Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Ý Trinh phổ biến bệnh Áp xe

ÁP XE: CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Áp xe nóng là ổ mủ cấp tính khởi phát từ một vết thương nhiễm khuẩn hay mụn nhọt, có các dấu hiệu viêm cấp như sưng, nóng, đỏ, đau. Áp xe lạnh là ổ “mủ” hình thành từ từ, không có dấu hiệu viêm cấp; phần lớn trường hợp do vi khuẩn lao gây nên.

1. Áp xe nóng
Hình thành áp xe:
Về nguyên tắt, khi vi trùng xâm nhập tấn công cơ thể các bạch cầu đến bao vây vi trùng, cytokin được tiết ra gọi các bạch cầu đa nhân đến gây nên phản ứng viêm, tạo nên một vùng Viêm tấy (Phlegmon) trong đó xẫy ra cuộc chiến đấu giữa Bạch cầu, với sự trợ lực của các hóa chất gây nóng (làm yếu vi trùng) với các vi trùng xâm nhập: Đây là giai đoạn “Viêm tấy”. Dấu hiệu đặc hiệu trong giai đoạn này là: “Sưng, Nóng, Đỏ, Đau”.

Trong cuộc chiến này, xác vi trùng, bạch cầu cùng tổ chức hoại tử (tế bào chung quanh bị tiêu hủy do độc tố của vi trùng) dồn lại trong một võ bọc dưới dạng “Mủ”. Võ bọc này có tác dụng  khu trú không cho vi trùng lan ra ngoài nhưng đồng thời không để cho bạch cầu xâm nhập vào trong, bên trong là mủ (bao gồm tổ chức hoại tử, một ít vi trùng, bạch cầu, không có mạch máu): Đây là giai đoạn “Áp xe”.
Sự phân biệt 2 giai đoạn này rất quan trọng: Triệu chứng và điều trị khác nhau tùy theo giai đoạn.

Giai đoạn “Viêm tấy”: Kéo dài 2-3 ngày với dấu hiệu viêm cấp là sưng, nóng, đỏ, đau. Bệnh nhân thường đau nặng nơi bị sưng nề kèm nổi hạch quanh vùng. Toàn thân mệt mỏi, nhức đầu, sốt 38-39 độ C. Trong giai đoạn này, chườm bằng gạc thấm cồn hâm nóng để giảm đau, dùng thuốc kháng sinh diệt tụ cầu, kháng viêm,  trong 3 - 5 ngày. Dưới tác động của thuốc cùng sự chiến đấu của cơ thể, phản ứng viêm giảm dần. Có 2 khuynh hướng diễn biến:
Vi trùng bị tiêu diệt, ổ nhiễm trùng giảm dần, tiến đến khỏi trong 5-7 ngày: Tiếp tục điều trị với Kháng sinh + Kháng viêm cho đến khi khỏi.
Ổ nhiểm trùng giảm viêm nhưng dần hình thành ổ mủ (do xác bạch cầu, vi trùng và tổ chức hoại tử): chuyển sang điều trị áp xe.

-  Giai đoạn “Áp xe”: Vùng giữa chỗ sưng nề mềm ra, ấn lõm, có dấu hiệu “ba động”(tỳ đầu ngón tay trỏ vào một bên thành áp xe, ấn khẽ phía bên kia sẽ có cảm giác như sóng vỗ ở đầu ngón tay trỏ). Khi có mủ, các dấu hiệu toàn thân sẽ giảm dần. Làm công thức máu sẽ thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Khi đã có mủ, phải chích rạch, tháo hết mủ, dẫn lưu, thay băng mỗi ngày, tiếp tục dùng kháng sinh.

2. Áp xe lạnh
Thường xuất phát từ các u (bướu) tuyến bả, hạch lao… nhuyễn hóa (hoại tử tổ chức bên trong). Trong tổ chức hoại tử không có vi trùng.
Thành phần cấu tạo của áp xe lạnh khác hẳn áp xe nóng: “mủ” trong áp xe lạnh như chất bã đậu, không có vi trùng, thành áp xe có những điểm vàng xám ăn vào tổ chức lành. Nếu bị vỡ, áp xe lạnh thành một ổ loét lâu lành.
Việc chẩn đoán áp xe lạnh dựa vào các dấu hiệu lâm sàng. Cần xét nghiệm xem có phải do lao hay không và chụp X-quang phổi để phát hiện tổn thương ở các bộ phận liên quan như ổ lao  nguyên phát ở phổi và màng phổi (gây áp xe lạnh thành ngực) hoặc ổ lao nguyên phát ở cột sống (gây áp xe lạnh cạnh cột sống).

Điều trị
- Tại chỗ: Rạch tháo “mủ” qua tổ chức lành. Điều trị nguyên nhân.
Hoặc cắt bỏ gọn cả khối áp xe. Khi áp xe đã vỡ thành lỗ rò, phải mở rộng nạo thành áp xe, để hở. Khi vết mổ sạch thì khâu da thì 2.
- Toàn thân: Điều trị nguyên nhân gây ra áp xe lạnh (như Lao)
BS Nguyễn Ngọc Hiền


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét