Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Ý Trinh Huỳnh Môn theo Giới Luật

  • Đoạn Kinh Sách nói về Huỳnh Môn (giới Đồng Tính Luyến Ái - Gay thời nay)




PHẬT NÓI KINH PHẠM VÕNG 
BỒ TÁT
TÂM ĐỊA PHẨM LƯỢC SỚ
Dịch giả: Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Trí Hải (tự Như Hải)

Phần hai
GIẢI THÍCH KINH VĂN

V. KẾT GIỚI


Bấy giờ đức Thích Ca Mâu Ni mới thành đạo Vô thượngChánh giác dưới cội Bồ đề, Ngài bắt đầu kết Bồ Tát giới dạy rằng: “Hiếu thuận Cha Mẹ, Sư Tăng, Tam Bảo, hiếu thuận là pháp chí đạo, hiếu cũng gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn.”

  • Giải thích:

Khi đức Thích Ca Mâu Ni mới thành đạo Vô thượng Chánh giácdưới cội Bồ đề, Ngài bắt đầu kết “Bồ Tát giới ” :Đây là các nhà kết tập , nói rõ khi Phật mới thành đạo, Ngài kết giới Bồ Tát trước hết, vì giới là thuyền bè vượt qua biển khổ, là bè báu để trở vềcội nguồn.

Vô thượng Chánh giác , nghĩa là không có cái giác nào ở trên quả vị Phật nữa nên gọi là vô thượng. Thanh văn, Bích chi Phậtthì cái biết của họ chưa phải chân chánh, vì chỉ mới ngộ được ngã không, chứ chưa biết được pháp không nên gọi là Thiên giác, chứ không phải là Chánh giác.

Còn hàng Tam Hiền (Trụ, Hạnh, Hướng), Thập Thánh cho đến Đẳng giác Bồ Tát tuy chánh giác nhưng vẫn còn tiến tu nên không được gọi là Vô thượng, mà chỉ gọi là tùy phần giác mà thôi. Phật thành tựuquả Diệu giác viên minh, độc tôn, nên gọi là Vô thượng Chánh giác. Nói giới của Bồ Tát chính là vượt xa giới của Thanh văn.

Tuy Phật đã kết giới Bồ Tát mà chưa chỉ rõ vấn đề trọng yếu của giới, nên nay lấy hiếu thuận làm giềng mối của giới, khéo phụng sự dưỡng nuôi gọi là “hiếu”. Theo ý muốn không sanh trái nghịch gọi là “thuận”. Cha mẹ sanh thành nuôi dưỡng sắc thân, ân đó không gì sánh bằng.

Sư Tăng, chính là Hòa thượng A Xà Lê truyền trao giới pháp, là cha mẹ xuất thế, dạy bảo để ta thành tựu hạnh đức. Nên kinh ghi: “Thành tựu pháp thân, nuôi dưỡng trí tuệ mạng, là nhờ công đức của Sư trưởng, công ấy lớn lao không gì bằng.” Đây là nói luôn về Tam sư Thất chứng của Tiểu thừa, nên nói “Sư Tăng”. Tăng là người truyền trao giới và tôn chứng giới cho ta, tuy không phải địa vị là thầy, mà có ân thành tựu giới pháp.

Tam bảo, nghĩa là ba ngôi báu: Phật, Pháp và Tăng, sơ cơ phát tâm học đạo đã nương theo ba ngôi báu này. Phật là bậc cha lành cho chúng sanh trong ba cõi, Pháp là quy tắc xuất thế, Tăng là đệ tử của Phật. Ba ngôi Phật, Pháp, Tăng là ruộng phước của chúng sanh, là bậc đạo Sư của chúng trời người, Nếu hành giả hay cúng dường tôn kính, không trái khuôn phép, ấy gọi là hiếu thuận.

Hiếu thuận là pháp chí đạo, chí đạo nghĩa là đạo lý cùng tột, đó là chánh pháp vô lượng. Vì tâm hiếu thuận hợp với Đại đạo của pháp vô thượng chánh giác. Hiếu gọi là Giới, nghĩa là người hay thực hànhtâm hiếu, thì các giới đều đầy đủ. Bởi vậy, 58 giới trong đoạn sau, phần nhiều nói về tâm hiếu thuận, không trái với 10 giới trọng và 48 giới khinh, nên thuận với Tâm địa bổn nguyên. Bởi vậy, hiếu gọi là giới, hay cấm chỉ.

Đức Như Lai nói 58 giới này dùng để ngăn dứt những nghiệp bất thiện của thân, khẩu, ý, lại hay ngăn ngừa khiến cho vọng niệm không khởi, nên gọi là ngăn dứt. Hiếu là thể của giới, ngăn dứt là dụng của giới. Đó chính là đại dụng của 10 giới trọng và 48 giới khinh.

Từ nơi miệng Phật phóng ra vô lượng ánh sáng.

  • Giải thích:

Khi Như Lai muốn nói Đại pháp, trước hết phóng quang biểu hiện điềm lành, khiến cho thính chúngtrong pháp hội sanh lòng kính tin sâu xa. Đồng thời muốn nói rõ giới này là tối thắng, có công năng phát huy và phá trừ bóng tối, đủ năng lực diệt ác sanh thiện. Xưa đức Xá Na dùng hào quang, diễn thuyếtGiới Phẩm Tâm địa, nay Phật Thích Ca cũng phóng quang để truyền trao lại. Bồ Tát đến nghe và lãnh thọ, chính là từ kim khẩu Phật sanh ra, nên họ được gọi là Phật tử chơn chánh.

Bấy giờ có trăm vạn ức đại chúng, các Bồ Tát, mười tám cõi trời Phạm, sáu cõi trời dục, mười sáu đại Quốc vương, chắp tay chí tâm lắng nghe đức Phật tụng giới pháp Đại thừa của tất cả Chư Phật.

  • Giải thích:

Đức Như Lai xuất hiện nơi đời đều là có nhân duyên cơ cảm, nên người, trời, phàm, thánh vân tập, gọi là đại chúng. Trăm vạn ức là nêu đại số tiêu biểu mà không ngoài hai chúng đồng sanh và dị sanh.

Hỏi: Thế nào là đồng sanh, dị sanh?

Đáp: Có hai nghĩa:

1. Tạp loại dị sanh, có muôn hình vạn trạng chẳng hạn như bát bộ v.v...Bồ Tát, chúng sanh, trời, rồng, quỷ thần được thân pháp Tánh đồng thân hình với con người, cho nên gọi là đồng sanh.
2. Bồ Tát đồng với nhân loại, thì gồm nhiều giai vị Bồ Tát, còn các loại khác là dị sanh, vì Pháp giới sai biệt.

  • Mười tám cõi trời Phạm gồm có 4 cõi thiền: 

1. Sơ thiền 3 cõi trời
2. Nhị thiền 3 cõi trời
3. Tam thiền 3 cõi trời
4. Tứ thiền 9 cõi trời.

  • Phạm là tịnh, nghĩa là tâm trần tục của họ đã thanh tịnh chỉ còn sắc thân, nên gọi là sắc giới. 

  • Sáu cõi trời dục, nghĩa là chúng thiên ở cõi trời dục, tham đắm ngũ trần dục lạc không có tâm nhàm chán nên gọi là Dục giới thiên, gồm có 6 cõi trời: 
1. Tứ thiên vương, cõi này ở lưng chừng núi Tu Di.
2. Đao Lợi thiên, cõi trời này ở đỉnh núi Tu Di.
Hai cõi trời này gọi là Địa Cư thiên.
3. Diệm Ma thiên.
4. Đâu Xuất thiên.
5. Hóa Lạc thiên.
6. Tha Hóa Tự Tại thiên.
Bốn cõi trời này gọi là Không Cư Thiên, như trước đã giải thích.

  • Mười sáu đại Quốc vương là: 

1. Ương Già
2. Ma Kiệt Đà
3. Ca Thi
4. Kiều Tát La
5. Bạt Kỳ
6. Mạt La
7. Chi Đề
8. Bạt Sa
9. Ni Lâu
10. Bàn Xà La
11. A Thấp Bà
12. Bà Ta
13. Tô La
14. Càn Đà La
15. Kiếm Phù Sa
16. A Bàn Đề.

  • Các nước này vốn là địa phận của 5 xứ Thiên Trúc, tất cả có hơn 70 nước nhỏ, nay chỉ nêu số lớn là bao quát cả số nhỏ. 

Hỏi: Dưới cội Bồ đề làm sao có thể vân tập cả trăm muôn ức đại chúng được?

Đáp: Như kinh Hoa Nghiêm chép: “Lầu các và cung điện dưới cội Bồ đề đầy khắp mười phương, do thần lực của Chư Phật gia bị, chỉ trong một niệm thảy đều bao gồm cả pháp giới.” Nên trong hội Niết Bàn, cả rừng Ta La Song Thọ, chừng bằng đầu mũi kim, mà dung chứa cả vô biên chúng ngồi trong đó.

Thế thì có thể dùng phàm tâm và tri giác của hàng Nhị thừa mà suy lường được ư?

Chắp tay là biểu thị thân nghiệp cung kính, tay vốn có hai bàn hiệp lại làm một, ấy là thân tâm đều cung kính. Chí tâm là tâm thành ý nghiệp cung kính tột độ.

Thính giả là người nghe , tâm chuyên chú vào một cảnh nghe pháp. Tự tịch, thân, khẩu , ý, ba nghiệpcung kính thanh tịnh tự nhiên giới quang từ nguồn tâm thể sáng rỡ phát ra.

Đức Phật nói với các vị Bồ Tát: “Nay Ta cứ mỗi nửa tháng, tự tụng giới pháp của Chư Phật. Tất cả hàng Bồ Tát mới phát tâm các ông, cho đến các Bồ Tát Thập Phát thú, Thập Trưởng dưỡng, Thập Kim cang và Thập Địa cũng tụng giới này. Vì thế nên giới quang từ miệng Ta phóng ra, phóng quang là vì có duyên do, chứ chẳng phải là vô cớ. Giới quang ấy chẳng phải màu xanh, vàng, đỏ, trắng và đen; chẳng phải sắc pháp, chẳng phải tâm pháp, chẳng phải pháp hữu, pháp vô, cũng chẳng phải pháp nhân, pháp quả, nó chính là bổn nguyên của chúng Phật tử, vì thế nên chúng Phật tử phải thọ trì, đọc tụng, phải học kỹ giới pháp này.”

  • Giải thích:

Bồ Tát là bậc tôn quý của trời, người, vì thế Bồ Tát gồm đủ cả trời người, huống gì Đại sĩ là người thượng thủ trong chúng đương cơ, nên đặc biệt nói với họ.

Mỗi nửa tháng, nghĩa là nửa tháng trước hay nửa tháng sau, hoặc nói là “Bạch ngoạt, Hắc ngoạt” (tức hai ngày 15 và 30) . Bạch và Hắc là biểu trưng cho ác nghiệp và thiện nghiệp. Hắc là biểu trưng ác nghiệp, muốn dứt trừ ác nghiệp để thành tựu “Đoạn đức”. Bạch là biểu trưng thiện nghiệp, muốn viên thành thiện nghiệp thành tựu “Trí đức”, đây là khuôn phép của Chư Phật, nên Phật cứ mỗi nửa tháng thường tụng để thành khuôn phép quy củ cho Đại chúng, hiện tại cũng như vị lai, thọ trì đọc tụng giới pháp này.


  • Bồ Tát phát tâm, nghĩa là hàng Bồ Tát thập tín phát đại tâm, Tín có nghĩa là thuận theo, tin chắc thực không còn nghi ngờ gì nữa, là bước đầu của bậc Tam Hiền, là thềm thang của bậc Thập trụ. Tín vị gồm 10 bậc: 
1. Tín tâm
2. Niệm tâm
3. Từ tâm
4. Tịnh tâm
5. Định tâm
6. Bất thối tâm
7. Hộ tâm
8. Hồi hướng tâm
9. Giới tâm
10. Nguyện tâm.

  • Kinh Anh Lạc chép: “Từ phàm phu địa không biết gì, nay được gặp Phật và Bồ Tát, đối với giáo phápĐại thừa, họ khởi niềm tin, thì tâm Bồ đề nơi họ liền phát.” Những người có tín tâm như thế gọi là Bồ Táttưởng, hay Danh tự Bồ Tát. 

Người này thực hành sơ lược 10 tâm, tức là từ Tín tâm cho đến Nguyện tâm.

Thập Phát thú: Các vị Bồ Tát này từ Sơ Thập tín mà phát tâm, họ luôn hướng đến Phật quả nên gọi là Phát thú hay Thập Trụ vị, vì ở sau tín vị, trí tuệ của họ luôn trụ nơi lý, được ngôi vị bất thối, nên gọi là Trụ vị.

Thập trưởng dưỡng: Các vị ở ngôi vị Bồ Tát này từ chơn nhập tục, để làm việc lợi sanh, nuôi dưỡngthánh thai, nên gọi là Trưởng dưỡng, tức là Thập hạnh. Từ Thập trụ, họ phát chơn tỏ ngộ diệu lý, luôn tấn thú hướng tới nên gọi là “hạnh”.

Thập kim cang, chính là Thập Hồi hướng vị, hàng Bồ Tát này, trên bước đường tu hành luôn luôn chú tâm vào việc hồi nhân hướng quả, hồi hướng công đức của mình cho khắp tất cả chúng sanh, hồi hướng công đức năng tu và sở tu đến pháp giới. Tánh chắc như kim cang, không gì phá hoại được, nên gọi là “kim cang”. Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi hướng, 30 loại tâm ấy chia thành sơ, trung, hậu, đều là Bồ Tát ở giai vị “Tam Hiền”.

Thập địa: Là các bậc Bồ Tát ở ngôi vị này có trách nhiệm đưa người ra khỏi bể khổ sanh tử bằngphương pháp giáo hóa họ, mà luôn luôn trụ nơi Phật trí và làm chỗ nương tựa cho chúng sanh, cũng như đất liền sanh ra muôn vật. Lại nữa, đất này cũng là nơi sanh ra vô lượng pháp môn nên gọi là “Thập địa”. Đây là các Thánh vị trong hàng Bồ Tát. Như trước đã nêu, Bồ Tát là chỉ cho Đại sĩ từ sơ phát tâm Thập địa cho đến Đẳng giác Diệu giác, đều từ giới phẩm này mà thành tựu, giới này chính là Tâm địa pháp môn mọi người sẵn đủ.

Đây là nói từ phàm cho đến Thánh, mỗi nửa tháng cũng tác pháp bố tát, nên nói cũng tụng như vậy. Bởi vậy Phật trước, từ miệng phóng ra vô lượng quang minh, rồi nói. Nay cũng từ miệng phát ra ánh sáng là “duyên”, có duyên ắt phải có nhơn, nên phóng quang, đặc biệt hiển bày tánh thế giới này, là bổn nguyên tâm địa, không phải là vọng cảnh, nên nói không phải xanh, vàng, đỏ, trắng và đen , v.v... vì không vướng vào vọng tình nên không là sắc, là tâm. Không xa rớt vào hai bên Đoạn và Thường, nên nói chẳng phải có, chẳng phải không. Thể của nó vốn tự viên thành, không lạc vào pháp quyền thừa tu chứng mà có, nên không phải nhơn và quả.

Chư Phật dùng Tâm địa giới này làm cội gốc tu hành. Bồ Tát tu pháp lục độ vạn hạnh tự lợi và lợi tha, cũng y vào Tâm địa giới này làm nền tảng tấn tu.

Tất cả chúng sanh thành Phật ở tương lai cũng y Tâm địa này làm căn bản tấn thú tu tập, thế nên Phật ba lần khuyên nhắc tất cả nên thọ trì , đọc tụng và học kỹ.

Hành giả khi lãnh thọ giới pháp, qua lối truyền dạy của giới, đưa vào tâm tư gọi là “thọ giới”, giữ gìn cẩn mật, không sai phạm gọi là “trì giới”. Miệng đọc tụng giới kinh gọi là “đọc tụng”, làu thông luật văn, thấu triệt nghĩa luật gọi là “thiện học” (học kỹ).

Phật tử lắng nghe: “Nếu là người thọ Bồ Tát giới rồi, không luận là Quốc vương, Vương tử, Bá quan, Tể tướng, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, mười tám cõi trời phạm, sáu cõi trời dục, thứ dân, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ, nô tỳ, tám bộ quỷ thần, thần Kim cang, súc sanh, cho đến kẻ biến hóa, chỉ cần hiểu được lời nói của Pháp sư, tất cả đều được thọ giới, đều được gọi là Thanh tịnh thứ nhất.”

  • Giải thích:

Phần này nêu bày bổn nguyên Tâm địa giới, mà tất cả chúng sanh sẵn đủ. Tâm địa ấy vốn xưa naythanh tịnh thể tự làu làu sáng rỡ, không nhiễm, không tịnh, không tất cả nên không lựa chọn sang hèn, trí ngu, cao thấp,v.v...

Người, chẳng phải người, cho đến phi nhơn , nếu ai có thể lãnh hội được lời truyền dạy của Pháp sư thì tất cả đều được thọ giới. Đó là điều đặc biệt nhứt của giới pháp Đại thừa. Từ Tâm địa giới này mà được, vì giới này thuộc về tâm giới, nên vấn đề lãnh thọ không như giới Thanh văn (Tỳ kheo ni giới). Khihành giả lãnh thọ, cần phải đủ năm duyên mới thành tựu giới pháp, năm duyên ấy nếu thiếu, tác phápkhông thành. Hơn nữa, giới sư lại phải kiểm tra xác định lại, nếu giới tử nào vướng vào 13 giá nạn hoặc lục căn bất cụ không được thọ giới, còn Đại thừa Bồ Tát không như vậy, chỉ lựa bảy giá nạn, ngoài rađều gọi là Pháp khí thanh tịnh.

Tỳ kheo bẩm thọ giáo pháp của Phật, thế phát mặc áo hoại sắc là ngôi Tam bảo trụ trì ở thế gian, làm ruộng phước cho đời và khuôn phép cho người, trời. Nếu không phải là Pháp khí thì giới thể không phát sanh, do đó cần phải lựa chọn.

Còn Bồ Tát thành Phật quả là do tâm thành hoặc tại gia hay xuất gia ẩn hiện không nhứt định, nên chẳng phải là trụ trì thế gian. Vì thế, chỉ cần hành giả phát tâm Bồ đề liền được thọ giới.

Quốc vương là bậc nhơn chủ, Bá quan là văn võ triều thần, Tể tướng là bậc lớn giúp vua về Quốc sự.

Tỳ Kheo, Trung Hoa dịch là Trừ cẩn nam. Tỳ kheo ni là Trừ cẩn nữ. Khi Như Lai mới thành đạo, chưa có hai chúng xuất gia, nên trước cho phép hai chúng đều được thọ chánh giới này.

Thứ dân là trăm họ trong nước. Huỳnh môn là Hoạn quan nội giám, huỳnh là trung, vua sai người này giữ gìn trong nội cung, để giúp việc giao thông, sứ mạng của nội cung nhà vua. Nay chẳng luận nội quan hay phi nội quan, chỉ không có nam căn là Huỳnh môn.

  • Tám bộ Quỷ Thần gồm: 

1. Chư Thiên các trời dục giới, sắc giới, đây nói Bát bộ hoặc là Tứ Thiên vương trở xuống ba cõi trời và các Thiên thần.
2. Các Rồng.
3. Chúng Dạ xoa, Trung Hoa dịch là Dõng kiện quỷ.
4. Chúng Tu la, Trung Hoa dịch là Phi nhơn.
5. Chúng Càn thát bà, Trung Hoa dịch là Hương âm, Thiên đế Dược thần.
6. Chúng Ca lầu la, Trung Hoa dịch là Kim sí điểu.
7. Chúng Khẩn na la, Trung Hoa dịch là Nghi thần, Kỳ thần của trời Đế Thích.
8. Ma hầu La già, Trung Hoa dịch là Phúc hành Địa long (đi bằng bụng, bò sát đất).

  • Kim cang thần, tay cầm chày kim cang, xô dẹp tà ma, ủng hộ chánh pháp. 

Súc sanh là chỉ chung cho các loài lục súc (trâu, bò, chó, lợn, dê, v.v...) hình dáng chúng sanh này đi ngang bằng bốn chân hoặc hai chân gồm chung tất cả cầm thú.

Hóa nhơn là trời rồng quỷ thần, tự biến thân làm hình người để cầu thọ giới, như xưa có một con rồng hóa thành người đến xin thọ giới Tỳ kheo, Phật biết nên không chấp nhận.

Nay Tâm địa đại giới này thuộc về Đại thừa giới, cho tất cả chúng sanh đều được thọ giới, ví như Phật Thích Ca theo lời dạy của Phật Lô Xá Na khuyến hóa nhắc nhở cho tất cả loài hữu tình đều được thọ giới pháp này. Như nước trăm sông chảy về biển cả, đều không còn tên riêng của nó mà chỉ còn một vị nước biển mặn mà thôi. Vì khiến cho tất cả chúng sanh trở về bản nguyên tự tánh thì không còn phân chia giai cấp sang hèn, giàu nghèo, trí ngu, cao thấp nữa, chỉ đồng một tên Đại sĩ giới Nhứt Tâm địa mà thôi.

  • Kinh Anh Lạc chép: “Hành Bồ Tát đạo, nếu có trang thiện nam tử và thiện nữ nhơn nào, nhẫn đến kẻ nô tỳ, người biến hóa, tất cả đều được thọ giới, đều có tâm hướng đến Phật quả, vì sơ phát tâm xuất gia là muốn nối ngôi vị Bồ Tát rồi, trước nên thọ chánh giới vì chánh giới này là cội gốc Công đức tạng. Tất cả các hạnh chánh đồng với Phật quả đều từ giới này phát sanh.” 

Công năng của giới này, hay trừ diệt tất cả tâm niệm xấu, giới này là gương sáng chánh pháp.

Hỏi: Sao không nói cõi Vô sắc giới và địa ngục súc sanh?

Đáp: Cõi Vô sắc không có thân, địa ngục khổ có đủ, cả hai đều chẳng phải pháp khí (không kham lãnh nổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét