Chuyện cổ Phật gia: Khổng Tước Vương
Đức Phật Thích Ca từng nói ông đã tu luyện từ hàng ức vạn kiếp
về trước, điều này cho thấy trước khi hạ thế chuyển sinh thành Thái tử Tất Đạt
Đa rồi tu luyện đắc quả vị Như Lai, Thích Ca Mâu Ni cũng từng chuyển sinh vô số
lần, và trong một kiếp ông là Khổng Tước Vương.
Khổng Tước Vương có 500 vị Khổng Tước Vương phi, những phi tử
này thường theo Khổng Tước Vương du ngoạn núi rừng. Một ngày nọ, Khổng Tước
Vương trông thấy một nàng Thanh Tước vô cùng mỹ lệ, dáng vẻ thướt tha mềm mại,
nó lập tức sinh tâm ái mộ đối với Thanh Tước, lập tức rời bỏ 500 vị Khổng
Tước Vương Phi, đuổi theo Thanh Tước.
Khổng Tước Vương theo sau Thanh Tước, uống sương sớm thơm ngọt,
ăn trái cây mới tươi ngon trên cây, tiêu diêu tự tại dạo chơi. Lúc này, Quốc
vương trong hoàng cung vì Hoàng hậu sinh bệnh mà không ngừng lo lắng. Một
ngày trời tối, vị Hoàng hậu mộng thấy Khổng Tước Vương, sau khi tỉnh dậy
liền kể lại cho Quốc vương những gì đã chứng kiến, hy vọng ngài hạ lệnh bắt
Khổng Tước Vương. Quốc vương nghe Hoàng hậu nói xong, lập tức triệu tập tất
cả thợ săn và truyền: “Ai có thể bắt được Khổng Tước Vương, Trẫm sẽ ban
cho 100 cân vàng, và được cưới công chúa làm vợ”.
Tất cả các thợ săn nghe thấy phần thưởng hậu hĩnh, lập tức
đi vào núi tìm kiếm Khổng Tước Vương. Trong nhóm có một người phát hiện được
tung tích của Khổng Tước Vương, và nhìn thấy nó đi bên cạnh Thanh Tước. Vì vậy,
người này liền nghĩ đến một cách, mỗi ngày anh ta bôi vào các thân cây gần đó một
ít mật mạch. Khổng Tước Vương thường hay kiếm mật mạch cho Thanh Tước, dần dần
quen với cách kiếm ăn như vậy. Chớp lấy thời cơ, thợ săn tiến thêm một bước,
anh ta bôi mật mạch lên người của mình, thừa lúc Khổng Tước Vương đến gần lấy mật
mạch liền bắt được Khổng Tước Vương.
Khổng Tước Vương nói với thợ săn: “Thả ta ra, ta sẽ tặng cho
người cả một núi vàng”.
Thợ săn đáp: “Bắt được ngươi, Quốc vương sẽ ban thưởng cho
ta vàng và vợ, như vậy là ta thỏa mãn rồi”. Vì thế, thợ săn đem Khổng Tước
Vương về hoàng cung, hiến cho Quốc vương.
Khổng Tước Vương vừa thấy Quốc vương, liền nói: “Đại Vương
khoan đã, ta biết rõ ngài vì vợ yêu sinh bệnh, nên mới hạ lệnh bắt ta. Ngài có
thể mang nước lại đây, ta làm thần chú, rồi mang cho Hoàng hậu uống, tắm rửa,
nước này sẽ giúp cho bệnh của Hoàng hậu khỏi hẳn, khi đó ngài lại giết
ta cũng không muộn”.
Vì thế, Quốc vương sai người mang nước cho Khổng Tước Vương
làm phép, rồi mang cho phu nhân uống, uống xong bệnh liền khỏi. Đồng thời,
trong ngoài hoàng cung, chỉ cần có người bị bệnh, thì đều nhờ nước phép của Khổng
Tước Vương mà khỏi hẳn, bao gồm cả Quốc vương. Người đến lấy nước nhiều vô kể.
Do đó, Khổng Tước Vương nói với Quốc Vương: “Đại Vương, ngài
có thể dùng dây thừng cột chân ta trên cọc gỗ, để cho ta tự tại bay lượn trên hồ
làm phép, như vậy ta có thể làm hồ nước chữa bệnh cho nhiều người dân nữa đến lấy”.
Quốc vương vui vẻ tiếp nhận lời đề nghị này, vì vậy đóng cọc gỗ trong hồ, cột
chân của Khổng Tước Vương vào đó. Khổng Tước Vương bay lượn tự tại trên mặt hồ
làm phép, sau khi người dân uống nước, đủ loại chứng bệnh khó chữa đều khỏi hẳn,
cả người mù cũng có thể khôi phục thị lực, người điếc cũng nghe được âm thanh,
người lưng còng có thể đứng thẳng, người đi lại không tốt cũng có thể bước đi
như bay.
Lúc này Khổng Tước Vương lại nói với Quốc vương: “Đại Vương,
hiện nay tất cả những ác bệnh ở nước ngài đã được trừ hết, người dân cúng bái
ta giống như cúng bái Thần, ta không muốn rời đi nữa. Ngài có thể tháo bỏ dây
thừng cho ta, như vậy ta có thể tự tại bay lượn, buổi tối sẽ trở lại nội cung
nghỉ ngơi trên xà ngang”. Quốc vương nghe xong, liền sai người tháo dây thừng
cho Khổng Tước Vương.
Cứ như vậy đã qua hơn mấy tháng, rồi một ngày, Khổng Tước
Vương đứng trên xà nhà cười to, Quốc Vương bèn hỏi nó rằng vì chuyện gì mà cười.
Khổng Tước Vương đáp: “Ta cười thiên hạ có 3 điều ngu si; đầu
tiên là ta ngu, thứ hai là thợ săn, thứ ba là Đại vương ngài! Ta vốn có 500 vị
Vương Phi theo hầu, nhưng ta lại bỏ qua 500 người vợ đó để đi theo Thanh Tước,
bởi vì tham mê sắc tình mà lọt vào tay của thợ săn, đây là cái ngu si của
ta; thợ săn không quan tâm đến việc ta tặng cho anh ta cả núi vàng, nói rằng muốn
Quốc vương ban cho thê tử cùng vàng, đây là cái ngu si của người thợ săn; Đại
Vương ngài bắt được thần y ta, Hoàng hậu, thái tử và người dân trong cả nước đều
được trị khỏi bệnh, hơn nữa so với trước đây càng thêm trang nghiêm, ngài được
thần y như ta, không biết một mực trông coi, ngược lại còn thả cho ta tự do bay
lượn, đây chính là Đại Vương ngu si!”
Kể xong câu chuyện, Thích Ca Mâu Ni quay sang nói với Xá Lợi
Phất: “Khổng Tước Vương lúc đó chính là đời trước của ta, Quốc vương chính là
ngươi, Hoàng hậu là thê tử hiện nay của Đề Bà Đạt Đa (Điều Đạt), còn người
thợ săn kia chính là Đề Bà Đạt Đa (là anh em họ của Thái tử Tất Đạt Đa)”.
Có người cho rằng, 500 tín đồ ban đầu đi theo Đức Phật Thích
Ca chính là 500 Khổng Tước Vương phi, Thích Ca Mâu Ni sau khi chứng đắc Phật quả
đã quay lại độ chúng sinh trong thế giới Khổng Tước của mình khi xưa.
Khổng Tước Minh Vương là vị Tôn giả hầu cận Đức Phật
Khổng tước: con công. Minh: sáng. Vương: vua.
Minh Vương: Theo Phật Học Từ Điển, Minh Vương là chỉ những vị
Tôn giả hầu cận Đức Phật Thích Ca, thọ giáo lệnh của Đức Phật, hiện thân hàng
phục bọn ác ma. Các Tôn giả ấy có trí huệ và oai đức, đánh phá hết thảy các ma
chướng, ủng hộ các nhà tu hành chơn thật. Tuy là người hầu cận, nhưng các Tôn
giả cầm giữ giáo lệnh thì quyền uy cũng tựa như một vị Minh Vương.
Khổng Tước Minh Vương là vị Tôn giả hầu cận Đức Phật mà
nguyên căn là một con công, sanh vào thời Khai Thiên lập Địa, tu thành, vâng mệnh
Đức Phật cầm giữ giáo lệnh, hiện thân hàng phục bọn ác ma, ủng hộ các nhà tu
hành.
Nguyên có một con công được sanh ra từ thời Khai Thiên lập Địa,
tu hành nhiều kiếp, đạt được thần thông. Vào thời Phong Thần, chim công nầy hiện
thân xuống cõi trần là Khổng Tuyên, làm tướng cho vua Trụ, trấn giữ ải Tam Sơn,
được vua Trụ sai đem binh đi đánh Khương Thượng.
Khổng Tuyên có năm đạo hào quang ngũ sắc rất mạnh mẽ, có thể
thâu được các bửu bối Tiên gia và bắt các tướng dễ dàng. Các tướng của Khương
Thượng không ai đánh lại Khổng Tuyên, vì không có cách nào khắc chế đạo hào quang
ngũ sắc của Khổng Tuyên. Phải chờ Đức Chuẩn Đề Bồ Tát ở Tây phương đến mới thâu
phục được Khổng Tuyên.
Có đất có Trời đã có ta,
Thần thông luyện tập sức bao la.
Thuở nay đủ biết trong mùi Đạo,
Từ giã non Tiên giúp nước nhà.
Đức Chuẩn Đề Bồ Tát nói với Khổng Tuyên:
- Ngươi cùng Bần đạo có duyên phần, nên Bần đạo đến đây rước
ngươi về Cực Lạc. Ngươi là kẻ có phước, tu hành lâu năm, đáng được hưởng cảnh
thanh nhàn. Ở đây là cõi trần, không phải chỗ để ngươi cạnh tranh đường sanh tử.
Khổng Tuyên cười đáp:
- Lời ấy gạt ta sao được.
Chuẩn Đề Bồ Tát nói:
- Ngươi nghe ta đọc bài kệ nầy thì rõ:
Tây phương vui vẻ gọi Thiên đường,
Tích đức tu nhân mới được nương.
Giới cấm năm điều nêu sáng rỡ,
Từ bi hai chữ giữ hiền lương.
Khá theo thanh tịnh nơi am tự,
Chớ mến công danh giữa chiến trường.
Đổi cánh rụng lông thành chánh quả,
Múa men chi lắm chốn biên cương.
Khổng Tuyên nghe bài kệ, không thức tỉnh, lại nổi giận vung
đao chém Chuẩn Đề. Chuẩn Đề Bồ Tát cầm nhánh cây thất bửu gạt một cái thì đao
rơi xuống đất. Khổng Tuyên lấy roi vàng đánh tiếp, cũng bị nhánh cây thất bửu gạt
rơi xuống.
Khổng Tuyên chỉ còn hai tay không, liền vận hào quang ngũ sắc
chụp xuống Chuẩn Đề. Chuẩn Đề Bồ Tát đứng giữa hào quang, hiện ra 18 tay đều có
cầm bửu bối. Rồi nghe trong hào quang nổ lên một tiếng lớn, chẳng biết Chuẩn Đề
Bồ Tát làm phép chi mà áo mão của Khổng Tuyên nát bấy, rơi xuống đầy chân ngựa,
còn Khổng Tuyên đứng sửng bất động.
Chuẩn Đề Bồ Tát hiện pháp thân lại bình thường, đến trước mặt
Khổng Tuyên nói:
- Khuyên chớ mê sa đường thế tục, hãy cùng ta trở lại Tây
phương.
Nói dứt lời thì Bồ Tát mở dây lưng ra cột vào cổ Khổng
Tuyên, lấy thiết tiên gác lên vai bảo:
- Xin Đạo hữu hãy hiện nguyên hình, cùng ta trở về Tây
phương cho tiêu diêu khoái lạc.
Tức thì Khổng Tuyên hiện hình ra là một con công một mắt,
mình mẩy đỏ tươi cao lớn phi thường, gọi là Châu Khổng Tước. (Châu hay Chu là
màu đỏ).
Chuẩn Đề Bồ Tát cỡi lên mình Châu Khổng Tước, từ giã mọi người,
rồi vỗ lên đầu Khổng Tước một cái, chim công liền xòe hai cánh lớn chiếu hào
quang sáng chói, bay đi về hướng Tây mất dạng.
Kể từ đó về sau, Đức Chuẩn Đề Bồ Tát xuất du đều cỡi lên
chim Khổng Tước nầy.
Thuở sinh thời, Ngài Đạo Nhơn Trần Thạnh Mậu đọc Truyện
Phong Thần, rất thích đoạn nói về chim Khổng Tước, nên có làm bài thi vịnh chim
Khổng Tước. Ngài thường ngâm nga bài thi vịnh nầy:
THI:
Thượng cầm vui thú chốn lâm tòng,
Năm sắc tường quang có giống công.
Vỗ cánh Đẩu Ngưu che nắng hạ,
Xòe đuôi Nhựt Nguyệt đỡ mưa đông.
Mỏ son gáy ỏi vang đây đó,
Móng bạc cào tung động giáp vòng.
Khổng Tước lừng danh non Thứu lãnh,
Chở che bá điểu khỏi lo phòng.
ĐẠO NHƠN Trần Thạnh Mậu.
(Tài liệu của Tử Trình)
Lược Ý Hình Tượng Khổng Tước Minh Vương và Đàn Thành trong
Đông Mật Phật Giáo Bắc Truyền
Thích Tâm Mãn - 釋 心 滿
Đàn Thành Khổng Tước Minh Vương là một
trong những đàn thành nổi tiếng linh hiển nhất của Đông Mật, được rất nhiều Triều
Đình và dân chúng các nước Đông Phương dùng vào trong các pháp hội đàn tràng Hộ
Quốc, tiêu tai, cầu mưa, trừ ôn dịch, cầu bình an tăng phước thọ, tiêu bịnh tật.v.v...
Đàn Thành Khổng Tước Minh Vương có nguồn gốc từ Mật Giáo Ấn
Độ, Kinh Khổng Tước Minh Vương Chú được truyền vào rất sớm ở phương Đông. Đến đời
Đường, Mật Giáo thịnh hành, Ngài Bất Không Tam Tạng dich bộ “Khổng Tước Minh
Vương Họa Tượng Đàn Trường Nghi Quỹ”, và từ đây đàn thành của Mật Giáo tu trì
Khổng Tước Minh Vương được thiết lập.
Đàn Thành Khổng Tước Minh Vương là pháp hội, thánh thành,
nơi cung thỉnh Chư Phật Bồ Tát giáng lâm, chư Thiên, Hộ Pháp, Long Thần tập hội,
còn là nơi tu trì của các hành giả Mật Giáo, hành giả trụ trong đàn thành, trì
tụng thần chú “Khổng Tước Minh Vương” và được sự gia trì của chư Phật, Bồ Tát,
Thinh Văn, Thiên chúng trong đàn thành, nhân đó hành giả có thể đạt được đại tự
tại tâm, thành tựu hết thảy nguyện lực, thành tựu đạo Bồ Đề, để phổ độ chúng
sanh.
Hành giả Tu Pháp Khổng Tước Minh Vương, có thể nương vào
pháp lực của Khổng Tước Mimh Vương ứng hiện trong đàn thành, thể nhập vào Tam
thân, tu pháp xuất thế gian, diệt trừ tham, sân, si, mạn, nghi trong tự tâm của
chính mình, đạt đến đại an lạc, không còn bị các nghiệp chướng phiền não làm tổn
hại nữa, từ đó chứng được viên mãn trí huệ, giác ngộ, từ bi và nhanh chóng đạt
đến quả vị Vô thượng Bồ đề.
Trong các pháp hội đàn thành, tu trì quyền đảnh của Mật
Giáo, tùy theo tôn tượng được tôn trí trong đàn thành, để theo nghi quỹ mật
pháp của Bổn Tôn mà tu trì, nếu như trong đàn thành, tôn thánh tượng Khổng Tước
Minh Vương làm đàn chủ, thì phải quy y theo pháp của Ngài để tu trì, vậy nên
pháp của đàn thành này, được xưng là Khổng Tước Minh Vương Kinh Pháp hoặc là Khổng
Tước Kinh Pháp, còn đàn thành được gọi là Khổng Tước Minh Vương Đàn Thành, đây
là một trong tứ đại Pháp và Đàn Thành của Mật Giáo.
Khổng Tước Minh Vương, tiếng Phạm xưng là
Maha-mayura-vidi-rajni, phiên âm là Ma Ha Ma Du Lợi Du La Diêm, dịch là Phật Mẫu
Khổng Tước Minh Vương. Theo truyền thuyết Khổng Tước Minh Vương là lưu thân của
Đức Phật Tỳ Lô Giá Na và Đức Phât Thích Ca, là hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Mật
Giáo tôn xưng là Kim Cang Phật Mẫu hoặc là Hộ Thế Kim Cang.
Căn cứ theo Kinh Khổng Tước Minh Vương chép: “Một thuở nọ, Đức
Phật tại thế, có một vị Tỳ Kheo bị rắn độc cắn, đau đớn không thể chịu được. Bấy
giờ ngài A Nan đem việc này bạch với Phật. Phật bèn nói một câu thần chú, có thể
trừ diệt những sự đau khổ chướng ngại, quỷ mị, độc hại, ác tật… bài chú này là
Khổng Tước Minh Vương Chú”.
Ngoài ra trong Kinh còn chép về chuyện Đức Phật dạy về tiền
kiếp của Ngài khi hành Bồ Tát đạo có một kiếp Ngài là Khổng Tước: “vào thời rất
xa xưa ở trong núi tuyết có con chim Khổng Tước lông màu vàng kim, thường ngày
thanh tịnh trì tụng bài chú này rất là siêng năng tinh tấn, vì vậy luôn luôn được
thần chú bảo hộ bình yên an ổn, không ai có thể săn bắt nó được.
Một hôm Khổng Tước vì tham mê ái dục, cùng với rất nhiều con
chim khổng tước mái đi dạo chơi ở một khu rừng núi rất xa, mãi vui chơi nên Khổng
Tước quên mất trì chú, vì vậy mà bị thợ săn bắt được, lúc bị bắt nó hồi phục được
chánh niệm, liền trì tụng thần chú, cuối cùng thì thoát khỏi được sự vây bắt của
thợ săn, được tự do bay về núi của mình...”. Đây là điển tích do Đức Phật khai
thị để cho chúng ta biết sự có mặt của Khổng Tước Minh Vương và thần chú Khổng
Tước Minh Vương Đà La Ni.
Khổng Tước Minh Vương được dự vào hàng đại thánh của Mật
Giáo, có rất nhiều truyền thuyết. Chuyện xưa kể rằng, Khổng Tước Minh Vương vốn
là con Khổng Tước đầu tiên của thời khai thiên lập địa, qua suốt mấy ngàn năm
ngày đêm tu hành khổ luyện thành tựu phép Ngũ sắc thần quang, sau đó được Ngài
Chuẩn Đề Bồ Tát hóa độ, Khổng Tước phát nguyện theo Bồ Tát Chuẩn Đề tu hành và
làm bảo tọa cho Ngài ngồi, để đền đáp công ơn hóa độ.
Khổng Tước Minh Vương được xưng là Phật Mẫu, Truyền thuyết Mật
Giáo kể rằng, khi Đức Phật Thích Ca đắc đạo, Khổng Tước nuốt Đức Phật vào trong
bụng, sau đó lưng của Khổng Tước Minh Vương nứt ra, Đức Phật Thích Ca hiện ra
ngồi trên lưng của Khổng Tước, vết nứt liền lại, vì vậy Khổng Tước được xưng là
Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát.
Bảo tướng của Khổng Tước Minh Minh Vương trong Mật Giáo, thường
hiện thân một vị Bồ Tát có bốn tay, ngồi trên lưng của con chim Khổng Tước (con
Công) vì vậy nên gọi là Khổng Tước Minh Vương, gọi đủ theo Minh Vương bộ của Mật
Giáo là Phật Mẫu Đại Kim Cang Diệu Khổng Tước Minh Vương.
Hình Tượng của Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát, trong bốn tay của
Bồ Tát có trì bốn pháp bảo gồm có, Liên hoa, Cụ duyên quả, Cát tường quả, Lông
chim Khổng Tước. “Liên hoa” tượng trưng cho kính ái, “Cụ duyên quả” tượng trưng
cho sự điều phục, “Cát tường quả” tượng trưng cho sự tăng ích lợi, “lông chim
Khổng Tước” tượng trưng cho sự trừ tai ách, diệt khổ nạn.
Tượng Bồ Tát Khổng Tước còn một thân tướng nữa, thường được
tôn trí trong Đàn thành Thai Tạng Giáo, Mạn Đà La. Trong Đàn Thành Mạn Đà La, Bổn
tôn Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát là lưu thân của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, nên nhiếp
thọ và cụ túc hai đức từ bi và trí tuệ, Tôn tượng Bồ Tát thường ngồi trên hai
loại tòa hoa sen, nếu là ngồi trên hoa sen trắng tức biểu thị cho cho sự nhiếp
thu bổn thệ từ bi, ngồi trên hoa sen xanh, là biểu thị ý tướng hàng phục.
Trong Tô Tất Địa Viện của Thai Tạng Giới Mạn Đà La, Bổn tôn
Khổng Tước Minh Vương là vị Bồ Tát thứ 6, hình tướng của Bồ Tát trong nội viện
này, thân chỉ có hai tay, trì liên hoa và lông chim Khổng Tước, ngồi hoa sen
màu đỏ, xưng là Phật Mẫu Kim Cang Tam Muội Da Hình Khổng Tước Vũ.
Kinh điển nói về Khổng Tước Minh Vương, hiện nay trong Đại Tạng
Kinh của Phật Giáo có lưu tạng “Kinh Khổng Tước Minh Vương Chú” gồm có 6 bộ.
1. Bộ “Khổng Tước Vương Chú Kinh”: một quyển, do Ngài Cưu Ma
La Thập dịch
2. Bộ “Kim Sắc Khổng Tước Minh Vương Kinh Chú Kinh”: không
có tên người dịch
3. Bộ “Phật Thuyết Đại Kim Sắc Khổng Tước Minh Vương Chú
Kinh”: không có tên người dịch
4. Bộ “Khổng Tước Vương Chú Kinh”: do ngài Tăng Dà Bà La dịch
có hai quyển.
5. Bộ “Phật Thuyết Đại Khổng Tước Vương Chú Kinh”: do ngài
Nghĩa Tịnh dịch có ba quyển.
6. Bộ “Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương Kinh”: do ngài Bất
Không dịch có ba quyển.
Đàn Thành Khổng Tước Minh Vương được thiết trí theo “Kinh Khổng
Tước Minh Vương Họa Tượng Đàn Trường Nghi Quỹ” do Ngài Bất Không Tam Tạng Tổ của
Đông Độ Mật Giáo đời Đường dịch. Trong đàn thành gồm có ba Đàn Thành.
Đàn Thành thứ nhất: Nội viện Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát,
Bát diệp liên hoa mạn đà la, Nội viện của Phật Bồ Tát, Bích Chi Phật, Nội Viện
của Thanh Văn La Hán. Chư Phật Bồ Tát được an trí trong Đàn thành Khổng Tước
Minh Vương gồm có, Thất Phật quá khứ, Bồ Tát Di Lặc, mười hai vị Duyên Giác đại
vị cho chư Duyên Giác, 18 vị La Hán đại vị cho chư Thanh Văn, bên dưới chính giữa,
an trí tại trung ương đàn thành là bảo tượng Khổng Tước Minh Vương bằng tranh vẽ
hay là tượng hoặc giả an trí một chiếc lông Khổng Tước
Đại Khổng Tước Minh Vương là thân tướng lưu lại của Đức Phật
Tỳ Lô Giá Na, để độ chúng hữu tình, là thân tướng tối thắng nhất của tất cả các
thân tướng, cho nên vị trí đặt ở trung ương, cũng giống như đàn thành Ngũ Phật,
Đức Tỳ Lô Giá Na được tôn trí tại Trung ương, trong Đàn Thành này Khổng Tước
Minh Vương là Pháp chủ cho nên vị trí tôn trung ương đàn thành.
Đàn Thành thứ hai gồm có tám phương Thiên Vương và chư quyến
thuộc.
1. Đông Phương Đế Thích Thiên và chư Thiên chúng vây quanh.
2. Đông Nam phương Hỏa Thiên và chư Tiên ngũ thông khổ hạnh
vây quanh.
3. Nam phương Diệm ma Thiên Vương và Diêm ma giới, các loài
quỷ chúng vây quanh.
4. Tây Nam phương La Sát Vương và chúng quỷ la sát vây
quanh.
5. Tây phương Thủy Thiên và các vị Rồng vây quanh.
6. Tây Bắc phương Phong Thiên Vương và chư tiên nhân Trì
Minh vây quanh.
7. Bắc phương Đa Văn Thiên Vương cùng các chúng Dạ Xoa vây
quanh.
8. Đông Bắc phương Y Xá Na Thiên cùng các bộ đa quỷ chúng
vây quanh.
Chư Thiên, chư Tiên, Thiên tướng, thiên cung chư vị thiện thần,
vây quanh Đàn Thành. Tám vị Thiên Vương đại vị cho chư Thiên, 28 vị Dạ Xoa đại
vị cho chư Thần tướng, Cửu Diệu tinh tọa đại vị Thiên chúng, 12 Cung đại vị cho
hết thảy Thiên ty, Thiên sở, nội ngoại Thiên cung. Nếu như không cụ túc các tượng
pháp để an trí trong đàn thì cần phải dùng bài vị giấy để ghi tên của tất cả những
vị không đủ thần tượng, cũng như chư vị quyến thuộc của Khổng Tước Minh Vương,
tôn trí lên đàn như đã quy định, thì đàn thành mới cụ túc phước duyên thần lực.
Đàn Thành thứ ba là vòng thành ngoài cùng của đàn thành từ
phía Đông Bắc vòng một vòng theo tay phải, tôn trí tượng 28 vị Dược Xoa Đại Tướng,
và các quỉ chúng vây quanh.
Đàn thành tôn trí nhiều tượng Phật, Bồ Tát, Thánh chúng vì
nhân duyên thể hiện tánh của “Chư Phật Hải Hội” để chúng hội quy y Tam Bảo,
theo tâm pháp của Mật Giáo, quy y một vị Phật tức là quy y vô lượng chư Phật.
Quy y Khổng Tước Minh Vương tức là quy y Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, quy y Đức Phật
A Di Đà, quy y Đức Phật Thích Ca, quy y vô lượng Chư Phật.
Đàn thành Khổng Tước Minh Vương là nơi để hành giả làm Pháp
quán đảnh, quy y, cho nên phải cụ túc chư Phật, Bồ Tát và Thiên Thần. Pháp hội
Khổng Tước Minh Vương gồm có bốn pháp quy y. Pháp thứ nhất quy y Truyền Pháp
Thượng Sư, Pháp thứ hai Quy y Phật tức là quy y Đại Khổng Tước Minh Vương Phật.
Pháp thứ ba là quy y Kinh Khổng Tước Minh Vương, pháp thứ tư quy y Tăng, quy y
hết thảy quyến thuộc Khổng Tước Minh Vương.
Tâm niệm “Sát sát trần trần Hoa Tạng Giới”, nếu như một vị
Phật giải chưa hết các định nghiệp, thì công đức của nhiều vị Phật, Bồ tát,
Thánh chúng, sẽ hợp thành sức mạnh “Đại quang minh tạng”, thì sẽ không có nghiệp
lực, định nghiệp nào mà không thể không tiêu trừ, không thể không giải hết,
cũng ví như xưa kia Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên dùng pháp môn cúng dường đại
Tăng, nhờ thần lực của đại Tăng cứu mẹ không khác.
Hết thảy thần tướng Thiên vương trong đàn thành đều là hóa
thân của Khổng Tước Minh Vương. Bồ Tát nương theo tinh thần và thệ nguyện của
Kinh A Di Đà, có đoạn trong Kinh A Di Đà nói về thế giới Cực Lạc có vô số các
loại chim báu thuyết pháp, trong số các loại thánh điểu do Đức Phật Di Đà biến
hóa ra, để nói pháp độ sanh, trong đó có chim Khổng Tước, vì vậy Đức Khổng Tước
Minh Vương là hóa thân của Đức Di Đà, cho nên Ngài cụ túc tánh Vô Lượng Quang,
Vô Lượng thọ, Vô lượng Công đức, nên Đàn Thành của Ngài cũng là cảnh Giới Cực Lạc
trang nghiêm thanh tịnh. Chính vì vậy có công năng và đức lực chuyển hóa hết thảy
ác nghiệp, thành tựu hết thảy công đức.
Khổng Tước Minh Vương còn là Thọ dụng thân của Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni, trong thuở quá khứ, khi Đức Phật hành Bồ Tát Đạo có một kiếp
Ngài là Khổng Tước, vậy nên Khổng Tước Minh Vương cụ túc tánh, Thọ dụng thân của
Đức Thích Ca, Đức Phật Thích Ca lại là Giáo chủ cõi Ta Bà, vậy nên Khổng Tước
Minh Vương rất có duyên với chúng sanh ở cõi Ta Bà.
Khổng Tước Minh Vương là Lưu thân của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na,
là Hóa thân của Đức Phật A Di Đà, lại là Thọ dụng thân của Đức Phật Thích Ca,
cho nên thiết lập Đàn Thành tu trì Pháp Khổng Tước Minh Vương, là tập hợp tương
ưng hết thảy oai đức, phước báu, thần lực của ba vị Phật và vô lượng Chư Phật,
để làm năng lượng chuyển hóa nghiệp lực, thành tựu hết thảy các thắng duyên và
công đức.
Hành giả kiến đàn thành tu trì Pháp Khổng Tước Minh Vương,
nên dùng pháp tương ưng của tam thân Phật là Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân,
thể nhập dung hòa vào tự tánh của ba nghiệp của chính mình, tạo thành tam oai đức:
Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi. Dùng phước báo, nguyện lực, oai đức của Tam thân
chuyển hóa ba nghiệp thành Giới Định Huệ, nhân “Giới” nên Thân thường thanh tịnh,
chứng Vô thượng đạo, nhân “Định” nên Khẩu thường thanh tịnh, chứng Vô thượng đạo,
nhân “Huệ” nên Ý thường thanh tịnh chứng Vô thượng đạo. Tam thân cụ túc, Tam mật
tương ưng.
Người hành trì nếu có thể tương ưng như vậy, thì tự thân có
thể nhập được vào thể tánh của Đại Khổng Tước Minh Vương, cụ túc thần lực gia
trì cho tự thân, đồng thời có thể gia trì cho chúng sanh, chuyển hết các nghiệp
ác thành đại an lạc, chuyển hết các khổ đau thành đại hoan hỷ, chuyển hết các bịnh
khổ thành đại an khang, tất cả các nghiệp lực đều có thể nương đây mà tiêu trừ,
tất cả các oan khiên đều từ Đàn Thành này mà được giải kết.
Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát, Pháp tu và Đàn Thành của Ngài,
là Pháp tối thắng nhất đối với các hành giả tu trì Mật Tông, là phương tiện cứu
độ, giải trừ tai ách khổ nạn, tứ phước an lạc với tất cả những tín chúng có
nhân duyên với Mật Giáo, là cầu nối của Chư Phật, Bồ Tát, Thánh chúng với chúng
sanh, là sự thể nhập vi diệu nhất của Tam Thân vào trong Tam mật, của Hóa Thân
vào Ứngng Thân, của trần gian vào cỏi Thánh “Diệu Nhập Tam Ma Địa”, nguyện Phật
Pháp trường tồn, chúng sanh an lạc, Bồ Tát Khổng Tước Minh Vương trụ thế ứng hiện
chân thân, phổ độ chúng hữu tình, miễn tai giải ách, an lạc tự tại, đất nước
hưng thạnh, thiên hạ thái bình, phong điều vũ thuận.
Nam mô Đại Khổng Tước Minh Vương Phật Mẫu Bồ Tát Ma Ha Tát
Ý Trinh sưu tầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét