Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Phật Giáo Nhật Bản thương cảm cho Pê Đê



Đồng tính luyến ái trong truyền thống Phật giáo Nhật Bản


TALAWAS LƯỢC DỊCH




“Lạc thú cũng phải được học như bổn phận vậy” Ruth Benedict

  • Từ đầu lịch sử tới nay, tín ngưỡng bản địa Nhật Bản, đạo Shinto, đã giữ một ý thức hệ tích cực đối với tình dục, đặc biệt với vai trò của tình dục trong việc duy trì nòi giống. 
  • Tới tận bây giờ người ta vẫn có thể chứng kiến những ngày hội làng có những dương vật tạc bằng gỗ khổng lồ được đem ra khỏi điện thờ và rước quanh ruộng đồng để cầu xin sự mầu mỡ. Khác với huyền thoại trong Đạo Thiên chúa, khi mà sự ý thức về giới tính của con người cũng đánh dấu sự sa ngã của họ, dẫn đến việc họ bị đuổi khỏi Thiên đường, thì trong thần thoại Nhật Bản, hai vị tổ thần của dân tộc Nhật, izanagi và izanami đã tỏ ra rất tò mò và thích thử nghiệm về tình dục. Mặc dù đạo Shinto không có một hệ thống thần học và lý luận về tình dục, nhưng khi bàn luận về tình dục thì bao giờ cũng coi đó là một điều tốt, một “con đường/đạo” (do) xuất phát từ tổ tiên. 

  • Sự nhập môn của Phật giáo ở thế kỷ thứ bảy là thử thách đầu tiên đối với tín ngưỡng nguyên thủy của Nhật Bản. Chính vì để phân biệt với Phật giáo, hay "đạo của Phật", nên các tín ngưỡng bản địa đã được gọi là Shinto, hay "đạo của thần thánh”. Tất nhiên, ta không thể định nghĩa một cách nhìn duy nhất của Phật giáo đối với tình dục, bởi Phật giáo luôn biến đổi qua những văn hóa và thời đại khác nhau, tiếp nhận và định nghĩa lại những yếu tố của những văn hoá mà nó du nhập vào. Tuy nhiên, cũng giống như trong Thiên chúa giáo, người ta có thể nêu ra một số đường nét và đặc điểm chung đúng cho mọi thời kỳ và có thể làm nền tảng cho một sự tổng quát hoá. Trước hết, Phật giáo thời kỳ đầu chia ra hai cách sống thích hợp cho người theo đạo: là tu sĩ và là cư sĩ. Tu sĩ không được phép sinh hoạt tình dục, còn cư sĩ thì tuân theo năm giới, trong đó giới thứ ba là không được tà dâm. Khác với sách xưng tội ở thời kỳ Trung Cổ của Thiên chúa giáo, các văn bản Phật giáo không giải thích tỉ mỉ và rõ ràng thế nào là “đúng” và thế nào là “sai”. Cũng giống như trong những lĩnh vực khác, khoái lạc tình dục nên được giữ đúng mực. “Hành động đem lại khổ đau và sầu não trong tương lai là hành động không nên làm. Hành động đem lại niềm vui và hạnh phúc là hành động nên làm” (Dhammapada). Thay vì gán cho một hành động bản chất tốt (punna) hay xấu (paapa), Phật giáo dùng mục đích của nó để đánh giá hành động ấy là khôn ngoan (kusala) hay không khôn ngoan (akusala). Đánh giá một mục đích là khôn ngoan hay không không phải dựa vào một danh sách có sẵn của một vị Chúa Trời, mà dựa vào khả năng giảm đi hay tăng lên dục vọng của nó. Trong Phật giáo, dục vọng là một vấn đề, không phải vì nó mang tính xấu, mà bởi vì nó tạo ra vướng mắc, và qua đó, khổ đau. 

  • Về cơ bản Phật giáo không đề cao việc duy trì nòi giống, bởi qua đó chúng sinh chỉ một lần nữa đầu thai vào thế giới trần tục (samsara) mà thôi. Điều này xung khắc với những văn hoá gốc của Đông Á, những văn hoá mà, dưới ảnh hưởng của Đạo Khổng, coi việc nối dõi tông đường như một nghĩa vụ đối với tổ tiên. Nhưng, mặc dù Phật giáo không coi trọng việc duy trì nòi giống và chưa bao giờ đề cập đến chủ đề này một cách cụ thể, Phật giáo Mahayana đã sử dụng những hình tượng mạnh mẽ xung quanh hành động làm tình như một công cụ. Từ thế kỷ thứ năm, ở bắc Ấn Độ, nhiều Phật phái đã sử dụng những hình ảnh tình dục để truyền tải giáo lý, ví dụ như về sự đồng nhất (non-differentiation) giữa samsara và nirvana (niết bàn). Những vị Phật và Bồ tát nam được diễn tả trong lúc đang giao hợp với partner nữ của mình. Tu sĩ và cư sĩ đôi khi vượt qua ranh giới của sự tượng trưng và đưa tình dục vào trong nghi lễ của mình. Nhưng cũng giống như những bài tập mang tính tình dục–yoga của Đạo Giáo chỉ có mục đích kéo dài tuổi thọ, những thực hành nói trên không dụng ý dẫn đến việc xuất tinh mà là để chuyển hóa năng lượng tình dục sang năng lượng tâm linh. Giáo phái Shingon của Phật giáo Nhật Bản, do Kuukai(774-835)sáng lập, đã xây dựng nên một dạng Tantra riêng của mình gọi là Tachikawa Ryu. Giáo phái này dậy rằng sự quên đi bản thân trong khi làm tình có thể dẫn đến giác ngộ. Quá trình phát triển này nói lên một khác nhau cơ bản giữa quan niệm về tình dục của Phật giáo và của Thiên chúa giáo. LaFleur nhận xét: “Ở châu Âu có lẽ không có một điều gì tương tự như việc Phật giáo Nhật Bản sử dụng tình dục như một hình tượng tôn giáo, thậm chí coi chính nó như một hành vi tôn giáo”. Điều nổi bật là có một số xu hướng trong Phật giáo Nhật Bản coi tình dục như một chuyện tính cực, tách khỏi nhiệm vụ sinh sản của nó. Việc tách tình dục ra khỏi nhiệm vụ duy trì nòi giống đã cho phép tình dục trở thành một biểu tượng tôn giáo và được nâng lên khỏi phạm trù gia đình. 

  • Ở Nhật Bản, ảnh hưởng của những hình tượng tình dục Tantric mô tả sự giao hợp giữa nam và nữ thực ra là không đáng kể. Quan trọng hơn là ảnh hưởng của những hình tượng cảm dục đồng giới và thậm chí tình dục đồng giới trong những tổ chức Phật giáo nam, nơi mà những chú tiểu đẹp được coi như hiện thân của nguyên tắc nữ giới. Việc Đạo Phật cho phép thậm chí tu sĩ cũng có những sinh hoạt tình dục đồng tính được thể hiện rõ qua huyền thoại nổi tiếng về người sáng lập trường phái Shingon, Kooboo Daishi (Kuukai), người đã nhập môn tình dục đồng giới vào Nhật sau khi đi tu học ở Trung Quốc về vào đầu thế kỷ thứ chín. Huyền thoại này nổi tiếng tới mức thậm chí Gaspar Vilela, một nhà du hành Bồ Đào Nha cũng nghe đến. Ghi chép vào năm 1571, ông phàn nàn về thói nghiện “kê gian” (sodomy) của những tu sĩ tại núi Hiei. Những ghi chép của những người truyền đạo Jesuit chứa đầy những ca thán về sự hiện diện khắp nơi của ham mê tình dục đồng tính trong chùa chiền Nhật Bản. Điều làm những nhà truyền đạo bực dọc là xem ra những thói quen này được chấp nhận rất rộng rãi. Cha cố Francis Cabral ghi lại trong một bức thư viết năm 1596 rằng “sự ghê tởm của da thịt” và những “thói quen ma quỷ” được “coi là danh giá tại Nhật Bản. Các ông bố có chỗ đứng trong xã hội giao phó con trai mình cho những vị sư để được dạy những việc như vậy và đồng thời để thoả mãn dục vọng của họ. Một cha cố Jesuit khác nhận xét rằng điều “ma quỷ này” lan truyền “rộng rãi” tới mức người ta “không kinh lạ mà cũng chẳng sợ hãi”, và chỉ ra rằng tình dục đồng giới trong tu sĩ Phật giáo không phải là điều gì đặc biệt. 

  • Những tu viện Phật giáo là những cộng đồng thuần về giới tính và thường hay ở nơi hẻo lánh và núi non. Điều này đã khuyến khích sự phát triển của một dạng dục cảm đồng giới nhất định liên quan tới những chú tiểu trẻ hay chigo. Những chú tiểu ít tuổi nhất, gọi là kasshiki, có thể chỉ năm tuổi và không cạo đầu mà để “tóc dài tới vai và rất đúng thời trang”. Chúng trang điểm mặt bằng phấn và “mặc quần áo bằng tơ tằm mịn và vận đồ bên trong với nhiều mầu sặc sỡ”. Colcut chỉ ra những vấn đề trong những tu viện ở thời Muromachi (1333-1568), bị gây ra bởi quan hệ tình dục với nam thiếu niên. “Sự có mặt của nhiều trẻ em trong thiền viện có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức độ kỷ luật”. Kết quả là “những thiếu niên đẹp và quyến rũ trở thành trung tâm của sự ngưỡng mộ trong những buổi lễ xa hoa. Điều này xa rời sự tìm kiếm bản thể giản dị được dạy bởi các bậc Thiền sư ngày xưa”. Những người phụ trách kỷ cương trong các thiền viện vất vả trong vấn đề này, hệt như triều đình Shogun không cấm được các nhà hát kabuki ăn mặc phô trương. Các điều luật ra đời hồi đó cấm sử dụng một số loại vải hay mầu sắc nhất định đều không mấy hiệu lực. 

  • Môi trường dục cảm đồng tính ở các nhà chùa thậm chí đã tạo ra hẳn một thể loại văn học, Chigo monogatari (chuyện chú tiểu), lấy tình yêu giữa chú tiểu và sư thầy làm đề tài. Những quan hệ dục cảm đồng tính này bắt nguồn từ cấu trúc gia đình của cuộc sống tu viện. Một trong những đề tài thông dụng của những tích này là chuyện một vị Phật, thường là Kannon, Jizoo hay Monjuschiri, hoá thân thành một chú tiểu trẻ đẹp. Chú tiểu dùng sự quyến rũ cơ thể của mình để gần gũi một vị sư già và giúp vị sư đạt được giác ngộ. Trong tích Chigo Kannon engi ở thế kỷ thứ muời bốn, Kannon biến thành một chú tiểu và trở thành người tình của một nhà sư đang khao khát có một người bạn đồng hành trong tuổi già. Sau một số năm khăng khít, chú tiểu qua đời, để lại nhà sư già tuyệt vọng. Lúc đó Kannon hiện ra, tiết lộ rằng mình chính là chú tiểu và giảng cho nhà sư về tính phù vân của vạn vật. 

  • Một số học giả cho rằng sự ngợi ca mang tính dục cảm đồng tính đối với những chú tiểu trẻ, quyến rũ cũng ảnh hưởng đến cách thể hiện những vị Bồ tát trong tranh và tượng. Dần dần Kannon, Monjuschiri, Jizoo, cũng như những nhân vật lịch sử khác như Kuukai và Shootoku Taishi (một hoàng tử được coi là đã đem Đạo Phật vào nước Nhật) được thể hiện là những “vị thần thiếu niên”, phản ánh những chú tiểu trẻ và đẹp trong các chùa chiền. 

  • Phản ứng của Phật giáo Nhật Bản trước môi trường dục cảm đồng tính nảy sinh khi tu sĩ và thanh thiếu niên sống chung nhau thật khác với phản ứng của Thiên chúa giáo trước những thể hiện dục cảm đồng tính trong môi trường tu viện, coi đó còn tội lỗi hơn là loạn dâm và truy phạt hết sức khắc nghiệt. Cách nhìn thoáng của Đạo Phật đối với tình dục, cũng như với những khía cạnh khác của bản chất con người, bắt nguồn từ quan niệm upaaya (các biện pháp khôn khéo). Upaaya không đánh giá bản thân các hành động, mà đánh giá mục đích và kết quả của chúng. Vì vậy, sự hấp dẫn tình dục, mặc dù trong thời kỳ đầu của Phật giáo bị coi là không trong sạch, có thể được sử dụng như một công cụ để truyền tải Đạo. Qua đó tu sĩ, mặc dù không được phép quan hệ tình dục với phụ nữ, có thể biện minh (hoặc giải thích) được cho quan hệ của mình với thiếu niên là để tạo nên một gắn bó tâm linh sâu sắc và lâu dài. 

  • Ngoài những chú tiểu đi tu để trở thành nhà sư, còn có nhiều thiếu niên khác lui tới môi trường tu viện, bởi tu viện cũng thường được dùng là trường học cho con cái của tầng lớp trên. “Những trẻ em này thường được sư thầy yêu mến. Chúng mặc quần áo đẹp đẽ, tỉa lông mày và trang điểm như con gái. Chúng là niềm tự hào của tu viện, và những đứa đẹp nhất và tài hoa nhất thì được khoe khắp trong vùng” (Frederic). Nhưng sự chiêm ngưỡng mang tính dục cảm đồng giới với một cậu bé học trò và việc cùng chăn gối với cậu là hai việc khác nhau. Vậy với mức độ nào thì cái không khí dục cảm đồng giới ở trong tu viện thực sự dẫn đến những hành động đồng tính luyến ái? Leupp dẫn ra một loạt những nguồn tư liệu văn học và nghệ thuật, chứng tỏ rằng quan hệ tình dục đồng tính giữa các sư và chú tiểu là rất phổ biến. Để dẫn chứng, ông trích một bản tuyên thệ với năm điều hứa của một tu sĩ 36 tuổi ở chùa Todaiji tại Nara, viết vào năm 1237: 

  1. Điều: Tôi hứa sẽ tu tại chùa Kasaki tới khi 41 tuổi
  2. Điều: Đã ngủ với 95 đàn ông rồi, tôi hứa sẽ không dâm dục với quá 100 người.
  3. Điều: Tôi sẽ không cặp kè với bất cứ cậu nào ngoài Ryou-Maru.
  4. Điều: Tôi sẽ không giữ con trai lớn tuổi trong giường.
  5. Điều: Tôi sẽ không làm nenja (vai người lớn trong một quan hệ đồng tính luyến ái) cho bất cứ ai trong số con trai lớn và nhỡ tuổi.

  • Đáng tiếc Leupp không chú giải bản tuyên thệ này dựa trên quan hệ với những bản tuyên thệ khác cũng được giữ trong chùa. Mặc dù đây có thể là một ngoại lệ (có 95 người bạn tình vào tuổi 36 thật không phải là ít, nhất là đối với một nhà sư), nhưng giọng văn của những lời hứa rõ ràng là nhẹ nhàng chứ không cực đoan. Ví dụ, nhà sư cho phép mình có thêm 5 người tình nữa, đó là ngoài quan hệ vẫn được giữ với Ryuo-Maru. Nhà sư cũng ghi thêm là những lời hứa này chỉ đúng cho kiếp này, chứ không áp dụng cho kiếp tới. 

  • Một dẫn chứng khác là truyện tranh Chigo no sooshi, gồm một loạt năm truyện có minh hoạ, ra đời khoảng thế kỷ 14 và được giữ trong chùa Daigo-ji. Chuyện diễn giải và vẽ tỉ mỉ cảnh một chú tiểu trẻ đang được người phục vụ thoa phấn và kem trơn vào hậu môn để giúp đỡ vị trưởng chùa già làm tình. Tác giả bài viết này đã được xem một bản copy của cuộn tranh này tại Thư viện quốc gia Anh, và xem ra nó gần với những tưởng tượng dâm đãng hơn là miêu tả sự thật: có một lúc người giúp việc bị kích khích tới mức anh ta van xin chú tiểu cho phép mình làm tình trước, và chú tiểu đồng ý. Điều này không thực tế lắm, bởi trong xã hội Nhật thì sự phân biệt đẳng cấp và coi trọng tôn ti trật tự là rất lớn. Tuy nhiên, việc cuộn tranh này được giữ tại một ngôi chùa như một báu vật quốc gia (tôi khó hình dung Vatican có thể giữ một tác phẩm tương tự trong kho của mình) nói lên rằng trong ý thức hệ của phật tử Nhật Bản tình dục có một chỗ đứng khác với quan niệm của Thiên chúa giáo. Một ý thức hệ không đánh giá một hành động là “đúng” hay “sai” về bản chất, mà dựa vào hoàn cảnh và mục đích của nó. Sự khác nhau về văn hoá này được ghi chép lại qua nhiều cuộc gặp gỡ giữa những người truyền đạo Jesuit và những nhà sư Nhật, trong đó tu sĩ Nhật bị chỉ trích là có những tập tục “không thể diễn tả nổi”. Đạo đức tình dục của xã hội Nhật tiền hiện đại không đàn áp và lên án đồng tính luyến ái như ở châu Âu, nơi mà đồng tính luyến ái bị ma quỷ hoá và bị truy đuổi bởi Nhà thờ bắt đầu từ thời Aquinas. 

  • Mặc dù việc săn đuổi sắc đẹp thiếu niên có thể là một trò tiêu khiển thông dụng của một số nhà sư Nhật thời trung cổ, nhưng trong một số văn bản, tình yêu con trai đã được bàn tới trên phương diện siêu hình (metaphysical). Shin’yuuki hay “Ghi chép của những người bạn tâm huyết”, một văn bản Phật giáo của thế kỷ 17, đưa ra lời giải thích siêu hình tường tận nhất cho tình yêu nam nam. Bản văn được viết như một sách giáo lý, trong đó một sư thầy trả lời câu hỏi của một chú tiểu về “đạo làm thiếu niên”. Trong đó, sắc đẹp của một thanh niên được coi là có một ý nghĩa siêu hình nếu như cậu bé đáp lại tình yêu do sắc đẹp của cậu mang lại ở một người lớn tuổi. Trong khi Thiên chúa giáo coi một quan hệ tình dục như vậy là mang tính quỷ Sa tăng, thì ở Nhật Bản thời đó, việc một người đàn ông cao tuổi yêu một thiếu niên được coi là một gắn bó mang tính nghiệp chướng (karma) tốt cho cả hai người. Ý niệm cơ bản ở đây là nasake, hay “đồng cảm”, một chữ quan trọng trong cả khái niệm đạo đức lẫn cái đẹp của Nhật Bản. 

  • Nếu một thiếu niên cảm nhận được sự thành thực trong tình cảm của một người đàn ông cao tuổi hơn, và qua đồng cảm đáp lại tình cảm đó một cách không vụ lợi thì được coi là gương mẫu. Người thầy lý luận rằng thoả mãn dục vọng là cần thiết cho đời sống tình cảm và việc chống lại tình cảm còn đem lại nhiều vấn đề hơn là nghe theo tình yêu của mình. 

  • Tuy nhiên, ta cũng không nên quên rằng những quan hệ dục tính đồng giới được tác phẩm trên ca ngợi kia chỉ xẩy ra trong một tình huống rất cụ thể: giữa một nam giới lớn tuổi và một thiếu niên trong vòng mấy năm trước khi thiếu niên trưởng thành. Sau đó, quan hệ đó sẽ mất đi tính tình dục và trở thành một quan hệ tinh thần và được coi là sẽ kéo dài vượt qua cả ranh giới của kiếp hiện tại. Ý nghĩa siêu hình của quan hệ này xuất phát từ ý thức của cả hai người về sự giới hạn thời gian của nó. Vẻ đẹp của tuổi trẻ chỉ kéo dài có vài năm và sẽ mất đi vĩnh viễn, vì vậy việc mong muốn thiết lập một quan hệ chỉ dựa trên sự hấp dẫn thể xác là vô ích. Nhưng vai trò của sự hấp dẫn thể xác trong việc làm khăng khít mối quan hệ hoàn toàn không bị phủ nhận, ngược lại, nó được coi là một điều hết sức tự nhiên. Faure có lý khi ông cho rằng quan hệ tình dục giữa sư và chú tiểu không chỉ giới hạn trong “làm tình”, mà còn đóng vai trò của một “đối thoại”. Phật giáo Nhật Bản là nơi tình yêu nam giới lộ diện rõ ràng nhất, là nơi nó đã trở thành một biểu tượng của người đàn ông lý tưởng (chứ không chỉ đơn giản là một mẫu hành động). Điều này rất gần với cái mà Foucault gọi là “kỹ thuật của bản thân” (technologies of the self), khi ông nói về quan hệ đồng tính nam giữa già và trẻ ở thời Hy Lạp cổ: 

“Đó là những thực hành (practices) được suy nghĩ chín chắn và tự nguyện mà qua đó nam giới không những đặt cho mình luật ứng xử, mà còn phấn đấu chuyển đổi mình, thay đổi bản thân, và biến cuộc sống của mình thành một tác phẩm nghệ thuật [une oeuvre] mang những giá trị thẩm mỹ và đạt được những tiêu chuẩn về phong cách nhất định”

  • Về mặt ý thức hệ và thẩm mỹ thì quan hệ giữa chú tiểu và nhà sư tuân theo những nguyên tắc nhất định, và không chỉ đơn thuần là quan hệ (đồng tính) luyến ái. 

  • Nhiều con trai của samurai được đào tạo trong các tu viện Phật giáo. Qua đó, mô hình tình bạn vượt thế hệ và mang tính chất tình dục của Phật giáo đã ảnh hưởng đến quan hệ nam nam trong môi trường thuần giới của samurai. Điều này đặc biệt xảy ra vào thời Tokugawa (1600-1857), khi phần lớn samurai tập trung ở những thành phố lớn như Edo (Tokio bây giờ), những nơi có ít phụ nữ. Có một mảng văn học rất lớn nói đến “giá trị đạo đức quan trọng của quan hệ tình dục nam nam của những samurai”. Những tuyển tập truyện ngắn như Nanshoku ookagami của Ihara Saikaku (“Tấm gương lớn của tình yêu nam giới”), tuyển tập thơ và truyện như Iwatsutsuji của Kitamura Kigin (“Hoa Azeleas dại”) và những sách đạo đức hướng dẫn sử sự trong tình yêu nam giới như Shin’yuuki (“Ghi chép của những người bạn tâm huyết”) hay Hagakure (“Dưới bóng lá”) vẽ nên một bức tranh cụ thể về cách làm tình lý tưởng trong tình yêu nam giới thời bấy giờ. 

  • Tương tự như sự diễn tả truyền thống của tình yêu nam nam trong chùa chiền giữa một chú tiểu trẻ và thầy của mình, những bài văn trên lãng mạn hóa tình yêu giữa một wakashu trẻ (một thiếu niên trước khi tới lễ thành niên của mình, vẫn còn tóc trước trán) và một người tình già, nenja (nghĩa đen là người nhớ đến người tình của mình). Những thiếu niên thường được miêu tả là đẹp, duyên dáng và quyến rũ, trong khi đó người tình cao tuổi thường được thể hiện là giận dữ, trung thành và dũng cảm. Mặt tình dục của những quan hệ này không được chú trọng, mà những yếu tố giáo dục và dạy giỗ được đề cao. Schalow viết “Những quan hệ này không phải chủ yếu là quan hệ tình dục, mà gồm cả những yếu tố giáo dục, chỗ dựa trong xã hội và hỗ trợ về tinh thần. Hai người cùng thề tôn trọng lý tưởng samurai. Vị trí samurai được tăng sức mạnh nhờ một quan hệ được lựa chọn kỹ càng”. Tình yêu cùng giới giữa một samurai và một thiếu niên cũng giống như tình yêu giữa chú tiểu và sư thầy ở chỗ tình dục được coi là một pha ngắn trong một quan hệ tình bạn kéo dài cả cuộc đời (sự thương mến của hai người thường được coi là số mệnh bắt nguồn từ duyên nợ của kiếp trước). Những quan hệ này không bị giấu diếm mà xảy ra công khai và phải tuân theo những quy ước nhất định. 

  • Lịch sử của dục tính đồng giới trong Phật giáo Nhật Bản thú vị bởi nó chỉ ra rằng “giới tính” cũng như “tình dục” không phải là đặc điểm cố định của cơ thể sinh học. Hơn thế, sex và giới tính là những biến cố văn hóa phức tạp xảy ra với cơ thể, ngược lại với những thực tại “sinh học” phát sinh từ bên trong cơ thể. Nhà tâm lý học Nhật nổi tiếng Doi Takeo cho rằng sự khác biệt quan trọng nhất giữa xã hội phương Tây và xã hội Nhật Bản là ở xã hội phương Tây, quan hệ nam nữ là quan hệ được đánh giá cao nhất, trong khi đó Nhật Bản nhấn mạnh đến quan hệ nam nam cũng như nữ nữ. Ông cho rằng đàn ông phương Tây phải chứng minh rằng mình là đàn ông qua khả năng cặp đôi với phụ nữ. Trong khi đó, quan hệ với những đàn ông khác thường đi kèm với sự cẩn thận và lo lắng bởi sự gần gũi thường hay được coi là biểu hiện của đồng tính luyến ái. Chính điều này cản trở đàn ông phương Tây có những quan hệ sâu kín với người cùng giới. Doi cho rằng ở Nhật Bản “cảm giác đồng tính luyến ái” phát triển rộng rãi hơn. Đồng tính luyến ái ở đây không hiểu theo nghĩa hẹp, mà theo nghĩa “khi gắn bó về tình cảm giữa người cùng giới mạnh hơn là với người khác giới”. Sự gắn bó tình cảm mật thiết này ít khi xẩy ra giữa những người bạn bình đẳng, mà thường mang tính cách mạnh/yếu, ví dụ giữa thầy và trò, giữa thành viên cao tuổi và thành viên trẻ tuổi của một tổ chức, thậm chí giữa bố và con trai hay mẹ và con gái. 

  • Tôi thấy ý kiến của Doi thú vị bởi những người hoạt động trong phong trào giải phóng phụ nữ và những nhà lý thuyết về giới ở phương Tây đều cho rằng “cái chết” của tình bạn nam nam trong lịch sử hiện đại và sự kỳ thị đồng tính luyến ái liên quan chặt chẽ với nhau. Doi cho rằng sự đề cao quan hệ khác giới, và cái mà Ueno Chizuko, người đấu tranh cho bình đẳng phụ nữ Nhật, gọi là “văn hoá cặp đôi” của phương Tây hiện đại, đã dẫn đến vị trí chủ đạo của quan hệ hôn nhân và sự xuống dốc của những quan hệ cùng giới. Michel Foucault cũng cho rằng trong thế giới của chúng ta quan hệ giữa người với người đã “nghèo nàn” đi bởi sự quan trọng quá mức của quan hệ gia đình: 

“Chúng ta sống trong một thế giới mà luật pháp, xã hội và hiến pháp làm cho những quan hệ của chúng ta trở nên rất ít ỏi, rất nghèo nàn và rất đơn giản. Tất nhiên, chúng ta có những quan hệ cơ bản về hôn nhân và gia đình, nhưng ngoài ra còn có biết bao nhiêu những quan hệ khác nữa có thể tồn tại…”.

Talawas lược dịch

___________________________________

Tài liệu tham khảo

Arntzen, Sonja, ikkyuu and the Crazy cloud Anthology, Tokyo University Press, Tokyo 1986.
Bech, Henning, When Men Meet: Homosexuality and Modernity, Polity Press, Cambridge 1995.
Benedict, Ruth, The Chrysanthemum and the Sword: Patterns of Japanese Culture, Routledge & Kegan Paul, London 1967.
Bloch, R. Howard, The Scandal of the Fabliaux, University of Chicago Press, Chicago, 1986.
Blofeld, John, Bodhisattva of Compassion: the Mystical Tradition of Kuan Yin, Shambala, Boston 1988.
Blomberg, Catharina, The Heart of the Warrior: Origins and Religious Background of the Samurai System in Feudal Japan, Japan Library, Sandgate 1974.
Blomberg, Catharina, Samurai Religion: Some Aspects of Warrior Manners and Customs in Feudal Japan, Uppsala University Press, Uppsala 1976.
Boxer, C.R., The Christian Century in Japan 1549-1650, University of Californian Press, Berkeley, 1951.
Brundage, James A., Law, Sex and Christian Society in Medieval Europe, University of Chicago Press, Chicago, 1987.
Childs, Margaret, 'Chigo Monogatari: Love Stories or Buddhsit Sermons?' in Monumenta Nipponica, 35:2, 1980.
Colcutt, Martin, Five Mountains: Rinzai Zen Monastic institutions in Medieval Japan, Harvard University Press, Harvard 1990.
Czaja, Michael, Gods of Myth and Stone: Phallicism in Japanese Folk Religion, Weatherhill, New York 1974.
Doi, Takeo, Amae no koozoo (Anatomy of dependence), Tokyo: Kobunsho 1985 [see John Bester for an English translation from Kodansha international 1973].
Dollimore, Jonathan, Sexual Dissidence and Cultural Change: Augustine to Wilde, Freud to Foucault, New York & Oxford, Oxford University Press 1991.
Faure, Bernard, The Red Thread: Buddhist Approaches to Sexuality, Princeton, Princeton University Press 1998.
Foucault, Michel, The History of Sexuality Volume 1, Penguin, London 1990.
Foucault, Michel, The History of Sexuality Volume 2, Penguin, London 1984.
Frederic, Louis, Daily Life in Japan at the Time of the Samurai, George Allen & Unwin, 1972.
Guth, Christine, 'The Divine Boy in Japanese Art' in Monumenta Nipponica, 42:1, 1987
Halperin, David, Saint Foucault: Towards a Gay Hagiography, New York & Oxford, Oxford University Press 1995.
Harootunian, H.D., Things Seen and Unseen: Discourse and ideology in Tokugawa Japan, University of Chicago Press, Chicago 1988.
ikegami, Eiko, The Taming of the Samurai: Honorific individualism and the Making of Modern Japan, Harvard University Press, Cambridge MA 1995.
Keene, Donald (transl.) Essays in idleness: Tsurezuregusa of Kenkoo, Columbia University Press, New York, 1967.
Kim, insook, 'A comparison of the Buddhist monastic communities of Korea, Taiwan and Japan and the sexism of the "Eight Rules"' in U.S.-Japan Women's Journal English supplement, no. 8, 1995.
LaFleur, William, R., Liquid Life: Abortion and Buddhism in Japan, Princeton University Press, Princeton 1992.
Leupp, Gary, Male Colors: The Construction of Homosexuality in Tokugawa Japan, University of California Press, Berkeley 1995.
Levering, Miriam, 'The Dragon Girl and the Abbess of Mo-Shan: Gender and Status in the Ch'an Buddhist Tradition', The Journal of international Association of Buddhist Studies, vol. 5, no. 1, 1982.
Levering, Miriam, 'Doogen's Raihaitokuzui and Women Teaching in Sung Ch'an', The Journal of international Association of Buddhist Studies, vol. 21, no. 1, 1998.
Levy, Howard, Japanese Sex Jokes in Traditional Times, Washington DC, Warm-Soft Village Press 1973.
Leyland, Winston, Queer Dharma: Voices of Gay Buddhists, San Francisco, Gay Sunshine Press 1998
Leysler, Conrad, 'Cities of the Plain: the rhetoric of sodomy in Peter Damian's 'Book of Gomorrah'' in The Romantic Review, 86:2, 1995.
Miller, Stephen D. (ed.), Partings at Dawn: An Anthology of Japanese Gay Literature, Gay Sunshine Press, San Francisco 1996.
Minamoto, Junko, 'Buddhism and the Historical Construction of Sexuality in Japan' in U.S.-Japan Women's Journal English Supplement, no. 5, 1993.
Paul, Diana, Women in Buddhism: images of the Feminine in the Mahayana Tradition, University of California Press, Berkeley 1985.
Schalow, Paul, translation of ihara Saikaku's Nanshoku ookagami (The great mirror of manly love), Stanford University Press, Stanford 1990.
Spence, Jonathan, D., The Memory Palace of Matteo Ricci, Faber and Faber, London 1985.
Sanford, James H., 'The Abominable Tachikawa Skull Ritual' in Monumenta Nipponica, 46:1, 1991.
Sedgwick, Eve, The Epistemology of the Closet, London, Penguin 1990.
Sponberg, Alan, 'Attitudes toward women and the feminine in early Buddhism' in Jose ignacio Cabezon (ed.), Buddhism, Sexuality and Gender, State University of New York Press, Albany 1992.
Watanabe, Tsuneo and Jun'ichi iwata, The Love of the Samurai: A Thousand Years of Japanese Homosexuality, GMP, London 1989.
Wilson, William, translation of Yamamoto Joochoo's Hagakure (in the shade of leaves), Tokyo, Kodansha international 1979.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét