẽ ra luôn luôn phải chánh ngữ, chánh kiến, và cũng làm cho tất cả chúng sanh có chánh ngữ, chánh kiến, mà trái lại làm cho mọi người tà ngữ, tà kiến, tà nghiệp, Phật tử này phạm "Bồ tát Ba la di tội".
Giảng giải:
Vọng ngữ gồm có 4 thứ: Vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt.
-Vọng ngôn: Là có nói không, không nói có, nói dối gạt người.
-Ỷ ngữ: Là nói những lời nói có liên quan dâm dục của nam nữ, hay nói những lời hoa nguyệt.
-Ác khẩu: Chửi mắng người hay nói lời độc ác.
-Lưỡng thiệt: Nói lưỡi 2 chiều, đem chuyện người này nói với người kia, đem chuyện người kia nói với người này.
Tự mình vọng ngữ hay dạy người vọng ngữ. Giới Thanh văn có tiểu vọng ngữ và đại vọng ngữ, trong này bao gồm hết. Đại vọng ngữ và tiểu vọng ngữ đều ở trong 10 điều trọng. Vì hạnh Bồ Tát phải lợi tha, muốn lợi tha thì tự mình phải gương mẫu cho người, nếu mình vọng ngữ làm sao độ người không vọng ngữ được!
Cho nên, đại vọng ngữ và tiểu vọng ngữ đều không được. Tự vọng ngữ hay dạy người vọng ngữ, dạy người có phương tiện vọng ngữ, tạo cái nhân để cho người vọng ngữ, làm cái duyên giúp cho người vọng ngữ, hay là nghĩ cách gì để cho người vọng ngữ để gạt người, có nổi tâm vọng ngữ thành cái nghiệp vọng ngữ.
Theo hạnh Bồ Tát phải chánh ngữ, nói năng phải đàng hoàng, đúng đắn, có chánh kiến. Chánh kiến đối với tà kiến, trong Phật pháp phải có chánh kiến. Đại thừa phải phá ngã chấp, giới Bồ Tát là tập cho mình phá ngã chấp mới được giải thoát.
Có lòng từ bi độ chúng sanh thì không có ngã, không được nghĩ là ta độ chúng sanh và có chúng sanh của ta được độ. Nếu thấy có chúng sanh để độ thì có ngã chấp, nên không được, như thế là chánh kiến; nếu còn có ngã chấp không gọi là chánh kiến.
Mình có chánh ngữ chánh kiến làm cho chúng sanh có chánh ngữ chánh kiến. Vì chánh ngữ chánh kiến được giải thoát cái khổ sanh tử luân hồi, đạt đến tự do tự tại vĩnh viễn. Trái lại, mình không làm như thế mà dạy cho chúng sanh tà ngữ, tà kiến, vọng ngữ đủ thứ, làm tà nghiệp. Bồ Tát là muốn chúng sanh thoát khổ, lại tự mình làm khổ và chúng sanh thêm khổ, thì phạm tội Ba la di của Bồ Tát.
5- GIỚI BÁN RƯỢU
Chánh văn:
Nếu Phật tử, tự mình bán rượu, bảo người bán rượu: Nhân bán rượu, duyên bán rượu, cánh thức bán rượu nghiệp bán rượu, tất cả rượu không được bán, rượu là nhơn duyên sanh tội lỗi. Là Phật tử, lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sanh có trí huệ sáng suốt, mà trái lại đem sự mê say điên đảo cho tất cả chúng sanh, Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
Giảng giải:
Ngũ giới của giới Thanh văn, uống rượu thì phạm, còn bán rượu không phạm, vì không cho uống rượu. Giới Bồ Tát uống rượu là tội nhẹ, vì giới Bồ Tát là lợi tha, uống rượu chỉ hại tự mình chứ không hại đến người. Đáng lẽ, mình phải làm gương mẫu không uống rượu, mà dạy người ống rượu vậy làm sao được! Và bán rượu là hại người bị tội nặng.
Tự mình bán hay dạy người bán, làm cái nhân giúp cho người bán, hoặc làm trợ duyên giúp cho người bán; như không có chỗ, mình giúp cho người có chỗ để bán; không có vốn lại giúp vốn, đó là trợ duyên; hay là nghĩ cách bán làm sao cho đắc, nỗi tâm bán rượu để kiếm tiền cho nhiều cũng là tạo nghiệp bán rượu.
Tất cả rượu mình không được bán. Đáng lẽ, rượu không có tội, vì uống rượu làm say; nên phạm vào những tội: "sát, đạo, dâm, vọng". Vì vậy, rượu làm cái nhân để người phạm tội nặng. Theo hạnh Bồ Tát là muốn cho chúng sanh được trí huệ sáng suốt, còn bán rượu cho người uống làm say mê thêm thì phạm giới cực ác của Bồ Tát.
6- GIỚI RAO LỖI CỦA TỨ CHÚNG
Chánh văn:
Nếu Phật tử, tự miệng rao nói tội lỗi của Bồ Tát xuất gia và Bồ Tát tại gia, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, hoặc bảo rao nói những tội lỗi ấy: Nhân rao nói tội lỗi, duyên rao nói tội lỗi, cách thức rao nói tội lỗi, nghiệp rao nói tội lỗi. Là Phật tử, khi nghe những lời ác, ngoại đạo cùng người Nhị thừa nói những điều phi pháp, trái luật trong Phật pháp, thời phải luôn luôn có lòng từ bi giáo hóa những kẻ ác ấy cho họ sanh tín tâm lành đối với Đại thừa, mà trái lại Phật tử tự mình rao nói tội lỗi trong Phật pháp. Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
Giảng giải:
Nếu Phật tử thọ giới Bồ Tát nói tội lỗi của tứ chúng: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di; hoặc là dạy người khác nói, hay làm cái nhân cho người nói, làm trợ duyên cho người nói, nghĩ cách sắp đặt cho người nói, nếu có nổi tâm muốn nói thành cái nghiệp. Nói lỗi này là cố ý muốn phỉ báng.
Trong giới luật, ngày bố tát người nữ có thể chứng tỏ Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni phạm giới gì, việc ấy không phải phỉ báng, mà muốn bảo vệ luật. Bây giờ, nói giới và luật không có phân biệt; đáng lẽ giới là giới, luật là luật.
Giới là giúp ích cho cá nhân, còn luật là giúp ích cho đoàn thể. Thí dụ giới là bảo hiểm cho cá nhân, còn luật là bảo hiểm cho đoàn thể; mà luật là bảo hiểm cái giới, nếu không có luật thì giới ấy không thi hành được. Hiện nay chỉ có giới, chứ không có luật; nên người Trụ trì phạm tội Ba la di không có ai can thiệp.
Theo giới luật thì phải có Tăng đoàn, nửa tháng để Bố tát. Bố tát không phải chỉ tụng giới, mà làm việc, thọ giới,... cũng ở trong Bố tát. Trước khi Bố tát phải kiểm thảo, Chủ sự nói với đại chúng "ai có lỗi phải ra trước đại chúng phát lồ sám hối". Nếu tự mình không nói ra, mà người khác biết phải nói ra trong chúng cử tội. Nếu biết không cử tội cũng phạm giới, tức là phú tàng (ngăn che).
Tỳ Kheo Ni ngăn che tội Ba la di của bạn mình thì Tỳ Kheo Ni ấy cũng phạm Ba la di.
Nếu có người nữ được mọi người tin tưởng, đến báo với Tăng đoàn rằng: Tôi đã thấy một Tỳ Kheo phạm tội gì đó... có thể phạm Ba la di, có thể phạm tội cấp 2, cấp 3,... người nữ ấy không có lỗi với tứ chúng mà lại có công. Bởi vì giúp cho luật bảo vệ giới được tốt.
Nếu nói lỗi của tứ chúng, mục đích để phỉ báng mới phạm tội. Còn mình đã biết người kia phạm tội, rồi nhắc nhở người kia không nên phạm nữa, thì mình không phạm tội nói lỗi của tứ chúng. Vì đó là thiện ý chứ không phải ác ý, không phải nói lỗi là phạm giới.
Đệ tử của Phật nghe kẻ ngoại đạo và Nhị thừa phỉ báng Đại thừa còn không được, huống chi mình hành đạo Bồ Tát lại hủy báng nói lỗi của tứ chúng; vậy làm sao giáo hóa chúng sanh? Vì trách nhiệm của Bồ Tát là giáo hóa chúng sanh, làm cho chúng sanh giác ngộ được tự do tự tại. Nếu nói tội lỗi của tứ chúng thì phạm tội ba la di của Bồ Tát.
7- GIỚI KHEN MÌNH CHÊ NGƯỜI
Chánh văn:
Nếu Phật tử tự khen mình chê người, cũng bảo người khác khen ngợi mình chê người: Nhân chê người, duyên chê người, cách thức chê người, nghiệp chê người. Là Phật tử, lẽ phải thay thế những sự khinh chê khổ nhục cho tất cả chúng sanh, mình nhận lấy việc xấu, nhường cho người việc tốt. Nếu Phật tử tự phô dương tài đức của mình mà dìm che điều hay tốt của người, làm cho người bị khinh chê; Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
Giảng giải:
Giới Bồ Tát là lợi tha, chính mình phải phá ngã chấp; nếu tự khen mình chê người là tăng thêm ngã chấp. Lợi tha là muốn chúng sanh giải thoát, nếu tự mình có ngã chấp thì không được giải thoát, làm sao độ chúng sanh được giải thoát?
Làm hạnh Bồ Tát thì mình phải hy sinh để độ chúng sanh, tức là thay cho chúng sanh chịu những điều cực khổ, việc tốt nhường cho người, việc xấu mình chịu. Nhưng trái lại, nếu làm nhân, làm duyên, hay làm phương cách... như trên đã nói, khen mình chê người, lại tăng thêm ngã chấp, nghịch với hạnh Bồ Tát thì thành tội Ba la di.
8- GIỚI BỎN SẺN THÊM MẮNG ĐUỔI
Chánh văn:
Nếu Phật tử, tự mình bỏn sẻn, bảo người bỏn sẻn: Nhân bỏn sẻn, duyên bỏn sẻn, cách thức bỏn sẻn, nghiệp bỏn sẻn. Phật tử khi thấy những người bần cùng đến cầu xin, phải cấp cho theo chỗ cần dùng của họ; mà Phật tử lại đem lòng giận ghét, cho đến không cho một mảy, có người cầu học giáo pháp, cũng chẳng nói một kệ một câu, lại còn xua đuổi quở mắng. Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
Giảng giải:
Trong này gồm có 2 thứ: Bỏn sẻn Tài hay bỏn sẻn Pháp đều là phạm tội.
Bồ Tát phải phá ngã chấp, rồi giáo hóa chúng sanh được phá ngã chấp. Bồ Tát có Lục Độ và Tứ Nhiếp Pháp, trong này đều có điều thứ nhất là Bố thí: Bố thí tài và bố thí pháp.
Thấy người nghèo đến xin, mà mình bỏn sẻn không cho, lại sanh tâm sân ghét, đuổi người ta đi thì phạm điều này, hay người ta đến cầu pháp cũng như vậy. Bố thí pháp thì công đức lớn hơn bố thí tài pháp rất nhiều, bỏn sẻn pháp nên tội cũng lớn.
Nếu hành đạo Bồ Tát, người ta xin thứ gì đều cho theo tinh thần vô ngã. Nhưng bây giờ mình thọ giới Bồ Tát là đang học hạnh Bồ Tát, có sức tới đâu thì làm tới đó; như người ta xin tiền thì tùy theo sức mình mà cho, đừng để người xin về tay không; hay mình không có cái gì để cho thì phải phát tâm tùy hỷ, nên không có phạm giới. Nếu mình không cho mà lại mắng đuổi người ta, thì phạm điều giới Ba la di này.
9- GIỚI GIẬN HỜN KHÔNG NGUÔI
Chánh văn:
Nếu Phật tử, tự mình giận, bảo người giận: Nhân giận, duyên giận, cách thức giận, nghiệp giận. Người Phật tử lẽ ra làm cho tất cả chúng sanh được những căn lành không gây gỗ; thường có lòng từ bi, lòng hiếu thuận.
Mà trái lại, đối với trong tất cả chúng sanh, cho đến trong loài phi chúng sanh, đem lời ác mạ nhục, còn thêm dùng tay, chân, dao, gậy để đánh đập mà vẫn chưa hả dạ, cho đến nạn nhân kia lấy lời xin lỗi, cầu sám hối tạ tội, nhưng vẫn không hết giận; Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
Giảng giải:
Nói đến Phật pháp, luôn luôn phải phá ngã chấp; nhất là giới Bồ Tát chuyên phá ngã chấp, nếu mình nổi sân thì đã có ngã chấp. Tất cả chúng sanh đều phá ngã chấp, thì không có việc tranh luận để đưa đến sân hận đấu tranh. Nếu có nổi tâm sân hận, phải biết lỗi của mình để sám hối. Đã có lỗi sân, mà mình không chịu nghe người ta khuyên, để sám hối thì phạm tội này.
Tâm từ bi và tâm hiếu thuận đều phá ngã chấp, tức là phụng sự cho tất cả chúng sanh; mình đã không phụng sự cho tất cả chúng sanh, lại nổi tâm hờn giận chúng sanh, còn có thêm ác khẩu chửi mắng, đánh đập,... người ta cầu xin lỗi, lại mình không cho xin lỗi, mình cứ giận hờn không nguôi thì phạm giới Ba la di này.
10- GIỚI HỦY BÁNG TAM BẢO
Chánh văn:
Nếu Phật tử, tự mình hủy báng Tam bảo, xúi người hủy báng Tam bảo: Nhân hủy báng, duyên hủy báng, cách thức hủy báng, nghiệp hủy báng. Phật tử nghe một lời hủy báng Tam bảo của ngoại đạo và kẻ ác, còn đau lòng như ba trăm cây nhọn đâm vào tim mình, huống là tự mình hủy báng! Không có đức tin và lòng hiếu thuận đối với Tam bảo, lại còn giúp sức cho kẻ ác, kẻ tà kiến hủy báng nữa; Phật tử này phạm "Bồ Tát Ba la di tội".
Giảng giải:
Tam bảo gồm hai thứ: Thường trụ Tam bảo và Tự tánh Tam bảo.
-Người quy Tam bảo gọi là quy y thường trụ Tam bảo, theo sự giáo hóa của Thường trụ Tam bảo, rồi thực hành theo để ngộ Tự tánh Tam bảo, cũng gọi là ngộ Tự tánh chính mình, giải thoát tất cả khổ, được tự do tự tại vĩnh viễn.
-Tại sao gọi là Thường trụ Tam bảo? Tam bảo gồm có: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.
Phật tiếng Ấn Độ là Phật Đà, dịch ra là giác giả (giác ngộ), trong đó gồm có: Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn; tức là mình giải thoát tự do tự tại, cũng giải thoát cho người được tự do tự tại, nên gọi là Giác hạnh viên mãn, nhưng bao gồm có quá khứ, hiện tại, vị lai. Bây giờ, mình quy y phải có hình tượng Phật để tượng trưng cho Phật bảo.
Mình muốn giác ngộ thì phải có phương pháp, pháp của Phật dạy gồm có 84.000 pháp môn, tùy theo căn cơ trình độ thích ứng của mọi chúng sanh, quy nạp có 4 pháp môn: "Tham thiền, Niệm Phật, Trì chú, Quán tưởng", đó là phương pháp tu hành gọi là Pháp bảo. Nhưng lấy gì để tượng trưng? Lấy Kinh của Phật để tượng trưng cho Pháp bảo.
Tăng tiếng Ấn Độ là Tăng Già dịch là hòa hợp chúng, tức là nhiều người thanh tịnh hòa hợp lại thành Tăng; theo quy định là 4 người trở lên mới thành Tăng, còn 3 người trở xuống không gọi là Tăng.
Hoàng Nhất luật sư nói: "Gần đây, mọi người chỉ quy y nhị bảo và giao thiệp với một Đại đức". Bởi vì, họ quy y rồi chỉ nhìn nhận một thầy của mình, chứ không nhìn nhận cả chúng Tăng là thầy của mình.
Tất cả Tăng chúng thay thế cho Tăng bảo, nhưng thầy của mình quy y đại diện cho Tăng bảo để chứng minh; người này đã quy y Tam bảo là đệ tử của Tam bảo, chứ không phải đệ tử riêng của một vị thầy.
Tăng ở trong Tam bảo cần nhất, nếu có Phật bảo, có Pháp bảo, mà không có Tăng bảo thì Phật pháp tiêu diệt. Như Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, nếu không có Tăng từ mỗi đời tiếp nối thì Phật pháp tiêu diệt từ lâu; có Tăng bảo mới có Phật bảo và Pháp bảo, nhưng bây giờ người ta không chú trọng Tăng bảo, ấy là sai lầm.
Trách nhiệm của Tăng, như Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, có trách nhiệm giáo hóa chúng sanh. Cho nên, giới luật có quy định: Tỳ kheo chưa đủ 10 tuổi hạ không được rời thầy, Tỳ Kheo Ni chưa đủ 12 tuổi hạ không được rời thầy.
Thầy Bổn sư có trách nhiệm dạy người đó, nếu không biết dạy người đó thì phải bị tội. Bởi vì, xuất gia rồi không biết gì để dạy chúng sanh, nên có thể phá hoại Tam bảo. Vậy làm sao đứng trong hàng ngũ Tăng bảo? Cho nên, quy định Tỳ Kheo phải biết giới Tỳ Kheo, giới Tỳ Kheo Ni và có Chánh ngữ Chánh kiến về Phật pháp.
Cái tệ bây giờ, có người xuất gia được nửa năm, một năm, rồi lạc quyên tiền xây chùa, tự mình làm Trụ trì; cũng có người chưa xuất gia, làm chùa xong, rồi mời thầy cạo đầu mình, làm lễ xuất gia và Trụ trì luôn. Việc ấy trái ngược giới luật, phá hoại Tam bảo.
Cho nên, nghĩa hủy báng Tam bảo rất rộng. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Hư tiêu Tín thí, lạm nhận cung kính là tội địa ngục". Nếu mình không chân thật tu hành, nhận sự cúng dường của Tín thí là hư tiêu Tín thí. Người ta cung kính mình, không phải vì mình cạo đầu, mặc áo cà sa; người ta cung kính Tam bảo là muốn sự giáo hóa của Tam bảo, cho mình và chúng sanh được giải thoát.
Phật pháp làm lợi ích cho chúng sanh được tu chánh pháp, đạt đến tự do tự tại vĩnh viễn giải thoát, ấy là mục đích của Tam bảo. Nếu mình không chân thật tu hành, tự độ mình chưa được, làm sao độ chúng sanh! Tức là hư tiêu Tín thí. Còn mình lạm dụng hình tướng Tăng để nhận sự cúng dường của người, đều phải bị đọa địa ngục, chưa nói đến việc phá giới.
Cho nên, giới hủy báng Tam bảo, không phải chỉ miệng nói hủy báng mà cái nghĩa nó rất rộng. Ở đây nói, nếu Bồ Tát nghe kẻ ngoại đạo và người ác dùng lời ác hủy báng Tam bảo, như 300 mũi giáo đâm chỉa vào tim mình. Trái lại, tự mình hủy báng Tam bảo thì mắc tội Ba la di của Bồ Tát.
Hiện nay, nhiều Phật tử không hiểu Phật pháp là do Tu sĩ không có trách nhiệm, vì lạm thu đệ tử xuất gia, đã tự mình không biết giới luật, không có Chánh kiến Phật pháp, lấy gì để dạy đệ tử? Cũng như ban đầu sữa nguyên chất, rồi sau pha thêm nước, sau nữa hoàn toàn là nước không có sữa.
Bây giờ, muốn khôi phục Phật giáo như xưa thì phải xây xựng Tăng bảo, mà hiện nay không có Tăng đoàn, tự mình làm chùa nhỏ để Trụ trì, có phạm Ba la di tội cũng không có ai can thiệp được. Nhưng người ta vẫn cung kính cúng dường, vậy Phật pháp làm sao khỏi bị tiêu diệt!
Nếu thường trụ Tam bảo bị hủy hoại thì không thể hy vọng ngộ nhập được Tự tánh Tam bảo. Nếu không ngộ nhập được Tự tánh Tam bảo thì không được giải thoát. Được người tôn xưng là Tăng bảo, người xuất gia chúng ta hãy tự kiểm điểm chính mình, có xứng đáng là Tăng bảo hay chưa?
Nếu có nhân duyên tổ chức thành Tăng đoàn, rồi Tăng đoàn tổ chức thành luật của Tăng đoàn mới bảo vệ được giới. Luật là bảo vệ giới, giới là bảo vệ mình; ở trong luật gồm có giới, mà giới không thể gồm có luật.
Hỏi:
Trước khi thọ giới Bồ Tát thì phải nghe giảng giới Bồ Tát. Tại sao khi tụng giới lại không cho người chưa thọ giới Bồ Tát nghe?
Đáp:
Phải cho nghe hết. Tụng giới Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni không cho nghe đối với người chưa thọ giới này. Còn giới Bồ Tát thì tất cả mọi người đều được nghe. Kinh Phạm Võng nói: "Tất cả ma, quỷ, huỳnh môn, súc sanh,... nghe được lời Pháp sư mà lãnh thọ", huống chi là người! Nếu thọ được thì phải được nghe.
Hỏi:
Ở trong Tăng vấn hòa có hỏi: "Trong đây có ai chưa thọ giới Bồ Tát và không thanh tịnh ra chưa? Trả lời: Trong đây chưa ai thọ giới Bồ Tát, hoặc đã ra rồi". Như vậy, chứng tỏ người chưa thọ giới Bồ Tát không được nghe giới Bồ Tát?
Đáp:
Đó là việc sai lầm, lúc bạch tứ Yết ma tức là tác pháp để làm việc. Lúc Yết ma có thể người không có quan hệ thì không cho nghe. Vì Yết ma có thể trị tội Tăng sĩ, tức là theo tội để phán tội Tăng sĩ; không cho những người có quan hệ, như cư sĩ để biết tội của Tăng sĩ do Tăng đoàn xử. Cho nên, mới hỏi những người không có quan hệ ra trước, chứ không phải tụng giới không cho nghe.
Bây giờ, cũng có nhiều cư sĩ thọ giới Bồ Tát xuất gia, thọ được thì nghe được, làm sao không được nghe? Giới Bồ Tát là đốn lập giới, tức là trước kia chưa thọ giới gì cũng được thọ.
Giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, nếu có trường hợp nào, cư sĩ cũng có thể nghe biết; chứ không phải nhất định là không cho cư sĩ nghe biết. Vì sợ cư sĩ biết chư Tăng phạm giới luật, nổi tâm khinh mạn Tam bảo nên cấm không cho nghe.
Còn giới Bồ Tát thì người xuất gia hay tại gia đều được nghe, làm sao không cho nghe? Thành ra mâu thuẫn, không cho nghe là pháp Yết ma, chứ tụng giới sao không cho nghe!
Người chưa thọ giới Bồ Tát đều được nghe giảng giới Bồ Tát. Giới Bồ Tát là phá ngã chấp, muốn giúp đỡ chúng sanh. Người nào có tâm là có tư cách thọ giới Bồ Tát, chứ không phải như giới Thanh Văn phải đúng người mới được thọ; không phải người, ma quỷ, súc sanh thì không được thọ.
Còn giới Bồ Tát, ma quỷ, súc sanh đều được thọ, mà trước kia chưa thọ giới gì; trước kia chưa quy y Tam bảo thì quy y Tam bảo thì thọ liền, vì thọ giới nào cũng có Tam quy hết. Cho nên, gọi là đốn lập giới, không phải tiệm thứ của giới Thanh Văn.
Tam tạng là Kinh, Luật, Luận; người thông suốt Kinh gọi là Kinh sư, người thông suốt Luật gọi là Luật sư, người thông suốt Luận gọi là Luận sư. Bây giờ, Tăng bảo thiếu Luật sư, ít có người phát tâm học luật. Theo Tăng đoàn, người nào thọ giới rồi thì phải sống trong Tăng đoàn. Khi Phật giáo sang Trung Quốc có sáng lập phái Luật tông. Muốn làm luật sư thì phải học giới luật.
Sau này, ít có người phát tâm học luật, mà người hoằng luật thì người ta ít kính trọng vì họ không thích. Các vị thuyết pháp, người nghe lại đông; còn giảng giới luật thì ít có người đến nghe.
Nhưng nếu không có luật thì không có pháp, Phật pháp bị tiêu diệt; vì khi Phật nhập Niết Bàn, trước đó có dặn dò đệ tử phải lấy giới luật là thầy; mà bây giờ không chú trọng đến luật, nên Phật pháp dần dần tiêu mất.
Hiện nay, chỉ có phần giới, không có phần luật. Theo Tăng đoàn có việc gì phải qua pháp Yết ma, pháp Yết ma là ở bên phần luật. Nếu Tỳ Kheo không biết giới luật Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni không biết giới luật của Tỳ Kheo Ni; vậy làm sao giữ giới? Vì người thầy lạm nhận đệ tử xuất gia không dạy đệ tử, nên thầy đó phải bị tội; cũng là phá hoại Phật pháp, hủy báng Tam bảo. Đó là phá hoại cái gốc, còn dùng miệng để hủy báng là hủy báng bên ngoài.
48 ĐIỀU GIỚI KHINH
Chánh văn:
Đức Phật bảo các vị Bồ Tát rằng: Đã giảng 10 giới trọng rồi, nay tôi sẽ nói 48 giới khinh:
1- GIỚI KHÔNG KÍNH THẦY BẠN
Nếu Phật tử, lúc sắp lãnh ngôi Quốc Vương, ngôi Chuyển Luân Vương hay sắp lãnh chức quan, trước nên thọ giới Bồ Tát. Như thế tất cả quỷ thần cứu hộ thân vua và thân các quan, chư Phật đều hoan hỷ.
Đã đắc giới rồi, Phật tử nên có lòng hiếu thuận và cung kính. Nếu thấy có bực Thượng tọa, Hòa thượng, A xà lê, những bậc Đại đức đồng học, đồng kiến, đồng hạnh đến nhà, phải đứng dậy tiếp rước lạy chào, hỏi thăm. Mỗi sự đều đúng như pháp mà cúng dường, hoặc tự bán thân quốc thành con cái, cùng bảy báu trăm vật để cung cấp các bực ấy. Nếu Phật tử sanh lòng kêu mạn, sân hận ngu si, không chịu tiếp rước lạy chào, cho đến không chịu y pháp mà cúng dường, Phật tử này phạm "khinh cấu tội".
Giảng giải:
Chuyển Luân Vương có 4 cấp:
-Kim Luân Vương cai trị hết 4 Đại bộ châu (1 tiểu thế giới có 4 đại bộ châu).
-Ngân Luân vương cai trị 3 Bộ châu.
-Đồng Luân Vương cai trị 2 Bộ châu.
-Thiên Luân vương cái trị 1 Bộ châu.
Chuyển Luân Vương là phi hành (biết bay), mắt của mình không thấy được.
Quốc Vương là vua của loài người trong một nước. Chuyển Luân vương là mình chỉ nghe thấy chứ không thấy.
Hai chữ "Bồ Tát" là tiếng Ấn Độ, nói cho đủ là "Bồ đề tát đỏa", dịch ra là Gác hữu tình, tức là Giác ngộ chúng sanh. Giác này gồm tự giác, giác ngộ chúng sanh là giác tha. Hành đạo Bồ Tát là làm cái nhân để thành Phật. Nếu làm cho chúng sanh được giác ngộ cũng là tăng phước đức của mình, giúp cho người được giác ngộ.
Cho nên, tất cả chúng sanh muốn thành Phật, đều phải hành đạo Bồ Tát. Chuyển Luân Vương, Quốc Vương, bá quan, kiếp trước đã gieo trồng thiện căn, nên được làm vua làm quan, học có sẵn phước đức, muốn thành Phật thì dễ hơn.
Tại sao muốn thành Phật? Vì thành Phật thì vĩnh viễn hết tất cả khổ, nếu không thành Phật thì cái khổ không thể dứt được. Vì vậy, ở đây nói "khi được ngôi vua hay ngôi quan, trước hết phải thọ giới Bồ Tát".
Bởi vì, người nào cũng muốn được tự do tự tại giải thoát cho mình và giải thoát cho người; hai cái tương nhân với nhau, mình tự giác rồi lại giác tha. Giác tha cũng giúp cho mình được giác ngộ; tự giác là tự lợi, giác tha là lợi tha. Kỳ thật, lợi tha cũng là tự lợi, tự lợi cũng là lợi tha.
Giới Bồ Tát là tập cho mình phá ngã chấp, phá được ngã chấp thì hết cái khổ sanh tử luân hồi. Hành đạo Bồ Tát là tự lợi cũng là lợi tha, 48 điều khinh phần nhiều nói về lợi tha. Nếu mình thọ giới Bồ Tát thì quỷ thần, hộ pháp ủng hộ, chư Phật cũng hoan hỷ. Đã được giới rồi thì phải có tâm hiếu thuận.
Tâm hiếu thuận và tâm từ bi giống nhau, vì hiếu thuận của Phật pháp không giống như hiếu thuận của thế gian. Hiếu thuận thế gian chỉ hiếu thuận cha mẹ và sư trưởng, còn Phật pháp là hiếu thuận tứ ân (ân Phật, ân cha mẹ, ân sư trưởng và ân chúng sanh).
Hiếu thuận cha mẹ là chỉ một ân trong tứ ân, hiếu thuận chúng sanh gồm tứ ân; vì cha mẹ, sư trưởng và Phật đều ở trong chúng sanh. Tâm hiếu thuận là mình phát tâm độ chúng sanh được giác ngộ, nên đối với cha mẹ và sư trưởng đều phải cung kính.
Vậy, gặp Hòa thượng, Thượng tọa, A xà lê (Thượng sư), bạn thân, người đồng kiến, đồng hạnh (như tham thiền với nhau gọi là đồng tham, tức là đồng hạnh), mình gặp phải đứng dậy nghinh tiếp; các vị lớn hơn, như: Hòa Thượng, Thượng tọa gặp thì phải lễ bái hỏi thăm. Trong thời của Phật, có người gặp vị Thượng tọa lễ bái, chấp tay hỏi thăm "Thượng tọa có ít bệnh, ít phiền não, an lạc không"? Ở bên người Hoa chỉ có xá chào, chứ không có hỏi. Đáng lẽ ra phải vấn tín (hỏi thăm).
Trong này nói: "Bán thân, bán con trai, bán con gái,..." là có ý tận sức cúng dường, tùy theo sức mình cúng dường Tam bảo, vì mình đã quy y Tam bảo, cần sự giáo hóa của Tam bảo, theo đó mà thực hành đạt đến tự do tự tại vĩnh viễn, giải thoát tất cả khổ.
Cái ân đó rất lớn, nên mình tận sức mà cúng dường. Nếu không biểu thị cung kính, mà sanh tâm ngã mạn, hoặc còn nổi sân lên, không theo pháp cúng dường thì phạm tội khinh này.
2- GIỚI UỐNG RƯỢU
Chánh văn:
Nếu Phật tử cố uống rượu, mà rượu là thứ làm cho người uống hay sanh ra vô lượng tội lỗi. Nếu tự tay trao chén rượu cho người uống, sẽ mang ác báo: Năm trăm đời không tay, uống là tự uống. Cũng chẳng đặng bảo người và tất cả chúng sanh uống rượu, uống là tự mình uống! Tất cả thứ rượu, Phật tử không được uống. Nếu mình cố uống cũng bảo người uống, Phật tử này phạm "khinh cấu tội".
Giảng giải:
Cư sĩ thọ 5 giới, trong đó có một giới uống rượu, không có giới bán rượu, tức là uống rượu thì phạm và bán rượu thì không phạm.
Giới Bồ Tát lại khác, bán rượu tội nặng, uống rượu tội nhẹ, vì uống rượu chỉ hại mình, còn bán rượu thì hại người. Giới Bồ Tát là lợi tha, mà nghịch lại hại người khác, cho nên tội nặng. Ở trong 10 điều trọng không được bán rượu, còn ở đây uống là tội khinh.
Phật tử thọ giới Bồ Tát không được uống rượu. Rượu không có tội lỗi, nhưng uống rượu say rồi có thể phá giới trước làm ra tội lỗi, nên trong Phật giáo cấm uống rượu. Nếu đưa chén rược cho người uống, phải mắc quả báo 500 đời không tay, huống chi mình uống, cũng không được dạy người uống, không đượcc dạy tất cả chúng sanh uống, tức là tất cả rượu không được uống.
Theo giới uống rượu thành tội, cũng có 4 nhân duyên:
1- Rượu đó uống say.
2- Mình cho nó là rượu.
3- Cố ý uống rượu.
4- Uống rượu vào cổ họng.
Có khi người ta dùng rượu để làm trong đồ ăn, nhưng ăn đồ thì không phạm hay là cơm rượu để ăn uống không say thì không phạm. Nếu mình lấy các thứ để uống, lại uống nhầm rượu, không cho nó là rượu cũng không phạm. Uống rượu thiếu 1 trong 4 nhân duyên thì không phạm.
Nếu tự mình uống rượu hoặc đưa rượu cho người uống thì phạm giới khinh này.
3- GIỚI ĂN THỊT
Chánh văn:
Nếu Phật tử cố ăn thịt. Tất cả thịt của mọi loài chúng sanh đều không được ăn. Luận về người ăn thịt thời mất lòng từ bi, dứt giống Phật tánh; tất cả chúng sanh thấy đều tránh xa người này. Người ăn thịt mắc vô lượng tội lỗi. Vì thế, nên tất cả Phật tử không được ăn thịt mọi loài chúng sanh. Nếu cố ăn thịt, Phật tử này phạm "khinh cấu tội".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét